Hôm nay thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024
Truyện dài - MỘT CUỘC TÁI SINH (01) (14/01/2023 04:24 AM)
Lê Nguyệt

Phần 1: Năm 2022
 


Nhìn hai đứa cháu ngoại, một đứa trai năm tháng tuổi nằm chòi đạp dưới gạch và một đứa gái hai tuổi chạy chơi phá phách trong nhà mà lòng chị dậy lên một nỗi buồn không có tên gọi.
 
Năm nay chị đã năm mươi chín tuổi rồi. Ở lứa tuổi nầy những tưởng mọi vất vả thời niên thiếu đã trôi qua, ngờ đâu gánh nặng gia đình ngày một chất chồng trên đôi vai nhỏ nhắn của chị làm chị mệt mỏi, đôi lần muốn gục ngã.
 
Đời chị đã trải qua quá nhiều thăng trầm. Mỗi lần hồi tưởng lại chị thấy kinh sợ, không biết vì sao mình lại có thể tồn tại đến bây giờ.
 
Chị có chồng muộn dù anh chị đã yêu nhau khi còn rất trẻ. Biết nhau qua giới thiệu của bạn bè trong lần sinh nhật bạn thân lúc chị mới vừa hai mươi hai tuổi. Thuở ấy, việc tổ chức sinh nhật quả là xa xỉ đối với những cô gái vùng nông thôn như chị và bạn bè, nhưng lại là cuộc họp mặt vui chơi giải trí của một tốp bạn chí tình thân thiết. Anh lớn hơn chị hai tuổi, kể từ hôm đó anh bắt đầu đeo đuổi chị nhưng cho đến bốn năm sau chị mới nhận lời yêu anh. Chị là con gái lớn của ba mẹ còn anh là người con thứ sáu cho nên ba mẹ anh lớn hơn ba mẹ chị rất nhiều.
 
Yêu nhau được một năm thì gia đình anh tới nhà dạm hỏi. Ngày cưới đã được định thì ba anh đột ngột qua đời nên phải đình lại ba năm sau. Mãn tang cha, anh lại phải mang thêm tang mẹ. Vậy là chị chờ. Chờ sáu năm thì chị đã ba mươi mốt tuổi rồi. Cưới nhau năm ba mươi hai, ba mươi ba tuổi chị sinh con đầu lòng là bé gái. Ba năm sau sinh tiếp đứa thứ hai cũng là gái, lúc đó chị đã ba mươi sáu tuổi.
 
Bấy giờ Nghiêm, chồng chị là sĩ quan quân đội, anh suốt ngày ở cơ quan, chỉ về nhà buổi tối. Có chồng rồi, chị còn năm đứa em nên ở với dì ruột không chồng là em của mẹ tại nhà ngoại. Ngoại chị có nhiều đất giồng, ngoại chỉ có hai người con gái nên chia mỗi người một nửa, mẹ chị có gia đình nên chọn miếng xa nhà, giao căn nhà tổ và đất đai chung quanh nhà cho dì Ba, dì Ba không làm nữa mà giao cho vợ chồng chị trồng trọt. Lương của anh cũng đủ để chi xài nhưng từ khi có hai đứa con rồi thì nhu cầu cuộc sống tăng lên nên chị, từ một cô gái chỉ biết ăn học vui chơi với bạn bè trở thành người đàn bà quán xuyến từ trong ra ngoài.
 
Để thuyết phục Nghiêm ở rể chị đã dùng nhiều cách vì anh luôn sĩ diện và sợ câu thực lộc vi thê. Chính vì vậy mà chị luôn nhường nhịn anh, giao cho anh cái quyền chủ nhà để anh tự tin mà ở cùng dì Ba.
 
Chị nổi tiếng là một phụ nữ đảm đang tháo vát. Trồng cả mẫu đất giồng nào rau muống, khổ qua, đậu que đậu bắp, chị thuê người cuốc liếp rồi một tay gieo trồng thu hoạch mang ra chợ bán. Quần quật suốt ngày từ lúc có con. Khi chị ra giồng thì nhờ dì Ba trông con giùm.
 
