Hôm nay thứ bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024
Truyện ngắn – BƠ VƠ Ở PHỐ (10/01/2024 04:19 AM)
Nguyễn Tam Mỹ

Mỏi nhừ đôi chân vì đi xuống đi lên hoài, bé Thúy ghé lại gốc cây lộc vừng trước nhà ông Năm Viết, ngồi nghỉ nơi chiếc ghế đá.
 


Kể cũng lạ, ở quê có gì vui mà cả khu phố nhà nào cũng đóng cửa về quê nhân dịp lễ tết.
 
Chiều tà.
 
Cả dãy phố dài độ trăm mét, cây cối dọc hai bên đường cành lá sum suê tỏa bóng che mát rượi. Phố vắng hoe. Bé Thúy đi tới đi lui, nỗi cô đơn trống vắng khiến cô bé cảm thấy buồn khôn tả. Nhà ai cũng cửa đóng then cài, cổng ngõ khóa trái im lìm. Thường ngày, vào giờ này, bọn trẻ ở khu phố đi học về, vào nhà cất sách vở rồi ào ra đường vui chơi với nhau.
 
Là phố nhưng lại là phố cụt, con đường nhỏ không có xe cộ qua lại, trở thành cái sân chung, bọn trẻ tha hồ vui chơi thoải mái. Đá banh. Đánh cầu lông. Chơi nhảy dây. Chơi trốn tìm. Chơi đáo cõng. Chơi ô ăn quan… Trò chơi nào cũng hấp dẫn. Tiếng oẳn tù tì, tiếng cười nói, tiếng cãi vã ỏm tỏi làm cả khu phố ồn ào như bồ chao lùm. Nhiều hôm ông Năm Viết tay cầm cuốn sách đang đọc dở dang, tay cầm cái roi (chính xác hơn là cái tay gãi lưng bằng nhựa) từ trong nhà bước ra “dẹp loạn” để vãn hồi trật tự…
 
Mỏi nhừ đôi chân vì đi xuống đi lên hoài, bé Thúy ghé lại gốc cây lộc vừng trước nhà ông Năm Viết, ngồi nghỉ nơi chiếc ghế đá. Kể cũng lạ, ở quê có gì vui mà cả khu phố nhà nào cũng đóng cửa về quê nhân dịp lễ 30.4 và 1.5. Thằng cu Bôn và con bé Út theo cha mẹ về Duy Xuyên. Hai anh em thằng Tý Anh và Tý Em cũng cùng với gia đình về Thăng Bình. Hai chị em bé Xíu, bé Xiu về chơi nhà nội. Còn bé Thắm về thăm ngoại ở Bắc Trà My. Người lớn đi, trẻ con cũng đi theo. Cả khu phố hơn bốn chục hộ, chỉ có hai nhà không đi đâu cả.
 
Đó là nhà bé Thúy và nhà chú Sáu Cơ. Vợ chồng chú Sáu Cơ những ngày nghỉ lễ chẳng những không được nghỉ mà còn làm việc gấp đôi. Chú Sáu Cơ làm bảo vệ cho một công ty sản xuất gạch, còn cô Ba Bích - vợ chú Sáu Cơ, làm công nhân ở công ty may xuất khẩu. Nghe đâu thời gian nghỉ lễ, công ty lại tăng ca để hoàn thành khối lượng sản phẩm nhằm chuyển giao cho đối tác đúng theo hợp đồng. Cô Ba Bích bảo rằng, làm tăng ca trong thời gian nghỉ lễ được công ty tăng lương gấp đôi gấp ba lần. Bé Thúy chỉ nghe láng máng người lớn nói với nhau như thế, chứ cô bé cũng không rõ đối tác là gì, tăng ca là tăng như thế nào!
 
- Dạo này, gạo có lên giá không?
 
- Không! Vẫn như mấy bữa.
 
- Rứa còn rau sống, thịt heo?
 
- Eo ôi, em đi chợ nhưng quên mua hai thứ ấy…
 
- Thôi, để cả đấy cho chị! Em đi lấy củi nhóm bếp lò đi…
 
Bé Thúy ngồi nơi chiếc ghế đá dưới tán lá cây lộc vừng trước nhà ông Năm Viết, nghe những lời đối đáp từ bên kia vọng ra, biết ngay chị em bé Hai, bé Ba đang chơi trò đi chợ nấu cơm ở góc sân phía trong tường rào. Bé Hai và bé Ba là con của chú Sáu Cơ. Bé Hai học lớp 5. Bé Ba học lớp 2. Cha mẹ đi làm vắng, hai chị em nó lủi thủi chơi với nhau. Bé Thúy muốn sang gọi cổng để hai chị em nó cho vào chơi chung nhưng rồi lại thôi.
 
Bé Thúy học lớp 6, lớn nhất trong đám trẻ con ở khu phố. Do lớn nhất nên bé Thúy mặc nhiên trở thành “thủ lĩnh” của bọn trẻ, sai khiến được bé Hên, bé Xíu, bé Út, anh em thằng Tý Anh, Tý Em… Bé Thúy bảo gì, cả bọn đều răm rắp làm theo. Không hiểu sao bé Thúy lại chẳng ưa bé Hai, bé Ba. Chị em nó ngoan hiền, nói năng nhỏ nhẹ lễ phép, không nghịch phá hay la lối ỏm tỏi như bọn con trai. Mỗi khi bé Thúy cùng đám trẻ con trong khu phố chơi nhảy dây hay chơi ô ăn quan, bé Hai và bé Ba mon men tới gần, chỉ cần bé Thúy trừng mắt là tất cả đồng loạt xua đuổi chị em nó đi chỗ khác. Bé Hai rưng rưng ngấn lệ. Còn bé Ba xị mặt xuống, buồn thiu.
 
Với vẻ cam chịu, hai chị em con chú Sáu Cơ dạt ra đứng ở xa xa nhìn bé Thúy và bọn trẻ trong khu phố chơi đùa với nhau. Cả hai lẻ loi, lạc lõng. Bé Thúy chẳng những không động lòng thương mà còn thấy… ghét!
 
Ông Năm Viết suốt ngày chỉ biết chúi mũi vào sách vở, thỉnh thoảng ông ấy mới nghỉ giải lao, bước ra ngoài cổng ngõ nhìn ngó bọn trẻ trong khu phố chơi đùa với nhau. Ông ấy đứng quan sát vài ba lần là nhận biết ngay bé Hai và bé Ba bị cả bọn tẩy chay. Và bé Thúy chính là đứa đầu têu. Một hôm, ông Năm Viết gọi bé Thúy lại, bảo: “Là trẻ con trong khu phố, cháu không nên lôi kéo bạn bè hắt hủi hai chị em con nhà Sáu Cơ. Chúng nó đâu có tội tình gì? Để chúng nó cô đơn giữa bạn bè trong khu phố là điều không hay”. Bé Thúy chối đây đẩy.
 
Ông Năm Viết dẫn chứng mấy việc làm cụ thể khiến bé Thúy cứng họng, làm thinh. “Cô đơn giữa bạn bè…”, ông Năm Viết bảo thế. Bé Thúy nghe và cười thầm. Làm gì có chuyện đó! Trẻ con chỉ biết học hành, vui chơi. Không có bạn thì chơi với em với chị, làm gì phải cô đơn! Bé Thúy không tin. Giờ đây, khi đi xuống đi lên trên con đường cụt vắng vẻ, bé Thúy mới lờ mờ hiểu cái điều ông Năm Viết khuyên nhủ. Từ hôm qua, mấy đứa trẻ trong khu phố theo cha mẹ về quê, không có ai chơi, bé Thúy mới cảm nhận được nỗi buồn mà hai chị em con chú Sáu Cơ chịu đựng suốt một thời gian dài.
 
Lại gần cổng ngõ nhà chú Sáu Cơ, bé Thúy nhón chân nhìn vào bên trong thấy bé Hai và bé Ba đang chơi trò đi chợ nấu cơm ở góc sân. Những nồi niêu soong chảo làm bằng lá lộc vừng vứt tứ tung. Những que củi bé tí là nhánh khô của khóm ngọc kim đồng vung vãi khắp nơi. Những viên sỏi màu trắng đục nhặt từ gốc mai diệp lục dồn lại thành đống sát tường nhà. Và gạo thóc là những bông mai vạn phúc nhỏ nhắn, trắng muốt.
 
Bé Hai và bé Ba quay lưng ra ngoài, ngồi lúi húi nhặt rau một cách say mê, không hề hay biết bé Thúy đứng bên ngoài cổng ngõ nhìn vô. “Mở cổng cho chị vào chơi với!”. Bé Thúy gọi. Bé Hai và bé Ba giật mình, ngoảnh mặt ra. Cả hai sảng hồn, im lặng. Lát sau, trấn tĩnh lại, bé Hai nói như khóc: “Chị em em chơi ở đây, không quấy rầy đến chị và các bạn. Chị đừng vào đạp đổ đồ hàng của chị em em”. Bé Thúy bảo: “Chị vào chơi, không phá đâu mà sợ!”. Bé Hai ngờ vực. Bé Ba ngán những cái véo tai đau điếng của chị Thúy, đi thụt lùi rồi chạy vào nhà. Bé Hai thấy thế cũng lặng lẽ rời khỏi góc sân rợp mát bóng cây.
 
 
Bu hai tay lên chấn song cổng ngõ, bé Thúy khẽ thở dài. Hai chị em con chú Sáu Cơ sợ bé Thúy nên vào trong nhà hết, chỉ dám lấm lét nhìn ra qua ô cửa sổ. Rời cổng ngõ nhà hàng xóm, bé Thúy lại đi dạo lang thang dọc theo khu phố, chán, cô bé quay về nhà bật tivi xem phim hoạt hình. Phim cũ chiếu lại. Bé Thúy tắt tivi. Ba mẹ đi về quê Núi Thành, chắc sẩm tối mới có mặt ở nhà. Ngồi trên ghế xích đu đặt ở góc sân, bé Thúy nghĩ ngợi vẩn vơ. Người ta bảo ngày lễ, ngày tết đông vui hơn ngày thường, điều đó đúng với những nơi khác, còn ở khu phố này, sai hoàn toàn. Bởi nhà nào ở đây cũng dắt díu cả gia đình về quê, khiến cả khu phố vắng tanh vắng ngắt. Gia đình bé Thúy, nội ngoại chẳng còn ai, chỉ còn bà con họ hàng xa ở quê.
 
Giỗ chạp, ba mẹ đi về trong ngày, rất ít khi ở lại chốn quê. Vì thế, bé Thúy không có cơ hội ra khỏi khu phố nhỏ yên ắng nằm bên sông Tam Kỳ. Nghỉ hè, bé Hên, bé Xíu, bé Út, thằng cu Bôn, anh em thằng Tý Anh, Tý Em… được ba mẹ cho về quê chơi thoải mái cả tuần. Chúng nó cùng với bọn trẻ ở quê ra đồng làng sau mùa gặt đá banh, bày trò đánh trận giả và thả diều khi chiều dần tắt nắng. Nghe chúng nó kể lại những ngày vui ở quê, bé Thúy háo hức nhưng không bao giờ có được diễm phúc đó. Giá như bé Thúy có chú bác, cô dì ruột… ở quê thì hay biết mấy! Đằng này…
 
Ý nghĩ ấy làm bé Thúy cảm thấy tủi thân.
 
Quẩn quanh trong vuông sân nhỏ buồn quá, bé Thúy đẩy cổng ngõ ra ngoài dạo thẩn thơ dọc theo hè phố. Có tiếng cãi nhau ở góc sân nhà chú Sáu Cơ. Tò mò, cô bé đứng lại lắng nghe. “Chị đã bảo rồi, cơm sôi thì rút bớt củi lửa nhưng em không chịu nghe lời, chừ cháy khét hết cả nồi cơm to đùng”. Tiếng bé Hai càm ràm. “Thì em nấu lại nồi cơm khác! Gạo hoa mai vạn phúc còn cả đống đây nè, chị!”. Tiếng bé Ba phân trần.
 
“Thôi, chiều tối rồi, khỏi cần nấu đi nấu lại mất công”. Bé Hai bảo. “Thế, em dọn cơm canh ra chị nhé?”. Bé Ba hỏi. Đứng bên ngoài, bé Thúy mỉm cười. Chỉ có hai chị em với nhau mà bé Hai và bé Ba cũng chơi trò đi chợ nấu cơm vui quá! Bé Thúy muốn bước lại cổng ngõ nhà chú Sáu Cơ, bu chấn song sắt dòm vô coi bé Hai và bé Ba chơi với nhau nhưng lại sợ cả hai thấy mặt chạy vào nhà trốn, đành thôi.
 
Đến trước nhà ông Năm Viết, bé Thúy ngồi nơi chiếc ghế đá dưới tán lá lộc vừng, nhìn ngó vu vơ. Biết bọn trẻ trong khu phố tẩy chay vì nghe theo lời xúi giục của bé Thúy, hai chị em con chú Sáu Cơ lủi thủi chơi với nhau, lâu ngày thành quen. Bé Thúy hối hận. “Mình lớn hơn cả nhưng lại nhỏ nhen, thích thể hiện quyền uy của một đứa trẻ oắt con nên bây giờ mới lạc lõng bơ vơ ở phố. Ông Năm Viết nói đúng, đầu têu những việc bậy bạ là điều không nên” - bé Thúy thầm nghĩ - “Những ngày nghỉ lễ, mình đã hiểu thế nào là sự cô đơn, không bạn bè”.
 
Tiếng bé Hai và bé Ba nói gì đó với nhau rồi cười giòn tan. “Biết sai và sửa sai là điều đáng khen”, ông Năm Viết đã từng bảo thế. Bé Thúy nhớ lại lời ông già hàng xóm suốt ngày làm bạn với sách vở. “Cháu biết lỗi rồi. Cháu sẽ không xúi giục bé Hên, bé Xíu, bé Út, thằng cu Bôn, anh em thằng Tý Anh, Tý Em… xua đuổi, tẩy chay hai chị em con nhà chú Sáu Cơ nữa. Bởi chúng nó là bạn bè trẻ con trong khu phố…”. Bé Thúy thầm hứa với ông Năm Viết.
 
Nguyễn Tam Mỹ
 
 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo