Bà có thấy ma quỷ gì đâu? Trước đây không bây giờ cũng không mà
vẫn nghèo khổ thì vong nào mà ám chứ? Hay là thằng Khá? Phải rồi. Cái thằng con
hoang đó bị ba má nó bỏ rơi ngoài đường, tự nhiên bà Liên lượm về trấn cho bà,
bắt bà mang theo cả đời lãng nhách.
Dù có ghét bỏ nó, thật ra thì bà có thương nó bao giờ? Nó chỉ
làm bà vướng chân vướng tay thôi. Nhưng bà phải công nhận nhờ có nó siêng năng
lượm ve chai nên bà mới sống được tạm thời ở gầm cầu. Rồi cũng nhờ có nó được
ông Sáu thương mới cho mượn miếng đất cất nhà ở tạm.
Nhưng nó xui rủi quá. Có nó bên cạnh bà nghèo hoài. Thì ra nó là
cái vong đeo bám bà bấy lâu. Nếu không có nó trên đời, bà ung dung sống với bà
Liên. Bà Liên chết con bả sẽ cho bà tiền, lúc ấy không vướng bận gì, bà chắc
chắn có cuộc sống khác bây giờ rồi.
Càng nghĩ, bà càng khẳng định Khá là vong ám bà. Đồ thứ con bị
bỏ. Chắc cha má nó coi thầy coi bói biết nó nuôi không có ích lợi gì về sau chỉ
là phá gia chi tử nên mới bỏ nó ngoài đường ai muốn lượm về thì lượm. Bà Liên
tốt bụng lượm nuôi nên bị nó hại chết, bà cưu mang nó nên mới ra thảm cảnh này.
Cô Bảy nói rồi, cho nên bằng cách nào bà cũng phải loại nó ra
khỏi đời sống của mình. Phải chi ông Sáu muốn nuôi luôn nó thì dỡ quá. Mà cái
thằng này nó cũng ngu chưa ai ngu lợi. Bà không thương nó chút nào, nó chẳng
biết hay sao mà tối ngày cứ đeo đeo má má mắc mệt.
Về tới nhà rồi, bà Tư đang nghĩ cách tống Khá đi thì hai thằng
con nít quỷ lại mò tới. Cả chục năm trời mà không thấy lớn cũng chưa từng mặc
bộ đồ. Con ai mà bất nhơn vậy hôn. Bà ghét hai đứa nó kỳ cục. Vậy mà hễ Khá
không có ở nhà là tụi nó tới kiếm bà, hỏi có gì cho nó ăn hôn. Cơm dư đâu mà
cho thứ các đản cô hồn như tụi nó ăn chứ? Vậy là bà xách chổi ra rượt tụi nó
chạy ngời ngời.
Xã hôm đó có đoàn hát về, giá vé rẻ rề. Bà con đi coi đông dữ
lắm. Họ đậu giàn nên ở cả tuần. Thằng Khá muốn đi lắm nhưng đâu có tiền. Rồi
ông Sáu mới tội nghiệp, ông đi coi dắt nó theo. Nó mới mười ba tuổi mà đẹt ngắt
như con nít chưa lên mười nên ông dắt nó theo khỏi mua vé.
Tối đó, bà Tư mắc mệt với hai đứa nọ, nó réo bà um sùm, nắm tay
lôi lôi, có thằng kêu bà bằng má nữa mới lạ chứ:
- Má dắt tụi con đi coi cải lương đi.
Ngó hai đứa trần truồng bà giận no, nạt rùm:
- Quần áo đâu không bận vô, như con nhộng vầy mà đi đâu?
- Má sắm cho tụi con đi.
- Khùng hả mậy? Bộ tao mọi tụi bây hả?
- Má không dắt con đi coi thì tụi con theo gánh hát luôn má ở
nhà buồn chết cho coi nè.
Thằng nhỏ nói xong, trong đầu bà Tư bỗng lóe lên ý nghĩ. Phải
hén? Có cách cho thằng Khá đi theo đoàn gánh hát mình khỏi mang tiếng mang tăm
gì rồi.
Tối cái hôm mà gánh hát dọn đi. Họ đi lúc nửa đêm cho kịp nước
vì họ tới đây bằng ghe bầu lớn. Buổi chiều bà Tư bỏ thuốc ngủ vô nước cho Khá
uống. Rồi canh lúc Khá ngủ say, bà vác nó lén bỏ vô mấy cái hòm đựng quần áo,
thiết bị hóa trang của gánh hát rồi lén về.
Bình thường Khá nhạy thức lắm. Bà Tư kêu một tiếng là nó lồm cồm
ngồi dậy. Nay vì ngấm thuốc nên bà động ầm ầm lên thân thể nó mà nó cũng không
hay.
Sáng lại, bà Tư tri hô thằng Khá đi đâu sáng đêm không về nhà.
Bà con chòm xóm đoán nó chắc theo gánh hát rồi nhưng ông Sáu nói thằng này
không bỏ má nó để đi làm chuyện bá láp vậy đâu. Trước giờ ông có nghe nó ca hát
câu nào mà theo gánh hát chứ?
Bà Tư khóc lóc ôi thôi, trách Khá chỉ có hai má con mà nỡ bỏ má
một mình. Ai thấy cũng động lòng thương.
Khá đi được một tuần thì bà Tư bắt đầu hối hận. Hối hận không
phải vì thương nhớ nó mà vì bà biết vong theo ám bà không phải là Khá mà là hai
thằng con nít kia.
Vốn là ở xóm có người đi lên cô Bảy coi bói vụ nhà cô bị mất gà
liên tiếp. Con chó Mực bà cưng như trứng cũng bị mất luôn. Cô Bảy cho lá bùa về
ếm để thủ phạm tự khai mà bồi thường vì họ đã ăn hết rồi. Xong rồi cô Bảy hỏi
bà có phải ở cạnh bà Tư bánh Tai yến má thằng Khá hôn?
Bà nọ gật đầu. Cô nhắn bà nói lại với bà Tư là nghiệp tới rồi.
Bà đã đuổi thần độ mạng mình đi, từ nay bắt đầu những ngày bị trả quả. Nhanh
chân kiếm thằng con về, nếu không thì sẽ cơ hàn hết kiếp.
Bà Tư nghe lời nhắn mà hồn vía lên mây. Giờ biết gánh hát ở đâu
mà tìm Khá về? Mà thằng Khá nếu biết chuyện có tha thứ cho mình hay không?
Tiền bạc hết sạch. Bà bấm bụng chạy qua ông Sáu mượn tiền về làm
bánh bán. Bà nói mất hết tiền, chắc Khá trộm bỏ đi rồi. Ông Sáu bất mãn nhìn
bà:
- Tui cho cô mượn tiền làm vốn cũn được.
Nhưng mà cô đừng có đỗ thừa là nó lấy đi. Nó đi như thế nào chắc
cô cũng biết rõ hơn ai hết mà. Cô nói nó theo gánh hát thì cứ lần theo gánh hát
mà tìm con. Không có tiền tui cho mượn. Đàng này cô ung dung còn đỗ thừa nó này
kia. Bây giờ cô một thân một mình tự làm nuôi thân không sống nổi hay sao?
Tui cho cô mượn lần này nếu cô không tốt lên thì tui sẽ đuổi cô
ra khỏi đất đó, liệu hồn. Chuyện thằng Khá thì coi như cô vứt bỏ nó rồi, nếu nó
bình an quay về tui sẽ nuôi, từ rày nó không còn là con của cô nữa.
Bà Tư cầm tiền ra khỏi nhà ông Sáu mà buồn nẫu ruột. Nhưng bà
tin, nếu Khá quay về nó cũng không bỏ bà, nó thương và tin bà sanh ra nó mà.
Nhưng hai cái thằng kia lộng hành quá mức rồi. Bà làm bột chiên
bánh, hai đứa sàng tới sàng lui giành làm này làm kia khiến bột đổ trắng ra
đất. Bà la chửi không thấm tháp gì chúng. Khi bánh chiên xong, cầm lên muốn
phỏng tay mà tụi nó bóc nhai rùm rụm.
Con ai sao cha má nó không gọi về nhà mà như chính thức ở với bà
luôn như vậy? Hay tụi nó là ma? Phải rồi. Cô Bảy nói vong của hai thằng con nít
theo ám, còn Khá là thần độ mạng. Hèn chi có Khá ở nhà tụi nó không dám chui
ra.
Hai thằng con nít không mặc quần áo? Nghĩa là khi nó chết không
được chôn cất đàng hoàng? Tụi nó cứ cãi nhau mầy gọi tao bằng gì suốt là sao?
Bà Tư rùng mình. Ký ức mấy chục năm trước bỗng trở về rõ ràng
trong đầu óc bà.
Bốn mươi năm trước.
Lúc đó cô gái Hà My mới mười lăm tuổi, ở cùng mẹ và cha dượng.
Cha của cô đã mất bảy năm trước, hai năm sau thì mẹ tái giá với ông Bia hói.
Ông ta lớn hơn mẹ Hà My mười tuổi. Lúc đó mẹ Hà Lý của Hà My ba mươi hai thì
ông Bia hói đã bốn mươi hai rồi.
Mười lăm tuổi, Hà My có thằng em lên năm. Từ lúc có em, mẹ không
thương My nữa, mọi thứ tốt đẹp đều dành cho Hàn, My cô độc trong căn nhà của
mình. Vì muốn ăn ngon mặc đẹp, My bắt đầu toan tính, gian xảo lọc lừa để bõ
ghét chính người sinh ra mình.
Mười sáu tuổi, Hà My đã trổ mã, nhan sắc mặn mà. Nước da trắng
bóc, mặt mũi đầy đặn. Cô đã bỏ học hai năm nay không cho mẹ biết, lén cặp bồ
bên ngoài hết thằng nọ đến thằng kia. Tới chừng mẹ hay, vốn không thương nên My
bị bà trói lại đánh một trận bán sống bán chết. Cha dượng phải can thiệp không
thôi có án mạng xảy ra rồi. Tuy nhiên, mẹ cô vẫn trói cô bằng dây xích khóa lại
không cho ra ngoài.
Hà My căm ghét mẹ, muốn trả thù lắm nhưng không biết cách nào.
Khi bà vắng nhà, My năn nỉ cha dượng thả cô ra rồi cô sẽ đem thân báo đáp.
Không ngờ lão Bia hói đã có dã tâm dòm ngó cô từ lâu. Cho nên nghe mấy lời của
cô, lão dùng lời phải quấy để nói với bà Hà Lý:
- Con nó lớn rồi. Em đừng đối xử với nó như vậy, bên ngoài mà
biết được sẽ kêu rêu.
Thả nó ra rồi từ từ rầy dạy. Anh thấy em không hề coi nó là con.
Đâu em kéo áo nó lên coi, đầy vết roi cả. Dù sao nó cũng là trẻ vị thành niên.
Chính quyền mà biết em ngược đãi trẻ con thì sao hả? Nghe lời anh đi, thả nó
ra. Nếu em không quan tâm nó thì mặc nó làm gì thì làm.
Hà Lý nghe lời chồng, thả My ra.
Đầu tiên, cô chấp nhận ăn ngủ lén lút với cha dượng khi mẹ vắng
nhà. Nhờ vậy, cô được lão Bia quan tâm bảo vệ, no đủ nhưng việc học đã dở dang
rồi.
Đến khi My vừa qua tuổi mười sáu thì cô có thai bụng đã vượt
mặt, sấp sỉ bụng của mẹ mình.
Khỏi nói bà Lý giận tới mức nào. Ban đầu bà nhỏ nhẹ dụ cô nói ra
tác giả bào thai nhưng My nhất định không khai. Bà đánh thì cô trả treo:
- Mẹ không cho tui sanh nó ra tui sẽ tự tử trong nhà cho mẹ mang
họa đó.
Bà dùng cây đánh ngay vào bụng My nhưng cô né được:
- Tao đánh cho mầy hư thai luôn ở đó mà trả treo với tao hả?
My vừa chạy vừa la làng:
- Bà có bầu được sao tui không có được chứ hả?
Bà Lý sợ xấu hổ nên không đuổi theo.
Đêm đó, lão Bia hói và My gặp nhau sau nhà. Lão kêu My phá thai
đi. Vì nếu sinh ra cùng lúc với bà Lý thì lão sẽ nuôi ai? Lớn lên hai đứa con
này sẽ gọi nhau bằng gì? Đứa nào cũng là con của lão, nhưng đứa thì con của mẹ
đứa lại là con của con. Làm sao đây?
Chẳng lẽ con My lại kêu lão bằng ông ngoại sao? My vốn muốn trả
thù mẹ. Sau khi sinh xong, cô sẽ công khai cha đứa bé để mẹ cô đau khổ mà nuôi
hai đứa con của thằng chồng đê tiện nên dễ gì mà cô chịu phá thai.
Nhưng Hàn, thằng em của cô lúc đó sáu tuổi, nghe được cha nó và
cô nói chuyện mới học lại mẹ nó. Bà My đùng đùng nổi giận, tức tối người chồng
nên quyết định không giữ thêm giọt máu nào của lão ta nữa.
Khi lão hói không có nhà, bà bèn dắt, không, cưỡng chế My lên xe
khách đến nhà một bà mụ vườn rất xa nơi đây, trình bày với bà tất cả và nói rõ
ý định sẽ cùng phá hai cái thai này.
Thông cảm cho bà mẹ bị chồng phản bội ngay với con ruột của
mình. Bà nhốt My vào phòng, tiến hành lấy thai ra cùng với sự trợ sức của bà Lý
thành công phá bỏ cái thai đã tượng hình một bé trai. Xong khi chờ đợi My tỉnh
lại, bà cũng lấy bào thai của mình ra ngoài, tuyệt không cho lão ta thêm đứa
con nào nữa. Bà cũng định bụng rồi, lần này về, bà sẽ vạch mặt lão và đuổi khỏi
nhà.
Nhưng có kịp đâu. Tỉnh lại, My căm thù mẹ mình lắm. Khi hai mẹ
con đón xe về, gần tới nhà phải đi bộ ngang con đường vắng, cả hai đều vừa mới
vượt cạn xong, ai cũng yếu đuối nhưng bà Lý sao bằng My được. Vậy là cô xô mẹ
mình té ngã rồi đứng trên người bà nhún nhảy nói bà khiến tui hư thai, tui sẽ
không để bà yên.
Thấy mẹ nằm im không động đậy, My lột hết nữ trang của bà gồm
đôi bông, sợi dây chuyền và chiếc nhẫn vàng 24. Lục túi lấy hết tiền bạc xong
bỏ đi mặc kệ mẹ mình sống hay chết.
My đón xe không biết sẽ đi đâu. Nhưng máu trong người chảy ra
quá chừng ở vùng kín muốn ngất nên cô xuống xe kiếm phòng trọ ăn ngủ qua đêm.
Mười bảy tuổi đã rành rẽ vụ mướn phòng.
Ở được nửa tháng để thân thể phục hồi, xài cũng đã hết tiền mặt,
cô bán nữ trang xong đón xe đi Sài Gòn thì trên xe gặp bà Liên.
Mấy năm đầu, My cũng có lén về quê xem sao. Mới hay mẹ cô bị
cướp giết chết trên đường, My thì biến đâu mất dạng. Lão Bia hói bán nhà đất
của bà Lý dắt thằng con bỏ đi. Ở đó không ai nghi ngờ Mỵ.
Mỵ mới lên trình báo chính quyền rằng cô đang đi với mẹ bỗng có
ai chụp bao bố lên người cô vác đi vào tận trong vườn sâu, năm sáu thằng hãm hiếp
rồi sau đó đưa cô lên Sài Gòn làm gái. May mắn cô chạy thoát được và gặp bà
Liên cưu mang nên mới bình yên quay về tìm mẹ. Nhưng hỡi ơi, nhà cửa có còn
đâu, cũng không biết cha dượng và em lưu lạc phương nào vì người nhà của cha
dượng cũng không biết gì về lão ta cả.
.
Hết chương 04.
Còn tiếp chương 05.
Nguyễn Thành Nhàn