Hôm nay thứ ba, ngày 30 tháng 4 năm 2024
Truyện dài: SAI LẦM KHÔNG THỂ SỬA (01) (04/04/2024 08:28 AM)
Lê Nguyệt

Chương 01: Nửa đêm, giờ đó mọi người đều đã an giấc bỗng giật mình choàng tỉnh vì nghe tiếng đập bàn đập ghế ì xèo và tiếng khóc than líu nhíu bên nhà hàng xóm.
 


Ai nấy đều mở mắt nhưng vẫn không động đậy mà cào nhào:
- Mẹ bà, cái thằng khốn kiếp đó lại đánh vợ đánh con chứ đâu.
 
Đánh ban ngày bị bà con chòm xóm lôi đầu đi công an nên nó rút kinh nghiệm đánh vào nửa đêm vậy đó.
- Thứ gì mà ác như dã thú.
 
Con vợ cũng ngu, thôi cha nó cho rồi. Ở gì mà như nô lệ vậy không biết. Phải chi nó mần ra tiền nuôi con này hay sao? Thứ đồ biếng nhác nằm ngửa cho vợ nuôi mà mở miệng ra là nói trời.
 
Gặp người nhà của tui là chết mẹ nó rồi.
- Tại không biết đó thôi. Con này có mẹ ghẻ và cả bầy em. Ba nó thì mất rồi. Mẹ ghẻ không thương, thôi chồng về ở đâu? Hồi chưa cưới nó cũng biết thằng này hổng ra gì chứ bộ. Bị gả ép coi như tống cổ đi đó mà. Giờ con mới có hai tuổi đi đâu giờ?
 
Tui độ không mắc con nó bỏ thằng này tám kiếp. Lên Sài gòn đi ở đợ cũng sống phây phây mắc gì lệ thuộc nó?
- Xời. Bỏ đi mà không li dị thì cùng trời cuối đất nó cũng lôi đầu về cho bằng được. Bởi vậy, tính ra mấy đứa kia cũng một cha với nó chứ đâu mà sao không sót chị mình vậy ta? Gặp ai là xách đầu thằng đó đá nhóng rồi. Còn bên chồng nó chi?
- Người ta cũng can thiệp chứ. Ông bà già chồng nó cưng nó như con gái. Mỗi lần hay nó bị đánh là chết mẹ thằng nọ. Nhưng mà sau đó con này càng chết nữa. Ổng bả kêu dọn về nhà ở thì nó thề bán sống bán chết là sẽ không đánh vợ. Nhưng sau đó nó đập con nhỏ nhừ tử rồi tuyên bố là chuyện nhà của nó cấm ai xen vô. Cho nên con này bị đánh cũng đâu có ai can. Ức sức tui, bị bạo hành vậy tui phản kháng liền, chém chết mẹ nó ở tù cũng còn sướng hơn bị tra tấn mỗi ngày. Vạch áo nó lên coi, thẹo sao mà cái này chưa lành tới cái khác mà. Thứ người gì mà cuồng bạo vậy không hiểu nổi.
 
Người ta chỉ nằm nhà nói lén chứ chưa một ai bước tới để cản ngăn…
 
Đó là gia đình của chị Thương và người chồng là Tình.
 
Vợ chồng ghép tên lại rất ngọt ngào: Tình Thương, nhưng trong căn nhà cấp bốn ba mẹ cho ra riêng thì không có chút tình thương nào ở đó.
 
 
Tình là con thứ tư của ông bà Năm Căn. Hai chị có gia đình ở xa, cho nên hắn là con trai lớn. Còn đứa em gái là Yến, Yến có sạp trái cây ngoài chợ. Em trai tên Ngũ học xong cấp ba thì nghỉ đi vô vườn mua trái cây về cho chị bán. Chị em Yến Ngũ ở chung với ba mẹ. Ông bà Năm dạy con cũng nghiêm nhưng bó tay với Tình.
 
Thời trẻ hắn đã ham chơi biếng làm. Vì ba mẹ chỉ có con gái mới mình hắn là trai nên hắn biết mình được cưng, sau đó lại sanh ra em Yến, hắn tưởng mình là số một ngờ đâu Yến được năm tuổi thì mẹ hắn sanh ra Ngũ. Cho nên từ đầu hắn đã không ưa gì thằng em út này.
 
