Hôm nay thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024
Một thế giới mới thời kỳ hậu Corona (20/10/2021 02:44 AM)
Scott Galloway -  Nguyễn Quốc Vương

Những phân tích và thông điệp mà tác giả Scott Galloway muốn gửi gắm qua cuốn sách cũng như đoạn trích trên không chỉ dành riêng cho người Mỹ.



Xuất hiện ban đầu lặng lẽ nhưng sau 1,5 năm vi rút corona thủ phạm gây nên đại dịch Covid-19 đã làm cho cả thế giới chao đảo và thay đổi toàn diện, nhanh chóng chưa từng thấy.

Không chỉ các quốc gia nghèo, chậm tiến bị ảnh hưởng nặng nề mà thú vị và đáng ngạc nhiên hơn cả những quốc gia giàu có, là siêu cường trên thế giới như Anh, Mỹ cũng bị thiệt hại lớn về kinh tế và nhân mạng. Những yếu nhân có tầm ảnh hưởng tới an ninh thế giới như thủ tướng Anh, tổng thống Mỹ cũng bị nhiễm vi-rút. Một hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử.

Dù chậm trễ, vaccine cuối cùng cũng xuất hiện và tỏ ra hiệu quả trong việc chống lại đại dịch khủng khiếp này. Bằng trí tuệ và sự hợp tác rộng lớn, thế nào rồi cuối cùng loài người cũng khống chế được đại dịch, nhưng thế giới chắc chắn sẽ rất khác. Scott Galloway, một diễn giả, doanh nhân đồng thời là giáo sư đại học đã đưa ra phân tích và dự đoán của mình trong cuốn sách Thời kỳ hậu Corona (Saigonbooks, 2021).

Thời kỳ hậu Corona (Saigonbooks, 2021).

Sách "Thời kỳ hậu Corona".

Trong cuốn sách dày gần 250 trang với hơn 20 trang tài liệu tham khảo và nhiều biểu đồ, đồ thị, bảng số liệu này, Scott Galloway tập trung phân tích ảnh hưởng của đại dịch tác động toàn diện lên thế giới ở cả phương diện tích cực và tiêu cực, đồng thời đưa ra một vài dự đoán cơ bản có tính khái quát về thế giới sau đại dịch. Kinh tế, các tập đoàn lớn đặc biệt là các tập đoàn công nghệ, vai trò của nhà nước, chính sách phúc lợi và giáo dục đại học là những lĩnh vực được ông tập trung phân tích và dự báo.

Trong cái nhìn của Scott Galloway, đại dịch Covid-19 đã tác động trên cả bề rộng lẫn chiều sâu làm cho quy luật đào thải trở nên mạnh và rõ hơn bao giờ hết. Ở đó kẻ mạnh sẽ ngày một mạnh hơn và đại dịch trở thành cơ hội để họ gia tăng thị trường, phát triển quy mô, thu lợi nhuận lớn.

Chẳng hạn ông dẫn ra trường hợp của Apple: “Apple mất 42 năm để đạt mức giá trị 1 nghìn tỷ USD và chỉ mất 20 tuần để tăng tốc từ 1 nghìn tỷ lên 2 nghìn tỷ (từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2020)” và nhiều trường hợp khác như Tesla, Amazon, Facebook, Google cũng tương tự….Trong khi đó các công ty nhỏ, yếu bị tụt hậu và phá sản. Ông viết “Trong khi truyền thông đang lóa mắt trước những số liệu bóng bẩy từ các công ty công nghệ lớn và công ty có chỉ số vốn hóa lớn, việc đào thải vẫn âm thầm diễn ra. Kể yếu không chỉ đơn thuần là tụt lại phía sau, mà họ còn bị loại bỏ không thương tiếc. Danh sách các doanh nghiệp phá sản dài dằng dặc và gây sốc: Neiman Marcus, J. Crew, JCPenny…”.

Giáo dục đại học, một ngành kinh doanh mà theo ông chất lượng sản phẩm không được nâng lên bao nhiêu trong khi học phí tăng vọt trong mấy thập kỉ qua cũng diễn ra cảnh tương tự. Các trường đại học danh tiếng vốn đứng tốp đầu sẽ trụ vững, thậm chí sẽ phát triển mạnh trong khi các trường đại học nhỏ, không mấy danh tiếng gặp nguy ngập về tài chính.

Không chỉ vậy, việc đại dịch Covid-19 khiến con người không thể gặp nhau trực tiếp hoặc phải hạn chế tiếp xúc đã làm cho thói quen làm việc và mô hình hoạt động của các công sở, công ty thay đổi. Mọi người phải chuyển qua làm việc tại nhà hoặc làm việc qua mạng. Scott Galloway gọi đây là “cuộc phân tán vĩ đại”. Ngay cả các bác sĩ, những người làm công việc vốn cần đến sự thận trọng tối đa gần, giờ đây cũng phải thực hiện khám và kê đơn từ xa. Sự thay đổi này là “một con dao hai lưỡi”.

Scott Galloway đã chỉ ra cái lợi và hại đến từ “cuộc phân tán vĩ đại” này: “giống như nhiều thứ khác trong đại dịch, các lợi ích lớn nhất của nó là dành cho những người vốn đã khá giả, có văn phòng tại nhà, có người giữ trẻ, hoặc có cách khác để kiếm tiền trong thời gian phong tỏa. Ngược lại, hầu hết những người thuộc tầng lớp lao động thì không thể làm việc ở nhà vì công việc của họ bị ràng buộc với cửa hàng, nhà kho, nhà máy… Và đối với những ai có thể làm việc tại nhà, họ nhờ đó mà được giải phóng khỏi việc đi lại từ nhà đến chỗ làm, khỏi phải mua cà phê văn phòng. Nhưng làm việc tại nhà cũng tạo ra những gánh nặng”. Như vậy có nghĩa là đại dịch Covid-19 đang âm thầm làm một cuộc “đảo thải” lớn đối với từng cá nhân người lao động. Sẽ có đông đảo người lao động bị cắt giảm việc làm hoặc thất nghiệp trong khi có một số ít khác sẽ có cơ hội mới.

Tác giả Scott Galloway.

Tuy nhiên, cũng chính khi đại dịch Covid-19 tấn công nước Mỹ làm thiệt hại lớn về nhân mạng và kinh tế đã làm những điểm yếu của nước Mỹ đã lộ rõ và vì thế, theo ông, đại dịch cũng đem lại cơ hội để sửa chữa sai lầm và phát triển. Xuất phát từ quan điểm đó, dựa trên khảo sát các trường hợp cụ thể, ông đã phân tích và cảnh báo về tình trạng mất dân chủ và bình đẳng trong xã hội Mỹ khi người giàu ngày một giàu thêm và người nghèo ngày một nghèo đi. Giáo dục đại học với chi phí ngày càng lớn càng khoét sâu hố ngăn cách xã hội và bất bình đẳng về cơ hội tiếp nhận giáo dục khi con cái của giới nhà giàu ngày càng “học giỏi” hơn con cái của các gia đình xuất thân bình dân. Ông cũng cảnh báo về sự suy yếu của chức năng, vai trò của chính phủ trong việc kiềm chế sự độc quyền, bành trướng của các công ty công nghệ lớn, thực thi chính sách an sinh xã hội có hiệu quả để đảm bảo công bằng xã hội…

Theo ông, đại dịch là một cơ hội để chính phủ mạnh tay với các công ty công nghệ lớn và xã hội bớt ảo tưởng vào lòng tốt của các nhà tỷ phú. Nó cũng là cơ hội để dựng nên các bức tường pháp lý ngăn cản bàn tay của các công ty lớn thò tay vào chính trị Mỹ thông qua vận động hành lang và tác động tới chính sách. Nói cách khác, nước Mỹ cần cải cách toàn diện để thoát ra khỏi những sai lầm đã được kéo dài hàng thập kỉ vừa qua. Cuốn sách khép lại bằng cái nhìn lạc qua của tác giả về tương lai của nước Mỹ: “Lịch sử của nước Mỹ không thiếu các cuộc khủng hoảng từng trải hoặc cơ hội bị bỏ lỡ. Tội lỗi và thất bại của nó cũng trọng đại như những phẩm chất tốt đẹp và thành công rực rỡ của nó. Ở khía cạnh tốt nhất, nước Mỹ thể hiện lòng hào hiệp, gan dạ, đổi mới và sẵn sàng hy sinh cho nhau và cho thế hệ tương lai. Còn khi chúng ta không nhìn thấy những điều này, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng bóc lột và khủng hoảng... Toàn bộ lịch sử của chúng ta, cũng như tương lai của chúng ta, là của chúng ta…”.

Đương nhiên, những phân tích và thông điệp mà tác giả Scott Galloway muốn gửi gắm qua cuốn sách cũng như đoạn trích trên không chỉ dành riêng cho người Mỹ. Các cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng trên khắp thế giới đều có thể tìm thấy ở đó những gợi ý hữu ích.

Dịch giả, nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương
@@
 Trở về
Các bài viết khác:
NÓI VỚI CON TIM (09/05 14:39:50 PM)
TÌNH YÊU & HÔN NHÂN (22/11 17:56:28 PM)
Dám Nghĩ Lớn (28/01 09:06:44 AM)
Hãy Vươn Tới Tương Lai (18/07 02:12:09 AM)

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo