Cô nhất định mùa hè năm nay sẽ đưa con gái về quê làm lại khai
sinh cho nó. Chính vì vẫn còn mang họ Lương nên cô vẫn còn nhiều tiếc nuối cho
con. Bé Trân phải tuyệt đối cắt đứt huyết thống với người cha tầm thường đáng
khinh bỉ nầy. Cô mừng vì mình đã chấm dứt với hắn ta, bằng không, nỗi nhục khi
chồng dan díu với người đàn bà không bình thường về tâm lý sẽ ám ảnh mãi trong
lòng cô.
Thời gian trôi qua thật nhanh, đã đến ngày Cúc đưa con trở về
nơi cô đã bỏ đi. Nhà má và nhà ba Vạn của Trân cũng không xa nhau là mấy. Sự
trở về của Cúc chắc chắn rằng họ sẽ hay. Vạn: Lương Văn Vạn, người mà thời con
gái thanh xuân cô đã ngu muội trao thân để rồi ba năm về nhà họ, cô đã nhận lấy
biết bao tủi nhục ê chề…
Vào tới địa phận Ba Tri, xe chạy ngang cánh đồng bát ngát trồng
toàn rau củ. Cúc chạnh lòng nhớ tới mảnh giồng hoa màu nhà Vạn, chỉ khoảng hơn
hai công đất, một mình Cúc phải tưới cả ngày. Họ không đóng cây giếng bơm để dùng
motour tưới mà buộc cô phải gánh cặp thùng thiết tưới từng hàng. Ban đầu Cúc
cũng buồn, sau đó cô xem như đây là niềm vui, suốt ngày ở ngoài giồng, tới bữa
cơm thì vô nấu.
Má Vạn còn khỏe, em chồng gái, em chồng trai có đủ mà ai cũng
xem như chuyện đó là bổn phận và nghĩa vụ của cô. Trời ơi, sao lúc ấy mình ngu
si mê muội như vậy chứ? Mình đã phạm phải lỗi lầm gì mà họ nỡ xem mình như kẻ
hầu người hạ?
Cúc nhớ như in. Khi mà Vạn ngoại tình lần đầu, rồi lần thứ hai,
cô vẫn tin rằng anh luôn tha thiết yêu mình như thuở trước, chỉ là bồng bột
nhất thời. Cúc đã hơn một lần thỏ thẻ với anh, hỏi anh không còn thương em nữa
hay sao? Vạn nói: không thương em thì thương ai? Anh có trăng hoa bên ngoài thì
cũng chỉ là ăn bánh trả tiền chứ sao bằng vợ nhà được. Vậy mà Cúc đã tin.
Nhưng cô cũng không ngu ngốc đến nỗi khi mình lặng lẽ ôm đồm quá
chừng công việc nặng nhọc mà Vạn vẫn dửng dưng không hề phụ đỡ, cũng không kêu
em út nấu giùm cô bữa cơm. Má Vạn là loại mẹ chồng gì không hiểu nổi. Khi có
mặt ai, bà khen Cúc đảm đang tháo vát, gồng gánh nhà chồng. Nhưng khi chỉ còn
lại cô, bà tìm đủ lời chì chiết. Tới lúc thu hoạch hoa màu, một mình Cúc hái,
nhất là đậu que, hái cả mấy thúng mà không có ai phụ.
Đêm nằm mệt mỏi rả rời cũng không nghe được tiếng an ủi của
chồng. Hôm sau là má và em gái Vạn đi bán. Một lần, khi Cúc đang hái, có người
đến mua, cô bán cho họ chỉ có mười ngàn, chưa kịp đưa tiền lại cho bà thì vừa
bước vào nhà, bà đã tru tréo đòi tiền. Còn nói một lần bắt được mười lần không.
Thì ra bao lâu nay Cúc đã lén bán biết bao nhiêu rau củ rồi.
An ủi nhất của cô là, hàng xóm thừa biết bà là người đạo đức
giả, miệng nói một đàng tay làm một nẻo. Má Cúc biết con gái mình làm dâu khổ
cực mà vẫn không được chồng thương đôi khi cũng kêu cô bỏ quách về nhà. Nhưng
em dâu Cúc thì…
Gia đình của Vạn, chỉ có chị Hai anh ta là thương Cúc. Chị có
chồng xa, thỉnh thoảng về chơi vài ngày, chứng kiến Cúc suốt ngày không ngơi
tay còn mấy em mình nhởn nhơ, má lại thiên vị nên lên tiếng đòi công bằng cho
cô. Chị không hề biết rằng khi chị rời đi, má chồng đã đối xử với Cúc như thế
nào.
Cúc lắc đầu. Đã nói không nhớ tới nữa rồi mà? Mấy năm gần đây,
bôn ba tìm kế mưu sinh dạy cho Cúc một điều: Cuộc đời con người trải qua bao
khó khăn trắc trở cần phải được mài giũa mới biết thuật tiến lui, biết thời
biết thế”. Cô đã được mài giũa đủ rồi.
Cúc về đến nhà, do không báo trước nên khi vừa trông thấy cô, má
cô sững sờ, khựng lại vài giây rồi ôm chầm lấy con gái duy nhất của mình:
- Cúc. Con đây sao? Bấy lâu nay con ở đâu? Sao không liên lạc về
nhà? Má tưởng cả đời nầy không còn gặp lại con rồi chứ.
Cúc quăng giỏ đồ xuống đất, ôm lấy má. Hai mẹ con khóc ngất
trong tay nhau.
Ba Tiền, em trai của cô trong nhà đi ra, mừng rỡ khi thấy Cúc,
anh nhặt giỏ lên, kéo tay cô:
- Vô nhà đi chị. Vô nhà nói chuyện.
Cúc ôm tay má, dìu bà vào nhà. Gần chín năm mới gặp lại mẹ hiền,
tim cô thổn thức muốn ôm hoài lấy má. Tiền tay xách giỏ, tay dắt bé Trân vào.
Pha, vợ Hiền ở dưới cũng chạy lên, đưa đôi mắt dò xét nhìn chị chồng, nhìn bé
Trân xinh đẹp rạng ngời rồi nhìn lại bé Thục con của Pha mà trong lòng nẩy lên
một sự kiêng dè bức bối.
Tiền giục vợ lấy nước cho chị ruột uống. Pha lẳng lặng làm theo,
tuyệt không tỏ thái độ gì. Má Cúc xoay mặt con gái lại, ngắm nghía một hồi rồi
ngoắc Trân lại gần, mếu máo:
- Trộng điếng rồi nè.
Đi một cái chín năm. Má trông đợi từng ngày. Sau khi con đi, má
với thằng Tiền qua nhà bên đó quậy một trận tưng bừng. Con tui gả cho nhà mấy
người có cưới hỏi đàng hoàng chứ phải theo không đâu mà mấy người đuổi nó đi
như vậy? Muốn gì cũng phải hai họ đôi bên trình bày cho rõ ràng để tui đón con
tui về, có đâu khiến nó tủi nhục không dám về nhà, bây giờ nó đi đâu?
Lỡ làm chuyện gì dại dột ai đền con đền cháu cho tui đây? Rồi
con biết họ nói sao không? Họ nói con ghen tuông vớ vẩn, một hai đòi ly dị rồi
bỏ nhà đi có cho họ hay đâu? Hàng xóm cũng làm chứng cho má là chính bả quăng
đồ con ra đường trước sự chứng kiến của cả nhà bả và láng giềng. Tiền lôi thằng
khốn Vạn ra dần cho một trận, bả la làng cầu cứu mà chẳng có ai can thiệp hết.
Người ta cũng muốn dạy cho nó một bài học đó mà.
Cúc cười cười, ôm cổ má:
- Thôi, chuyện qua rồi bỏ đi má. Nhờ vậy mà con mới thoát khỏi
cái nhà đó. Chịu đựng ba năm cũng đủ rồi. Bây giờ con sống cuộc đời của con
không lệ thuộc ai. Má và em nên mừng cho con.
- Vậy mấy năm nay con ở đâu? Làm sao mà sống?
- Con ở Bình Dương.
Ban đầu cũng mua gánh bán bưng cực khổ lắm nhưng bây giờ ổn định
rồi. Bé Trân nhập học vô là lớp bảy. Con cũng có quới nhơn giúp đỡ bước đầu. Má
yên tâm đi, chờ con mua đất cất nhà thỉnh thoảng rước má lên chơi vài tháng.
- Mua nổi đất cất nhà luôn hả?
- Tích thiểu thành đa mà má.
- Lâu nay sao con không về thăm má?
- Lúc trước thì con không có tiền.
Sau nầy do Trân mắc học. Hè nầy tranh thủ về thăm má với lại sẵn
đây con cũng muốn lên xã khai sinh lại, đổi họ bé Trân thành họ mẹ, chấm dứt
quan hệ với nhà bên đó.
Tiền tức tối:
- Phải rồi đó chị. Không cho cái đám đó nhìn con nhìn cháu gì
hết. Tui nghe người ta nói thằng chả cưới con vợ đực, không sinh đẻ chi ráo
trọi. Ỷ có chút tiền làm biếng nhớt thây. Giồng áng cho người ta mướn làm luôn
chứ ai mà động vào. Nhưng ngồi không ăn thì bao nhiêu cho đủ. Lúc nầy chả chạy
honda ôm ngoài chợ, thằng em đi làm hồ, con nhỏ út cũng ở đâu Bình Dương làm
công nhân, chỉ có bả với con dâu ở nhà nên gây gổ tối ngày. Trời trả báo bả đó
chị ơi.
Rồi như chợt nhớ ra, Tiền phấn khởi:
- May quá, cái vụ khai sanh lại cho bé Trân cũng rắc rối đây.
Nhưng mà để tui gặp anh Lang, con cô Sáu nói với ảnh coi, ảnh mới được bổ nhiệm
về xã làm cán bộ hộ tịch. Má với cô Sáu thân lắm, hôm rồi cổ nói có gặp chị ở
Bình Dương, tui chờ cổ đi chuyến nữa cho số điện thoại chị, chị mà điện về là
tui dắt má lên thăm chị liền.
Cúc ấm áp khi về với gia đình. Ai cũng chào đón không ghẻ lạnh
với cô, đây là niềm an ủi lớn với bản thân người con gái bất hạnh trong hôn
nhân.
Tiền nói là làm liền. Lang sẵn sàng giúp đỡ cô. Trong xóm nầy ai
mà chẳng biết hoàn cảnh của Cúc. Lang còn làm cho Cúc tờ giấy tạm vắng để cô về
đăng ký tạm trú, lâu dần sẽ có KT3 tiện cho việc mua đất và nhập hộ khẩu ở Bình
Dương.
Vậy là Lương Lệ Trân có cái tên mới là Trần Hỉ Trân. Cúc vẫn giũ
nguyên tên con để nó không bị bỡ ngỡ khi nghe người ta gọi tên khác, nhất là
thầy cô và bạn bè của nó. Nhưng từ chữ Lệ buồn thảm cô chuyển thành Hỉ vui vẻ. Khi
gõ tên bé Trân vào giấy khai sinh, Làng cười chúm chím vì cái tên lạ tai: Trần
Hỉ Trân.
Tin Cúc về quê thay đổi họ cha sang họ mẹ cho con sau chín năm
lưu lạc nhanh chóng lan truyền sang xóm trên. Không biết người ta cố tình hay
vô ý nói lại với gia đình Vạn rằng bây giờ Cúc rất giàu sang xinh đẹp, bé Trân
thừa hưởng nhan sắc của mẹ nên mặt mày tươi tắn rạng rỡ. Bà ta không tỏ thái độ
gì trước mặt con dâu, còn cô ta thì liếc ngang:
- Cũng làm gái chứ gì đó mà khoe khoang.
Riêng Vạn thì xốn xang. Anh ta biết Cúc muốn đổi họ cho con có
nghĩa là muốn đoạn tuyệt với quá khứ, trong đó có người chồng bội bạc như anh.
Thật lòng Vạn muốn gặp lại Cúc lắm, muốn biết thời gian qua mẹ con cô sống ra
sao nhưng nhớ đến chín năm trước má mình đã tống cổ cô đi mà mình không hề lên
tiếng cản ngăn và trận đòn của Tiền thì dũng khí trong người anh ta tan biến.
Càng sống với Chuộng, Vạn càng thấy tiếc nuối cô vợ hiền lành
đảm đang năm xưa, mà theo anh nghĩ, má mình cũng đã ân hận lắm rồi.
Cúc ở lại nhà một tuần rồi đi. Má cô núm níu con nhưng yên tâm
không bịn rịn nữa. Vợ Tiền biết Cúc có ý định cư ở bình Dương có nghĩa là sẽ
không tranh chấp tài sản với chồng mình nên cũng không mặt lớn mặt nhỏ với cô.
Bé Thục nhỏ hơn Trân ba tuổi (Lúc Cúc rời khỏi nơi đây cô ấy vẫn chưa sinh con)
học lẹt đẹt năm nay mới vào lớp ba.
Đứa bé nầy trông mặt mày khó khăn, ăn nói cục cằn nanh nọc, nhất
là đôi mắt giống y chang mẹ. Gian gian sao sao. Cúc ngạc nhiên sao Tiền lại
không dạy được con ngoan ngoãn giống như anh thuở nhỏ.
Sáng lại, Trên đường đi làm, Tiền chở Cúc ra bến xe. Anh dặn dò
chị mình:
- Thằng cha Vạn chạy Honda ôm đậu bến nầy. Chị lỡ gặp chả nhớ
đừng cho chả cơ hội trò chuyện nghe hôn. Tui biết bây giờ chả tiếc chị dữ lắm.
Con vợ sau không đẻ chửa gì được nên thế nào gặp chị chả cũng xin nhìn con. Mà
thằng chả hình như cũng còn đứa con của bà An khùng nữa, có điều mấy năm nay bả
đi đâu biệt tích rồi. Bé Trân xinh xắn như vầy chả mà thấy tiếc cho coi. Mà tui
cam đoan chả cũng tiếc chị nữa. Chị bây giờ đẹp hơn hồi đó quá trời.
Cúc phì cười:
- Đẹp gì cậu ơi. Chị ngoài ba mươi tuổi rồi.
- Ba mươi tuổi thì sao? Ngó chị chừng hai mươi lăm thôi. Chị đẹp
hơn mẹ kia cả chục lần.
- Đẹp xấu đâu dọn lên bàn mà ăn được cậu. Nhỏ kia nó có tiền
cung phụng cho gia đình họ nên họ xem trọng.
- Giờ cũng lòi hèm rồi. Ngồi không thì tiền đâu mà ăn hoài.
Trước có chị trồng trọt, họ ngồi không hái trái, giờ đất cho mướn năm, lấy tiền
một lần ăn dọng hết rồi, con mẻ tiền đâu mà lòi ra nữa, chả chạy Honda ôm đó
chị.
- Có khi anh ta khoái ra đường có điều kiện tiếp xúc với người
khác, kiếm chỗ khác đào mỏ đó cậu ơi.
- Thì ai cũng nói vậy. Con mẻ cũng nói vậy nên suốt ngày gây gổ
với bà già chồng.
- Mà thôi kệ họ đi cậu. Chị không muốn nghe tới gia đình đó nữa.
Tới Bến xe, Cúc vào mua vé, Tiền hỏi bé Trân:
- Con biết nguyên nhân vì sao mẹ con đổi họ cho con từ họ Lương
sang họ Trần không?
- Dạ con biết.
- Vậy sau nầy khi ba con tới nhìn con, con có nhận ổng không?
- Dạ, mẹ con kêu sao thì con sẽ làm theo ý mẹ.
- Ngoan lắm. Nhưng có điều nầy cậu muốn nhắc nhở con, mẹ con đã
ngậm đắng nuốt cay trong suốt ba năm làm dâu làm vợ cho gia đình đó rồi. Nhất
định sau nầy lớn lên con phải bảo vệ mẹ con, không cho người đàn ông đã làm
hỏng đời mẹ con có cơ hội làm tổn thương mẹ con thêm lần nào nữa. Con hứa với cậu
không?
Trân ngước lên nhìn Tiền, ánh mắt long lanh, nó mím môi, gật đầu
quả quyết như người trưởng thành:
- Con hứa với cậu. Con sẽ bảo vệ mẹ con, không cho bất cứ ai làm
tổn thương mẹ.
- Ngoan. Đây là bí mật của cậu cháu mình nhen.
Trân gật đầu. Đưa ngón tay móc ngoéo với cậu. Tiền mỉm cười xoa
đầu con bé.
Khi Tiền vừa cho xe chạy đi, Cúc dắt con lên xe thì có bàn tay
ngăn giỏ xách của cô lại, một giọng nói ấm quen thuộc thuở nào mà đã nhiều năm
rồi cô chưa từng nghe lại vang lên:
- Cúc.
Cúc quay lại, một thoáng bàng hoàng…
Hết chương 04.
Còn tiếp chương 05.
Lê Nguyệt