Phần Lan và Estonia cho biết, họ dự định sẽ tích hợp các hệ thống phòng thủ bờ biển di động với tên lửa Blue Spear vào thế trận của họ để tạo ra khu vực Chống tiếp cận/Phong tỏa khu vực (A2/AD) nhằm chống lại nguy cơ từ Nga ở biển Baltic.
Hai quốc gia trên có kế hoạch "hạn chế giao thông hàng hải của Nga" trong khu vực vùng lãnh thổ Kaliningrad, nơi có Hạm đội Baltic của Hải quân Nga. Hiện tại, kết nối duy nhất giữa Kaliningrad và Nga ở Biển Baltic là qua Vịnh Phần Lan.
Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur cho biết, tầm bắn của tên lửa phòng thủ bờ biển trong tay cả hai nước lớn hơn nhiều so với chiều rộng của Vịnh Phần Lan, ngoài ra họ có thể trao đổi dữ liệu bằng cách tích hợp các hệ thống giữa đôi bên.
Estonia đã đặt hàng tên lửa chống hạm Blue Spear vào năm 2021 từ liên doanh Proteus Advanced Systems giữa Israel và Singapore và quá trình giao hàng dự kiến sẽ sớm diễn ra.
Ông Hanno Pevkur thông báo, sau khi tiếp nhận, họ sẽ tích hợp tên lửa chống hạm Blue Spear vào hệ thống phòng thủ bờ biển MTO-85M. Đồng thời vị quan chức này cho biết, Biển Baltic sẽ trở thành vùng biển nội bộ của NATO sau khi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự.
Không có tuyên bố nào được đưa ra từ phía Nga liên quan đến sáng kiến của Phần Lan và Estonia nhằm tạo ra một mạng lưới phòng thủ ven biển chung, nhưng rõ ràng Moskva có lý do để cảm thấy lo ngại.
Ông Yuriy Shvitkin - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Duma quốc gia cho biết, mối đe dọa ở Vịnh Phần Lan sẽ kích động phản ứng của Nga và nói rằng “hệ thống phòng thủ bờ biển không phải là trở ngại đối với các tàu chiến của Hải quân Nga”.
Nhưng theo giới phân tích, một khi Phần Lan và Estonia tích hợp các hệ thống phòng thủ bờ biển của họ, có thể Kaliningrad - nơi đóng trụ sở của Hạm đội Baltic sẽ bị cắt khỏi lục địa Nga.
Mặc dù người Nga tuyên bố rằng tên lửa Blue Spear sẽ không gây nguy hiểm cho tàu chiến của họ, nhưng vẫn có những nghi ngờ lớn, đặc biệt là sau vụ đắm tuần dương hạm Moskva - soái hạm của Hạm đội Biển Đen.
Việc ký kết thỏa thuận và kế hoạch tạo ra hệ thống phòng thủ chung cũng dẫn tới những dự đoán rằng các nước Baltic sẽ phối hợp cùng nhau và thực hiện các biện pháp chung chống lại mối nguy cơ mà họ xác định sẽ đến từ Nga.
Blue Spear được chế tạo dựa trên nền tảng cơ sở dòng tên lửa chống hạm Gabriel nối tiếng của Israel, vũ khí này đã chứng minh hiệu quả đặc biệt cao trên chiến trường.
Hệ thống tên lửa có khả năng tấn công kết hợp chống hạm và tiêu diệt mục tiêu đất liền rất linh hoạt, Blue Spear sở hữu tốc độ bay cận âm, tầm bắn 290 km.
Tên lửa được trang bị khí tài radar tìm kiếm và giám sát mục tiêu hiện đại, hệ thống điều khiển tiên tiến, cho phép phát hiện, đeo bám và tấn công mục tiêu chính xác, hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cả ngày và đêm
Một chi tiết đáng chú ý nữa chính là tên lửa Blue Spear nằm trong danh sách vũ khí mà chính quyền Kyiv muốn Tel Aviv cung cấp cho mình, không loại trừ khả năng nó sẽ xuất hiện trong thành phần tác chiến của Lực lượng vũ trang Ukraine.