Hôm nay thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024
Hòa bình Trung Đông đón nhận tín hiệu tích cực (14/01/2021 03:03 AM)
Tuấn Nguyễn

Tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông vừa có tín hiệu mới khi các nước thuộc nhóm Bộ Tứ, gồm Ai Cập, Jordan, Pháp và Đức đã nối lại các cuộc gặp gỡ hồi đầu tuần ở thủ đô Cairo, Ai Cập.

Hội nghị các Ngoại trưởng tại Cairo.
Hội nghị các Ngoại trưởng tại Cairo.


Dư luận khá kỳ vọng vào sự kiện này bởi nhìn lại thời gian qua, bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế, các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine vốn bế tắc từ năm 2014, vẫn chưa có bất cứ triển vọng sáng sủa nào. Đặc biệt trong bối cảnh Mỹ sắp có chính quyền mới, còn khu vực Trung Đông cũng có hàng loạt chuyển biến địa chính trị. Đâu sẽ là triển vọng cho tiến trình hòa bình Trung Đông trong thời gian tới?

Những tín hiệu nào khả quan

Cuộc họp hôm 11/1 vừa qua giữa Ngoại trưởng nhóm Bộ Tứ Munich (gồm Ai Cập, Jordan, Pháp và Đức) tại thủ đô Cairo là cuộc họp thứ 4 của nhóm kể từ đầu năm 2020 nhằm mục đích bàn về cách thức phối hợp và tham vấn thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông, hướng tới một nền hòa bình công bằng, toàn diện và lâu dài. Trước đó, cuộc họp gần nhất của nhóm đã diễn ra vào tháng 9 năm ngoái tại thủ đô Amman, Jordan với việc xem xét một số nguyên tắc nhằm đi tới một giải pháp dựa trên các tham chiếu quốc tế và sáng kiến hòa bình Arab.

Cuộc họp diễn ra sau khi Ngoại trưởng 4 nước có các cuộc điện đàm để tham vấn quan điểm của những người đồng cấp Palestine và Israel về nối lại các cuộc đàm phán hòa bình. Các Ngoại trưởng đã nhất trí thông qua tuyên bố 11 điểm, trong đó nổi bật là việc nhấn mạnh vào giải pháp hai nhà nước là một yêu cầu tất yếu để đạt được hòa bình toàn diện. Tuyên bố chung kêu gọi các bên nối lại ngay lập tức các cuộc đàm phán trực tiếp và kiềm chế mọi biện pháp đơn phương làm suy yếu triển vọng đạt được một giải pháp công bằng và lâu dài cho cuộc xung đột, trong đó chấm dứt mọi hoạt xây dựng, mở rộng các khu định cư, được coi là vi phạm luật pháp quốc tế và làm suy yếu triển vọng của giải pháp hai nhà nước.

Kết quả cuộc họp Cairo phản ánh quan điểm nhất quán của nhóm đối với giải pháp cuối cùng cho tiến trình hòa bình Trung Đông, đó là thành lập nhà nước Palestine độc lập theo đường biên giới năm 1967 và lấy Đông Jerusalem làm thủ đô. Đây rõ ràng là những nội dung được chính quyền Palestine chào đón nồng nhiệt nhất và không ngạc nhiên khi giới lãnh đạo Palestine ngay lập tức thể hiện quan điểm sẵn sàng hợp tác để phục hồi tiến trình hòa bình với Israel.

Kể từ năm 2014 đến nay, các cuộc hòa đàm giữa chính quyền Palestine và Israel đã liên tục bị đình trệ, đặc biệt dưới thời Tổng thống D.Trump, giải pháp hai nhà nước gần như không tồn tại do chính sách thiên vị Israel của chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, với việc Đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, Chính quyền Palestine đã thể hiện những bước đi tích cực hơn. Các phe phái Palestine cũng đang nỗ lực hòa giải tình trạng chia rẽ, hướng tới tổ chức các cuộc bầu cử lần đầu tiên kể từ năm 2006, qua đó mở đường cho các cuộc đàm phán trong tương lai với Israel.

Về phía Israel, dù chưa có phản ứng chính thức, nhưng chính quyền nước này cũng sẽ phải tính toán tới quan điểm của nhóm Bộ Tứ Munich khi 2/4 thành viên của nhóm là Ai Cập, Jordan là những quốc gia Arab đầu tiên đã ký thỏa thuận hòa bình với Israel và có nhiều kinh nghiệm trong đàm phán; trong khi đó hai thành viên còn lại là Pháp, Đức luôn duy trì quan hệ tốt đẹp với chính quyền Tel Aviv. Trong bối cảnh đó, các cuộc họp sắp tới của nhóm Bộ Tứ Munich sẽ nhận được kỳ vọng của dư luận quốc tế và khu vực góp phần thúc đẩy tiến trình đàm phán giải quyết xung đột Palestine – Israel.

Tiến trình đàm phán Israel - Palestine có gặp trắc trở?

Có thể nói năm 2020 là năm đánh dấu mốc lịch sử trong quan hệ Arab - Israel bởi chỉ trong vòng 6 tháng cuối năm có tới 5 nước Arab  là Các Tiểu vương quốc Arab  thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan, Maroc, Oman ký thỏa thuận bình thường hóa chính thức với Israel do Mỹ làm trung gian. Xu hướng này đang cho thấy rõ sự bất đồng thuận trong khối Arab khi có nhiều nước im lặng hoặc phản đối các thỏa thuận hòa bình nêu trên, đặc biệt chính quyền Palestine.

Tuy nhiên khi nhìn lại thời điểm trước khi các thỏa thuận hòa bình được ký kết, việc thúc đẩy tiến trình đàm phán Palestine – Israel theo sáng kiến hòa bình Arab năm 2002 luôn là một trong những trọng tâm được đề cập trong các hội nghị thượng đỉnh Arab hàng năm, tuy nhiên các tuyên bố đưa ra gần như chỉ mang tính chất “tượng trưng” và không được thúc đẩy một cách quyết liệt. Đồng thời, Ai Cập và Jordan là hai quốc gia Arab đầu tiên ký thỏa thuận hòa bình với Israel lại đang đóng vai trò tích cực nhất trong thúc đẩy nối lại các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông. Do vậy, hoàn toàn có thể hy vọng rằng việc có thêm nhiều nước Arab bình thường hóa quan hệ với Israel sẽ giúp các nước này tham gia hiệu quả, trực tiếp hơn vào việc giải quyết xung đột dai dẳng trong quan hệ Israel – Palestine, góp phần mang lại hòa bình, ổn định cho khu vực.

Kỳ vọng vào chính quyền mới tại Mỹ cho giải pháp hai nhà nước

Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống D.Trump đã đảo ngược chính sách qua nhiều thập kỷ trong bảo trợ cho tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông khi có những bước đi được đánh giá là thiên vị rõ ràng cho Israel, khiến quan hệ Palestine – Israel luôn ở trong tình trạng căng thẳng và làm suy yếu nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, buộc chính quyền Palestine phải từ chối vai trò trung gian của Mỹ và đóng sập các cánh cửa đối thoại.

Vì vậy, dư luận khu vực và người Palestine có quyền hy vọng vào triển vọng tốt đẹp hơn dưới thời ông Joe Biden - người đã cam kết ủng hộ tính hợp pháp của giải pháp hai nhà nước để phục hồi tiến trình hòa bình, tái viện trợ dưới mọi hình thức cho người Palestine và phản đối hoạt động xây dựng các khu định cư. Ngay sau khi Tổng thống Biden đắc cử, cả hai bên xung đột là Israel và Palestine đều có thể có động thái thể hiện thiện chí nối lại đàm phán. Israel khẳng định tuân thủ mọi thỏa thuận đã ký với Palestine, trong khi chính quyền Palestine bày tỏ sẵn sàng quay trở lại đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia khu vực, khó khăn mà chính quyền tân Tổng thống Joe Biden phải đối mặt có thể đến từ việc phải giải quyết những “di sản xấu” mà chính quyền D.Trump để lại trong vấn đề hòa bình Trung Đông, như các hành động chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem, cắt nguồn tài trợ của Mỹ dành cho cơ quan Liên Hợp Quốc về bảo trợ người tỵ nạn Palestine hay đóng cửa Văn phòng Tổ chức Giải phóng Palestine tại Washington… Bên cạnh đó, chính quyền mới ở Mỹ cũng đứng trước áp lực phải tìm ra cách tiếp cận mới, đặc biệt trong quan hệ với Israel để thúc đẩy xây dựng một nền hòa bình lâu dài tại Trung Đông, thay thế cách tiếp cận truyền thống không mang lại hiệu quả./.


Tuấn Nguyễn (VOV-Cairo)

 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo