Hôm nay thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024
Truyện dài - BA KIỂU SỐNG (29) (28/10/2022 08:08 AM)
Lê Nguyệt

Chương 29: ĐỐI CHỌI
Bà Ba ra cửa nhìn Dũng đang lui cui phụ thợ lót gạch nền nhà. Bà cười ghẹo Dũng:
- Cái thằng, lớn tướng hết biết hôn.
 


Dũng thấy bà, nó cười tươi rói, nhắc ghế lại cho bà ngồi:
- Ngồi đi ngoại. Lớn tướng mà đẹp trai nữa hén ngoại?
 
Bà Ba cười hắc hắc:
- Ngoại không có nói con đẹp trai hồi nào à nhen.
- Cần gì nói. Mắt ngoại nhìn là con biết rồi. Biết ngoại ngưỡng mộ nhan sắc thằng cháu nầy lắm mà.
- Cái thằng…
- Cái thằng sao mà có duyên quá trời hén ngoại?
 
Bà Ba cười rần rần. Dũng hỏi:
- Hai con đi làm rồi hả ngoại?
- Ừ.
- Cậu Dân cũng đi dạy luôn rồi. Ngày nào con cũng trông tối để sum họp hết á. Ngoại biết hôn, cậu Dân thông thái lắm nha ngoại. Vậy mà sao hổng có bồ lạ ghê ta.
- Sao con không hỏi cậu?
- Hỏi cậu chịu nói mới lạ chứ. Lần nào cũng chửi con nhiều chuyện. Xời ơi, người ta quan tâm mà nói nhiều chuyện.
 
Bà Ba chuyển sang chuyện khác:
- Nhà mấy bữa nữa xong vậy Dũng?
- Cao lắm là một tuần nữa á ngoại. Mai mốt con dọn về đây, tối ngày bà ngoại ra ngồi chơi với con nhen?
- Chi vậy?
- Để ủng hộ tinh thần con với lại bà coi con bán đắc ra sao nhưng mà ngoại không được ngưỡng mộ con đó.

Nói xong, nó cười ha hả khoái chí. Bà Ba cũng vui theo nó. Tốp thợ xây cất cũng ăn theo cười vang.
 
Đang lúc hưng phấn bỗng Dũng nín bặt, Thục từ trong nhà bước ra, vẫn còn mặc bộ đồ ngủ mỏng lét không có nội y. Dũng quay mặt chỗ khác không nhìn. Bà Ba hết hồn đứng bật dậy kéo tay Thục lôi tuốt vào nhà:
- Trời trời, chỗ làm ăn buôn bán của cô Hai mầy mà ăn bận kiểu gì vậy?
 
Thục cũng đi theo nhưng gỡ tay bà nội ra, nhăn nhó:
- Gì dữ vậy? Nội hay quan trọng quá vấn đề, cũng mặc đồ chứ có trần truồng đâu mà kiêng cữ.
- Tao nói mầy vô thay đồ đàng hoàng nghe chưa? Người ta tới lui rần rần mà vú móm lòng thòng coi được sao? Mầy không xấu hổ nhưng cô mầy mắc cỡ biết chưa? Con gái gì mà không ý tứ chi hết. Muốn ở đây mầy phải xác định nơi nầy không phải là nhà mình, mình không tự tung tự tác được. Nhìn chị Trân mầy mà học theo.
 
Thục nạt ngang:
- Nội lúc nào cũng thấy con không bằng người ta. Để rồi nội coi, coi sau nầy con có thua kém ai không cho biết.
- Tới chừng đó rồi tính. Nhưng bây giờ sống ở đâu phải theo ở đó. Còn không thôi thì về quê cho mẹ mầy chìu, muốn làm gì thì làm không ai ngăn cấm.
- Nội làm gì dữ vậy? Con muốn ra gặp thằng cha Dũng mượn chả chở đi xem công ty nào tuyển người để xin việc rồi mới thay đồ, chưa chị nội la làng lên rồi hà.
- Mầy nhờ thằng Dũng sao được mà nhờ? Công chuyện của nó mê mê ra chẳng thấy sao?
- Công chuyện gì mà mê mê? Thợ làm thì để cho người ta làm, có chả hay không cũng đâu quan trọng. Chả nói chả con cô Hai thì đưa cháu cô Hai đi xin việc có gì lạ đâu?
- Mầy nhờ người ta mà giống làm má người ta quá. Mẹ mầy chìu mầy nhưng không phải ai cũng chìu mầy đâu nhen. Nó là con trai, sao mầy không nhờ chị Trân đưa mầy đi mà nhờ nó chứ?
- Chị Trân đi làm nội không thấy sao? Thì ra, không ai muốn con ở đây hết, cả nội cũng vậy. Bây giờ nội sung sướng rồi, kẻ hầu người hạ, cơm dâng nước rót nên nội đâu cần về quê, đâu cần tới đứa cháu nầy nữa.
- Ăn nói hàm hồ. Mầy bình thường như người ta coi, ai bỏ mầy? Gia đình cô Hai mầy sinh hoạt nề nếp, mầy làm đảo lộn lên hết.

Con Trân mà thấy mầy ăn bận như vầy nó không la làng tao không làm bà của mầy luôn. Mầy khoe cái gì vậy chứ hả? Vô thay đồ liền cho tao.
- Thay thì thay. Làm thấy ghê.
 
Thục vào trong, bà Ba nhìn theo, lắc đầu bất lực. Không phải cho đến bây giờ bà mới biết tính khí ngang ngạnh của Thục, bà đã cảnh cáo Pha nhiều lần nhưng mỗi khi nghe bà nhắc nhở là Pha liền mắng chó chửi mèo. Thái độ của Pha làm bà chán ngán không muốn góp ý dạy bảo gì nữa. Về sau, khi Thục rớt tốt nghiệp cấp ba Pha mới sáng mắt ra. Vậy là sáng chiều chửi mắng, mẹ con cãi vã hàng ngày. Pha nói một câu Thục trả lời mười câu. Nó chỉ sợ cha chứ không sợ mẹ. Bà Ba tiên liệu rồi, đứa cháu nội nầy coi như không có đi.
 
Cúc sửa soạn đi chợ bổ thêm đồ, nghe bà cháu lớn tiếng với nhau từ ngoài cửa vào tới trong nhà nên lắng nghe. Cô đã hiểu hết chuyện. Trân không có thời gian đưa Thục đi tìm việc, Dũng và Thục không ưa nhau, nếu cô kêu Dũng chở Thục đi, vì nể mặt cô nó sẽ miễn cưỡng nhận lời nhưng qua tiếp xúc chắc khoảng cách sẽ càng xa. Thôi thì cô sẽ nhờ chú Năm Honda ôm đưa nó đi, chú Năm rành khu công nghiệp lắm, Thục có thể tư vấn chú để tìm công ty tốt phúc lợi cao cho mình. Để tự nó chọn sau nầy sẽ không trách ai. Còn việc nó có thể trụ lại công ty bao lâu là do nó mà thôi.
 
Cúc nói với má và thục quyết định của mình. Thật ra, khi có ý nhờ Dũng đưa đi cũng chỉ là bắt buộc thôi chứ Thục cũng không muốn. Nhưng nó tiếc tiền Honda ôm, giờ thì được cô Hai kêu giùm và trả tiền thì đúng với ý của nó rồi. Chứ nó cần chi cái thằng vừa nhìn mặt đã không ưa nổi đó chứ?
 
Thục thay đồ ra, nó mặc quần jean xanh, hai đầu gối te tua làm kiểu, áo màu vàng hực cổ rộng tay phùng, nhìn không đàng hoàng đứng đắn, Cúc lắc đầu:
- Thay đồ khác đi con. Công ty là chỗ nghiêm túc ăn mặc phải đoan trang. Ấn tượng ban đầu rất quan trọng.
- Hôm nay con có xin việc đâu cô? Con chỉ đi một vòng coi thử xem rồi về mới quyết định.
- Muốn đi một vòng coi sao con không chờ chiều chị con về chở đi?
- Chỉ nói chỉ không có thời gian mà?
- Không có thời gian chở con đi xin việc trong giờ hành chánh thôi, chứ đi vòng vòng để xem công ty nào cần tuyển công nhân thì chiều đi cũng được mà?
- Con mang theo hồ sơ đây nè, nếu thấy hợp thì nộp luôn.
- Cho nên cô mới kêu con thay đồ khác. Mặc như vầy mới nhìn đã mất cảm tình rồi xin việc gì nữa chứ?
- Mấy bạn con nói mình chỉ cần nộp hồ sơ chỗ bảo vệ thôi chứ có vô công ty đâu cô? Khi họ duyệt xong nếu ok thì kêu mình vô phỏng vấn mà.
 
Bà Ba liếc thục bằng nửa con mắt:
- Cái tật cãi gióng riết quen. Mầy ăn bận như vậy từ trong nhà nầy bước ra cũng mất mặt cô mầy. Mà đẹp gì vậy hổng biết. Cái quần tự nhiên xé ngay đầu gối cho rách bươm rồi bận. Áo hở vú hở ngực, con gái con đứa gì mà vậy hôn? Tao nói thay bộ đồ khác, không thì ở nhà rồi về quê.
 
Thục quùn quằn quay vào trong:
- Mệt thấy ghê. Hở ra cái về về. Làm như con ở đây ảnh hưởng gì lớn tới nội vậy. Thay thì thay, mắc mệt.
 
Bà Ba nhìn Cúc, lại lắc đầu bất lực.
 
Thục thay cái áo khác nhưng vẫn mặc quần đó. Thấy bà ba dòm dòm, nó vội nói:
- Nội ơi bây giờ kiểu quần nầy đang thịnh hành, ai cũng mặc vậy không có dị hợm như nội nghĩ đâu. Mà nếu nội không cho thì con phải mua cái mới vì quần con đều như vậy cả.
 
Cúc nghĩ thầm trong bụng: “Con như vậy mà không hư mới lạ”. Nhưng cô cũng không tỏ thái độ gì. Trong lòng Cúc lúc nào cũng mang mặc cảm tội lỗi là mình cũng không phải đứa con gái tốt lành gì, cũng mang thai trước khi cưới nên không có tư cách để phê phán ai. Cô kêu chú Năm qua, dặn dò chú vài câu rồi để Thục đi cùng chú.
 
Chú Năm chở Thục đi rồi, Cúc nói với mẹ mình:
- Kệ nó đi má. Má cũng đừng rầy la nó làm gì cho nó trả treo những lời khó nghe làm má buồn.
 
Bà Ba hậm hực:
- Con nhỏ nầy nếu không thắng nó lại thì nó sẽ như ngựa không cương, con quản không nổi đâu.
- Nó cũng lớn rồi, cũng nên chịu trách nhiệm về mình, nên hư là do nhận thức. Con quản không nổi sẽ trả về cho cha mẹ nó. Dù sao, cậu Tiền cũng đã điện lên gửi gắm rồi. Má đừng khó khăn với nó nữa.
 
Bà Ba thở dài và không nói gì.
 
Thục về sau Trân một chút. Nó bô lô ba la:
- Con nghía được một công ty  rồi.  Chiều cô cho con mượn chiếc xe đạp đi nộp hồ sơ.
- Con có nhớ đường đi không?
- Trời ơi, con lớn rồi mà cô?
 
Trân hỏi:
- Em định nộp hồ sơ vào công ty nào?
- Công ty may Thành Đô đó chị.
- Chị biết công ty đó rồi. Đó là công ty vừa. Nhưng tăng ca ghê lắm nhen. Ngày làm mười hai, mười bốn tiếng không đó.
- Tăng ca thì có tiền chứ gì?
- Phải. Nhưng em khoan lo, công nhân thời vụ không có tăng ca đâu.
- Công ty nầy không có tuyển thời vụ, tuyển công nhân chính thức không hà. Em thấy họ ghi cần 1000 công nhân chỉ yêu cầu biết đọc biết viết. Em dư tiêu chuẩn rồi. Họ nói chỉ cần nộp hồ sơ xong phỏng vấn đi làm liền. Lương thực tập ba triệu một tháng. Ba tháng ok thì ký hợp đồng một năm.
- Vậy là lao động chân tay. Được rồi, em nộp đơn đi.
- Chân tay cũng đâu có sao? Dù sao cũng ngồi trong mát không giang nắng nôi đỡ hơn cày sâu cuốc bẩm.
 
Thục có vẻ vui suốt buổi chiều dù rằng vẫn chưa nộp hồ sơ xin việc.
 
May mắn cho nó, hôm sau về thông báo là đã được trúng tuyển rồi, chuẩn bị thứ hai đi làm. Cả nhà đều mừng cho nó nhưng nhìn vẻ huênh hoang tự đắc của Thục, Trân thấy bực mình. Chỉ là xin được việc ở vị trí tuyển biết đọc biết viết thì có gì để tự mãn như vậy?
 
Tới thứ hai, khi Thục đi nhận việc thì Dũng dọn lên nhà mới, có Dân theo phụ nó. Cúc nấu mâm cơm cho Dũng cúng cha và cúng kiến trong nhà. Dũng cảm động cứ rưng rưng nước mắt hoài, nó bùi ngùi nói với Dân:
- Con không hề tưởng tượng ra nổi cậu ơi, làm sao tin có ngày con sẽ ở đước trong một căn nhà ngăn nắp sạch sẽ lại ấm cúng như vậy. Trời phật cũng không bạc đãi con để khiến xui con quen biết với mẹ và cậu, để con còn có bà ngoại, chị Hai và gia đình nầy. Hôm nay, đứng trước bàn thờ của cha con, con thề sẽ không bao giờ phụ lòng tin của gia đình mình.
 
Bà Ba chớp chớp mắt, Cúc vuốt tóc Dũng:
- Đừng suy nghĩ gì thêm con à. Cứ an vui mà làm tốt công việc của mình. Con sống tốt là trả ơn cho mẹ và cậu rồi. Công của cậu lớn lắm, ở gần cậu, mẹ thấy con ngày càng ăn nói mực thước thông minh, biết lựa lời, biết làm vui lòng người khác. Đó là thành quả dạy người của cậu đó. Mang ơn là con nên mang ơn cậu mới phải.
 
Dân chắc lưỡi:
- Chị nói gì vậy chị Cúc? Nó ở gần em em toàn nói tầm xàm bá láp với nó thôi mà.
 
Cúc cười:
- Chị mong mỗi ngày cậu đều tầm xàm bá láp với nó nhiều hơn.
 
Chiều, Trân và Thục về, biết Dũng đã dọn lên ở nên Trân mua cho nó cái quạt máy gọi là tân gia. Dũng mắt long lanh nhận lấy từ tay chị rồi tìm chỗ ghim quạt. Nó đứng trước làn gió mát của quạt, mắt lim dim:
- Ta nói…mát từ trong tim mát ra.
 
Thục trề môi, nói hai câu làm những người có mặt đều lạnh mình:
- Xời. Nịnh nghe cũng thấy ghét. Cũng phải, nịnh mới có được nơi ăn chốn ở tốt như vầy chứ.
 
Dũng sửng người. Nó hoàn toàn không đề phòng con nhỏ nầy, ít ra dù có ghét nó cách mấy nhưng trong không khí vui vẻ như vậy nó cũng không nên phang một câu cho bể đầu chảy máu người khác chứ? Câu nói của nó đầy ác ý. Hàng trăm lần cậu Dân chửi Dũng nịnh nhưng trong lời chửi của cậu hàm chứa nhiều yêu thương trìu mến, Dũng luôn muốn nghe. Còn con nhỏ nầy nói như muốn khiêu khích. Nhưng nó là cháu ruột của mẹ và nó ỷ vào điều đó, Dũng phải đối phó với nó sao đây?
 
Trân muốn sửng cồ lên rồi nhưng bà ba lên tiếng trước:
- Mầy ăn nói kiểu gì vậy Thục? Người ta tặng quà cho mình cám ơn một tiếng gọi là nịnh sao?
- Cám ơn thì nói cám ơn, bày đặt “Mát từ trong tim mát ra”, nghe vừa cải lương vừa tức cười.
 
Trân không nhịn được nữa, nhất là nó nhìn thấy khuôn mặt ửng đỏ vì giận nhưng cố nhịn của Dũng, nó đốp ngay:
- Em không muốn nghe thì đừng có nghe, câu nầy Dũng nói cho chị nghe chứ không phải cho em, chị thích thì sao? Nếu như em không ưa Dũng thì đừng quan tâm để ý đến nó. Nhà nầy trước nay không có ai cắt ngang niềm vui của người khác một cách bất lịch sự như vậy. Chị nói cho em biết, đây là nhà của nó, có gì nó cũng về nhà nó ở, còn em, có gì em cũng phải về nhà em đó. Hôm nọ chị đã nói và em đã hứa với chị như thế nào? Mới đây đã quên rồi sao?
 
Bà Ba lắc đầu:
- Vậy mà hổm tao còn định nếu mầy không có việc làm thì tạm thời trông coi quán giùm thằng Dũng để nó đi giao hàng, giúp đỡ qua lại. Ngờ đâu mầy đánh chết cái nết không chừa. Người ta có mắc mớ gì tới mầy đâu sao mà cứ đeo theo kiếm chuyện hoài có phải muốn làm khó cô mầy hay không?
 
Cúc bỏ qua:
- Thôi vào nha tắm rửa thay đồ đi. Mai mốt nói chuyện nhớ cẩn thận lựa lời.
Thục quay vào trong, nói với lại:
- Con nấu tô mì ăn, không ăn ở đây đâu.
 
Trân hừ giọng mũi:
- Muốn ăn gì đó thì ăn. Mệt ghê.

Thục vào trong rồi, Dân vỗ vai Dũng:
- Thôi không buồn nữa mầy. Cứ coi như con nít không biết nói chuyện vậy cho nhẹ lòng.
 
Dũng ứa nước mắt nhìn mọi người. Như vậy đã đủ. Tất cả ai ở đây cũng đều thương nó, cần gì một đứa con gái mà nó không hề có chút cảm tình? Trái tim nó đã ấm áp rồi, nhưng nó cũng khôn ra, biết lọc bỏ những hạt sạn để trái tim nầy mãi mãi không mất đi cảm xúc chân thật đối với những người mà nó thật lòng thật dạ thương yêu.
 
Hết chương 29.
          Còn tiếp chương 30.
 
Lê Nguyệt
 
 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo