Chị cùng người phụ nữ trên bàn thờ kia vốn là chị em kết nghĩa
từ nhỏ, cả hai đều bị bỏ vào cô nhi viện. Sơ đặt cho chị cái tên mỹ miều nhưng
buồn man mát: Ngọc Lan, chị Lan lớn hơn chị hai tuổi, cả hai gắn bó bên nhau
suốt quãng đời thơ ấu luôn coi nhau như ruột thịt, chị kêu chị Lan bằng chị
Hai, chỉ cũng trìu mến kêu chị bằng em gái. Đó rồi tới năm chị mười sáu tuổi cả
hai lại rời xa cô nhi viện bước vào đời tìm kế sinh nhai.
Cứ tưởng hai chị em sẽ đồng cam cộng khổ sống bên nhau mãi mãi
thì bất thình lình định mệnh tàn nhẫn nỡ cướp chị Lan đi trong tức tưởi. Mười
mấy năm đằng đẳng trôi qua nhưng cái ngày khốn kiếp ấy chị không tài nào quên
được.
Đưa tay áo lau vội dòng nước mắt rơi dài ướt má chị thì thầm như
tâm sự:
- Chị Hai, mơi tới ngày cúng cơm của chị rồi nè. Chị bỏ em đi
tới nay đã mười lăm năm rồi đó, ở dưới kia chị như thế nào rồi? Má con em trên
này vẫn tốt, em sống thay phần của chị nữa mà.
Thằng Bi lâu lâu nó hay hỏi về chị, em không biết kể về chị với
nó ra sao nên thường đem những kỉ niệm tươi đẹp nhất của tụi mình kể cho con
nghe, mặc dù chưa từng gặp chị nhưng coi mòi thằng nhỏ thương chị lắm. chị biết
hôn? Thằng nhỏ dạo giờ trổ giò ra dáng thanh niên rồi, chẳng mấy chốc ảnh
trưởng thành nên danh nên phận mấy hồi hén chị. Trên trời linh thiêng nhớ phù
hộ má con em nghen chị.
Thằng Bi đứng bên cạnh thấy má nó vái van trân trọng nên nghiêm
túc góp lời:
- Má Hai ơi con bật mí cho má Hai nghe vụ này nà. Má con có
người yêu rồi á, mà ngặt nổi chú Út đòi cưới nhưng má dùng dằng chưa chịu. Hổng
ấy tối má Hai về thủ thỉ khuyên má con lấy chồng đặng con có ba với người ta
nghen má Hai.
Chị Bình đỏ mặt day qua cú cái cốc lên đầu thằng nhỏ làm nó la
oai oái và không đợi má nó có cơ hội bồi thêm cái thứ hai thì anh chàng đã bỏ
giò cười hi hí chạy tuốt luốt ra sân.
•
Màn đêm buông thiệt mau khiến không gian đặc quánh sự yên tĩnh,
thằng Bi học bài xong che miệng ngáp dài nói thêm với má vài câu rồi chui tót vô
mùng ngủ khò, ngoài này, chị lầm thầm tâm sự bên di ảnh chị mình tới tận khuya
mới lọ mọ tắt đèn đi ngủ.
•
Buổi sớm mơi của vài ngày sau đó,, tại khu chợ chồm hổm, người
mua kẻ bán khá nhộn nhịp. Chị Ba Bình đang ngồi cắm cúi lựa ổi thì giật mình
khi nghe giọng chị Mười lanh lảnh cất lên vang vọng cả khu chợ, bả buôn dưa
leo, bán dưa hấu từ đầu chợ tới cuối chợ nghe lồng lộng. Thím Chính bán ổi trề
môi nói vừa đủ chị Bình nghe:
- Ô bạc lưa của xóm tới rồi đó, đàn bà con gái gì đâu mà miệng
mồm son sỏn chịu hổng thấu, bởi vậy có thằng đàn ông nào dám rước nó đi.
Chị chỉ cười cho qua rồi đứng lên trả tiền xong đi chỗ khác
tuyệt nhiên không bình luận thêm câu nào, vốn dĩ chị không muốn quan tâm gì về
cách sống của người khác đặt biệt là chị Mười kia. Bản thân chị chỉ mong an
phận làm lụng nuôi con nên vai nên vóc là mừng rồi. Nhưng ở đời nó lạ lắm, cây
muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng, chị cố tình không muốn kiếm chuyện nhưng bà
Mười thì ngược lại.
Thấy bóng chị Bình xách giỏ ghé vô sạp rau bả liền mon men tới
nghinh mặt hỏi xấc xược:
- Ê con tàu hũ, hôm hổm tao nói mấp mé vậy bộ mầy chưa hiểu hay
sao mà cứ kêu thằng em tao chở đi hoài vậy mậy? Bộ mầy ghiền em tao đến mức
hổng dứt hơi nó được hả? Mầy có biết vì hạng đờn bà trắc nết như mầy mà em dâu
tương lai của tao khổ sở trần thân héo mòn nhan sắc hông con kia?
Chị ta rống mỏ nói một tràng dài văn hoa thăm thẳm mà chẳng thèm
để ý hai mắt chị Bình long lên sòng sọc như muốn nuốt chửng lấy người đối diện.
Chị Bình không bao giờ kiếm chuyện sân si với ai, tính chị nhã nhặn nhưng không
dễ gì bị hiếp đáp. Một thân một mình làm mẹ đơn thân, bươn chải giữa chợ đời,
bị hiếp đáp mà nhẫn nhịn thì làm sao có bản lĩnh nuôi con?
Mặc kệ giữa nơi thanh thiên bạch nhật, mặc kệ hàng trăm ánh nhìn
hiếu kỳ của bà con, chị Bình xỉ thẳng mặt bà Mười chậm rãi nhả từng chữ:
- Tốt nhất chị nên kiểm điểm lời nói của mình cho thiệt kĩ rồi
hãy phát ngôn, ăn có nhai, nói có nghĩ. Đừng để thiên hạ được dịp đánh giá
mình, ngó mặt mũi sáng láng mà mở miệng ra tanh tưởi như cứt vậy.
Bà nọ trừng mắt thiếu điều muốn lọt con ngươi xuống đất:
- Mầy, mầy, cha chả. Mầy dám chửi tao hả?
- Bà tuổi gì mà tui hổng dám chửi?
Nè, bữa hổm tại bà hổng nói ngay tui cho nên tui không có cơ hội
trả lời với bà, bữa nay thì khác. Nói cho bà nghe lần đầu cũng như lần chót,
thứ nhất: Em bà chạy xe ôm, vị tình xóm giềng cộng thêm tánh ổng đàng hoàng giá
cả phải chăng nên có nhu cầu đi đâu xa tui đều kêu ổng chở đi. Thứ hai: Đi xe
ổng tui cũng tiền bạc sòng phẳng chớ hổng có lèng èng, bà thử hỏi lợi em bà coi
có bao giờ ổng chở miễn phí cho tui chưa?
Thứ ba: Em bà chạy xe ôm đồng nghĩa với chuyện ổng sẽ phải chở
đủ loại khách, đàn ông lẫn đàn bà, mà đàn bà con gái xóm này đi xe ổng thiếu
cha gì, bà có ngon thì kiếm chửi hết mấy người đó kìa chớ đừng nhè tui mà làm
giặc. Còn nữa, ví dụ như em dâu vàng bạc của bà có ghen quá đó, thì chị em mấy
người biểu ông Út bỏ nghề kiếm công chuyện khác mần cho khỏe.
Nói dứt lời, chị toan bỏ đi chỗ khác thì bước chân bỗng khựng
lại khi nghe bà ta tru tréo:
- Con quỷ cái, tao nói chưa xong mà mầy dám bỏ đi hả mậy? Đúng
là cái đồ thất học, đàn bà hư bởi vậy mới đẻ ra thằng con hoang trôi sông lạc
chợ.
Chát lên một tiếng như trời giáng, bà Mười không kịp phòng bị đã
ăn trọn cái tát tay nẩy lửa từ chị Bình. Trong lúc bà ta ôm mặt lảo đảo thì chị
đanh giọng gằn từng chữ:
- Bạt tay này là cảnh cáo bà, nói gì tui tui còn nhịn chớ bà
động tới con tui là chết mẹ với tui liền. Lần đầu cũng như lần cuối, từ rày về
sau bà dám hé miệng chửi con tui thêm tiếng nào là tui ngắt họng bà liệng xuống
hầm cá vồ ngay tức khắc.
Nói đoạn, chị lạnh lùng bước thẳng bỏ lại sau lưng tiếng la chát
chúa của bà nọ. Diễn biến sự vụ từ nãy tới giờ hết thẩy dân ở chợ đều chứng
kiến hết, chỉ là đúng sai quá rõ rệt nên phần đông đều bênh vực chị Bình. Giờ
đây chị Mười đứng giữa chợ la hét ầm ĩ cũng chẳng ai đoái hoài tới:
- Bà con cô bác thấy chưa? Thấy con ác ôn đó nó hành hung tui
chưa? Trời ơi, bớ người ta, bớ làng xã con Bình quánh tui nè. Mấy ông mấy bà
mần gì ngồi chết dí một chỗ hổng ai đứng ra can giùm tui hết vậy? Đúng là lòng
người máu lạnh mà.
Ông Tiến bán thịt ngứa miệng xen vô:
- Thôi bớt bớt cái miệng lợi đi mầy ơi, tự dưng khi khổng khi
không mầy a thần phù tới kiếm chuyện xúc phạm người ta trước buộc lòng người ta
phản pháo lợi là bình thường có chi đâu mà ấm ức.
Mọi người nhao nhao đồng tình, một chị đứng mua đồ cũng phụ họa:
- Đúng rồi đó chú Tiến, đã vậy còn lôi con chỉ ra chửi nữa, con
nít biết giống gì đâu. Tui nói thiệt với bà nghe bà Mười, tính ra chị Bình tán
bà như vậy vẫn còn hiền đó, chớ gặp tui mà bà chỉ cần rớ nhẹ vô con tui đó he
là tui dần bà mềm xương liền’
Thấy chẳng ai đồng minh với mình, chị Mười tức anh ách mặt mũi
đỏ lửng hệt Quan Công nhưng chỉ biết bậm môi liếc háy bà con rồi ngoe nguẩy bỏ
về chớ tuyệt đối không dám hó hé tiếng nào. Dầu sao một mình chị đơn thân độc
mã làm sao đấu lại nguyên khu chợ, lạng quạng tụi nó hè nhau đánh chắc nhập
viện luôn chớ hổng chơi.
Và từ vụ việc ấy chị ta càng ghét chị Bình ra mặt, chị ta tự
vạch ra kế hoạch:
- Chiều nay thằng Út Tèo dìa mình nhất định làm trận làm thượng
bắt ép nó gật đầu chịu cưới con Năm Son mới được, để hông thôi chần chừ lâu
ngày dài tháng con quỷ xà mâu kia nó dụ dỗ thằng này u mê xách đồ theo nó luôn
thì khổ. Con Năm Son mà điên lên đòi tiền lợi thì đào đâu ra để trả nó? Không
nghĩ thì thôi hễ nghĩ tới con khốn nạn Ba “Bình tích” đó làm mình tức muốn
nghẹn họng hà, đúng là cái đồ hồ ly tinh. Tao vái trời cho mầy bán ế mãn năm
đi.
•
Tại quán của dì Hai Lùn, mấy ông đàn ông đang uống cà phê tán
gẫu cùng nhau trong đó có anh Út Tèo. Thường thường cánh đàn ông mà hợp lại nói
chuyện công việc một hơi rồi mấy chả bắt qua kể chuyện tiếu lâm, anh Út Tèo là
chúa tể. Không biết ổng sưu tầm ở đâu mà ngày nào ổng cũng có chuyện kể, được
cái trời cho ổng chất giọng hài hước nên hễ ổng e hèm cất giọng lên là bà con
có mặt ôm bụng cười gần chết:
- Để tui kể mấy ông nghe vụ này nè.
Có thằng cha kia kìa, tối ngủ chả nằm chiêm bao thấy mười ngón
tay cô tiên, sáng dậy thằng chả kêu vợ sẵn đi chợ ghé chỗ bán số đề ghi số mười
cho thẳng. Ở nhà con vợ ừ hử đàng hoàng tới chừng ghé vô mua số thì bà bán số
bàn kiểu khác, bả gợi ý hổng ấy mầy cộng thêm hai bàn tay của mầy vô luôn đi
cho chẳng hai chục, gì chớ, tay mầy cũng đẹp có thua bàn tay tiên đâu. Con vợ
nghe người ta nịnh nọt khoái chí nên cười hi hí gật đầu cái rụp liền, hồi ở nhà
thằng chồng biểu quánh năm chục ngàn thôi, ai dè lợi nhà bà nọ bị bả làm bộ
khen lấy khen để con vợ ham hố móc tiền ra quánh năm trăm ngàn luôn.
Ông nội mẹ ơi, chiều lợi nó xổ con số mười thiệt mấy cha, thằng
chồng nghĩ mình trúng đậm rồi nên mở sồng nhậu chiêu đãi bạn bè thân hữu một
bữa mát trời ông địa luôn. Về phần con vợ, chiều lợi biết mình bị hớ nặng sợ
chồng chửi nên cô nàng kiếm cớ dìa nhà má đẻ chơi lánh nạn. Nhưng chuyện xảy ra
thì dù muốn trốn cũng có trốn lâu dài được, tảng sáng bả lò mò dìa ông thần
nước ngọt ở nhà tưởng con vợ đi chợ chắc ghé lấy tiền trúng số thành thử vừa
thấy mặt con vợ ổng nhào ra hỏi tiền liền.
- Rồi sao nữa mầy? Đang kể hay mà tự dưng ngưng ngang vậy thằng
ôn?
Anh Út bưng ly cà phê uống ực một cái đặt ly xuống bàn cười hề
hề:
- Khoan đã mấy ông nội, để tui uống nước thấm giọng mới có sức
kể tiếp chớ. Thì cuối cùng con vợ áo não khai thiệt với thằng chồng, bị thằng
chồng nó tốc lên chửi rùm trời. Nó nói chớ: Bàn tay cô tiên là tay ngọc tay ngà
tay búp măng, ai mượn mầy đưa hai bàn tay dùi đục chấm nước mắm của mầy vô mần
chi, rồi mắc giống gì trưa hôm qua mầy hổng cho tao hay để chiều tao mừng hụt
đi mượn tiền người ta ăn mừng giờ lâm nợ một khúc rồi đó mầy sáng con mắt ra
chưa?
Nó theo nó nhằn nó tụng con vợ ta nói thiếu điều suốt mùa thu
luôn. Bởi vậy, mơi mốt rút kinh nghiệm nghen, có chiêm bao thấy khỉ khô gì thì
tự thân vận động chớ đừng thèm nhờ ai hết ráo, dễ xảy ra tình huống dở khóc dở
cười lắm.
Mọi người cười ầm ĩ hưởng ứng câu chuyện của anh Út. Được thể,
anh đang sửa soạn kể mẫu chuyện thứ hai theo yêu cầu của khán giả, đột nhiên
anh tắt đài ngó sững về hướng lộ rồi không nói không rằng lập tức xụ mặt đứng
lên kêu trả tiền nước, anh day qua từ giã anh em chung bàn lật đật bước ra định
lên xe rồ ga chạy thẳng, bất thình lình Năm Son từ đâu nhào lại chận đầu.
Chẳng rõ chị ta vô tình hay cố ý đi ngang đây, bắt gặp anh Tèo
ngồi uống cà phê trong quán nên mừng húm quẹo vô. Biết mình sắp sửa bị làm
phiền, anh Tèo vội vả định đánh bài chuồn nhưng mà làm sao thoát khỏi tay cô ta
được. Năm Son cũng chạc tuổi với chị Mười, vậy chớ kêu anh Út bằng anh ngọt
sớt, cũng ở không như chị Mười đâm ra họ dễ thông cảm cho nhau lắm.
Gia cảnh cô này thuộc hàng khá khẩm vì nào giờ bả chuyên môn
chơi hụi, cho tiền góp, hiện tại chị Mười đang thiếu nợ bả ấp lẫm. Năm Son tâm
sự rằng mình khoái anh Út nếu ảnh đồng ý thì cô ta sẵn sàng bỏ tiền làm đám
cưới, xóa toàn bộ số nợ của chị Mười, hơn thế nữa, cuộc sống về sau Son hứa sẽ
lo chu toàn từ A đến Z cho hai chị em luôn, người nhà cả mà.
Cho nên, mấy năm nay chị Mười cứ gây sức ép hoài mà anh Út khăng
khăng không chịu, biết anh để ý thương chị Bình cả hai bà giặc trời cứ đâm chọt
quậy miết:
- Anh Út, sao thấy em anh đứng dậy bỏ đi te te dạ?
Bộ mắc cỡ hả? Ông thần ơi, dòm cái mặt mắc cỡ thấy cưng dễ sợ.
Nói nghe nà, hôm qua em có người bà con ở dưới Cà Mau gửi lên biếu mấy kí tôm
Hùm với mấy kí khô mực tươi xanh ngon dữ lắm, ta nói, tôm mực nướng lên uống
bia là hết sảy con bà bảy luôn cho coi. Ê, hổng ấy tối nay qua nhà em em nướng
cho anh nhậu hén?
Ông nọ lắc đầu nguầy nguậy:
- Mô phật, bữa nay ăn chay. Cảm ơn, bây giờ cũng mần ơn nhường
đường cho tui chạy, lẹ lên, hông thôi tui đụng lòi mỡ ráng chịu à.
Cô nàng dỗi hờn điệu bộ nũng nịu:
- Mần gì nặng lời với người ta quá trời quá đất vậy anh? Anh có
biết thái độ lạnh như nước đá theo mấy câu phủ phàng của anh làm em chết lịm
con tim rồi hôn?
- Tui hổng biết và cũng hổng muốn quan tâm làm chi, tim bà có bể
ra từng mảnh cũng hông ăn nhầm gì tới tui hết ráo. Tránh đường dùm. Cải lương
chết mẹ. Ai ở không mà nghe bà ca.
Đang dằn co chèo kéo đúng lúc, chị Bình đi chợ về ngang, thấy
chị, anh Út chẳng dấu vẻ vui mừng hớn hở, anh ngồi yên trên xe mà cười toe toét
ngoắc chị lia lịa:
- Ba Bình, Ba Bình, mới đi chợ dìa hả? Sao đi hổng qua kêu tui
chở, thôi, giờ lên xe tui chở dìa nhà.
*
Hết chương 04.
Còn tiếp chương 05.
Lê Nguyệt – Kim Thi