Trong căn biệt thự đồ sộ nằm cách trung tâm Sài Gòn không xa. Một
gia đình gồm bốn thành viên vừa từ Đà Lạt trở về mấy tháng nay, lúc bấy giờ họ
đang tập trung vào phòng ăn dùng điểm tâm.
Ông bà Thọ tuổi chừng hơn sáu mươi cùng vợ chồng con trai là Minh
Phú vừa ăn vừa bàn tính chuyện gì đó mà trông sắc mặt ai nấy đều căng thẳng, Bà
Diễm mẹ Phú từ tốn cầm khăn giấy lau miệng nhìn Phú nghiêm nghị nói:
- Con hối thúc mấy tay thám tử thúc đẩy tiến độ đi, chỉ có việc tìm
người mà mấy tháng nay cứ giậm chân tại chỗ hoài không có chút manh mối gì hết
là sao?
Minh Phú nhỏ nhẹ trả lời:
- Tại thông tin ít quá nên họ tìm hơi lâu đó má, bặt vô âm tín mười
mấy năm rồi còn gì má ráng kiên nhẫn chút xíu nữa nghen.
- Thiệt là rắc rối, nếu biết nhà mình lâm vào hoàn cảnh bế tắt này
thì hồi ấy má thỏa thuận với con đó bắt đứa nhỏ cho rồi, để bây giờ phải lần mò
tìm kiếm cực thân thật.
Ông Thọ cười mỉa:
- Thì tất cả là do một tay bà tính toán sắp đặt, bà tài giỏi lắm mà
sao giờ than phiền làm chi?
Bà Diễm liếc chồng:
- Ông thôi cái kiểu móc họng móc hầu tôi đi nghe. Hồi đó tôi hành
động như vậy là vì ai chứ? Có phải vì tương lai của thằng Phú và cả cơ ngơi này
không? Nếu tôi nhắm mắt chấp thuận cho thằng Phú lấy con nhỏ mồ côi đó liệu cái
nhà này có cơm ăn áo mặc lên xe xuống ngựa như bây giờ không, hay cả đám ra
đường ăn xin lê lết đầu đường xó chợ rồi.
Ông Thọ cười mỉa mai:
- Đúng, đúng bà giỏi lắm, cái gì bà cũng giỏi. Nhưng chuyện giỏi
nhất của bà là bức lìa tình cảm thắm thiết của con mình, xô đẩy cô gái khốn khổ
kia vào bước đường cùng không có lối thoát. Chẳng rõ bà quên thật hay cố tình
quên, ngày xưa bà lập kế quyết liệt xua đuổi con người ta rời khỏi thành phố
này và cũng chính bà tuyên bố hùng hồn sẽ không bao giờ nhìn nhận con hoang của
nó dù trai hay gái kia mà, sao giờ hao tâm tổn sức lục tung đất nước này tìm
kiếm mẹ con nó chi vậy? Bộ không nghe lương tri mình xấu hổ hả?
Bà Diễm uất nghẹn nói không thành lời, bà bặm chặt môi nhìn ông hệt
kẻ thù chớ không phải vợ chồng:
- Ông thôi ngay cái kiểu móc mỉa đó đi, tôi biết, tôi biết trong mắt
cha con ông tôi là hạng người xấu xa ti tiện. Nhưng cha con ông có bao giờ lắng
lòng suy xét mà thương dùm nổi khổ đoạn trường tôi phải cam chịu chưa? Ông Thọ ơi
là ông thọ, tại sao, tại sao vậy? Bao nhiêu năm qua thật sự trong đầu ông có
phút giây nào nghĩ tôi là vợ ông hay không? Ngày ấy là do ông tự nguyện bỏ vợ
bỏ con theo tôi kia mà chớ tôi có ép uổng gì ông đâu, sao càng ngày ông càng cư
xử với tôi bạc bẽo quá vậy?
Ông Thọ chẳng hề thay đổi sắc mặt vẫn lãnh đạm gay gắt phản bác lại
vợ mình:
- Bà đừng đem hai từ bạc bẽo ấy ra dùng trong tình cảnh của mình, vì
chính bản thân chúng ta đều là những kẻ bạc bẽo nhất thế gian này rồi nên hai
từ đó bà dùng nghe lố bịch lắm.
Bà Diễm hừng hực lửa giận đập bàn đánh rầm một cái, bà trỏ mặt chồng
nói như quát:
- Ông nói ai bạc bẽo hả?
Trời ơi ngó xuống mà coi tôi vì thương người ta nên chấp nhận hạ
mình chịu nhục, chịu mang tiếng làm vợ sau, nhơ nhuốc suốt cuộc đời vậy mà ổng
nỡ đối xử với tôi như vầy nè trời.
- Tốt nhất bà nên im miệng đi cho bớt nhục. Phụ nữ cao sang quyền
quý ai lại xử sự thô thiển như bà vậy. Từ sáng chí tối chửi chồng chửi con như
hát. Chính vì thói hống hách coi rẻ chồng con của bà đã hình thành trong tôi
nỗi chán chường không thể tả. Tại bà mà vợ chồng thằng Phú sống cảnh đồng sàng
dị mộng ngần ấy năm, khó khăn lắm tụi nó mới yên ổn hạnh phúc bên nhau.
Vậy chưa vừa lòng hả dạ bà hay sao mà giờ còn muốn đào bới quá khứ
cho tất cả khó xử vậy? Hơn nữa, vợ chồng thằng Phú cũng đã có hai đứa con gái
rồi cần gì lặn lội tìm kiếm chi cho phiền cả thảy vậy bà?
- Nhưng nhà này cần có cháu trai để nối dõi ông hiểu không?
Vợ thằng Phú không thể tiếp tục sinh được nữa thì buộc lòng tôi đành
phải tìm đem đứa con riêng của thằng Phú về, chung quy tôi cũng vì dòng họ nhà
ông thôi mà. Vả lại, vợ thằng Phú cũng thống nhất với tôi rồi.
- Hương hỏa quan trọng như vậy hay sao?
Riêng tôi, tôi không cần. Cái tôi cần là hạnh phúc của con mình.
Nhưng bà không nghĩ ra sao? Cho là bà tìm được mẹ con nó đi, nó đã nuôi con nó
được mười mấy năm, oán hận ngập lòng, chắc gì nó chịu giao con cho bà chứ? Lại
nữa, nếu khi gặp nó không phải là trai mà cũng là con gái như hai đứa con thằng
Phú thì bà tính làm sao?
- Ừ thì tôi, tôi…
- Thì bà sẽ quăng bỏ nó như chưa từng tồn tại chớ gì? Công nhận, bà
toan tính thâm hiểm thật đó.
- Ông, ông… Ông không hiểu tôi, không hiểu một chút nào. Cũng không
thèm tìm hiểu thì tui giải thích với ông còn ý nghĩa gì nữa chứ? Kệ đi, mặc ông
nghĩ tui là hạng người gì cũng được, miễn tui không thấy xấu hổ lương tâm thì
thôi. Tui chưa từng bức ép ai, chịu mang tai tiếng nhưng tui cũng xử sự đâu ra
đó không để bất kỳ ai chịu thiệt thòi. Nhưng không cần phải phân bua với mọi
người làm gì.
Đang lúc câu chuyện căng thẳng thì Ngọc Diệp cố dằn cơn nghẹn đắng
đang lờn vờn nơi cổ họng, cô nhìn qua Phúc, anh cúi đầu xuống, nét mặt không
biểu lộ điều gì.
Một chút tủi thân, một chút hờn giận, một chút muộn phiền, cô nhẹ
nhàng nói:
- Dạ con thưa ba mẹ, xin phép ba mẹ cho con nói vài lời. Chuyện rối
rắm của gia đình mình bắt nguồn là từ con, năm đó, biết anh Phú có người yêu lẽ
ra bản thân con phải biết điều từ bỏ, nhưng vì tình yêu với ảnh quá lớn áp đảo
lý trí nên con chấp mê bất ngộ giành giật gián tiếp làm tổn thương người con
gái kia.
Tất cả lỗi lầm đều do con tạo nên, con có lỗi với tổ tiên dòng họ
bên chồng vì bất tài không giữ nổi đứa cháu trai duy nhất để nó mang bệnh mà
đoản mệnh trong lúc còn quá nhỏ. Giờ vì tương lai thừa tự mai sau con tha thiết
mong tìm lại đứa con thất lạc của chồng, con muốn xoa dịu nổi day dứt trong tâm
hồn anh ấy. Ba thương tụi con đừng rầy rà mẹ nữa nha ba, chẳng qua mẹ cũng vì
con, vì mọi người thôi mà.
Ông Thọ nhìn cô con dâu biết điều mà tội nghiệp, suy cho cùng con
nhỏ không có tội tình gì, hai đứa biết nhau hồi năm thằng Phú học trung học,
Ngọc Diệp yêu nó sâu nặng nhưng trớ trêu thay con ông lại đem lòng yêu cô gái
khác. Riêng bản thân mình, ông Thọ không so đo chuyện môn đăng hộ đối vì ông
cũng từ nghèo khổ vươn lên chứ đâu, chỉ cần con ông hạnh phúc là mừng rồi.
Đời ông cũng vì hai chữ nghèo giàu mà ân hận không bao giờ nguôi,
cho nên, sau này ông tự hứa với lòng mình là, hễ con ông thương ai, ông sẽ sẵn
sàng chấp nhận. Nhưng bà Diễm vợ ông thì nhất mực phản đối, bà ấy chấm Ngọc
Diệp vì gia cảnh nó giàu, biết con mình qua lại với đứa con gái mồ côi, ăn học
chẳng bao nhiêu bà giận lắm nhất quyết cấm cản thằng Phú, bà tìm gặp cô gái kia
cảnh cáo chà đạp thậm tệ, phát hiện cô có thai bà lạnh lùng quăng cả xấp tiền
dầy cộm vào mặt cô nọ rồi tàn nhẫn bắt người ta đi phá thai.
Đợt đó, hai mẹ con thằng Phú chiến tranh kịch liệt, ông xót con,
thương số phận bọt bèo của cô gái ấy nên lên tiếng khuyên ngăn bà, những tưởng
là vợ chồng bà sẽ lắng nghe ông, không ngờ bà lồng lộn lên thẳng thừng bác bỏ ý
kiến của chồng, đã vậy còn buông lời xúc phạm ông nữa chứ:
- Chuyện hạnh phúc tương lai của con tôi để tôi tự định đoạt, nếu
ông không nhất trí với tôi thì làm ơn câm miệng lại chớ tài khôn xía miệng vô
làm nhọc lòng tôi.
À, hay ông giở chứng, trâu già muốn gặm cỏ non nên nói đông nói tây
chủ ý muốn rước về đây thuận tiện xử dụng chung với thằng con luôn phải
không?... .
Và đó là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm sống chung ông vung tay dùng
hết sức tát bà một cái nhá lửa khiến bà té nằm sóng xoài xuống đất. Mặt mày mắt
mũi ông đỏ ké như Quan Công vì cơn phẫn nộ trào lên đến não. Vậy là không nói
không rằng ông bỏ phế tất cả mặc kệ bà Diễm muốn làm gì thì làm.
Rồi chẳng rõ bà ấy làm mưa làm gió kiểu gì mà không lâu sau cô gái
kia bỏ đi biệt tâm biệt tích, thằng Phú điên cuồng tìm kiếm khắp nơi nhưng bất
thành. Thời gian đó nó như người mất hồn đến cuối cùng nó chán chường buông
xuôi mặc tình mẹ nó sắp đặt. Ngọc Diệp từ nhỏ đã quen bao bọc trong nhung lụa,
khách quan nhận xét thì tính nết ôn hòa đầm thắm chứ không phách lối kênh kiệu
như những mẫu tiểu thơ thường tình. Hai vợ chồng không mặn không nhạt lặng lẽ
sống bên nhau, Ngọc Diệp luôn luôn ngọt ngào khéo léo bên cạnh chồng.
Ông không thể phủ nhận con dâu ông yêu chồng nó thật sự, nhưng đáng
tiếc con trai ông đã gửi trái tim về người khác mất rồi. Vợ chồng Phú sinh được
ba đứa con, hai đứa đầu là bé gái rất xinh xắn, ngặt nổi bà Diễm thèm đứa cháu
trai nối dòng cứ theo nói hành nói tỏi miết, sợ mẹ chồng phật lòng nên Diệp để
sinh thêm đứa thứ ba. May mắn Diệp sinh được một cậu trai trắng trẻo bụ bẫm cả
nhà ai nấy cưng hết sức, thế nhưng ông trời không thương buộc thằng nhỏ từ biệt
cõi trần vào năm bốn tuổi vì căn bệnh viêm màng não cấp.
Cả nhà ông thời điểm ấy bao trùm một màu tang tóc thê lương, ai ai
cũng lặng thầm như chiếc bóng. Chịu không nổi nên Minh Phú bàn chuyển một số cơ
sở làm ăn lên Đà Lạt và muốn hết thẩy lên đó ở mong lãng quên mọi thứ, tầm
không lâu thì phát hiện Ngọc Diệp bị u xơ cổ tử cung khá nặng cần phải mổ gấp và
bác sĩ cho hay cô không thể sinh con được nữa.
Minh Phú chẳng tỏ thái độ gì vẫn túc trực một bên chăm sóc động viên
an ủi vợ. Riêng bà Diễm ngoài mặt vẫn ngọt ngào tỏ vẻ thương xót tội nghiệp con
dâu, nhưng ông thừa hiểu vợ mình đã vơi dần tình cảm với cô dâu này rồi. Một
thời gian sau bỗng nhiên bà đề nghị trở về Sài Gòn sống và nêu ý định tìm lại
đứa cháu năm xưa, Ngọc Diệp dù không vui nhưng vẫn phải chấp nhận, hơn ai hết
ông hiểu nó chịu hạ mình hết mức có thể như vậy là bởi vì nó yêu con trai ông quá
nhiều, yêu bất chấp, yêu mà không so hơn tính thiệt tình cảm của chồng mình đối
với mình có sâu đậm hay không.
Lẽ ra, có con dâu biết nghĩ như vậy thì vợ ông là mẹ chồng, phải
thấu hiểu và thông cảm cho nó chứ, lẽ nào lại xát thêm muối vào trái tim bị tổn
thương của nó nữa? Hương hỏa gì chứ? Ông vẫn còn con trai ở nơi xa….
Đôi lần ông tình cờ bắt gặp hình ảnh Phú ngồi lặng một góc vườn vào
mỗi hoàng hôn, mắt ngó xa xăm về một chân trời thăm thẳm, con Diệp đứng ở phía
xa nhìn chồng lặng lẽ tủi thân rớt nước mắt. Ngó cảnh ấy ông Thọ chỉ biết nuốt
tiếng thở dài, xong rồi lắng lòng tự hỏi: Tình cảnh bất hạnh của đứa con này
liệu có phải là quả báo do chính ông cùng bà Diễm tạo nên không?
Ngày xưa, vì háo hức chạy theo thứ gọi là tình yêu cháy bỏng mà ông
phũ phàng phụ nghĩa tào khang với người vợ quê nghèo khổ, ông chọn xây đắp
tương lai bên mẹ con thằng Phú tàn nhẫn chẳng đoái hoài tới hai núm ruột của
mình. Mấy mươi năm trôi qua không rõ cuộc sống của ba mẹ con người ấy như thế
nào, có đủ đầy sung túc hay eo nghèo túng ngặt.
Ông Thọ bấc giác nghe nhói buốt trái tim, dẫu rằng cuộc sống hiện
tại đã như thuở nào ông hằng ao ước nhưng trời ơi, Ở trong chăn mới biết chăn
có rận, thức khuya mới biết đêm dài, hạnh phúc chỉ đến với ông một thời gian
đầu ngắn ngủi thôi, càng sống lâu dài ông càng chán chường ngao ngán tính tình
ích kỷ, thâm độc của bà Diễm.
Càng ngày quan điểm cả hai càng lệch lạc dần dà tình yêu cũng vỡ tan
như bọt nước, sự tôn trọng tối thiểu dành cho nhau không còn nữa. Bà ta điên
cuồng ghen lồng lộn với hình bóng vợ ông khiến ông ngạt thở vô cùng. Mâu thuẫn
ngày một bành trướng nên hậu quả là hai người coi nhau thua người dưng nước lã.
Ngàn lần vạn lần ông muốn trở về chốn cũ thăm vợ con rồi khẩn thiết xin họ tha
thứ, nhưng cuối cùng ông lại chùng bước vì tội lỗi quá lớn đã đè bẹp dũng khí
trong ông, phần lớn ông cũng sợ cái nết hung tàn của bà Diễm, sợ bà ấy phát
hiện rồi làm ầm ỉ lên tới lúc đó e rằng cơ hội được nghe các con gọi ba cũng
vụt mất mãi mãi.
Ông Thọ ôm đầu đau khổ, tắc lưỡi lầm thầm:
- Đành thôi, thuận theo ý trời vậy. Cầu mong sao thằng Phú sớm tìm
ra tung tích đứa con lạc loài của nó để bù đắp cho mẹ con Ngọc Lan là mừng rồi.
Còn số phận đắng cay của mình thì mặc kệ, chừng nào hết kiếp đọa đày ắt hẳn
mình sẽ thoát khổ thôi chớ gì mà lo.
•
Hết chương 7.
Còn tiếp chương 08.
Lê Nguyệt – Kim Thi