Hôm nay thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024
Truyện Dài - BÃO TRONG MÙA NẮNG (25) (26/05/2023 12:59 PM)
Lê Nguyệt

Phần 25: Có mặt đủ các con rồi, bà Năm lại ra vẻ ngây ngô, cười cười hỏi từng đứa:
- Nay vụ gì mà tụi bây gom lại nhà cả đống vậy con?
 


Hò cười, ôm cổ má mình:
- Ủa? Sao anh Hai kêu về nói má muốn nấu chè bà ba cho tụi con ăn?
 
Bà Năm cười hì hì:
- Vậy sa? Tụi bây muốn ăn chè bà ba hả? Nhưng mà nấu làm sao má quên rồi? Có mua đồ sẵn chưa? Có đứa nào biết nấu không để má dạy cho nấu.
Hừng lật đật chen vào:
- Má nghỉ ngơi đi, để con nấu cho. Con biết nấu nè.
 
Bà Năm ngước lên nhìn Hừng, nheo nheo mắt:
- Ai in Hai Hừng con chú Hai phải hôn?
 
Hò vội trả lời bà:
- Chị Hai con đó má. Vợ anh Hai Hẹn đó.
- Vậy sao? Ờ phải rồi. Má nhớ rồi. Hôm bữa có để tang cho cha con mà. Vậy là con biết nấu chè nầy hả vợ thằng Hai?
- Dạ. Con nấu được má à.
- Vậy mấy chị em ráp nhau nấu đi. Nhớ cúng cho cha con một tô bự nhen.
 
Phi, vợ Năm Né chắc lưỡi lắc đầu:
- Lại cha nữa. Không biết tới chừng nào má mới thôi không nhắc cha à.
 
Chuộng lắc đầu ra dấu Phi đừng nói, Ba Hò liếc ngang Phi, gằn giọng:
- Má thương nhớ cha thì đã sao? Có ảnh hưởng gì đến cậu mợ không?
- Thì tui chỉ sợ má buồn hoài nên nói vậy thôi.
- Vợ chồng già sống với nhau gần hết cuộc đời. Người đi trước người còn ở lại không buồn không nhớ sao mợ Năm? Mợ may mắn còn đủ cha má, nhưng cha má mợ nhỏ hơn cha má tui rất nhiều. Ai rồi cũng phải già phải chết, đó là qui luật cuộc sống. Nhưng dù biết vậy người ở lại cũng khó lòng chấp nhận sự thật. Thay vì má như vậy, phận làm con chúng ta nên an ủi má sao mợ lại có vẻ khó chịu vậy chứ?
- Tui khó chịu hồi nào? Nói có một câu sao chị qui chụp tui có ý đồ nầy kia dữ vậy?
 
Tư Lánh giảng hòa:
- Thôi, chị em không mà. Hôm nay gom lại chơi cho má vui. Mấy bà làm ơn xuống bếp phụ chị Hai nấu chè, lời qua tiếng lại buồn vui bây giờ.
 
Ba Hò vẫn còn tức:
- Ngoài anh Hai ra, tao là chị lớn nhất trong nhà. Tụi bây làm gì thì làm nhưng động tới má là không được. Đừng thấy tao có chồng ở xa rồi không biết chuyện gì xẩy ra trong nhà. Tao nhịn được hết nhưng đứa nào xúc phạm má thì coi chừng tao à. Nói một lần không nói lại nữa nghe chưa?
 
Phi mặt chầm dầm, xuống bếp hỏi Hừng:
- Có chuyện gì sai tui làm đi chị Hai. Ở không nói bậy chúng chửi mang nhục.
 
Lam chau mày nhìn Phi:
- Nói chi nghe mắc mỏ vậy chị Năm? Nói chung, ai làm gì làm miễn đừng động tới má thì anh chị em tụi tui không khó chịu hà.
 
Chuộng, Phi, Trâm, Nhuần và Lam lui cui dưới bếp phụ Hừng. Người gọt khoai, người ngâm đậu, người nạo dừa. Lam chuẩn bị cơm cho cả nhà. Linh bồng bé Bủm đứng xem. Bà Năm, Ba Hò và năm người con trai ngồi ở bàn ăn cơm. Bàn ăn cơm cạnh nhà bếp nên ai nói gì đều cũng nghe cả.
 
Hai Hẹn thấy Hừng luôn chủ chốt trong mọi việc của gia đình, anh hết sức hài lòng. Là chị dâu cả ít ra phải như vậy, không như Tuyền trước đây, mỗi cuộc sum họp của đại gia đình, bà ta luôn né tránh để Chuộng gồng gánh. Riết rồi vai trò dâu cả giống như là của Chuộng. Hẹn cũng biết nhà đông anh em, mỗi lần tổ chức tiệc tùng thì rất là mệt nhưng đâu phải hễ là dâu cả thì phải làm hết mọi chuyện? Vấn đề ở chỗ phải biết phân công sắp xếp và nhất là phải lao vào làm đầu tàu cho các em noi theo. Hừng đã làm được điều đó.
 
Một lát sau thì chè được dọn lên. Ba Hò múc một tô lớn để lên bàn thờ cúng cho cha. Chị ngồi cạnh má để chăm sóc cho bà ăn uống. Bà Năm cho muỗng chè vào miệng, trợn mắt nhìn Hừng xuýt xoa:
- Trời. Ngon quá con. Con nấu ngon hơn má luôn đó.
 
Hừng cười, lắc đầu:
- Chị em con người một tay phụ nhau nấu không phải mình con đâu má.
- Má thấy hết mà. Thấy đứa nào cũng có phụ hết đó nhưng nấu thì chỉ mình con nấu. Mà như vậy là được rồi, gặp nhau vui vẻ là má mừng rồi. Đừng như con người ta, gặp là gây gặp là gây má buồn.
 
Những đứa con trố mắt nhìn má mình. Từ hôm cha mất tới nay, cử chỉ, lời nói của má luôn trong tình trạng vô thức, nay sao má lại nói những câu rành rọt rõ ràng như vậy chứ? Các con của bà đâm lo, sợ má mình thay đổi đột ngột là điềm báo trước chuyện không may. Như cha của họ vậy, đã định sau khi đầy tháng con của Linh, Hiền mới tính chuyện cho Hai Hẹn lại bất ngờ làm gấp gáp rồi thanh thản ra đi không một lời trăn trối?
 
Hẹn biết đã đến thời cơ nói chuyện đất cát rồi. Nên sau khi các em vui vẻ ăn chè xong, anh đan hai bàn tay lại đặt trên bàn, nghiêm túc nhìn qua các em một lượt:
- Mọi người lại ghế ngồi hết đi. Hôm nay nhân tiện đông đủ, anh Hai muốn bàn với mấy cô chú về miếng đất giồng mặt tiền lộ, chia chát theo sự sắp đặt của cha má. Lúc sinh thời cha má đã giao cho anh chuyện nầy.
 
Nhiều tiếng xôn xao:
- Chia như thế nào?
 
Hẹn điềm tĩnh trả lời:
- Trong bằng khoán của cha thì diện tích hơn một công giồng đó không có tách rời mà chung với miếng vườn và căn nhà. Nhưng cha nói miếng giồng sát mặt lộ tổng cộng là 1070 m2. Chiều ngang 107, chiều dài 100m. Cha nói chừa lại 7m chính giữa đất để làm đường vô nhà chính, cũng là đường vô nhà các chú luôn. Còn lại 100m, chia làm 10 lô, mỗi lô 10m chiều ngang kéo dài 100m chia đều hai bên mỗi bên 5 lô. Tám đứa con mỗi đứa một lô. Hai lô còn lại cho người ta thuê buôn bán hay cất nhà trọ gì đó, tiền thu nhập giao cho Lam, Linh để nó nuôi cha má. Giờ cha không còn, chị em nó nuôi má và giỗ quải ông bà nội và cha. Hai lô đất đó giao quyền cho chị em của Lam, được làm không được bán. Hết đời tụi mình, đời sau ai ở nhà cha má thì được hưởng và cúng giỗ hàng năm.
 
Năm Né chưa kịp nghe xong đã buộc miệng la lên:
- Vậy ném về cho không con Lam với con Linh rồi?
- Có thể nghĩ vậy. Nhưng tụi nó nhận kèm theo trách nhiệm chăm sóc tuổi già cho má và giỗ cúng hàng năm.
- Nói vậy là sai rồi. Chăm sóc má đứa nào cũng chăm sóc, giỗ cúng thì ráp nhau giỗ, sao tụi nó lại đứa thêm một phần chứ?
- Vậy ý chú mầy muốn sao?
- Tụi nó là con gái lại không có chồng con. Một lô đất được rồi. Phần hai lô còn lại chia đều cho năm thằng con trai, mỗi đứa thêm 4m ngang nữa mới hợp lý.
 
Hẹn bĩu môi, nhếch miệng cười:
- Buồn cười. Tao không cần 4m đất đó.
- Anh không cần nhưng tụi tui cần.
 
Hẹn nhìn qua các em một lượt, giọng nói pha chút mỉa mai:
- Có đứa nào giống ý Năm Né không?
 
Bảy Lũ và Tám Lưu đồng thanh lên tiếng:
- Tui cũng nghĩ như anh Năm. Nếu anh không cần 4m đó thì bốn đứa tui mỗi người thêm một mét nữa là công bằng.
 
Hẹn hừ một tiếng. Tất cả đều dừng tay ngẩng đầu lắng nghe cuộc tranh cãi của họ. Hẹn nhìn thẳng vào mắt Năm Né rồi cất tiếng hỏi bốn đứa em trai:
- Được. Nhưng tao muốn biết, thật sự trong lòng tụi bây có chút thương, chút suy nghĩ nào cho hai đứa em gái không chồng của tụi bây hay không?
 
Năm Né trợn mắt, phản đối:
- Anh đừng hỏi khó tụi tui. Cùng một mẹ sinh ra, anh thương tụi nó còn tui là trâu chó sao?
- Vậy sao cha đã quyết như vậy rồi mà mầy không bằng lòng?
 
Bảy Lũ, Tám Lưu đưa mắt sang Năm Né. Né ngẫm nghĩ  chút rồi nói:
- Thứ nhất, tui chưa từng nghe cha nói, đây là lần đầu tiên tụi tui biết từ miệng anh, ai sẽ chứng thực điều nầy được? Thứ hai,  hai đứa nó cũng đã được cha chia đất vườn ngang ngửa với mọi người. Tui hỏi anh, chị em nó ở với cha má, cha má có đất riêng, thu nhập nhiều, nói là nó nuôi cha má nghe có buồn cười không? Tài sản cha má tích lũy lâu nay cuối cùng ai hưởng? Nhà cửa tụi nó độc chiếm, đất đai chia đều. Nó nuôi cha má hay cha má nuôi nó?
 
Hẹn chụp lấy câu nói của Năm Né, quật lại liền:
- Mầy nói nhà cửa tụi nó độc chiếm hả? Vậy mầy có bằng lòng đổi với nó không? Chị em nó sẽ dọn qua nhà mầy ở, vợ chồng con cái mầy dọn về đây thờ cúng và phụng dưỡng má, hai phần đó giao lại cho mầy. Dám không? Có đứa nào dám đứng ra lảnh không? Thằng Lũ, má thương mầy nhất, mầy về ở với má nhen?
 
Ba người, Né, Lũ, Lưu làm thinh. Một lát sau Lũ mới lên tiếng:
- Chỉ sợ má không quen. Với lại sợ con tui quấy rầy má nghỉ ngơi.
- Từ chối chứ gì? Các con mầy quấy rầy à? Không phải mỗi khi đói bụng nó đều chạy qua kêu nội bới cơm cho ăn sao? Như vậy có quấy rầy không? Còn thằng Né, mầy đấu tranh giành quyền lợi như vậy, khỏi cần chia năm xẻ bảy gì nữa. Hai lô đất đó sẽ là của mầy nếu mầy dọn về phụng dưỡng má và thờ cúng cha. Nhà của mầy chị em con Lam ở. Chịu không?
 
Năm Né cười khẩy:
- Anh ngộ thiệt nhen. Chị em nó sống với cha má mấy chục năm cũng quen với tính nết của má rồi. Đổi như vậy má chịu không? Rồi biết vợ tui có lo lắng cho má bàng tụi nó không? Con dâu sao bằng con ruột?
 
Hẹn rùng mình:
- Mầy cũng biết nói con dâu sao bằng con ruột nữa hả? Bây giờ tao mới biết, thì ra mầy chưa từng thương con Lam và con Linh. Nó ở với cha má vì nó không có gia đình riêng. Nó lo cho cha má cái ăn cái mặc, chăm lo từng giấc ngủ của cha má. Của một đồng công một vạn. Lúc Tám Lưu có vợ tại vợ chồng nó muốn ra riêng chứ không thôi tụi nó cất nhà ở riêng rồi. Mầy liệu xem, mấy cô con dâu có thể chăm sóc cha má chu đáo bằng chị em tụi nó không? Ý là tao chưa nói tới chị em nó không có chồng, may là con Linh sinh ra được một đứa con gái. Nhưng con gái là con của người ta, rồi nó sẽ có chồng, có tư riêng. Tuổi già của chị em nó ai chăm sóc hả mậy?
 
Một mình con Bủm lo nổi hay sao?
- Thì có mắc mớ gì tới chuyện đất nhiều hay ít? Nó không có con thì khỏi phải chia chát. Anh coi tụi tui đứa nào cũng ít nhất hai đứa con, nhiêu đất đó cha cho sau nầy cũng phải chia cho tụi nó, đứa được bao nhiêu?
 
Hẹn vỗ bàn:
- Mầy càng nói tao càng thấy nhục cho phận làm cha mẹ của mầy. Cha cho đất để giúp các con buổi đầu chứ không phải cho tụi bây nhìn chăm chăm vô đó rồi so bì. Dù rằng có đất cha cho nhưng bản thân vợ chồng mầy cũng phải nổ lực để lo cho con chứ? Dạy con cái kiểu gì vậy? Cha cho mỗi đứa một mẫu, mầy có hai đứa con, sau nầy cho nó mỗi đứa năm công, con mầy sinh ra hai ba đứa nữa lại tiếp tục chia nữa, cuối cùng thì đứa chỉ có cái nền nhà mà không tự sắn thêm cho mình được công đất nào hay sao? Gì kỳ vậy? Mười mét ngoài mặt tiền lộ nếu mầy muốn bán thì cũng có thể xẻ ra làm hai lô. Không bán thì cất nhà cho thuê hoặc cho thuê mặt bằng. Số tiền nầy ngoài kế hoạch mầy còn muốn gì nữa?
- Nói chung tụi tui không đồng ý anh chia như vậy. Anh thiên vị hai chị em nó là phải rồi, tụi nó là chỗ dựa của anh mà.
- Mầy nói tới chỗ dựa tao mới nói. Đúng. Tụi nó là chỗ dựa không phải riêng tao mà là cả gia đình mình. Mỗi lần anh em tụ họp, tiền chợ búa cơm nước ai bỏ ra mậy? Đám giỗ ông bà nội, Tết nhứt tụi bây hùn được bao nhiêu? Cũng là tụi nó. Mấy đứa cháu đi học về ghé nhà lục cơm nguội, bây nói là nó ăn của ông bà nội nó, cho là phải đi, nhưng cơm canh đó là do ai nấu? Các thím dâu nhớ lại xem, bao nhiêu lần mẹ con ăn cơm ở nhà tụi nó khi chồng không có nhà? Tụi nó khá giả có bỏ anh chị em con cháu hay không?
 
Tụi bây phải nhớ rõ một điều, tao không giành cho tao, tao chỉ muốn bù sớt bất hạnh cho em gái của mình thôi. Nhưng tao đã lầm rồi. Tao tưởng tụi bây cũng một bụng như tao, ngờ đâu bây coi vật chất quí hơn tình thân. Nhưng dẫu bây có phản đối thế nào thì ý cha tao đã truyền đạt, và tao nhất định bảo vệ tâm nguyện ủa cha má.
- Anh đừng ỷ lớn rồi áp đặt tụi tui nghe theo. Quyết định vậy đi. Hai lô đó chia đều cho năm đứa con trai, anh không nhận thì chia làm bốn. Không bàn nữa.
- Tao không đồng ý thì sao?
- Thì thây kệ anh. Một mình anh cũng không thể một tay che trời.
 
Lam thấy sắc mặt Hẹn ửng đỏ, chị biết anh Hai mình sắp nổi sung thiên. Anh mà nổi nóng lên không có cha dằn xuống thì chuyện gì cũng dám làm, anh sẽ đánh Năm Né dập mật chứ chẳng chơi nên vội vàng đứng ra can ngăn:
- Thôi thôi anh Hai, họ không cho thì thôi. Tui cũng không thèm giành giựt làm gì.
 
Ba Hò lúc đó mới đứng dậy, chỉ vào mặt Năm né:
- Không phải giành giựt mà là làm đúng di ngôn của cha. Anh Hai đã nói vậy thì không đứa nào được cãi.
 
Tám Lưu la lên:
- Di ngôn gì chứ? Cha mất rồi ảnh muốn nói gì hổng được.
 
Ba Hò quay sang Lưu, quát:
- Anh Hai chia như vậy có được lợi gì cho ảnh không? Chẳng qua cha kêu sao làm vậy thôi. Nếu tụi bây muốn, phần đất của tao tụi bây lấy đi rồi muốn chia sao thì chia.
 
Hai Hẹn lớn tiếng:
- Tao đố đứa nào dám chia phần Ba Hò.
 
Năm Nổ cười khẩy:
- Anh mắc cười. Nếu nói đó là di nguyện của cha thì ai từ chối nhận phần là chuyện của họ anh ép được sao? Với lại, ai làm chứng là những điều đó được nói ra từ miệng của cha má chứ?
- Nếu có người làm chứng mầy có câm miệng không?
- Với điều kiện người đó phải chí công vô tư và có uy tín. Còn biết đâu là do anh dàn dựng?
- Tao dàn dựng có ích lợi gì cho tao?
- Hai lô đất dư đó anh sẽ kêu Lam, Linh cho con anh thuê mà không trả tiền để tụi nó bán cơm. Đừng nói tui không biết ý đồ của anh nhen.
- Ủa? Tao muốn cho con tao bán cơm thì việc gì phải đi thuê? Tao cũng có 10m kia mà? Nhưng tao không thèm cãi lý với tụi bây nữa, nhất là mầy đó Năm né. Nãy giờ mấy thím nghe chồng nói có ý kiến gì không?
 
Chuộng làm thinh. Hẹn để ý thấy từ đầu cuộc Tư Lánh cũng chưa phát biểu câu gì. Phi, Trâm, Nhuần ra vẻ khép nép, Phi nhìn qua ba chị em bạn dâu rồi đại diện lên tiếng:
- Đất đai của bên chồng thì để chồng giải quyết, tụi tui không có ý kiến.
Trâm và Nhuần gật gật đầu.
 
Hẹn nhún vai cười nhạt. Thử lòng họ:
- Nhưng mấy thím thấy chia như vậy có bất công với các chú không?
- Mấy ảnh nói như vậy tất nhiên là có lý của mấy ảnh rồi.
- Hiểu rồi. Vậy là thím đồng tình với chồng. Cũng phải. Chồng nào vợ nấy mà.
 
Năm né gạt ngang:
- Thôi, nó dài dòng chi cho mất thời gian. Anh có bằng chứng là cha má di ngôn thì đưa ra, không thì miễn bàn thêm. Cứ vậy mà làm.
 
Hẹn khinh bỉ, nhún vai lần nữa:
- Chỉ sợ khi người đó lên tiếng thì tụi bây mất trắng, nhất là mầy đó, Năm Né.
- Đừng nhát ma. Anh lôi người đó ra đây đi. Nói không suông coi chừng tui à.
 
Bà Năm vịn tay Hò từ từ đứng dậy, giọng nói dõng dạc, chắc nịch:
- Người đó là má đây. Coi chừng là coi chừng cái gì?
 
Ngoại trừ Hẹn và Lam, những người còn lại sững sờ nhìn má mình, ai nấy đứng như trời trồng, không hề chớp mắt.
 
     Hết Phần 25. Còn tiếp phần 26.
 
Lê Nguyệt
 
 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo