Hôm nay thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Truyện dài: CON TỪ MẸ (02) (24/11/2024 05:36 AM)
Lê Nguyệt

Chương 02: Nhà hai đứa nó là cái nhà đơn giản nhất xóm, không có tiền vô điện cũng không câu nhờ nhà ai dù dì Sáu kế bên cho nó câu một bóng thắp sáng.
 


Khắc nói nhà chỉ để về ngủ. Tối đốt đèn dầu hay đèn cầy một chút rồi ngủ có điện làm gì tốn tiền dì Sáu.
 
Bà con trong xóm nói má Nhum của nó tánh nết thấy ghét mà sao sanh ra hai thằng con khác cha lại thương nhau và rất tốt như vậy. Họ còn xì xào là sau này chắc tụi nó sẽ nuôi má mình. Nhưng bà ta thật không xứng đáng được hưởng cái phước đó.
 
Thời gian chậm chạp trôi qua. Khi Khắc có đủ tiền đi học nghề thì ông Năm giữ lời hứa, giới thiệu và gửi gắm nó đến học ở cơ sở chuyên đóng bàn tủ ghế, salon. Cơ sở này cách xa xã của nó đến năm chục cây số, cho nên Khắc phải ăn ở trên đó luôn. Khắc mang theo chiếc xe đòn vông để khi nào rảnh việc cũng tranh thủ chạy về với em trai.
 
Ngày anh đi, Khắc ân cần dặn dò Đắc đủ thứ. Kêu ở nhà ráng siêng năng làm lụng cho ông bà Năm thương, học rành nghề anh sẽ về làm tại nhà và dạy việc cho nó, sau này không làm mướn ai nữa. Đắc cũng đã lớn rồi, nó hiểu hết nên nói sẽ không buồn đâu, anh cứ đi đi. Ở nhà nó sẽ ngoan ngoãn làm việc không để ông bà phật ý.
 
Chỗ làm của Khắc người ta nuôi cơm ngày ba bữa sáng trưa chiều. Đắc cũng ăn cơm ở nhà ông Năm. Tối một mình nó về ngủ. Mấy hôm đầu không có hơi anh, nó cứ muốn khóc nhưng nghĩ tới viễn cảnh ngày mai, nó ráng dằn nỗi buồn xuống.
 
Khi Khắc miệt mài lo cho tương lai thì Đắc là trụ cột nhà ông Năm. Mười sáu tuổi mà làm được tất cả mọi thứ. Nó lớn tướng hơn cả Khắc. Bậm trợn, tiếng nói chát chúa. Muốn nói gì thì nói chứ không lựa lời như Khắc, ông Năm uốn nắn hoài nhưng vẫn không có gì thay đổi.
 
Ăn nói bổ bả nhưng được cái tốt bụng, ai cần gì cũng giúp. Nhà cửa của anh em nó cũng được sửa sang sạch sẽ tuy chưa giống như người ta. Khắc học nghề ba tháng thì chủ trả tiền công sau khi đóng xong một món hàng. Khắc khéo tay và nhanh nhạy, ra hàng nhanh và đẹp nên được chủ tín cẩn dạy việc kỹ lưỡng hơn các bạn khác.
 
Ngộ là, anh em nhà nó đứa nào cũng sáng dạ về cung cách làm lụng. Tay chân coi vụng về vậy nhưng rất khéo léo. Làm gì cũng vừa mắt người khác nhất là ông Năm.
 
Ông thường hay nói lúc uống trà với hàng xóm:
- Sau này đứa con gái nào mà làm vợ anh em nhà tụi nó tui bảo đảm sẽ có của ăn của để. Thằng Khắc cũng trộng rồi, để kiếm chỗ làm mai cho nó.
- Nó còn má đó anh ơi.
- Còn cũng như không. Bả có giúp gì được cho tụi nhỏ đâu. Lâu lâu nháng về rút rỉa rồi đi thôi.
- Vậy chứ làm trời lắm nghen.
 
Hôm bữa về mấy ngày. Tụi nó đi hết bả lân la hàng xóm nói cũng nhờ bả mà tụi nó mới có ngày nay. Tui ghét mới chơi bả một câu:” Ừ, nhờ bà sanh ra nó mà bỏ nó nên nó tự sinh tự diệt, sống lây lất tới giờ. Nó làm được như hiện nay là do tụi nó cố gắng nổ lực chứ bà làm được khỉ khô gì?” Vậy mà bả óng lên:”Tui coi bói nên tui biêt, tụi nó phải sống cơ nhỡ vậy mới thành tài được. Chứ tui mà bao bọc nó hoài thì sao mà nó được như người ta.
 
Ông Năm bỉu môi:
- Bao bọc con khỉ.
 
Thằng anh mới tám tuổi, thằng em bốn tuổi mà bị bỏ rơi thì sống kiểu gì? Nói nghe phát ghét. - Tám tuổi mà không có làm khai sanh, anh em tụi nó giống như sống ngoài trái đất vậy. Cũng may Ủy Ban xã biết chuyện tụi nó nên thương, tui khai sanh cho hai đứa theo họ tui hết rồi.
 
Hiện tại nó không có quan hệ chi với con đó hết. Tụi nó là con tui.
- Bởi vậy. Không có anh thử coi. Chị Ba dù thương nhưng chỉ cũng nghèo, con đông nữa. Lo cho nó ăn cũng không dễ gì chứ ở đó mà học hành.
- Thôi. Nói tới con mẻ chán chết. Thằng Khắc bây giờ có ý thức rồi, nó tự biết cách giải quyết. Nó muốn cưới ai đố bả cản được.
 
Thật ra thì Khắc chưa hề nghĩ tới chuyện lấy vợ. Khắc tâm niệm trong lòng là khi mình đã có thể tự tạo ra đồng tiền không lệ thuộc ai nữa, anh sẽ dạy nghề cho Đắc rồi hai anh em sẽ cùng nhau gầy dựng sự nghiệp. Nếu sau này thương ai, anh mới nghĩ đến chuyện đó nhưng lúc ấy nhà cửa phải được tu sửa hẵn hoi, chia hai phòng cho vợ chồng anh và Đắc.
 
Còn má thì kệ đi. Má như con chim không bao giờ mỏi cánh, chỉ thích bay lượn. Cứ để bà bay lượn. Bà chưa bao giờ quan tâm con thì con cũng chẳng cần quan tâm tới bà. Đời anh bây giờ chỉ có mình Đắc. Thằng nhỏ đã lẽo đẽo bên anh từ lúc biết đi biết nói. Coi anh như cha, như than tượng của nó, không hề dám cãi nửa lời.
 
Khắc hay dặn Đắc, ông bà Năm nói gì cũng nghe, biểu gì cũng làm. Đó là cách thể hiện lòng biết ơn. Trên đời sẽ không còn ai tốt với anh em nó hơn ông bà đâu. Không những ông bà tốt mà hai đứa con của ông bà cũng vậy, chưa từng coi khinh anh em nó là con mồ côi, hạng ăn nhờ ở đậu mà đối xử rất thân tình. Đốt đuốc tìm khắp trái đất này cũng chẳng có được mấy người.
 
Đắc cũng lớn rồi, nó nhận ra điều đó chứ.
 
Trong xưởng gỗ của ông Thức có cô gái tên Dương, nhà ở huyện khác tới làm mướn. Cô nấu cơm cho mọi người ăn, ông Thức cũng ăn chung. Rảnh rỗi cô dọn dẹp xưởng. Dương không đẹp mấy nhưng mặt mày tươi tắn, vui vẻ xởi lởi.
 
Nghe đâu cha mẹ Dương cũng nghèo, Dương là con thứ tư trong nhà, trên có hai anh dưới có hai em một trai một gái. Dương đi làm tiền lương gửi về nhà hết để phụ giúp cha mẹ. Cô tay chân thoăn thoát không ngơi, được ông Thức thương nhất trong xưởng.
 
Xưởng có nhiều thanh niên, phần đông thợ lành nghề để cùng ông Thức sản xuất ra hàng giao cho các đại lý. Khắc được ông đánh giá có tay nghề khéo nên được giao phụ trách đóng bàn ghế cua rkhachs đặt mang về nhà trang trí và làm của. Khắc ít nói, chỉ chăm chú làm, anh cũng ít tham gia vào những trận nhậu cuối tuần của bạn bè đồng nghiệp. Luôn từ chối với lý do có thàng em ở nhà mà nó sợ ma không dám ở một mình. Ai cũng biết hoàn cảnh của Khắc nên cũng không ép anh.
 
Mỗi khi nhận lương về, Khắc hay mua món gì ngon cho Đắc ăn. Anh hứa với nó khi có tiền anh sẽ vô điện, mua nồi cơm điện, mua quạt máy cho nó. Đắc cười típ mắt.
 
Bà Nhum về, thấy nhà cửa không có gì mới, nghe bà con nói Khắc đi học đóng bàn ghế bà hứ háy miết. Tối lại, anh em Khắc về, bà nói:
- Làm cho ông Năm ăn sung mặc sướng không chịu, đi làm chỗ khác biết có tương lai không?
 
Khắc làm thinh còn Đắc bốp chat:
- Như vầy mà có tương lai hả? Ôi nhưng mà sao thì cũng sống được, lớn hết rồi mà chứ có phải tám hay bốn tuổi đâu.
- Mầy trách má đó hả? Má không đi thì người ta có thương mà giúp đỡ bây hôn?
- Nói chuyện nghe mệt quá, thôi nghỉ nói đi.
 
Bà Nhum ở được hai ngày, nhà có gạo nhưng không có gì ăn nên bỏ đi tiếp. Bận này thấy hai đứa nó lạnh lùng quá nên cũng không dám hỏi xin tiền.
 
Làm được nửa năm thì Khắc được ông Thức tín cẩn giao đóng những mặt hàng khó, hoa văn cầu kỳ. Khắc lúc đó đã có một số vốn, Anh nói với ông thức là có người đặt đóng một bộ trường kỹ bằng gỗ mun đen với giá ông Thức xuất hàng. Vậy là ông giao cho Khắc phụ trách.
 
Bộ trường kỹ đóng xong, Khắc hài lòng ve vuốt như một báo vật đầu tiên mình nhìn thấy. Xong anh theo xe chở nó tới nhà ông Năm.
 
Ông bà Năm ngơ ngác thì Khắc hô hào Đắc và Khánh phụ anh dọn dẹp gian nhà chính rồi cùng nhau khiêng bộ trường kỹ đặt giữa nahf. Bộ trường klyx đen mun bóng dợn làm tang thêm vẻ trang trọng cho căn nhà đẹp của ông Năm.
 
Ông chặn Khắc lại hỏi:
- Vụ gì vậy mậy?
 
Khắc cười thật tươi:
- Đây là bộ trường kỹ đầu tiên do chính tay con đóng một mình. Con đã mua lại đem đến tặng cho ông bà kỷ niệm và cũng muốn nói lên lòng cảm ơn của ông bà bao năm qua đã đùm bọc cưu mang anh em con.
 
Nếu không có ông bà không biết giờ đây tụi con ra sao rồi. Có khi chết đói ở một cái hốc nào đó không chừng. Ông bà nhận đi cho con vui. Con đóng cái này bằng tất cả tấm lòng của con đó.
 
Bà Năm mếu máo vì cảm động:
- Bao nhiêu tiền để bà gởi lại cho con. Dành dụm sửa sang nhà cửa còn cưới vợ nữa con. Ông bà nhận tấm lòng của bây rồi.
 
Khắc cười cười khoát tay:
- Bao nhiêu con cũng không lấy. Con chỉ muốn mỗi lần nhìn thấy nó ông bà và anh chị sẽ nhớ tới anh em con. Ơn của ông bà tụi con trả hết kiếp này cũng không đủ.
 
Ông Năm chớp chớp mắt rồi nắm tay Khắc, kêu bà Hai lấy tấm khăn mới tinh trải lên mặt bàn trường kỹ, kêu Khánh bưng bình trà lại rồi cũng Khắc ngồi xuống. Ông vui vẻ:
- Tao ví mầy khai trương bộ trường kỹ này liền. Mầy biếu thì tao nhận nhưng lần này thôi nghen con. Chưa dư dã gì đâu. Dành tiền cưới vợ cho thằng Đắc có chị dâu nấu cơm nó ăn.
 
Hàng xóm biết chuyện, ai cũng khen Khắc có tình có nghĩa và ông Năm xứng đáng nhận món quà này.
 
Nhưng khi bà Nhum về nghe nói lại thì tức mình, buổi tối canh lúc Đắc đã về nhà bà ta mon men tới gặp ông bà Năm. Vốn dĩ ông bà không ưa ngữ này nhưng nể mặt anh em Khắc nên mới mở cửa tiếp. Vừa vô nhà đã leo lên trường kỹ ngồi gát chân chữ ngũ lên giọng:

- Con tui nó làm cực khổ mới dư ra chút đỉnh đóng cái bộ này. Lẽ ra chú thím phải trả cho nó mớ nào chứ có đâu nhận không như vậy? Chú thím nghèo khổ lắm sao? Thì ra bao lâu giả đò tốt với tụi nó để có ngày này chứ gì?
 
Ông Năm nghiêng mặt, ngạo nghễ cười:
- Giờ mầy muốn gì?
- Thằng Khắc nó ngại nên không nói với ông nhưng nó tâm sự với tui. Nó nói phải chi ông đưa lại chút ít tiền gỗ cũng tốt. Đàng này ông chỉ biết ăn mà không biết ói.
 
Ông Năm cười phun nước miếng:
- Vậy sao?
 
Vậy mầy kêu thằng Khắc nói với tao một tiếng, tao trả tiền nguyên bộ luôn chứ không chút ít gì hết.
- Tui là má nó tui lấy tiền không được sao?
- Ủa? Mầy là má nó hả?
 
Trước giờ tao có nghe nói nó có má đâu? Nó là con mồ côi chỉ có hai anh em đùm bọc nhau sống thôi.
 
Đừng có nhận vơ.
- Ông nói bậy gì vậy? Ở đây ai không biết tui sanh ra nó chứ?
- Vậy người người sanh ra con rồi đem bỏ cũng được tính là mẹ sao?
- Bỏ gì mà bỏ. Tui để nhà lại cho tụi nó ở mà kêu bằng bỏ hả?
- Để nhà cho hai đứa tám tuổi và bốn tuổi ở rồi nó sống bằng gì mậy? Mà thôi, tao đâu có thời gian đôi co với mầy. Muốn gì về kêu thằng Khắc lại nói chuyện với tao. Bản mặt mầy không xứng. Ra ngoài cho tao đóng cửa.
 
Bà Nhum tức tối vừa đi ra vừa chửi:
- Tui coi một quẻ rồi. Ông cứ như vậy thì trước sau cũng tán gia bại sản cho coi.
 
Bà Năm nói với theo:
- Không vì hai đứa kia là tao vả mầy rớt răng rồi đó đồ khốn kiếp.
 
Bà Nhum về nhà, lăn qua trở lại tức không chịu nổi. Bộ Trường kỹ mấy chục triệu mà đem cho không thử nghĩ ngu gì mà đạ mạng vậy hổng biết. Nhưng cái thằng Khắc này, lâu nay nó có coi bà ra gì đâu.
 
Thà đem tiền cho người ta chứ chớ hề cầm cho má nó đồng bạc điếc. Mà lúc trước nó làm không có tiền chẳng nói chi, giờ cầm mấy chục triệu cho không ông Năm nghĩ không tức sao được. Đúng là cái thằng uống máu dơ nên ngu dại. Bà phải nán ở lại chờ gặp nó. Bận này về bà có mục đích hẳn hoi.
 
Chằng qua là bà mới kết một ông ở cách đây mấy xã. Vợ chết con ở riêng hết, có nhà và hai công đất. Bà muốn tụi nó lên ở với bà để phụ làm đất giúp ổng. Thằng Khắc có nghề thì càng tốt, sẵn nhà cửa, nó sẽ mở tiệm làm nuôi bà không sợ mấy đứa con ổng nói này kia. Nó là con do bà sanh ra, nói phải nghe lời. Ở đây cứ làm được bao nhiêu không có bà quản lý nó cúng cho lão Năm hết.
 
Sáng lại, trước khi Đắc đi làm, nó hỏi trống không:
- Nay đi chưa?
 
Bà trở giọng ngọt ngào:
- Má chờ anh con về.
- Chi dạ?
- Bàn chút công chuyện.
- Chuyện gì? Nói ảnh cũng không có nghe đâu mà nói mắc công.
 
Bà ướm thử Đắc:
- Lần này về má muốn dắt anh em con theo.
 
Đắc bĩu môi bước ra ngoài:
- Dẹp.
 
Nó đi tuốt không nghe bà nói thêm một câu nào. Bà rủa lớn:
- Thằng mắc ôn mắc dịch. Đồ mất dạy.
 
Đắc không quay lại mà bỏ đi một nước. Trong lòng nó, má nó còn thua một khách qua đường.

•  • 
Hết chương 02.
          Còn tiếp chương 03.
 
Lê Nguyệt
 
 Trở về
Các bài viết khác:
Truyện dài: CON TỪ MẸ (01) (22/11 16:34:20 PM)

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo