Hoàng hôn, đứng từ xa cũng có thể nhìn thấy hoa rơn đỏ như những
ngọn lửa lay lắt trong gió xuân. Thuần chìm vào giấc ngủ trong lúc đang miên
man nghĩ xem sẽ gieo hạt giống gì ở mảnh vườn nhỏ sau nhà...
Vợ chồng Thuần mua lại căn nhà cũ, lớp sơn trên tường đã bong tróc
gần hết. Hôm chuyển đến Thuần phải mở toang tất cả các cánh cửa để nắng xuân
lọt vào nhà cho bớt mùi ẩm mốc.
Huy xách từng xô nước vào rửa từng ngóc ngách trong nhà. Nhưng càng
rửa lại càng thấy lạnh lẽo không giống một ngôi nhà. Thuần chỉ muốn dỡ cả nóc
nhà để phơi lại những bức tường rêu mốc. Hàng xóm ghé qua bảo “nhà không có
người ở cả năm nay nên vậy. Giờ cứ có hơi người là ấm cúng trở lại ngay thôi”.
Chưa kịp mua bếp ga, Thuần ra vườn nhặt củi nhóm lửa đun nước pha chè cho
chồng. Chè xuân nước xanh trong tưởng như có thể soi thấy cả nỗi niềm trong mắt
Thuần. Huy khen chè ngon nhưng không dám uống nhiều vì sợ đêm mất ngủ. Thuần
cười, suốt bao nhiêu năm nay chị chưa bao giờ thấy chồng kêu mất ngủ.
Đêm đầu tiên ngủ trong nhà mới Thuần ngửi thấy mùi hương hăng hắc
của những luống cúc vạn thọ. Nơi đây trước kia là cánh đồng hoa, giờ nhà cửa
mọc lên san sát. Nhưng vẫn còn sót lại vài thửa ruộng trồng hoa tết.
Bình minh, nhìn cúc nở trông như những đốm nắng vàng tươi rực rỡ.
Hoàng hôn, đứng từ xa cũng có thể nhìn thấy hoa rơn đỏ như những ngọn lửa lay
lắt trong gió xuân. Thuần chìm vào giấc ngủ trong lúc đang miên man nghĩ xem sẽ
gieo hạt giống gì ở mảnh vườn nhỏ sau nhà.
Thuần quyết định xuống đây mua nhà để được ở gần chồng. Huy làm ở
đây đã tròn mười năm. Sau ngày cưới, Thuần vẫn dạy học ở quê còn Huy đi làm xa
một tháng về đôi lần. Lương thấp, tiền tàu xe quà cáp mỗi lần về quê cũng tốn
kém. Vợ chồng ở xa không chăm sóc được cho nhau là thiệt thòi lớn. Lại thêm
chuyện cưới nhau đã sáu năm mà Thuần vẫn chưa có tin vui. Xuống đây Thuần phải
chấp nhận nghỉ dạy vì các trường trong khu vực đều đã đủ giáo viên. Nên Thuần
tính mở một hiệu may nho nhỏ chẳng lo không có việc làm. Sân nhà được Huy bắn
tôn, treo trước cổng biển gỗ “Nhận may đo, sửa chữa quần áo”.
Treo biển buổi sáng thì chiều có người gọi cửa, dúi vào tay Thuần
bọc quần áo dặn “thay dùm mấy cái khóa quần”. Tối muộn, Thuần tính tắt điện đi
ngủ mà có người nhờ “chị à, chiết ly cái áo giùm em”. Mờ sớm còn đang chui
trong chăn ấm đã có người ngấp nghé gọi “cháu ơi, thay nhanh giùm bà cái khóa
áo dài. Sáng lôi áo ra định đi ăn cưới đứa cháu bên sông mà lỡ kéo mạnh tay nên
hỏng khóa”.
Thuần tận tụy từng đường kim mũi chỉ và luôn lấy tiền công rẻ. Vì
chỗ Thuần ở toàn dân lao động nghèo, có vá víu cho nhau mới cảm thông gần gũi.
Một sáng thức dậy Thuần thấy trước cổng nhà mình treo tòn teng cặp bánh chưng
vẫn còn nóng hổi. Chắc nhà ai đun suốt đêm qua, vừa mới vớt…
Cắt miếng bánh chưng nhuyễn màu lá dong xanh, Thuần như đang ngồi ôn
lại kỉ niệm về những cái tết đầm ấm bên gia đình. Tết có mẹ luôn đủ đầy mùi vị
và hương sắc. Không như năm nay, hai vợ chồng quyết định đón một cái tết đơn sơ
trong ngôi nhà mới. Gần đến tết mà trong nhà vẫn không có lá dong. Huy nói “ăn
được bao nhiêu mà gói bánh chưng cho mệt. Ra chợ mua một cặp đặt trên ban thờ
là đủ”. Thuần thấy cay sống mũi. Nhà không có nồi bánh chưng là coi như tết đã
vơi đi một nửa.
Nhưng biết làm sao được, cuối năm nhiều người đặt may quần áo mới
nên Thuần bận quá. Huy cũng đi làm suốt, lúc được nghỉ thì tranh thủ sửa sang
lại cửa nhà. Người hàng xóm nói đúng, ở chừng nửa tháng là trong nhà hết hẳn
mùi ẩm mốc. Thay vào đó là mùi sơn hăng hắc quện với mùi của nắng xuân. Những
ngày này Thuần vừa ngồi may vừa liếc nhìn hình ảnh chồng tỉ mỉ quét từng mảng
tường bằng màu sơn mới. Cánh cửa, hàng rào cũng được thay áo mới. Thuần thấy
nơi mình ở bắt đầu giống một tổ ấm rồi.
Một tối Huy đi làm về chở theo hai chậu hoa vạn thọ mua ở trong
làng, cười bảo “cho có tết”. Thuần phải may đêm cho kip trả khách. Những lúc
mỏi lưng ngả người ra ghế nghỉ ngơi nhìn hai chậu hoa như hai vốc nắng trong
nhà. Nhìn hoa Thuần nhớ mẹ. Từ những năm khốn khó đến lúc đủ đầy tết nhà mẹ bao
giờ cũng thắm sắc hoa.
Ngày còn ở trong căn nhà dột nát, bình hoa tết do tự tay mẹ cắm đẹp
đến ngạo nghễ. Với mẹ tết thà trên mâm bớt đi đĩa thịt chứ nhất định nhà phải
có hoa. Bùn đất lấm lem cả một năm trời cũng phải có lúc thảnh thơi nhìn một
bông hoa nở. Đêm ngủ trong căn nhà không cửa tưởng như ánh trăng mỏng manh cũng
vạch màn sương mỏng để ngó những bông hoa đang khép hương đêm. Sáng mở mắt ra
thấy hoa là như thấy cái nghèo nàn vơi đi một nửa.
Hết tết thì hoa tàn. Lá khô, cánh úa. Nhìn chiếc lọ đứng đơn độc một
mình ở xó nhà mà càng thêm thương mẹ. Giờ thì ngày nào nhà mẹ cũng có hoa. Mùa
nào hoa ấy. Nhưng hoa vẫn đẹp nhất trong những ngày tết đến. Năm nay không được
về nhà ngồi trong căn bếp nhỏ cùng mẹ làm mứt gừng, mứt táo.
Cùng mẹ ngồi tỉa lá cắm hoa. Cùng mẹ gói bánh chưng ngày hai bảy
tết. Cùng nhấp môi hũ rượu nếp cẩm mẹ ủ dành cho bố tiếp khách. Cùng mẹ gói giò
tai, nấu thịt đông. Cùng mang những túi măng được mẹ phơi khô ra ngâm qua nhiều
nước để nấu với xương hầm, một món ăn không thể thiếu trong ngày tết. Không
được ngồi bóc hành thay mẹ. Chắc là mắt mẹ sẽ cay…
* * *
Chiều hai bảy tết Thuần cố gắng may xong chiếc áo cuối cùng cho
khách để đi chợ mua sắm tết. Thỉnh thoảng Thuần thấy hơi chóng mặt, buồn nôn.
Chị nghĩ chắc là do thiếu ngủ. Lúc khóa cửa xách làn ra khỏi nhà Thuần nhớ cái
dáng tất tưởi của mẹ mỗi lần đi chợ tết.
Đắn đo xem có nên mua món này, bỏ thứ kia. Tiền thì có hạn phải co
kéo làm sao cho chỗ nào cũng ấm. Thuần như đang đi bằng những bước chân của mẹ,
líu ríu trong phiên chợ nửa quê nửa phố. Hàng hóa tết bày chật cả lối đi. Nhìn
thích mắt thứ gì cũng muốn mua nhưng tần ngần chẳng biết mua để làm gì. Nhà có
hai vợ chồng mà Huy thì trực tết ở công ty. Có nấu nướng chắc cũng chỉ mình
Thuần thưởng thức.
Nên thứ gì Thuần cũng mua một ít, gọi là có tết chứ thường ngày cũng
đâu có thiếu thốn gì. Thuần lại chỗ bán đồ khô mua ít măng, miến, bánh đa nem.
Không quên tạt qua dãy chợ bày đầy bánh kẹo. Năm nay về nhà mới bà con hàng xóm
chắc sẽ đến chơi đông. Đàn ông vắng nhà thì rượu không tốn nhưng mứt kẹo, hạt
dưa, hạt bí thì đắt khách lắm. Chị em phụ nữ ngồi nhấm nháp rủ rỉ chuyện trò.
Hết chuyện trong nhà thì ra chuyện ngõ. Đàn bà ai cũng như một kho truyện đầy
sinh động.
Hàng ngày ai cũng bận rộn mưu sinh, gặp nhau cũng chỉ đôi ba câu rồi
vội vàng về với lo toan tất bật. Chỉ có những ngày tết mới thảnh thơi ngồi lại
bên nhau để hàn huyên. Mấy đứa nhỏ thì nô đua ầm ĩ. Trong túi quần, túi áo của
tụi nhỏ bao giờ cũng vang lên thứ âm thanh của kẹo bánh reo mừng. Nghĩ về chúng
bao giờ Thuần cũng thấy chạnh lòng. Nếu Thuần thuận lợi đường con cái thì bây
giờ trong nhà đã vang tiếng trẻ con cười.
Thuần ghé qua sạp hoa quả vì bỗng nhiên thấy thèm chua. Thường thì chị
chỉ ưa đồ ngọt chẳng hiểu sao hôm nay những rổ táo, rổ me lại làm chị ứa nước
miếng. Trưa về trong bữa cơm Thuần lại thấy buồn nôn. Trong đầu Thuần bỗng
nhiên lóe lên một tia hy vọng. Huy có lẽ cũng cùng một ý nghĩ nhưng không dám
nói ra. Từ lâu hai vợ chồng đã tránh nói với nhau về những đứa con.
Bởi không biết bao nhiêu lần hồi hộp chờ đợi rồi hụt hẫng. Có những
hôm trẻ con trong làng kéo về bãi đất trống trước nhà vui chơi. Thuần ngồi may
áo tưởng như từng đường kim đang đâm vào da thịt. Nhiều khi Thuần đóng kín cửa
lúc ngồi ăn cơm. Để những tiếng nựng nịu ngoài kia bớt lọt vào nhức nhối.
Đêm ngủ nghe tiếng người mẹ nhà bên hát ru con Thuần trở mình liên
tục. Mọi thứ đều có thể nguôi ngoai theo thời gian chỉ riêng nỗi buồn không có
con là cứ âm ỉ mãi. Mà vợ chồng Thuần thì sống hiền lành như cây cỏ. Ông trời
không lẽ cứ bắt chờ đợi mãi…
Bà cụ trong làng đến lấy áo đặt may, nhìn lông mày và tóc mai Thuần
dựng đứng thì tủm tỉm cười. Bà bảo “ngỗng nhà bà đang đẻ, trứng to lắm. Lúc nào
cần bồi dưỡng thì cứ sang bà nhé”. Chị hàng xóm thấy Thuần ngồi bổ cóc chấm
muối trắng ăn ngon lành thì mang sang cho rổ táo chua cuối mùa. Huy đi làm về
tạt qua chợ mua con cá chép. Thuần chờ sẵn ở nhà, mắt rơm rớm vì vui.
Chỉ chờ Huy về để đưa tờ kết quả thử máu đang cầm trên tay. Thuần có
thai rồi. Suốt bao nhiêu năm chờ đợi giờ vợ chồng Thuần mới có được thứ hạnh
phúc này. Thuần ngồi đó mường tượng ra cảnh trong nhà sẽ có tiếng trẻ bi bô. Sẽ
có khi bừa bộn đồ chơi, khai khú mùi nước tiểu. Sáng thức dậy sẽ có đứa dụi đầu
vào tóc rối nũng nịu gọi “mẹ ơi”. Mỗi ngày đều sẽ nghẹt thở vì hôn hít, cưng
nựng nhau.
Thuần sẽ mua lò nướng để vào bếp làm bánh cho con. Sẽ học nấu những
món ăn con thích. Tết đến rồi sẽ có đứa chạy lăng xăng trong nhà đòi mua áo
mới, đòi bao lì xì. Trong nồi bánh chưng đun trên bếp sẽ có thêm cặp bánh nhỏ
xinh gói riêng cho con. Mới nghĩ đến đấy thôi mà mắt Thuần nhòe nước. Những
giọt nước mắt hạnh phúc và ấm nóng chảy tràn trên môi mắt. Ngoài cổng vừa có
tiếng xe dừng. Chắc là Huy đã về...
Vũ Thị Huyền Trang
Ảnh minh họa của Tiến Hành
.