Hôm nay thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024
Truyện ngắn – CHEN NGANG CUỘC ĐỜI (10/01/2022 03:28 AM)
LÊ ĐỨC QUANG

...Hình như con người ta lớn tuổi rồi, giác ngộ nhiều điều, trở nên bao dung và tha thứ.
 
Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH


Bỗng dưng, từ đầu năm nay bà Bảy hay đến mộ chồng. Mấy con đứa nào cũng thấy lạ. Đến 20 tháng Chạp, bà hối hả sai con chở đi dẫy mả. Bà chuẩn bị tươm tất từ nhiều hôm trước. Đến nơi, đích thân bà dọn dẹp, rồi xếp hoa cẩn thận quanh mộ chồng, rất đẹp...
 
Mới đầu tháng 11 âm lịch, cứ vài ba ngày bà Bảy lại căn dặn: “Ở mộ ba có cây dú dẻ. Năm nào tụi bây đi dẫy mả cũng phạt ở trên, mấy tháng sau cây lại mọc ra um tùm. Năm nay tụi bay nhớ cầm theo cây xà-beng, bứng gốc cây đó ra, chứ để lâu ngày rễ cây đâm vào phần mộ, không nên…”.
 
Mấy đứa con ngạc nhiên: “Má lên mộ hồi nào, sao biết?”. Bà Bảy: “Tháng trước…” - “Thời gian còn lâu mà, má lo chi…” - “Thì tao nhắc chừng cho tụi bay, lúc đi kẻo quên!...”.
 
Ở trong làng thời ông Bảy còn sống, gia đình ông bà thuộc diện mẫu mực. Ông vốn là thầy giáo làng. Những năm tháng cũ, nghề giáo được mọi người quý trọng. Ông là tấm gương sáng, có lối sống chuẩn mực. Mỗi lần ra đường, quần tây, áo sơ-mi, tóc tai lịch sự, gọn gàng. Người thân trong gia đình, ảnh hưởng từ cha mẹ cũng có lối sống nghiêm túc như thế.
 
Thuở nhỏ, ông Bảy là đứa con hiếu thảo. Mẹ ông, chồng mất, một mình tần tảo, buôn bán nuôi con ăn học. Ông vừa học, vừa phụ giúp mẹ chạy chợ. Nhà có ba sào đất rẫy trồng mì, một bận đầu vụ, mẹ ông không có tiền thuê người ta cày, mới đến nhà chú Sáu ở xóm dưới xin cày nợ đến khi thu hoạch sẽ trả. Nhưng khi mùa đến, giá mì rẻ quá, lỗ công, lỗ vốn, mẹ ông phải xin chú Sáu khất nợ. Thấy cảnh mẹ góa con côi khổ cực, chú Sáu cho luôn tiền cày. Về sau, năm nào đến những ngày lễ, Tết, mẹ ông cũng sai con chở đến nhà chú Sáu biếu quà, khi thì ký trà, khi thì giỏ trái cây. Thế nhưng, trong lòng mẹ ông vẫn luôn cảm thấy còn mắc nợ. Bà bảo: “Ấy là món nợ ân tình khi khốn khó, không thể tính tiền bạc, con không được quên”.
 
Lúc học xong ra trường đi dạy, ông có yêu cô Huệ ở xóm trên, cùng làm nghề giáo. Gia cảnh cũng trắc trở, mẹ lấy chồng khác, cô ở với cha và mẹ kế. Hai người cùng thiếu thốn tình cảm gia đình nên dễ đồng cảm, yêu nhau thắm thiết. Ông cũng đưa người yêu về nhà ra mắt, nhưng mẹ ông không khen cũng không chê. Một bận cuối năm, ông lại chở mẹ xuống chú Sáu. Thăm hỏi qua lại, chú Sáu có nhã ý muốn gả con gái cho ông, mẹ ông rất vui. Về nhà bà dò hỏi: “Con thấy thế nào?”. Ông thành thật: “Con yêu cô Huệ rồi”. Theo kinh nghiệm của bà mẹ quê: “Người ta bảo mua heo chọn nái, xem gái chọn dòng, mẹ thấy gia đình cô ấy không ưng bụng lắm. Mẹ thích con nhà chú Sáu hơn…”. Thỉnh thoảng, đến bữa ăn mẹ luôn nói gần nói xa, làm cho ông cảm thấy áp lực. Cuối cùng, lòng ông cũng chao nghiêng, nghĩ: “Nhà một mẹ một con. Cưới vợ ở chung trong nhà, mẹ không hợp với dâu, cuộc sống hôn nhân khó mà bền vững…”.
 
*
 
Thời con gái, bà Bảy xinh đẹp lại là thợ may nổi tiếng nhất làng. Nghề may, những tháng trước Tết, người ta đến may đồ cho gia đình rất nhiều. Bà phải thuê thợ khác đến nhà phụ giúp, ngày đêm cố gắng may cho kịp để người ta mặc Tết. Ngày thường, khách mang đồ đến cũng đông, bà luôn phải may thâu đêm. Tuy thế, những công việc nhà bà luôn chu toàn. Lúc trước, khi mẹ chồng còn khỏe, có phụ giúp con dâu quét nhà, rửa chén. Có lần ông đi dạy về lau nhà, bà thương chồng vất vả không cho làm, bảo: “Anh cứ lo việc xã hội dạy bọn nhỏ cho tốt, còn lại việc nhà để em lo…”. Cũng có lần, lương ít mà hoàn cảnh nhà khó khăn quá, ban đêm ông đi làm bảo vệ. Được một tháng, bà bảo: “Ông làm như thế mất đi hình ảnh cao quý của người thầy, bọn trẻ biết được, làm sao dám học vào ngành giáo?…”. Thế là từ đó, ông dạy một buổi, một buổi chăm vườn cây cảnh và thỉnh thoảng đi chơi cờ tướng, không quan tâm đến việc nhà, tiền nong nữa.
 
Lúc mẹ chồng bệnh rồi mất, công việc không tên đổ dồn lên người bà nhiều hơn. Đã vậy con nhỏ, hết đứa này đến đứa kia ra đời, tã lót, giặt giũ, cơm nước, quần quật suốt cả ngày. Hồi ấy không có máy giặt, mọi thứ đều dùng bằng tay, nếu nhà không sạch sẽ, khách đến người ta sẽ cười chê. Chính vì vậy, ban ngày lo nhà cửa, đo đạc đồ cho khách, đêm đến bà may thâu đêm. Ngày nào cũng vậy, hết năm này sang năm kia, từ nhà cửa, kinh tế gia đình một tay bà gánh vác. Dần dần, con cái cũng lớn lên, học hành đến nơi đến chốn, thành đạt.
 
*
 
Cuộc đời con người thật vô thường. Ông Bảy vừa về hưu, thấy trong người mệt mệt, đi khám, phát hiện bệnh ung thư gan đã đến giai đoạn hai. Bà Bảy vội đưa ông vào bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh, nhưng bệnh chuyển biến nhanh quá, không kịp nữa rồi. Về nhà, bà hỏi thăm đi hốt thuốc Nam, hằng ngày sắc thuốc cho ông uống, chỉ mong phước chủ may thầy, qua khỏi. Song có điều, chỉ đỡ đau đớn vài tuần bệnh lại tái phát. Đã mấy ngày rồi, ông Bảy hôn mê nằm ở bệnh viện. Các con ông ở ngoài, đứa chắp tay sau lưng đi qua đi lại, đứa hồi hộp ngồi chờ ở ngoài ghế đá. Người nuôi bệnh tuy không làm việc nặng nhọc gì, song lo lắng cho người thân, tâm trạng luôn bất an, mệt mỏi. Ở phòng cấp cứu, người ta không cho vào, các con khuyên mẹ nên về trông nhà. Nhưng ở nhà bà Bảy vẫn không yên tâm, cứ vài tiếng đồng hồ lại gọi lên: “Ba mày như thế nào rồi?”. Mấy đứa con trấn an: “Vẫn vậy, nhưng bác sĩ bảo không sao, mẹ đừng lo…”. Con nói vậy chứ làm vợ làm chồng, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường với nhau mấy chục năm ai mà không lo lắng.

 
Ngày hôm sau ông Bảy tỉnh. Trông ông khỏe hẳn, đầu óc minh mẫn, giống như không còn đau bệnh gì. Mấy con vui mừng vô cùng, nhưng bác sĩ buồn bã lắc đầu, hàm ý không tốt. Mấy con lo lắng hỏi thăm sức khỏe, ông nói đã khỏe, rồi câu đầu tiên hỏi: “Điện thoại của ba đâu?”. Mấy con: “Tụi con để ở nhà”. Ông Bảy bảo: “Tụi con gọi giùm cho bạn ba đến đây, số này: 09…”. Ông nói rõ ràng và mạch lạc. Mấy đứa con ngạc nhiên nhìn nhau, rồi bấm số điện thoại đưa cho ba nói chuyện. Khoảng hơn tiếng sau, bỗng dưng xuất hiện cô giáo Huệ ở xóm trên đến thăm. Cô vốn không chồng, không con, nổi tiếng là người khó tính. Mấy con lịch sự ra ngoài để ba nói chuyện. Lát sau cô Huệ về, mấy con vô phòng, ông Bảy hỏi thăm công việc con cái, tình hình học tập hết đứa cháu này, đến đứa cháu kia. Ông bảo: “Gọi mẹ lên cho ba nói chuyện chút…”. Bà Bảy hối hả lên bệnh viện, chưa kịp đến nơi thì bỗng dưng người ông chuyển sang tím tái, rồi vội vã ra đi, không kịp nói với nhau lời nào.
 
*
 
Chẳng biết con, cháu đứa nào để lộ thông tin mà bà Bảy biết được. Bà vốn hiền lành, nhưng khi biết chồng không một lòng với mình, bà trở nên hoàn toàn khác hẳn. Hình như, con người ta càng tin tưởng dành yêu thương nhiều bao nhiêu, càng oán hận lớn bấy nhiêu. Qua ba ngày mở cửa mả, mộ xây cất xong, một buổi chiều bà đến ngồi bên mộ ông, trách móc: “Bây giờ ông nghĩ lại xem, từ ngày lấy ông tôi chỉ biết hầu hạ, lo lắng cho ông từ miếng ăn đến giấc ngủ. Ông ăn ngon, tự tay tôi nấu. Ông mặc đẹp, tự tay tôi may. Con cái nhà cửa cũng một tay tôi lo. Vậy mà ông không yêu thương tôi sao hả ông?”. Nhớ lại chuyện gia đình vợ chồng mấy chục năm qua, biết bao nhiêu chuyện oán trách, bà giận dữ tuôn ra hết. Chốc lát bà ngừng lại lấy hơi, rồi lấy tay vỗ vỗ vào ngôi mộ như nói để cho ông Bảy nghe, rồi tiếp tục than khóc: “Ông cũng biết, tôi là thợ may. Tôi cố gắng may đồ đẹp cho con, may đồ đẹp cho ông, may đồ đẹp cho mọi người. Bản thân tôi, có dám may cho mình đồ đẹp đâu! Tôi làm gì có lỗi, ông nỡ lòng nào đối xử với tôi như thế chứ? Ngay lúc đi xa, ông cũng gọi cho người ta trước, còn tôi ông không thèm gặp mặt, nói với nhau một lời… Ông ác với tôi lắm…”.
 
Từ đó trở đi, nhiều năm sau bà Bảy giận chồng không đến mộ nữa, hằng năm con cái muốn làm gì làm. Mỗi lần ai vô tình nhắc đến tên ông Bảy, như khơi gợi nỗi đau, mặt bà đỏ lên phừng phừng. Ngay cả mấy đứa con, không dám nhắc tên ba trước mặt mẹ.
 
Hình như con người ta lớn tuổi rồi, giác ngộ nhiều điều, trở nên bao dung và tha thứ. Bỗng dưng, từ đầu năm nay bà Bảy hay đến mộ chồng. Mấy con đứa nào cũng thấy lạ. Đến 20 tháng Chạp, bà hối hả sai con chở đi dẫy mả. Bà chuẩn bị tươm tất từ nhiều hôm trước. Đến nơi, đích thân bà dọn dẹp, rồi xếp hoa cẩn thận quanh mộ chồng, rất đẹp. Vừa thắp hương, bà vừa bảo:
 
- Thực lòng, tôi xin lỗi ông! Cô Huệ mất từ đầu năm nay rồi, ông ạ! Tôi hy vọng ở suối vàng hai người gặp nhau, nên duyên. Hôm nay tôi có mua hoa, bánh, vàng bạc, nhà lầu, xe hơi đầy đủ gởi đến ông và cô ấy, cầu cho hai người được hạnh phúc…
 
Nói rồi bà lấy vàng bạc, nhà lầu xe hơi đốt cho ông, rồi chậm rãi tiếp tục:
 
- Tôi cám ơn ông đã một đời gắn bó với tôi! Thật lòng, tôi xin lỗi, đã vô tình chen ngang cuộc đời ông!...
 
LÊ ĐỨC QUANG
Minh họa: NGUYỄN MINH
 
 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo