Bản nhạc chuông quen thuộc lại vang lên: “Có chiếc lá vàng vừa rớt
sau cánh cửa/ Người mới đây thôi người đã đi chưa/ Thương con sông một đời câm
không nói/ Lặng lẽ buồn vui bồi lở suốt bao mùa”.
Một bàn tay gầy guộc đang cố gắng với lấy chiếc điện thoại, ông cụ
cố rê mình ra mép giường, từng chút, từng chút một khó khăn. Tiếng điện thoại
làm Hạnh đang nhặt rau dở chạy vào nhà. Thấy ông cụ đã nhích người ra quá mép
giường cô vội vã chạy lại, cô nhẹ nhàng bế ông cụ nằm lại vị trí cũ, nói:
- Có điện thoại thì cụ gọi con chứ, cụ cứ nằm yên đấy để con vào
nghe, ai gọi kệ họ, cụ cố với ra làm cái gì, giờ cụ yếu rồi nhỡ mà có làm sao
là con day dứt lắm, cô chú về thì biết ăn nói thế nào?
Ông cụ im lặng không nói gì, tiếng chuông điện thoại cũng vừa dứt.
Sau khi đã kê gối lại cho ông cụ nằm cho đỡ mỏi lưng, Hạnh cầm chiếc điện thoại
lên xem cuộc gọi nhỡ và gọi lại, chẳng cần xem cô cũng biết là điện thoại của
chú Chính gọi về. Hôm nào cũng vậy, cứ tầm này Chính lại gọi về hỏi thăm sức
khoẻ ông cụ, xem ông cụ bệnh tình thế nào, đã ăn cơm chưa, dặn nhớ cho ông cụ
uống thuốc đúng giờ... Ông cụ mừng lắm, đang định bảo Hạnh là cho ông nói
chuyện với Chính một lát thì Chính đã tắt máy rồi, ông sợ chúng nó bận, sợ ảnh
hưởng đến công việc của chúng nó nên thôi. Ông hỏi Hạnh:
- Có phải thằng Chính không cô?
Hạnh mừng rỡ nói với ông cụ:
- Dạ vâng, là chú Chính cụ ạ! Chú ấy bảo với con là thứ bảy tuần này
sẽ dắt bọn trẻ về thăm cụ!
Tự dưng ông cụ khuôn mặt rạng rỡ hẳn nói:
- Hôm nay là thứ mấy rồi cô nhỉ?
- Hôm nay mới có thứ hai thôi cụ ạ.
- Mới có thứ hai thôi à, vậy thì còn những 5 ngày nữa.
Ông cụ nói thầm như nói một mình làm Hạnh không biết có phải ông cụ
đang nói với mình không nữa, Hạnh xuống bếp nhặt rau tiếp. Ông cụ cố nghiêng
mình hướng mắt nhìn ra ngoài sân, trời đã bắt đầu thu, một vài chiếc lá đã bị
gió thổi bay vào hiên nhà. Ông cụ mông lung nhớ về một thời đã xa xôi, thời mà
đôi chân ông còn vượt suối băng rừng ngày đêm không biết mỏi...
Rồi ông lại nghĩ đến mình bây giờ, sau cơn tai biến thì ông đã bị
liệt nửa người không thể di chuyển được, giờ trí nhớ ông đã giảm sút và yếu hơn
nhiều, lại cộng thêm cả bệnh huyết áp nữa, ông biết mình có thể ra đi vào bất
cứ lúc nào, giờ ông chỉ muốn những ngày tháng cuối đời được bên các con các
cháu thôi cũng khó. Thằng Chính thì mải đi làm ăn xa vài tháng mới có dịp về
thăm ông một bận. Mà chưa bao giờ ông trách cứ gì các con ông cả, giờ chúng nó
đã có gia đình, còn phải chăm lo cho các cháu ông ăn học nữa chứ.
Nghĩ vậy ông lại quay ra tự trách mình, sao khi tai biến mình không
chết luôn đi cho rồi, giờ bị liệt nửa người đặt đâu nằm đấy, đến ăn uống tắm
rửa cũng phải có người làm thay, chỉ thêm gánh nặng cho mọi người. Nhiều lần
các con của cụ muốn đón cụ lên thành phố để tiện bề chăm sóc, nhưng ông cụ
không nghe, ở nhà còn đất đai nhà cửa, tuần rằm mùng một lấy ai hương khói cho
ông bà tổ tiên. Nghĩ đến vậy ông chỉ biết thở dài.
***
Buổi sáng. Lại một ngày nữa trôi qua, hiên nhà sau một đêm chưa kịp
quét dọn lá đã lại rơi đầy. Cuộc đời đôi khi thật nhàm chán, với nhiều người
vào cái tuổi gần đất xa trời chỉ mong thời gian trôi chậm lại, còn với ông, ông
chỉ muốn thời gian trôi thật nhanh, thật nhanh cho tới thứ bảy để được gặp các
cháu của ông.
Mọi ngày trôi qua trong căn nhà vắng chỉ có Hạnh và ông, cứ đều đều
như một thứ tự lặp đi lặp lại, buồn tẻ và chẳng có gì thay đổi ngoài tiếng
chuông điện thoại kêu. Đúng, chỉ có tiếng chuông điện thoại mới là thứ làm ông
cảm thấy cuộc đời ông còn đáng sống, mới là thứ an ủi và cho ông hi vọng mỗi
ngày...
Hình 2
Tình cảm gia đình ấm áp, con cháu sum vầy là điều mà người lớn tuổi
nào cũng cần.
Đang chìm trong những suy nghĩ mông lung thì ông nghe có tiếng dựng
xe đạp ngoài sân. Hạnh đang phơi quần áo dừng lại chào khách rồi nói với vào
trong nhà:
- Có cụ Từ vào chơi cụ ơi!
Cụ Từ bước vào trong nhà nói:
- Chào cụ Thông, tôi tới thăm cụ đây!
Ông cụ Thông đang nằm giường mừng rỡ nói:
- Sao cụ không bảo các cháu nó đèo, già rồi chân tay lẩy bẩy ngã ra
thì khổ, mà ra đường giờ bọn trẻ nó phóng cứ vù vù ấy, ghê lắm!
Cụ Từ tiến đến cạnh giường ngồi xuống nói:
- Tôi tự mình đi lại cho nó khoẻ người, coi như tập thể dục ấy mà,
giờ con cháu có việc của chúng nó, thời gian đâu còn đèo mình đi chơi hả cụ.
Ông cụ Thông thở dài rồi nói:
- Mà cụ nói cũng đúng, giờ con cháu nó có việc của chúng nó, thời
gian đâu mà đèo mình đi chơi nữa.
Nói rồi hai cụ cùng nhìn ra mùa lá rụng ngoài sân, từng cơn gió se
se thổi vào trong nhà, một màu nắng vàng hoe vàng hoắt dễ làm cho cảm xúc của
con người ta buồn theo. Im lặng một lát cụ Từ mới nói:
- Đời người như chiếc lá, mới ngày nào non xanh giờ đã thành già
cỗi, mốt mai gió đưa gió đẩy về trời, nhưng ra đi như thế có khi lại nhẹ lòng,
còn những chiếc lá còn lại biết đâu cũng giống như cụ và tôi chưa chịu rụng vì
chúng cũng đang đợi chờ một điều gì đó...
Lời nói thoáng làm ông cụ Thông buồn. Hạnh phúc đôi khi cũng mong
manh chẳng khác gì những chiếc lá đó... có lẽ đến một lúc nào đó sự tồn tại
cũng trở nên thật vô nghĩa nếu không còn một điều gì đó để hi vọng...
***
Một ngày, rồi lại một ngày nữa đi qua. Thế giới phía bên ngoài của
ông chỉ là một khoảng sân trước nhà và đóng khung trong một vài cánh cửa, đôi
khi chỉ là một vài tiếng gà, một làn khói bếp, một hương ổi chín hay chỉ là
tiếng trẻ con nô đùa ngoài ngõ thôi ông có thể tưởng tượng ra một thế giới đầy
màu sắc...
Đã lâu rồi ông chưa được đi ra ngoài, bỗng dưng ông thèm khát chúng,
ông thấy nhớ những thứ quá đỗi quen thuộc ngay chính trên quê hương mình, ngay
chính nơi mình đang ở, mà bấy lâu nay ông chỉ cảm nhận chúng bằng tiếng động và
mùi hương rồi ông tưởng tượng ra những hình ảnh. Bỗng ông thấy sợ, nỗi sợ không
còn bao giờ được thấy chúng thêm một lần nào nữa. Nghĩ vậy ông gọi Hạnh và nhờ
cô đưa ông đi.
Trên chiếc xe lăn, ông mải mê ngắm làng quê thân thuộc, từ cây ô rô
ngoài ngõ cho đến cây gạo đầu làng, từ những cánh chuồn chuồn chao nắng bên bờ
ao, cho đến những bông hoa ngô thâm nâu một màu bên con sông Cái, hương lúa
cũng bắt đầu thơm, thân thương từng tiếng hỏi han của những người trong làng
khi ông đi qua... Xe dừng lại trước một đám trẻ chơi nhảy dây, ông mỉm cười.
Lâu rồi, quả là rất lâu rồi Hạnh mới thấy ông cười như thế. Cô nói với ông:
- Lần sau cụ thích đi cụ cứ nói với con, con sẽ đưa cụ đi!
Ông cụ không trả lời vẫn mải mê ngắm mấy đứa trẻ mà không biết Hạnh
đang nói với mình, Hạnh thấy vậy cũng không nói gì thêm nữa. Lát sau ông cụ mới
lên tiếng hỏi:
- Hôm nay là thứ mấy rồi cô Hạnh nhỉ?
- Hôm nay là thứ sáu rồi cụ ạ!
Ông cụ thở dài mắt nhìn xa xôi... Hạnh nghĩ chắc ông cụ nhìn bọn trẻ
con lại nhớ đến các cháu của cụ. Chỉ ngày mai nữa thôi là cụ sẽ được gặp chúng
nó.
***
Lại một ngày nữa trôi qua, thứ bảy là một ngày mưa. Cơn mưa kéo dài
suốt từ đêm hôm qua đến giờ chưa tạnh. Ông cụ nằm trùm trong chiếc chăn kín hết
mặt mũi, trở giời ông cụ ho sù sụ, thi thoảng ông lại hở chăn ra nhìn ra phía
cổng mỗi khi có tiếng động. Hạnh thấy cụ lạnh liền lấy thêm một chiếc chăn mỏng
nữa đắp cho cụ rồi đặt tay lên trán cụ xem có bị sốt không. Ông cụ nói với
Hạnh:
- Nhờ cô thử điện cho thằng Chính xem, không biết mưa gió thế này nó
có về không nữa.
Hạnh cầm chiếc điện thoại lên bấm số gọi cho Chính nhưng không thấy
Chính bắt máy, ông cụ có vẻ lo lắng. Lát sau trời ngớt mưa, Hạnh vào trong
buồng lấy cái nón rồi đi ra nói với ông cụ:
- Cụ ở nhà con chạy ù ra chợ mua thêm ít thức ăn phòng khi chú Chính
về.
Nói rồi Hạnh dắt xe đạp xuống sân và đi. Ông cụ không nói gì, mắt vô
hồn nhìn ra sân, trời vẫn mưa lắc cắc, mưa hay nắng cũng chẳng khác gì nhau,
vẫn là những ngày lá rụng và buồn tênh trước sân nhà. Ông cụ chợt nhớ đến lời
ông cụ Từ nói hôm nào... Lời nói làm ông ngẫm ngợi hồi lâu. Bất chợt bản nhạc
chuông quen thuộc lại reo vang làm ông cụ giật mình, như một khát khao ông cố
rướn người về phía chiếc điện thoại, từng chút, từng chút một...
Ngoài chợ, Hạnh đang đứng mặc cả mớ tép, rồi quay ra chỗ mấy bà bán
rau mua bí ngô, đây là món ăn mà Chính rất thích vì lần nào về quê Chính cũng
dặn chị như thế, cả món đậu sống nữa. Hạnh cứ mải mê loanh quanh ngoài chợ mà
không hay biết chuyện gì đang xảy ra ở nhà...
Trong căn nhà, ông cụ đang chới với nơi mép giường, khuôn mặt ông
đang hồng hào bỗng gân lên rồi tím tái lại, cánh tay ông gầy guộc với trong
khoảng không, ông cố víu vào chiếc bàn để vươn ra phía chiếc điện thoại...
Ngoài chợ bỗng nổi gió, hình như lại sắp một đợt mưa rào nữa kéo
đến, Hạnh bị giật mình ngay sau đó bởi một tiếng sét lớn, phút chốc hoảng hồn
bỗng làm Hạnh chột dạ linh cảm như có chuyện gì đó chẳng lành... Hạnh vội vã
trở về.
Trong căn nhà, cánh tay ông cụ vẫn vươn ra, chỉ một chút nữa, một
chút nữa thôi... Tiếng chuông chợt tắt làm ông cụ hụt hơi tay chống xuống đất
thở dốc từng cơn. Bất chợt tiếng chuông lại vang lên một lần nữa...
Trên con đường làng gió thốc mạnh hất tung cái nón của Hạnh về phía
sau và mưa bắt đầu nặng hạt.
Căn nhà vắng, ông cụ lấy hết sức mình một lần nữa nhoài người lên,
một tay ông đã víu vào được chiếc bàn, một tay quờ phía trên, mắt ông gằn lên
những đường gân đỏ vì quá sức, bàn tay vẫn với về chiếc điện thoại... Keng!
Tiếng chiếc cốc trên bàn rơi xuống đất, bản nhạc chuông cứ vang trong căn nhà
vắng: “Có chiếc lá vàng vừa rớt sau cánh cửa / Người mới đây thôi người đã đi
chưa...”.
Lê Đình Tiến
Thương con sông một đời câm không nói/ Lặng lẽ buồn vui bồi lở suốt
bao mùa