Anh thấy chị cực quá nên kêu chị dành một miếng đất để trồng cỏ nuôi bò, anh sẽ phụ trách phần cắt cỏ. Vậy là sau vài năm, chị có cả một đàn bò năm con. Hai con bò mẹ đẻ ra bao nhiêu chị nuôi hết.
 
Có tiền dành dụm, anh muốn cất lại căn nhà đã quá xưa cũ của ngoại. Chị biết anh muốn cái nhà là do chính vợ chồng anh tạo dựng chứ không mang tiếng là ở nhà thờ. Cất nhà thì chắc phải dự trù nhiều tiền cho việc phát sinh. Anh đi đứng nhiều, quan hệ xã hội rộng rãi nên thiết kế ngôi nhà cũng hoành tráng mà chỉ mới nghe thôi chị đã run sợ vì biết khả năng mình không tới đó. Nhưng anh nói anh sẽ lo được.
 
Vậy là cất nhà. Khi ngôi nhà ngói đỏ rực được mọc lên, khang trang bóng bẩy với bốn phòng ngủ một phòng khách, nhà bếp, nhà ăn, toilet hẵn hòi, không ai biết chị đã nợ bao nhiêu tiền, toàn là tiền vay hỏi lãi cao. Từ đó, cô gái xinh đẹp ngày xưa, bây giờ là người phụ nữ đầu tắt mặt tối có tên Phan Thị Khả Hân bắt đầu những tháng ngày đen tối.
 
Làm lụng cực nhọc, được bao nhiêu lo đóng lời tiền vay hỏi khiến chị mệt mỏi và hối hận. Đêm nằm nước mắt chảy dài nhớ tới các khoản nợ, nhớ tới những lời sỉ vả của người ta khi chậm tiền lời mà cảm thấy mình không còn chút tiền đồ. Anh nói sẽ cùng chị lo, nhưng anh lo được gì? Cả đời anh sống bằng sĩ diện, có nhà đẹp anh hãnh diện dẫn bạn về chơi tiệc tùng chiêu đãi mà không cần hiểu thậm chí tiền mua rượu chị cũng không có nổi. Niềm hy vọng lớn nhất trong đời là mong hai đứa con học hành đỗ đạt, sau nầy không phải cực khổ lam lũ như chị.
 
Nhưng ông trời luôn bạc đãi chị. Hai đứa con mà chị đặt hết niềm tin vào chúng thì con gái lớn đã phụ lòng mẹ. Học hết lớp chín không vào được cấp ba nên nghỉ ngang vì không theo kịp chúng bạn. Con không có chí thì mẹ biết phải làm sao đây? Đành cho nó ở nhà những tưởng nó sẽ phụ chị việc chợ búa cơm nước, nhưng không, nó đòi đi làm, mà ở tuổi mười sáu của nó công ty nào lại nhận?
 
Chị không hay biết con gái mình đã yêu rồi. Nó hay hẹn hò đi chơi với thằng kia vào buổi tối. Đến khi đứa con nhỏ của chị phát hiện ra, chị đã gọi tên kia vào nói chuyện. Hắn tên Thạc, lớn hơn Kiều, con chị hai tuổi, vậy là Thạc đã đủ tuổi thành niên rồi. Chị không biết hai đứa có gì với nhau chưa nên hăm he Thạc sẽ đem chuyện nầy ra chính quyền để Thạc mang tội dụ dỗ gái vị thành niên. Nhưng Thạc hứa sẽ cưới Kiều khi Kiều vừa đúng 18 tuổi. Bấy giờ, kiều cũng đã qua 17 tuổi rồi.
 
Thật ra, chị cũng không dám làm lớn chuyện vì sợ nhục nhã gia đình và ảnh hưởng uy tín của chồng nên chờ vài tháng sau cho Kiều đủ tuổi để ba mẹ Thạc đến cưới. Và chị cũng chờ được ngày đó. Tuổi trong khai sinh Kiều 18 nhưng tuổi mẹ cũng được 19 rồi.
 
Tưởng như vậy là yên bề của Kiều, chị chỉ còn lo vun đắp cho Khả Huệ thôi. Mà Huệ thì ngoan ngoãn dễ thương hơn Kiều nhiều lắm. Trong hai đứa con. Thất vọng về Kiều bao nhiêu thì chị hy vọng vào Huệ bấy nhiêu. Huệ luôn bên cạnh chị, phụ mẹ khi không phải tới trường. Huệ l;à niềm an ủi và động lực giúp chị vượt qua bao nỗi khó khăn chồng chất.
 
Đời chị có quá nhiều điều phải hối tiếc. Bạn bè trở mặt khi chị lâm nguy, người thân quay lưng với chị, xóm làng xem thường. Trước mặt chị, họ lời ngon tiếng ngọt nhưng sau lưng là những chỉ trích phê phán. Khi chủ nợ tới nhà đòi tiền hôm trước, hôm sau cả xóm đều hay. Mỗi lần gặp ai chị đứng lại trò chuyện, trước đó người ta nồng nàn chào đón chị bây giờ né tránh chị như cùi hủi, họ sợ chị lên tiếng mượn tiền. Thật là tê tái cho tình đời. Cho nên chị lầm lũi suốt ngày trên mảnh đất, không tới lui giao thiệp với ai cho nhẹ đầu.
 
Dì Ba mấy lúc sau nầy thường vắng nhà, dì ghiền đánh tứ sắc ăn tiền. Những điểm dì đến chị chỗ biết chỗ không. Trước khi cất nhà, hàng tháng chị cũng gửi dì chút ít để tiêu xài vì cơm nước và chi phí trong nhà chị đều lo cả.
 
Dì Ba ra ngoài thường nên biết chị mắc nợ dù không rõ là bao nhiêu nhưng cũng không hỏi han tiếng nào mà âm thầm kêu người bán bớt vài công đất. Khi người ta tới đo đạc anh chị mới hay, dì nói:
- Tao bán vài công để lấy tiền gửi ngân hàng phòng thân chứ không thể ngửa tay nhận tiền của tụi bây hoài. Bán xong, tao sẽ cho mầy chút đỉnh mua thêm bò và làm vốn mua hột giống về trồng.
 
Thật lòng chị mừng lắm, chị sẽ không mua bò thêm mà sẽ dùng số tiền đó để trả bớt nợ phần nào. Nhưng dì bán năm công đất được bao nhiêu chị cũng không biết, dì cho chị hai mươi triệu. Số tiền lúc đó quả thật có thể mua được hơn một con bò con nhưng không thấm vào đâu với số nợ mà chị đang mắc.
 
Chị biết, dì Ba sợ chị nợ nần nhiều có ngày người ta sẽ xiết nhà xiết đất nên lời hứa sẽ sang tên cho chị vài công dì đã vờ như quên mà chị cũng không dám nhắc. Khi dì nhận được tiền rồi, chị rụt rè hỏi mượn thêm dì thì dì cũng dễ dãi mà trả lời:
- Tiền tao đã gửi ngân hàng có kỳ hạn rồi. Nhưng nếu bây kẹt thì tao có hai cuốn sổ đất, trong đó có một cuốn sổ nhà, nhà nầy có 300m thổ cư, tao cho tụi bây mượn để vay ngân hàng. Tao không có sống đời, trước sau gì cũng cho con Hân. Giữ thì còn không thì mất vậy thôi.
 
Chị mừng quá, mang hai quyển sổ nhờ dì đứng tên vay được một trăm triệu, vay thêm bên ngân hàng chính sách năm mươi triệu nữa, vị chi là một trăm năm mươi triệu. Mang tiền về, chị thanh toán liền cho những tay cho vay lãi cao, cuối cùng chỉ còn nợ người nhà mà số tiền vay ngân hàng cũng bốc hơi không còn một cắc dính túi.
Nhưng như vậy cũng tạm ổn rồi. Anh bây giờ đã 62, từ mấy năm trước lại phát sinh nhiều bệnh: Tiểu đường, bao tử nên hưu non khi mới 56 tuổi, lương chỉ còn 75%. Chị lại quần quật ngoài đồng để kiếm tiền chi phí cho gia đình và đóng lời ngân hàng mỗi tháng.

Nói về chuyện của Kiều, đám cưới chỉ năm mươi bốn ngày, chưa được hai tháng thì khăn gói về nhà mẹ vì không chịu nổi cảnh làm dâu. Quá hiểu con mình, chị biết rất rõ từ khi gả nó, là nó không thể nào làm vợ hiền dâu thảo được. Nó về nhà cả tháng mà bên chồng không ai tới nói phải quấy với anh chị tiếng nào. Thôi thì con dại cái mang, chị chấp nhận miệng đời thị phi, xóm làng cười chê gái lộn chồng để Kiều ở nhà, hy vọng qua lần nầy nó sẽ học được bài học xương máu.
 
Vậy là Kiều đi làm công nhân cho xưởng giầy tư nhân ở cách nhà năm kí lô mét. Chị phải mượn của dì Ba tiền để mua trả góp cho nó chiếc xe đi làm với điều kiện hàng tháng nó phải trả. Nhưng nó nói lương tháng chỉ đủ nó chi xài mua sắm, cơm chiều chị phải nuôi, nó chưa từng phụ chị một đồng, thậm chí khi lãnh lương xong, cũng chưa từng mua món gì về nhà cho ba mẹ và em gái ăn chơi. Tiền góp xe chị phải nai lưng ra mà đóng 18 tháng. Thôi kệ, chị nhủ lòng như vậy, miễn nó có việc làm đàng hoàng không bê tha là chị cũng vui rồi.
 
Ngờ đâu, chẳng bao lâu thì bụng nó nhô lên khỏi áo. Cái thứ có thai lén nên không bị hành xách gì khiến chị nhìn không ra, đến khi phát hiện thì đã năm tháng, thai đã tượng hình con gái rồi làm sao đây? Chị đã khóc vì nhục, thủ phạm là ai chị rất muốn biết nhưng nó tuyệt đối không khai. Đứa con nầy chỉ mang lại cho chị biết bao nỗi lo lắng và đau lòng.
 
Rồi chị cũng tóm đầu được thằng khốn nạn đó. Nó tên Phấn, tài xế lái tacxi. Trước đây nó làm chung cơ sở với Kiều, sau đó nghỉ làm đi lái xe và dan díu với Kiều trong thời gian nầy. Nó đã có vợ hai con và vợ chồng con cái nó sống chung với mẹ. Tuy nó hứa với anh chị là sẽ chịu trách nhiệm nuôi con nhưng lòng chị thật xót xa khi con mình làm bé cho người ta. Mà thằng Phấn nầy nhìn nó thì biết ngay đó là loại người chẳng ra gì.
 
Lần nữa, Kiều bị xóm làng cười chê mai mỉa. Chị xấu hổ ra đường cúi gầm mặt xuống còn nó thì nhởn nhơ như chẳng có chuyện gì xẩy ra. Chị giận lắm, chửi thẳng nó thì nó trả lời:
- Dù sao con cũng có một đời chồng rồi. Bây giờ không cần biết ba đứa nhỏ là ai miễn con có đứa con sau nầy hủ hỉ là được. Ai chê cười kệ họ.
 
Chị điên tiết muốn kéo đầu nó xuống đánh cho một trận để nó khôn ra:
- Đó là trường hợp người ta đã lớn tuổi. Còn mầy năm nay bao nhiêu? Già hàm biện hộ cho cái nết ăn quen nhịn không quen của mầy, cái nết nầy nhục nhã tông đường mà còn óng miệng lên tưởng rằng mình đúng.
- Con nuôi nổi con con mà mẹ lo gì?
- Vậy thì ra ngoài mướn nhà cùng ở với nó rồi sinh con. Tại sao phải trồi về đây?
- Mẹ không cho ở thì con đi. Có vậy thôi chứ gì mà làm rùm?
 
Chị bó tay thúc thủ với đứa con nầy. Nhưng làm mẹ mà, con sai quấy đến đâu thì cũng phải cưu mang nó. Vì vậy, khi nó sinh bé Nhàn, một tay chị nuôi nấng ẵm bồng. Phấn cũng tới, cũng chu cấp tiền sữa, tả lót cho con của nó. Dẫu sao, sự có mặt của Phấn cũng phần nào dịu bớt dư luận miệng đời.
 
Chị cực. Cực ghê gớm khi Kiều đi làm, một tay chăm cháu ngoại, buông ra là chạy ra giồng tưới, cắt, vô phân, thu hoạch. Anh thì mấy con bò quần cũng tả tơi mà sức khỏe anh cũng không bằng chị, làm một chút là mệt. Huệ đang học lớp 12, nó chuẩn bị thi tốt nghiệp nhưng cũng lẽo đẽo theo mẹ lặt rau, hái đậu. Nhìn Huệ, chị tự hứa trong lòng bằng mọi giá phải lo cho nó có tương lai đàng hoàng, không đi lại vết xe đổ của Kiều.
 
Thiếu hụt lại tiếp diễn. Mấy năm trôi qua mà số nợ ngân hàng không trả được một xu, hàng tháng giang lưng ra mà đóng lời, đủ ba năm thì năn nỉ vay mượn để đáo hạn. Bé Nhàn lớn lên không bú mẹ, tiền sữa, bím tã một tay chị lo, mỗi năm nhà hai, ba lệ giỗ, chị mệt mỏi thật sự. Nợ nần chồng chất, hết khả năng rồi nên chị thú thật với mẹ, cậy nhờ mẹ năn nỉ dì Ba cho chị bán vài công đất trả nợ. Mẹ chị miệng mồm đâu mà nói nên bàn với các em của chị, chia cho mỗi đứa hai công, thằng Út nhiều nhất vì ở chung với ba mẹ, phần chị thì muốn bán cũng được.
 
Tưởng là đã qua ải. Nhưng không ngờ, chị lại bị bà Mai, chú bác ruột với chị gạt lấy đi hai công đất đó với giá rẻ mạc. Nhớ tới là chị thấy oán hận tận xương tủy, thật sự rất muốn trả thù nhưng không biết bằng cách nào.
 
Vì vậy, khi bán xong hai công đất mẹ cho, chị chỉ trả được năm mươi triệu tiền ngân hàng. Vẫn còn giam hai quyển sổ lại và nợ ngoài cũng đang ráo riết đòi, buộc lòng chị phải vay lại để trả.
 
Rồi cả thế giới chìm vào cơn đại dịch bởi con virus corona, cách ly, phong tỏa khắp nơi, rau màu không bán được, cả ngày ú trong nhà. Kiều thất nghiệp, Huệ lúc đó đang học cao đẳng ở Sài gòn cũng phải về nhà học online. Một nhà năm miệng ăn cộng với con bé hơn một tuổi, mọi chi phí đổ trên đầu chị, hàng tháng chỉ có lương của anh thì làm sao nuôi nổi? Nhất là bé Nhàn đến bây giờ vẫn còn uống sữa hộp chưa chịu ăn cơm, tiền sữa hàng tháng của nó cũng lên tới bạc triệu rồi.
 
Giồng áng bỏ không, hoa màu thất bát, chị trắng tay mà tới ngày là chủ nợ điện thoại réo đòi. Cái gì cũng có thể khất nhưng tiền lãi ngân hàng thì không thể khất được. May mắn cho chị lúc đó có anh chị Út hàng xóm, anh chị đã từng làm ăn ở Sài gòn mấy mươi năm, nay cha mẹ không còn nên hồi hương. Anh Út có ba đứa con gái thành đạt và hiếu để nên đủ ăn đủ mặc, chị tin hai người nên thổ lộ mọi nỗi lòng u ẩn của mình. Anh chị đã giang tay giúp đỡ chị, nhiều lần cho mượn tiền cứu chị trong cảnh ngặt nghèo mà không nhắc nhở ngày nào trả.
 
Suốt mấy tháng dịch bùng phát dữ dội, nhà nước hạn chế tụ tập, hạn chế dân chúng ra đường rồi cũng đến lúc hạ nhiệt khi có vaccine bao phủ. Chị lại lăn vào cuộc mưu sinh thì lần nữa, phát hiện ra cái bụng của Kiều đã nhô cao, cái thai trên năm tháng rồi.
 
Chị quá sức bất nhẫn và buồn, chỉ muốn chết đi cho xong.
     Hết Phần 1.
 
Lê Nguyệt
 
 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo