Trên nền chiếc chiếu hoa mới mua trải trên thềm nhà, ông và bà
ngồi đối diện nhau, lặng im, như hai pho tượng. Ông như vị “nhịn ăn lấy mặc”.
Bà lại mang dáng của vị “nhịn mặc lấy ăn” đặt ở Tam bảo chùa làng.
Trên bàn thờ tổ tiên, mâm ngũ quả được bày biện sơ sài. Quả bưởi
to, vàng rộm đặt giữa nải chuối xanh. Vây xung quanh là một trái dừa nhỏ, hai
trái đu đủ, ba quả xoài và ít quả cà chua bóng đỏ… như mong muốn của gia chủ:
vừa - đủ - xài!
Trước nhà, không biết từ bao giờ, từng búi dây tơ hồng bò lan
theo hàng rào. Những ngọn tơ hồng non, trông như những sợi bún, phất phơ trước
gió. Người đàn ông lẩm bẩm, ừ gió xuân ấm áp… đang về.
***
Ông tên là Duy, một người ít may mắn. Năm 17 tuổi học hết lớp
mười, trong khi chờ giấy báo đại học, ông âm thầm yêu một cô học cùng lớp. Năm
1967, vào một đêm trước ngày cô đi thanh niên xung phong phục vụ giao thông ở
Đò Lèn (Thanh Hóa), ông và mấy bạn trai đến chia tay. Cô gái tên là Thăng, nhỏ
nhắn, nhanh nhẹn, xinh xắn và duyên dáng. Trong những chàng trai đến đây, không
biết có ai thầm yêu cô không? Cô đối xử với mọi người đều thân thiện như nhau.
Nhưng, Duy vẫn tin, Thăng là của mình. Vì có lần, sau buổi họp chi đoàn, hai
người đi bên nhau trên con đê dài ven sông. Không ai nói với nhau câu nào, gần
đến đoạn đường phải chia tay, bỗng Duy hỏi:
- Hôm nay, em có đọc báo không?
- Đọc báo…
- Ừ…
- Có chuyện gì anh?
- À…Quân ta ở Hàm Rồng, bắn rơi hai máy bay F105 đấy...
- Thế hả anh...
- Ừ…
Ngay sau tiếng “ừ” vô thưởng vô phạt ấy, Duy bị Thăng véo một
cái vào mạng sườn đau điếng, rồi cô cười như nắc nẻ, chạy biến vào con ngõ dẫn
về nhà mình. Hôm sau, Duy kéo áo lên xem, một vết bầm tím hình hai đầu ngón
tay. Ôi, đau, nhưng là dấu vết của tình yêu…
Đêm chia tay, bạn bè ở đến gần sáng, mọi người lưu luyến ra về.
Duy loay hoay viết vội vào vỏ bao thuốc lá Đ’Rao hai chữ: “I a - Liu bờ li u”
(tiếng Nga có nghĩa là “Tôi yêu”), cũng không nói lời nào, giúi vội vào tay
Thăng rồi về.
Duy không may mắn vì sau đó, anh không được vào đại học như
những bạn cùng lứa. Thăng lên đường ra tuyến lửa. Anh bằng lòng với nghiệp “con
trâu đi trước, cái cày theo sau”.
Anh không may, vì Thăng không một lời nhắn gửi, không một lá thư
nào gửi Duy suốt năm năm trời xa nhau. Thăng không yêu mình ư? Sau năm năm phục
vụ ở tuyến lửa, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, năm 1972, Thăng được cử đi học Đại
học Giao thông vận tải ở Hà Nội. Nghe tin, anh phóng xe đạp gần sáu mươi cây số
về trường, mong gặp được cô. Hỏi thăm đến phòng ở, từ xa, Duy nhìn thấy cô đang
bồng trên tay đứa bé chừng hai tuổi, miệng hát ru:
À ơi... “Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay…”.
Anh nhìn lên đầu nhà, trên dây phơi giăng đầy tã lót. Duy lặng
người, khi một bà bên cạnh cho biết, con cô ấy đấy… Như có cái gì chèn mạnh ở
họng, không thèm hỏi, Duy dắt xe đạp quay ra cổng ký túc xá. Và cắm cúi đạp đi
với nỗi buồn của kẻ thất tình, đi mà không biết về đâu, đến nỗi, tý nữa thì va
vào xe người khác…
***
Ở quê, Duy lao động như một xã viên hợp tác xã. Thượng vàng hạ
cám, từ gánh phân, nhổ mạ, cày bừa… việc nào cũng đến. Khổ nỗi, thanh niên phần
đông ra trận hoặc đi học. Đội sản xuất của anh toàn đàn bà, con gái và trẻ em.
Làm lụng vất vả nhưng mà vui. Duy nhớ một lần bên máy tuốt lúa. Lan, một cô gái
có nước da trắng xanh, nhưng được cái rất khỏe, chăm làm và có duyên thầm. Bố
mẹ Duy đã nhiều lần nhắc anh lấy vợ. Duy bảo chả ai người ta lấy con. Mẹ Duy
bảo, con Lan ấy, nó đẹp người, đẹp nết lại hay lam hay làm. Thực lòng, Duy vẫn
còn nhớ đến Thăng - người bạn gái cùng lớp, nên chưa có ý định lấy vợ. Hôm tuốt
lúa, Lan làm nhiệm vụ dùng liềm cắt dây buộc các bó lúa để Duy chuyển vào máy.
Lan ý tứ:
- Anh Duy ơi, em cởi rồi này, anh vào ôm đi…
Nghe vậy, mọi người được một mẻ cười đến đau bụng. Còn Duy thì
chẳng thèm để ý đến.
Duy còn nghĩ đến Thăng là do, một hôm đi xuống huyện có việc,
anh gặp An, người cũng có ý yêu Thăng và lại cùng đồng đội với nhau trong những
năm chiến tranh ác liệt, nay là cán bộ phòng Tổ chức - Lao động huyện. Nhiều
lần An ngỏ lời, Thăng đều ý tứ rằng mình đã có người đợi chờ ở quê, nên lần nào
cũng chối từ. Duy hỏi, Thăng lấy ai chưa? An bảo, chưa vì nó còn học đại học
mà… Duy không dám hỏi tiếp chuyện mà mình thấy hôm về chỗ Thăng cách đây hơn
hai năm.
***
Cùng đi thanh niên xung phong và cùng ở đại đội với Thăng có
Hồng, quê ở Thái Bình. Hồng đẹp, nhưng đôi mắt lúc nào cũng đượm buồn. Người ta
bảo, đàn bà mắt ướt, đượm buồn là số khổ, nhất là đường tình duyên. Vào Thanh
Hóa, rồi Hà Tĩnh, Hồng được phân công giữ kho, không phải ra hiện trường dưới
mưa bom bão đạn. Một hôm, trời mưa to, có một chiến sỹ ghé qua đứng ở hiên. Ôi,
anh Sáng - Hồng reo lên như bắt được vàng - Sao anh lại ở đây? Em tưởng anh vào
trong rồi. Sáng nói, mình ở pháo binh, đơn vị bảo vệ cầu Hàm Rồng, hôm nay đi
lấy gạo, gặp mưa nên vào đây… trú nhờ.
Hai người trước cùng học một lớp, lại là đồng hương, gặp nhau
trên chiến trường, tình người bỗng trở nên gắn bó. Sau hơn nửa tháng kể từ buổi
chiều hôm ấy gặp Sáng, Hồng thấy khang khác. Người mệt mỏi, thích ăn chua, hay
nôn ọe. Thăng hỏi, mày làm sao mà như có thai vậy? Hồng đành nói thật. Thăng
hỏi, với đứa nào? Hồng nói trong nước mắt, tao thương anh Sáng, bộ đội pháo
binh… đơn vị anh ấy hành quân vào Nam hôm qua rồi. Thăng nói gằn từng tiếng,
vậy thì làm sao? Đẻ hay là… Hồng dứt khoát, không, tao đẻ...
Hai ngày sau, Hồng báo cáo chỉ huy, không giữ kho nữa mà nhất
quyết xin bằng được ra mặt đường. Mười tháng sau, trong khi làm nhiệm vụ đếm
bom nổ chậm, Hồng trúng bom bi, để lại đứa con trai 2 tháng tuổi. Và đúng là
“họa vô đơn chí”, Sáng cũng anh dũng hi sinh trong trận bắn máy bay Mỹ, cạnh
thành cổ Quảng Trị. Cả khẩu đội anh bị trúng bom.
Thương bạn, Thăng khóc cạn nước mắt. Cô nhận vừa nuôi con của
Hồng, vừa làm nhiệm vụ coi kho cho đến ngày được báo đi học đại học. Thăng vẫn
rất yêu Duy, có điều giờ còn nuôi con nhỏ của bạn, chỉ biết Hồng nói ở Thái
Bình, nhưng cụ thể ở đâu thì Thăng không rõ. Chưa có điều kiện tìm gia đình cho
cháu, Thăng đành giấu Duy.
***
Thời gian như nước chảy qua cầu. Khi Thăng về hưu, thì thằng
Thắng, đứa con của bạn, do cô cưu mang cũng đã có công ăn việc làm và lập gia
đình ở thành phố Hồ Chí Minh. Duy vẫn chưa lấy vợ, anh đã trên sáu mươi tuổi.
Thăng vẫn ở Hà Nội một mình.
Năm ấy, vào ngày hai mươi tháng chạp, Tết Nguyên đán đang đến
gần, Thăng có dịp về thăm quê và dự hội nghị học sinh đồng khóa 1965 -1966 nhân
kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường. Ít người còn nhận ra cô, bởi thời gian đã
làm thay đổi rất nhiều. Cô mập ra, tóc đã hoa râm, nhưng vẫn còn nhanh nhẹn
lắm. Chỉ có điệu cười và giọng nói thì gần như không thay đổi.
Đêm ấy, Duy cũng được mời dự. Do mặc cảm với bạn bè, anh ngồi
tận cuối hội trường. Duy gầy và đen, lại thêm chuyện nghiện thuốc lá do ở độc
thân nhiều năm. Đang mơ màng với khói thuốc, anh bỗng giật mình vì nhận ra một
giọng hát rất quen:
“Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh.
Tiếng hát ai vang động cây rừng,
phải chăng em cô gái mở đường.
Không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát…”.
Ai? Có phải Thăng? Đang bối rối thì từ loa phóng thanh, tiếng
người nói: Dạ, cho tôi hỏi, có Anh Duy lớp 10C dự ở đây không ạ? Em Thăng đây!
Thăng 10A đây. Ôi, đúng Thăng rồi, Duy ùa lên sân khấu như một cơn lốc. Hai
người kéo nhau ra sau cánh gà, Duy hổn hển:
- Thăng, đúng là em rồi! Anh đã đợi em gần nửa thế kỷ. Sao giờ
em mới về?
Thăng nói rất khẽ; - Thôi anh, bây giờ em về rồi này…
Đêm hôm đó, hai người ngồi bên nhau đến sáng. Bao nhiêu điều
muốn hỏi, muốn nghe đều được giãi bày. Duy cầm tay Thăng, nghẹn ngào:
- Em, giờ anh đã hiểu tất cả. Chúng ta tuy tuổi đã già, nhưng
tình yêu thì còn trẻ mãi. Phải không em…
- Thăng nhẹ nhàng tựa vào vai Duy, nhỏ nhẹ: Dạ…
Ngoài sân, đôi con chim gáy đang gù những tiếng yêu thương. Trời
đã sáng. Một mùa xuân mới đang về. Hai ông bà vẫn ngồi bên nhau trên chiếc
chiếu hoa, trìu mến, tự tình…
Nguyễn Thượng Thiêm
Minh họa: Phan Nhân