Khi đã tạm ổn rồi, cô cầm năm trăm ngàn, ân cần giúi vào tay Cúc
và nói với cô:
- Đây là năm trăm ngàn, em nhận đi để mua cái nồi lớn nấu khoai.
Nếu như em ngại thì coi như chị cho em mượn, khi có tiền thì trả
lại chị. Vài tuần chị sẽ lên thăm em một lần. Mua cái lò than đá để nấu cho đỡ
mất thời gian canh chừng.
Cúc cảm động rưng rưng:
- Em nhận tất cả. Nhận tấm lòng của chị.
Trong lúc cùng quẫn lại gặp được qưới nhơn như chị cả đời em sẽ
mang ơn. Em không nói suôn, chị đã cho em tình cảm của người chị ruột, em thề
sẽ không để chị thất vọng vì giúp lầm người.
- Được rồi. Chị hiểu mà.Từ nay cố gắng lên nghe.
Chuyện riêng của em hôm nào chị sẽ lắng nghe. Em hãy giữ tâm sự
đó và chôn kín trong lòng đi. Cánh cửa nầy khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra,
Trời không tiệt đường ai bao giờ. Chị hiện nay yên ổn nhưng sóng ngầm vẫn còn
ầm ĩ sau lưng, không biết sẽ cuốn trôi chị lúc nào. Nhưng em yên tâm đi, chị tự
chủ được mình, không có giông bão nào quật ngã được chị đâu.
Tiễn Như về rồi. Cúc bắt đầu vào cuộc sinh nhai. Đầu tiên, cô
dắt bộ dẫn con đi mua một đôi gióng gánh, hai cái thúng và một cái sàng, một
cái cân năm ký, một lò than củi.
Cúc đã quan sát khu nhà trọ rồi, cô thấy phía sau là vườn cây
trái với nhiều gốc dừa, tàu dừa rụng đầy đất mà chủ vườn cũng ít khi dọn dẹp.
Cô có thể hỏi xin và dọn giúp họ đồng thời cũng xin đặt cái bếp củi chỗ vắng vẻ
không có cây trồng để nấu khoai mì. Xong, cô để tất cả vào một thúng, thúng còn
lại cô đặt bé Trân vào rồi gánh về.
Cúc xuất thân là gái nhà quê nên việc gánh gồng là chuyện bình
thường vì nhà chồng cô trồng giồng, mỗi ngày cô tưới hàng trăm đôi nước mà
chẳng có ai phụ mình cả. Cúc lắc đầu, cố gạt qua một bên chuyện quá khứ, cô
khuông muốn nhắc hay nhớ lại những ngày tháng địa ngục trần gian đó nữa.
Với cô bây giờ, chỉ mong sao đủ ăn đủ mặc, đủ tiền nuôi con ăn
học nên người và cũng không phụ lòng Như, người bạn, người chị mới quen biết mà
đã dành cho cô biết bao điều ưu ái.
Chủ vườn kiêm chủ phòng trọ là người bận rộn, lại xuề xòa vui vẻ
nên đồng ý cho Cúc gom tàu dừa làm củi, không cần cô phải dọn dẹp giùm. Cúc cay
đắng nhận ra, trên đời vẫn còn nhiều người tốt, và quyết định bỏ đi là đúng đắn
nhất trong những quyết định trước nay của mình.
Chiều, cô lại dắt theo Trân, gánh đôi thúng không lội bộ ra chợ
cách nhà trọ hơn cây số để mua mười lăm ký khoai lang, vài ký túi xốp đủ loại
rồi một đầu là Trân, một đầu là khoai gánh về.
Tối, dỗ con ngủ xong, Cúc lặng lẽ ngồi rửa khoai, đặt vào rổ ráo
nước khuya sẽ dậy nấu sáng gánh ra trước cổng khu công nghiệp để bán cho công
nhân rồi mới đi ngủ.
Nằm ôm con gái trong tay, Cúc cảm thấy có nguồn động lực giúp
mình phấn đấu. Bé Trân với cô bây giờ là tất cả. Trong những ngày tủi nhục ở
nhà chồng, nếu không có Trân, cô không biết mình sẽ sống ra sao. Đứa trẻ nầy
luôn quấn lấy cô, từ lúc rời khỏi cái nhà đó, nó chưa lần nào nhắc về ba và bà
nội, chưa lần nào hỏi vì sao mình lại bỏ nhà ra đi.
Trân rất xinh đẹp và dễ thương. Nó ngoan ngoãn, hiền lành. Ôi
cái sự ngoan ngoãn hiền lành nầy Cúc đã từng, chính vì vậy mà cô mới bị người
ta đè đầu cưỡi cổ, cô không muốn con mình đi lại vết xe đổ của mẹ nó đâu.
Sáng lại, Một đầu khoai chín, một đầu là con gái và cái cân, Cúc
bày hàng trước cổng khu chế xuất Linh Trung. Chỗ đó cũng có nhiều người bày
bán. Nào là xôi mặn xôi ngọt, nào là bánh mì thịt, bánh bò, bánh da lợn, cơm
hộp, bún xào…
Cúc mua cho con gói xôi mặn năm ngàn. Khi các công nhân lác đác
vào công ty, có người dừng lại nhìn cô rồi mua ủng hộ nửa ký. Một lát sau, công
nhân ùn ùn kéo đến, mười lăm ký khoai của Cúc hết một cái vèo. Cô mừng vui
không tưởng tượng. Thì ra, việc mua bán cũng không khó khăn gì. Hồi còn con gái
chỉ biết lo học hành, có chồng rồi thì không được một chút tự do, một chút
quyền nên làm gì có thể đi bán mua gì được, bán đồ nhà thì họ lại sợ cô ém tiền
riêng. Cúc lắc đầu, đã bảo quên đi rồi mà?
Bán hết khoai rồi, Cúc chỉ lời có sáu mươi ngàn đồng nhưng cô
rất vui. Ngày mai cô sẽ bán gấp đôi. Yêu cầu mỗi ngày cô kiếm được trên một
trăm ngàn, bù qua sớt lại những ngày nghỉ của công nhân, mỗi tháng ba triệu, ba
tháng đầu không phải trả tiền thuê phòng, hai mẹ con ăn uống kham khổ chút thì
không sợ cái đói nữa rồi.
Từ chỗ bán, Cúc gánh con ra thẳng chợ. Thúng bên nầy là Trân,
thúng bên kia là cân, ghế ngồi, xề chất khoai, bé Trân vẫn nặng hơn, Cúc loay
hoay mãi mới tới được chợ.
Lựa mua được ba chục ký khoai rồi, vậy là để cân bằng, cô cho
cân, ghế ngồi và một số khoai vào thúng Trân ngồi gánh về nhà.
Bữa cơm hôm nay hai mẹ con ăn với cá biển chiên và rau muống
luộc. Mệt là vậy nhưng Cúc cảm thấy rất vui vì mình đang sống cuộc sống của
mình không phải nhìn sắc mặt ai.
Cúc sống yên ả như vậy được hai tuần thì Như đến thăm. Lần nầy,
Như chở theo con gái Khả Tú để cùng chơi với Trân. Hai đứa bé giống như cảm
nhận được tình bạn của hai người mẹ nên gặp nhau sau vài phút bỡ ngỡ đã xoắn
vào nói chuyện, chơi chung mấy con búp bê mà Trân gọi là “cúp bế”, để hai bà mẹ
nói chuyện với nhau.
Cúc kể cho Như nghe chuyện mỗi ngày mình bán được trên năm mươi
ký khoai, lúc hừng sáng khi công nhân vào làm và lúc công nhân tan ca buổi
chiều. Nếu có ca đêm thì bán nhanh hơn vì hầu như ai cũng mua gì đó vào ăn thêm
buổi tối. Mỗi ngày trừ chi phí ra Cúc cũng kiếm được non trăm năm mươi ngàn.
Vậy là ổn rồi, cô không đòi hỏi gì hơn.
Như mừng cho Cúc. Cúc đã có thể trụ lại nơi nầy bằng sức lao
động của mình nhưng chắc chắn để kiếm được tiền, cô ấy phải đầu tắt mặt tối.
Mỗi ngày rửa, nấu năm mươi ký khoai cũng hết thời gian. Không sao, vạn sự khởi
đầu nan mà. Hai người nói với nhau nhiều về hoạch định tương lai. Như phụ rửa
khoai vớ Cúc, cùng Cúc nấu cơm.
Nhìn dáng vẻ của Như, Cúc cười:
- Em ngưỡng mộ chị quá.
Chị là dân Thành phố mà làm việc nhà quê rành rạnh luôn.
- Biết sao hôn? Bởi vì chị đâu phải là dân Thành phố chính hiệu?
Chị cũng là người ở quê lên đây lập nghiệp thôi.
- Vậy sao? Vậy mà chị lại có nhà cao cửa rộng, chúng tỏ rằng chị
rất giỏi đó nghen.
- Để được những điều nầy, chị cũng đã hy sinh nhiều thứ lắm em.
Kể cả tình thân.
- Kể cả tình thân là sao chị?
- Mẹ chị mất sớm, chị ở với mẹ ghẻ nhưng có được thương đâu em?
Nhất là khi mẹ có thêm con với ba thì chị bị gạt ra rìa. Lên cấp
ba thì phải tự mình mày mò tìm con chữ, đi học về đi làm thuê làm mướn đủ thứ
mới có tiền trang trải cho cuộc sống, cơm chực cũng không được ăn. Mà nhà chị
lúc ấy là thuộc hàng khá giả vì ba chị có cơ sở làm ăn độc lập nghen em.
Sau đó quyết định đi học Cao đẳng sư phạm để ít tốn kém nhưng
vừa học vừa làm chị sợ mình không tốt nghiệp nổi. Em coi, bây giờ chị có chút
tiền mà thân thể vẫn ốm tong teo như vầy thì lúc nghèo đói sẽ còn ra sao nữa?
Chị không có ngoại hình nên luôn mặc cảm tự ti.
Trong đời chỉ có một đứa bạn thân, rủ nhau váo học ngành sư
phạm, nó học khoa văn, chị khoa toán. Nhưng chị rất muốn đi làm ngay, bởi vì
tiền đâu mà học đến ba năm hả Cúc? Vậy là chị chuyển sang học khóa kế toán cấp
tốc sáu tháng, lấy luôn bằng đánh máy để tiện cho việc làm sau nầy của mình.
Tốt nghiệp rồi chị may mắn xin vào được một công ty tư nhân, làm văn thư vì có
bằng đánh máy em à. Nhỏ bạn của chị vẫn tiếp tục theo đuổi nghề giáo và bị điều
đi xa.
Tụi chị bặt tin nhau từ đó. Em nghĩ coi, lúc chị được công ty cử
đi công tác vùng cao, ở đó người ta hoan nghinh tiếp đãi chị thì có một anh
chàng đồng hương với chị đang làm việc ở đó, chê chị xấu nên không thèm ra chào
hỏi thì em biết chị ra sao rồi. Biết thân biết phận, chị không bao giờ nghĩ đến
chuyện trai gái cho đến khi ba chị và gia đình anh Tân cáp hai đứa với nhau.
Nhìn thấy ảnh là chị kết liền, ảnh cũng vậy. Và sau đó hai đứa
quen nhau đến ngày đám cưới. Cưới nhau rồi chị mới biết là anh ấy không hề yêu
chị, chỉ yêu cái gia tài của ba chị mà thôi.
- Gia đình chị giàu có sao lại để chị lăn lóc kiếm tiền phải
nghỉ học cao đẳng vậy chị?
- Gia đình chị giàu chứ chị có được hưởng gì đâu em?
Tất cả đều nằm trong tay mẹ kế hết. Có lúc cơ sở của ba bị thất
bại, bà còn không cho chị ăn cơm vì nói chị ám ba nữa kìa. Tiền chị có được
chút đỉnh là do ba thỉnh thoáng dấm dúi đưa. Mà ba chị thì rất ít khi có ở nhà
cũng không biết rõ bà đối xử tệ bạc với chị. Cô bác hai bên nhìn thấy cũng ngứa
mắt, lên tiếng chỉ trích thì bà nói mình không có nghĩa vụ phải nuôi con chồng.
Gia đình anh Tân không biết rõ nội tình, chỉ thấy ba chị ăn nên
làm ra, chị đi làm có lương bổng còn ảnh chỉ là thợ xây dựng công trình theo
chủ đầu tư. Buồn cười một điều là ảnh đẹp trai, duyên dáng nên đi đâu cũng có
gái săn đón dù biết anh đã có vợ. Mẹ chồng chị còn nói: Vì chị xấu quá mà có chồng
đẹp trai thì phải chấp nhận thôi chớ có kêu ca mà mất trắng người chồng.
Mắc cười không em? Chuyện gì cần đến chị thì họ ngọt ngào nịnh
bợ, còn bình thường thì xem chị như con sen phục vụ cho con của họ. Chị im lặng
không kháng cự vì thương con mình và cũng thương ảnh chứ chị đâu có ngu khờ đâu
Cúc?
- Mà chị có xấu xí gì đâu?
Chỉ là chị ốm thôi. Mặt chị không đẹp rực rỡ nhưng đầy nét phúc
hậu chân chất. Người xưa nói đúng đó chị, tâm sinh tướng mà.
- Bây giờ chị cũng độc lập được mình rồi nên bề ngoài coi cũng
khá hơn, nhưng lúc xưa bản thân chị cũng công nhận mình xấu thiệt Cúc à.
Nhất là khi đi bên cạnh ảnh, nhà chồng chị luôn nói, nói hoài
một câu: Ngữ của chị đi chung chỉ làm xấu mặt ảnh thôi.
- Vậy ảnh nói sao?
- Ảnh thì không tỏ thái độ gì cả. Mà tỏ làm sao được em? Chị lo
cho gia đình ảnh còn hơn gia đình chị nữa mà.
Cúc xiết chặt tay Như, trìu mến:
- Chị là con nhà giàu mà tuổi thơ sống trong nghèo khó, rồi từ
nghèo khó bản thân vươn lên để có được ngày hôm nay. Em thì ngược lại với chị.
Ba mất sớm, ở với mẹ và em trai. Gia đình cũng không khá giả gì,
chỉ đủ ăn đủ mặc, thuở nhỏ chỉ biết ăn học đã vậy cũng không lấy được bằng cao
đẳng ra trường đi dạy như người ta, yêu sớm, thất thân sớm, làm vợ, làm mẹ sớm.
Bắt đầu từ ngày đó em rơi vào địa ngục của cuộc hôn nhân vội vàng. Thật ra em
đã nói dối với chị, em vẫn chưa được hai mươi lăm tuổi đâu.
Mười tám tuổi vào trường CĐSP, học chưa hết năm thứ hai thì có
chồng, lúc đó chưa đầy hai mươ, con mới ba tuổi thì chị nghĩ em bao nhiêu?
- Sao mà gọi là cuộc hôn nhân địa ngục?
- Dài dòng lắm chị.
Để từ từ em tâm sự cho chị nghe. Cũng may là em rời khỏi gia
đình đó sớm nên mới biết bên ngoài còn có người tốt, sẵn sàng mở lòng ra chứ
nếu không em sẽ nhìn đời bằng đôi mắt u uất và tràn đầy hận thù.
- Em nói chị hiếu kỳ ghê. Biết sa vào địa ngục mà không thoát
sớm để ôm hận một mình vậy sao?
- Muốn đi cũng đâu có tiền mà đi chị?
Do má em chèn nhét cho chút đỉnh em mới dành dụm được bao nhiêu
đó. Thật ra, em trăm ngàn lần muốn bỏ về nhà má rồi nhưng em dâu rất khó chịu.
Nó luôn nói do em sống sao đó mới không được người ta thương. Chẳng qua là nó
sợ em về má sẽ cho đất em thôi.
- Rồi sao mà em thoát ra được khỏi nhà chồng?
Cúc cúi mặt xuống, môi mím lại, ánh mắt căm hờn:
- Họ đuổi em đi đó chị. Họ xách đồ của em quăng ra đường. Lấy
chồng chưa được ba năm mà mấy lần ảnh dắt bồ về nhà công khai, em nói thì ảnh
đánh, má chồng và em chồng ong óng lên đủ lời miệt thị.
Thằng chồng em nó nhạy chuyện trai gái lắm chị ơi, quen một lúc
năm, bảy con. Con nào có tiền cho nó ăn thì gia đình họ bợ đỡ nó. Họ không hề
coi em là vợ chính thức của con họ đâu.
- Làm gì có chuyện lạ đời, bất công vậy?
- Mắc cười phải không chị?
Mà sao em nhịn nhục được phải không? Ai ở vào hoàn cảnh đó cũng
sẽ nói như vậy. Nhưng nếu bỏ đi thì em sẽ đi đâu? Trước giờ chưa ra khỏi đít
ông táo. Tiền bạc đâu mà sinh sống nơi đất lạ quê người?
- Em có tìm hiểu vì sao mà họ đối với em vậy không?
- Có chị. Là họ xúi em về xin đất má em để ra riêng vì họ có con
trai.
Khi mới lấy nhau em cũng đã có ý định nầy nhưng sống chung thời
gian ngắn em nhận ra họ muốn đào mỏ mà nhà em thì có mỏ đâu để họ đào? Lãng
nhất là vụ thằng em út của ảnh chết vì tai nạn xe, họ lại cho rằng con em là
khắc tinh, nó sinh ra thì nhà phải mất người khác nên chẳng ai thương yêu quan
tâm nó cả. Ba tuổi mà chưa được bà nội ôm lần nào.
Ảnh làm ra bao nhiêu tiền em chưa từng thấy một đồng. Nhưng
không phải gái ăn của anh ta đâu, anh ta không ăn của họ thì thôi chứ đừng mong
ai ăn được của ảnh.
- Em không ghen sao?
- Em đâu phải là Phật hả chị?
Nhưng ghen làm chi nữa vì mỗi lần lên tiếng là mỗi lần bị đánh?
Có một lần em tưởng mình bỏ con rồi. Là anh ta say rượu, cưỡng hiếp một phụ nữ
lớn hơn anh ta cả chục tuổi dỡ dỡ ương ương ngoài bờ ngoài bụi. Vì là dỡ dỡ
ương ương nên có biết gì đâu chị, cô ấy khai tùm lum rồi còn lại nhà bắt ảnh
chịu trách nhiệm nếu cổ có thai.
Trời ơi ảnh chối phăng và cả nhà đánh đuổi cổ đi, cổ nằm vạ,
chính quyền phải đến can thiệp đó chị, buộc ảnh nếu cô ấy có thai thì ảnh phải
nhìn nhận và chu cấp nuôi con. Sau chuyện đó em phản ứng dữ dội và bị ảnh đánh
một trận thập tử nhất sinh. Má và mấy đứa em ảnh đứng ngó mà chẳng ai can
thiệp.
Đến khi em ngất đi thì cô hàng xóm la làng lên, mọi người đưa em
đi cấp cứu. Từ đó em trở nên lạnh cảm với anh ta. Trong lòng chỉ muốn mang con
trốn đi nhưng không có tiền.
- Em chịu đựng giỏi thật.
- Nhiêu đó mà ăn thua gì chị.
Còn nhiều chuyện lạ đời hơn kìa. Bây giờ thì em quyết tâm rồi.
Sau khi trút cạn nỗi lòng với chị em sẽ buông bỏ hết, gạt gia đình đó ra khỏi
cuộc sống của mình, chỉ chuyên tâm lo cho con lớn lên mạnh khỏe ăn học đàng
hoàng, ân thì trả, oán cho trôi vào quá khứ. Gặp được chị rồi, em ngộ ra, con
người ta không thể đắm chìm vào nỗi đau buồn, phải biết vực dậy mình, thế giới
bao la đâu cũng có thể là nhà và chung quanh ta còn rất nhiều hoàn cảnh đau khổ
hơn.
Hai người phụ nữ mỉm cười nhìn nhau, nắm chặt tay nhau, cùng
hướng tới một tương lai tươi sáng nhưng họ đã bỏ quên một điều: Đời không phải
lúc nào cũng màu hồng.
• *
Hết chương 02.
Còn tiếp chương 03.
Lê Nguyệt