Hôm nay thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024
Truyện dài: BA KIỂU SỐNG (01) (24/06/2022 04:19 AM)
Lê Nguyệt

Chương 01. GẶP QUỚI NHÂN
Trời nắng như đổ lửa trên đầu, không khí hầm hập không có một làn gió nhẹ.
 


Trên Quốc lộ 60 tuyệt đối chẳng có bóng mát nào để dừng chân tạm nghỉ. Chạy chiếc xe city 100 phân khối lướt ào ào mà vẫn không chịu nổi, Như tắp Honda vào một quán nước đoạn đường từ Mỹ Tho lên Sài Gòn. Kiếm chỗ dựng xe xong cô nằm treo trên võng kêu ly cam vắt. Quán nép dưới những tàn cây trứng cá bình thường sẽ có giỏ thổi lồng lộng mát rượi nhưng hôm nay nhành cây ngọn cỏ cũng đứng trân trân. Như khóa xe cẩn thận rồi mua cái quạt giấy phe phẩy và thiu thiu ngủ.
 
Giật mình thức dậy, chắc cũng đã hơn một tiếng đồng hồ ngủ quên, Như vội vã thanh toán tiền rồi chuẩn bị lên xe ra về. Bỗng mắt Như dán vào một cô gái trẻ hơn cô chừng vài tuổi, cô ấy ngồi xoay người che nắng cho con. Hình ảnh nầy cô bắt gặp khi vừa đậu xe trước quán, Như nghĩ cô ấy đang chờ đón xe. Cớ sao đã lâu vậy mà vẫn chưa đón được?
 
Hiếu kỳ, Như đẩy xe đến gần, dọ hỏi:
- Em à, em đón xe đi đâu mà chưa có hay sao?
 
Cô gái ngẩng mặt lên nhìn: Đẹp! Đẹp hút hồn nhưng đôi mắt như vương vương một nỗi buồn sâu kín càng não nùng hơn. Ngại ngùng một lát, cô trả lời:
- Em đón xe đi Bình Dương chị à.
- Chưa có xe hả em?
- Người ta nói giờ nầy chỉ còn một chiếc cuối cùng nên em phải chờ thêm hai giờ nữa.
- Sao không vào quán ngồi cho mát? Để em bé ngồi đây nắng tét đầu còn gì?
 
Cô cười ngượng ngùng, không trả lời. Như nghĩ: Chẳng lẽ cô ấy không đủ tiền để trả ly nước hay sao? Như lướt nhìn qua một lượt, túi trà đá đã cạn khô vẫn còn trên tay bé gái trạc tuổi con Như:  Ba tuổi. Động lòng trắc ẩn, Như bỗng buộc miệng nói:
- Em không đủ tiền hay sao? Nếu không thì có thể đón xe lên xa cảng rồi đi Bình Dương được mà?
 
Cô gái cúi mặt xuống, nước mắt lăn tròn trên má, vẫn im lặng không nói tiếng nào. Như hối hận, có lẽ mình đã chạm váo nỗi đau thầm kín của đối phương rồi. Vốn tính hay lo chuyện bao đồng, Như ân cần nói với cô gái:
- Hay là chị cho em có giang lên tới Sài gòn, chị sẽ đưa em lại xe buýt để em bắt xe đi Bình Dương, tiết kiệm được số tiền.
 
Cô ngẩng đầu lên, Như nhận ra ánh mắt cô ấy lóe lên một sự vui mừng nhưng rất nhanh đã tắt ngấm:
- Em không dám làm phiền chị đâu. Chị cứ về đi, mặc kệ em.
- Dù sao thì chị cũng chạy xe không. Đèo thêm mẹ con em có người hủ hỉ đường dài, với lại em cũng không có hành lý gì.
 
Nhìn em chị cảm nhận được em thật thà, không sợ bị lường gạt. Thôi, cứ vậy đi nha. Để chị mua cho con bé bọc nước rồi lên xe chị chở đi.
 
Như quay quả trở vào quán gọi bọc nước cam vắt rồi buộc mẹ con nhà nọ lên xe, bé gái mắt sáng bừng đưa tay nhận bọc nước và đưa lên miệng hút ngay. Ngại ngùng một chút rồi cô gái cũng đỡ con theo lời của Như. Trên đường đi, Như hỏi:
- Em tên gì? Bao nhiêu tuổi để chị dễ xưng hô?
- Dạ, em hai mươi lăm tên Cúc. Con gái ba tuổi tên Trân. Nhà em ở Ba Tri á chị.
- Ba Tri Bến Tre à? Vậy sao lại bắt xe ở đây?
- Nhiều chuyện phức tạp lắm chị. Từ từ em sẽ kể chị nghe.
- Được rồi. Nếu khó nói thì không nên nói. Vậy là em nhỏ hơn chị hai tuổi rồi. Lên Bình Dương tìm người quen à?
- Không chị à. Em muốn tới khu công nghiệp có đông công nhân để mua gánh bán bưng mà nuôi con khôn lớn
- Là sao? Chồng em bị gì hay sao?
- Bắt đầu từ hôm qua thì em đã không còn chồng nữa rồi.
- Ly dị rồi hả? Sao vậy? Em còn trẻ quá mà.
- Em sẽ nói với chị sau. Bây giờ, trong tuối em cũng không có nhiều tiền. Chỉ hơn một triệu đồng. Nghe nói mướn nhà trọ bình dân cũng hết bảy trăm ngàn. Còn chút đỉnh mua đồ sinh hoạt trong nhà, rồi mua khoai lang khoai mì bán cho công nhân, trước mắt là kiếm miếng cơm cho con không bị đói.
- Còn gia đình ruột em ở đâu?
- Cũng ở Ba Tri nhưng em không ở được đâu chị. Vì nhà chồng gần với nhà má em mà má em thì ở chung với em trai. Vợ nó cũng khó khăn, thôi thì em tự lo cho mình không phải nương tựa ai chị à.
- Trời đất ơi. Chỉ hơn một triệu đồng mà hai mẹ con dám dấn thân đến nơi không một ai quen biết. Lạ nước lạ cái rồi khi chưa thuê được nhà trọ sẽ ăn đâu ở đâu? Bây giờ cũng gần hai giời chiều rồi, em lên tới Bình Dương chỉ có đi ngủ thôi, mà chưa tìm được nhà trọ thì chỗ đâu ngủ nghỉ? Mình người lớn sao cũng được chứ con nít đâu thể lăn lóc gầm cầu mé hiên người ta được em?
- Thuyền tới đầu cầu tự nhiên thẳng chị à.
- Thẳng vào trụ cầu rồi chìm thuyền phải không? Nhìn em biết ngay là người có học thức, tại sao lại chấp nhận mua gánh bán bưng? Bước đầu sao không gửi con cho ngoại rồi đi làm, tích lũy một số tiền, chừng đó con cũng lớn rồi, đem theo cho nó đi học cũng được mà?
- Nói ra không sợ chị cười. Là do em ngu dại nghe lời đường mật. Đang học cao đẳng sư phạm năm cuối thì yêu và có thai với ba bé Trân nên phải cưới gấp, coi như công cốc hai năm học. Giờ có muốn đi làm thì chỉ dùng bằng cấp ba thôi. Mà em đã nói với chị rồi, em không thể làm khổ má em thêm được. Chuyện em và ba bé Trân cả nhà đều phản đối từ đầu, tại em mù quáng nên bây giờ không trách ai, đành chịu một mình.
- Em không nghĩ đến những bất trắc không mong muốn xẩy ra sao?
- Có chị à. Nhưng bây giờ quá bí lối rồi.
- Thôi vầy đi, tối nay cứ ở lại nhà chị. Ngày mai là chủ nhật, chị sẽ đưa em lên đó rồi tìm nhà trọ cho em.
- Làm phiền chị em ngại lắm. Với lại, chị cũng đâu biết gì về em? Lỡ như em lừa đảo, tối khoắn đồ của chị trốn đi rồi sao?
- Chị tin mắt nhìn của mình. Với lại, là do chính chị đề nghị chứ không phải em yêu cầu. Còn em? Em không sợ chị chở em đi bán qua Trung Quốc sao?
- Em không sợ. Em bây giờ không sợ gì nữa cả. Miễn sao bảo vệ được con em, nuôi nó lớn lên, học hành đàng hoàng để bên đó họ không coi thường. Chị nói chị tin vào mắt nhìn của chị, em cũng vậy, em cũng tin vào mắt nhìn của em. Em tin chị là người tốt. Chứ không ai rỗi hơi mà quan tâm đến người xa lạ giữa trưa nắng chói chang, lại đưa ra quyết định đeo mang thêm phiền phức cho mình. Ân nghĩa nầy của chị em sẽ ghi nhớ suốt đời.
- Nghe được những lời nầy chị cũng thấy an ủi rồi. Lá lành đùm lá rách thôi em. Chị cũng không giàu có gì nhưng cuộc sống ổn định. Chị có nhà cửa, công việc, thu nhập đủ chi trải trong gia đình. Không biết nhau thì thôi, biết rồi chị cũng không thể đã nhìn thấy mà mắt lấp tai ngơ được.
 
Hai người phụ nữ lần đầu quen biết nhau nhưng đã có chút tình cảm. Vào tới địa phận Sài Gòn, Như mời mẹ con Cúc vào quán cơm, đãi cả hai ăn một bữa để khi về nhà Cúc không ngại ngùng với chồng con của cô.
 
Nhà của Như ở trung tâm thành phố. Một tầng lầu thôi nhưng chiều rộng căn nhà đến 6m. Chiều dài không biết bao nhiêu, khoảng sân trước cũng đã 5m rồi. Cúc cũng thấy ái ngại khi nhận lời ngủ qua đêm nhà Như nhưng đã rơi vào tình huống nầy biết phải làm sao? Như nói đúng và cô cũng biết được, nếu bây giờ mình đi thẳng lên Bình dương thì sẽ ăn đâu ở đâu? Cúc có cô em chồng đang làm công nhân ở khu chế xuất Linh Trung nhưng trước giờ cô nầy không thích Cúc, cô cũng không mong muốn gặp bất kỳ ai trong gia đình đó nữa.
 
Cúc ngạc nhiên khi nhìn thấy Tân, chồng của Như. Anh là một người đàn ông có thân hình chuẩn, khuôn mặt khôi ngô và nụ cười ấm áp. So bề ngoài thì Như thua kém anh một trời một vực, nhưng anh chọn Như có thể vì chị ấy là cô gái tốt, nhân hậu chăng? Hai vợ chồng Như gợi lên trong lòng Cúc sự cảm mến và kính trọng. Thì ra trên đời vẫn còn có nhiều người tốt, nhiều người sẵn sàng mở lòng ra với nhau, đón nhận nhau dù trong nghịch cảnh nào.
 
Đứa con gái của Như xinh xắn dễ thương. Cùng tuổi với bé Trân nhưng tròn trịa hơn. Nó thừa tự vẻ đẹp của cha. Như không đẹp, chỉ là dễ nhìn, Như ốm nên nhìn thấy cao, mặt có vẻ khắc khổ nhưng đôn hậu. Nhìn Như tưởng là khó gần mà không phải, cô đối đãi chân tình với mọi người, Như cho Cúc cảm giác thân thiện hiếm thấy. Cúc không có chị gái và cô ao ước được chị gái lo lắng âu yếm giống Như đối với cô bây giờ vậy.
 
Như soạn rất nhiều đồ đẹp của Khả Tú cho Trân, không phải Trân không có quần áo đẹp mà là do gấp đi quá nên Cúc chỉ mang theo vài bộ thay đổi thôi. Quần áo của Như thì Cúc không mặc được vì Cúc có da thịt hơn Như, đêm nằm cạnh nhau, Cúc trầm trồ hạnh phúc của chị bạn mới, Như cười buồn:
- Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh em à. Những gì mình nhìn thấy cũng chưa chắc là sự thật.
 
Cúc ngạc nhiên nhưng không hỏi gì thêm. Như ở với Cúc một lát rồi về phòng ngủ, Tân cằn nhằn khi cô vừa bước vào phòng:
- Em lại thích làm chuyện bao đồng. Người lạ hoắc lạ huơ chưa biết gì về người ta mà lại đem về nhà cho ăn cho ngủ. Lỡ họ dàn dựng vở kịch rồi đêm khuya cùng đồng bọn thu tóm tài sản của em làm sao? Khóc không ra tiếng à?
- Một người đàn bà tay ẵm đứa con ba tuổi thi có thể làm gì được? Tay không có chút  tiền, cả điện thoại cũng không thì đồng bọn tìm đâu ra? Xã hội bây giờ nhiều lừa lọc nhưng thật sự cũng có những hoàn cảnh cơ nhỡ. Nếu ai cũng bàng quang trước nỗi bất hạnh của người khác thì sao hả anh?
- Em đã thật giàu có chưa?
- Anh quên câu lá lành đùm lá rách rồi sao? Lại nữa, em có làm được gì cho cổ đâu? Chỉ là cho cổ ngủ qua đêm để mai đi. Giúp cổ mà không có hại gì cho mình sao lại không làm hả anh?
- Tùy em thôi. Tiến bạc em kiếm nhiều hơn anh, nhà nầy mua cũng cổ phần em nhiều hơn. Anh không dám có ý kiến.
- Là vợ chồng mà tính toán so đo kỹ vậy sao? Gì là cổ phần? Không phải đồng vợ đồng chồng tạo dựng mái ấm cho con hay sao anh?
 
Tân lầm lì không nói gì thêm. Trong lòng Như có một chút gợn. Hai người đã yêu và lấy nhau do sự sắp đặt của cha mẹ. Mẹ Như mất sớm khi cô chỉ hơn mười tuổi. Cha cô tục huyền, sau đó mẹ kế sinh ra hai người con. Như không được mẹ kế thương nên lăn lóc mưu sinh từ nhỏ, được cái cô cũng học hết cấp ba, học Cao Đẳng sư phạm. Giữa chừng, Như quyết định đi làm kiếm tiền nên nghỉ ngang mà học khóa kế toán. Như đi làm và tự trang trải chi phí cho mình đến khi gặp Tân.
 
Đã từng nghèo khó, túng thiếu nên Như hiểu hết và thông cảm cho những hoàn cảnh tương tự như Cúc. Tuy rằng cô biết chính với tính cách nầy của mình, đôi lúc cô cũng bị lợi dụng nhưng Như chưa bao giờ quan tâm. Giúp được ai, cô cảm nhận được người đó vui là cô cũng đã vui rồi.
 
Tân ích kỹ hơn cô. Anh chỉ quan tâm gia đình của mình thôi. Tân còn có mẹ và hai đứa em, một trai một gái. Tân luôn bù đắp cho mẹ và hai em của mình. Sửa sang nhà cửa, cưới vợ gả chồng cho em, tiền sinh hoạt của mẹ cũng do chính vợ chồng Tân chhu cấp. Như chưa từng từ chối yêu cầu của anh bao giờ nên cô rất được lòng bên chồng. Tuy vậy, họ cũng cho rằng Như kém anh quá xa về vẻ ngoài nên phải làm vậy mới mong giữ được chân anh bên cạnh mình. Điều đó đối với Như rất buồn cười.
 
Hôm sau, Như đưa mẹ con Cúc đi Bình Dương. Chính cô tìm nhà trọ cho Cúc và thanh toán ba tháng tiền phòng. Mặc cho Cúc từ chối vì ái ngại, Như nói:
- Chị giúp em chỗ ở để yên tâm có nơi che mưa che nắng. Số tiền em mang theo để làm vốn sinh nhai. Chị sẽ sắm cho em nồi niêu soong chảo, chén bát để dùng. Biết nhà và số điện thoại của chị rồi, gặp khó khăn gì nhớ tìm đến chị nghe không? Chị cũng không giàu có gì đâu nhưng số tiền nầy bây giờ với em là lớn nhưng với chị thì cũng chẳng bao nhiêu. Miếng khi đói bằng gói khi no mà.
 
Cúc mím chặt môi cố ngăn không để nước mắt rơi ra. Ôi người dưng xa lạ mới quen biết hôm qua sao lại đối với cô bằng cả chân tình như vậy? Sao mới ngoi lên từ vũng bùn đen đủi lại gặp ngay qưới nhân? Cô có phần phước gì lại nhận được tình cảm cao quí từ một người xa lạ như chị đây?
 
Như cũng không nghĩ rằng: việc mình làm hôm nay đã là trợ lực tinh thần dữ dội với Cúc và cũng đã cho cô cơ hội có một tình bạn thâm giao sau nầy.
 
Hết chương 1.
          Còn tiếp chương 02.
 
Lê Nguyệt
 
 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo