Tính tình nhân hậu phóng khoáng không nhận đút lót, một lòng
nghĩ đến bá tánh. Vợ cũng là người biết chuyện, khi hạn hán, mùa màng thất bát
do thiên tai, nước ngập mặn hư hỏng cây cối hoa màu, bao giờ quan phủ cũng dùng
tài sản cá nhân của mình để trợ cứu cho dân. Ba Thống cũng được bổ nhiệm làm
Đốc học tỉnh, danh dự vô ngần.
Địa chủ Mạnh tàn bạo với tá điền. Một năm canh tác ruộng, nước
mặn xâm nhập, có nơi mất trắng, ông ta vẫn bắt buộc đóng lúa đầy đủ, không thì
tra khảo đánh đập tới chết. Đàn bà góa chồng thì lão ta nửa đêm nửa hôm mò tới
nhà dùng uy quyền hăm dọa nếu không cho lão qua đêm thì ngày mai phải khăn gói
cuốn xéo.
Con giun xéo mãi cũng oằn. Một hôm, tất cả tá điền nổi loạn,
đánh chết ông bà Mạnh giữa ruộng rồi dắt nhau ra xã tự thú.
Sự việc lớn quá nên Hội đồng nơi đó phải đưa vụ án này lên Huyện
cho Tri Huyện Cao Bàng xét xử.
Út Hoa bình chân như vại, chỉ có Khôn là lo sợ. Trước đây Khôn
dựa hơi cha mẹ, cũng lếu láo hách dịch với tá điền. Nhưng từ ngày cưới Hoa về
thì lại yêu và nghe lời vợ, khi đi thâu lúa ruộng thì hai vợ chồng cùng đi. Nếu
gặp gia đình nào quá nghèo, Hoa đều mắt lấp tai ngơ bỏ qua không lấy nhưng
trong sổ sách vẫn ghi đầy đủ. Nhà Địa chủ Mạnh giàu có hèn gì, hao hụt chút ít
không thể nào phát hiện ra được.
Bàng hỏi qua em gái và em rể, anh hiểu rõ vấn đề mới phán là ông
bà địa chủ đi vô ruộng gặp tai nạn mà chết, khi tá điền phát hiện thì không cứu
được nữa.
Bản án không công bằng nhưng dân chúng cả xã hoan hô vang dội.
Khôn cũng không khiếu nại gì. Cha chết, anh đương nhiên lên thế vị trí cha. Hoa
vốn thừa tự tính nhân hậu của mẹ nên từ nay, tá điền nơi này không còn lo sợ gì
nữa rồi.
Gia đình Bá Hộ Chu lúc đó đúng là đang trên đỉnh hào quang rực
rỡ.
Nhưng như vậy càng làm ông bà nhớ Tư Hoàng thêm hơn. Mười bốn
năm không hề có tin tức về, chắc rằng vợ chồng đã gặp nạn bỏ xác xứ người rồi. Bao
nhiêu sự nhớ thương con ông bà gom hết về cho đứa cháu ngoại bất hạnh.
Bàng không có con trai, vợ chồng ngỏ ý muốn nhận Nhân làm con
đích tôn. Ông bà Chu vui vẻ lập tức gọi Nhân lại, hỏi ý nó. Nhân tuy còn nhỏ
nhưng từ lâu nó đã ngưỡng mộ cậu Hai của mình. Nay được làm con của cậu, làm
người một nhà thì nó vui mừng biết mấy.
Nhân lớn hơn Bạch Phụng ba tháng tuổi, sau Phụng còn hai đứa em
gái nữa. Bạch Cúc và Bạch Huệ. Chúng hớn hở đón anh trai. Lẽ ra Nhân phải gọi
chúng bằng chị vì nó là con của cô chúng nó.
Giờ đây về mặt giấy tờ, Cao Nhân là con của Cao Bàng và Phan
Bạch Tước, không liên quan gì đến Cao Thống. Số tiền Thùy chu cấp cho Nhân học
hành cũng được Bàng hoàn trả sòng phẳng.
Nhân dọn về ở với vợ chồng Bàng, ba mẹ mới của nó. Cái nhà ngoài
huyện ông bà hứa sau này sẽ cho nó khi nó có gia đình riêng hoặc ba mẹ nó quay
về. Còn bây giờ, ông vẫn để cho ông bà Sáu Thứ và mẹ con chị Lụa ở nhưng không
trả tiền công chăm sóc nữa, mà mọi huê lợi thu được từ mảnh vườn đều cho ông bà
để dùng tiền đó dưỡng già.
Ông Chu hứa, sau này nếu vợ chồng Hoàng có về hay Nhân cưới vợ
cho riêng nó, thì ông bà vẫn được ở lại, nếu quá già thì sẽ có người phụng
dưỡng. Còn riêng mẹ con chị Lụa thì ông biết Nhân đã có sắp xếp riêng rồi. Vợ
chồng Sáu Thứ hàm ơn không biết nói sao cho đủ.
•
Những tưởng sẽ sống mãi thời hoàng kim rực rỡ cho dòng họ Cao.
Nhưng Ông Trời không chìu lòng người. Tai họa ập tới cho Tri huyện Bàng.
Trong một lần quan huyện đi thị sát cùng với hai gia nhân, đến
đoạn đường vắng bỗng có ba tên bịt mặt nhào ra, dùng gậy đánh tàn nhẫn vào đầu
chủ yếu là vào Bàng. Đánh ngay chỗ hiểm khiến Bàng ngã lăn ra chết tại chỗ, hai
gia nhân đi theo bị gãy chân lặt lìa.
Gia đình họ Cao rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Ông bà Chu suy
sụp, đàn con bốn đứa của Bàng ngơ ngác như chim mất tổ. Chỉ có Bạch Tước, vợ
Bàng thì bình tĩnh lo lắng tang lễ cho chồng, mọi nghi thức một tay chị lo. Lúc
này mọi người mới thấy Nhân xuất hiện cạnh mẹ, hỗ trợ bà và cũng thấy được bản
lĩnh của bà Tri Phủ và trưởng nam.
Tất nhiên Thống và Hoa cũng cùng chị dâu lo hậu sự cho anh trai
mình. Còn ông Chu, bản lĩnh là vậy mà trước thi thể con, ông như một người
không còn tri giác nhìn bà oằn oại trong tay cháu ngoại Cao Nhân.
Tất nhiên hết thảy mọi người đều biết Bàng bị giết hại là có âm
mưu gì, nhưng Bàng bản tính hiền lương không gây thù chuốc oán với ai sao lại
bị chúng chặn giết giữa đường. Dù có tan xương nát thịt ông nhất định cũng lôi
được kẻ chủ mưu ra trước vành móng ngựa trả thù cho con.
Vụ Bàng chưa giải quyết xong thì tại nhà Địa chủ Mạnh lại xảy ra
chuyện.
Lão Mạnh vốn trăng hoa. Lão đã từng hãm hiếp từ đàn bà có chồng
hoặc góa chồng, từ con gái lỡ thời đến đứa trẻ tuổi xanh mơn mỡn. Vậy là sau
khi lão mất chưa đến một trăm ngày thì có một phụ nữ dắt theo đứa con trai tầm
tuổi của Nhân đến nhà, trưng giấy tờ ra. Trong đó là khai sinh của đứa bé này,
tên cha là Nguyễn Dực Mạnh, mẹ Nguyễn Thì Hạn, con trai Nguyễn Mạnh Hiến.
Ngoài ra còn tờ giấy viết tay của lão Mạnh, giấy ghi rằng sau
khi Hiến được mười tám tuổi, gia tài sẽ chia làm hai, nửa cho trưởng nam Nguyễn
Mạnh Khôn, nửa để lại cho Nguyễn Mạnh Hiến có chữ ký chứng kiến của vài người ở
địa phương và mộc đỏ xác nhận của xã trưởng.
Vợ chồng Khôn bàng hoàng không tin vào mắt mình.
Nhưng Tri huyện Phan Văn Toản mới được bổ nhiệm nghe đâu là cháu
ruột của bà Mạnh. Vụ án trước đây Tri phủ Bàng xử ép gia đình bị ông ta ghim
trong bụng bèn không tra rõ ngọn ngành mà ký xác nhận buộc khi Hiến đến mười
tám tuổi Khôn phải chia nửa gia tài cho Hiến.
Tất nhiên, mợ Hai Khôn không dễ gì tin điều này là sự thật. Ông
Mạnh tuy có lăng nhăng nhưng rất yêu quí con cái. Nếu như có con rơi con rớt
bên ngoài, ông cũng sẽ đem về nhà cho mẹ con họ danh phận. Chuyện có con trai
với dự định chia cho nó nửa gia tài là không thể nào. Bây giờ, ông ta đã chết,
chỉ có mấy giờ giấy chưa chắc do chính ông ta viết ra lại có thể sang đoạt tài
sản cả đời tích cóp dành cho con trai ông là Khôn hay sao?
Người bày ra chuyện này nhất định có thù sâu oán nặng với gia
đình nhất định là kẻ có quan hệ chi đó, và nhất định họ cũng là người có thế có
thần mới tạo ra được vở kịch này.
Hoa đem chuyện bàn với cha mẹ và chị Hai, anh Ba. Bạch Tước trầm
ngâm một hồi rồi nói:
- Để chị lên gặp bà Tuần phủ trình bày khúc nôi, hy vọng bà sẽ
nói với chồng trợ giúp.
Mặc dù Tri phủ Bàng đã mất, nhưng đồng liêu và cấp trên nghĩ đến
việc anh hy sinh khi đang thực thi nhiệm vụ nên đề xuất bổng lộc vẫn cấp đều
đặn cho bà Huyện nuôi con. Và lần nào bà Tuần Phủ Liễu Trân về cũng ghé qua
thăm Bạch Tước nên họ có giao tình. Tước nghĩ rằng Trân sẽ giúp mình truy ra
trùm cuối phía sau.
Riêng Thùy. Trước nay cứ tưởng loại được Nhân ra khỏi gia đình
thì thân thế của nó chỉ là cháu ngoại. Chị ta không thể ngờ được ông bà Bá Hộ
lại giao Nhân cho Bàng làm trưởng nam. Như vậy mộng cai quản nhà họ Cao của chị
ta đã tan theo mây khói.
Cho nên, khi Tri huyện Bàng bị ám sát, Thúy đã không dưới hai
lần chỉ vào mặt Nhân mà chửi:
- Mầy là sao chổi. Mầy tới đâu là toàn gia tru lục ở đó. Nhà Tri
phủ đang yên đang lành, mầy trồi về khiến bị như vậy. Thứ đồ sát cha hại mẹ.
May mắn cho tao đã đưa mầy ra khỏi nhà từ lâu chứ không thôi ám khí của mầy hại
chết tao rồi.
Nhân mím môi không nói gì, nhưng trong ánh mắt nó sôi sục một
nỗi căm ghét. Tình cảm tám năm mẹ con đã từ lâu không còn đọng lại trong nó chút
gì. Nỗi đau mất cha, hay đúng ra là mất người cậu ruột mà nó luôn ngưỡng mộ và
kính trọng. Nó đã tự hứa với lòng sẽ mãi luôn gắn bó với gia đình này để bảo vệ
mẹ nó, chở che cho ba đứa em gái còn nhỏ dại.
Nhân không thể vì tức giận bà mợ này mà bùng nổ, phơi bày sự
hung hãn của mình cho bà ta nhìn thấy. Nó đã bao lần muốn trả đũa Thùy, nhưng
nó còn cậu Thống, còn ông bà ngoại nên nó phải nhẫn nhịn. Với nó thì sao cũng
được nhưng nếu bà ta có gan động tới người nhà của nó thì đừng trách sao nó ác.
Nhưng Bạch Phụng nghe được những lời này. Nó nói lại với mẹ nó.
Bạch Tước rất giận nhưng tang gia còn bối rối nên tạm thời bỏ qua. Bà an ủi con
trai rằng mặc cho ai nói gì thì nói, Nó vẫn là Trưởng nam của Cao Bàng, anh
ruột của ba đứa em. “Bây giờ cha không còn, hãy cùng mẹ giữ vững gia đình không
cho nó đi xuống. Như vậy, dù cha ở nơi nào cũng sẽ mỉm cười. Chuyện bà Thùy để
sau khi mọi chuyện lắng xuống, mẹ sẽ đòi lại công bằng cho con.”
•
Và bà Tuần phủ Liễu Trân vào cuộc. Bà xin phép quan Tuần phủ cho
bà được âm thầm điều tra vụ con rơi con rớt của lão Mạnh. Nếu đúng vậy thì phải
thực hiện di chúc. Còn nếu do người bày mưu lập kế hãm hại với mục đích cướp
tài sản của vợ chồng Khôn thì nhất định bọn chúng sẽ bị trừng trị.
Quan Tuần phủ đồng ý, cấp cho vợ hai thám tử để hỗ trợ.
Trong vòng một tháng, Liễu Trân điều tra ra kẻ đứng phía sau xúi
giục mọi chuyện là Tri huyện mới nhậm chức: Phan Văn Toản.
Tên Toản trước đây là xã Trưởng xã bên cạnh. Có họ hàng thân
thích với bà Mạnh. Chiếc ghế Tri Huyện hắn ao ước từ lâu, cứ nghĩ khi ông Lê
Thủ Niên về hưu là anh ta sẽ đương nhiên kế thừa. Ngờ đâu hắn không được chọn.
Trong khi đó Bàng lại không qua chức danh Tri huyện mà đi thẳng lên Tri phủ.
Hắn ghim mối hận này trong lòng, mới bày ra vụ ám sát để trống cái ghế đó mà
lên thay. Nhưng hắn chỉ toại nguyện ở vị trí quan huyện. Vậy bày ra chi thêm
cảnh vợ lớn vợ bé, con rơi con rớt nữa chứ?
Do hắn tham và muốn nâng đỡ mẹ của vợ bé. Chơi với ông Mạnh
thân, hắn trộm sổ sách của lão Mạnh để nhái chữ viết. Cho nên văn thư làm bằng
chứng thưa kiện là do một tay hắn thảo. Tưởng đâu đầu xuôi đuôi lọt, nhưng
không may cho hắn, thám tử điều tra đã bắt gặp hắn dùng cơm tại nhà bà Hạn, hai
bên nói cười vui vẻ. Đúng là ăn không biết chùi mép. Tức tốc quan Tuần Phủ bắt
mẹ con bà đến công đường tra hỏi.
Sự thật được phơi bày. Bà Hạn bị đánh năm mươi gậy, tịch biên
nhà cửa đuổi ra khỏi huyện. Tên Toản bị cách chức Tri huyện, chịu năm mươi gậy
và đóng trăn giải vào tù thọ án giết người cùng với tội danh giả giấy tờ cướp
đoạt tài sản.
Cái chết oan khuất của Tri huyện Bàng được sáng tỏ. Gia đình họ
Cao trở lại những ngày tháng bình yên, chỉ có nhà Cao Bàng là tổn thất nặng nề.
Nhưng Bạch Tước cũng biết cách vực dậy mình để làm chỗ dựa cho các con.
•
Hết chương 04.
Còn tiếp chương 05.
Lê Nguyệt