Hôm nay thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Truyện dài: THẰNG KHÁ CON AI? (02) (10/11/2024 15:07 PM)
Nguyễn Thành Nhàn

Chương 02: Con người miền Tây tánh tình thật thà sởi lởi và hào phóng, chòm xóm thương yêu đùm bọc lẫn nhau.
 


Bất cứ có chuyện gì nhà hàng xóm cần dù tối lửa tắt đèn cũng qua giúp một cách nhiệt tình, không cần trả công hay trả ơn, chỉ cần khi xong việc nói cám ơn là đủ, và nếu như chủ nhà có muốn đền ơn đáp nghĩa, thì họ cũng từ chối mà thôi.
 
Đó là nói sơ qua về xóm làng quê để hiểu thêm về cuộc đời của má con thằng Khá sau khi được ông Sáu đùm túm đưa về đây sinh sống.
 
Má thằng Khá, mọi người không biết rõ, má con nó từ đâu tới, chỉ biết ông Sáu có con ở Sài gòn, thường hay lên chơi với con, hôm nọ dắt về mẹ con thằng Khá, cho cất tạm cái nhà nhỏ trên đất vườn cách nhà ông cái lộ lớn. Ban đầu, ai cũng tưởng là vợ bé của ông vì bà Sáu mất lâu rồi.
 
Nhưng lâu dần người ta biết không phải, vì Khá mở miệng ra một tiếng ông Sáu, hai tiếng cũng ông Sáu. Mà ông Sáu coi mòi cũng không mặn mà gì với má nó, ổng chỉ thương thằng Khá thôi. Tồi người ta tìm hiểu, nghe bà nói là chồng bà thứ Tư, thì liền gọi là bà Tư đơn giản mộc mạc vậy đó .
 
Bà Tư khi đến cái xứ nầy, hành trang chỉ có một cái giỏ đệm, tay dắt theo thằng Khá. Được ông Sáu cất cho cái nhà nhỏ, má con mừng lắm. Từ nay không phải ở gầm cầu nữa rồi, từ nay có được cái nhà dù nhỏ cũng đủ che nắng che mưa.
 
Thì ra ông Sáu hôm nọ theo chân Khá tới chỗ nó ở, thấy má con nó rách rưới sống dưới gầm cầu ông giật cả mình. Thương thằng nhỏ quá. Sống vậy sao mà sống? Có lẽ má nó vì nghèo khổ túng quẩn quá nên hay kiếm chỗ trút giận, trút lên người nó chứ mẹ nào mà không thương con.
 
Trong lòng ông dậy nên nỗi thương cảm. Đất đai ông nhiều, con cái cũng không ở gần, chiết cho má con nó chừng trăm mét vuông để có chỗ che nắng che mưa, tạo điều kiện cho thằng bé mồ côi cha không bị cơ nhỡ âu cũng là chuyện nên làm.
 
Rồi thì không biết từ lúc nào, hay bởi vì người dân thôn quê thường hay giúp đỡ những người sa cơ thất thế, họ thường bao che đùm bọc mà bà Tư đã hiển nhiên trở thành một người trong cái xóm quê nầy như đã từng định cư lâu năm.
 
Thằng Khá cũng có nơi chỗ ngủ đàng hoàng. Nó được ông Sáu tài trợ cho tới trường học. Già đầu mà mới vô lớp Một nhưng do tướng tá đẹt ngắt nên cũng không khác bạn trang lứa là mấy.
 
Thật ra vụ đi học này má nó không có ưa, tại vì nể mặt ông Sáu cho chỗ ở nên bấm bụng mà chịu. Nhưng đi học về nó phải lăng xăng làm chuyện này chuyện nọ theo lời sai bảo của má nó. Không thì bị chửi cù bơ cù bất dù bả không đánh đòn như hồi trước.
 
Bởi vì khi cho bả về ở trên đất mình, ông Sáu đã ra điều kiện là không được đánh đập thằng con, rầy la thì không sao. Quan trọng nhất là phải cho nó đi học. Chuyện quần áo, tập vở, tốn kém bao nhiêu cho chuyện học thì cứ để ông lo. Phải hứa với ông là không vì lý do gì mà bắt nó nghỉ học dù là một ngày.
 
Để được có nơi yên ổn nên bà Tư lẹ làng đồng ý. Ông Sáu lại nghĩ vì con trai mình nên bà mới nhanh chóng chấp nhận như vậy. Tính ra, yêu cầu của ông chỉ có lợi chứ không có hại cho bà ta.
 
Nói nào ngay, những ngày mới tới đây, bà Tư được mọi người ủng hộ, bà cũng không ngồi yên mà buông cái này bắt cái nọ để kiếm sống. Bà làm bánh Tai yến bán dạo trong xóm, bánh tai yến được làm từ bột gạo, bột mì tinh cùng hột gà, bà trộn lẫn với nhau rồi pha thêm chút nước cho sền sệt và múc vào cái ly nhỏ. Xong bà bắt chảo dầu lên bếp.
 
Đợi dầu sôi lên đổ vào, miếng bánh nổi phình lên nhìn vừa giống hình phần trên cây nấm mà cũng hơi giống cái tổ chim yến. Miếng bánh vàng ươm, ăn vào vừa giòn vừa dai dai, không ăn thì thôi chớ ăn rồi thì mắc ghiền. Thằng khá tuy nhỏ tuổi, bà cũng bắt nó khi thì nhồi bột, khi thì chụm lửa. Đi học thì thôi, ở nhà nó cũng không có hở tay.
 
Đôi khi cũng có lúc sơ ý miếng bánh rớt xuống đất, lúc nó lượm lên bà mới nói:
- Cho mầy đó, cầm ăn đi.
 
Năm khi mười họa má nó mới cho nó bánh, thằng nhỏ mừng kể chết cầm ăn một cách ngon lành, nó mường tượng trên đời nầy, không có cái bánh nào ngon bằng cái bánh nầy cho nên nó không dám cắn miếng lớn chỉ cắn ăn từng miếng nhỏ mà thôi.
 
Bà cũng siêng năng đi bán khắp nơi trong xã, tiếng bà cất lên lanh lảnh rao hàng:
- Ai ăn bánh tai yến ,yến tai khôôôôôông?
 
Mấy bà trong xóm thấy bà đi ngang thì hay thì thầm rĩ rịt:
- Coi bà Tư kìa cũng giỏi quá chớ, biết làm bánh bán độ nhựt, còn thằng nhỏ nữa có mấy tuổi đầu mà biết phụ má nó làm rồi, giỏi thiệt. Đúng là con không cha, còn đám con tụi mình cỡ tuổi nó tối ngày chỉ biết đi học về rồi chơi. Mà không biết thằng nhỏ có phải con ruột bả không, hay là con nuôi?
 
Bà khác chen vô:
- Bà nói thì tôi mới dám nói, tôi thấy hình như thằng nhỏ không phải con ruột của bà Tư đâu. Bởi vì có lúc tôi qua nhà bà Tư mua bánh, thấy bả chửi và hăm đánh thằng nhỏ quá trời. Hơn nữa mấy bà có thấy hơi lạ là bã đã lớn tuổi rồi mà thằng nhỏ mới có chút xíu.
 
Tiếng một bà nói:
- Đúng rồi chẳng lẽ bà Tư già rồi còn sanh đẻ được, sao tui nghi quá.
 
Mấy bà bàn tán một hồi, rồi ai về nhà nấy.
 
Chuyện của thằng Khá lâu ngày rồi cũng không ai thèm để ý nữa.
 
Một bữa, Khá đi học về, vừa vô tới nhà đã nghe má nó lầm bầm:
- Hai thằng quỷ nhỏ đó con nhà ai mà tối ngày cứ đi theo mình. Ở trên kia cũng vậy trốn về đây rồi chúng cũng mò tới. Con nít mà Trời nóng nực hay lạnh cóng cũng không có bận đồ.
 
Nói toàn chuyện gì đâu không. Cứ theo xin bánh. Bánh đâu mà cho lãng xẹt vậy? Bữa nào chúng chồm hôm tao đập cái mâm lên đầu cho biết mặt. Con ai mà mất dạy quá.
 
Khá buột miệng hỏi:
- Hai đứa con nít nào vậy má?
 
Bà Tư ngước lên liếc nó:
- Bộ mầy đui không thấy hả? Hồi ở gầm cầu nó lỡn vỡn quanh đó hoài. Bây giờ thì vô tới nhà luôn. Mầy ở nhà thì thôi chứ vừa ra khỏi là nó bu lại xin bánh. Có ngày tao đập phun máu đầu.
 
Thằng Khá lấy làm lạ. Hơn mười năm nay nó có nghe má nó nói chuyện đó đâu?
 
Bà Tư vẫn còn thấy tức lắm. Đồ quỷ nhỏ. Cãi lộn suốt. Thằng này hỏi mầy kêu tao bằng gì? Thằng nọ nói tao ví mầy chung cha tại khác má chứ bộ. Cứ vậy mà ngày nào cũng như ngày nấy.
 
Bà độ hai đứa này một đứa con vợ lớn một đứa con vợ nhỏ chứ hổng đâu. Mà con ai cũng thây kệ cha nó, mắc gì cứ kiếm bà hoài. Để hỏi thăm chúng con ai rồi mắng vốn cha má nó đập một trận bỏ tật.
 
Thời gian đầu bà Tư bán được lắm, đi vài ba tiếng thì đã bán hết rồi. Mặt bà luôn vui vẻ, lời nói dịu dàng dễ ưa. Ra ngoài thì vậy chứ ở nhà cau có với Khá lắm nhưng cũng ít ai biết vì nó đâu có nói. Chỉ một mình ông Sáu khi thấy cánh tay nó có vết bầm mới hỏi thì nó không giấu ông. Ông giận má nó lắm, tính đến la mắng nhưng Khá năn nỉ đừng. Ông Sáu mà rầy bà Tư là chết thằng Khá luôn.
 
Nói lại chuyện bà Tư, lúc sau nầy có lẽ mọi người đã ăn bánh Tai yến nhiều rồi đâm ra ngán, nên từ từ rồi cũng ế. Có hôm đi bán từ sáng tới chiều tối mà vẫn chưa hết, bà rất mệt nhưng có gắng đi khắp cả làng cả xóm mà cũng không bán đươc bao nhiêu .
 
Một bữa nọ, mây đen kéo tới cuồn cuộn, gió thổi rất mạnh báo hiệu sắp mưa nên bà vội vàng tới ngôi nhà trước mặt để nếu mưa thì đục. Bà thấy có mấy bà ngồi một nhóm, bàn tán chuyện gì xem có vẻ bí mật lắm. Lắng nghe một hồi bà mới biết: thì ra mấy bà đang bàn đánh số đề.
 
Vụ số đề này bà Tư quá rành. Hồi ở gầm cầu bà thấy mấy người đi bán vé số có nhiều người ghi thêm đề. Nhưng bà đâu có tiền mà chơi. Về đây thì chưa lần nghĩ tới, ngờ đâu vẫn có. Mặc dù nhà nước thấy lối chơi số đề nầy giống như cờ bạc, rất nhiều người tán gia bại sản. Vì thú chơi này không lành mạnh nên bị chính quyền nghiêm cấm. Tuy nhiên vẫn rất nhiều người vì lòng tham hay nói đúng hơn là nghiện vẫn len lén chơi tiếp tục.
 
Vậy là bà Tư tham gia vào nhóm đề đóm đó, lúc đầu cũng chơi nho nhỏ cho có, mà không hiểu sao, con ma đề chắc dụ những người mới nên bà đánh số nào là trúng số đó. Nhiều cái lãng nhách mà bà đoán cũng ra.
 
Bữa thấy hai thằng nhóc ở truồng chùm hum bên bụi bông mười giờ. Bà nghĩ, chắc nó đem điềm gì đây. Có hoa thì phải có bướm. Vậy là bà đánh con bướm: 19, 59, 99. Chiều xổ ra con 59. Vậy là bà có tiền. Quánh ba con số có ba chục ngàn mà chiều trúng bảy trăm ngàn, không ham sao được?
 
Cũng hai thằng nhóc đó, bữa tụi nó lụm đâu ra con cá lóc, hai đứa thảy lên thảy xuống chơi. Bà nói bụng: Sao mà nó không đem về cho cha má nó nấu canh chua hay nướng gì ăn. Cá lóc mà cầm chơi gì lãng nhách vậy? Nghĩ xong bà giật mình. Nó đem điềm cho bà chứ đâu. Vậy là bà đánh con cá. Ngặt cái cá có hai con: cá đen và cá trắng Bà mua tổng cộng năm con: 30, 70. 01. 41. 81. Chiều ra con 41 cá đen.
 
Từ đó, bà cứ canh hai thằng nhỏ làm gì rồi đoán ra mà đánh. Chục bận trúng đủ.
 
Do trúng liên tục , bà Tư nghĩ: “Chắc trời thương hoàn cảnh nhà nghèo nên giúp đỡ. Thôi thì đánh lớn một chút xíu để có tiền làm việc khác, chớ bán bánh tai yến dạo nầy ế quá, nếu trời thương thì cho bà trúng số đề vài lần thì bà đổi nghề liền”.
 
Lúc đầu đánh nhỏ chơi thì trúng hoài, nhưng khi bà đánh hơi lớn tiền một chút thì càng chơi càng thua. Cũng có hôm trúng nhưng so với số tiền bà thua không thấm vào đâu. Bà cũng như mọi người mua đồ về cúng bái ông bà và Thần đề phù hộ, nhưng không có linh nghiệm gì cả. Hai thằng nhóc nhỏ hổm nay đi đâu mất mẹ không tới đem điềm cho bà nữa mới khổ. Hay là đấng bề trên chê bà cúng ít nên không chứng? Mà càng đánh đề thì càng thua thê thảm. Vài tháng bà Tư hết vốn, bao nhiêu tiền bà để dành được khi bán bánh, nay vì đề đóm nên không cánh mà bay hết rồi còn đâu.
 
Bà cứ oán trách bản thân mình không bàn cho kỹ, con số vừa xổ buổi chiều nay rõ như ban ngày. Vậy mà bà cùng với mấy bà kia lại bàn không tới mới thua, buổi sáng bà nói với mọi người rằng:
- Hồi hôm tui nằm chiêm bao thấy có một người cho tui con cá tra bự chảng hà. Một hồi tui bỏ vào cái giỏ đựng, mà cái giỏ đó đầy bùn đất dơ quá trời dơ.
 
Chuyện nằm chiêm bao có như vậy mà tất cả mọi người bèn nhất quyết đánh lô con cá trắng, có người còn nói như đinh đóng cột là:
- Bà tư hổm nay thành tâm khấn bái nên ông bà thương cho bà thấy rõ ràng là cho bà con cá tra màu trắng thì chiều nay nhất định là sổ ra cho coi.
 
Chiều lại sổ ra con cá đen. Mọi người không trách bà Tư mà còn tỏ ra tiếc rẻ, lại bàn là cho con cá trắng bỏ vô giỏ lấm bùn đất thì nó phải đen rồi, vậy mà nghĩ không ra. Cả đám tiếc hùi hụi, chắc lưỡi hoài.
 
Bà Tư không biết con ma đề nó nhập vào từ lúc nào mà tối ngày bà cùng mấy bà khác lo bàn tán chơi đề không màng chi chuyện nhà cửa cơm nước. Thằng Khá đi học về còn gạo thì tự nấu cơm ăn với nước mắm chan. Hết thì qua nhà ông Sáu ăn chực. Cái xóm này chỉ có vài người ghiền đề còn lại thì ai cũng tốt bụng, chén cơm nguội bao giờ cũng sẵn sàng nên nó cũng không bị đói ngày nào so với hồi ở gầm cầu.
 
Cái mâm đựng bánh tai yến bà Tư đội trên đầu hàng ngày, giờ đây nằm lăn lóc bên xó bếp. Nghề làm bánh đi bán bà đã cho vào dĩ vãng rồi. Quá túng cùng bà cũng chạy đi vay mượn, rồi cũng tới lúc mọi người không ai cho nữa, bởi vì biết bao lần đã nghe lời ngon ngọt vay mượn của bà mà cho bà vay, nhưng tiền vô tay bà chỉ thấy đi mà không thấy về.
 
Có những đêm bà thao thức nằm nghĩ:
- Không biết tại làm sao mà cái số mình xui xẻo vậy, nghèo hoài nghèo mãi. Hay là cái số mình nghèo là do thằng Khá?
 
Bà nhớ lại : Hồi đó, một thân một mình bỏ xứ lên Sài gòn, may mắn được một bà đi cũng xe nhận về ở đợ cho bả. Ngày chí tối nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa thôi mà vừa có cơm ăn vừa có tiền công để dành nữa.
 
Bà Tư khi ấy còn trẻ. Thấy nhà cửa của bà Liên giàu có quá sức tưởng tượng, con cái chỉ có hai người. Bà khoái chí ở lại với ý định chim chuột ông chồng bà Liên bao mình làm vợ bé, mua nhà ra ngoài cho bà ở. Nhưng ông là người đàng hoàng, yêu thương vợ nên dù bà có rình rập bao lâu cũng không lay động được ông. Bà nản chí bỏ cuộc.
 
Ở với bà Liên cũng cả mười mấy năm. Bà Liên cũng để bà Tư tự do như người nhà, không coi là người làm nữa. Bà Tư cũng tung tăng đi kiếm chồng và cặp bồ cũng nhiều ông nhưng cuối cùng lòi ra người ta có vợ con hết rồi. Bà ăn nằm tùm lum, vài lần mang thai nhưng những người đó chỉ coi bà như loại gái bao nên không chịu trách nhiệm, chỉ cho tiền và dắt bà đi phá bỏ.
 
Mấy chuyện như vậy bà không dám nói lại với bà Liên. Bà Liên thì nhân hậu, thấy bà Tư bị phụ hoài nên cũng thương tình. Vì vậy mãi đến khi tuổi xế chiều vẫn chưa có ai để ý. Ở nhà bà Liên, bà cũng tự do khi các con bà Liên đã riêng tư hết rồi. Chỉ có hai bà già ở với nhau thôi.
 
Lúc đó, thỉnh thoảng bà vẫn thấy hai đứa nhóc không mặc quần áo cãi lộn chí chóe khi bà ra ngoài cửa. Nhìn riết quen mắt, bà không cần bận tâm nữa.
*
Hết chương 02.
          Còn tiếp chương 03.
 
Nguyễn Thành Nhàn
 
 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo