Hắn ở nhà nhiều hơn, giữ con cho Thương phụ bán với Yến. Nói
chuyện ngọt ngào trìu mến cùng vợ, ra vẻ cưng con. Không khí trong nhà khi có
mặt hắn cũng vui vẻ hơn trước. Ông bà Năm mừng thầm, cho rằng hắn đã dừng bước
giang hồ, muốn tu thân dưỡng tính rồi.
Hàng đêm, hắn tỉ tê bên tai vợ:
- Mình có con rồi. Không thể sống với ba mẹ hoài được. Rồi thằng
Ngũ cũng phải có vợ, ở chung nhóc một nhà cũng phiền. Mà cứ vầy hoài biết chừng
nào vợ chồng mới có tiền riêng, đâu phải chỉ sanh mình thằng Hiếu thôi đâu? Chi
bằng giờ xin ba mẹ cho ra riêng, ba còn cái nhà bỏ không gần trường học đó. Gửi
Hiếu cho ba mẹ, tui đi chở trái cây dìa cho nhỏ bán chợ, bán không hết buổi
sáng thì buổi chiều đem dìa nhà bán cho học trò. Từ từ mới có vốn để hộ thân
chứ. Hổng lẽ sanh đẻ hay bịnh hoạn gì cũng phải ngửa tay xin tiền má hay sao?
Hắn nhai đi nhai lại mấy câu như vậy hoài, ban đầu Thương bực
mình sau thấy cũng có lý. Dù sao thì cũng đã là vợ chồng rồi, phải chung lưng
đấu cật nuôi con chứ. Với lại mấy lúc gần đây hắn cũng sửa đổi, biết lo rồi.
Nên cô kêu hắn muốn gì cứ bàn với ba mẹ. Cô thì sao cũng được.
Hắn rĩ rịt riết rồi ông bà Năm cũng xuôi theo, cho hai vợ chồng
ra riêng. Yến nói:
- Thời gian đầu chị cứ phụ bán với em. Em trả tiền ngày cho chị
và để chị bán một mặt hàng lấy tiền riêng. Nếu chị nghỉ ngang bỏ em thì em cũng
phải mướn thêm người phụ. Người ngoài sao bằng người nhà. Vã lại, bây giờ chị
đã quen với mối mang rồi, đào tạo người mới mệt lắm. Em lại sợ nếu lâu ngày
quen mối, họ tách ra bán riêng thì mình ít nhiều cũng mất mối đó chị.
Tình nạt:
- Dẹp đi mầy. Mầy muốn ám chỉ vợ tao giựt mối mầy chứ gì? Mầy
muốn cả đời nó mần mọi cho mầy hay sao? Nó dễ dụ chứ tao thì không nghen mậy.
Yến nhếch miệng khịt một tiếng:
- Anh mắc cười. Tui tính toán bần tiện với người nhà như anh vậy
chắc? Sống với nhau ba năm, chị Tư rành tui quá mà. Chỉ mà ra bán riêng thì
trước sau cũng bị anh làm sạch vốn. Nội cái chuyện đi chở trái cây về cho chỉ
bán anh cũng làm không tròn. Cầm tiền không vô vườn mua mà ghé quán nhậu một
chập về lấy khỉ khô gì bán?
- Mầy xạo sự hả mậy?
- Chưa từng có sao? Hôm ba đưa tiền nhờ anh đi chở hai bao phân.
Anh dùng tiền làm gì mà không có hột phân rải lúa vậy chớ? Tui cản là tui
thương chị Tư thôi, chứ anh thì mặc kệ, ai thèm quan tâm.
Ông Năm can thiệp:
- Thôi. Con Yến nói phải đó. Nếu mầy chịu thì tao tạm thời cho
mượn cái nhà đó để hai vợ chồng tối dìa ngủ. Cho mượn chứ chưa cho luôn nghen.
Khi nào coi được tao mới sang tên. Cái chuyện mua bán của con Yến ngày càng
lớn. Nếu mầy muốn kiếm thêm tiền thì phụ thằng Ngũ đi chở. Đợi Ngũ thi xong lấy
bằng lái bốn bánh tao mua chiếc xe tải chừng đó anh em cùng lên vườn thu mua.
Tụi nó mua vườn chứ không mua lẻ như trước đâu nghen mậy.
- Sao ba hổng cho con thi bằng lái xe với? Hai đứa thay phiên
nhau chạy phải khỏe hơn hôn?
- Trời đất. Mầy thấy rượu như Lân thấy pháo, giao xe cho mầy
đặng khiến khổ ha gì?
- Chứ hổng phải ba cưng thằng Ngũ hơn con. Cái gì của nó cũng
tốt hơn con hết.
- Nó có bê tha đề đóm rượu chè như mầy hôn? Nghỉ học là nhào vô
phụ chị mua bán. Mặt mày lúc nào cũng hớn hở dù cực nhọc không ai bằng, chưa
đầy hai mươi tuổi mà khiêng vác ì đùng. Mầy với nó khác nhau trời vực nói sao
tao không thiên vị?
Rồi ông chốt lại:
- Không bàn cãi thêm. Tao quyết định vậy đó.
Nếu đồng ý thì dọn ra đó ở. Không thì thôi. Mầy muốn làm gì thì
làm, con Thương ở lợi đây với tụi tao. Không là dâu thì là con gái. Cấm mầy
đụng tới sợi lông chưn của nó.
- Ba mắc cười. Nó là vợ của con. Xuất giá tòng phu, con ở đâu nó
phải ở đó. Ba mẹ dung dưỡng cho nó vậy hèn chi nó leo lên đầu con mà ngồi.
- Leo hồi nào? Mầy được cái đội mình lên đầu. Mầy là nhất không
ai qua được. Ai cũng phải có bổn phận phục dịch cho mầy. Đừng mơ mộng hão huyền
nữa. Nó là vợ chứ không phải nô lệ của mầy. Mà thời này làm gì có nô lệ, cho
nên mầy đừng tơ tưởng đến chuyện sẽ có người lo cho mầy từ cái ăn cái mặc như
mẹ mầy lo cho mầy hồi nhỏ xíu đâu nghen. Ba dặn nè Thương, ra ngoài đó nếu nó
có hiếp đáp con thì chạy dìa đây méc ba, quá trớn thì dìa đây ở. Ba không thị
thiền cho con hỗn hào láo xược với chồng nhưng nhớ lời ba dặn nhà này là nhà
của con, muốn dìa bất cứ lúc nào cũng được.
Thương thật lòng cảm kích cha chồng mình quá đỗi.
•
Vậy là cô và hắn dọn ra ở riêng. Trong căn nhà đó đã có đủ tiện
nghi mà khi ông bà Năm mua chủ nhà đã bán lại. Nhà cấp bốn nền lót gạch men,
dài mười bảy mét ngang năm. Tổng diện tích xây dựng là tám mươi lăm mét vuông.
Có thềm ba rộng, Giữa nhà là bộ ghế dài với sáu cái ghế đai. Sát tường đặt tủ
Búp phê để ly tách. Phía phải là bộ đi văn còn mới. Hai phòng ngủ một nhà bếp,
bàn ăn và toilet. Nhà có sẵn tủ lạnh, máy giặt hẵn hòi. Thương vui mừng nghĩ
rằng mình có thể sở hữu được cái nhà khang trang này.
Từ khi dọn ra, Tình lấy cớ coi con nên không phụ Ngũ chở trái
cây.
•
Bà Ngọt, mẹ kế của Thương. Nghe Thương được nhà chồng xem trọng,
tin tưởng cho ra chợ mua bán với em chồng, hàng ngày nghe người khác kể lại và
đi chợ nhìn thấy Thương thay da đổi thịt, không biết trong bụng bà nghĩ sao
nhưng thái độ bắt đầu thay đổi. Xấn xả tới xun xoe mẹ mẹ con con dù trước giờ
Thương gọi bà bằng dì. Hồi ba cô mới cưới bà về, Thương cũng gọi là mẹ nhưng bà
không cho, bà nói mình không đẻ ra cái thứ như cô.
Trước sự xu nịnh đó, Thương vẫn dửng dưng. Cô nhớ lại sau đám
cưới mình một tháng là giỗ ba cô, Tình không về, chỉ có mình cô nhưng ba mẹ
chồng đã sắm sanh đủ thứ cho cô mang về cúng. Bà ta lạnh nhạt không muốn đụng
tới đồ mà sui gia gửi qua. Vì vậy, chỉ ngày Tết và giỗ ba cô mới về. Nhưng năm
sau thì coi mòi bà săm soi đồ cúng lắm, vì nhiều và quí.
Năm nay, còn cả tháng nữa mới tới mà bà ta lân la tìm Thương,
kéo tay cô dịch ra khỏi quầy hàng nói nhỏ:
- Năm nay cúng ba con, nói mẹ chồng con đừng mua đồ mà đi tiền
nghen. Đồ đạc mẹ sắm cho dễ. mẹ tính đặt bàn. Đi tiền coi như phụ mẹ.
Thương lạnh nhạt:
- Mẹ con đưa gì thì con mang về thứ nấy. Trước giờ không dám đòi
hỏi.
- Thì con gợi ý cho bả. Nói là năm nay mẹ con đặt bàn nên mẹ
khỏi mua đồ.
- Dì đặt bàn đãi khách nhận tiền của khách được rồi. Con mua đồ
về cúng bàn thờ ba con.
Bà Ngọt tức giận quay mặt đi:
- Thứ nặng vàm. Lỗ tai trâu nói không phủng.
Thương nhếch môi cười. Cô đã quá quen với những lời chửi mắng
của bà. Thương từng nghĩ khi chuẩn bị có chồng, nếu không ở được với chồng thì
cô cũng không về lại nhà xưa.
•
Bà Năm tắm cho bé Hiếu. Vừa lột đồ nó ra, bà chết điếng hỏi thất
thanh:
- Trời ơi, sao mình con lằn roi ngang dọc vậy? Ai đánh con hả?
Thằng bé ngây thơ cười:
- Ba con đánh á nội. Ba giận mẹ là đánh con hà.
- Gì kỳ vậy?
- Ba nói mẹ méc nội là ba đánh con.
- Ba con thường đánh mẹ con lắm sao?
- Hoài luôn. Đồ ăn không ngon cũng đánh. Không mua rượu sẵn cũng
đánh. Vụ gì cũng đánh hết á.
Bà thất kinh. Thằng nhỏ mới hơn hai tuổi mà nói chuyện rành
rạnh, chắc nó chứng kiến cảnh đó nhiều lần nên ghim trong lòng. Cơn giận trào
sôi, bà tắm Hiếu xong kêu nó lên võng cho ông nội dỗ ngủ rồi xăm xăm qua nhà
kiếm Tình.
•
Hắn ta nằm trên ván ngủ trưa, quạt máy kề bên quay vù vù. Cạnh
đó, bàn nhậu chưa dọn, chén dĩa nhơ nhớp bày binh bố trận, tàn thuốc quăng đầy
dưới đất. Nhà nền gạch bông mà nước miếng nước mồm đầy ra gạch. Có bốn cái
chén, vậy là bọn nó bốn người. Toàn một lũ báo đời, ăn nhậu xong cũng không
biết dọn xuống. Con vợ phơi nắng phơi mưa ngoài chợ, thằng chồng ở nhà có đứa
con cũng không giữ được phải tống qua nội đặng bày binh bố trận nhậu nhẹt bê
tha. Nó là con trai lớn của ông bà đó. Năm đứa con sao lại lai sinh ra cái
thằng ôn binh các đản này vậy không biết.
Giờ mà có kêu nó dậy thì cũng không giải quyết được gì. Không
khéo nó còn chọc cho bà tức sôi máu mà lên tăng xông. Nhưng để y hiện trường
này con vợ nó về thì càng bất mãn nữa. Thứ gì đâu mắc dịch mắc gió, con nó mà
nó đánh như vậy để dằn mặt vợ. Làm cha mà lương tâm để đâu không biết.
Bà vừa chửi láp giáp vừa dọn dẹp lau chùi. Cảm thấy phải bù sớt
sao cho con dâu mới đáng. Tưởng về đây được bên chồng thương là có phước, nhưng
nó sống cả đời với thằng này chứ có với ba mẹ chị em chồng đâu. Thứ đồ con mà
không thương thì thương ai? Ông bà không trị được nó thì ai trị bây giờ? Bà còn
nói nhỏ nhẹ khuyên bảo chứ ông á hả? Ông nện chổi cùn lên đầu nó chứ ở đó mà nói.
Thứ nó nói gì vô được đầu mà mong.
Coi mòi nó ngủ không biết chừng nào mới dậy, thứ đồ say sỉnh đó
mà. Thôi thì bà về rồi tối rủ ông qua chửi nó một trận trước mặt vợ con nó, hạ
bớt cái thế du thủ du thực của nó. Chứ một mình bà nói cũng không có lợi nó
đâu.
•
Dè đâu, chiều lại Ngũ chạy về chở ông Năm ra chợ. Tình đánh
Thương rần ì ngay cái sạp trái cây của Yến.
Hết sức nói nổi. Ông Năm nói:
- Ba không đi đâu.
Con kêu công an lợi còng đầu nó về đồn. Không cần biết lý do gì
mà nó đánh con người ta, nhưng ba biết chắc là thằng đó bậy rồi.
- Bậy nát hết ba ơi. Hôm nay con đi cắt hàng trong vườn. Người
ta kêu con bán nguyên vườn măng cụt. Con coi rồi, đồng ý mua luôn nhưng người
ta cần tiền gấp nên cần một phần ba tiền cọc. con đâu có đem tiền theo mới điện
thoại về cho chị Năm. Chị Năm kêu honda ôm của anh Ba Tùng chở chị Tư đem tiền
lên cho con. Khi về vừa quẹo vô đầu chợ thì chị xuống xe, đi bộ vô.
Mới tới sạp thằng chả đâu lù lù hiện ra lôi đầu chị Tư mà đánh,
nói viện cớ ra chợ mua bán để đi với trai. Chị Năm nói gì chả cũng hổng nghe,
đánh rần rần, ai vô can cũng hổng được. May mà con về tới kịp. Lúc đó có người
báo với quản lý chợ lại, chả nói quản lý chợ chứ không được quản lý chuyện nhà
chả. Vợ ngoại tình phải để chả xử. Hết đường nói mới báo công an Thị trấn, giờ
chả ở đồn công an á.
- Cho chết mẹ nó luôn. Nhục nhã quá mà. Coi mòi không được thì
cho con Thương nó li dị đi, để Thương bắt con luôn rồi mình chu cấp. Coi nó như
con gái mà lo cho nó. Chứ sống với thằng này như địa ngục mà sống kiểu gì.
Vậy mà cuối cùng thì Thương cũng bãi nại cho Tình về nhà. Ông bà
Năm kêu mẹ con Thương qua ông ngủ tránh gặp mặt hắn ta.
Bận này về, hắn coi mòi tu. Dọn dẹp nhà cửa bóng loáng. Rảnh là
te qua phụ làm cỏ vườn tược của ông Năm, chơi với bé Hiếu rồi ăn chực cơm trưa.
Dần dần hắn ở luôn bên này, coi sóc hoa màu với ba hắn. Ông bà biết hắn làm vậy
để lấy lòng vài hôm thôi rồi cũng chứng nào tật nấy. Nhưng kéo dài được một
tháng thì hắn dụ được Thương trở về nhà.
