Hôm nay thứ tư, ngày 15 tháng 1 năm 2025
Truyện dài: RƠI XUỐNG TỪ ĐƯỜNG ĐẪM MÁU (01) (06/09/2024 18:18 PM)
Lê Nguyệt

Chương 01. Mấy hôm nay ông Hương cảm thấy buồn bực trong người, muốn cùng quản gia Thành đi du ngoạn một chuyến.
 


Nhưng ông và ông Thành chỉ có thể đi một người. Xưởng ghe và Làng mồ côi phải có người trông nom. Tính tới tính lui, ông quyết định rủ Thầy Nằng lên thăm con trai Tri phủ Lê Minh Đức ở Phủ Bình Thành. Cũng khá lâu rồi, tri phủ do công vụ bề bộn nên cha con ít gặp nhau. Lần này dắt Thầy Nằng theo cho có bạn đường, dụng tâm cũng muốn Mạc Chung đi cùng ông để coi Minh Đức có vấn đề nan giải nào về phương diện tâm linh hay không.
 
Thầy Nằng nghe nói thì hí hửng ra mặt. Lật đật nhảy cồng cồng đúng bản tính của đứa con nít lên mười. Vậy là ông Hương giao toàn bộ chuyện nhà cho ông Thành rồi thu xếp chút tiền nong, lương khô cho mấy ngày đường. Tiện tay ông đeo chiếc nhẫn ngọc bích màu thiên thanh lên ngón giữa. Đây là chiếc nhẫn gia truyền của mấy đời họ Lê nhà ông.
 
Vì đi xa mà lại đến phủ đường của con trai nên ông ăn vận chỉnh tề. Áo thụng màu xám bạc điểm mấy đường chỉ vàng, đóng khăn thước, quần lụa trắng, mang giày gấm thêu. Ông chuẩn bị cho Nằng mấy bộ đồ của con trai Minh Đức lần trước về chơi bỏ lại. Áo thụng đỏ bên trong lót gấm vàng. Quần lụa trắng, mũ tú tài, giầy gấm thêu. Nằng giãy tử cười ré lên:
- Ông ơi, con là ma mà, cần chi quần là áo lượt. Một bộ bận là cứ mới tinh hoài hoài luôn. Con đồng ý bận bộ này nhưng chỉ một bộ thôi. Trên đường đi trà đình tửu quán thiếu gì ông chuẩn bị lương khô chi nhiều vậy?
- Ậy. Thói quen của Lam Hồng, hễ ông đi xa nó sẽ chuẩn bị cho ông chu đáo mọi thứ. Con coi, tiền xu nhóc nhách mà nó còn bỏ theo cho ông mấy lượng vàng ròng, chi vậy không biết. Một túi nặng trìu trịu mà nó cột vô đai quần của ông mần cho bước đi của ông chậm lại hà.
 
Hahaha… Nó nói giữa đường mà thiếu chi tiêu thì có để dùng, không cần phải ghé quan viên nào để hỏi mượn. Trời đất. Đây lên Phủ Bình Thành có mấy ngày, lương khô nhiều vầy, nước nôi đầy đủ sợ gì thiếu hụt mà ghé nơi này tắp nơi kia chứ.
 
Nằng đưa tay sờ sẫm lên quần áo ông, cười típ mắt:
- Nhưng quen biết ông lâu, chưa bao giờ con thấy ông đóng bộ như vậy. Thiệt là mãn nhãn à. Phong độ, cốt cách của một chính nhân quân tử. Ông ông, hồi còn tẻ chắc ông đẹp tai dữ dội hả ông?
 
Ông Hương thích thú vò đầu của Nằng cười ngất.
 
Nằng không chịu đi xe hơi mà cứ đòi đi xe ngựa, không biết ma có cử kiêng gì xe hơi không nên ông cũng chìu theo ý thằng nhóc. Sẵn tiện ngắm cảnh hai bên đường, xem lâu nay có thay đổi gì không.
 
Vẫn là chiếc xe độc mã ông cháu thường đi. Nằng nói con ngựa này là chiến số dách. Chạy đường trường không có con nào qua nổi. Ban ngày họ đi, trưa nghỉ lại đâu đó cho ông Hương dùng bữa, cho Ngựa ăn cỏ uống nước. Bận này ông Hương có đem theo bao lúa mạch cho nó bồi bổ để chạy đường dài.
 
Tối thì dừng xe đâu đó để nghỉ ngơi. Ông Hương ngủ trên xe, đã tháo ngựa ra cho nó ung dung cả đêm, Thầy Nằng đi đâu thì đi. Có Thầy Nằng, ông Hương cũng yên tâm không sợ thổ phỉ giữa đường.
 
Thật ra ông có thể tới nhà xã trưởng hay Hương cả nào đó tá túc qua đêm. Nhưng ông không muốn làm kinh động quan viên nào. Cuộc viếng thăm quan tri phủ ông chỉ muốn đơn thân độc mã cùng với người khuất mặt cho yên tâm. Ông mỉm cười. Trời, may là Minh Đức biết bên cạnh ông có Tú Tài Mạc Chung. Chứ nếu nghe cha mình đi xa mấy ngày đường, ăn bờ ngủ bụi không có tùy tùng mà vẫn an toàn tới nơi chắc vừa lo lắng vừa ngưỡng mộ biết để đâu cho hết.
 
Đường sá bây giờ khang trang hơn trước, dân chúng coi bộ đông hơn. Hai bên đường ngày trước vắng vẻ bây giờ mọc thêm nhiều nhà. Khi làm quan tri phủ, ông đã bao lần vun đắp cho quê hương nhưng dân tình vẫn mãi nghèo nàn lạc hậu. Lui về làm Hương cả nơi này, tâm huyết gửi lại hai con, ông muốn nơi chôn nhao cắt rốn của mình thay da đổi thịt. Và ông đã thành công cải tạo xã An Hóa thành nơi trù phú nhất huyện rồi.
 
Thầy Nằng nói không ngớt miệng khiến ông cứ cười híp mắt. Xe đang chạy bon bon bỗng nó kêu lên:
- Ủa sao ngay sát lộ lớn mà có con sông bự dữ vậy ông?
 
Ông Hương nhìn quanh:
- Làm gì có sông? Đây là đồng bằng mà?
- Ông nhìn ga ngoài đi.
 
Ông Hương ngó ra, ủa lạ kỳ. Đây là giáp ranh giữa xã Bình Hàm và xã Bình Thum. Địa phận này đã thuộc về Phủ Bình Thành. Chỉ còn một ngày đường nữa là tới phủ của Minh Đức. Con đường này ông qua lại hà rầm mà có thấy sông lạch gì đâu? Ông nghĩ mình quáng gà nhìn lầm. Nhưng Mạc chung là ma, mắt sáng như sao thì nhầm kiểu gì?
 
Hai ông cháu còn đang bất ngờ thì con ngựa hí vang trời. Hai chân nó nhỏm lên, phóng nước đại. Bất ngờ bay tuốt lên cao giữa sông hất ông cháu rơi tỏm xuống. Ông Hương thất kinh kêu thầm trong bụng: “Thôi, bận này chết chắc rồi”. Nhưng ông không thể liên lụy Mạc Chung được.
 
Trong lúc chưa chạm mặt nước, ông kêu lên:
- Tú tài đi đi, mặc ta.
 
Thầy Nằng chụp cánh tay ông, nắm xách lên quăng lên bờ. Xác ông nằm đó cho người tới cứu còn hai ông cháu chìm sâu xuống lòng sông.
 
Ông Hương tỉnh lại thấy Nằng ngồi cạnh dựa lưng vào bức tường cũ kỹ. Ông đảo mắt ngó qua một vòng. Thì ra mình chưa chết chìm. Phải, chết chìm sao được khi có Mạc Chung bên cạnh. Nhưng họ đang ở đâu đây?
 
Ông ngồi bật dậy quan sát nơi mình nằm. Chỗ này là chỗ nào sao lạ hoắc lạ huơ vậy? Ngó vào bên trong, ông thấy nhiều bài vị, cái có hình thờ cái không. Lư hương lạnh ngắt không có nhang khói. Ông nhận ra ngay đây là từ đường của một vị quan lớn nào đó. Nhưng mắc kẹt trong Từ Đường ba bên bốn phía có vách tường rào lại, không biết chu vi rộng lớn hay không. Nếu là quan thì chắc ông phải biết là vị nào.
 
