Hôm nay thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024
Truyện dài: CHỊ TÔI (01) (26/12/2024 07:11 AM)
Thành Hoàng

Chương 01: Thời thơ ấu
 


 
Tôi sinh ra trong một ngôi làng nhỏ hẻo lánh ở miền Bắc Việt Nam của những năm 60, trong một gia đình có ba người.
 
Mẹ tôi, chị gái tôi và tôi. Cha của tôi đã mất khi tham gia quân đôi, để lại ba mẹ con trong cảnh nghèo đói và khốn khổ.
 
Căn nhà của tôi nằm sâu trong vùng quê, cách xa thị trấn, gần một con sông, nói nguời dân hay quá song bang do ngang. Ngôi nhà được dựng bằng gỗ tạm bợ với mái tranh đã cũ nát. Những ngày mưa, nước dột qua những khe hở trên mái nhà, và chúng tôi phải đặt những chậu, nồi khắp nơi để hứng nước mưa dột xuống.
 
Mùa đông, nhưng con gió mùa Đông Bắc lạnh cắt da cắt thịt thổi vào từ các vách nhà không kín, khiến ba mẹ con co ro ôm nhau trong một chiếc giường với những chiếc quân áo sờn cũ và chiếc chăn mỏng cho đỡ lạnh.
 
Mẹ tôi gầy gò, yếu ớt là trụ cột duy nhất của gia đình. Mỗi ngày, mẹ tôi phải làm lụng vất vả ngoài đồng, từ sớm tinh mơ đến khi trời tối mịt. Mọi người hãy tưởng tương bối cảnh một hợp tác xã ở vùng quê miền Bắc những năm 60, mẹ tôi làm việc trên cánh đồng mênh mông của Hợp tác xã, nơi những gốc rạ nhô lên giữa đất nâu thẫm sau mùa gặt.
 
Bà mặc chiếc áo nâu bạc màu, đôi bàn tay gầy guộc đã chai sạn vì những năm tháng lao động nặng nhọc. Chiếc nón lá trên đầu đã cũ, rách một bên và sờn mép, che tạm những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt có nhiều nét đẹp nhưng sạm đen vì cháy nắng.
 
Công việc của mẹ tôi trong hợp tác xã khá nặng nề và đơn điệu. Mỗi ngày, bà cùng những người phụ nữ khác trong làng phải ra đồng từ sớm tinh mơ, khi trời còn mờ sương. Tiếng chim buổi sáng lẫn trong tiếng chân họ dẫm trên bùn đất, và những tiếng gọi nhau làm việc vang vọng trong không gian yên tĩnh.
 
Những mùa cấy, mùa gặt, bà lom khom bên những thửa ruộng, dùng đôi tay trần cấy từng mầm lúa xuống đất. Mùa mưa đến, bà lội bì bõm trong nước bùn ngập đến đầu gối, chiếc quần nâu bị nước bắn lên đầy bùn đất.
 
Ngày nào cũng vậy, mẹ tôi quần quật suốt từ sáng đến chiều tối, dưới cái nắng gay gắt của mùa hè hay trong cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông. Mùa gặt, mẹ tôi phải vác trên vai những bó lúa nặng trĩu, đưa về sân phơi của hợp tác xã. Khi trời nắng cháy, bà vẫn phải phơi lúa ngoài đồng, phơi thóc trên sân, mồ hôi nhễ nhại, lưng áo ướt đẫm.
 
Những chiếc liềm, cày, cuốc thường là bạn đồng hành với mẹ, và đôi tay thô ráp của bà trở nên quen thuộc với chúng tôi hơn cả khi mỗi buổi chiều tối, mẹ thường ôm chúng tôi như để kiếm chút động lực cho ngày mai tiếp tục cuộc sống nặng nề mệt mỏi.
 
Trong hợp tác xã, công việc được chia đều theo từng đội sản xuất, nhưng người đàn bà góa như mẹ tôi luôn phải cố gắng làm vượt chỉ tiêu, vì mẹ biết mẹ cần kiếm thêm công điểm để nuôi hai đứa con.
 
Công điểm mà bà tích lũy được mỗi ngày là tất cả hy vọng của bà để có thể đổi lấy ít gạo, ngô hay khoai. Nhưng dẫu có chăm chỉ đến đâu, cuộc sống của ba mẹ con vẫn luôn ở mức nghèo khó, bữa ăn chỉ đạm bạc với rau dại và ít cơm độn sắn.
 
Tuy vậy, dù trên cánh đồng hay trong hợp tác xã, mẹ luôn cần mẫn, thầm lặng làm việc, vì mẹ hiểu rằng chỉ có lao động mới giúp gia đình vượt qua cảnh cơ cực.
 
Những người xung quanh, nếu là nguời lương thiện thì hiểu nỗi khổ của mẹ, cũng chỉ có thể an ủi mẹ tôi đôi lời. Nhưng người ác nghiệt thì họ buông những lời châm biếm chua cay, chế diễu cảnh không chồng của mẹ tôi.
 
Chưa kể đến có rất nhiều người đàn ông không đàng hoàng thường buông lời ve vãn tán tỉnh, thậm chí sàm sỡ mẹ tôi những khi vắng vẻ. Nhưng người đàn bà goá là mẹ tôi, với lòng kiên cường và sức mạnh của tình mẹ, vẫn ngày ngày bám trụ với đất đai, ruộng đồng hy vọng một ngày mai tươi sáng hơn cho các con của mình.
 
Người chị gái của tôi, dù còn nhỏ nhưng đã phải trưởng thành sớm. Chị làm mọi công việc mà một đứa trẻ có thể làm, chi đi kiếm củi trong rừng, phụ giúp mẹ chăm sóc ruộng vườn. Chị cũng mơ ước được học hành, nhưng cuộc sống khó khăn khiến việc đến trường trở thành điều xa xỉ. Và cuối cùng thì chị tôi xin nghỉ học, mẹ tôi không nói gì chỉ nhìn chị mà khóc đầy thương cảm khi biết chị không đến trường nữa.
 
Có lẽ, mẹ tôi không muốn chị nghỉ học vì mẹ biết, muốn thoát cảnh khổ chỉ có con đường thoát ly khỏi vùng quê này, mà muốn thoát ly thì chỉ có con đường học hành, nhưng nếu chị đi học tiếp thì thực sự mẹ tôi không thể cố hơn được nữa rồi.
 
Chị tôi khi đó mới chỉ ở tuổi thiếu niên nhưng đã biết giúp mẹ việc nhà, giặt giũ, nấu nướng, làm tất cả mọi việc để khi mẹ tôi về đến nhà chỉ là nghỉ ngơi. Mỗi khi rảnh rỗi, chị đi hái lá thuốc để chữa trị những cơn đau lưng của mẹ, và lo lắng nhìn theo khi mẹ đi làm xa trong mưa nắng. Lớn hơn một chút, chị cùng mẹ ra đồng đi làm trong hợp tác xã.
 
Cuộc sống của gia đình tôi trải qua những ngày tháng cơ cực, nhưng họ vẫn bám víu vào nhau mà sống. Dù thiếu thốn vật chất, nhưng tình yêu thương và sự kiên trì của người mẹ và chị đã trở thành nguồn động viên tinh thần cho tôi.
 
Những buổi tối, cả ba quây quần bên bếp lửa, ánh sáng bập bùng chiếu lên khuôn mặt sạm nắng của họ. Người mẹ kể những câu chuyện về thời trẻ, về những hy vọng tương lai, và dạy chúng tôi cách sống lương thiện, kiên cường.
 
Thời kỳ này, miền Bắc Việt Nam rất nghèo đói vì chiến tranh, và cuộc sống của những gia đình nông thôn như gia đình tôi gặp rất nhiều gian nan. Nhưng giữa sự khó khăn ấy, gia đình nhỏ của tôi vẫn le lói niềm hy vọng bởi tình thân, và lòng quyết tâm thoát khỏi cảnh nghèo đói, tất cả đặt vào vai một cậu bé là tôi. Mặc dù dành rất nhiều thời gian cho việc học hành, nhưng tôi vẫn làm tất cả mọi việc của gia đình tất cả những lúc tôi rảnh rỗi.
 
Dù cuộc sống vất vả, tôi là một cậu bé có ý chí mạnh mẽ. Hằng ngày, sau giờ học, tôi không nghỉ ngơi như các bạn đồng trang lứa. Vừa trở về nhà, cất cặp sách là tôi lập tức bắt tay vào những công việc phụ giúp gia đình. Tôi đi kiếm củi trong rừng, mang về từng bó lớn trên đôi vai nhỏ gầy. Khi thi đi đánh dậm, bắt cua cá về làm tuổi hơn nhũng bữa ăn qua đạm bạc của nhà tôi. Những buổi chiều, tôi thường ra đồng giúp mẹ và chị cấy lúa hoặc gặt hái.
 
Dù việc đồng áng nặng nhọc, tôi không hề lơ là việc học. Tôi luôn mang theo những quyển sách cũ, được các thầy cô cho hoặc xin từ những người hàng xóm, để tranh thủ học bất cứ khi nào có thể. Tôi không có cái bàn học đúng theo nghĩa là cái bàn, nó chỉ là một chiếc bàn tre nhỏ trong góc nhà, ánh sáng duy nhất đến từ ngọn đèn dầu leo lắt.
 
Giáo viên trong trường ai cũng biết đến tôi, một cậu bé tuy nghèo nhưng học giỏi. Tôi hiểu rằng chỉ có học tập mới giúp mình và gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó, và đó là động lực lớn nhất để tôi cố gắng.
 
Không biết là do tố chất thông minh của tôi hay sự cố gắng để vượt khó hay là kết hợp cả hai, tôi luôn là người học rất giỏi, luôn đứng đầu lớp, rồi là học sinh giỏi của tỉnh rồi một lần nữa là học sinh giỏi toàn quốc đầu những năm học cấp ba.
 
Một biến cố lớn đã xảy ra lúc này, đó là mẹ tôi bị bệnh nặng không thể làm việc gì nữa nên tất cả gánh nặng gia đình đổ lên vai chị tôi và tôi.
Tôi phải bớt thời gian đọc sách để phụ giúp chị và lo cuộc sống gia đình, cho nên việc học của tôi phần nào bị tụt dốc.
 
Chị tôi, tuy lớn hơn tôi vài tuổi, nhưng cũng là độ tuổi đẹp nhất của người phụ nữ. Chị cũng có nhưng khao khát của người phụ nữ đến tuổi xây dựng gia đình. Dù vất vả, nghèo khổ, cho dù đôi bàn tay không được như những bàn tay của các cô gái nhàn rỗi nhưng nét đẹp của chị không hề bị lu mờ.
 
Rất nhiều người muốn đến làm quen và tìm hiểu chị, trong đó có một anh hàng xóm đẹp trai, mới đi bộ đội về, thường hay qua nhà tôi và giúp đỡ nhiều trong việc dựng lên một ngôi nhà mới thay cho căn nhà cũ đã quá tệ hại. Thế nhưng chị đã từ chối tất cả để một lòng toàn tâm toàn ý lo cho mẹ tôi, lo cho gia đình, và đặc biệt là đặt hy vọng vào tôi và lo cho tương lai của tôi.
 
Trong nhiều đêm khuya thanh vắng, căn nhà nhỏ trở nên im lìm. Chị tôi ngồi bên cửa sổ, đôi mắt hướng ra ngoài trời, nơi bầu trời đêm đen thẫm điểm những vì sao lấp lánh. Gió nhẹ thổi qua, mang theo chút hơi lạnh của đêm muộn, nhưng tôi biết trong lòng chị đang dâng lên một cảm giác trống trải, day dứt không yên. Trái tim chị đang khát khao tình yêu, một tình yêu giản dị và ấm áp mà chị hằng mơ ước, nhưng thực tại cuộc sống lại không cho phép chị được mơ màng quá lâu.
 
Tôi biết, chị đang nghĩ về hình bóng của người mà chị yêu, với những kỷ niệm ngọt ngào mà hai người từng chia sẻ. Chị đang tưởng tượng đến một tương lai hạnh phúc bên người ấy, có mái nhà nhỏ, có tình yêu thương dịu dàng và những tiếng cười vui vẻ. Nhưng giờ đây, nhưng ý nghĩ đó chỉ làm chị thêm đau lòng.
 
Mẹ đang ốm nặng, từng hơi thở của mẹ như đếm ngược thời gian. Mỗi ngày, nhìn mẹ dần yếu đi trên giường bệnh, chị biết rằng mọi trách nhiệm, mọi gánh nặng của gia đình đều đang đè lên vai mình.
 
Không chỉ mẹ, chị còn có cậu em trai đang học lớp 10 là tôi. Dù tôi thông minh, học giỏi, nhưng tôi vẫn còn quá trẻ để tự lo cho cuộc sống của mình. Chị không thể bỏ rơi tôi, không thể để tôi mất đi cơ hội học hành chỉ vì gia đình quá khó khăn. Chị biết rõ, tương lai của tôi đang nằm trong tay chị, và chị sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân nếu tôi phải bỏ dở con đường học vấn vì chị không lo nổi.
 
Trong đêm tối, trái tim chị như bị giằng xé giữa hai thế giới: một bên là tình yêu mà chị khát khao, một bên là nghĩa vụ với mẹ và tôi. Chị biết mình không thể ích kỷ, không thể chọn tình yêu cho bản thân khi mẹ đang cần sự chăm sóc, và tôi đang cần sự hy sinh của chị để có thể tiếp tục học hành. Nước mắt trào ra, lặng lẽ lăn dài trên má.
 
Chị khóc không phải vì yếu đuối, mà vì nỗi đau khi phải từ bỏ điều mà trái tim chi khao khát. Những khi đó, tôi lặng im nhìn chị và muốn bỏ hết tất cả để cùng phụ chị giúp mẹ để chi có một cuộc sống đỡ vất vả hơn. Chị quay lại nhìn tôi, gạt vội dòng nước mắt, cười nói với tôi, giọng cố tỏ ra hài hước
 
-Em tôi đang nghĩ tới cô nào rồi phải không?
-Chị đang buồn phải không, hay là em nghỉ học để đi làm phụ chị nhé? Em nay cũng đã 17 tuổi rồi. Tôi nói với chị
 
-Chị cấm em nhắc lại câu này một lần nữa nhé, dù bất kỳ đâu, dù với mẹ hay với chị. Chị sẽ làm mọi việc để em có tương lai tốt đẹp. Vừa rồi chị chảy nước mắt là do con muỗi bay vào mắt thôi mà. Nói rồi, chị tất tả đi vào trong buồng.
Tôi nhìn theo chị, lòng chua sót cùng sự biết ơn và thầm hứa sẽ phải cố gắng hơn.
 
Rồi mẹ tôi đến một ngày cũng không thể gắng gượng được nữa. Đầu năm tôi học lớp 10 thì mẹ tôi đã yêu lắm.
 
Trong ánh chiều nhạt dần, người mẹ già yếu của tôi nằm trên chiếc giường tre ọp ẹp, hơi thở đã yếu ớt sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật và gian khổ. Mẹ biết thời gian của mình không còn nhiều, và đôi mắt đục mờ của mẹ cố gắng nhìn thật lâu hai đứa con. Mẹ cầm tay chị gái, người con gái đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để chăm lo cho gia đình.
 
Giọng mẹ đã yếu đi, nhưng trong từng lời nói là cả một sư thương yêu và lo lắng, mẹ nói với chị:
-Con à, mẹ biết con đã hy sinh rất nhiều...
 
Đáng lẽ con phải có một cuộc sống hạnh phúc hơn, được yêu thương và được chăm lo như những cô gái khác. Mẹ rất biết ơn con vì đã chăm sóc cho mẹ và em, nhưng con không được quên đi cuộc đời của chính mình. Mẹ mong con sau này hãy tìm một người thương yêu, đừng bỏ lỡ hạnh phúc của riêng con nhé
 
Rồi mẹ quay sang con tôi, cậu bé đang học lớp 10, một cậu bé sáng dạ, luôn đứng đầu lớp. Đôi mắt bà dường như sáng lên một chút khi nhìn tôi, như thể tất cả hy vọng của bà đều dồn vào cậu con trai.
 
Bà cầm tay tôi, giọng mẹ run rẩy nhưng đầy quyết tâm:
-Con ơi, mẹ không thể ở bên con lâu hơn nữa rồi, nhưng con phải hứa với mẹ, hãy tiếp tục học hành thật giỏi, chăm chỉ như con vẫn làm.
 
Mẹ biết con sẽ thành công, và chỉ có con mới có thể giúp chị và đưa gia đình mình thoát khỏi cảnh nghèo này. Con phải kiên cường, phải làm cho cuộc sống của con và chị tốt hơn. Đừng bao giờ bỏ cuộc, dù có khó khăn đến đâu.
 
Mẹ ngừng lại, thở một hơi dài, cố gắng nói những lời cuối cùng:
-Mẹ tin ở các con… Hãy sống cho tốt, đừng quên yêu thương nhau.
 
Và rồi bàn tay mẹ từ từ buông lỏng, để lại sự lặng lẽ trong căn nhà nhỏ, nhưng những lời cuối cùng ấy vẫn vang vọng mãi trong tâm trí hai chị em tôi. Chúng tôi hiểu rằng mẹ đã gửi gắm tất cả niềm tin và tình yêu vào chúng tôi, và giờ đây, chúng tôi vẫn phải bước tiếp con đường, dù có khó khăn đến đâu, cũng phải làm được những hy vọng mẹ từng mong muốn.
 
Chúng tôi làm đám tang cho mẹ, những người hàng xóm của chúng tôi đến giúp, đặc biệt rất nhiều thầy cô và các bạn ở ngôi trường tôi đang học, đến phụ giúp, chia buồn và đưa tiễn mẹ tôi ra nghĩa trang của xã.
 
Tôi thương và nhớ mẹ nhiều lắm. Và sức học của tôi sau sự kiện ra đi của mẹ, bị suy giảm nhiều. Chị tôi động viên tôi nhiều, nhưng cũng không làm tôi học khá hơn. Tuy nhiên trong kỳ thi đại học năm đó, tôi vẫn đạt điểm khá cao, nhưng chưa đủ để được đi học nước ngoài nhưng vẫn thừa để vào Đại học Y Hà Nội. Chuyện này làm cho các thầy cô giáo trong trường phần nào bị hụt hẫng, nhưng mọi người đều hiểu và thông cảm cho tôi.
 
Trong căn nhà nhỏ, duờng như vẫn còn đâu đó hơi ấm và bóng hình của người mẹ đã khuất, chị gái tôi ngồi lặng lẽ nhìn cậu tôi với ánh mắt đầy tự hào. Hôm nay là ngày tôi nhận được giấy báo nhập trường đại học Y Hà Nội, một niềm vui lớn lao mà cả gia đình đã mơ ước từ lâu. Chị không giấu nổi nụ cười dù lòng ngổn ngang bao suy nghĩ. Còn tôi ngồi trước mặt chị, mắt rưng rưng, biết bao điều muốn nói nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu.
 
Chị chậm rãi cầm lấy tay tôi, đôi tay nhỏ bé mà chị đã chăm bẵm từ khi còn bé xíu.
 
Giọng chị nhẹ nhàng nhưng đầy cảm xúc:
-Em à, hôm nay chắc là ngày chị vui nhất trong đời của chị.
 
Cuối cùng, bao nhiêu năm tháng, mẹ và chị cố gắng cũng có kết quả rồi. Em đậu đại học, đây là ước mơ không chỉ của em mà còn là của cả gia đình mình, là giấc mơ mà mẹ gửi gắm trước khi ra đi.
 
Chị dừng lại một chút, đôi mắt dường như trở nên xa xăm, nhớ lại quãng đường đã qua, những năm tháng hy sinh tuổi trẻ, từ bỏ học hành, từ bỏ những cơ hội riêng để nuôi nấng em khôn lớn.
-Chị đã từ bỏ nhiều thứ, nhưng chị chưa bao giờ hối hận.
 
Chị chỉ có một mong ước duy nhất là em sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn, sống cuộc đời mà chị và mẹ luôn mơ ước cho em. Em không cần phải nghĩ về chị, chị đã chọn con đường này vì chị biết điều đó là đúng. Bây giờ, tất cả là ở em.
 
Em phải sống thật tốt, học thật giỏi, để sau này không chỉ giúp bản thân mình mà còn giúp đỡ được nhiều người khác nữa.
 
Chị nhìn sâu vào mắt tôi, như muốn nhắn gửi điều cuối cùng:
-Chị không cần gì cả, chỉ cần thấy em hạnh phúc, chị đã mãn nguyện rồi.
 
Nhưng nhớ rằng, dù có đi xa đến đâu, có thành công lớn thế nào, đừng quên nơi này, đừng quên gia đình mình, và đừng quên chị vẫn luôn ở đây, dõi theo từng bước của em.
 
Lời nói của chị gái như thấm vào tim tôi, và tôi hiểu rằng tất cả những hy sinh của chị chính là để tôi có thể có ngày này, với một tương lai rực rỡ hơn. Tôi nắm chặt tay chị, thầm hứa trong lòng rằng sẽ không bao giờ phụ lòng chị, sẽ bước đi trên con đường phía trước với tất cả nỗ lực, để không chỉ sống vì bản thân mà còn vì chị, vì mẹ, và vì cả gia đình.
 
• •
Hết chương 01.
          Còn tiếp chương 02.
 
Thành Hoàng
 
 Trở về
Các bài viết khác:
Truyện dài: CON TỪ MẸ (09) (08/12 16:05:07 PM)

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo