Bên ngoài nhìn vào giống như Phủ của một vị quan lớn. Ông Hương chắc
chắn nơi đây trước kia là chỗ ở của quan tri phủ hay tuần phủ chứ không đơn
giản. Từ ngoài bước vào, dấu vết của những chậu kiểng, những cây có thể là mai
vàng, mai tứ quí hay chấn thủy hay Nguyệt quế đã bị bứng lên. Đất lấp còn mới
tinh. Cửa chính còn hai cái đôn hai bên chắc chắn đã từng có cặp hổ hay long
phụng bằng ngọc thạch trên đó.
Đại sảnh dùng để đặt bài vị. Nhưng nhang khói lạnh tanh. Lẽ ra khu
thờ phượng này phải trang nghiêm, không thể để luồng tuông từ trước ra sau như
vậy. Ông chạnh lòng. Khi nãy, Nằng đã cho ông biết tất cả, rằng hai ông cháu đã
xuyên không tới thời hiện đại, đất nước Việt Nam độc lập, đương nhiên Việt Nam
đã phát hành tiền tệ cho bản xứ, những đồng xu cent ông mang theo không còn giá
trị gì nữa rồi, mà vàng thì là vàng thỏi, cẩn thận kẻo bị theo dõi. Tuy bên
cạnh ông có Mạc Chung nhưng trước mắt Mạc Chung phải đi tìm hiểu tình hình
không bảo vệ ông suốt ngày được.
Ông cảm thấy buồn quá. Buồn quá là buồn. Thì ra ông đã chết rồi. Trước
đây ông luôn cho rằng chết là hết. Thân thể trở về cát bụi thì linh hồn cũng
không còn. Nhưng từ khi gặp Mạc Chung ông mới biết, chết chưa phải là hết kiếp.
Thân thể bằng xương bằng thịt của ông, cha mẹ sinh ra đã gửi lại nơi chôn nhao
cắt rốn, nhưng lạ là sao bây giờ ông vẫn còn hiện diện như người sống nơi đây?
Không biết ông có được chôn cất tử tế ở Thổ mộ họ Lê và bài vị được
đưa vào từ đường thờ chung với tổ tiên, ông bà cha má của ông hay không. Trước
đây ông từng dặn hai con xem cha con ông Thành như người nhà, cho chôn trong
thổ mộ và thờ cúng ở Từ Đường. Hai đứa con trai ở xa lại bận việc quan, Lam
Hồng có hương khói đàng hoàng hay để hoang phế ông cũng đâu có biết được?
Lạ quá, sao có thể tồn tại song song hai thời đại cách xa nhau gần
cả trăm năm như vậy chứ? Bây giờ có muốn trở về thì phải làm sao? Nếu Mạc Chung
có cách thì đâu lo lắng phải đi tìm hiểu tình hình để thích nghi?
Nằng đưa cho ông ba ổ bánh mì. Ông biết thằng nhóc chôm của người
ta, định mở miệng rầy thì nó nhanh hơn:
- Đừng có tách con. Tước mắt là phải lo cái bụng đã.
Ông ăn no gồi con mới yên tâm. Ba ổ bánh mì không có nhiêu đâu, sau
này trụ được nơi đây con sẽ bù lại cho họ. Nghỉ ngơi hôm nay mơi ông ở nhà một
mình, sáng con đi kiếm gì cho ông ăn tước cái đã, gồi con mới đi do thám coi
sao. Chỉ có hai ông cháu mà con để ông bụng kêu ót ót sao được?
Ông Hương gật đầu. Cảm thấy trong cái xui cũng có cái may. Nếu không
có Mạc Chung đi cùng thì chắc là ông chẳng có cơ hội nhìn thấy thế giới tám
mươi lăm năm sau rồi.
•
Tối lại, Nằng đi giáp Từ Đường để tìm mền gối cho ông. Ở ngoài không
có, nó chui vô phòng có khóa để xem. Lạ chưa, vừa đẩy cửa là mở ra ngay, cổ
khóa chỉ gắn hờ. Bên trong lạnh ngắt lạnh tanh, nó nhìn thấy có cái giường,
chiếu gối mền mùng đầy đủ bèn đi lên Từ Đường xá mấy xá xin mượn cây đèn cầy và
cái hột quẹt về quét dọn phòng sạch sẽ rồi mời ông Hương vô nằm.
Thằng nhỏ liếng thoắng:
- Tước mắt không có ai thì ông ở đây có chỗ ngủ ngon lành gồi, ban
ngày ông cứ ở nhà chờ con đi kiếm tiền. Khi dư sức tiêu xài gồi thì hạ hồi phân
giải.
- Con làm gì ra tiền? Phải nhớ không được tham lam trộm cướp đó.
- Tời ơi, đạo lý đó con đã thấm nhuần ông lo chi. Con sẽ nuôi ông
bằng đồng tiền tong sạch đờn hườn.
Nói xong nó cười hắc hắc. Ông Hương thấy an ủi vô cùng.
Nằng ngồi thiền một hồi rồi kề tai ông nói nhỏ:
- Chỗ này oán khí ngất trời.
Nhưng hiện tại con chưa nhìn thấy người âm nào cả nên ông cứ yên tâm
mà ngủ. Có con canh chừng đây gồi. Ngày mơi có thể con sẽ đi một vòng tìm hiểu
tình hình. Ông ở nhà không có sao đâu.
- Con đã thấy gì?
- Những bài vị tên Từ Đường, ngoài họ Nguyễn ra còn có họ Lưu. Ban
đầu con tưởng là họ của phu nhân nào. Nhưng không phải. Bởi vì họ Lưu rất
nhiều, nhiều hơn của họ Nguyễn nữa. Toàn là nam nhân. Tự nhiên con có linh tính
gì lạ lắm. Chắc có nội tình gì đây nhưng tước mắt thì phải làm ngơ. Ông là
người phàm, chắc không ai động phạm đến ông đâu.
Ông Hương nghe nói vậy thì đảo mắt nhìn quanh. Nhưng ông tin Mạc
Chung sẽ có cách bảo vệ mình.
•
Bỗng lúc đó nghe tiếng ồn ào phía trước rồi cả Từ Đường sáng trưng
một cách lạ lùng. Ánh sáng rực rỡ tỏa khắp Từ Đường tối tăm u ám. Hai ông cháu
bật dậy bước ra, thấy có bốn trung niên vạm vỡ, ăn vận xốc xếch ngồi bệch xuống
nền gạch. Hai người ngồi dựa vô vách tường, hai người còn lại đứng dậy quét dọn
sạch sẽ một khu rồi kéo hai thùng bằng giấy cứng phía trong, mở nắp thùng lôi
ra lấy mền gối. Họ chỉ trải một miếng vải lớn làm chiếu lót cho bốn người.
Ông nọ đá vô chưn hai ông đang nằm:
- Bổn, Mộc, hai thằng bây ngồi dậy giùm tao cái coi. Ngồi dậy cho
tui trải cái chiếu thẳng thóm đặng ngủ.
Người tên Bổn mệt mỏi càu nhàu:
- Mẹ bà, chưa tắm gội gì hết mình mẫy hôi rình ngủ cái ngã nào mậy
Râu?
Người còn lại nhăn nhăn:
- Trong khi tụi tao làm bổn phận hai thằng bây đi tắm đi chứ. Rồi
tới tụi tao.
Mộc cười hơ hớ:
- Tao biết hôm qua thằng Ngạc thua độ tức lắm. Nay cho mầy gỡ mầy
ơi.
Ngạc xì:
- Cũng hông có tức gì. Coi như thay phiên nhau giăng mùng trải chiếu
vậy thôi. Đi làm mệt về đánh vài ván bài giải trí. Đứa nào thua thì chịu chứ có
sao đâu mà tức với hổng tức?
Râu trải ra xong ngồi phịch xuống, vừa nói vừa cười mà cái mặt nhăn
nhó thảm thương:
- Tức là tức cái thằng Nhện đầu gấu ngoài cảng á. Bà mẹ nó, hách
dịch một cái nghen, coi trời đất không ra cà ram nào hết. Trấn lột anh em bốc
xếp tụi mình như tiền trong túi nó vậy. Thằng đó tao thèm vặt lông nó lắm, ngặt
cái nó đàn em nhiều, động vô là nó đánh hội đồng bỏ mẹ cái xác luôn.
Bổn rùng mình khoát tay:
- Đừng dính vô đám đó mầy ơi. Tụi mình đi làm kiếm tiền bằng mồ hôi
nước mắt nuôi vợ nuôi con, còn lũ quỷ đó chỉ bóc lột sức lao động của người
khác. Rừng nào cọp nấy nên dân phòng đi ngời ngời đó có ai dám nói gì chúng nó
đâu.
Mộc chống tay ngã ngồi phía sau:
- Thằng đó nó hàm hồ hết thân luôn. Mà gặp con vợ như sư tử Hà Đông.
Bữa đó con vợ ra bến cảng. Có cái võng cạnh đó. Nó nằm bấm điện thoại hoài hủy,
thằng nọ chửi: “Con gái mẹ mầy hổng biết dạy mầy hả? Tối ngày ăn rồi nằm ngữa
trên võng chẳng làm gì để tao kiếm tiền nhét vô họng mầy mới chịu hay sao?” Tao
thấy nó ung dung mắt dòm điện thoại miệng nhóp nhép:” Vậy ông nằm kiểu gì nằm
cho tui coi coi. Mẹ bà, nằm võng không nằm ngửa hổng lẽ nằm sấp” Há há há…nó
nói đúng chứ bộ hén bây? Nằm võng sao nằm sấp được?
Bốn người cười rần rần. Lúc bấy giờ mới phát hiện ra ông cháu của
ông Hương thì hoảng kinh. Nằng biết họ nhìn thấy trang phục của hai người tưởng
là ma quỷ thời xưa hiện về nên mới xà lại làm quen:
- Con chào các chú thúc thúc.
Mộc vỗ tay:
- Thằng hài mậy? Thúc thúc nữa ta? Sao bận đồ kỳ vậy?
- Con hát hồ quảng mà.
- Phải hén? Hát xong sao không thay đồ ra mà bận đi tùm lum?
Nằng làm ra vẻ mặt buồn:
- Hổng giấu gì mấy thúc. Đoàn tụi con từ miền quê tới đây, giữa
chừng lạc mất nhau luôn. Không có quần áo, không có lộ phí rồi thấy cái Từ
Đường chắc mình tá túc qua đêm hổng sao nên ghé ngủ nhờ. Chẳng thấy ai nên
không có xin phép. May mắn là ông cháu con không bị thất lạc chứ ông và con từ
nào đến giờ chưa tới Sài Gòn bao giờ.
- Tội nghiệp vậy sao? Giờ muốn về quê mà hổng có tiền về phải hôn?
Nằng méo xệch miệng như muốn mếu:
- Muốn mua ổ bánh mì ăn cũng hổng có tiền lấy gì làm lộ phí?
- Thằng này. Tiền xe thì nói tiền xe, lộ phí con khỉ họ.
Mà thiệt tình, tụi tao cũng ở dưới quê lên, nghèo chết mẹ đi bốc xếp
kiếm tiền gửi về nuôi vợ con. Đã vậy còn bị mấy thằng đầu gấu bến cảng trấn lột
nữa. Cày như trâu mà không đủ ăn. Mà thôi, ông cháu ăn gì chưa?
- Con thì ăn rồi nhưng ông của con chưa ăn.
Bốn người quay nhìn ông Hương và thoáng ngạc nhiên. Ông lão mặt mũi
phương phi, da dẻ hồng hào, tạng người sang trọng, ăn mặc nhìn thì tưởng là dân
cải lương nhưng rất hợp với ông, nhìn như là quan chức thời Pháp thuộc. Ngó
tướng đi của ông từ phòng ra đây, ung dung tự tại khó nghĩ rằng ông vì nghèo
khổ mà đi hát cải lương kiếm tiền.
Nghe tiếng hai thanh sắt chạm nhau khua keng keng phía ngoài Từ Đường,
Bổn đưa mắt nhìn ba người:
- Đói bụng quá tụi bây. Chiều giận cái thằng chó đó mà ăn không vô.
Kêu đứa tô hủ tiếu gõ nghen?
- Thằng Nhện trấn lột mầy hết bao nhiêu?
Bổn chửi thề:
- Bà cố nội cha nó, sạch bách luôn. Cả tháng nay tao gom lại đặng
hai bữa nữa có người về quê gửi về. Gói thành một cục nó chộp hết. Tao tức muốn
hộc máu mà nhắm làm không lợi nó nên nhịn. Khi mà tao đi khỏi chỗ này không làm
nữa thế nào cũng quất sụm đám chó đó vài đứa mới đã cái nư tao.
Râu thồ lộ đôi mắt:
- Bà mẹ nó, tao bị nó móc túi lấy năm trăm ngàn. Hai ngày làm của
tao đó. May là mới gửi tiền về quê chứ thôi bọc theo bao nhiêu nó móc hết còn
có nước treo dây đạp ghế. Chừng mầy muốn múc nó, nói cho tao hay, tui phụ múc
với mầy rồi về quê luôn.
Mộc gật gù:
- Tao cũng nghĩ vậy. Nhưng khi đó là mình phải về quê làm chuyện
khác, chứ còn ở Sài Gòn thì dù bốc xếp cảng nào nó cũng cho đàn em lại múc tụi
mình.
- Thôi, kêu đứa tô hủ tiếu gõ đi. Kêu cho ông cháu này ăn với.
Nằng nghe nói liền cản lại:
- Cám ơn các chú. Nhưng con không ăn đâu. Mấy chú kêu thêm một tô
cho ông con là được rồi. Đừng lo, mơi mấy chú dắt con theo, chỉ con cái thằng
đó, con lấy lại hết cho hai chú. Nó có bao nhiêu tiền con lấy hết cho mấy chú
chia nhau gửi dìa quê.
Bốn người thấy thằng nhóc khoác lác cũng vui nên cười rần rần:
- Thằng này nổ dữ trời ha? Thôi, để tao bao tô hủ tiếu gõ. Có bao
nhiêu tiền đâu. Bày đặt móc túi trộm cắp công an tóm được ở tù chết mẹ nghen
con.
Râu cười ha hả ra ngoài ngoắc thằng nhỏ đi rao lại dặn sáu tô hủ
tiếu. Nằng thắc mắc lắm. Hủ tiếu gõ là món gì? Không thấy ai rao bán sao chỉ
nghe tiếng khua leng keng mà kêu thằng nhỏ bưng lại là sao? Nhưng mà nó không
hỏi, để từ từ tìm hiểu là được.
•
Hết chương 03.
Còn tiếp chương 04.
Lê Nguyệt