Ông Hương và Nằng đi vào phía trong. Đúng là lớn lắm. Đại sảnh nằm phía dưới cuối nhà. Nơi đó bày biện nhiều bàn ghế chắc để ngày giỗ hội con cháu gom về cúng. Nhưng bàn ghế của họ cũng lạ lắm. Toàn là bàn tròn đường kính rộng hơn bàn bằng gỗ bình thường, mặt bàn bằng thứ gì bóng láng trơn lù. Chân cũng ngộ, có thể xếp lại để dựng vào vách mấy chục cái cũng không choáng chỗ. Ghế ngồi hình thù như ghế đẩu mà làm bằng mủ, chồng lên nhau hàng hà sa số. Thì ra bây giờ nơi đây văn minh lắm rồi. Chắc họ ở gần lãnh địa của Pháp nên tiến bộ, xài hàng lạ. Vậy thì đây thuộc phủ nào? Và quan tri phủ là ai? Lúc ông bị hất xuống sông là ở giáp ranh của hai xã thuộc phạm vi cai quản của Minh Đức rồi mà? Chỉ cần gặp người, hỏi là ra thôi.
 
Ông kêu Nằng ra ngoài coi Từ Đường của dòng họ nào. Nằng thoắt một cái đã quay lại nói rằng Từ Đường họ Nguyễn. Ông Hương ngẫm nghĩ chưa biết xã trưởng nơi này là ai, nếu gặp hỏi ra họ Nguyễn là vị quan nào mà Từ Đường lại hoang phế như vầy.
 
Nằng ngồi dựa vô mình ông, nũng nịu:
- Mình bỏ lương khô tên xe ngựa gồi. Con thì hỏng sao nhưng ông không có gì vô bụng là đói gả guộc á. Ông có mang theo tiền hôn?
 
Ông Hương vén áo chỉ vào đai bụng:
- Ông luôn cột vô thắt lưng đây mà.
- Vậy phẻ gồi. Nghỉ ngơi chút ông cháu mình ga ngoài kiếm gì bỏ bụng cho ông, ví lợi sắm vài bộ đồ nữa. Quần áo ông dính sình hơ hầy gồi kìa. Cái quần tắng lem luốc mắc ớn hà.
 
Ông Hương gật đầu:
- Được. Và để ông hỏi thăm nơi này dưới quyền cai quản của ai. Sao mà Từ Đường coi hoang tàn cũ kỹ như vậy, chẳng lẽ không có trùng tu hay sao?
 
Hai ông cháu đi vòng vòng Từ Đường, thấy có một phòng kiên cố và sạch đẹp nhất. Ông Hương nghĩ đây là nơi để trưởng tộc về nghỉ ngơi. Không có dấu quét dọn, bụi bám trên mặt bàn cả lớp, dùng tay viết chữ lên cũng được. Váng nhện giăng giăng trong các góc khuất. Kiểu này là bị bỏ hoang lâu rồi.
 
Một Từ Đường thờ cúng biết bao bài vị như vầy mà không có người hôm sớm canh giữ, quét dọn và nhang khói. Lạ quá.
 
Nằng ngó ông Hương một hồi rồi lắc đầu:
- Hổng được. Ông cởi đồ ga đi, con giặt cho. Phía sau có vại nước kìa. Đâu thể ăn bận dơ dáy như vầy ga ngoài được, lỡ người ta biết ông là phụ thân của quan Ti phủ cũng ngại lắm.
- Thôi để ông giặt.
- Ông giặt sao sạch bằng con được? Con sẽ làm cho mới nguyên như khi ông đi. Ông coi con nà. Sạch bong có lấm láp gì đâu? Ông cứ cởi ga đi mọi việc để con lo. Nắng lên là có đồ bận hà.
 
Nói không lại Nằng nên ông Hương đành phải nghe theo lời nó.
 
• • •
Hết chương 01.
          Còn tiếp chương 02.
 
Lê Nguyệt
 
 Trở về
Các bài viết khác:
Truyện dài: CHỊ TÔI (03) (30/12 09:38:17 AM)
Truyện dài: CHỊ TÔI (02) (28/12 07:17:04 AM)
Truyện dài: CHỊ TÔI (01) (26/12 07:11:04 AM)

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo