Mẹ bảo rằng con đông thì vui, đứa đi xa cũng có đứa ở gần. Cái
khó là ba mẹ không thể nuôi hết tám đứa con thành tài, để mặc mỗi đứa tự bươn
chải trong cuộc đời mà lớn, mà sống, mà tự mưu sinh. Niềm vui có chăng là mỗi
ngày giỗ, cả tám anh chị em, thêm dâu rể, thêm cháu nội ngoại cùng về nhà mà
cùng chia sẻ.
Nhà nằm ở ngã ba đường, nơi con đường buồn tênh đi qua một làng
quê, không phải là quốc lộ cho nên rất ít xe khách qua lại. Đất vườn nhà có từ
cái thuở khai hoang, cho nên mẹ trồng cả một vườn xoài, giờ đây những cây xoài
lâu năm vươn cành tỏa bóng. Vườn xoài trở thành quán cà-phê buổi sáng, thành
quán nhậu bình dân buổi chiều.
Các anh chị lần lượt tha phương, chữ tha phương đúng nghĩa vì có
ai học hành tới nơi tới chốn đâu, lại gần như không có nghề nghiệp trên tay nên
dẫu người có chồng, kẻ có vợ, không ai thoát ra khỏi cảnh nghèo. Còn tôi, đứa
con gái út, hằng ngày ngoài việc đi học, trở thành cánh tay phụ việc đắc lực
cho mẹ.
Tôi nghe kể là ba rất đẹp trai. Chính vẻ đẹp của ba đã truyền
lại cho anh chị em tôi. Khi tôi chừng ba tuổi thì ba qua đời sau một lần đi
rừng, gặp tai nạn do trời mưa bất chợt, ba té ngã xuống suối, đầu va vào một
tảng đá. Mẹ bẩm sinh là người buôn bán giỏi theo phẩm chất của người con gái
quê, nên dẫu không có ba, một mình mẹ bươn chải trăm công việc, nhưng chỉ lo
nổi miếng ăn cho con cái là đủ lắm rồi. Cách nói của mọi người là “của không
ngon đông con cũng hết” đúng nghĩa với gia đình tôi. Mỗi lần nhà tụ họp, gần
như chỉ rộn rã tiếng cười. Mấy con gà mẹ nuôi đều bị bắt làm thịt, thoáng chốc
là hết. Với mẹ, bầy con đông như thế là hạnh phúc.
Nhưng những ngày nắng sẽ chuyển qua những ngày mưa. Anh Hai tôi
đi làm lơ xe cho một hãng xe trên cuộc hành trình nam - bắc. Một lần do tranh
khách, anh nhảy xuống xe, bị một chiếc xe khác lao tới, cán vào, anh đã không
kịp thoát nên bị bánh xe chèn. Anh bị thương, sau đó chân phải bị tật, từ đó
thất nghiệp. Thất nghiệp thì không có tiền, anh không lo nổi cho vợ, một cô vợ
đỏng đảnh và vụng về. Anh và vợ anh tình cờ gặp nhau tại một quán nước ven
đường. Họ lấy nhau không lễ cưới, cũng không làm giấy kết hôn, cho nên không hề
ràng buộc về pháp lý, nói theo kiểu dân gian là họ chỉ về chung nhà góp gạo nấu
cơm chung. Vì thế, khi anh Hai còn nằm viện, thì Ngoan, người phụ nữ ấy đã dứt
tình nhẹ nhàng giống như người ta vừa xem xong một vở kịch, đứng dậy bỏ chiếc
ghế trống mà chẳng buồn ngoái lại nhìn. Bị vợ bỏ, rời khỏi bệnh viện, anh Hai
về nhà, mẹ đưa tay cưu mang. Chuyện đó cũng bình thường thôi, bởi nhà ba mẹ là
nơi để những đứa con trở về, cho tất cả những đứa con không còn nơi để đi trở
về. Căn nhà không lớn, nhưng đó là căn nhà ấm áp nhất trên thế gian và trong
căn nhà có mẹ. Nhà chật, anh Hai che chắn thêm ở miếng đất phía sau tạo ra một
căn phòng nhỏ mà ở. Bí nghề, hằng ngày anh Hai đi phụ người ta róc mía. Cái
nghề róc mía không cần di chuyển, chỉ cần dùng đôi tay, vì thế anh Hai kiếm
tiền cũng đủ cho bản thân mình sống ngày hai bữa.
Hết anh Hai, rồi chị Ba cũng về, chị về dắt theo một đứa con
nhỏ, là kết quả của một thứ tình yêu vội vã, là kết quả của sự ham muốn giữa
người nam và nữ hơn là tình yêu. Chị Ba vốn vụng về, tánh tình đãng trí, cho
nên chị yêu cuồng yêu vội một anh chàng chạy xe thồ, chuyên rước khách từ làng
ra lộ đón xe khách. Họ chia tay nhau bởi vì anh chàng tối ngày say bét nhè, lại
hay thích dùng vũ lực với vợ. Sau tình yêu vội vã là buông bỏ, chị Ba trở thành
bà mẹ đơn thân.
Rồi đến lượt chị Tư cũng vậy, nghe nói chị lấy chồng là ông chủ
đìa tôm đâu tận Phan Thiết, cả hai vợ chồng làm ăn bất ổn, một ngày nọ đón xe
khách về nhà nói mẹ bán nhà chia cho ít tiền để mở quán nhậu, kèm bán mấy thứ
phân bón làm kế sinh nhai. Tất nhiên mẹ không bán nhà, mẹ nói ngôi nhà là nơi
để trở về. Người chồng của chị Tư cũng buông bỏ chị sau chuyến về ấy. Ông chủ
đìa tôm hình như cũng đi biệt xứ trốn những món nợ chất chồng.
Quy luật tự nhiên của cuộc sống là con chim khi lạc lối quay lại
chốn cũ là bình thường, nhưng nhà của mẹ có quá nhiều con chim lạc lối trở về.
Việc con cái đoàn tụ cũng khiến mẹ vui, vì theo kiểu người xưa thì con có bát
canh ngon, có con cá ngon cũng nhớ tới mẹ mà đem chia cùng. Sự bất hạnh hay
chia tan của con cái dẫu làm mẹ xót xa, nhưng mẹ luôn giang rộng tay mà nhận.
Vườn xoài bắt đầu xây thêm mấy ngôi nhà nhỏ. Trong vườn buổi sáng, buổi chiều
nghe tiếng la khóc của con nít, có tiếng cãi nhau và có cả tiếng cười. Và trong
gió lộng kia có tiếng của mẹ.
Tôi vào đại học, tôi rời nhà về phố. Sự khao khát được học thành
nhu cầu trong tôi, bởi tấm gương của anh chị để lại khiến cho tôi cố vươn thoát
ra khỏi cái vòng luẩn quẩn vì thiếu chữ nghĩa trong bụng mà không giải quyết
được cuộc sống của mình. Phố rộng, nhà chen nhà, khác với nơi chốn của tôi. Tôi
kiếm việc để làm, để tự mình trả tiền thuê nhà, để có thể lên giảng đường như
bao nhiêu bè bạn khác. Mỗi hai tuần một lần, tôi phóng xe trở về thăm mẹ, rồi
rạng sáng hôm sau lại vội vã ra đi. Có khi mẹ ôm tôi vào lòng mà nói: “Con cố
lên nghe, khi yêu phải biết chọn lựa chứ không thể cứ dang dở như anh chị con.
Như vậy thì khổ lắm”.
Mẹ mỗi ngày mỗi già, quán chỉ còn bán cà-phê buổi sáng, mẹ phải
thuê thêm một cô bé trong xóm phụ bán. Ngay cả vào dịp hè, tôi cũng tranh thủ
làm thêm để dành dụm tiền bạc cho mùa học sau, cho nên tôi không thể về phụ
việc với mẹ. Quán cà-phê nhỏ ấy kiếm được đồng lời, mẹ san sẻ để nuôi mấy đứa
cháu.
“Con về ngay, về ngay.” Mẹ gọi điện như thể nhà vua ra chiếu
thư. Tôi phải xin phép bà chủ quán cà-phê nơi tôi đang làm việc thêm ngoài giờ
học, đi về trong buổi chiều nắng đang rơi trên những con đường.
Tôi nhìn thấy ở nơi tám anh chị em cùng lớn lên ấy giống như vừa
xảy ra một cuộc chiến. Những sợi dây giăng chằng chịt trong vườn xoài, như thể
đang phân chia ranh giới. Mẹ ngồi trên chiếc ghế dựa của quán cà-phê, nhìn ra
đường. Chắc mẹ đang nhìn những chuyến xe qua đưa những cuộc đời mải mê chia xa
mà ngẫm về cuộc sống. Mẹ nói: “Hôm nay con về là đông đủ tám anh chị em, lát
nữa họp mặt, mẹ chia gia tài”.
Tôi ngồi bên mẹ, mẹ kể cho tôi nghe hôm qua, anh Năm, chị Sáu,
chị Bảy cùng về. Tất cả mọi người cùng tụ vào nhậu một bữa sum họp, để rồi rượu
vào lại xảy ra chuyện con cái bên trọng, bên khinh. Họ bảo mẹ đã thiên vị dành
ba lô đất đẹp cho ba đứa con đầu, cứ thế mà cãi vã rồi xung đột giữa những
người cùng máu thịt.
Buổi tối trong xóm nhỏ rất yên lặng. Tôi ngồi bên mẹ. Còn quanh
tôi là các anh chị em cùng máu thịt của tôi. Tôi thấy anh Hai băng tay, thấy
anh Tư băng trán. Họ đã đánh nhau, họ cũng không nhìn nhau khi ngồi chung nhau.
Mẹ bảo tôi đem ra một hũ rượu mẹ đã để sẵn tự bao giờ. Mẹ rót
rượu vào ly. Mẹ nói: “Mẹ chia đất ra rồi đó, anh chị em tụi mày muốn thì mẹ làm
thế. Chia đất xong coi như nhà ai nấy ở, mẹ không muốn nhìn mặt những đứa con
ruột thịt vì tranh giành chút gia tài mà đánh nhau. Đứa nào không đồng ý thì
uống cạn ly rượu này”.
Những ly rượu cứ sóng sánh trên mặt bàn. Những ly rượu mau chóng
được uống cạn. Tôi nghe thoảng trong không gian gió đang thổi trên mái nhà. Còn
mấy anh chị tôi òa khóc, họ cùng nói: “Con xin lỗi mẹ!”.
Ngoài con đường xe cộ vẫn lướt qua, còn những con gió thì cứ hồn
nhiên lao xao trên mái nhà. Mẹ khóc!
Khuê Việt Trường
Minh họa: PHÚ ANH