Khi hắn tới tuổi lấy vợ, đi coi ở đâu cũng không ai chịu gả dù nhà hắn thuộc dạng khá giả. Ba mẹ hắn đàng hoàng nhưng nhân thân hắn con gái trang lứa nghe là dạt ngang. Người lớn cũng không muốn con mình trao thân cho hạng người như hắn. May đâu bà Ngọt là mẹ kế của Thương vì muốn tống con chồng đi để rảnh mắt nên kêu hắn gả. Thương đã khóc chảy máu mắt nhưng vẫn không lay chuyển được bà, cuối cùng cô đành nhắm mắt đưa chân. Lúc ấy, Tình hai mươi bảy tuổi mà Thương chỉ mới hai mươi hai.
 
Thương còn một người cô ruột là Út Hường có gia đình ở tận Sài Gòn. Bà Ngọt sợ Út Hường lắm. Nên khi quyết định gả Thương cho Tình thì cũng điện thoại nói trước với cô. Rằng gia đình này đàng hoàng, ai cũng có công ăn chuyện làm tử tế. Út Hường biết ông bà Năm, biết mấy chị của Tình nữa nên vui vẻ đồng ý. Cô cũng biết bà chị dâu này không ưa cháu mình nên cô muốn nó có nơi chỗ đàng hoàng. Nhưng khi về giỗ anh trai cô mới biết Tình chẳng ra gì. Được cái nghe Thương kể lại là gia đình chồng quí mến cô nên Út cũng yên tâm.
 
 
Về nhà chồng ba ngày, Thương đã lạnh mình khi nhìn cách ăn uống của Tình. Trong bữa cơm, hắn ngồi bắt chéo chân, nhịp đùi bặt bặt. Khi nhai miệng phát ra tiếng kêu chép chép nghe rất chói tai. Vừa ăn vừa nói chuyện đôi khi văng cơm ra bàn. Mẹ chồng biết Thương khó chịu nên cứ lườm háy Tình ra dấu kêu hắn ăn uống tử tế lại nhưng hắn vờ như không.
 
Thương thầm nghĩ, ngữ như hắn đi ăn đám tiệc chắc bị người ta cười vô mặt. Cả nhà ai cũng là người lễ nghĩa sao lại có hắn lạ vậy không hiểu nổi. Chị Hai mỗi khi về đều nhăn nhăn:
- Có vợ rồi, ăn uống tử tế vô. Không có ai giành ăn với mầy, bớt chép miệng giùm cái. Kiểu này về bên vợ ăn cơm bà già vợ chọi chén lên đầu.
 
Hắn liếc ngang:
- Tui trước giờ vậy. Ai không thích thì đừng dòm. Ăn uống thì phải thoái mái nó mới ngon. Câu nệ gì chứ? Phần tui tui ăn, có lấn sang phần ai đâu. Chộn rộn vui vả tét mặt.
- Thấy cái nước ăn của mầy tao mắc nhục.
- Sao nhục? Bà nói vậy là bắt thang cho vợ tui leo lên đầu tui ngồi ha gì? Nhà này ngộ. Chuyện ăn uống cũng kẽ vạch. Tui đi năm sông bảy núi có ai bắt lỗi bắt phải vụ ăn uống này đâu? Sống trên đời, chỉ có ăn ngủ là thứ để mình thưởng thức. Thưởng thức sao miễn mình hài lòng thôi chứ?
 
Thấy nói cũng trấm trất như đàn gảy tai trâu nên rồi cũng mặc kệ hắn. Phần Thương, cô có gắng chịu đựng lâu dần rồi cũng quen. Kệ hắn đi, muốn ăn kiểu gì thì ăn. Dù sao, cô và hắn cũng không thường đi chung ra ngoài.
 
 
Về phía gia đình chồng Thương. Biết con trai mình không ra đám ôn gì nên ông bà Năm Căn không cho hắn ra riêng, để ở chung đặng bảo vệ con dâu. Đây là thời gian ấm êm nhất của Thương. Rồi năm sau cô có mang, sinh ra thằng Hiếu.
 
Bà Năm biết cô không được mẹ kế thương nên coi cô như con đẻ. Hai chị, hai em cũng yêu quí cô. Thương tưởng mình đã tìm được bến đỗ bình yên rồi. Hàng ngày, Yến và Ngũ ra ngoài mua bán, Thương ở nhà cơm nước dọn dẹp. Hắn thì đi đâu mất biệt cả ngày, tối lù lù về ăn cơm. Ban đầu Thương cũng khuyên nhủ nhưng mỗi lần nói là mỗi lần gây, riết rồi cô cũng không quan tâm gì tới hắn nữa.
 
Nếu cứ sống mãi trong căn nhà đó thì Thương sẽ không hề biết địa ngục trần gian là gì. Nhưng con người đúng là không lường trước được ngày mai của mình sẽ ra sao.
 
 
Không phải khi sống chung với ba mẹ, Tình chưa từng đánh cô. Vì mỗi khi hắn ta ra tay đều bị Yến phát hiện và cô làm rùm lên, vậy là ba mẹ can thiệp. Nhiều lần như vậy nên Tình ghét luôn cả Yến.
 
Khi bé Hiếu chưa ra đời, bà Năm kêu Thương ra chợ phụ với Yến cho vui. Bà còn khỏe để chuyện nhà bà lo cũng được. Ông Năm ít nói hơn bà nên các con sợ hơn. Từ lúc về làm dâu nhà này, Thương luôn cảm thấy vui vẻ dù cô không thích Tình. Mỗi tối nằm cạnh thân thể hôi hám sặc mùi rượu của hắn là cô cảm thấy bức bối. Nhưng hơn hai mươi năm, mười mấy năm sống cùng mẹ ghẻ, cô đã quá mệt mỏi với vẻ mặt cau có của bà, từ khi ba cô mất đi, mỗi bữa cơm đều chan nước mắt. Cô có ba người em cùng cha, tụi nó cũng thương cô nhưng sợ mẹ khiếp.
 
Có khi cô đi làm ngoài đồng, cả nhà ăn hết cơm không chừa cô hột nào. Tối nhịn đói ngủ mà không dám kêu ca. Con Chi em kế cô lén lấy mì tôm chế nước bình thủy đem vô cho cô ăn. Tô mì tôm đó cô vẫn nhớ mãi hương vị của nó, ngọt ngào tình ruột thịt mà mặn đắng nước mắt của lòng người ấm lạnh. Ôi! Nếu như ba cô vẫn còn thì mẹ ghẻ có đối xử với cô như vậy hay không?.
 
Cho nên, nhắm mắt về nhà Tình, cô nghĩ nếu như thế nào thì cũng hơn ở với mẹ ghẻ. Thương hoàn toàn không ngờ mình được nhà chồng quí mến và tín cẩn như vậy. Cho nên, tuy không nhận được sự âu yếm trìu mến từ chồng nhưng cô vẫn thấy mãn nguyện lắm. Ở đây, cô được tự do xỏa bung tóc sau khi gội, đi tới đi lui trong nhà để mau khô. Cô được em chồng thỉnh thoảng sắm cho vài bộ đồ mới. Thằng Ngũ còn nhỏ mà hễ mỗi khi có đồ ăn gì lạ lạ đều chia cho chị dâu. Ban ngày ở chợ, ban đêm ở nhà, ba chị em nói cười rôm rả có ba mẹ hưởng ứng. Lắm khi Thương quên đây là nhà chồng và trước mặt là cha mẹ và em chồng mà cô cứ nghĩ đó là ruột thịt của mình.
 
Trong bữa cơm chiều, cả nhà quay quần trên mâm, kể lại sinh hoạt một ngày. Thường thì hiếm khi Tình có mặt để ăn chung. Thời gian đầu cô còn chờ hắn về để dọn cơm cho hắn, nhưng lâu dần, ba chồng cô nói thây kệ xác nó, chừng nào đói bụng tự động vô lục nồi, còn gì ăn nấy. Già đầu có vợ rồi mà vẫn không biết lo, ai hơi đâu mà lo cho nó hoài.
 
Nhưng dù không nói ra, ông cũng biết Tình khó khăn với vợ. Hắn ra vẻ gia trưởng muốn vợ phải răm rắp nghe lời, phải luôn chìu lòn hắn. Ông bà cũng biết Thương không có tuổi thơ ấm êm từ khi ba cô qua đời nên muốn bù đắp cho đứa con dâu tội nghiệp. Nó đã quá khổ rồi giờ lại vướng vào thằng chồng như Thương thật là bất hạnh trong bất hạnh. Cho nên, dù Tình nằng nặc đòi ra riêng nhưng ông không cho.
 
Ra riêng rồi Thương sẽ khổ như thế nào nữa? Hiện giờ, trừ khi có mặt Tình, lúc nào cũng thấy Thương vui cười hớn hở, cô nói chuyện đùa giỡn với hai đứa em chồng. Hai chị chồng về cô ân cần chu đáo lo cơm nước. Thật lòng, ông bà rất vừa ý cô dâu này, chỉ là không biết làm sao để cải tạo thằng con mình theo hướng tích cực hơn.
Hết chương 01.
          Còn tiếp chương 02.
 
Lê Nguyệt
 
 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo