Vậy mà sao tôi lại nép mình sau cánh cổng? Một phản xạ bản năng vô
thức đã kéo tôi về thế giới quá khứ để làm chứng nhân cho cuộc trở về trong
hiện tại của một đời người...
- Cút, cút ngay ra khỏi nhà tao!
Cha tôi giọng lạc đi vì giận dữ. Cả người cha run lên lẩy bẩy. Cha
vịn thành ghế, ngồi xuống thở dốc. Mẹ tôi chạy lại, cuống quýt nắm lấy tay cha.
- Thôi, tôi xin mình, mình bớt nóng đi!
Rồi mẹ rót một cốc nước đầy đưa cha. “Mình uống cho hạ hỏa” – giọng
mẹ tôi như van lơn.
Còn tôi cứ đứng nép sau cánh cổng mà nhìn qua cái lỗ hổng. Tôi chẳng
hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi chỉ là một cô bé nhỏ xíu. Tôi đang đứng lọt
thỏm giữa khe của cánh cổng gỗ và bức tường đá ong. Chẳng ai biết tôi đang ở
đây. Chỉ có những con mọt và thế giới ẩm mốc của chúng. Tôi cứ nhìn theo người
đàn ông nọ bước những bước nặng nhọc ra cái dốc đá và đứa bé có lẽ kém tôi vài
tuổi đang ngơ ngác với cái nhìn níu kéo đến tội nghiệp. Một con đường đất nho
nhỏ, hai bên phủ kín cỏ mần trầu xòe những chiếc lá nhọn, tỏa tròn như những
đóa hoa. Bóng họ dạt vào nhau trong thứ nắng chiều chênh vênh.
Không biết đến tận bao giờ họ mới dắt nhau ra đến cái dốc đá. Đến
cái dốc đá cũng có nghĩa là đến lúc tầm nhìn của tôi đã bị che khuất. Đến cái
dốc đá cũng có nghĩa là không còn thuộc xứ sở của tôi nữa. Từ cái cổng mà tôi
đang đứng đến cái dốc đá, đó là một khoảng xa vời vợi, là một con đường thăm
thẳm trong hoàng hôn với mênh mông cỏ mần trầu xanh mướt. Họ đã ra đến dốc đá
rồi đi về thế giới của họ mà tôi chưa từng biết tới? Hay bỗng chốc họ tan vào
lớp cỏ mần trầu rồi hóa thành hai con cào cào xanh nhỏ xíu mà tôi không nhìn
ra? Tôi đã dõi theo bóng họ lầm lũi bước đi. Vậy mà, họ chợt tan biến trước mắt
tôi làm tôi hoang mang. Tôi không hiểu có thật là tôi đã nhìn thấy họ?
Chợt những tiếng chim dội vang vào lồng ngực tôi làm tôi bừng tỉnh.
Tôi xoay nghiêng người và mở rộng các giác quan để thu lấy những rung động của
đời sống trong một ban mai ấm áp. Thế nhưng, tôi lắng nghe mãi vẫn không nghe
thấy một âm thanh quen thuộc. Cái thứ âm thanh có lúc đã làm tôi khó chịu và
nổi cáu, cái thứ âm thanh có lúc đã đánh thức tôi dậy trước cả bầy chim và
những cơn gió reo ở góc vườn. Nó đâu rồi? Tiếng chổi quét sân mỗi sáng tinh mơ
của cha tôi. Tiếng chổi xào xạo khua trên sân gạch khấp khểnh rêu phong, dưới
tán cây nhãn bằng tuổi cha tôi. Tôi bỗng giật mình vì sự trống trải đến lạ kỳ.
Tôi bật dậy vì một sự thiếu vắng đột ngột.
Bước chân ra cửa, ùa vào lòng tôi là hương hoa nhãn đầu mùa dìu dịu.
Hàng triệu bông hoa nhỏ xíu phủ đầy góc sân lặng lẽ như một tấm thảm lộng lẫy.
Chưa có dấu vết nào chứng tỏ đã có những nhát chổi của cha ở đấy. Tôi khẽ nhìn
về phía gian phòng cha nằm. Cánh cửa vẫn khép hờ. Tiếng cha thở nặng nhọc và
buồn bã. Cha ốm rồi! Tôi nghẹn ngào cảm nhận được sự trống rỗng trong lòng
mình. Dưới bếp, những sợi khói trắng phủ mờ mái ngói. Rồi mẹ tôi lễ mễ bưng bát
cháo còn nóng hổi lên cho cha.
Tôi mở cánh cửa gian phòng, hai mẹ con nhẹ nhàng bước vào. Không
gian chợt lắng lại trong nhịp thở của cha tôi. Cha như lọt thỏm trong chiếc
giường bộn bề chăn chiếu. Sao tôi thấy dường như cha tôi nhỏ lại, mỏng manh
hơn? Và những hơi thở của cha, lúc nặng nhọc như cố nén những tiếng thở dài,
lúc lại mơ hồ chỉ như một cơn gió thoảng. Mái tóc trắng rủ xuống hắt hiu. Mẹ
tôi lay cha dậy. Hàng mi trắng dưới hàng lông mày trắng khẽ động đậy. Đôi mắt
cha từ từ mở ra mệt mỏi và gắng gượng.
Cha tôi giọng thều thào nhưng vẫn cố làm ra vẻ rắn rỏi. Ông xua mẹ
con tôi ra ngoài. Từ trước tới giờ, cha vẫn vậy. Quyết đoán nhiều khi đến gàn
dở, cực đoan. Tôi ra ngoài, định khép cánh cửa lại. Cha khoát tay, lắc đầu. Tôi
mở rộng cánh cửa, để cho buổi sáng thơm tho với hương nhãn dịu dàng tràn ngập
vào căn phòng của cha. Và cả những tiếng chim rộn rã cũng đồng loạt ùa vào lòng
cha. Tôi thấy cha nằm lim dim đôi mắt. Khuôn mặt thanh thản và sáng lên một
cách lạ thường. Cái khung cảnh êm đềm của buổi sớm mai trong ngôi nhà nhỏ thân
yêu đang ngân lên trong lòng cha những khúc ca giản dị mà thấm thía.
Tôi chợt nhận ra việc mình phải làm. Đó là thêm cái âm thanh cuối
cùng cho trọn vẹn khúc ca của đời sống trong căn nhà bình yên của chúng tôi.
Tôi cầm chiếc chổi mo và bắt đầu những nhát chổi đầu tiên. Bắt đầu cái công việc
thường ngày của cha. Bắt đầu đi vào những bước chân mà cha đã đi. Những nhát
chổi đã vang lên xào xạo trên cái sân gạch khấp khểnh rêu phong. Hàng triệu
bông hoa nhãn nhỏ xíu chạy ào ào trên sân như những dải lụa đang tung bay trong
gió sớm. Khung cảnh lại trở về như nó vốn có. Bấy nhiêu thanh âm quen thuộc
trong đời sống này. Chỉ có điều, người nghiêng tai lắng nghe những rung động
của đời ấy không phải là tôi mà là cha tôi. Tôi mơ hồ nhận ra cái việc làm rất
đỗi bình thường của tôi lại là một việc làm ý nghĩa.
Tôi mở tung cánh cổng. Trước mắt tôi là một lối đi rộng rải bê tông
chạy ra tận cổng ngoài. Con đường bê tông hắt thứ ánh sáng rắn rỏi và gân guốc
vào lòng tôi. Tôi bỗng thấy nhớ khóm cỏ mần trầu ghê gớm. Một con đường đất nhỏ
ngoằn ngoèo, hai bên phủ trùm cỏ mần trầu xòe ra như những bông hoa sắc nhọn mà
dịu dàng trong sớm mai đẫm sương. Con đường đất nhỏ dẫn tới cái dốc đá. Hoàng
hôn mờ xám từ cái dốc đá chạy ngược lên ùa vào trong mắt tôi. Tôi thấy bóng họ
dập dềnh rồi tan biến.
Tôi đưa tay rờ vào những phiến đá ong lỗ chỗ. Tôi nghe đâu đây tiếng
i i của những con tò vò. Thì ra, chúng đang làm tổ trong những khoảng trống của
những thớ đá ong như những nốt rỗ chằng chịt trên khuôn mặt của một người đàn
bà xấu xí. Rồi sẽ đến một ngày, những con tò vò làm tổ sâu vào trong hết thảy
các phiến đá ong. Chỉ còn lại những thân xác trống rỗng bởi sự mục ruỗng và tất
cả sẽ sụp đổ. Mái ngói vảy cá lô xô sẽ quẫy lên trong những cơn bão táp và oằn
mình gục xuống.
Những cái kèo cái cột sẽ nứt toác và há mồm khô khốc đau đớn sau
những cơn hạn hán kéo dài. Cái cây nhãn cổ thụ sẽ chẳng còn có thể nở hoa và
chết đứng trong khoảng trời tối sẫm với những chiếc cành héo quắt vẫn đâm lên
tua tủa. Những đàn chim sẽ sợ hãi và vội vàng bay về một thế giới nào đó – nơi
ngự trị của sự sống. Rồi sẽ đến một ngày. Khoảng trời bình yên không còn nơi
góc sân. Tất cả sẽ có một chuyến đi kỳ vĩ đến một thế giới khác. Tất cả sẽ phải
đi qua giới hạn thường nhật của đời sống này. Chuyến đi ấy sẽ là thanh thản hay
đau đớn?
Nhìn cha nằm trên giường lặng lẽ, cổ họng tôi như có cái gì dâng lên
nghẹn đắng. Đôi mắt cha vẫn khép lại. Ngủ? Hay đơn thuần chỉ là nhắm mắt? Hay
đang thức trong thế giới của mộng mị? Một thế giới được tạo nên bởi cõi nhớ
thương, nỗi đau đớn và sự bất lực. Một thế giới đã đánh cắp mái tóc cha tôi từ
16 năm về trước.
Mười sáu năm về trước, sau một đêm nằm mê man, cha tôi tỉnh dậy với
mái đầu bạc trắng. Cứ như thể đêm ấy, ai đó đã bí mật gội cho cha tôi một thứ
nước thời gian được chưng cất bằng cả một đời người. Cứ như thể đêm ấy nén lại
khoảng thời gian của ba vạn sáu ngàn ngày. Tôi không khỏi hoang mang vì điều
đó. Mái tóc cha tôi trắng phau như mái tóc bà nội đã đổ xuống lòng đất vào
những ngày trước đó. Mẹ tôi đã cố giữ để không phải cắt đi mái tóc như vừng mây
sớm của bà, để cha tôi không phải đi khóc trước ngôi mộ tóc như một ai đó trong
cõi đời này, dù bà tôi ốm liệt giường suốt hai năm. Bà đã an lòng đi đến giới
hạn tận cùng của đời sống nhưng cha tôi thì vẫn nhức nhối. Sự nhức nhối từ trái
tim dâng tràn lên bao chân tóc. Sự nhức nhối nhuộm trắng cả đời người.
…Hai cha con họ đi qua bạt ngàn cỏ mần trầu rồi ra đến cái dốc đá.
Tôi chỉ gặp anh một lần duy nhất ấy. Cha đã chửi mắng và đuổi anh
đi.
Chỉ một cái tát đầy giận dữ của cha “Mày không phải con tao” mà anh
đã biến mất khỏi đời sống của cha không còn dấu vết. Tôi chẳng thể hận anh. Chỉ
có thể hận cái nông nổi của tuổi trẻ. Tuổi trẻ hay khiến con người ta phạm phải
những sai lầm. Đáng lẽ tôi phải hận anh. Nhưng tôi lại ao ước được gặp anh lần
thứ hai trong đời. Để nói với anh rằng: “Cha không sinh ra anh nhưng đã ban cho
anh sự sống”. Tôi không còn là một đứa bé sợ hãi nép mình sau cánh cổng mà nhìn
hai cha con anh biến mất vào thinh không. Phải trở lại cái lối xưa, nơi anh đã
ra đi. Dù rằng ở đó, cái lối nhỏ ấy đã không còn cỏ mần trầu che kín.
Bỗng nhiên, trước mắt tôi, mưa bụi phủ mờ đi tất cả. Mưa rắc vào da
thịt tôi ấm áp, dịu dàng. Con đường bê tông mờ trong màn mưa. Rồi cái lối nhỏ
hiện ra, con đường đất ngoằn ngoèo ra đến dốc đá xòe nở những khóm cỏ mần trầu
xanh mướt. Hai cha con họ dắt nhau bước qua những khóm cỏ mần trầu và vội vã đi
về phía tôi, rồi lướt qua tôi. Tôi chỉ kịp nghe tiếng gọi vọng lên rất xa xôi
mà như nức nở và hối lỗi: “Cha ơi, con đã trở về!”. Rồi tôi thấy, cha mở mắt và
người đàn ông đỡ cha ngồi dậy. Cái cô bé đi cùng đôi mắt ngơ ngác và ngượng
nghịu. Cha lặng yên không nói nhưng khuôn mặt bừng sáng lạ thường. Người đàn
ông lắc tay cô bé: “Chào ông đi con!”.
Tôi chẳng còn là cô bé xưa. Vậy mà sao tôi lại nép mình sau cánh
cổng? Một phản xạ bản năng vô thức đã kéo tôi về thế giới quá khứ để làm chứng
nhân cho cuộc trở về trong hiện tại của một đời người.
Nguyệt Chu
Minh họa: VĂN TIN