Ban đầu chỉ hai vợ chồng về ngủ thôi. Bé Hiếu ở với nội. Ban
ngày thì Thương cũng đi bán với Yến, hắn tới phụ ba mẹ. Cho đến khi Thương có
bầu lần thứ hai. Cái thai mới có hai tháng thì hắn sanh chứng nữa.
•
Chưa ai biết Thương có thai cả, chỉ có hắn biết. Một hôm, trời
nắng như đổ lửa, Thương thấy xây xẩm mặt mày. Ngũ chở cô về nhà thì ngơi thì
hắn đã say quắc cần câu miệng mồn dính đầy thịt cá nằm ngủ chèo queo trên ván.
Thương không nói gì mở cửa vô phòng nghỉ ngơi. Rồi cô ngủ quên
luôn. Thức dậy hắn đã đi đâu mất. Thì ra hắn không hay cô về mà bỏ nhà đi cũng
không khóa cửa lại. Thương đi bộ ra chợ phụ Yến dọn hàng rồi ba chị em về nhà
lớn. Hắn đã có ở đó. Vẻ mặt vui cười hớn hở chơi với Hiếu.
Khi dọn cơm, Thương hỏi bà Năm:
- Anh Tư sáng giờ ở đây hả mẹ?
- Đâu? Sáng lợi một chút rồi đi biệt, nói có công chuyện gì đó.
Mới dìa hồi nãy giờ chưa được hai tiếng đồng hồ.
Thương cũng không nói gì. Tối lại, vì không muốn chung chạ với
hắn nên cô dắt bé Hiếu theo về. Thương không muốn hỏi gì về chuyện hôm nay vì
biết hỏi thì hắn cũng không nói thật. Trận đòn nhục nhã hôm rồi ngoài chợ đã
ghim trong trái tim cô. Nhưng bây giờ cô lại có mang nữa. Vậy là số cô phải gắn
liền với hắn cả đời. Nhưng đã nói rồi, dù không ưa cái người hàng đêm nằm cạnh
mình, nhưng cô ưa gia đình của hắn. Người ta thường nói: Thương chồng phải lụy
nhà chồng. Còn cô thì ngược lại: Thương nhà chồng phải lụy thằng chồng.
Ôi! Một thằng chồng chẳng ra gì. Sự ăn, sự ngủ, sự sinh hoạt của
hắn, sự nào cũng khiến cô cảm thấy hỡi ơi…Vậy rồi sao mà hắn dạy con? Thương
nghĩ: Trong đầu óc hắn có khi nào lóe lên được những điều đúng đắn hay ho để
con mình noi theo hay không? Và tại sao? Chị Hai, chị Ba, Yến, Ngũ là những
người biết chuyện, sống chan hòa, có uy tín bên ngoài mà hắn cũng là con của ba
mẹ lại khác xa như vậy? Hay hắn không phải do mẹ chồng cô sinh ra?
Thương mỉm cười vì suy nghĩ của mình. Khùng quá. Thôi kệ đi.
Mình vốn đã không nghĩ ra được có ngày mình được sống trong một gia đình ấm êm
được mọi người yêu mến, cái ăn cái mặc không lo như bây giờ. Ông Trời không cho
ai được hoàn toàn cũng không lấy mất của ai hoàn toàn. Cô không có được người
chồng thì kệ đi, miễn hắn ta đừng đánh đập mẹ con cô là được.
Lâu nay cô nhịn hắn vì nể nang gia đình chồng, chứ nếu ba mẹ đã
cho phép thì việc chi mà cô phải sợ hắn chứ? Từ ngày về làm vợ hắn đến giờ, hắn
có cầm đồng bạc nào đưa cô nói là để mua bánh cho con hay không? Chỉ biết ngửa
tay xin tiền cô mua thuốc hút, lén chôm chỉa để ăn nhậu bên ngoài. Tốp bạn của
hắn chắc cũng y như hắn. Ba mẹ chồng cô bực bội có đứa con như hắn mà không trị
được thì sao cô phải trị?
•
Hết chương 02.
Còn tiếp chương 03.
Lê Nguyệt