Hôm nay thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024
Truyện dài - BA KIỂU SỐNG (37) (30/11/2022 04:04 AM)
Lê Nguyệt

Chương 37:
GẶP LẠI NGƯỜI XƯA
Chiều, giao hàng về, Dũng ghé mua cả nồi chè thưng của Đoan.
 


Đoan là cô gái nhỏ Dũng biết lúc nó còn ngủ trước cổng chùa. Đoan nhỏ hơn Dũng vài tuổi và thuở đó hai đứa chưa từng nói chuyện hay chào hỏi nhau. Khi ông Trí cha nó mất, nó ở lại chùa bốn mươi chín ngày, hàng ngày nhìn thấy Đoan làm công quả bên cạnh một phật tử. Nó cũng chưa hề quan tâm. Cho đến khi mới đây, nhìn thấy Đoan đi ngoài đường nó thấy ngờ ngợ như đã gặp ở đâu, rồi cũng vô tâm bỏ qua. Nhưng khi đêm về, nó cố lục lại trong trí nhớ coi mình đã gặp cô gái nầy nơi nào sao mà quen thuộc vậy. Cuối cùng nó mừng rỡ khi biết đó là cô bé năm xưa trong chùa. Tại sao cô ta không tiếp tục tu nữa vậy? Điều gì đã khiến cô bỏ chùa ra đời? Cô ta tên gì nhỉ? Cái tên cũng dễ nhớ mà ta? Nhưng chỉ là vô tình gặp ngoài đường biết có cơ hội gặp lại nữa không?
 
Hôm đó nghe cậu Dân nói Trân thích ăn chè thưng nóng nên nó tắp vô cái quán trên đường về mua vài bịch. Nói là quán cho sang chứ chỉ có nồi chè thưng nằm trên bếp than để chè luôn nóng được bày bán khiêm tốn trước cửa một tiệm ăn. Dũng bất ngờ và cảm thấy vui mừng khi cô bán chè là Đoan. Nó ráng hết sức nhớ ra tên của Đoan nhưng vẫn không nhớ được. Nếu như lúc xưa khi chưa gặp được Cúc, Dũng sẽ bàng quan trước Đoan nhưng bây giờ nó lại nghĩ khác. Nó biết Đoan bị cha mẹ bỏ rơi trước cổng chùa được sư cô nhặt vào nuôi. Hoàn cảnh của Đoan cũng đáng thương như nó. Cho nên Dũng nhất định phải làm quen với cô gái nầy.
 
Tiến lại gần, Dũng hỏi mua năm bịch chè, trong khi chờ đợi cô gái múc chè vào ly mủ, Dũng bắt chuyện:
- Anh nhìn em thấy quen quá. Hình như hồi nhỏ đã gặp em ở đâu phải không?
 
Cô gái ngước lên nhìn Dũng, ánh mắt buồn long lanh đẹp một vẻ kỳ cục đến nao lòng. Đoan lắc đầu:
- Anh muốn làm quen với tui sao?
 
Dũng hết hồn vội chống chế:
- Em đừng hiểu lầm. Là anh hỏi thiệt. Nếu như em ngại thì thôi.
- Anh nói đã từng gặp tui à? Vậy gặp ở đâu nếu anh nói đúng tui nhận liền. Tui cũng không ngại người ta biết về quá khứ của mình đâu.
 
Dũng ngập ngừng:
- Thôi để anh nói về mình trước xem em có nhớ không? Anh là thằng Xấu trước đây ngủ ở cổng chùa với cha anh. Sau đó cha anh mất chùa làm đám tang anh vô ở bốn mươi chín ngày đó. Ở trong ấy nếu như anh không lầm thì hình như anh đã gặp em.
Đoan mở lớn mắt nhìn trân trối vào Dũng, tay run run ngưng múc chè lại, nó kêu lên:
- Nhớ ra rồi. Anh Xấu.
 
Dũng cũng ngạc nhiên sao tự nhiên nó phực nhớ ra tên cô gái nầy trong khi mình đã cố rặn hoài mà không nhớ nổi:
- Em tên là Đoan phải không?
- Anh vẫn còn nhớ tên em à?
- Vì từ trước đến nay anh chưa từng quen biết với cô gái nào. À, anh đã tìm được mẹ rồi. Hiện giờ anh tên là Dũng đó. Anh có vựa trái cây gần khu công nghiệp Linh Xuân. Còn em?
- Chuyện em thì dài dòng lắm. Hôm nào có dịp sẽ kể anh nghe.
- Bây giờ em đang ở đâu? Buôn bán như vầy có đủ sống không?
- Em ở nhà trọ gần đây. Có một thân một mình sống sao cũng được mà anh.
- Cho anh địa chỉ đi. Tối nay anh sẽ đến tìm em để biết về nhau nhiều hơn.
 
Đoan đọc địa chỉ Dũng lưu vào điện thoại. Trong lòng nó vui khấp khởi nhưng chưa dám nói với mẹ, cậu và chị. Cậu hay nói với nó rằng xã hội bây giờ đầy dẫy lọc lừa. Nó mới gặp lại Đoan sau nhiều năm như vậy cũng chưa biết rõ về Đoan, nếu Đoan sống thác loạn thì sao? Nhưng một cô gái kiên nhẫn nấu nồi chè ngon bán từng ly kiếm sống Dũng nghĩ chắc hẳn là người đàng hoàng. Ký ức tuổi thơ của Dũng không có gì đáng để nó hối tiếc nhưng nếu như cho nó gặp lại người mà đã cùng nó sống chung một môi trường, người cũng có những ngày tháng đau thương cơ cực như nó thì chắc là nó sẽ nghe an ủi lắm. Dũng muốn biết nhiều về Đoan, muốn biết vì sao mà cô ấy lại bỏ chùa ra đi. Muốn biết cuộc sống của Đoan bây giờ có ổn định không, có khó khăn vất vả không và một điều lạ lẫm nữa là nhìn vào đôi mắt buồn não nuột của Đoan, Dũng linh cảm như cô ấy đã trải qua những biến động dữ dội trong đời.
 
Vậy là tối hôm đó, Dũng nói với mẹ rằng mình có hẹn với mấy bà chị bán trái cây cùng đi uống cà phê. Lâu lâu cũng tìm cách xã giao với khách hàng cho thêm sự gắn bó. Nó đã rành đường đi nước bước của cái xứ Bình Dương lắm rồi nên tìm phòng trọ của Đoan cũng dễ dàng. Đoan như biết trước Dũng sẽ đến gặp ngay nên cũng có tư thế chuẩn bị. Và rồi Dũng chở Đoan đến một quán cà phê sân vườn. Kêu hai ly sinh tố mãng cầu. Nhìn chăm chăm chăm mắt Đoan, Dũng trìu mến;
- Vì sao mà anh nhận ra em biết không?
- Vì sao?
- Vì đôi mắt của em. Đôi mắt sao mà buồn quá là buồn. Ngày xưa đã vậy bây giờ lớn ngần nầy rồi lại còn buồn hơn. Em sống không vui à?
 
Đoan cúi đầu xuống, hai tay đan vào nhau, giọng buồn hiu hắt:
- Bây giờ thì đỡ hơn nhiều rồi anh.
- Trước đó thì sao? Tại sao em không ở lại chùa? Anh tưởng lớn lên em làm ni cô luôn chứ.
- Lúc đó em cũng nghĩ vậy. Nhưng có nhiều chuyện xẩy ra nên thay đổi. Mà anh không về chùa thắp nhang cho cha anh mỗi năm sao?
- Bây giờ anh có chỗ ở ổn định rồi nên anh đem cha về thờ cúng. Có dịp thì lên thăm mộ cha nhưng anh không có ghé chùa. Lâu lâu chạnh nhớ tới thời gian đó, anh cũng lấy làm lạ, sao họ chưa từng kêu anh vào ăn bữa cơm chùa vậy hén?
 
Đoan mím môi ngẩng lên nhìn Dũng, nhếch miệng:
- Bên ngoài thì không biết hết được đâu anh. Sư cô cũng có người vầy người khác, không phải ai xuống tóc qui y thì đều có tấm lòng bồ tát đâu anh ơi. Họ cũng phân biệt phật tử nghèo giàu, tấm lòng không so với vàng bạc được. Lúc đó em đã gặp dì Ngọc, dì Ngọc là một phật tử ngoan đạo, hàng ngày đến chùa làm công quả, không ai biết gì về nhân thân của dì cả và dì cũng không tâm sự với ai. Dì Ngọc đặc biệt thương em, thấy em bị đày ải khi tuổi còn quá nhỏ, dì luôn bên cạnh che chở vỗ về. Em không kể ra nhiều đâu vì như vậy là phỉ báng nhà chùa.
 
Dù sao nơi đó cũng đã thu nhận và nuôi em. Em bị bỏ rơi trước cổng chùa và được sư cô Diệu Thiện ẵm vào chăm sóc. Sư rất thương em nhưng sư chết sớm quá nên em bị bơ vơ. Nhờ có dì ngọc. Nhưng khi em đến tuổi đi học cũng không ai nói gì tới chuyện cho em tới trường. Dì Ngọc hỏi em có muốn về ở với dì không? Dì không có gia đình, nghĩa là không có chồng cọn, chỉ ở một mình định phát tâm tu hành nhưng thực tế cho dì thấy tu tại chùa không bằng tu tại nhà. Dì muốn em về ở với dì để hủ hỉ. Lúc đó em mới có chín tuổi thôi nhưng em biết, theo dì thì đời sống của em dù có khó khăn nghèo đói không được ăn no như ở chùa nhưng chắc chắn sẽ vui hơn, sẽ phong phú hơn.
 
Vậy là em gật đầu. Dì xin chùa cho em về với dì. Nói chung cũng là cả một quá trình. Cuối cùng thì em cũng đi được. Nhà dì Ngọc ở Bình Hưng Hòa, cái nhà nhỏ xíu không đầy mười mét vuông nhưng hai dì cháu sinh hoạt và sống với nhau rất ấm cúng. Dì cho em đi học, dù lúc đó em lớn tuổi hơn các bạn cùng lớp nhưng vì đèo đẹt nên không ai nhận ra. Dì khai sinh lại cho em là con dì. Tuổi cũng sụt lại cho đúng với lớp học. Dì Ngọc nghèo lắm anh. Từ lúc có em về dì không đi chùa nữa, cũng không nhắc tới một lần nào. Sáng, đưa em đi học xong, dì ra chợ phụ người ta bán cá, chiều phụ quán cơm. Lúc đó dì mới có bốn mươi tuổi thôi. Dì thương em lắm và em cũng thương dì, xem dì như mẹ ruột. Em định học xong cấp hai rồi sẽ nghỉ, ra chợ phụ người ta bán cá thay dì để chờ đến tuổi xin làm công nhân, lúc đó em có thể để dì nghỉ ngơi được rồi. Nhưng khi em đậu vào cấp ba rồi thì dì không cho em nghỉ. Nói bằng cấp hai có ý nghĩa gì đâu. Muốn đổi đời phải có bằng Đại học. Chừng đó dì nghỉ làm để hưởng phước là vừa.
 
Em lên lớp mười, em lớn tuổi hơn bạn nên khôn hơn các bạn chung lớp. Ý thức được việc mình đi học bằng tiền mồ hôi nước mắt của dì nên em rất cố gắng. Hôm nào học buổi chiều thì buổi sáng chạy ra chợ phụ làm cá mướn với dì. Em làm cá nhanh và sạch lắm nên chủ vựa cũng thích em. Dì không cho em ra đó vì nói chỗ đó xô bồ xô bộn. Người ta chửi lộn đánh nhau suốt ngày, sợ em bị tiêm nhiễm nhưng em không nghe vì thấy dì quá cực, thêm em dì sẽ có thêm thu nhập. Buổi chiều nếu rảnh em tới chỗ quán cơm phụ dì rửa dĩa. Dì rầy kệ dì em không bỏ dì làm một mình được. Ai cũng cảm kích tình cảm của mẹ con em dù ai cũng biết em chỉ là được dì đùm bọc.
Cứ tưởng thời gian sẽ trôi qua như vậy, rồi em sẽ tốt nghiệp cấp ba, sẽ thi vào Đại học, sẽ ra trường kiếm việc làm nuôi dì. Ngờ đâu, ông trời quá tàn nhẫn với em, dì do lao động vất vả đã lâm trọng bệnh và không qua khỏi. Trước khi mất, dì kêu mấy người hàng xóm lại nói là nhà nầy cho em, không ai được quyền tranh chấp.  Mà ở đó biết bao lâu, em chưa thấy dì có bà con xa hay gần vậy thì ai mà tranh chấp chứ? Dì nói muốn ra ủy ban để làm di chúc nhưng chưa kịp thì dì đã mất. Anh thử tưởng tượng xem, em phải sống như thế nào đây?
 
Đoan bưng mặt khóc nức nở nghẹn ngào. Dũng thương quá chừng thương. Nó nắm tay Đoan xiết nhẹ:
- Vậy sao em không ở đó mà lưu lạc tới đây?
 
Đoan lấy tay áo lau mắt. Nó tức tửi một chút rồi lắng giọng xuống:
- Dì mất rồi em không còn điểm tựa để sống. Nhưng em không muốn làm dì thất vọng. Dù sao thì em cũng có cái nơi để chui ra chui vào dù chỉ còn một mình. Em vẫn đi học, chị bán cá và cô bán cơm vẫn cho em tới lui phụ giúp kiếm tiền độ nhật. Tưởng bình yên như vậy cho đến hết cấp ba, ít nhất em cũng có bằng tốt nghiệp thì xin đi làm cũng dễ dàng hơn. Ngờ đâu, trước nay em chưa từng thấy dì có bà con thân quyến gì, giờ bỗng mọc ra người em ruột. Bà nầy dắt đứa con gái trạc tuổi em đến giành nhà. Bà nói bà là ruột thịt của dì còn em chỉ là đồ bá vơ nên đuổi em đi. Hàng xóm láng giếng lên tiếng bênh vực. Dù em là đồ bá vơ nhưng khai sinh là con của dì, có hộ khẩu trong nhà đàng hoàng và trước khi mất dì đã trăn trối lại có láng giềng làm chứng là nhà nầy cho em. Bà ta khăng khăng cho rằng bà chưa từng nghe chị mình nhận con nuôi. Lúc đó thật sự em đã mười chín tuổi rồi nhưng trong giấy chỉ có mười sáu.
 
Mẹ con họ làm dữ lên nhưng có địa phương can thiệp. Cuối cùng bà ta thua, lại lấy lý do em còn quá nhỏ nên chưa được quyền đứng tên cái nhà phải cần người bảo hộ. Lúc đó em quá đau buồn có nghĩ gì đâu anh. Việc gì em phải cần bà ta bảo hộ chứ? Vậy là mẹ con bà dọn về ở. Trên đời chưa từng thấy ai ngang ngược như vậy. Nhà chỉ có một bụm, mẹ con bà ngủ trong phòng còn em phải ở ngoài. Đi học về là nhịn đói triền miên. Vì  vậy em  hay đi làm thêm, phụ làm cá, rửa chén và ăn cơm ngoài đường. Chưa yên thân, bà cứ kiếm chuyện chửi rủa hàng ngày. Được cái hàng xóm thương dì Ngọc và em, hễ bà chửi là họ qua chửi lại. Mấy chị ngoài chợ cá tức giùm, dạy em cách đối phó nhưng qua vài tháng như vậy, em quá mệt mỏi. Nghĩ lại, có cần chi mà tranh giành với bà ta? Vốn dĩ em chỉ cần tình thương của dì Ngọc thôi mà nay dì không còn, em ở lại đây có ý nghĩa gì nữa? Và cứ theo cái đà nầy, sống sót là may lắm rồi mong gì học thêm lên? Em suy nghĩ nhiều lắm và quyết định bỏ đi. Ở lại làm chi mỗi ngày đều bị tra tấn đầu óc. Em trình bày với cô bác hai bên, ai cũng cản và nói nếu em muốn đấu tranh giành nhà thì họ sẽ ủng hộ em bằng mọi giá. Nhưng em không còn tha thiết gì nữa. Hôm đó, mẹ con bà ta ra ngoài, em ôm di ảnh của dì Ngọc theo rồi lặng lẽ ra đi. Em đã ở nhiều chỗ lắm rồi. Vô chợ đầu mối nông sản để phụ bán cá một thời gian. Nhưng ở đó người ta hung dữ quá. Em xin vào phụ quán ăn. Được một thời gian thì quen biết với nhỏ bạn, nó nói dì nó sống một mình ở Bình Dương, con cháu làm ăn ở Sài gòn hết rồi. Dì nó bán chè thưng nổi tiếng nhưng một mình làm không xuể. Hỏi em có muốn lên phụ dì không? Em nghĩ người sống bằng nghề bán chè chắc tâm tính cũng đơn giản nên nhận lời. Vậy là nó dắt em lên gặp dì của nó. Dì Bích. Dì Bích khoảng sáu mươi tuổi rồi, có cái quán bán chè trước cửa nhà rất đông khách. Chè dì nấu rất ngon. Vậy là em được ở lại phụ với dì. Dì là một người vui vẻ sởi lởi. Biết hoàn cảnh của em nên dì cho ở lại coi như con cháu ruột thịt. Em lại lần nữa gặp may.
 
Nhưng ông Trời lại bất công với em tiếp tục. Nhà nước mở lộ, nhà của dì Bích bị giải tỏa cho nhà nước phóng đường. Dì dẹp quán chè, có tiền rồi các con rước dì lên Sài gòn sống không cho mẹ nấu chè thức khuya dậy sớm nữa. Dì dạy cho em bí quyết nấu chè ngon. Cho em mớ tiền để thuê nhà trọ và để lại tất cả dụng cụ cho em xài. Em nối tiếp dì bán chè là vậy. Chỗ em ngồi bán cũng là do quan hệ của dì mà ra. Dì nói nếu khó khăn gì hãy đến gặp dì. Dì có cho địa chỉ và số điện thoại nè.
 
Đoan nói tới đó thì mặt mày tươi tỉnh hẳn ra. Dũng nghe một thứ tình cảm lạ lẫm tràn vào lòng mình, thứ tình cảm nầy khác hẳn với tình cảm nó dành cho Trân. Dũng một tay nắm tay Đoan, tay kia vỗ vỗ vào bàn tay ngoan ngoãn của Đoan trong tay nó:
- Em quyết định vậy là đúng rồi. Nếu là anh, anh cũng sẽ mạnh dạn mà bỏ đi. Ở lại làm chi với thứ người đó. Cứ cho họ ăn dọng gì thì ăn. Mình còn trẻ, đời còn dài. Mình có đôi tay mà sợ gì đói. Em bây giờ không có người thân thích thì hãy xem anh như người nhà. Anh có bà ngoại, có mẹ, có cậu và chị. Cả nhà anh đều là người tốt.
 
Anh rất hạnh phúc khi gặp được mẹ. Hôm nào sẽ dắt em về nhà chơi cho biết.
- Người nhà anh có phân biệt đối xử với em không?
- Anh cam đoan là không. Không những chẳng phân biệt đối xử mà còn thương em hơn. Mẹ anh là người có tấm lòng bồ tát.
- Vậy sao lại bỏ rơi cha con anh như vậy?
- Để anh kể cho em nghe tất cả. Mẹ chưa hề bỏ rơi anh.
 
Và Dũng từ từ kể cho Đoan nghe về mình. Về cả một thời thơ ấu ăn bờ ngủ bụi nhận ông Nù làm cha tới khi gặp được mẹ Cúc cho đến bây giờ. Đoan mở lớn mắt theo dõi Dũng không sót một câu. Bàn tay nó vô tình xiết chặt lấy tay Dũng và nó khóc tự lúc nào.
 
Nghe kể xong, Đoan bùi ngùi:
- Cuộc đời anh em mình quá nhiều vất vả long đong nhưng may mắn cũng không phải một lần. Bây giờ mình đã lớn, tự nuôi sống mình rồi không phải nương nhờ vào ai. Những chuyện qua rồi hãy cho vào quá khứ. Nếu hôm nay không gặp anh, em cũng sẽ không nhắc lại những chuyện đau buồn đó với bất kỳ ai. Ở đây ai cũng nghĩ em ở xa, tới nơi nầy làm mướn rồi khi chủ đi thì ở lại tiếp tục nghề bán chè vậy thôi. Không ai biết gì về em hết.
- Anh cũng sẽ không nói với ai đâu em đừng lo. Nhưng anh sẽ nói với mẹ. Cứ vui vẻ lên, đời sẽ không bạc đãi ai. Lấy đi của mình cái nầy sẽ trả lại mình cái khác. Anh sẽ thường xuyên tới thăm em.
 
Tình bạn của Dũng và Đoan bắt đầu từ đó. Mỗi khi đi giao hàng Dũng cũng tranh thủ ghé ngang ăn ly chè. Buổi chiều thì mua gì đó đến phòng trọ hai đứa cùng ăn với nhau. Dũng chưa nói về Đoan với mẹ vì lúc nầy nó bận vun đắp tình cảm cho cậu và chị. Nhưng từ khi gặp lại Đoan rồi, Dũng cảm thấy mình vui hơn, có động cơ làm giàu hơn. Càng gần gũi Dũng càng nhận ra ngoài vẻ đẹp về thể xác Đoan còn có vẻ đẹp ở tâm hồn. Nó hy vọng ngày nào đó sẽ xin phép mẹ cho Đoan về phụ trông coi quán cho nó, tiện thể nấu chè bán cho công nhân. Sau nầy nếu hai đứa chung nhà thì còn hạnh phúc nào bằng.
 
Hôm nay, vì muốn cậu và chị có cớ để gặp nhau nên nó nói dóc với Trân là Dân nấu chè thưng. Dụng ý của nó là muốn bưng nguyên nồi chè của Đoan về, ngầm giới thiệu với chị tài nấu chè của Đoan.
 
Khi Dũng kêu múc hết chè cho nó, Đoan trợn trắng mắt:
- Anh ăn ngã nào?
Dũng cười hì hì kể kế hoạch của mình cho Đoan nghe. Đoan vừa cười vừa lắc đầu.
 
Xộc vào nhà Dân, Dũng bê cái nồi ra, trút hết mấy túm chè còn nóng hổi vào, Dân ngồi ngay bàn vi tính, quay ghế một vòng nhìn nó:
- Giở trò gì nữa đó mậy?
- Cậu chửi thì con chịu. Nhưng mà con đã nói với Hai là hôm nay cậu nấu chè thưng, món khoái khẩu của chị để đãi chị đó.
- Trời đất. Nó rành tao quá xá, biết tao nấu chè được sao?
- Vì tình yêu nên phải ráng chứ cậu. Ha ha ha.
- Mầy nhiều trò quá đi nhen.
- Chiều con với Hai qua đó, cậu liệu mà soạn giáo án tỏ tình đi nhen. Con qua choi xong tô chè thì về liền, trả không gian cho hai người.
 
Dũng nói xong vọt ra liền, nó sợ Dân đổi ý.
 
Bà Ba như chờ  Dũng từ chiều, vừa thấy mặt đã ngoắc lại, dòm nó trân trân như dò xét. Dũng bỗng linh cảm như sắp có chuyện gì xẩy ra, nó lo lắng:
- Chuyện gì mà ngoại nhìn con khẩn trương vậy ngoại?
 
Bà nắm tay nó kéo xuống gần, nói nhỏ:
- Ngoại có chuyện nầy muốn nhờ con. Ngoại biết như vậy là đường đột nhưng mong con nể mặt ngoại một lần.
 
Dũng hồi hộp:
- Mà chuyện gì vậy ngoại?
- Ngoại nói huỵch tẹt ra nhen? Con Thục nó lại thất nghiệp rồi. Nó biết trước nay vô phép với con nhưng bây giờ nó hối hận rồi. Nó kêu ngoại nói với con cho nó phụ ngồi trông tiệm, khách tới mua trái cây nó sẽ cân cho con tính tiền, tuyệt không dính líu gì đến tiền bạc, mỗi tháng con muốn cho nó bao nhiêu thì cho. Có ngoại ở đây sẽ dòm ngó nó. Con thấy sao Dũng?
 
Dũng nghe như trời đất đang sụp dưới chân mình.
 
Hết chương 37.
          Còn tiếp chương 38.
 
Lê Nguyệt
 
 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo