Hôm nay thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Truyện dài: THẰNG KHÁ CON AI? (03) (12/11/2024 14:02 PM)
Nguyễn Thành Nhàn

Chương 03: Một hôm, bà Liên kêu bà lại nói là sẽ nuôi bà suốt đời coi nhau như chị em nhưng với một điều kiện thôi.
 


Bà phải nhận thằng nhỏ chưa thôi nôi làm con. Nhận bằng danh nghĩa vì nuôi nấng nó có bà chủ rồi. Bà Liên nói thấy thằng nhỏ bị bỏ rơi tội nghiệp nên lượm về nuôi, sợ mấy đứa con không cho, lo má nó cực. Nên bây giờ bà cần người đứng ra làm má nó để bà nuôi. Sau này cho nó biết sự thật rồi nó muốn ở với ai thì ở.
 
Bà Tư ừa liền. Chuyện gì chứ chuyện đó dễ ụi. Bà Tư vốn không ưa con nít, nên trước mặt bà Liên thì ra vẻ cưng yêu chìu chuộng thằng Khá lắm. Nhưng khuất mặt là đập vô đít nó bộp bộp, mắng chó chửi mèo.
 
Vậy mà khi Khá lớn hơn, độ ba, bốn tuổi gì đó, bà Liên đi đâu hay dắt nó theo. Mà hễ mỗi lần thằng Khá tách khỏi bà là y như rằng bà thấy hai đứa nhỏ trần truồng chạy nhảy trước mặt. Cứ cãi qua cãi lại mầy kêu tao bằng gì thiệt là nhức óc.
 
Rồi thì bà Liên mắc chứng bịnh nan y. Liệu mình không sống được bao lâu mới kêu bà Tư vô, đưa cho bảy chỉ vàng. Năn nỉ bà đem thằng Khá đi, nuôi nó để sau này nhờ cậy tuổi già. Bà ân cần dặn dò hãy cho nó học hành tử tế sau này có ích cho xã hội và báo ơn bà Tư. Nhận tiền xong, hứa hẹn với bà Liên đủ thứ nhưng cuối cùng khi bà Liên mất, bà định trốn đi nhưng thằng con lớn đã kịp thời bắt bà dắt “Con trai” của bà theo. Nghĩ tình bà bầu bạn với má họ từng ấy năm nên cũng cho bà một số tiền kha khá.
 
Nuôi thằng Khá bất đắc dĩ như vậy nên làm sao mà bà thương nó cho được?
 
Có tiền trong tay rồi bà mướn nhà trọ, đem thằng nhỏ nhờ người ta chăm sóc, cũng trả cho họ ít tiền để bà đi “lội chồng”. Nhưng bà đã ở tuổi sắp sĩ sáu mươi rồi, ai mà dòm ngó nữa. Se sua, chưng diện chẳng mấy chốc trắng tay. Không còn tiền trả phòng trọ mới lếch thếch dắt thằng Khá ra ở gầm cầu. Từ đó, bà đày thằng nhỏ đi lượm ve chai về để nuôi bà. Mà lúc ấy thằng nhỏ mới có sáu, bảy tuổi mà thôi. May sao, nó quen được với ông Sáu nên bà mới về được nơi này.
 
Thằng Khá làm sao biết được nó là đứa bé được bà Liên lượm ngoài đường về. Bà Tư cũng không ngu gì mà nói. Hiện tại, bà đ*ang cần nó mà.
*
Nhắc lại chuyện ghiền số đề của bà Tư. Nợ ngập đầu mà chưa biết lo. Ngày chí tối cắm đồ vô bàn tán, phân tích xem chiều xổ con gì. Thấy bất cứ hiện tượng chi chiều lại bà nghiệm cũng ra rồi tức. Như tối thấy chiếc xe đạp, chiều xổ 00 bà nói chiếc xe có hai cái bánh là hai con số 0 chứ gì nữa. Rồi tức ấm ách sao không nghĩ ra sớm.
 
Mấy bà bạn chung hội ghiền đề nói với bà rằng:
- Bà sui rủi quá, bà nói hay lắm, chắc mẻm. Làm tụi tui tin tưởng đánh theo bà, đánh con cá trắng chiều ra con cá đen. Hay là bà đi lên chỗ cô Bảy cầu dừa mà xem một quẻ. Nghe đồn cô Bảy nầy xem bói hay lắm đó.
- Coi bói mà có cho số mình đánh trúng hôn?
- Sao hông? Cổ chuyên gia cho số mà. Người tới coi đen nghẹt. Không đi sớm có khi phải về không đó.
 
Bà Tư suy nghĩ dữ lắm. Mình xui thiệt mà. Đầu óc lúc này cứ lo ba cái vụ nợ nần nên không nghĩ ra con số sờ sờ trước mặt. Hay mình nghe lời họ lên cô Bảy nhờ cổ khai sáng thử coi sao. Hễ đánh trúng vài bận có tiền rồi thì mình sẽ chơi nhỏ lại cho vui không nợ nần ai nữa thì khỏe re. Chứ cái đà này có ngày trốn nợ thì biết đi đâu mới có chỗ ăn chỗ ở ngon lành như vầy? Vã lại, tiền bạc đâu mà đi trốn chứ?
 
Mấy ngày sau, bà cũng chịu khó đi bộ khoảng mười cây số. Mặc cho trời nắng chói chang, nóng như thiêu đốt, mồ hôi nhễ nhoại. Rồi bà Tư cũng tới được nhà cô Bảy cầu dừa.
 
Nhà cô Bảy cách lộ cái chừng hai cây số, nằm sâu trong vườn, trên đường vô nhà cô nhà người ta trồng đủ thứ trái cây bốn mùa như soài, mận, cam quit, mía và đặc biệt vùng đất nầy rất thích hợp cho cây dừa. Người dân nếu có đất khó trồng lúa, hoặc cây ăn trái thì mọi người đào lên liếp hết đem trồng dừa.
 
Cây dừa dễ trồng, lại không tốn công chăm sóc nhiều nên dần dà nhà nào cũng trồng, nhiều thì vài trăm cây ít thì quanh nhà cũng trồng đôi ba cây để lấy bóng mát và tiện thể cho con cháu uống giải khát.
 
Hơn nữa cây dừa được tận dụng tất cả, từ ở gốc cho đến tận ngọn không bỏ đi thứ gì, thân thì làm cột nhà, làm cầu bắt qua những con mương, con lạch, tàu dừa dành làm củi, lá dừa chuốt sạch làm cây chổi quét nhà, lá để nhóm lửa. Tiện lợi nhất là làm đuốc đi đêm cho hàng xóm lại nhà nhau chơi. ...Điều hay nữa là cái ngọn cây dừa phần còn non, mọi người thường gọi là củ hủ dừa ăn vừa giòn vừa ngọt, được chế biến được nhiều món ăn rất ngon, cụ thể là gỏi gà củ hủ dừa, gỏi tôm củ hủ dừa, vậy đó.
 
Sau nầy người ta tiến bộ hơn làm ra nhiều mặt hàng lưu niệm, hàng mỷ nghệ đem xuất khẩu được người nước ngoài yêu thích lắm. Nhà ai cũng có trái dừa khô có nắp đậy làm cái bình đựng bình trà, nóng lâu dữ lắm.
 
Nơi cô Bảy ở có nhiều mương lạch, quanh năm sình lầy nước đọng nên người ta lấy cây dừa làm cây cầu bắt qua những mương rạch đó cho dễ đi. Lâu ngày mọi người truyền miệng nhau muốn đi tới nhà cô Bảy thì phải qua nhiều cây cầu dừa nên cô có biệt danh là cô Bảy Cầu Dừa là vậy.
 
Cô Bảy tuổi chừng từ ba mươi mấy đến bốn chục là cùng. Không ai đoán được tuổi của cô vì cô trông trẻ lắm. Cô có làn da trắng nõn giống như mộng trái dừa vậy, mỗi khi trời nóng bức nó lại chuyển qua trắng hồng hồng. Đàn bà con gái miệt vườn là vậy, không cần dồi phấn thoa son hay dùng bất cứ mỹ phẩm nào nhưng các cô lại toát lên vẻ đẹp độc đáo của gái quê,.
 
Riêng về cô Bảy thì đẹp hết chỗ chê. Da trắng, tóc đen, môi đỏ. Làn môi của cô hơi vểnh lên một chút trông có vẻ kiêu sa luôn ươn ướt và mọng nước mỗi khi cô cười nói. Dáng người của cô Bảy cao ráo, mái tóc dài óng mượt được cô khéo léo bới lên phía sau, mỗi khi cô di chuyển thật nhẹ nhàng.
 
Nhiều chàng trai giả bộ đến tìm cô, nhờ cô giúp chuyện nầy chuyện nọ, tuy rằng không có gì quan trọng cả, chỉ kiếm cớ cho được nhìn ngẵm người đẹp mà thôi.
 
Không ai biết cô Bảy tên gì học lớp mấy, và cũng không ai biết cô Bảy có học qua khóa tâm linh, huyền bí nào hay không? Mà cô Bảy từ người bình thường bỗng nhiên biết những điều tâm linh, biết xem tướng, xem bói, giải trừ kiếp nạn, giúp cho người đi xa bỏ gia đình phải quay về sum họp, cô còn biết trừ ma bắt quỷ nữa. Thôi thì bất cứ những chuyện gì liên quan đến tâm linh, huyền bí cô cũng có thể nhìn ra và khắc phục được.
 
Tiếng tăm của cô mới đầu chỉ đôi ba người vì tò mò mà đến, nhưng càng về sau thì sự nổi tiếng của cô lan tỏa khắp vùng, nhiều người rất kiêng nể cô, mỗi khi ai đó nói về cô thì luôn có câu:
- Cô Bảy hay lắm đó, đừng có đùa giỡn với cổ, cổ mà biết có người chọc phá hay nói xấu cô thì chết à nhen, khi có chuyện cần cổ không có giúp thì ráng chịu .
- Mà cũng đừng có dại mà nói lén nhen, cô Bảy biết hết đó.
- Sao kỳ vậy, tại sao cô ta biết có người nói lén vậy?
- Ừ thử đi rồi biết, âm binh của cô Bảy đông lắm. Ở đâu cũng có, nó về nói cho cổ biết chớ sao. Có bận, thằng chồng kia bỏ con vợ đi cặp với nhân tình, vợ ở nhà nuôi con mòn mỏi ngóng trông chồng. Nghe người ta điềm chỉ mới lên cô Bảy xin bùa ếm cho chồng dìa. Cô cho một lá bùa, kêu vợ về mua con cá lóc còn sống nhăn, cuộn lá bùa lợi nhỏ xíu đút vô miệng nó rồi ra mương thả. Vậy mà linh thấy ghê. Vài bữa sau chồng quay về. Từ đó ở nhà với vợ luôn không đi đâu nữa.
 
Người ta còn nói thêm, đặc biệt ai lại nhà cô nhờ cô xem bói hay bất cứ chuyện gì, dù nghèo hay giàu muốn cúng bao nhiêu tùy hỉ, không có tiền thì cái bánh, vài ba trái cây, hay ốp nhang cô đều tươi cười vui vẻ đón nhận, không bao giờ ép buộc ai phải cúng đàng hoàng cả .
 
Cô Bảy cầu Dừa, theo lời đồn coi bói rất là chính xác. Lần đầu gặp mặt mà cô ta gọi tên ngay chóc, nói vanh vách như người trong nhà, không cần suy nghĩ hay cầm tay lên săm soi ... có mấy anh nghe đồn cũng hiếu kỳ, chịu khó tới nơi cốt để được xem tận mặt người đẹp, lập tức bị cô gọi ngay tên và trách móc, mặt họ sượng ngắt, chết đứng giống như Từ Hải trong truyện Kiều vậy. Chuyện khó tin mà có thật mới ghê chứ .
 
Cô Bảy người đẹp vậy mà không có chồng con gì cả , hễ có ai hỏi cô Bảy ơi cô vừa giỏi vừa đẹp gái vậy sao cô không lấy chồng thì cô cười tươi. Tiếng cô trong trẻo như gái đôi mươi rồi thủng thỉnh nói:
- Tui cũng thích có con lắm chớ.
 
Mà hễ mỗi khi tui nghĩ muốn lấy chồng thì lại bị bệnh, mệt người lắm. Sau đó tui phải dọn người sạch sẽ, rồi khấn vái mấy ngày liền mới khỏi đó chớ, bị mấy lần rồi nên thất kinh hồn vía, sau hổng dám tơ hào tới chuyện chồng con. Ở vậy cho rồi.
 
Rồi cô cũng pha trò cùng mọi người:
- Có khi mấy ông tướng, ổng không cho tôi đi lấy chồng, mấy ổng sợ tôi lấy chồng rồi quên công việc, quên mấy ổng đi chăng?
 
Bà Tư sau nửa ngày đường mệt mỏi thì cũng tới được nhà của cô Bảy. Mặc cho hai chân mỏi nhừ, đi ngang mấy cái cầu dừa cứ hồi hộp sợ rơi xuống. Vào tới nhà thì cổ họng bà khô đặc đi, cái ý nghĩ khi tới nơi bằng mọi giá, bà phải năn nỉ cô Bảy giúp cho mình vượt qua cơn khó khăn nghèo khổ nầy mới được.
 
Bà lấy cái nón lá khỏi đầu quạt nhè nhẹ cho ráo mồ hôi rồi bước vào trong, cái bà nhìn thấy đầu tiên là một bàn thờ, khói nhang nghi ngút, đôi mắt bà cay xè, chợt có tiếng người nói:
- Trèn ơi dữ hôn hôm nay tới tận đây rồi.
 
Theo cô biết thì nhà xa lắm phải hôn Tư?
 
Bà Tư hết sức ngạc nhiên ủa ai mà hỏi như biết mình vậy cà? Bà chớp chớp mắt mấy cái cho quen với ánh sáng tù mù trong ngôi nhà, nhìn lướt qua chỉ thấy ở tấm phản cây kê sát vách có hai người đàn bà và một người đàn ông đang ngồi tán chuyện với nhau và cạnh bàn thờ giữa có một người phụ nữ dáng dẻ có vẻ thảnh thơi đẹp người lắm, bà nghĩ chắc người nầy là cô Bảy đây.
 
Bà Tư chưa vội trả lời mà nhìn kỹ một lượt nữa xem có ai quen hay không chỉ thấy toàn người xa lạ hết thảy, thì lại chợt nghe giọng thanh tao lúc nãy nói tiếp:
- Tư đi đường chắc mệt và khát nước lắm hả?
Qua bên kia uống nước và ngồi chờ chút đi.
 
Bà hết sức ngạc nhiên. Tại sao trong ngôi nhà nầy không có ai quen biết mà lại có người kêu mình tới hai lần vậy trời? Chợt bên bộ phản cây có một người đưa tay ngoắc lia lịa:
- Bà qua đây ngồi nè .
 
Bà nhẹ nhàng đi qua ngồi chung với ba người bên tấm phản cây. Lúc nầy bà mới nhìn thật kỹ cô Bảy Cầu Dừa. Đúng như lời đồn cô Bảy thật là ngộ người hết sức. Hôm nay cô diện một bộ đồ trắng bằng lụa Mỹ a bóng mượt, loại vải này rất hiếm bây giờ, tay cầm cây quạt làm bằng cái mo dừa phe phẩy giống như tiên nữ vậy.
 
Giữa nhà có cái bàn thờ, bên trên thờ cái tượng người đàn bà bận đồ hoa hòe mặt tô son điểm phấn rất đậm. Hai bên tượng treo thật nhiều tấm liễn bằng giấy viết chữ bùa ngoằn ngoèo, bà sợ sệt nhìn bức tượng giống như cô đào hát bội thường hát trong các miễu hay trong các đình làng.
 
Trên cái bàn thờ có cúng mấy dĩa trái cây, nhang tỏa khói mịt mờ làm cho bên trong càng thêm huyền bí. Bà Tư ngó nhanh qua gian nhà xong quay lại hỏi chuyện hai người đàn bà ngồi chung:
- Hai chị tới lâu chưa?
 
Cái cô đẹp người bên kia có phải là cô Bảy hay không vậy?
- Tụi tui tới hơi lâu rồi. Ờ cô đó là cô Bảy, cổ mới vừa xem xong một người và đang nghỉ mệt thì bà tới.
 
Vừa nói tới đây thì bà kia chợt hạ giọng nói nhỏ vừa đủ cho bà Tư nghe:
- Chắc bà mới tới đây lần đầu nên bà không biết chớ cô Bảy hay lắm, giống như có nuôi ngãi nói vậy.
 
Chuyện gì trong nhà bà cô điều biết hết thảy, mà có phải bà là bà Tư không?
- Dạ phải rồi.
- Thấy chưa bà mới gặp lần đầu tiên mà cổ gọi tên bà liền đó ,thấy hay chưa?
 
Lúc nầy bà Tư mới biết là lúc nãy vô đây có người gọi tên bà tới hai lần thì ra là cô Bảy , mà cô Bảy từ xưa tới giờ có quen biết bà đâu mà gọi tên bà? Quả là lời đồn thật không sai, giờ đây chưa tới lượt bà xem mà bà đã tin tưởng cô Bảy nhiều lắm rồi .
 
Chờ một lúc thì cũng tới từng người. Bà Tư đến sau nên phải chờ đến lượt mình. Bà tranh thủ nhìn mấy người xem trước để lấy kinh nghiệm cho bản thân. Bà thấy ai cũng tỏ vẻ tôn kính cô Bảy hết sức, nói chuyện thì dạ thưa, mỗi khi cô hỏi thì trả lời sốt sắng không che giấu.
 
Còn riêng cô Bảy thì nói chuyện nhỏ nhẹ thái độ niềm nở, khiến cho người xem càng yên tâm và kính nể cô khôn xiết. Không biết cô xem có đúng hay không mà ai nấy khi xem xong, khuôn mặt người nầy vui vẻ, mà người khác thì tỏ ra lo âu.
 
Bà Tư ngồi ngoài sốt ruột lo lắng hết sức luôn, bà van vái trong lòng đừng có cho bà gặp những điều xui xẻo, bà rút kinh nghiệm ba người xem trước. Bà nghĩ bụng bà phải nhớ và hỏi hết những chuyện mà bà muốn biết không để sót cái gì, bởi một lần đi là một lần khó.
 
Sau một hồi xem hết mấy người kia xong cô Bảy lấy ly nước dừa để bên cạnh uống từ từ vài ngụm và đứng dậy đi thẳng ra nhà sau không nói một lời, để lại bà Tư ngồi một mình trên phản gỗ. Bà Tư nghĩ chắc có lẻ cô Bảy mệt nên nghỉ một lát.
 
Trời lúc nầy cuối tháng tư âm lịch nên thỉnh thoảng có những cơn mưa trái mùa, gió đến rất nhanh và mây đen kéo tới cũng lẹ. Mới khi đi nắng chói chang thì giờ đây mây đen kéo tới bầu trời xám xịt gió thổi từng cơn, những tàu lá dừa ngã qua ngã lại khua vào nhau xào xạc, nước mưa trên trời đồng loạt rơi xuống mặt đất ào ạt.
 
Gió thổi tung những gì mà nó gặp trên đường và gió cũng đã thổi trúng vào khuôn mặt bà Tư khiến tóc bà rối bời, bà rùng mình, không biết do lạnh hay thấy sợ không gian yên tĩnh lạ lùng này.
 
Bà đưa tay lên bới lại tóc, nghĩ bụng không biết có điềm hên hay xui gì đây mà tới phiên bà gặp cô Bảy thì trời mưa lớn quá. Đang lúc bần thần thì cô Bảy từ trong bước ra:
- Mưa trái mùa lớn quá. Ngày mai ra chợ mặc sức mà mua ếch về ăn. Bà Tư ưu tư chuyện gì mà ngó ra sân hoài vậy? Qua đây.
 
Bà Tư hơi giựt mình, lo suy nghĩ mông lung mà không biết cô Bảy ra hồi nào, đến khi cô gọi bà mới bừng tỉnh rồi bối rối đáp:
- Dạ cám ơn cô Bảy quan tâm.
 
Bà tới ngồi gần cô Bảy. Trên người cô sức nước hoa tỏa hương thơm nhè nhẹ. Tóc cô thoa dầu dừa láng mượt, chắc có lẽ biệt danh cô Bảy Cầu Dừa cũng có một phần nào về mái tóc mượt mà đẫm dầu dừa đây.
 
Bà Tư cũng bắt chước mấy người xem trước lấy từ trong túi ra chút đỉnh tiền để trên cái dĩa cạnh bàn thờ mà bà đã chuẩn bị sẳn ở nhà. Số tiền nầy bà phải tiện tặn trong những ngày bà bán bánh không dám đem ra đánh đề. Nó tương đương một trăm cái bánh tai yến của bà đó chớ.
- Dạ nhà nghèo tui chỉ có vậy để cúng, cô thông cảm nhen cô.
 
Cô Bảy cười ngất nói:
- Thật là ngộ à nghen.
 
Cô đã nói hoài mọi người tùy tâm. Cô đâu có đòi hỏi bất cứ cái gì. Mọi người tin tưởng cô tới đây là cô vui rồi, có gì mang tới cũng được, không có gì cúng cũng xong mà. Mâm cao cỗ đầy hay miếng bánh gói trà cô cũng coi như nhau thôi. Mà cô Tư mầy đây nhà còn chưa có. Phải đi bán bánh dạo để sống mà đem tiền cúng làm chi? Lấy tiền đem về đi tổ quở lắm à.
 
Bà tư vừa nghe tới đây, bên ngoài vẫn còn mưa, thỉnh thoảng có vài cơn gió lùa vào lành lạnh, mà trán bà rịn mồ hôi, lổ tai lùng bùng cơ hồi muốn té xỉu. Trời ơi có thiệt không đây, mới gặp lần đầu mà cô Bảy biết tới vậy sao?
- Dạ con cũng biết vậy, nhưng đây là thành ý, hơn nữa có đáng là bao con xin cô dâng lên tổ nghiệp nhen cô.
 
Bà Tư đổi giọng, ban dầu định xưng tui, giờ vì quá sức tin tưởng nên đổi thành con hồi nào không biết.
 
Cô Bảy không nói gì để mặc cho bà Tư để tiền lên cái dĩa xong xá ba xá vào bàn thờ rồi nói chậm rãi:
- Tiền thì để đó đi lát tính. Bây giờ bà muốn cô xem chuyện gì?
 
Bà Tư nghẹn ngào thổ lộ:
- Dạ thưa cô, không biết vì sao, cái số con nó lận đận quá, làm cái gì cũng không thành công, có quen biết và ăn ở với mấy ông, xong một thời gian ngắn họ cũng bỏ đi, thậm chí con mang bầu mấy ổng cũng không ngó ngàng gì, mặc cho con tự lo lấy, để con một mình bươn chảy. Thân đàn bà dặm trường cực khổ, con phải đi phiêu bạt tứ xứ mà cái nghèo đói song song với khổ cực nó cứ bám theo đôi chân con mãi. Con cố gắng hết sức để bỏ nó lại mà không được, là tại sao hả cô? Mong cô chỉ dạy giúp con với.
 
Cô Bảy cầm tay bà Tư lên xoay qua xoay lại nhìn trong lòng bàn tay xong nhìn thẳng vào mặt bà Tư một hồi. Cô yên lặng một lúc. Ngoài trời mưa đã ngớt, trong nhà im ắng rợn người. Bà Tư nóng lòng muốn nghe cô Bảy phán cho mình thầm mong cô chỉ dẩn cho bà thoát cảnh nghèo đói mà cụ thể là cho bà những con số để bà đánh trong vòng bảy ngày đều trúng nhưng không dám nói ra. .
 
Sau một lúc cô Bảy lại hỏi:
- Bà phải nói thật lòng với Cô. Bà phá thai mấy lần lúc sau này cô không quan tâm. Cô chỉ muốn hỏi cái thai lần đầu tiên khi bà mới mười sáu tuổi. Cái thai đó trai hay gái, và cha của nó là ai tên gì? Hiện giờ ông ta ở đâu, không được giấu giếm, hiểu chưa?
 
Bà Tư nghe lạnh khắp mình mẫy, cắn môi lại suy nghĩ. Trời ơi, chuyện đời cố lũy cố lai vậy mà cô Bảy cũng biết. Nhưng bà có nên nói ra sự thật hay không, sự thật đó bà luôn cất giữ tận trong lòng bà. Bỗng dưng bà liên tưởng tới hai đứa nhỏ trần truồng chạy nhảy trước mặt. Hai đứa đó có liên quan chi tới bà đâu? Thật ra, bà chỉ phá thai có một lần năm đó.
 
Còn thằng Khá? Nó đâu phải do bà sinh ra, nhưng bà không nói với ai chuyện này cả. Cũng có đôi lúc người ta hỏi bà sao lớn tuổi mà sanh được thằng Khá nhưng bà chỉ cười trừ trả lời:
- Ừ thì nó là con tui, tui đẻ, tui nuôi vậy thôi.
 
Những người hỏi bà cũng thừa biết bà không muốn trả lời, họ cũng nghi ngờ bà muốn dấu giếm chuyện gì đó mà chẳng cho ai biết. Giờ đây cô Bảy lại hỏi, bà cũng không muốn trả lời. Nhưng nếu không nói ra thì với khả năng mình, cô Bảy cũng sẽ biết rồi liệu cô có giúp mình không? Thật tình mà nói bà không biết trả lời sao nữa, bà rụt rè hỏi ngược lại cô Bảy:
- Cô ơi, cô có thể tìm câu hỏi khác thế câu hỏi đó không cô?
 
Bởi vì con muốn không cho ai biết sự thật đó cả.
 
Cô Bảy bình thản, hàng ngày cô tiếp chuyện nhiều người, câu hỏi đó cô từng hỏi rất nhiều người như vậy. Cũng có người trả lời liền nhưng cũng có người ngập ngừng không muốn nói giống như bà Tư. Cô Bảy một người thừa kinh nghiệm trong chuyện đó nên cô giả bộ thở dài và nói nhỏ nhẹ để đánh đòn tâm lý vô bà Tư:
- Cô nghĩ chuyện đó, không có gì quan trọng cả.
 
Cô đã từng giúp cho nhiều người có hoàn cảnh thật là đau khổ éo le. Có người còn định quyên sinh nữa kìa. Nhưng nhờ họ mạnh dạn cho cô biết rồi tổ của cô đã giúp cho họ vượt qua một cách dễ dàng. Sau nầy họ tới đây hành lể cám ơn quá trời. Còn bà nếu nói ra được thì tổ cô sẽ giúp, bằng không nói ra được thì thôi, cô hết cách , cô thật xin lỗi.
 
À mà cô nói câu nầy cho nghe nè, nếu bà nói ra cô cùng với tổ của cô sẽ giữ bí mật không bao giờ nói ra, lâu dần sẽ chìm vào quên lãng.
 
Bà Tư trùng trình chưa dám mở lời. Sự thật đàng sau quá sức ê chề sao dám phanh phui với ai cho được. Thấy bà có vẻ ngập ngừng, cô Bảy cười:
- Nói vậy để bà tự nguyện trình bày, chứ bà không kể thì cô cũng đã biết hết rồi.
 
Đi lên tới đây mà không thành thật thì cô cũng không muốn coi cho bà đâu. Nhưng cô có lời khuyên như vầy: Bà bỏ cờ bạc đề đóm đi, lao động chân chính tìm miếng ăn nó sẽ bền vững, đừng hy vọng đổi đời bằng cách này nếu không muốn ngày một lụn bại.
 
Cho bà biết thêm, bà sống thiếu đức quá nên lúc nào cũng có vong theo đeo bám. Tu tĩnh lại đi mới hy vọng vượt qua được kiếp nạn này. Sắp tới rồi đó. Số tiền kia bà cầm về đi, cô không làm gì được cho bà nên không nhận.
 
Nói xong cô Bảy đứng dậy, tỏ ý muốn đuổi khách. Bà Tư ngơ ngác, những điều muốn hỏi chưa kịp mở miệng thì cô Bảy lại nói tiếp:
- Bà về đi. Cô từ chối trả lời những câu hỏi tiếp theo của bà. Cô cũng không cho số bà chơi đâu. Chắc bà không biết là cô bài xích vụ cờ bạc. Về đi nghen. Cô phải nghỉ ngơi rồi.
 
Cô Bảy lạnh lùng khác với vẻ đon đả lúc đầu. Bà Tư thất vọng đứng dậy định bước ra, chợt nhớ tới tiền liền quay trở vô chộp lấy mới quay quả ra về.
.
Hết 3.
Nguyễn Thanh Nhàn
·         
Hết chương 03.
          Còn tiếp chương 04.
 
Nguyễn Thành Nhàn
 
 Trở về
Các bài viết khác:
Truyện dài: CON TỪ MẸ (02) (24/11 05:36:46 AM)
Truyện dài: CON TỪ MẸ (01) (22/11 16:34:20 PM)

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo