Nó bị bệnh động kinh mười lăm năm nay. Ba mẹ nó canh chừng kỹ lưỡng
lắm nhưng cuối cùng một bữa nó đi cầu cá sau nhà, lên cơn động kinh té xuống ao
chết mà không ai hay.
Ba má nó tức mình. Người này đổ cho người kia tội không trông nó cẩn
thận. Mà chắc do Già tới số rồi, chứ cái ao cạn sợt đứng giữa ao cũng chỉ tới
ngực thôi, ai mà cảnh giác chứ. Giận là giận thời buổi hiện đại mà ổng bả cũng
không chịu làm cái nhà cầu trên cạn cho con, biết thằng nhỏ mắc bịnh này mà để
nó đi cầu cá giờ trách ai?
Thằng Già vì bị vậy nên hiền khô, khờ ịch. Ngày tối lê la giáp xóm
chơi với con nít, vì bạn bè trang lứa nó ai cũng có việc làm hoặc vợ con đề huề
hết. Nó biết thân mình bị bịnh. Từ lúc mười hai tuổi, chuyên môn lại nhà ai xây
tường để bắt thằn lằn. Chộp được con nào nó bỏ vô miệng nhai ngấu nghiến con
đó. Nó nói vậy mới trị được bịnh phong đòn gánh.
Đầu óc không bình thường nên nó nói chuyện chẳng đâu vào đâu. Mở
miệng ra thì cái tiếng MƠI phọt ra trước:
- Mơi nhà tao ăn cơm vì cá lóc nướng nè. Ba tao mới câu được hai
con. Cho bà nội tao một con một con dành nướng dầm nước mắm hái rau càng cua vô
chấm. Ngon lắm.
- Mơi tao hái ổi sẻ nhà nội tao lợi cho tụi bây ăn hen?
Mấy đứa kia ghẹo:
- Anh bị động kinh, leo cây hông sợ té ha?
- Mơi tao hông có bị.
Xóm đông con nít. Nó lớn nhất nên không tham gia chơi trò, chỉ đứng
nhìn tụi nhỏ chơi rồi cười hề hề:
- Mơi tao hết bịnh bây cho tao chơi ví hen?
Tụi nhỏ ghẹo:
- Ừa. Mơi đi. Chừng nào có ngày mơi thì cho anh chơi chung hén?
Vậy mà nó vui dữ thần luôn. Hai mươi sáu tuổi mà đầu óc đã dừng lại
ở tuổi mười hai.
Già chết, bà con trong xóm ai cũng buồn. Nó không phá phách hay trộm
cắp gì, tối ngày gặp ai cũng cười tí tởn. Tiếng MƠI của nó từ nay không còn ai
nghe được nữa rồi.
Xóm Miễu Bà từ hôm đầu tháng chạp đã có không khí Tết. Bà con làm
mứt phơi kín trước sân. Mứt bí đao, mứt gừng, mứt cà trái tròn, mứt me để chuẩn
bị bán rằm tháng chạp cho tới Tết. Xóm này là xóm mứt mà. Nhà nào bận rộn lắm
cũng làm vài ký để Tết cho, biếu và đãi khách. Năm có mấy ngày con cháu tụ tập
về nên nhà nào cũng sửa soạn linh đình. Gà vịt nuôi từ mấy tháng trước.
Hồi trước, khi Già còn, mùa này nó lăng xăng lắm. Ba mẹ nó trồng đám
gừng rất lớn, bán cho cả xóm làm mứt. Già có chị Hai và đứa em gái. Chị Hai có
chồng nhưng năm nào mùa Tết cũng về phụ mẹ đào gừng, lặt sạch bán. Già phụ gọt
gừng cay mắt khóc hụ hụ:
- Mơi hổng có gọt gừng nữa đâu. Mơi dẹp cái vụ trồng gừng này đi.
Rồi nó đi sang nhà hàng xóm. Bạn cũ cùng thời gặp nó cười nói chuyện
với nó như nói cùng một đứa con nít. Nó không giận mà hí hửng đeo lấy:
- Mơi chừng nào mứt khô tao đem mứt gừng qua nhà mầy đổi mứt me
nghen. Mơi tao xách qua cả đống mầy đưa tao bao nhiêu me cũng được.
Mơi của nó là sắp tới, chừng nào tới thì tính chứ không phải là ngày
mai.
Vậy mà hôm sau nó mang một bịch xốp mứt gừng bỏ ngay cái mâm phơi
mứt me của cô Tư, rồi nó lấy hai trái mứt me vừa đi vừa ăn ngon lành. Cô Tư
biết nó chứ hổng ai nên thương, mang túi mứt gừng lại trả cho má nó và cười với
nó:
- Muốn ăn lợi nói cô cho, cần gì đổi hả con?
Nó mắc cỡ ưỡn ẹo:
- Mơi con không có làm vậy nữa đâu. Mơi cũng không xin cô nữa. Mơi
mẹ đừng có rầy con nghen.
Cô Tư có hai người con. Thằng Mạnh tuổi với Già có vợ, hai vợ chồng
làm việc ở Sài Gòn. Con Ly nhỏ hơn Già tới chín tuổi. Bây giờ nó mười bảy rồi,
đang học lớp mười một. Ngộ gái lắm. Già hay nhìn nó bằng cặp mắt ướt nhẹp rồi
cười cười:
- Mơi cưng lớn anh cưới cưng nghen Ly?
Ly cười té ngửa:
- Cũng được. Nhưng khi nào anh bỏ cái tiếng mơi thì em mới ưng.
- Mơi cưng ưng là anh bỏ cái một.
- Gì cũng mơi hết là sao kỳ vậy? Em kêu anh bằng anh Mơi bây giờ.
Già đi chơi tùm lum nhưng nhà cô Tư nó ít dám ghé. Nó sợ dượng Tư.
Bận dượng nghe nó dê con Ly nên nạt nộ nó. Chưa có ai nạt nộ Già bao giờ. Lẽ ra
nó ghét dượng lắm, ngặt cái dượng là ba của Ly nên nó không dám ghét. Nhưng vô
nhà thì cũng không dám vô dù cô Tư hiền và thương nó.
Già thích con Ly vì hôm bữa đang lơn tơn đi chơi bỗng nó bị động
kinh. Té xuống đất giãy đành đạch, răng nghiến chặt miệng sùi bọt mép. Chỉ có
mình con Ly thấy nên nó hoảng hồn. Đang đứng trước cửa cầm cái khăn lau mặt vội
chạy vô nhà lấy cái đũa bếp, khại miệng nó ra nhét đại cái khăn vô sợ Già cắn
trúng lưỡi. Ly thấy ba mẹ Già làm như vậy mỗi khi Già động kinh nên bí quá nó
làm đại. Rồi Ly tri hô lên, bà con chạy tới xoa bóp. Lát sau Già tỉnh lại, ba
mẹ nó cám ơn Ly nên Già biết Ly vừa cứu mạng mình.
Từ đó, nó để ý con Ly. Nhà có món gì ngon là nó giấm giúi đem lại
cho Ly ăn. Nhà Ly khá giả nên đâu cần đồ nó đem lại nhưng Ly cũng nhận cho nó
vui.
Già hai mắt sáng trưng, nó cười duyên với Ly:
- Mơi lớn lấy anh nghen?
Ly nghĩ già khờ khạo nên đẩy đưa cho Già vui:
- Bỏ tiếng Mơi mới lấy.
- Mơi bỏ. Không hiểu sao cứ mở miệng là tiếng mơi nó nhảy ra khỏi
họng trước hà. Mơi bỏ.
Nhưng mà Già có bỏ được đâu?
Già không phải khùng, nó Khờ. Già không phá phách, trộm cắp, chửi
thề nói tục. Chỉ duy nhất là nói chuyện không đầu không đuôi nhưng cũng chằng
hỗn hào với người lớn. Nó thích con Ly cả xóm ai cũng biết nên cô dượng Tư lo
lắm. Trông Ly học xong lớp mười hai, đậu đại học lên Sài Gòn ở với anh nó để
thằng Già quên đi. Vì khờ thì đâu có nhớ lâu.
Vậy mà bây giờ nó chết rồi. Thương hết sức thương.
Từ đó, xóm Miễu Bà vắng bóng thằng Già. Tạng người thì lớn nhưng trí
óc trẻ thơ. Nhìn đâu cũng thấy nhớ nó.
Già mất được hai năm rồi. Ba mẹ Già nhớ con nhưng ngẫm lại, thôi để
nó siêu thoát đầu thai kiếp khác. Kiếp này nó mang bệnh khờ khạo, uổng phí đời
trai, lớn lên khi ông bà mất thì nó ở với ai? Chị với em gái của nó cũng có gia
đình riêng tư rồi, liệu có còn quan tâm nó như bây giờ không?
Nói thì nói vậy thôi. Chứ dù nó khờ khạo nhưng vui tính và hiền.
Hàng xóm ai cũng yêu quí và không kỳ thị nó nên lúc nào nó cũng vui vẻ. Nó sống
với ba mẹ hai mươi sáu năm rồi, đâu phải chết xong là có thể quên nó được?
•
Xóm Miễu Bà lại chuẩn bị trồng bông, làm mứt đón Tết. Bước sang
tháng chạp, gió chướng về rồi.
Rồi bỗng một hôm, bà con ở xóm Miễu bà nói thằng Già đã quay về. Lúc
đó con Ly đã vào Đại học rồi.
Hễ mặt trời vừa khuất bóng, màn đêm buông xuống là Già đi ngời ngời
ngoài đường. Ban đầu chỉ vài người thấy, sau cả xóm ai cũng thấy. Lạ một điều
là không đứa con nít nào sợ nó, thấy nó thì bu lại chơi.
Già cũng hình vóc như hồi chết. Đầu tiên là nó ghé nhà cô Tư. Cô Tư
đang un muỗi cho bò thì nó lù lù đứng kế bên, hỏi:
- Mơi con Ly học ở Sài Gòn rồi hả cô Tư?
Quay lại thấy nó, cô Tư làm rớt cái hộp quẹt xuống đất run run:
- Ý trời đất cơi, mầy hả Già? Mầy chết rồi mờ?
- Mơi con chết rồi nhưng bây giờ con về thăm Ly. Nó hứa lấy con rồi
á cô Tư.
- Khùng mầy ơi. Mầy chết rồi thì lấy gì mà lấy?
- Mơi chết thì chết nhưng vẫn dìa được nà. Mơi Tết Ly dìa con thăm
nó. Nhớ nó dữ tợn rồi.
- Trời ơi mầy đừng có nhát nó, nó chết luôn đó.
- Mơi nó chết thì gặp con chứ sợ gì?
- Chết rồi mà cũng cứ mơi mơi hoài. Mơi lãng xẹt vậy mà cũng mơi.
Già cười tí tởn rồi te qua nhà khác.
Mẹ nó, thím Năm Khải sợ run khi nghe em gái Già nói:
- Mẹ à, anh Ba về nói mẹ kho cá đừng có để nước màu, đỏ lòm ảnh ăn
không có được.
Thím trợn mắt:
- Con nói xàm gì vậy Lùn?
- Thiệt mà. Chiều hôm qua ảnh đứng trước cửa nói với con nè. Ảnh nói
“Mơi mầy kêu mẹ kho cá, thịt thì kho riêng cho tao như mọi lần, đừng để nước
màu. Tao không chịu ăn đâu.” Con mới nói: “Ủa? Anh chết rồi mà?” Cái ảnh nạt
con: “Mơi tao chết nhưng tao vẫn về ăn cơm. Mẹ cúng cơm cho tao có mấy tháng
rồi ngưng, lấy gì tao ăn?”
Thím Năm mặt mày tái xám. Đúng vậy, hồi còn sống thằng Già không
thích đồ kho có để nước màu, cho nên nó hay bóc một nhúm cá thịt tự kho riêng
cho mình, nó nói nó ghét cái nước kho có màu đỏ đỏ, ăn hôi hôi.
Ban đầu thím không tin, nhưng sau nghe hàng xóm nhiều người thấy nó
thì đâm hoảng. Lẽ nào thằng con khờ khạo của thím đã thành ma rồi sao? Ở đây
biết bao nhiêu người chết có ai hiện hồn về bao giờ?
Tối lại, chú Năm đào gừng. Thím và Lùn ngồi lặt để mai cân cho bạn
hàng. Đang lui cui thì nghe tiếng nó nói:
- Mơi bán xong thì mua cho con cái bánh da lợn nghen mẹ.
Thím Năm hoảng hồn, ngước nhìn thấy nó ngồi chèm bẹp dưới đất tay
lặt lia lặt lịa rể gừng bám vào củ như mọi khi. Thím vừa mừng vừa sợ, kêu lên:
- Ông Năm ơi, coi phải thằng Già nó về hôn?
Chú Năm ngồi uống trà, ngó xuống chỉ thấy thím và Lùn, nạt ngang:
- Khùng chết tươi. Già đâu mà Già.
- Nó ngồi trước mặt tui nè. Con thấy hôn Lùn?
Lùn gật đầu. Chú Năm khì một cái chẳng thèm quan tâm. Già cười hềnh
hệch:
- Mơi ba không có nhìn thấy con đâu. Ba nặng bóng vía lắm.
Thím Năm lại kêu:
- Đúng nó rồi ông ơi, mơi mơi rùm kìa.
Chú Năm nhìn lại cái nữa rồi làm thinh. Coi như bà vợ mình nhớ con
quá rồi sinh ra mơ hồ.
Nhưng vài bữa thì nghe đồn rùm nhiều người thấy và nói chuyện với
Già. Chú giận lắm. Sống thì khờ khạo chết lại thành ma nhát người. Nó mà dám
bén mãng tới gặp chú là thế nào chú cũng lọi họng nó cho bỏ cái tiếng mơi mơi
đó đi. Ma mà cũng mơi mơi, mơi gì lãng xẹt vậy không biết. Rầy hoài mà cũng
trấm trơ trấm trất.
Rằm, Miễu Bà cúng rằm tháng chạp lớn lắm. Nhà nào cũng chè xôi, bánh
trái phủ phê. Nhang đèn hoa quả chưng kín bàn thờ ông bà. Lác đác có vài nơi
quét mộ. Xóm này đa số là bà con gần hoặc xa với nhau. Nên lệ quét mộ hàng năm
hầu như từ ngày rằm tháng chạp vài ngày là có. Rằm, mười sáu, hai mươi ba đưa
ông táo về trời. Hai mươi bốn, hai mươi lăm, hai mươi sáu là quét mộ rầm rộ.
Đến hai mươi bảy thì coi như những người quá cố đều có cái mộ mới tinh để ăn
Tết rồi.
Từ rằm là nhà ai phơi mứt trước cửa đều mất một ít. Ít sịt luôn. Bà
con biết do Già lén ăn chứ không đâu. Ban đầu còn giật mình sao thì cứ kệ.
Nhà cô Tư mắc cười nhứt. Trời vừa mát mát là mấy mâm mứt gừng được
ai bưng vô nhà rồi. Nhà có cô dượng mà cô không bưng dượng không bưng thì là
ai? Cô Năm lo lắng nói với chồng:
- Thằng Già đó ông à. Nó khoái con Ly. Cứ đòi lấy con Ly hoài sao
giờ ông?
Dượng Tư hứ dài:
- Tầm xàm. Nó chết rồi mà lấy gì chứ? Nhưng nếu nó còn sống cũng ai
đâu mà gả. Lớn tướng lớn tuổi vậy chứ còn thua đứa con nít. Tối ngày mở miệng
ra là mơi mơi. Bà đừng có hứa bậy với ma không nên đâu nghen.
- Hứa gì mà hứa? Tại nó nói vậy chứ…
- Bà kêu nó muốn gì thì gặp tui nè. Tối ngày cứ canh nhát đàn bà với
con nít. Xóm này có đàn ông trai tráng nào thấy nó chưa? Ba nó còn không thấy
nữa là.
Vậy mà chiều lại thì cô Tư gặp thằng Già. Nó nhìn cô với cặp mắt
buồn áo não. Mặt mày chầm dầm chù ụ, Già than:
- Mơi, dượng hổng ưa con. Dượng cấm con Ly rồi mơi sao con cưới nó
được.
Cô Tư khuyên:
- Con bây giờ không phải là người sống nữa. Thiệt tình con thương Ly
phải hôn?
Già buồn bã gặt đầu.
Cô nói tiếp:
- Thương thì nên để cho nó vui vẻ mà sống. Con làm ma mà theo ám nó
thì sao nó khôn lanh như người ta được?
- Mơi con giận cô luôn. Cô nói con là ma hả?
- Chứ không phải sao?
Con giờ chỉ có cái hồn. Cái xác của con bị chôn gần nhà con đó. Có
cái mộ mới tinh kế mộ ông bà nội con mà con không thấy sao?
- Mơi chừng nào Ly dìa, con hỏi nếu nó không chịu rồi tính. Nó chịu
là cô phải cho con lấy nó à.
- Nó còn đi học đi hành, chưa đâu ra đâu. Giờ ai cưới cô cũng không
gả huống chi con là ma.
- Mơi cứ ma ma hoài, cô thấy ghét.
Già thùng thẩy đi một hơi về nhà. Ngồi chình ình trước thềm ba ngó
ra sân. Thím Năm tuy sợ nhưng tình thương con lớn hơn nên lấn áp nỗi sợ. Thím
ngồi cạnh bên Già, nhìn nó mà không dám đưa tay chạm vào:
- Giận gì đó con trai?
- Mơi mẹ qua nói ví cô Tư đi. Mơi chừng nào con Ly học xong thì con
cưới nó.
Hết chương 01.
Còn tiếp chương 02.
Lê Nguyệt