Hôm nay thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024
Cặp vợ chồng khoa học gia phát triển loại vaccine COVID hứa hẹn nhất thế giới (13/11/2020 06:26 AM)
Thu Hằng

Hai vợ chồng Tiến sĩ Ugur Sahin và Ozlem Tureci đã cống hiến cả đời mình cho lĩnh vực điều trị ung thư và các bệnh truyền nhiễm.

Tiến sĩ Ugur Sahin và vợ, Tiến sĩ Ozlem Tureci, là hai khoa học gia đã phát triển ứng cử viên vaccine ngừa COVID-19 đang hứa hẹn sẽ thay đổi thế giới. Ảnh: Getty Images
Tiến sĩ Ugur Sahin và vợ, Tiến sĩ Ozlem Tureci, là hai khoa học gia đã phát triển ứng cử viên vaccine ngừa COVID-19 đang hứa hẹn sẽ thay đổi thế giới. Ảnh: Getty Images


Và nay giữa đại dịch toàn cầu, họ cũng chính là những bộ não đứng đằng sau loại vaccine phòng COVID-19 hiệu quả đầu tiên trên thế giới.

"Lời tiên tri" màu nhiệm

Hai năm trước, Tiến sĩ Ugur Sahin đăng đàn tại một hội nghị ở Berlin và đưa ra một dự đoán táo bạo. Phát biểu trong khán phòng gồm đông đảo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Sahin cho biết công ty của ông có thể sử dụng một công nghệ mới được gọi là mRNA (RNA thông tin) để nhanh chóng phát triển vaccine trong trường hợp xảy ra một đại dịch toàn cầu.

Thời điểm đó, Tiến sĩ Sahin và công ty của ông, BioNTech, vẫn không được mấy ai biết đến bên ngoài nhóm nhỏ những người khởi nghiệp (start-up) công nghệ sinh học châu Âu.

BioNTech, công ty mà Tiến sĩ Sahin cùng với vợ là Tiến sĩ Ozlem Tureci đồng sáng lập, chủ yếu tập trung vào các liệu pháp điều trị bệnh ung thư. Họ chưa bao giờ đưa một sản phẩm nào ra thị trường, và lúc đó, bệnh COVID-19 cũng chưa từng tồn tại.

Nhưng những lời dự đoán của ông hóa ra lại là một lời tiên tri màu nhiệm.

Hôm 9/11 vừa qua, BioNTech và đối tác, tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer, thông báo loại ứng cử viên vaccine ngừa COVID-19 do Tiến sĩ Sahin và nhóm của ông phát triển đã chứng minh có hiệu quả hơn 90% trong ngăn ngừa bệnh ở những người tình nguyện, trước đó chưa từng nhiễm bệnh.

Kết quả đáng kinh ngạc này đã đưa BioNTech và Pfizer trở thành tên tuổi đi đầu trong cuộc đua tìm kiếm phương pháp chữa trị và phòng ngừa căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của trên 1,2 triệu người trên toàn thế giới.

“Đây có thể là sự mở đầu cho màn kết thúc của kỷ nguyên COVID”, Tiến sĩ Sahin trả lời phỏng vấn ngày 10/11.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Sahin trong phòng thí nghiệm của công ty BioNTech. Ảnh: BioNTech

Nghiên cứu vaccine COVID-19 với "tốc độ ánh sáng"

BioNTech đã bắt đầu nghiên cứu vaccine phòng COVID hồi tháng 1/2020 sau khi Tiến sĩ Sahin đọc một bài báo trên tạp chí y khoa The Lancet khiến ông tin rằng, virus SARS-CoV-2, khi đó đang lây lan nhanh ở Trung Quốc, sẽ bùng nổ thành một đại dịch toàn cầu. Các nhà khoa học trong công ty có trụ sở tại Mainz, Đức này đã hủy toàn bộ các kỳ nghỉ và tập trung vào cái mà họ gọi là Dự án Lightspeed (Tốc độ ánh sáng).

“Không có nhiều công ty trên hành tinh có đủ năng lực và khả năng để làm điều đó nhanh như chúng tôi có thể làm”, ông Sahin khẳng định vào tháng 10. “Đó không phải là cơ hội mà là nghĩa vụ phải làm, vì tôi nhận ra rằng chúng tôi có thể nằm trong số những người đầu tiên tạo ra vaccine”.

Sau khi BioNTech đã xác định được một số ứng cử viên vaccine có triển vọng, Tiến sĩ Sahin kết luận rằng công ty sẽ cần sự trợ giúp để tiến hành thử nghiệm nhanh, giành được sự cấp phép từ các cơ quan quản lý và cung cấp ứng cử viên tốt nhất cho thị trường.

Trước đó từ năm 2018, BioNTech và Pfizer đã hợp tác phát triển và sản xuất một loại vaccine cúm, và vào tháng Ba năm nay, họ nhất trí hợp tác phát triển vaccine phòng COVID-19.

Kể từ đó, Tiến sĩ Sahin, người Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu xây dựng tình bạn thân thiết với Albert Bourla, Giám đốc điều hành Pfizer người Hy Lạp. Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, hai người cho biết đã gắn bó nhờ đều xuất thân là những người nhập cư và nhà khoa học.

Tiến sĩ Sahin, 55 tuổi, sinh ra ở Iskenderun, Thổ Nhĩ Kỳ. Năm lên 4 tuổi, gia đình ông chuyển tới Cologne, Đức, nơi bố mẹ ông làm việc trong nhà máy của hãng xe Ford. Sahin lớn lên với ước mơ trở thành bác sĩ, nhưng sau đó ông theo học ngành dược tại Đại học Cologne. Năm 1993, Sahin lấy bằng Tiến sĩ nhờ công trình nghiên cứu liệu pháp miễn dịch trong tế bào khối u.

Khi mới bắt đầu sự nghiệp, Sahin đã gặp gỡ Tiến sĩ Tureci. Bà từng mong muốn trở thành một nữ tu sĩ, nhưng cuối cùng đã theo học y khoa. Tiến sĩ Türeci, 53 tuổi, là Giám đốc y tế của BioNTech. Bà sinh ra ở Đức trong gia đình một bác sĩ nhập cư gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau buổi lễ kết hôn, Sahin và vợ Tureci đã quay trở lại phòng thí nghiệm thay vì hưởng tuần trăng mật như những cặp đôi khác.

Ban đầu hai người tập trung vào nghiên cứu và giảng dạy, bao gồm cả đứng lớp tại trường Đại học Zurich, nơi Tiến sĩ Sahin làm việc trong phòng thí nghiệm của Rolf Zinkernagel, nhà khoa học giành giải Nobel Y khoa năm 1996.

Chú thích ảnh
Một nhà nghiên cứu làm việc trong phòng thí nghiệm của BioNTech ở Đức. Ảnh: BioNTech

Năm 2001, hai vợ chồng Tiến sĩ Sahin thành lập Ganymed Pharmaceuticals, công ty chuyên phát triển các loại thuốc điều trị ung thư bằng cách sử dụng kháng thể đơn dòng. Chỉ sau vài năm, họ tiếp tục thành lập BioNTech, tìm cách sử dụng nhiều loại công nghệ hơn, bao gồm công nghệ mRNA (RNA thông tin) để điều trị ung thư. “Chúng tôi muốn xây dựng một công ty dược phẩm lớn của châu Âu”, Tiến sĩ Sahin chia sẻ về tham vọng của mình.

Từ trước khi bùng phát đại dịch COVID-19, BioNTech đã giành được những động lực đáng kể. Công ty quyên được hàng trăm triệu USD và hiện đã có đội ngũ trên 1.800 nhân viên, với các văn phòng ở Berlin, các thành phố khác của Đức và Campbridge, bang Massachussetts, Mỹ.

Từ năm 2018, họ bắt đầu hợp tác với Pfizer. Năm ngoái, Quỹ Bill & Melinda Gates đã rót 55 triệu USD tài trợ cho hoạt động nghiên cứu của BioNTech về điều trị bệnh lao và HIV. Tiếp đó, trong năm 2019, Tiến sĩ Sahin đã được trao tặng Giải thưởng Mustafa, giải thưởng uy tín của Iran dành cho người Hồi giáo xuất sắc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Năm 2016, Tiến sĩ Sahin và vợ đã bán công ty Ganymed với giá 1,4 tỉ USD. Năm 2019, BioNTech tiến hành bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và những tháng gần đây, giá trị vốn hóa thị trường của công ty đã tăng vọt lên 21 tỉ USD khiến cặp đôi khoa học gia nằm trong tốp những người giàu nhất nước Đức.

Tỉ phú không xe hơi

Hai tỉ phú hiện sống với con gái tuổi teen trong một căn hộ khiêm tốn gần văn phòng của họ. Hai người đạp xe đi làm và không sở hữu chiếc xe hơi nào.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Tureci tại phòng thí nghiệm của công ty trong tháng 11. Ảnh: BioNTech

“Ugur là một người rất cá tính”, Giám đốc điều hành của Pfizer, Bourla nhận xét về Sahin. “Ông ấy chỉ quan tâm đến khoa học. Thảo luận kinh doanh không phải là sở trường của ông. Ông là một nhà khoa học, một con người nguyên tắc. Tôi tin tưởng ông ấy 100%”.

Tại Đức, nơi người nhập cư vẫn là một vấn đề tranh cãi, thành công của hai nhà khoa học gốc Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một lý do để ăn mừng. “Với thành công của cặp vợ chồng này, nước Đức đang trở thành một ví dụ tươi sáng về sự hội nhập thành công”, tờ báo bảo thủ Focus viết.

Nghị sĩ Đức Johannes Vogel đăng trên Twitter rằng, “Nếu cứ phụ thuộc vào những lời chỉ trích về chủ nghĩa tư bản và toàn cầu hóa, sẽ không có sự hợp tác với Pfizer. Nhưng điều đó khiến chúng ta mạnh mẽ, một đất nước nhập cư, nền kinh tế thị trường và một xã hội mở”.

Năm nay, Tiến sĩ Sahin dành rất ít thời gian cho chính trị. BioNTech cũng quá bận rộn phát triển vaccine đến mức công ty vẫn chưa hoàn thiện các chi tiết về tài chính trong thỏa thuận hợp tác với Pfizer.

Sahin cho biết ông và Tiến sĩ Tureci được thông báo về những dữ liệu thử nghiệm hiệu quả vào tối Chủ nhật 8/11. Họ đánh dấu khoảnh khắc đó bằng một tách trà Thổ Nhĩ Kỳ tại nhà. “Tất nhiên chúng tôi đã ăn mừng. Thật là nhẹ nhõm”, ông nói.


Thu Hằng - Báo Tin tức (Theo New York Times)

 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo