Hôm nay thứ bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024
Truyện dài: MA KHÙNG CHƠI TẾT (05) (22/05/2024 14:46 PM)
Lê Nguyệt

Chương 05. Dượng Tư tuy không nghe Già nói gì nhưng nghe Hên và Ly nói, dượng đoán ra được hết câu chuyện, bền cất tiếng:
- Thôi mình giải tán hết đi bà con, ai về nhà nấy, cũng khuya rồi.
 


Thằng Già, tao cấm mầy bén mảng qua nhà tao nhen. Mầy lạng quạng tao ếm cho vô hủ thiệt đó. Về chơi mấy ngày Tết với ba mẹ mầy rồi qua Tết siêu thoát đi. Làm ma mà đòi cưới vợ, cưới bà cố tổ tao chứ cưới. Ai lại đem con gái mình mà gả cho ma. Tưởng chết rồi là hết khùng dè đâu còn khùng dữ hơn mà không những khùng lại còn loạn nữa.
 
Già gân cổ cãi:
- Con hổng có khùng. Dượng cấm không cho con lại nhà dượng dễ gì được. Con đâu có ăn ngủ ở đó đâu? Con ngủ trên cây bình linh chứ bộ. Đầu thai gì mà đầu thai? Làm sao đầu thai được? Dượng có ngon thì dượng đi đầu thai đi. Con theo dượng liền? Nói con khùng con giận dượng đó.
 
Hồi đó hay giựt kinh phong, hổng biết chữ mà hổng ai nói con khùng, giờ thông minh vầy mà chê khùng này khùng nọ. Dượng có thấy con có nghe con nói hôn mà chê khùng? Đừng có ỷ là ba của Ly rồi con ngán dượng nghen. Con lì rồi.
 
Lạ nghe, lần này nó nói xong tất cả mọi người kể cả mấy chú đàn ông cũng nghe và thấy nó luôn. Hơi sững sờ một chút rồi dượng Sáu nói với thím Năm:
- Thằng Già nó về thiệt rồi thím. Tui nghe thấy nó luôn. Dù sao thì nó lớn xác vậy chứ cũng còn con nít. Con nít mới muốn chiếm hữu mà không phân biệt đúng sai. Thím dỗ nó về đi rồi khuyên nhủ nó. Chứ cái đà này càng ngày nó càng khó chịu đó thím Năm.
 
Thím Năm chảy nước mắt gật đầu rồi quay sang năn nỉ Già:
- Thôi mình về con. Đừng có ngủ trên cây bình linh nữa, té chết à. Vô phòng của con mà ngủ. Mẹ cũng để y nguyên đó cho con chứ không thay đổi gì. Mình dìa đi con. Ngoan thì mơi mốt lợi chơi với mấy em, không là tụi nó nghỉ chơi với con hết rồi làm sao?
- Con đi theo Ly.
- Không được.
 
Ly mắc học hành mà. Con theo nó lỡ bạn bè nó biết có vong theo sẽ xa lánh nó. Thương nó thì phải làm việc tốt cho nó biết chưa? Theo mẹ về mơi lại chơi, hén con trai cưng?
- Thôi đừng có dụ. Cưng gì mà cưng? Bỏ bê thằng nhỏ.
- Từ nay không bỏ bê nữa. Về nhà với ba mẹ đi. Cả nhà mình quay quần ăn Tết, hén? Hai năm nay con không có ăn Tết với ba mẹ và chị em con rồi. Con hết bịnh ba mẹ vui lắm, sống hoài với ba mẹ vầy cũng được. Ngoan ngoãn như hồi trước ba mẹ cưng nhiều.
 
Đúng là con nít dễ dụ, Già quay sang cười tươi rói với Ly:
- Vậy anh về với mẹ anh à. Mơi đánh bài anh độ cho em ăn nữa hen?
 
Ly sợ run không dám ngước mặt lên.
 
Mùng hai Tết.
 
Người lớn đã bàn với nhau rồi. Hùn tiền vô mướn chiếc xe hai mươi lăm chỗ chở mấy bà và mấy đứa nhỏ đi Đà Lạt chơi bốn ngày. Từ mùng hai cho đến mùng sáu mới về, tránh cho Già cứ đeo theo Ly. Mùng Bảy thì Ly trở lại Sài Gòn học rồi. Họ cẩn thận dặn đừng hé ra lỡ Già biết nó đeo theo xe thì mệt nữa.
 
Thím Chín kéo thím Năm ra ngoài dặn hãy giữ rịt Già cho đến khi xe chạy thiệt lâu để nó không đuổi kịp. Thím Năm gật đầu mà tủi thân cho con mình biết bao nhiêu. Dù họ phủ phàng với mẹ con thím như vậy nhưng thím cũng không dám giận vì con trai của thím đã không còn nữa rồi.
 
Mặc dù nó có thể cho thím nhìn thấy và nói chuyện với nó, điều mà thím không bao giờ tưởng tượng ra, nhưng nếu nó cứ vì Ly mà không chịu siêu thoát, để rồi ngày nào đó Ly cũng phải có chồng. Nó vì quá ghen tuông mà sinh dạ độc ác hay đau khổ oằn oại trái tim, điều nào cũng khiến cho thím không thể chịu đựng nổi.
 
Già về nhà hôm tối mùng một, ngủ trong phòng của mình. Chú Năm tuy không nhìn thấy con nhưng đã nghe tất cả mọi chuyện. Chú buồn trong bụng ghê lắm. Nghĩ vợ chồng vô phước, có thằng con trai mà không khéo nuôi khiến nó mới mười một tuổi đã phát bệnh rồi sinh ra ngờ nghệch, trí não dừng lại thời điểm đó không lớn lên nữa. Nhìn bạn bè trang lứa của nó thành gia lập thất mà chú buồn và thương con. Được cái nó khờ nhưng không bị khùng, không phá phách la hét.
 
Chỉ là nó phải chịu những cơn động kinh khiến chú thím đứt ruột đứt gan. Nó chết lãng nhách, buồn thì buồn thúi ruột nhưng thôi, nó cũng được giải thoát rồi. Nó không còn đau đớn bệnh tật chi nữa, thân thể nhẹ nhàng linh hồn siêu thoát. Ngờ đâu, nó vẫn tồn tại ở thế giới này với một thằng Già không khác gì hồi còn sống, lớn thây mà nhỏ óc. Tại sao vậy chứ? Tại sao con người ta chết là hết mà con của chú chết lại thành ma?
 
Nghĩ tới nghĩ lui, sáng lại, khi đàn bà trẻ nhỏ đi Đà Lạt hết rồi, chú Năm qua nhà chú Chín uống trà. Thường thì tiệc trà hay bày ở nhà Chín vì chú có cái sân rộng lại có mái che. Nhưng hôm nay Xóm giờ chỉ còn mấy tay đàn ông giữ nhà. Đàn bà thì có thím Năm với bà cụ Thẩm, mẹ của Mười Bùm.
 
Cụ Thẩm già lắm rồi, gần một trăm tuổi nằm một chỗ chị Mười chăm sóc cẩn thận nên không bị lở loét gì. Anh chị Mười Bùm đông, con cháu ranh rác, ai cũng khá giả nên bà cụ dù không đi lại được nhưng cũng hồng hào sạch sẽ. Cụ rất minh mẫn tiếng nói rõ ràng. Vì Bùm phải trông chừng mẹ nên điện thoại hú mấy ông lại nhà chơi, chú Năm cũng qua đó.
 
Vừa thấy chú, dượng Sáu đã nhanh miệng hỏi:
- Thằng Già hay cả xóm đi vắng nó có nói gì hôn cậu?
 
Chú Năm lắc đầu:
- Hổng biết nó hay chưa nữa anh ơi. Bà xã tui canh rịt nó, sáng giờ chắc chưa ra khỏi nhà.
 
Chú Chín chắc lưỡi:
- Tội nghiệp. Biết đi bỏ nó chắc nó buồn dữ lắm. Nhưng mà phải tính cách nào cho nó siêu thoát chứ chú Năm? Đâu thể làm ma vất vưởng hoài vậy được?
 
Chú Năm buồn bã trả lời:
- Chứ tui biết làm sao bây giờ mấy anh? Con nó vắn số vậy, chưa hưởng được mùi vị cuộc sống thì trở thành ngây ngô khờ khạo, chết rồi mà cũng không cam tâm nên cứ vất vưởng vậy hoài. Mà coi mòi nó thích. Làm cha mẹ sao nỡ đuổi nó đi dù nó là ma hả anh?
 
Dượng Tư gật đầu thông cảm:
- Sao mà tụi tui không hiểu được tâm sự của cậu mợ chứ?
 
Nhưng cứ để trong nhà có vong người chết hoài cũng không được. Rồi nó cứ theo chơi với đám trẻ trong xóm. Nói chứ người và ma đâu thể cùng tồn tại bên cạnh nhau mãi hoài được. Lỡ như đứa nhỏ nào bị nhức đầu sổ mũi ba mẹ nó cũng đổ thừa tại vong thằng Già ám rồi cậu mợ chịu nổi miệng đời hôn?
 
Thật ra tụi tui là người ngoài, hoàn cảnh của cậu mợ khác lạ, tụi tui thương lắm chứ. Nhưng nếu con tụi tui mà ngày một xanh xao, bịnh đi bác sĩ tìm không ra thì tụi tui sẽ buồn lắm, buồn sinh giận, sẽ nói những câu tàn nhẫn với cậu mợ rồi dần đà mình xa lánh nhau luôn. Như trường hợp của tui nè. Thằng Già cứ một hai đòi lấy con Ly. Mà cậu nhắm nó lấy được hôn? Nếu nó cứ theo ám con tui hoài thì cũng có ngày tui kêu thầy ếm nó. Chừng đó cậu mợ còn đau lòng hơn.
 
Chú Năm nói như khóc:
- Tui hiểu hết chứ mấy anh.
 
Cũng may là nó về khá lâu mà chưa có đứa nào bịnh hoạn gì. Vợ chồng tui dù có muốn nó đi nhưng cũng đâu nỡ kêu thầy bùa ếm nó chứ anh? Nó bất hạnh từ năm mười một tuổi. Sống tới hai mươi sáu rồi mà chứ biết nếm trải tình đời. Nó thích con Ly từ hồi con nít nên tình cảm đó là của con nít với nhau chứ yêu đương gì anh. Theo tui nghĩ, nó lấy đó làm mục đích tồn tại của mình chứ không phải là yêu đương trai gái gì đâu.
 
Dượng Sáu khoát tay:
- Nói vậy cũng không đúng.
 
Bộ cậu nói người khờ không biết yêu hả? Nó một hai đòi lấy con Ly bởi vì nó thương con Ly thiệt. Cậu thấy con Ly kêu bỏ tiếng mơi thì nó bỏ luôn sao? Tui nghe mấy bà nói nó rành rạnh, lanh lợi chứ không mỗi câu mỗi mơi như trước. Chuyện này phải chặn đứng cậu Năm ơi. Cậu mợ đã đau lòng một lần dữ dội rồi, trách nhiệm với con đã xong rồi, giờ nên để nó siêu thoát đi. Một vài năm rồi vết thương trong lòng cũng sẽ lành.
 
Còn hơn bây giờ. Bởi ông bà ta nói không bao giờ sai: Bỏ thì thương vương thì tội. Cha mẹ luôn muốn con ở bên cạnh, dù nó có sống đời thực vật thì ít ra mình cũng còn nhìn thấy được con mình, chứ chết rồi là vĩnh viễn không gặp được con nữa. Giờ thằng Già ngày đêm bên cạnh cậu mợ, thủ thỉ nói cười, sao nỡ đành lòng đuổi nó đi chứ? Nhưng nghĩ là nghĩ cho con thôi cậu mợ ơi.
 
Chú Chín gật đầu:
- Dượng Sáu nói phải đó chú Năm.
 
Thương con thì thương nhưng đâu thể để nó làm ma hoài được. Lỡ như xóm này có ai sanh đẻ mà đứa nhỏ mới sanh ra không nuôi được họ đổ thừa tội nghiệp nó. Mà mình cũng phải nghĩ tới chuyện này nữa. Bên chồng con gái chú biết em nó còn lẩn quẩn ở nhà thì họ sẽ không cho cháu nội họ về thăm ông bà ngoại đâu.
 
Chú Năm buồn não cả ruột gan. Tết năm nay lẽ ra gia đình sum họp chú thím phải vui lắm chứ. Ma thì ma, kệ, miễn là con của mình. Nhưng sống trong cộng đồng của xóm làng, chú đâu thể sống khác người ta, mặc cho người ta đàm tiếu được chứ? Nhưng như chú đã nói, ai làm gì làm chú cũng không oán trách, nhưng chính miệng chú lên tiếng đuổi xua con thì chú không làm được.
 
Bà cụ Thẩm nằm kế bên lắng nghe nãy giờ mới lên tiếng:
- Thôi để tao bày cho cách vẹn vẽ đôi đường nè.
 
Chú Năm mừng rỡ đứng dậy bước tới gần cụ:
- Cách gì cô chỉ con đi cô.
 
Bà cất giọng nghiêm trọng:
- Hổm rày tao cũng có nghe chuyện.
 
Nay biết rõ tâm tư của bây nên mới nghĩ tới thầy Ba Hườn. Thầy già hơn cả tao nhưng còn mạnh khỏe lắm. Hồi trước cũng trừ yêu diệt ma. Bây giờ thì hết rồi. Có điều không hiểu sao thầy tiếp xúc được với người âm, hiểu hết tâm tư tnguyện vọng của họ nên không tiêu diệt họ nữa. Mấy lúc sau này Thầy còn giúp họ chuyển lời tới gia đình.
 
Bây coi gặp Thầy, năn nỉ thầy thu nhận nó. Thầy sẽ khai thông đầu óc nó, nói cho nó hiểu rồi giúp nó đi đầu thai. Hoặc là khi Thầy về với ông bà sẽ dẫn nó theo. Tao nghe nói thầy hay cái vụ này lắm. Bị vì lúc trước có khi thầy cũng bắt lầm vong hồn chết oan, nên từ đó thầy không bắt ma nữa mà tìm hiểu coi vì sao họ tồn tại nơi này sau khi chết. Ít người biết chuyện về Thầy lắm. Nhất là thế hệ trẻ bọn bây. Tao thì rành vì tao chung thời với thầy. Hôm nọ Thầy có tới thăm tao.
 
Mười Bùm nhìn cụ:
- Là cái ông hôm nọ bận nguyên bộ bà ba tóc bới củ tỏi hả mẹ?
- Ừa. Nhà ổng ở mị trong ruộng, để tao vẻ cái bản đồ cho thằng Năm vô nói chuyện với Thầy, nói là tao giới thiệu. Rồi bây liệu cách mà cho thằng Già gặp thầy. Ta nói dễ ụi hà. Nó vui vẻ theo thầy mà vợ chồng bây cũng yên tâm về con nữa, biết chưa?
 
Mọi người nghe vậy ai cũng vui mừng.
 
Hết chương 5.
          Còn tiếp chương 06.
 
Lê Nguyệt
 
 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo