Khu mộ của gia đình Phàm được xây bao bọc chung quanh. Mộ của
cha mẹ Phàm hoành tráng, lạ là không nằm cạnh nhau mà ông ở đầu bà ở cuối. Chỉ
có mộ cha mẹ Phàm mới làm nhà mồ, còn tổ tiên thì chỉ là những mộ đá.
Phù thắp nhang cắm trước đầu mộ, anh không khấn vái gì. Nhìn qua
cũng biết nơi này ít người lai vãng, cỏ rác mọc đầy chung quanh. Miếng đất cũng
nhỏ, đúng thôi, thời hàn vi, Huỳnh Chấn Phàm rất là nghèo khổ, nếu không có ông
Nhậm Phát tài trợ thì anh ta đâu thể tốt nghiệp Đại học và vào Công ty Nhậm
Phát mà phát huy khả năng rồi ủm luôn con gái ông chủ như vậy.
Phù quay sang định kêu Gạo Lứt về thì thấy anh ta đang đứng
chuyện trò với một người đàn bà luống tuổi. Phù kinh ngạc ngó bà ấy chăm chăm.
Rõ ràng đây lại là một hồn ma của ai đó.
Và vì chính là hồn ma nên bà ta có thể tiếp xúc trò chuyện với
Gạo Lứt. Bấy giờ thì Phù tin là mình có khả năng nhìn thấy ma rồi. Anh rùng
mình mấy cái rồi tự trấn tĩnh mà bước tới:
- Về thôi anh Gạo Lứt.
Gạo Lứt quay sang níu lấy tay Phù:
- Có manh mối rồi nè Gạo Nhựt.
Phù sáng bừng đôi mắt. Hồn ma người đàn bà kia sờ sờ trước mặt
anh, ánh mắt ảm đạm thê lương một cách kỳ lạ. Anh chưa kịp hỏi gì thì Gạo Lứt
đã nhanh miệng:
- Người này mới đúng là bà Điền Trúc. Điền Trúc quản gia nhà Từ
Thanh lại là mẹ ruột của Chấn Phàm, tên là Thị Cần.
Phù nghe trong đầu mình bật lên mấy tiếng răng rắc. Thì ra vậy.
Chuyện bí ẩn này sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác. Hành vi che giấu của Chấn Phàm
để đem mẹ mình về phụng dưỡng thật quá không hợp lý.
Anh ta có thể đường đường chính chính đưa Thị Cần về nhà sau khi
cha mẹ vợ không còn kia mà? Vì bà ta là mẹ ruột của Phàm nên việc thương cháu
nội là lẽ đương nhiên, nhưng cớ sao lại giấu kín điều này? Và bà Điền Trúc vì
sao mà lại còn vương vấn trần gian?
Gạo Lứt nói với bà Trúc là Lý Vạn Phù về đây để tìm hiểu nhân
thân của Quế Chiêm và bà quản gia cũng có tên là Điền Trúc. Phù có thể tiếp xúc
được với hồn ma nên nếu như bà có oan tình gì hãy cứ mạnh dạn giải bày với anh,
anh đủ quyền lực để đem những khuất lấp trong bóng tối đưa ra ánh sáng trả lại
công bằng cho bà.
Bà Trúc biết Phù nhìn thấy và nghe mình nói được thì quá sức vui
mừng, bèn vội vã mời Phù ngồi xuống thành mộ nghe bà kể đầu đuôi câu chuyện.
•
Trước khi bà kể, Phù mở điện thoại đưa bà nhận dạng những bức
ảnh anh đã chụp. Bà Trúc nhận ra ngay bà Thị Cần và Quế Chiêm.
Vạn Phù tin. Bình tĩnh lắng nghe bà kể đầu đuôi câu chuyện.
Gia đình Quế Chiêm thuộc dạng khá giả. Chấn Phàm học Đại Học nhờ
vào tiền giấm giúi của Chiêm. Khi cha mẹ Chiêm biết được mới ngăn cản mối tình
đó, đem gả cô cho người khác. Chiêm vì giữ lời thề với Phàm nên khăn gói bỏ nhà
theo anh. Họ mướn phòng trọ ở với nhau. Từ đó, Chiêm không còn liên lạc gì với
gia đình nữa.
Khi Phàm lọt vào mắt Nhậm Phát và biết ông có ý định chọn anh ta
làm rể, thừa tự sản nghiệp to lớn của mình thì Phàm kêu Chiêm về ở với mẹ.
Chiêm ở được thời gian, cha mẹ cô phát hiện ra nên đến gây khó dễ và bắt cô về.
Mẹ Phàm ở một mình, thua buồn tủi nhục. Không tiện nhìn con vì
sợ ảnh hưởng tiền đồ tươi sáng của Phàm, sẽ lấy vợ hào môn nên kêu Phàm nói
mình đã chết để toàn tâm toàn ý với nhà vợ.
Nhưng Phàm là người con có hiếu, anh ta dùng tiền của vợ là Từ
Thanh mướn bà Điền Trúc là một phụ nữ nghèo không chồng con bầu bạn với mẹ
mình. Đến khi ông bà Nhậm Phát gặp tai nạn qua đời, lúc đó bà Cần đang bệnh
thập tử nhất sinh ở bệnh viện, bà Trúc ngày đêm kề cận.
Khi bà Cần phục hồi sức khỏe thì Nhất Phàm kêu bà Trúc về nhà
sửa soạn hành lý để anh ta rước lên ở cùng. Chính Nhất Phàm lái xe đưa bà về.
Trên xe, hắn ta cho bà uống thứ nước gì khiến bà ngủ mê mệt. Khi
tỉnh dậy thì thấy ngộp thở, thì ra bà đã bị chôn sống.
Chết mà không biết nguyên nhân thì sao siêu thoát được. Oan hồn
bà Trúc vất vưởng nơi đây, đi một vòng mới biết thì ra khi phát tang bà, Chấn
Phàm đã dùng danh nghĩa làm tang sự cho mẹ anh ta.
Mộ bia ghi tên Trần thị Cần. Bà liền hiểu ngay. Bởi vì trước đó
anh ta đã nói với nhà vợ là mẹ mình bệnh nặng mà mất rồi. Nhưng hắn không để bà
nằm gần cha hắn, chắc chỗ đó dành cho mẹ hắn sau này.
Cho đến khi Phàm đưa vợ là Từ Thanh về viếng mộ cha mẹ, bà Trúc
mới biết được Quế Chiêm hiện nay là vợ hai của Phàm, bà Cần là quản gia mang
tên bà. Bà Trúc căm hận lắm nhưng không biết cách nào để vạch mặt kẻ vô lương
tâm kia.
Vạn Phù liên tục lắc đầu. Đây rõ ràng là chuyện chỉ có trong
phim ảnh, thực tế khó có ai mà dám làm những chuyện thương thiên bại lý như vậy.
Che giấu mẹ mình nói là đã chết để được làm rể hào môn, được trọn lòng tin của
nhà vợ. Nhưng Nhậm Phát mà anh biết sẽ không kỳ thị người nghèo.
Nếu như kỳ thị, ông sẽ không bảo bọc Chấn Phàm để đưa anh ta vào
tập đoàn quản lý và giao con gái rượu của mình cho Phàm. Vậy thì cớ sao Phàm
lại nói mẹ mình mất rồi lén nuôi dưỡng bên ngoài?. Nếu như muốn đem mẹ mình về
thì cứ việc cho bà Trúc số tiền lớn để bà rời đi chứ cớ gì lại giết người ta?
Nhất là khi bà Trúc chưa thật sự tắt thở thì hắn đã chôn sống bà.
Một hành vi vô cùng man rợ. Như vậy, có thể cho rằng ông bà Nhậm bị tai nạn xe
qua đời có bàn tay hắn ta nhúng vào thì có sai không?
Bây giờ, chứng cớ buộc tội Phàm chôn bà Trúc thay vì mẹ mình đã
có, chỉ cần đưa bà Cần về đây, hàng xóm sẽ nhận ra ngay làm sao Phàm chạy chối?
Nhưng anh ta là người mồm mép, anh ta có thể nói vì cám nghĩa bà
Trúc đã hy sinh vì mẹ mình nên coi bà như mẹ mà làm tang sự theo đạo lý đứa
con, nhưng tại sao trên bia mộ lại ghi tên Thị Cần mẹ của anh ta? Và tại sao bà
Thị Cần lại sống ung dung với tên của người khác?
Họ phải trả giá. Vậy là, hai cái chết của hai người vợ nhất định
là do Thị Cần gây ra. Bà ta biết hai người sẽ sinh con trai, hai người đó lại
là người của Từ Thanh nên có thể con họ sẽ mang họ Nhậm.
Vì vậy, để đuổi cùng diệt tận, hai đứa cháu này bà ta không cần
mà diệt bỏ để không ai có thể chia sẻ hạnh phúc của Chiêm và quyền lợi của cháu
trai bà. Vì vậy, Từ Thanh sẽ có nguy cơ bị loại nếu như cô không cẩn thận. Tài
sản họ Nhậm bỗng chốc chuyển sang họ Huỳnh một cách đương nhiên.
Không. Phù không để tâm huyết của cha nuôi bị kẻ khác tước đoạt
đê hèn như vậy. Sự thật này anh phải phanh phui ra ánh sáng trả lại công bằng
cho những người đã mất, phải cho bọn thủ ác đền tội và bảo vệ Từ Thanh.
Phù ngó qua anh ma Gạo Lứt, trong đầu bỗng nảy lên suy nghĩ: Hay
mình mượn tâm linh để hù dọa hắn ta, để hắn tự miệng khai ra, để hắn thấy luật
nhân quả nguy hiểm tới cỡ nào. Nhưng chỉ có điều, anh thấy ma chứ chắc gì người
khác đã thấy. Gạo Lứt chạm được vào anh nhưng có chạm vào người khác được
không? Phải thử coi. Gạo Lứt không có oan khuất gì, tâm anh ấy tịnh nên đầu óc
không hề có ý hại ai.
Nhưng bà Trúc thì khác, bà bị kẻ vô ơn chôn sống, dùng tên của
bà để mưu cầu lợi ích cho bản thân. Bà nhất định muốn vạch mặt kẻ ác đã hại bà
chết mà không hiểu lý do.
Anh sẽ giúp bà, cũng như giúp Từ Thanh ngăn chặn biến cố sắp xảy
ra cho mình. Nhất định anh phải cần tìm thêm chứng cớ để đánh một phát là trúng
ngay. Chứng cớ này phải do bà Trúc hiện hình mà khủng bố bọn họ.
Phù hỏi bà Trúc:
- Bà có thể hiện ra cho mọi người thấy được không?
Bà Trúc ngập ngừng:
- Tui cũng không biết nữa. Nào giờ chưa từng rời khỏi đây nên
không biết mình hiện ra cho người ta thấy được không. Tui sợ người trần gặp ma
sẽ xui rủi cho họ nên ngại lắm.
Phù bùi ngùi. Bà Trúc có lòng lương thiện, bị mẹ con Chấn Phàm
lợi dụng mới ra nông nỗi này. Anh quay sang Gạo Lứt:
- Bà đây quen với dân chúng nên ngại, còn anh lạ hoắc, đâu anh
thử ra đường coi có ai nhìn thấy anh không?
Gạo Lứt lắc đầu nguầy nguậy:
- Thôi miễn đi. Mầy chê tao xấu như ma lem, tao mà hiện ra thiên
hạ xỉu lộp độp à.
Bà Trúc cười:
- Xấu thì có xấu thiệt nhưng cũng không đến nỗi nào đâu.
- Thôi miễn đi. Chừng nào có chuyện gì mới hiện ra, giờ tự nhiên
đi nhong nhong ngoài lộ không có quen.
Thấy coi mòi khó dụ được anh ma này, Phù nghĩ tới chuyện khác,
anh vui vẻ:
- Vậy bây giờ bà và anh cầm viên đá chọi vô nền mộ coi có nghe
tiếng không?
- Chi dạ?
- Thì cứ thử giùm đi mà. Mình phải tìm mọi cách để rửa hận cho
bà Trúc chứ.
Hai người gật đầu. Phù lụm hai viên đá có kích thước chừng nửa
nắm tay đưa họ. Họ vung tay lên, anh nghe hai tiếng “cảng cảng” dội lại. Phù
vui mừng, vậy coi như họ có thể chạm vào vật thể rồi.
Để thử thêm, anh lấy điện thoại bấm gọi cho Từ Thanh. Khi Từ
Thanh lên tiếng, Phù hỏi cô đang ở đâu? Từ Thanh trả lời là đang ở nhà, Phù lại
hỏi có Chấn Phàm đó không Thanh nói là có. Phù kêu cô tìm chỗ nào không có ai
để nghe anh nói chuyện rất quan trọng.
Một lát sau, Từ Thanh điện lại cho Phù. Anh bắt loa lớn rồi nói:
- Em có thể nghe được người này nói chuyện không? Anh báo trước
cho em hay đây là một hồn ma, em bình tĩnh nghen.
Phù đưa máy kề bên miệng bà Trúc. Bà bối rối một thoáng rồi cất
giọng:
- Chào cô, cô có nghe được tui nói không?
Bên đầu giây, giọng của Thanh run run:
- Dạ, có nghe. Xin hỏi bà là ai?
Vạn Phù vô cùng mừng rỡ. Vậy là kế hoạch ban đầu đã thuận lợi.
Anh nhìn bà Trúc gật đầu động viên:
- Đây là người có toàn quyền rửa oan ức cho bà. Hãy bình tĩnh kể
rõ ngọn ngành mọi việc với cô ấy. Cô ấy là vợ chính thức của Chấn Phàm đó.
Bà Trúc mím môi, mặt đanh lại gật đầu và trả lời Thanh:
- Tui là Điền Trúc, là người đã chăm sóc mẹ chồng cô suốt mấy
năm trời ở nơi đây.
- Sao? Bà là Điền Trúc? Vậy người quản gia ở đây là ai?
- Là Thị Cần, mẹ ruột của Chấn Phàm.
- Mẹ ruột của Chấn Phàm? Tin như sét đánh ngang mày vậy? Chuyện
ra sao xin bà hãy tường trình cho con được rõ.
Bà Trúc bắt đầu kể, bà kể tỉ mỉ như đã kể với Phù. Phù hình dung
ra Từ Thanh vừa nghe vừa lắc đầu kinh hãi. Mọi chuyện ngoài sức tưởng tượng của
cô rồi.
Bà Trúc dứt lời thì Phù mới nói với Thanh:
- Em hãy xem như không có chuyện gì xảy ra.
Anh sẽ đưa bà Trúc về đối chứng với mẹ con nó. Nhớ đừng manh
động, hãy chờ anh. Tối mai anh sẽ về tới, ban ngày không thể đưa hồn ma đi
được. Tránh nói chuyện với bọn họ để không bức bối mà nói ra những lời ấm ức
trong lòng. Vẫn còn có anh đây.
Từ Thanh hứa với anh:
- Được rồi, em chờ anh về.
Thật sự quá ghê tởm. Sao trong lòng em lại sinh nghi cái chết
của cha mẹ em có liên quan tới họ anh à.
- Anh cũng nghĩ vậy.
Nhưng chỉ là võ đoán. Để mình nhờ bà Trúc làm cho họ sợ mà khai
ra.
Phù mời bà Trúc theo anh và Gạo Lứt về khách sạn nhưng anh ma
Gạo Lứt kêu lên:
- Thôi hổng đi đâu. Vô đó lạnh lạnh sống lưng. Tao không quen ở
chỗ sang trọng. Tối nay mầy để tao ở ví bà Trúc đi. Tính ra, tao lớn hơn bả cỡ
bảy, tám mươi tuổi chứ nhiêu. Nhưng coi bả già hơn tao quá xá nên kệ, kêu bả
bằng chị cũng được.
Rồi anh ma quay sang cười trơi với bà Trúc:
- Nói thiệt ví chị.
Tui quê trất, nhỏ lớn mới mò lên phố chợ hông phải chơi bời gì
đâu, mần mướn thấy mẹ. Nhưng mà rủi sao bị chết ngắt. Nhưng tui chết mà vợ con
tui được bù đắp, nên tui cũng không lấy gì ân hận. Chị đừng hỏi sao tui không
siêu thoát nhen? Tui đâu có biết?
Nhưng cái ông con này nói nếu như giúp được ổng chuyện này thì
ổng sẽ tìm cách cho mà đi đầu thai. Chứ tui cũng chán lang thang như vầy lắm
rồi. Vậy chừng nữa hai đứa mình đi đầu thai một lượt nhen? Kiếp sau đầu thai vô
chỗ giàu giàu để đỡ cực. Tui không đi mần hồ, chị khỏi ở đợ cho người ta. Ok
hôn bà chị?
Bà Trúc cười cười. Phù nhìn Gạo Lứt mà thương. Phải công nhận
anh ma này xấu quá chừng xấu. Khi còn sống chắc khó coi lắm. Cái miệng trớt
trớt hô không ra hô móm chẳng phải móm mà kỳ kỳ khó diễn tả.
Được cái anh ta có hàm răng đều như bắp, cười một cái khoe hết
ra ngoài. Mũi anh ta nhọn tim cao nhồng như tây mà nhỏ xíu hà, cặp mắt một con
lớn một con nhỏ, nhìn dị hợm làm sao. Có cái ngó vô mặt anh ta thì ai cũng thấy
vui, lộ rõ nét hiền lương không gian xảo. Âu đó cũng là ưu điểm trời ban cho
anh.
Khi còn sống chắc anh rất lạc quan dù phải bươn chải kiếm tiền
sinh nhai, cho nên khi mất đi, không về được quê cha đất tổ, không ai nghe thấy
mình mà anh vẫn an nhiên sống cả khoảng thời gian dài như kẻ vô hình trong ngôi
nhà sang trọng mà cả đời dẫu có phấn đấu cách nào cũng không thể sở hữu được.
Phù gửi tấm hình của bà Cần cho Thanh, điện dặn cô vài câu nữa
rồi về khách sạn, nói sáng mai anh sẽ đến đón hai người đi một vòng ăn kết lại
khoảng thời gian bà Trúc chăm sóc bà Cần và từ đó khẳng định thêm việc tráo đổi
thân phận hai người sau đám tang của bà Trúc. Chiều sẽ cùng hai người trở về
Nhậm gia.
Sáng hôm sau, Phù không đưa hai người họ tìm những người dân
quanh đó mà đưa thẳng về nhà cha mình. Anh phải hỏi cha coi làm sao để hồn ma
có thể hiện ra trước mặt người sống.
Vì là ban ngày nên Phù mở máy lạnh hết công suất, anh nghĩ với
nhiệt độ này, vong của bà Trúc và anh ma sẽ dễ chịu hơn khi ở ngoài trời nóng
bức.
Và đúng như vậy. Ngồi trên xe, hai người nói chuyện ríu ra ríu
rít rất ý hợp tâm đầu, có lúc, Phù nghĩ họ đã quên mình là ma.
Tới nhà cha của Phù. Ông Lý Vạn Tiều ngạc nhiên sao con trai lại
về thăm đột xuất vậy. Vạn Phù tỏ thật với cha mọi chuyện. Ông Tiều vốn có biết
chút ít về pháp thuật mới dắt Phù ra căn nhà phía sau vườn, nơi ông nội Phù
hành nghề.
Ông Tiều nói:
- Nội con có nuôi một loại ngãi, cây ngãi này không những không
kỵ ma mà còn giúp ma hiện hình. Bởi ông con nói có những oan hồn cần sự giải
thoát, phải hiện ra vạch mặt kẻ đã hãm hại mình.
Con lại nhổ bụi ngãi kia, vào nhà nội sắc thành nước ra cho hai
người kia uống. Như vậy, nếu như họ muốn hiện ra cho ai thấy thì hiện và nếu
không muốn thì biến mất cũng dễ dàng.
Vạn Phù mừng quá, tức khắc làm theo lời cha dặn.
Ông Tiều đi cùng Phù ra gặp hai hồn ma. Tất nhiên, với cặp mắt
âm dương của mình, ông dễ dàng nhận ra họ. Phù giải thích cho bà Trúc và Gạo
Lứt nghe về nước ngãi và kêu hai người uống. Cả hai tin tưởng Phù vô điều kiện
nên lập tức uống ngay.
Để thử lại tác dụng của ngãi, ông Tiều kêu hai người đừng cho
ông thấy. Tức thời trước mặt ông là một khoảng không chẳng có ai cả.
Thành công rồi, ba người lên Con Rùa Vàng quay về Nhậm gia.
*
Hết chương 04.
Còn tiếp chương 05.
Lê Nguyệt