Mấy tháng trước, ba nói tết năm nay thể nào ba cũng đưa cả gia đình
về miền Trung một chuyến. Nghe vậy, hai chị em nôn nao trong lòng. Chị Lành
thường giở lịch trên tường đếm ngày để được về với nơi mà ba mẹ chị gặp nhau
rồi nên duyên chồng vợ. Ngày mà chị Lành về miền Trung cùng mẹ cách đây xa lắm,
hồi ấy chị Lành bé xíu, em Hân cũng chưa ra đời. Ký ức về lần đầu tiên trong
đời được ngồi tàu lửa về quê hương không nhiều, nhặt nhạnh lại chỉ thấy mấy vệt
nắng hiếm hoi trong mùa đông.
Buổi trưa, ba lật đật dọn dẹp cửa nhà, bón đất cho cây mai trong
vườn rồi đi sang nhà hàng xóm nhờ trông chừng con mực giúp mươi bữa nửa tháng.
Nhà nằm trong con hẻm nhỏ, ở xóm toàn dân lao động tứ xứ đổ về đây, chẳng mấy
chốc mà thành láng giềng. Mẹ loay hoay trong góc bếp gói ghém mớ quà bánh
phương Nam mang về tặng người ngoài Trung. Cũng chẳng có gì nhiều ngoài ít cá
khô cho các chú nướng lên lai rai mà mường tượng đến mùi sông nước quê mình, lọ
mật ong thiên nhiên ngọt lịm biếu các bà để uống với chanh khi ho, cho các cô…
làm đẹp. Mẹ bảo:
- Quý nhau là ở tấm lòng. Quà cáp đơn sơ nhưng chí ít mình cũng mang
được chút nắng phương Nam về miền Trung.
Nghe mẹ nói, bé Hân háo hức. Con bé chỉ được biết đến miền Trung qua
lời kể của chị Lành, còn hiểu biết của chị Lành lại thông qua câu chuyện mẹ kể
những đêm đã dọn hàng vào trong nhà, qua phim ảnh, sách vở. Cô bé ríu rít:
- Từ đây về ngoài Trung có xa không mẹ? Đi bao lâu thì tới? Mà mình
đi bằng gì hả mẹ?...
Một loạt câu hỏi huyên thiên bật ra từ bé Hân. Mẹ cười rồi mẹ cũng
trả lời từng câu cho thỏa chí tò mò của đứa trẻ lần đầu tiên được trở về quê
cha đất tổ. Mẹ trìu mến đáp:
- Xa lắm con ạ. Quê mình ở Quảng Nam, nửa vòng đất nước chứ chả chơi
con ạ! Ba định cho cả nhà đi bằng máy bay, nhưng mẹ thích cho các con đi tàu
lửa hơn. Đi tàu lửa con sẽ được ngắm biển ngắm sông, ngắm đồng ngắm núi.
Mẹ ngừng lại. Ánh sáng của niềm vui nhảy múa trong mắt của mẹ. Bỗng
dưng chị em Lành trông thấy khóe mắt mẹ rưng rưng. Phải rồi, ai đi xa mà chẳng
nhớ quê mình, huống gì ba mẹ đã rời quê ngót nghét mười mấy, hai mươi năm trời,
từ thuở tóc xanh cho đến ngày tóc bạc. Mẹ luôn dạy hai chị em phải yêu thương
cả hai miền đất nước. Một nơi là chốn sinh thành của ba mẹ, cội nguồn của hai
chị em. Một nơi là chốn bao dung chở che cho ba mẹ suốt những ngày lang thang
phương Nam đầy nắng gió. Nơi đâu cũng là nhà, cũng đầy ắp những kỷ niệm đẹp và
sự biết ơn sâu nặng. Ba mẹ gồng gánh trên vai những vất vả, nhọc nhằn; cõng
trên lưng hình bóng quê hương và niềm thương nỗi nhớ…
Hân hí hoáy:
- Em trông đợi ngày về quê lâu lắm rồi, tết năm nay chắc vui lắm chị
ha.
Chị Lành vỗ vai em:
- Hân phải ngoan đấy, rồi mình sẽ được về quê dài dài…
Bé Hân cười tít mắt. Còn ba, khi chứng kiến cuộc chuyện trò giữa hai
chị em, mắt ba hoe đỏ.
***
Ngày mới vào Nam, lòng mẹ buồn man mác. Đêm phương Nam, hơi nóng hầm
hập xông vào trong căn nhà nhỏ ba mẹ thuê lại từ một người đàn bà tóc trắng,
tường nhà dán giấy nhật trình cũ kỹ, trăng rọi qua song cửa vào trong nhà thành
từng vệt sáng loáng. Mẹ ngồi may áo cạnh cửa sổ, chỗ quần áo mẹ nhận may gia
công cho tiệm may ngoài phố kiếm chút đỉnh tiền mua sữa cho con. Mẹ ngồi may áo
chốc chốc lại với tay đưa võng để con chìm trong giấc ngủ bình yên. Đôi lần
ngồi một mình ngẫm nghĩ, mẹ thấy quyết định của ba mẹ liều lĩnh quá.
Hai vợ chồng, một đứa con dắt díu nhau lên tàu vượt đường dài vào
miền Nam tìm kế mưu sinh. Năm ấy, cánh đồng nhỏ ở vùng quê mất mùa, người làng
đau đáu tìm kế sinh nhai vẫn phải chịu cảnh ăn khoai sắn thay cơm. Ba mẹ rời
quê trong một buổi chiều chập choạng. Vài người thân quen tiễn ba mẹ ra ga xép
nhỏ nằm giữa cánh đồng hoang vu để đón chuyến tàu vào Nam. Ba mẹ đến con phố
này trong ngày trời lất phất mưa. Ba ròng rã tìm căn nhà nhỏ thuê lại rồi chạy
vạy đi kiếm việc làm.
Đêm đã khuya. Mẹ lom khom dọn dẹp, quét tước trong nhà ngoài sân,
buột miệng:
- Mọi chuyện có duyên có số hết ba sắp nhỏ ạ! Cái đất nước này mênh
mông thiếu gì chỗ để đi, mình không đi, lại chọn cái đất này sinh sống, lập
nghiệp. May mà trời thương mình, không giàu có như ai nhưng sống được qua ngày,
nuôi được hai đứa con khôn lớn.
Ba cười đáp lại:
- Ít ra cái quyết định tha hương tìm kế sinh nhai của mình cũng
không sai.
Quán mỳ này mọc lên từ khi chị Lành còn bé xíu. Lúc còn ở làng cũ,
mẹ nổi tiếng hiền hậu đảm đang, mẹ nấu món mỳ Quảng ngon đáo để, trong làng có
giỗ đều nhờ mẹ đến nấu giúp. Vào Nam, ba mẹ dốc hết vốn liếng mở quán mỳ nho
nhỏ. Ban đầu mẹ lo lắng bảo ba: “Hay là thôi mình ạ, khẩu vị người Nam khác với
khẩu vị ngoài mình, bán không được thành ra mất vốn liếng”. Ba nói chắc chắn:
“Phải thử mới biết. Biết đâu họ chuộng? Món mỳ quê mình thơm ngon, ăn vào khéo
mà ghiền như chơi đấy chứ!”. Nghe ba nói vậy mẹ cũng yên tâm.
Mấy ngày đầu hàng quán đơn sơ, mấy cái ghế gỗ đặt quanh chiếc bàn
nhựa dưới gốc cây me, mỗi ngày mẹ chuẩn bị mấy mươi tô mỳ, sợ ế. Khách vào ăn,
mẹ để ý khách nhắm mắt lại cảm nhận hương vị trong tô mỳ rồi hít hà, tặc lưỡi
khen ngon. Mẹ mừng trong bụng. Trong quán, mẹ đứng nấu mỳ còn ba bưng bê phục
vụ khách, tính ba xởi lởi, hề hà, khách thương mà ghé ủng hộ, dần dà thành
“mối”. Lượng mỳ mẹ nấu mỗi ngày một tăng, có khi bán hơn trăm tô trong ngày,
cuộc sống cải thiện, chị Lành ngày một lớn lên. Mới đó mà đã hơn mười năm trôi
qua, quán mỳ Quảng đã trở thành thương hiệu trong con phố nhỏ giữa lòng thành
phố rộng lớn.
Vậy đó, đất phương Nam đã cưu mang, bảo bọc ba mẹ suốt những năm
tháng dài. Phương Nam tình nghĩa, phương Nam bình yên, không biết tự bao giờ mà
những con người tha hương ấy tự nhận nơi này là quê hương của họ - quê hương
thứ hai, xứ sở của những nói cười và niềm tin lành thiện vào cuộc đời.
***
Năm nào cũng vậy, chiều 30 tết, ba thường ra sân ga đứng lặng hồi
lâu ngắm nhìn dòng người khuôn mặt tươi rói với tấm vé tàu trên tay, để được về
quê đón tết. Tàu thống nhất vào Nam rồi ra Bắc, những toa tàu nối dài lô nhô là
người, tiếng còi tàu rộn rã. Tự dưng ba thấy lòng ba khắc khoải nhớ thương. Quê
hương thân thương cách chỗ ba mẹ cả ngàn cây số, đường xa vạn lý, cuộc sống
xoay vần mới đó đã mười mấy năm trôi qua ba mẹ không trở về chốn quê nghèo xưa
cũ.
So với quê ba, tết ở thành phố này có lẽ gấp gáp, vội vã và giản đơn
hơn. Người ta chuộng chuyện du xuân, vui chơi hơn là giữ gìn những nếp quê xưa
cũ. Ba nhớ tết quê đến nao lòng. Ngôi làng nhỏ giữa cánh đồng vẫn còn vẹn
nguyên nét tiêu sơ, cổ kính. Từ cánh cổng làng phủ rêu phía trên có đề mấy dòng
chữ tên làng đã tróc sơn, đến mái đình, cây đa, con đường vào làng và những nếp
nhà vẫn bình yên trong sắc màu xưa cũ. Làng của ba nỗ lực giữ lại những phong
tục của ngày tết cổ truyền. Những hình ảnh thiêng liêng đó dẫu có đi dọc dài
đất nước ba mẹ sẽ chẳng bao giờ quên được bóng dáng quê hương.
Ba nói với chị Lành và em Hân bằng giọng nói thâm trầm, sâu lắng:
- Các con à! Dẫu có đi đâu chăng nữa các con cũng luôn nhớ rằng mình
là người làng Trúc Khê, ngôi làng đậm đà bản sắc văn hóa xưa cổ…
Chị Lành cười tít mắt:
- Vậy chừng nữa ba mẹ cho chúng con về làng đón tết nhé!
- Dĩ nhiên rồi! Làng vẫn đợi mình về - Mẹ nói tiếp - Ở đó là quê ba,
quê mẹ. Nơi đó có ông bà, có làng xóm quen thân, có cây đa có lũy tre làng, mái
đình và những điều chân phương đẹp đẽ…
Bỗng dưng mắt mẹ cay sè rồi mẹ bật khóc. Chị em Lành cũng sụt sùi
khóc theo. Hình như có tiếng gọi của quê hương vang lên trong trái tim của mẹ.
Mẹ nhắm mắt: trong tâm trí mẹ lơ lửng những khuôn mặt hiền hòa, nụ cười tươi
tắn, dáng ai quảy gánh hàng rong lặng lẽ bước vào trong cánh cổng làng, tiếng
trẻ nô đùa ngày xuân và cái rét ngọt ngào nấn ná trên bãi sông yên tịnh…
***
Sớm mai, sân ga đầy nắng. Ba cõng bé Hân trên lưng, còn mẹ đang nắm
tay chị Lành chuẩn bị lên tàu về quê đón tết.
Trong cái nhộn nhịp của sân ga, chị Lành bỗng trông thấy hai mẹ con
người đàn bà đứng bên cạnh mình cũng dắt díu nhau về quê đón xuân. Người mẹ
khuôn mặt tảo tần, rám nắng, đứa con đôi mắt trong ngần pha lẫn chút háo hức
khi được trở về với nơi chốn cội nguồn, với mạch nguồn yêu thương di dưỡng
trong trái tim những người xa xứ.
Hóa ra trên đất nước này, nơi đâu cũng là nhà, nhưng nơi chôn nhau
cắt rốn vẫn mãi chiếm một vị trí không bao giờ thay đổi trong trái tim mỗi
người…
Hoàng Khánh Duy