Anh ôm cứng lấy nó, hai anh em cùng khóc. Hưng khóc như con gặp
lại cha sau bao năm xa cách, Phùng khóc như gặp lại đứa em ruột thịt đã thất
lạc nhiều năm.
Phùng cho Hưng biết, khi đón không được Hưng, anh đã cho đàn em
tới tận ổ chưng chúng đã dọn đi, từ đó đến nay, công việc chính của anh là truy
tìm bọn đó để giái cứu cho Hưng, cũng may chỉ mới năm ngày đã gặp được Hưng
rồi. Nó cho anh biết đã báo với công an khu vực, chắc bọn đó sẽ bị hốt hết.
Phùng chỉ cười. Đám khốn này giống như cái mục nhọt, nếu không nặn ra hết cùi
thì nó cứ nhảy tràn lan.
Phùng không để Hưng ở lại làng SOS mà rước về nhà. Ngôi nhà thật
lớn giữa lòng Thành Phố. Nghe nói Phùng còn một cô em gái tên Thúy Nga, vì
không muốn em mình biết anh của nó đang làm gì nên anh có căn nhà khác cho Nga
ở và đi học. Nga bằng tuổi với Hưng.
Trong suốt thời gian ở cùng Phùng, Hưng chỉ gặp cô ấy hai lần,
gật đầu chào hỏi chứ không trò chuyện gì. Phùng nói, Thúy Nga ồn ào, đầu óc
linh hoạt, miệng mồm nhanh nhạy. Phùng không muốn em gái đi theo con đường của
mình, hãy để nó học hành nghiêm túc có ích cho xã hội. Sau này không phải dựa
dẫm vào anh trai.
Đầu tiên, vận dụng quan hệ của mình, Phùng làm giấy tờ tùy thân cho
Hưng, bỏ tên Dul, bỏ Mười Lăm thay bằng Hưng, ban đầu dự định là Trương Hưng em
ruột của Trương Phùng, anh của Trương Thúy Nga. Nhưng sau đó, Phùng lại sợ sau
này nếu anh xảy ra chuyện sẽ liên lụy Hưng nên để nó lấy họ Nguyễn, một họ
thuần Việt. Từ đó, nó có tên la Nguyễn Phùng Hưng.
Phùng mướn thầy dạy chữ cấp tốc cho Hưng vì nó chỉ biết có con
số, chưa đọc được hàng trăm hàng ngàn trở lên, một chữ bẻ đôi cũng không biết.
Song song với việc học chữ, chính Phùng dạy cho nó những thế võ phòng thân khi
gặp bất trắc. Ngờ đâu, Hưng rất có năng khiếu về mãng này, nó học nhanh chóng,
ra đòn chính xác và mãnh liệt. Phùng ưng ý quá, dần dần truyền thụ hết võ thuật
cho Hưng.
Sống lâu với Phùng hơn hai năm mà Hưng vẫn không biết Phùng làm
ăn gì, thỉnh thoảng, anh chở Hưng đi thu tiền ở đâu đó. Năm thứ ba thì Hưng bắt
đầu đi thu tiền một mình. Những con nợ coi bộ sợ oai của Phùng lắm.
Sau này dần dần thân hơn, dù không biết nội tình nhưng thỉnh
thoảng Phùng cũng dắt Hưng theo đánh lộn có khi đâm chém với băng nhóm khác.
Hưng không hỏi nhưng biết Phùng đang làm ăn phi pháp. Kệ, Phùng làm gì thì làm,
đồng tiền anh ấy kiếm được cũng chi vào việc nuôi dưỡng những trẻ em cơ nhỡ rất
nhiều. Biết bao số phận đã nhờ vào anh mà thay đổi. Cho nên, Hưng không quan
tâm Phùng làm gì, chỉ biết trung thành với anh ấy mà thôi.
