Ngày bàn giao nhà, anh mời chính quyền và bà con hàng xóm tới chứng
kiến. Anh em mình sẽ tuyên bố từ nay, mình không còn quan hệ chi với bà. Bởi vì
trong giấy tờ mình là con của ông bà Năm, mang họ ông. Dù bà ta có công sanh
nhưng ông bà Năm mới có công dưỡng.
Công sanh không nằng công dưỡng. Bả bán đất xong sử dụng số tiền đó
như thế nào tùy bà, hết ráng chịu. Một cắc anh em mình cũng không biết. Vậy
thôi.
Dương ngại ngùng hỏi:
- Trước đây anh có thương bà chút nào không?
- Nếu không thương, anh có để bà ở lại chỉ nấu cơm thôi mà trả bà
bốn triệu một tháng sao?
Anh nghĩ với số tiền đó, dành dụm thời gian bà sẽ có cục bạc, ham
tiền mà ở lại với con cháu bởi vì trước đây bà không làm gì ổn định để có thu
nhập đàng hoàng. Thật sự anh không tưởng tượng ra cuối cùng lại như vậy.
Cho nên anh đã nghĩ kỹ lắm rồi. Tính nết này thuộc về bản chất. Bản
chất thì không thể thay dổi được đâu. Nếu cứ để bả làm phiền hoài tâm trí đâu
mà làm việc nữa. Sắp tới em sẽ sanh con, anh và Đắc còn nhiều việc lắm. Bả ở
lại đây sẽ sinh ra đủ thứ chuyện mệt mỏi em khi còn non ngày tháng.
Bà không xứng làm mẹ, không xứng có những ngày tháng êm ã cuối đời.
Giao chuyện này cho anh đi. Em hãy có gắng dưỡng thai, Đắc vẫn y như trước đừng
bị phân tâm.
Đắc nhún vai:
- Giờ ngán dời mặt bằng quá trời.
Khắc cười bí ẩn:
- Có khi không dời luôn đó.
Dương trố mắt, Đắc sà lại sát bên Khắc:
- Là sao anh?
- Thiên cơ bất khả lậu.
Khắc đưa ngón tay lên miệng cười hà hà, hai người kia cũng cười
theo.
•
Sáng hôm sau bà Nhum về, mặt như cơm thiu. Vô bếp lục đồ ăn nhưng
không còn gì. Bà dằn mâm xáng chén nhưng không dám chửi vì biết không ai nhịn
bà nữa. Bà ngó ba người họ vẫn thản nhiên làm công việc thường ngày mà tức sôi
gan. Hai đứa con bà mang nặng đẻ đau này thật sự đáng chết, nó coi người sanh
thua kẻ bá vơ ngoài đường.
Không có bà ai cho nó có mặt trên đời mà giờ này lại đối xử với bà
như vậy chứ? Cơm nấu xong ăn sạch cả nồi không chừa miếng cơm nguội, nhất là
con nhỏ dâu kia, nó phải biết má nó đi đâu cũng về nhà ăn cơm chứ? Quần áo bà
còn để đây mà?
Nhưng bà chưa kịp giận lâu thì chuông điện thoại trong túi quần reo
lên. Bà móc ra cầm lên kề vào tai:
- A lô. ..Phải, tui đây…Chừng nào?....Được, vậy tui chờ nhen.
Cất điện thoại vô, bà ta cười toe toét, mặt vui mừng hớn hở khoe
khoang:
- Chuẩn bị dọn nhà đi. Tao sắp bán rồi. Mắc rẻ gì cũng bán cho tụi
bây sáng mắt ra.
Khắc chỉ cười không nói gì và ra dấu cho hai người kia cũng nên im
lặng.
Anh ra nhà sau điện thoại cho ai đó một lúc lâu.
Khoảng nửa tiếng sau có người đàn ông chở theo người đàn bà, cả hai
trạc tuổi năm mươi tới hỏi gặp bà Nhum để mua đất. Bà ta trân trọng mời vô nhà
ngồi lên bộ bàn chỗ dùng cơm. Một ông cất tiếng:
- Giời thiệu với bà, tui tên Trọng, đây là vợ tui.
Nghe nói bà định bán một trăm năm chục mét vuông đất. Chẳng hay vị
trí nơi nào bà có thể dắt chúng tôi tới coi được không?
Bà rộn ràng nói nhanh:
- Đây nè. Tất cả cái cơ sở này đều nằm trên đất của tui.
- Ủa? Vậy là khi tui mua thì chủ cơ sở phải dọn đi sao?
- Tất nhiên rồi.
Vợ ông Trọng nhìn bà nhum đăm đăm:
- Sao tui nghe nói cơ sở này là do hai đứa con bà làm chủ mà?
- Chúng không phải con tui. Tui cho chúng làm không mấy năm nay, giờ
kêu trả cho tui chút tiền thuê cũng không chịu nên tui bán vậy thôi.
Bà Trọng múm mím cười, ông Trọng hỏi:
- Bà định bán bao nhiêu?
- Một giá không trả treo: Ba triệu một mét vuông.
Ông Trọng phực cười khan:
- Bà nói chơi hoài. Chỗ này làm gì có giá đó. Nhà nước đóng băng bất
động sản nên giá nhà đất rớt lộp độp. Ai mua đất đầu tư chuyến này cũng chết.
Tui muốn mua miếng nhỏ xíu này để cho con ra riêng. Vợ chồng nó đi làm chỉ cần
cái nhà để ở.
Bà gặp may nên tui mới mua chứ thôi ba treo bảng như vầy tám kiếp
cũng mong gì bán được.
- Chỗ này làm ăn thịnh vượng, dân cư đông đúc gần chợ gần trường
học, cách bệnh viện có mấy cây số, quá tiện để ở rồi. Còn kèo nài gì nữa? Vậy ý
ông bà muốn bao nhiêu?
- Bà ra giá thực tế chút đi để thuận mua vừa bán. Hét trên trời tui
về đó.
- Bớt hai trăm ngàn một mét vuông. Hai triệu tám. Được chưa?
- Chưa. Còn rất là cao. Thôi. Giá này bà để bán cho người khác đi.
Tui về đây.
Bà Nhum hốt hoảng:
- Vậy ông muốn bao nhiêu?
- Tui ra coi đất một chút, bà chuẩn bị cho tui thấy sổ đỏ do bà đứng
tên đất mới được.
Ông trọng bước ra sân, đi vòng vòng quan sát địa hình, thấy chú
Trường cạnh nhà mới bước qua nói chuyện. Nói cũng lâu lắm mới trở vô, ông nhìn
Khắc và Đắc một hồi rồi hỏi:
- Tui mua rồi hai chú dọn đi đâu?
Khắc cười trả lời:
- Chú cứ mua được thì mua. Con đã sắp xếp xong rồi.
Bà Nhum chen vô:
- Ông lo chi chuyện thiên hạ. Ý ông là giờ muốn bao nhiêu hà. Coi
được thì tui bán cho.
- Đất này không phải là nằm ngay trục đường chính. Con lộ chỉ là
liên lộ cho cả xóm cùng đi.
- Ông nói sao vậy? Xe tải lớn vô được mà?
Đắc ngồi ngoài ngứa miệng xen vô:
- Xe tải vô được con khỉ khô. Bà coi, dân ở đây thương anh em tui
nên mới cho xe lấn vô đất họ, chứ chiếc nào khác vô được tui cùi. Bà muốn bán
thì cũng nói thiệt với người mua chứ đừng lừa người ta mang tội à.
Bà Nhum trừng mắt ngó Đắc:
- Mầy câm họng. Chuyện của tao mắc gì mầy xen vô?
- Ai thèm xen vô chuyện của bà? Nhưng thấy bà nói dóc như vậy nên
tui phải nói cho người biết thôi.
Bà ta liếc Khắc chỉ còn nửa con mắt rồi quay sang ông Trọng:
- Ông định trả bao nhiêu?
- Hai trăm triệu. Là triệu ba một mét. Trăm rưỡi mét một trăm chín
mươi lăm triệu, đưa chẵn bà hai trăm luôn. Xong bà ký tên bán cho tui, mọi chi
phí giấy tờ tui lo hết.
Bà Nhum nhảy dựng lên:
- Ông ăn cướp hả? Đất gì triệu ba một mét.
Vô hẽm hốc coi có giá đó hôn?
- Thì tui nói rồi, thuận mua vừa bán. Bà không chịu thì thôi. Đất
này mà kêu ba triệu một mét. Bà tưởng mặt tiền chợ hả? Không thỏa thuận được
thì tui về. Về rồi chẳng quay lại đâu. Bà hối hận cũng không kịp.
Nhưng sau khi tui về rồi, bà đi hỏi giáp vòng coi giá đó có thiệt
cho bà không. Nếu thiệt thì bà kiếm người bán, tui bỏ cuộc rồi nhen. Còn như bà
đồng ý thì tui bỏ cọc năm mươi triệu liền.
Bà Nhum còn chần chừ thì dì Sáu và chú Trường bước vô, dì Sáu nói
ngay:
- Giá đó phải rồi kỳ kèo gì nữa.
Chú Trường chêm thêm:
- Chê rẻ thì bán cho hai đứa nó có tình có nghĩa hơn.
Bà nhum đang thốn trong người nghe vậy liền lớn tiếng nạt chú
Trường:
- Biết gì mà nói? Thà tui cho không người ta chứ nó mua năm trăm
triệu tui cũng không bán.
- Gì mà thù oán dữ vậy?
- Thứ con không nghe lời nghĩ tới nó làm gì? Được rồi, ông chồng
tiền cọc đi. Giá nào tui cũng bán cho nó dọn đi sáng mắt ra.
Ông Trọng tủm tỉm cười:
- Ai làm chứng mua bán cho bà?
Chú Trường cười:
- Tui với chị Sáu và cô Ba chứ ai? Ba bên giáp ranh phải đồng ý bả
mới bán được. Hai trăm triệu này bả ăn hết rồi không biết sống sao đây. Trồi
đầu về kiếm con thì tụi nó đã từ bả rồi.
Không biết ai cho hay mà bà Ba cũng tới. Bà tuyệt không tham gia ý
kiến gì về chuyện này.
Ông Trọng kêu vợ đếm tiền đặt trên bàn, lấy giấy viết ra kêu bà viết
tay đã đồng ý bán một trăm năm mươi mét vuông giáp ranh ông Trường, bà Sáu Mai,
ông Ba Chung với giá hai trăm triệu cho ông Trọng, đưa cọc năm mươi triệu, số
còn lại sau khi công chứng sẽ hoàn tất.
Bà nhum đâu có biết chữ nên giấy tờ nhờ chú Trường làm giùm, ông
Trọng có mang theo hộp mực cho bà lăn tay sau khi nghe đọc lại.
Thủ tục xong xuôi, ông Trọng hẹn bà ta hai ngày sau lên Ủy ban để
làm giấy sang nhượng chính thức. Ông nhờ chú Trường photo giùm sổ đỏ để bà ta
đi công chứng giúp ông. Chú Trường đồng ý.
Ông Trọng từ giã, chưa kịp bước ra thì bà Nhum đã bọc số tiền đó lại
kéo cái rương ra để vào, không nhìn thấy những nụ cười đắc ý của những người có
mặt.
Ông Trọng về xong thì bà Nhum cũng đi ra ngoài, mang theo bọc tiền
nhưng ba người biết bà ta chưa đi luôn vì hành lý vẫn còn đây. Khắc nói là nữa
chú Trường sẽ qua nói chuyện với Dương còn giờ anh và Đắc sẽ đến gặp ông Năm
một chút. Nhớ để ý coi chừng bả đi luôn giật tiền cọc của người ta để lại đống
hỗn độn cho anh em giải quyết là chết luôn.
Anh em Khắc vừa đi thì bà Ba, dì Sáu và chú Trường qua tới liền.
Dương mời ba người ngồi xuống, rót trà mời. Bà Ba chành môi lắc đầu:
- Lai sanh đâu ra cái thứ mẹ ác nhơn như con này. Tại tui thương anh
tui nên mới vậy.
Rồi bà Na kể về bà Nhum. Lúc má Nhum sanh ra nó chưa thôi nôi thì
anh Hai bà ra đồng bị rắn độc cắn chữa không kịp nên chết. Nhà có hai anh em
hà, bà thương chị dâu ở vậy nuôi nó lớn lên. Nhum Không chịu học hành gì hết.
Lì lợm phải biết luôn.
Một mẹ một con mà ăn rồi nhỏng nhỏng đi chơi chớ hề phụ má nó làm
bất cứ chuyện gì trong nhà, cơm không nấu, chén không rửa, nhà không quét.
Nhiều khi bà nghĩ con này thần kinh bị gì đó. Mười sáu tuổi dốt trất mà nói
chuyện cầu cao văn hoa. Sanh tật bói toán mà có qua trường lớp nào.
Nó khoe khoang có người dựa nên nói đâu trúng đó. Rồi lén bỏ nha
ftheo trai. Thời gian mang cái bụng bầu hai, ba tháng về, rồi người ta kéo
xuống nhà đòi nợ hăm đánh hăm giết. Bà Hai sợ qúa mới bán đất bán nhà trả cho
nó. Vậy rồi ăn đâu ở đâu? Dù sao bà cũng thờ chồng mười mấy năm không đi bước
nữa nên bà Ba thương, cho miếng đất cất nhà, giao kèo với bà Hai là chỉ ở chứ
không được bán.
Bầu bì gì mà mấy tháng bụng không lớn, thì ra nó gạt má nó, gạt luôn
bà Hai để bà thương sợ nó không có chỗ nơi sanh đẻ nên cho đất má nó cất nhà.
Mà cái nhà cất lên cũng một tay ông Ba đốn lá về cho chị dâu em chồng chằm lợp
và vừng. Cột nhà, đòn vông, nẹp gì cũng tre, đốn sạch mấy bụi tre mạnh tông của
bà Ba cất mới đủ.
Nhà xong, bà Hai nấu chè thưng gánh đi bán đầu trên xóm dưới, lúc đó
Nhum gần hai mươi tuổi mà chớ hề nấu cho má nó được bữa cơm. Hễ bị bà Hai rầy
là son sỏn cự lại. Xấu như đồ đách lại hư hỏng mà tưởng mình ngon. Ra chợ ngồi
lê đôi mách nhiều chuyện với người này nhiều chuyện với người kia để lấy thông
tin mà coi bói kiếm tiền xài chứ bà Hai đâu cho tiền nữa, sợ nó trốn đi như lần
trước gây nợ gây nần rồi lấy gì bán mà trả?
Rồi thì nó có bầu, bà Hai lại tưởng Nhum xạo như lần trước nên bỏ
qua, dè đâu nó sanh thiệt, sanh ra Khắc. Thôi thì cũng được, bà Hai cũng vui vẻ
đón cháu ngoại. Có ngoại chăm sóc nên mẹ chớ hề điếm xỉa tới con. Chớ hề cho bú
móm, thằng nhỏ uống nước cơm và sữa mà lớn tới khi ăn cháo ăn cơm được.
Bà Hai cưng, ông bà Ba cũng cưng Khắc lắm. Nhưng nó mới bốn tuổi thì
Nhum lại có bầu nữa, rồi đẻ ra thằng Đắc. Tên hai đứa nó là do ông Ba đặt chứ
Nhum biết gì, chỉ biết đực cái rồi lỡ có bầu ai lo thì lo. Thứ gì mà vậy hôn.
Thằng Đắc hai tuổi bà ngoại nó dầm mưa dãi nắng làm lụng nuôi bốn
miệng ăn, sắt đá còn mòn huống chi thịt da của con người. Bà bịnh một trận dữ
tợn mà đứa con gái hư hỏng chớ hề chăm lo cho má nó. Rồi bà Hai mất, thằng Khắc
sáu tuổi, Đắc lên hai. Tang sự đều do ông bà Ba lo.
Bà ngoại mất rồi, má chúng lại đi suốt ngày, bà Ba thương nên cho
gạo thóc nấu cơm giùm hai đứa, đồ ăn bà đem tới. Bà cũng la rầy Nhum nhưng ăn
thua gì. Lây lất vậy được hai năm thì Nhum bỏ đi luôn. Lúc này ông ba bị bệnh
thấp khớp không làm nặng được,
Ruộng đất tới mùa đều mướn người ta làm, các con thì lớn, lo học
hành muốn chết rồi dựng vợ gả chồng cho chúng, bà cũng không khá giả gì nên đâu
thể nuôi thêm hai đứa nhỏ nữa, chỉ giấm giúi cho chúng cơm ăn. Đến khi chúng
gặp được ông bà Năm bà mới thở ra nhẹ nhàng được. Còn Nhum, thật khốn nạn, nó
chẳng hề quan tâm con nó sống chết ra sao.
Thứ mẹ như vậy mà giờ về đây bán đất đuổi con đi.
Bà Ba kể xong kết luận:
- Nếu anh Năm không mua miếng đất này cho hai đứa nó thì con Nhum
không dễ bán với tui đâu. Nó còn thua súc vật nói chi tới con người Không hiếu
thảo với mẹ mình, bỏ rơi con mà giờ đòi con mình hiếu thảo lại, đời sao bất
công vậy?
Dì Sáu cũng trề nhúng:
- Không ai ngu như nó. Tại nó thiếu đàn ông không được nên mới vậy.
Chứ nếu như người ta, cho dù trước đây sai lầm như vậy, nhưng bây
giwof con cái có cơ ngơi, mình làm mẹ về ở dỡ đàn nó thì sao àm nso bỏ mình cho
được? Đàng này, bả nấu cơm thôi mà tháng bốn triệu bạc. Dôi ra chút tiền bỏ đi
cũng không tội bằng chôm luôn xe và ba cái điện thoại. Giờ về làm mẹ bị tụi nó
từ chối thì bán dất đuổi con. Tụi nó từ má là phải rồi. Để coi hai trăm triệu
này nó xài được bao lâu, sau đó thì sao chưa biết trước.
Chú Trường cười khì:
- Thằng Khắc ít nói nhưng nói như đinh đóng cột, Cái vụ từ mẹ này là
tui nghe nó nói chứ ai. Mà nếu nó từ tui cũng ủng hộ nó. Chứ cứ để con nọ lấy
quyền làm mẹ o ép tụi nó đủ thứ rồi tinh thần đâu mà làm ăn. Anh Năm Chà nghĩ
ra cách này cũng hay. Giờ tui mới biết ảnh tên Trọng,
Chà là thấy bộ hình ổng vậy nên người ta kêu. Anh hồi nãy coi đất là
anh Thức, thầy dạy nghề của vợ chồng thằng Khắc đó quý vị. Hồi nãy ảnh có qua
tui hỏi mua hai trăm triệu được hôn? Tui nói nó lạy mà bán. Thật ra đất này giá
triệu rưỡi một mét vuông cũng có người rinh.
Bà Ba thở dài:
- Tui chỉ muốn cháu ngoại của anh tui giữ được miếng đất này thôi.
Nghe nói nó được năm mươi triệu, anh Năm cho mượn trăm rưỡi. Anh Năm tốt thiệt.
- Còn phải nói. Khai sanh tụi nó là con ảnh mà.
Làm giấy tờ công chứng xong, ảnh nhờ môi giới cho tặng tụi nó liền
không cần đứng tên sổ đỏ luôn đó chị. Cha cho con thì chỉ cần đóng một lần
trước bạ và thuế đất nghen.
Dì Sáu cười khoái chí:
- Nó bán xong đi một vòng về thấy tụi nhỏ vẫn còn đây tức cho coi
nè. Mà hai anh em nó đi đâu vậy anh Trường?
- Đi lên anh Năm đem giấy photo sổ đó có công chứng cho ảnh chứ đâu.
Với lại để bàn cái vụ ngày mốt lên Ủy ban ký giấy sang nhượng đó mà. Bận này
anh chị Năm ra mặt là nó biết liền.
- Sao không để anh Thức làm luôn?
- Ý đâu có được. Phải chính chủ mới ký tên vô giấy tờ mua bán, rồi
còn ra nhờ địa chính đo đạc nữa. Đâu đó rạch ròi để sau này nó không lật lọng
được.
- Cũng phải hén?
Bà Ba nhìn Dương:
- May cho con, chứ làm dâu ngữ mẹ chồng này bây mệt cầm canh à.
Dương cười:
- Con nhịn được hết hà bà. Nhưng phải công nhận bà ấy mắc cười lắm.
Con chưa từng thấy ai như vậy. Hồi đó bà nấu cơm xong thì ăn trước, chừng nào
tụi con ăn thì ăn chứ không hề chờ nghen.
Bà Ba cười ngất ngư:
- Ăn trước đặng lựa đồ ngon ăn chứ đâu.
Hồi má nó còn cũng vậy. Chỉ nấu xong là nó chơi trước một tô, cũng
chưa hề thấy nó đút cơm cho con nó ăn mới ngộ chứ. Thứ ham ăn hốt uống như vậy
sao mà khá nổi. Hễ Tết tới là kiếm chuyện tới nhà bạn chơi, nó thì có bạn bè
gì, ai thấy cũng chạy tét. Chỉ là không hề muốn phụ má nó làm gì. Nói chung là
nó không có biết làm gì hết đó. Thứ đàn bà hư thúi. Bận này cho nó sáng mắt ra.
•
Hết chương 09.
Còn tiếp chương 10.
Lê Nguyệt