Chẳng có gì để tuyên bố trước,
không có mối quan hệ nào giữa Mark Rothko và tôi.
Ông sinh ngày 25 tháng 9 năm 1903,
chết ngày 25 tháng 2 năm 1970.
Tôi sinh ngày 27 tháng 11 năm 1970
và tôi vẫn sống nhăn.
Chỉ là đôi khi tôi nghĩ về 9 tháng
cách ngăn giữa ngày tôi sinh và ngày ông lìa trần.
Chỉ vài ngày sau
cái buổi tinh mơ khi ông rạch cả hai cổ tay
trong căn bếp nối liền studio
thì cha mẹ tôi hợp thể
và rồi chẳng bao lâu một vụn sống
hẳn đã cư lưu bên trong tử cung ấm áp.
Trong khi đó nơi nghĩa trang New York cuối đông
cơ thể ông hẳn còn chưa rã nát.
Đó chẳng phải điều gì tuyệt vời,
chỉ cô đơn thôi.
Tôi hẳn đã trú chân như một hạt bụi
mà tim còn chưa đập,
không hay gì về chữ,
không hay gì về sáng,
không hay gì về lệ,
nằm bên trong một tử cung hồng.
Giữa chết và sống,
một tháng Hai như vách ngăn
cam chịu,
cam chịu,
đến khi lành lặn,
Dưới lòng đất đương tan còn giá băng hơn nữa
hẳn bàn tay ông, lúc đó, đang hư tàn.
2.
Mark Rothko và tôi 2
Nếu tách đôi hồn người
và xem ẩn gì trong đó, nó sẽ là thế này thôi.
Cho nên
đây là mùi máu huyết.
Bên trong lớp sơn lan muôn đời
không quét cọ, quét bằng bọt biển,
đỏ lặng lờ,
huyết hồn mùi của nó.
Nó dừng như vậy.
Hồi ức,
Điềm báo,
một chiếc la bàn,
và sự thật
rằng tôi chính là tôi
Một thứ gì đó rỉ ra,
Một thứ gì đó lan xa,
như sóng triều hữu hình,
nhập thành mạch tôi,
máu huyết người.
Giữa bóng đêm
và ánh sáng.
Đêm thăm thẳm
không vẳng thanh âm,
hay tia nắng,
một đêm trường tồn,
nằm cạnh tinh vân
nổ bùng từ thiên niên kỷ trước.
Có gì đó thấm lên
Có gì đó lan ra
Có gì đó trỗi dậy ngậm đêm máu me
trong miệng
như chú chim
vừa can qua đám mây
phát ra sấm sét
Nhập vào mao mạch tôi
huyết hồn người
3.
Một thứ được gọi là tim
Tôi nghiền ngẫm một từ bị xoá
Một bộ phận của cái nét mờ còn sót lại
Chỗ nơi ㄱ hay ㄴ gấp
khúc,
những ô trống đã rỗng đục
từ trước khi bị xoá,
những chỗ ấy tôi thấy mình muốn tiến tới
luồn vai
uốn eo
gập gối
mắt cá chân khép lại,
dẫu trái tim đã nhạt
cũng chẳng khiến thứ gì khác nhoà theo
một lưỡi dao tẩy chưa kỹ
cắt lìa môi tôi.
Kiếm tìm một chỗ tối hơn,
lưỡi tôi rùng mình cuốn lấy.
HAN
KANG
Người dịch: Hiền Trang
*
“Thám hiểm” chùm thơ của Han Kang, người vừa được trao giải Nobel
Văn chương năm nay, tôi thấy cô ấy rất đặc biệt. Cô ấy gần như khẳng định có mối
quan hệ khăng khít giữa Mark Rothko, danh họa kiệt xuất- và cô, Han Kang, thi
sĩ.
Cô ngầm thách thức những ai có thể phản bác mình:
Chẳng có gì để tuyên bố trước
Rằng:
không có mối quan hệ nào giữa Mark Rothko và tôi.
Một người sinh ra đầu thế kỷ, đã chết. Một người sinh sau người
kia hơn nửa thế kỷ, sống nhăn. Mối quan hệ giữa họ có thể chỉ là tưởng tượng,
có thể ngẫu nhiên nhưng cũng có thể có lý: người vừa lìa trần và 9 tháng sau, một
người được sinh ra. Khoảng cách thời gian đó đủ để hồn phách tiêu tan thành “hạt
bụi”, luân lưu và trú chân trong một tử cung hồng.
Và dù chẳng có căn cứ nào, nhưng nếu bạn không chấp nhận niềm
tin của cô thì bạn cũng không thể chứng minh điều gì. Bởi:
Nếu tách đôi hồn người
và xem ẩn gì trong đó, nó sẽ là thế này thôi.
“Thế này” là thế nào? Là “mùi máu huyết” mà thôi!
Chỉ có thứ gì đó đang tượng hình “bên trong lớp sơn lan đỏ lặng
lờ” mới cảm thức được “mùi hồn huyết” của chính nó.
Tôi không thể xác định được bài thơ dịch hay dở và sát nghĩa đến
mức độ nào, nhưng cám ơn người dịch thơ, có sự tinh tế khi phân biệt “huyết hồn”
và “máu huyết”. Theo quan niệm tâm linh, linh hồn hay thần thức không mất đi
sau khi chết. Linh hồn cùng “hồi ức” của nó lìa khỏi xác, tự chuyển hóa, tán tụ,
tự định vị như la bàn và tái sinh trong lòng mẹ:
Nó dừng như vậy.
Hồi ức,
Điềm báo,
một chiếc la bàn,
và sự thật
rằng tôi chính là tôi
Một thứ gì đó rỉ ra,
Một thứ gì đó lan xa,
như sóng triều hữu hình,
nhập thành mạch tôi,
máu huyết người.
Giữa bóng đêm
và ánh sáng.
Đêm thăm thẳm
không vẳng thanh âm,
hay tia nắng,
một đêm trường tồn,
nằm cạnh tinh vân
nổ bùng từ thiên niên kỷ trước.
Có gì đó thấm lên
Có gì đó lan ra
Có gì đó trỗi dậy ngậm đêm máu me
trong miệng
như chú chim
vừa can qua đám mây
phát ra sấm sét
Nhập vào mao mạch tôi
huyết hồn người
Sự hình dung, tưởng tượng và miêu tả vừa thực, vừa trừu tượng, vừa
ma mị như “huyết hồn”, như màu tranh vẽ của Mark Rothko: “Một thứ gì đó rỉ
ra/ Một thứ gì đó lan xa”… “Có gì đó thấm lên/ Có gì đó lan ra/ Có
gì đó trỗi dậy ngậm đêm máu me/ trong miệng”.
Vừa mãnh liệt vừa rất thơ: “một đêm trường tồn/ nằm cạnh
tinh vân/ nổ bùng từ thiên niên kỷ trước … như chú chim/ vừa can qua
đám mây/ phát ra sấm sét”.
Linh hồn qua một đêm thăm thẳm với hư không, với tinh vân rồi bừng
dậy, vút qua mây, phát ra sấm sét và nhập vào “thành mạch tôi”, “mao mạch tôi”
hình thành “huyết hồn người”. “Huyết hồn” là hồn ai? “người” ở đây là ai? Nếu
“người” viết hoa hẳn người đọc nghĩ đến Mark Rothko. Nhưng không, chữ “người”
viết thường, “và sự thật/ rằng tôi chính là tôi”! Là Han Kang!
Nhưng sự kết nối vô hình giữa Mark Rothko và cô Han, đó là “Một
thứ được gọi là tim”.
Có phải những rung động, những hồi ức đều liên quan đến tim? “Từ
bị xóa” là từ nào? Một cái tên? Hay cái bản ngã, tiềm thức đã mất? Những “nét mờ”
phải chăng là cảm thức còn sót lại để Han Kang linh cảm rằng cô rất giống, rất
gần gũi máu thịt với Mark Rothko? Điều đó khiến cô nao nức muốn muốn tiến tới,
muốn nhảy múa, muốn khám phá, muốn lấp đầy khoảng trống trong tim để kiếm tìm lại
phần bị xóa trong tiền kiếp:
những chỗ ấy tôi thấy mình muốn tiến tới
luồn vai
uốn eo
gập gối
mắt cá chân khép lại,
dẫu trái tim đã nhạt
cũng chẳng khiến thứ gì khác nhoà theo
Và cô như muốn ôm hôn cái bản ngã vô hình ấy. Rung động mãnh liệt
ấy là nỗi khát khao, thôi thúc, ám ảnh, kỳ dị đến rùng mình: Dù “một lưỡi dao
tẩy chưa kỹ /cắt lìa môi tôi” thì cô vẫn “Kiếm tìm một chỗ tối hơn/
lưỡi tôi rùng mình cuốn lấy”
Tựa đề “Mark Rothko và tôi”? Han Kang dường như tin rằng kiếp
trước mình là Mark Rothko, hay ít ra cô đánh giá mình gần như ngang bằng Mark
Rothko?
Đến đây, tôi chợt nhớ một danh ngôn:
Hồi tôi 20, tôi nói: “Chỉ có tôi”. 30 tuổi, tôi đã nói:
"Tôi và Mozart". 40 tuổi tôi nói: "Mozart và tôi". Còn bây
giờ tôi chỉ nói: "Mozart”. (Charles Gounod).
Phát ngôn của Han Kang tương ứng với tự kể của nhạc sĩ nổi tiếng
Charles Gounod ở độ tuổi 40, khi ông đã trưởng thành, biết người biết ta, biết
trước biết sau. Nhưng cuối cùng, ông nói: Mozart! Vậy, Han Kang khiêm tốn hay
có chút tự đề cao?
Một người trước đó đã được thừa nhận và nay đoạt giải Nobel thì
có kiêu hãnh cũng không vấn đề. Nhưng đó không phải là thông điệp mà Han Kang
muốn nói! Thật ra ở đây là sự đồng cảm, đồng điệu giữa những tâm hồn nghệ sĩ: một
góc khuất tâm hồn, họ rất cô đơn trong vinh quang! Không phải ngẫu nhiên mà Han
Kang đặt mình bên cạnh Mark Rothko, người họa sĩ tài hoa và bất hạnh? Không ai
có thể chia sẻ nỗi sợ hãi, khổ đau và cô đơn của Mark. Ông chết một mình, cũng
không để lại thư tuyệt mệnh vào “cái buổi tinh mơ khi ông rạch cả hai cổ
tay/ trong căn bếp nối liền studio”?:
Đó chẳng phải điều gì tuyệt vời,
chỉ cô đơn thôi.
Sau ánh hào quang, cũng chỉ là cô đơn thôi!
Chùm thơ còn là cảm nghiệm về sự mong manh, hữu hạn của phận người
trong muôn kiếp nhân sinh:
Giữa chết và sống,
một tháng Hai như vách ngăn
cam chịu,
cam chịu,
đến khi lành lặn,
Đề tài khác biệt, cấu trúc lạ, hình tượng thơ ma mị, khó hiểu
như tranh của Mark Rothko. Với “Mark Rothko và tôi”, lẽ nào, Han Kang, nàng thơ
kiêu hãnh và mạnh mẽ, cô ấy cũng rất cô đơn, dù trên hành trình nghệ thuật của
cô đầy hoa hồng và ánh sáng?
Doan
Phuong