Hưng sống yên ổn, vui vẻ với gia đình Phùng được mười sáu năm,
bấy giờ Hưng đã ba mươi tuổi nhưng anh không hề tính chuyện lấy vợ dù Phùng
cũng thôi thúc nhiều lần. Lúc ấy, Phùng đã có người yêu và chuẩn bị cưới nhau.
Thúy Nga đã ra trường nhưng không đi làm, tự mở một shop quần áo thời trang
ngay tại căn nhà Phùng mua cho. Hưng ít khi tới lui vì ngại anh em họ nghĩ rằng
anh cố tình tiếp cận Nga với ý đồ này nọ.
Rồi một hôm trên đường thu tiền cho Phủng về, anh ghé ngang chợ
Biên Hòa để mua chút đồ. Thâm tâm Hưng lúc nào cũng muốn tìm gặp băng nhóm Nùng
mập, với sức của Hưng bây giờ anh có thể hạ gục từng tên một. Hưng đã thề trong
lòng, gặp bọn chúng ở đâu sẽ đánh ở đó, kể cả con mẹ vợ Nùng mập, mụ ta là kẻ thù
số một của anh.
Vì vậy, khi gặp bất kỳ đứa bé bán vé số nào có khuôn mặt ủ rũ
buồn là Hưng sẽ mua cho nó, rồi hỏi thăm nó sống cùng ai. Chỉ khi biết chính
xác nó ở cùng ba mẹ, bán vé số giúp ba mẹ kiếm thêm tiền thì thôi, còn nếu như
anh biết thằng bé bị ép uổng như bọn anh lúc xưa thì nhất định anh sẽ can
thiệp.
Hôm đó, anh thấy một người đàn bà đẩy đứa trẻ mặt mày ngơ ngáo
trên chiếc nôi đi bán vé số. Đứa con bại não như vậy, khi gặp khách mụ ta chèo
kéo, tạo khuôn mặt tội nghiệp nói rằng bán vé số kiếm tiền mua sữa cho con.
Nhưng khi đẩy thằng nhỏ đến chỗ vắng, mụ ta để nó đó, ngồi xuống lề đường móc
túi ra đếm tiền, đôi mắt ánh lên niềm vui nhưng khi nhìn đứa nhỏ lại tỏ vẻ bực
bội.
Bỗng dưng Hưng căm ghét, anh nhớ ánh mắt của mẹ anh, ngày ấy bỏ
rơi anh không chút thương tiếc, ánh mắt Úm đã theo anh suốt một thời gian dài,
sau này anh không muốn nhớ lại, nhớ chỉ để căm hờn mà thôi. Ánh mắt con mẹ này
hôm nay làm anh tức tối, Hưng biết chắc thằng bé không phải là con của mụ ta.
Mụ ta đã bắt cóc con nít và hủy hoại nó để làm công cụ mua lấy tình thương
người khác mà trục lợi cho mình. Thủ đoạn này có khác chi vợ chồng lão mập đâu?
Hưng hiểu ra và âm thầm đi theo.
Ngờ đâu, đó là hang ổ mới của lão Nùng Mập. Hưng thấy lão ta
chạy ra, nựng cằm mụ, coi bộ tình tứ lắm. Vậy mụ vợ núc ních của lão ta đâu rồi
mà lão dám ngang nhiên như vậy?
Trời ơi, sao lão ta lại sống ung dung bóc lột xương máu của
người khác như vậy chứ?
Khoan, khoan ra tay. Để về bàn với anh Phùng, nên triệt phá bọn
này như thế nào. Nhất định triệt phá tận ổ. Con mẹ này thời anh còn ở đó thì
chưa có, nhưng chắc chắn một điều mụ ta đã tiếp tay với lão Nùng rồi, có thể,
họ đã giết mụ vợ để thay con mẹ này vô không chừng.
Nghe Hưng kể lại, Phùng gật đầu:
- Bận này cho chúng nó vô tù đi, chứ diệt ổ này nó sẽ mọc lên ổ
khác.
Thằng chó này nó quá trời giàu, có nhiều nhà. Báo chính quyền
tịch thu hết gia sản mang tên nó, tống nó vô khám với đủ tội danh khiến nó
không bị tử hình cũng gỡ lịch suốt đời. Tao cho đàn em quậy nó như lần tụi bây
cũng được, nhưng nếu mình giết nó thì mình vô tù. Mà tao coi bộ mầy cũng thèm
giết nó lắm.
Giết chi cho dơ tay. Mầy để tao ra mặt vụ này cho.
- Em thèm đâm vô bụng nó một nhát, rạch từ trên xuống dưới ra
cho ruột gan lòng thòng mới vừa bụng em.
- Mẹ bà, mang chi thù hận trong lòng cho mau già. Để đó cho tao.
Nhưng cuối cùng công an không hốt trọn ổ bọn chúng, bởi vì lúc
đó, tên Nùng và mụ vợ nhỏ không có tại đó. Mụ vợ lớn đã chết cách đây nhiều
năm, nghe nói trước khi chết bị ma nhát hãi hùng đến đứt tim.
Vậy là thêm một số trẻ em vào làng SOS. Những tên bị bắt phải
vào tù lâu mau tùy theo tội danh.
Cá lớn đã lọt lưới.
•
- Làm gì ngồi thừ lừ như ông từ vậy cha nội râu rìa?
Giọng nói rổn rảng của Châu lôi Hưng trở về với thực tại. Phùng
cũng đang đăm chiêu như anh. Ba tô phở trên bàn đã hết. Phùng tính tiền thì
Châu nguýt háy:
- Đã nói một trăm ngàn rồi mà, cha nội này hổng biết nghe tiếng
Việt hay sao vậy ta? Nay lạ nên lấy tiền, bắt đàu từ mai sẽ mời nghen.
Phùng cười:
- Vậy thì cám ơn chú. Tụi tui còn ở vài ngày, không biết chí có
dám mời hoài hay không.
- Xời , mấy ông ăn hai ba ngày chắc tui nghèo à. Xí!
Phùng vỗ vai Hưng:
- Đi, về nhà mầy. Tao có nhiều chuyện để nói với mầy lắm.
Châu lẹ miệng:
- Tui đi nữa.
Hưng liếc ngang:
- Đi chi trời?
- Phải đi mới được chứ. Vô trong đó tui nói cho mấy anh nghe một
bí mật.
- Bí mật gì nói ở đây hắc mẹ cho rồi.
Châu nạt xước vô mặt Hưng:
- Vậy bí mật của ông có thể nói ở đây được hôn? Cha nội nhiều
chuyện cản cản tui xé rách miệng ra bây giờ. Mắc mệt hà.
Phùng cười:
- Chú nói như là quen với anh em tui dữ lắm vậy. Chú biết bí mật
của tụi tui làm gì?
- Bởi bí mật của tui và của các anh liên quan nhau. Thôi hổng có
dài dòng, cha nội râu rìa đem xe vô bãi gửi đi, đi chung xe với anh Phùng. Để
tui túm cho mớ xí quách và chai rượu chuối hột vô trỏng cho mấy cha sương sương
nhắc lại kỷ niệm xưa. Chỗ này tui làm trùm, cãi cãi là săn dịch với tui à.
Ba người đàn ông bó tay với Châu, bèn chào ông bà Năm rồi ra xe,
Châu đi ngang bãi giữ xe, thấy Hưng lui cui dắt xe dẹp vô thì óng lên:
- Ông Nặc râu rìa gửi xe đứa nào thu tiền tao móc họng ra biết
chưa?
Nặc chỉ biết lắc đầu chịu thua.
Châu lên xe ngồi cạnh Nặc, nói nhỏ:
- Sở dĩ tui đòi đi xe hơi chắc anh biết vì sao phải không? Tui
thật sự không hiểu mình là người hay ma. Ma sao hiện ra sừng sững trước mặt
người khác, đụng chạm thấy đau, đứt tay chảy máu được? Nhưng nếu là người sao
hổng có bóng? Sao đi ra ngoài không chạm đất kỳ cục vậy? Cho nên, năm mười hai
tháng có dám ra nắng đâu, cứ ở miết trong nhà hoặc ra nhà lồng chợ thôi. Ban
đêm mới đi tuần một chút. Ngộ ghê, ở trong mát tui đi nghe xực xực, còn ngoài
nắng đi hổng nghe tiếng chưn luôn là sao?
Nặc ngạc nhiên:
- Vậy chú có phải là chú Châu trước đây không?
- Phải sao được mà phải. Nếu là Châu sao tui không thích Liễu?
Nếu tui bóng lại cái sao tui cũng không thích đàn ông? Ký ức về Châu lúc trước
tui không biết con mẹ gì hết là sao?
Phùng ngồi băng trên quay xuống nói:
- Vụ này huyền vi à nghen.
Anh nói vậy vì anh đã nghe qua Nặc nói về Châu rồi.
Tới nhà Nặc, bốn người bước vào. Đó là một căn nhà nhỏ, chỉ có
phòng khách, phòng ngủ và nhà bếp. Kế bên nhà bếp là toilet. Trên phòng ngủ có
căn gác lửng. Giống y một căn nhà trọ.
Đập vào mắt họ là bàn thờ trên bài vị có tên Hiền thê Trương
Thúy Nga. Lư hương đầy chưn nhang. Phùng lặng người , rút ba cây nhang châm lửa
đốt đưa người một cây cặm vào.
Anh nói một mình:
- Nga à. Em siêu thoát chưa? Tuy em và thằng Hưng chưa phải là
bồ bịch gì với nhau, chưa chuyện trò tâm sự lần nào, nhưng em thích nó anh
biết. Bây giờ nó đã xem em như vợ, thờ cúng cả đời. Ngẫm ra cũng đủ tình đủ
nghĩa. Em yên tâm nghen Nga.
Châu lấy tay vuốt vuốt tấm bài vị, đôi mắt đỏ nhìn Hưng:
- Anh có nhớ Nga không?
Hưng mím môi lắc đầu:
- Tui thương nhưng không nhớ. Ngay cả mặt cô ấy tui cũng chưa
nhìn kỹ được một lần. Lúc Nga ngã xuống, anh Phùng buộc tui phải chạy trốn. Năm
năm nay tui cũng không biết mộ phần cô ấy ở đâu.
Phùng bùi ngùi:
- Tao hỏa thiêu nó rồi, tro cốt để thờ ở nhà nó. Tao có mướn
người hàng ngày quét dọn nhà cửa và nhang khói cho nó đủ đầy. Không biết nó ở
với tao hay ở với mầy.
Châu nói một mình:
- Nga không ở với ai cả. Cổ ở với người xa lạ.
Phùng giật mình:
- Sao chú biết?
Châu mỉm cười, anh đi xuống bếp lấy đồ dọn xí quách ra bày lên
bàn. Hưng lấy chén đũa. Khi mọi người ngồi lại. Châu nhìn Phùng thân thiện:
- Cha nội này có cái thẹo bự bằng ngón chưn cái của cha Nặc ngay
trân cái mỏng đít phía trái. Nhọt chứ đâu? Người gì đánh nhau đâm chém không sợ
mà sợ đau vì bị nặn mục nhọt. Mắc cười.
Phùng trố mắt:
- Sao chú biết?
- Tui nặn cho anh mà hổng biết. Hồi mới có một mục năn nỉ nặn
hổng cho, đợi nó nhảy tùm lum cả chùm ngồi đâu cũng sịt máu ướt quần như đờn bà
có kinh mới chịu cho nặn. Bà mẹ ơi, ổng la làng như heo bị thọt huyết vậy trời.
Sau đó là một chùm thẹo dòm ớn em luôn.
Hết chương 07.
Còn tiếp chương 08.
Lê Nguyệt