Hôm nay thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
Truyện dài: TIẾNG HÁT CỦA BÀ TRI HUYỆN (01) (14/09/2023 05:19 AM)
Lê Nguyệt

Chương 01. Huyện Nghi Lộc những đêm không trăng sao, bóng tối âm u dày đặc không một ngọn gió lay động lá cây.
 


Giữa màn đêm tĩnh mịch bỗng vang lên tiếng hát não nùng ai oán:
- Lý sâm thương:
Ai đã bắt con ta
Trời ơi, tim ta đau quá
Ngay cả trong cơn mơ
Ta còn nghe, tiếng khóc con thơ.
Từng đêm dài lệ rơi
Mà niềm đau chẳng vơi trong lòng.
Trả con về cho ta
Còn bằng không ta kiếm mi báo thù.
 
Cả phủ của quan tri huyện Phan Khánh Phan đang chìm vào giấc ngủ bỗng lạnh mình choàng tỉnh.
 
Tiếng hát của bà Tri Huyện Phạm Lệ Hoa rõ ràng đây mà? Bà Tri huyện mất ngay sau khi sinh đứa con gái đầu lòng, thậm chí chưa kịp nhìn mặt con mình. Nghe bà mụ đỡ nói bà chỉ kịp thấy đứa bé không có bàn tay, cánh tay từ bã vai xuống tới chỗ lẽ ra phải là bàn tay thì dừng lại đó không mọc nữa. Quá kinh hãi bà lên máu sản hậu và chết liền tại chỗ.
 
Vậy mà bây giờ bà hiện lên đòi con là đòi làm sao? Đứa bé vẫn sống tuy tật nguyền nhưng luôn được ông huyện yêu thương, được bà nội và cô trân quý và mướn người chăm sóc kia mà?
 
Có điều gì đó ẩn bên trong hay sao? Bà huyện mất đến nay cũng đã ba năm. Cô Hai Phan Khánh Thu ba tuổi rồi còn gì?
 
Nhắc lại nguồn cơn câu chuyện thì là như vầy:
Thân sinh của quan Huyện huyện Nhi Lộc Phan Khánh Phan là bá hộ Phan Khánh Thức. Tay bá hộ này giàu nức đố đổ vách nhưng hoang dâm vô độ, thấy đàn bà con gái coi được được là thế nào lão ta cũng tìm cách chim chuột. Mẹ của Khánh Phan là chính thê lại sinh con trai đích tôn cho nhà họ Phan, nhưng không được ông yêu vì trước đó ông cưới bà do nương nhờ thế lực cha vợ là ông chánh tổng Lục.
 
Bá hộ Thức có đến ba bà vợ tại nhà và không biết là bao nhiêu bà khác bên ngoài. Ông ta ra điều lệ là hễ bà nào sinh ra được con trai thì ông sẽ đưa về nhà làm bà, còn nếu sinh toàn con gái thì cứ đâu ở đó, ông sẽ cho tiền nuôi con, coi như làm bé mọn không có danh phận chi hết, vậy thôi.
 
Thuở nhỏ, quan huyện Nhi Lộc: Phan Khánh Phan có hôn ước với con gái địa chủ Trần Văn Mộc. Nhưng sau cái chết của bà bá hộ, mẫu thân của Phan thì chuyện đó lại buộc cậu ấm phải quên đi.
 
Vốn là, sau khi sinh ra Phan, do tính trăng hoa của ông Thức, bà bá hộ Trinh chẳng tha thiết gì đến chồng, chỉ chăm bẳm lo con trai mình.
 
 Chẳng bao lâu ông ta dắt về một cô gái gọi là bà Hai, cô gái đó tên Diệu, nhân thân không rõ lai lịch, nhưng bởi vì cô ta đã sanh cho ông một cậu nhóc bên ngoài nên ông rước về. Lúc đó Khánh Phan mới bảy tuổi thì đã có một em trai cùng cha khác mẹ hai tuổi.
 
Bà Ba Hàn được ông Thức rước về không phải do có con trai mà là do bà quá đẹp, da trắng, mũi cao, mắt sáng, môi mọng đỏ, dáng đi dáng dứng nhẹ nhàng khoan thai. Cô xuất hiện ở đâu thì tỏa sáng ở đó. Lão bá hộ mê đắm cô Hàn ôi thôi là mê khiến cho bà Hai Diệu ghen tức luôn tỏ thái độ ghét bỏ ra mặt.
 
Do bà bá hộ Trinh không yêu chồng nên không quan tâm ông ta sủng ái ai và bà cũng không thèm tranh sủng với họ nên chuyện gì bà Ba Hàn cũng hay tỉ tê tâm sự với bà, xem bà như chị ruột của mình. Nhưng đến khi bà Trinh có thai lần hai, đến lúc sinh ra được một bé gái thì bà lại bị chết đột ngột không kịp trối trăn với chồng con, ngay cả gặp Phan một lần cũng không. Chỉ khi gia nhân la lên thì Hàn kịp chạy vào, bà nhờ Hàn nuôi giùm đứa bé sơ  sinh và dòm ngó Phan giùm, rồi thì bà ra đi mãi mãi. Lúc đó Phan chỉ có mười tuổi.
 
Bà bá hộ mất rồi nên bà Hai Diệu đương nhiên thay thế vị trí, mặc dù trong nhà ai cũng gọi bà bằng bà Hai nhưng bà lại tỏ ra mình là bà lớn, tỏ vẻ uy quyền, quát nạt gia nhân. Bà ghét bà Ba Hàn lắm nhưng không dám động tới do bà Ba được ông Thức yêu mến và cũng xem như là mẹ đỡ đầu của hai đứa con bà lớn.
 
Hàn thật lòng thật dạ thương yêu Khánh Phan và Khánh Quyên. Nhưng cô không dạy con tranh giành gì với con trai bà Hai là Khánh Hoàng. Khi Quyên năm tuổi thì Phan đã mười lăm, học hành giỏi giang, Phan gần gũi với người làm, chơi đùa với trẻ em trong xóm ấp một cách vô tư.
 
Phan thì biết bà Ba không phải mẹ đẻ ra mình nhưng Quyên thì luôn coi Hàn là mẹ ruột. Ông Thức vốn thương yêu con nhưng do luôn săn đuổi gái đẹp bên ngoài nên không quan tâm chi đến các con, mặc cho chúng lớn lên.
 
Bà Diệu thì muốn Khánh Hoàng thay thế vị trí cậu ấm của Phan, cũng muốn chiếm luôn hôn ước với con gái Địa chủ Mộc là cô Hải Lý. Bà ta ra sức lấy lòng bà địa chủ. Mặc dù ngoài miệng thơn thớt với bà Hai nhưng bà địa chủ Mộc lại không muốn con gái mình làm vợ con trai thiếp thất.
 
Phan chơi với con của các tá điền từ lúc nhỏ khi còn mẹ. Anh cũng như bao đứa trẻ khác, đánh đáo, bắn cu li, ná thun, vật lộn…đủ kiểu. Con nít chơi gì thì anh chơi nấy. Đôi khi lại nhà chúng để ăn ké nên được bà con làng xóm thương, cậu ấm của bá hộ giàu có bậc nhất mà bình dị dễ gần.
 
Trong tốp trẻ chơi chung đó, Phan thích chơi nhất là anh em của Hòa và Hoa, con tá điền Quề làm ruộng cho địa chủ Mộc. Họ chơi với nhau không phân biệt giàu nghèo hèn sang, nói nhăng nói cuội, chuyện gì cũng có thể tâm sự với nhau trở thành thói quen từ nhỏ cho đến lớn.
 
Lúc Phan năm tuổi, thì Hòa đã sáu và Hoa chỉ lên ba. Phan hay nựng nịu hôn hít Hoa như em gái cưng của mình.
 
Khi Phan mười tuổi thì Hoa đã tám tuổi. Phan nói với cô:
- Chơi với tao bày đặt nhõng nhẽo là tao đập chết biết chưa?
 
Hoa ỏng ẹo:
- Cậu Hai ỷ giàu ăn hiếp em.
- Tao vố mầy một cái chết tươi chứ ở đó mà giàu có với ăn hiếp nhen mậy.
 
Trong lòng hai đứa không có một chút gợn.
 
Phan dạy cho Hoa học chữ, rèn đọc, rèn viết. Dạy Hoa tính toán cộng trừ nhân chia. Hoa lớp thông minh lớp muốn Phan vui lòng nên học đâu nhớ đó. Tuy không được đến lớp như con trai nhưng sự nhiệt tình của Phan cộng với sự cần mẫn của Hoa khiến ngày một lớn Hoa càng giỏi giang mà ngoài Phan ra chỉ có cha má và anh cô biết mà thôi.
 
Rồi khi Phan lên mười, gia đình xảy ra biến cố, mẹ mất khi sinh em Quyên. Phan buồn rầu ít khi đi chơi. Ngoài việc học cậu ấm cứ ở lì trong nhà cùng má Ba chăm sóc em nhỏ. Đến khi Phan mười lăm thì Quyên cũng được năm tuổi. Khi đi chơi với các con tá điền, Bà Ba Hàn cho phép anh dắt em theo, vậy là Phan giao Quyên cho Hoa trông chừng để mình chơi đánh đáo đánh u với các bạn. Lúc ấy, Phan không gọi Hoa là mầy nữa mà nói trổng không. Lên mưới bảy thì Hoa mười lăm, bấy giờ, cô gái ấy đã tạm thời trổ mã, hứa hẹn một nhan sắc rực rỡ dẫu ở chốn bùn lấy nước đọng.
Phan đỗ khoa cử và phong phanh sẽ được bổ nhiệm làm một quan tri huyện trẻ nhất thời đó.
 
 Trong thời gian chờ đợi, anh đã tìm gặp Hoa, hẹn cô ra ngoài. Buổi chiều, dưới ánh nắng vàng vọt của đồng lúa mênh mông vào những ngày giáp Tết, cầm tay cô gái sắc nước hương trời, Phan nhẹ nhàng nói với cô:
- Anh sắp sửa công thành danh toại. Sở dĩ anh được như vậy là bởi có em làm động lực cho anh phấn đấu. Nếu như bản thân anh vô dụng thì anh không thể cưới em về làm vợ nguyên phối mà phải theo sự sắp đặt của cha. Bây giờ, hãy chờ anh. Đến khi anh là quan tri huyện rồi thì em phải là bà huyện. Má Ba cho phép thì không ai có thể can dự vào nữa.
 
Hoa đỏ mặt, cúi đầu lí nhí:
- Em không xứng với cậu Hai.
- Đã biểu là không kêu cậu Hai mà cứ vậy hoài. Em cứ vạch ra khoảng cách với nhau thì anh sẽ buồn lắm đó.
 
Rồi đến khi Phan chuẩn bị nhậm chức tri huyện huyện Nhi Lộc thì anh nói với má Hàn là anh muốn cưới Hoa làm chính thê.
 
Tất nhiên là bà Ba Hàn không phản đối con, nhưng ông Thức thì tuyên bố nhất định không được. Hoa chỉ là con của một tá điền bần hèn sao sánh với tri huyện con ông. Trong khi Hải Lý con địa chủ Mộc người ta giàu có, danh gia thế môn lại có hôn ước với Phan từ nhỏ. Ông khinh mạt phán:
- Trứng rồng sẽ nở ra rồng. Còn cái thứ rắn rít chình lương sẽ nở ra giống gì?
 
Phan dửng dưng:
- Nở ra giống gì con sẽ nuôi giống đó, cha đừng bận tâm, mà cha cũng không ngăn được con đâu.
 
Ông Thức giận dữ. Con dâu chưa bước vào nhà đã nhận lấy sự ghét bỏ của cha chồng rồi.
 
Bà Hai thì mừng lắm, nếu như Phan lấy vợ thì con trai bà sẽ có cơ hội làm rể địa chủ Mộc, đó là tâm nguyện của bà bấy lâu kia mà.
 
Bà Ba chống lưng cho Phan. Anh phản đối cha mình, nhất định cưới Hoa làm vợ chính thức. Anh đã hứa hẹn trăm năm với cô, rằng cả đời anh chỉ có một vợ chứ không đi theo vết xe đổ của cha mình.
 
Vậy là cha con trở mặt với nhau. Ngày Phan nhậm chức cũng là ngày anh chính thức cưới Hoa làm bà tri huyện.
 
Ôi thôi địa chủ Mộc làm giặc với ông Thức và đuổi cổ gia đình ông Quề ra khỏi đất. Nhưng ông Quề bấy giờ đã là cha vợ quan Tri Huyện thì còn sợ gì ông địa chủ nữa chứ?
 
Ông Thức giận Phan rung cả thịt nhưng không phản đối được. Để tránh cho vợ về nhà lớn đối mặt với cha và má Hai, Phan đưa vợ về phủ Tri huyện, tạm thời để má Ba và em gái lại đó. Ổn định xong sẽ rước về sum họp.
 
Bà Hai cực lực phản đối. Bà nói thẳng:
- Vợ mới cưới dìa phải làm dâu, hầu hạ cha mẹ chồng thời gian đầu để cha mẹ dạy thế nào là tam tòng tứ đức, công dung ngôn hạnh. Phải là mợ Hai trước khi làm bà huyện. Chứ nó chỉ là con của một tá điền bần tiện thì biết gì về gia phong lễ giáo, một bước lên mây như vậy không sợ lộ bản chất hèn kém của mình khiến đồng liêu chê cười quan huyện hay sao?
 
Bà Ba cười khì một tiếng, trả đũa liền:
- Chị đánh giá quá thấp mắt nhìn của quan Huyện nhà mình rồi. Hay là chị luôn có mắt nhìn của kẻ trên nên không nhận ra con nhà tá điền nhưng người ta vẫn có giáo dục tốt. Nếu không thì sao lọt vào mắt Tri huyện khiến nó chống lại lịnh cha mà chọn làm vợ chứ?
 
Vã lại, bây giờ, Khánh Phan có danh có phận, có phủ riêng thì việc gì phải để vợ mình làm mợ Hai mà không làm bà Huyện? Phủ huyện đang cần một đương gia là chính thê quản lý. Ở lại đây làm dâu chị thì cái phủ của quan huyện không có chủ nhân à?
- Dì phản đối là bởi vì dì muốn nó có cơ ngơi riêng để sau này dì nương nhờ chứ gì?

Bà Ba khịt mũi, nhếch môi cười khinh mạn:
- Chứ bộ ở đây tui bị ghẻ lạnh hay sao mà phải tìm chỗ dung thân hả chị? Khánh Phan là con của chính thê, dù tui nuôi dưỡng nó nhưng nó ăn cơm của cha nó, học hành tiến thân là khả năng của nó. Làm mẹ như tui với chị đây thì chỉ nên mừng cho con, tuyệt đối không gây khó khăn gì cho con cả. Tui chưa có con nhưng hai đứa con của chi lớn và con của chị, tui không hề kỳ thị đứa nào. Mong rằng chị cũng nên như vậy. Nhưng nói để mà nghe chơi thôi. Phan lớn rồi, có chức có phận, nó tự quyết định chuyện gia đình nó, không ai xen vô được đâu. Chị bây giờ cùng lắm cũng là bà bá hộ, còn người ta là bà huyện do chính phủ ban chức tước, chị bì được sao?
 
Bà Hai vốn ghét bà Ba, muốn triệt hạ bà Ba lắm nhưng không có dịp. Bây giờ, Phan là quan huyện lại có phủ riêng, chức phận mà có phấn đấu cả đời chồng con bà cũng không có được. Mà Phan thì yêu kính Hàn, Vậy là bà Ba như hổ mọc thêm cánh, cả cha lẫn con đều thuộc về cô ta, bà đối phó ngã nào đây? Đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Cũng chẳng sao, vậy càng tốt cho Khánh Hoàng, con trai của bà. Không phải chức tước để chịu trách nhiệm với chính quyền, chỉ cần làm rể Địa chủ Mộc là cả đời không lo gì nữa.
 
Bà Hai cũng thừa biết bên nhà địa chủ Mộc chê con trai bà là con của thiếp thất. Nhưng Phan đã có chính thê rồi, họ còn hy vọng gì nữa? Chẳng lẽ họ cam tâm để con gái mình làm bà Hai tri huyện, dưới màu con thằng tá điền của họ hay sao?
 
Rồi thì cũng không  giải quyết được gì. Bà Hai coi như là đương gia của nhà bá hộ, dưới một người trên nhiều người. Chỉ có bà Ba và Khánh Quyên không phải nhìn sắc mặt của bà. Lão Thức thì cứ đi tìm những cô gái thanh xuân để thỏa mãn thú dâm dục của mình. Bây giờ con trai đã là quan huyện rồi, lão ta còn lên mặt gấp trăm lần thuở trước.
 
Hết chương 1.
          Còn tiếp chương 02.
 
Lê Nguyệt
 
 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo