Hôm nay thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
Truyện dài - SỐ GẶP MA (02) (04/11/2023 08:39 AM)
Lê Nguyệt

Chương 02: *Sơn và Châu ngồi chò hỏ dưới gốc mai nhà ông nội Sơn.
 


Bây giờ tụi nó đã biết không ai nhìn thấy mình rồi. Từ lúc nhận ra mình đã chết, hai đứa nó ít lăng xăng đùa giỡn như trước, ngồi đâu cú sụ đó. Hàng ngày tới bữa cơm chạy dìa nhà ăn, con Huỳnh cũng gặp Châu mấy lần rồi. Chính vì có Huỳnh nên hai đứa nó bớt cô đơn.
 
Huỳnh thấy anh, chị mình ngồi đó nên cũng mon men lại gần. Lúc này nó không còn sợ Sơn và Châu nữa. Hễ mỗi khi thấy hai đứa nó ở đâu là Huỳnh cũng kiếm chuyện xề lại. Có khi người đi đường thấy nó ngồi lảm nhảm nói chuyện một mình. Ai hỏi thì nó trả lời là học bài.
 
Thằng Sơn nói với Châu:
- Tụi mình chết rồi. cái con người thiệt của mình giờ bị chôn dưới đất thúi ình rồi, mình chỉ còn cái hồn này thôi. Muốn trở dìa cũng hổng được. Thì thôi vậy Châu ơi.
 
Thay vì buồn khổ cú sụ như vầy hoài, mình phải vui lên chấp nhận thôi. Mình có Huỳnh rồi, muốn nói gì với ba mẹ nhờ con Huỳnh giúp giùm. Ai rồi cũng sẽ lớn, sẽ già, sẽ chết. Ông nội tao nói sinh lão bệnh tử là kiếp của con người. Tụi mình vắn số nên phải chịu vậy. Châu à. Mầy có muốn đi đầu thai sống kiếp khác hôn?
 
Châu giảy nảy:
- Không, không! Tao không bỏ ba mẹ tao đâu. Mình cứ như vầy đi, rồi có ngày ba mẹ cũng nhìn thấy mình như Huỳnh vậy thôi. Bộ mầy muốn đi rồi hả?
- Bậy bậy. Tao càng không muốn đi hơn mầy nữa. Vậy thì mình chấp nhận số phận cho rồi. Cứ vui vẻ. ba mẹ mà biết mình vui vẻ thì ba mẹ cũng yên tâm hơn mà.
 
Châu gật đầu, nắm tay Sơn:
- Mầy nói chuyện giống người lớn quá Sơn.
- Thì từ từ tao cũng lớn chứ hổng lẽ cứ mười tuổi hoài ha mậy?
 
Huỳnh chúm chím cười. Nụ cười đầu tiên từ ngày biết anh nó chưa siêu thoát. Huỳnh cũng giữ bí mật giúp Sơn và Châu, thật sự, bây giờ nó cũng không muốn anh mình vĩnh viến khuất khỏi tầm mắt nó. Lúc này nó hay đốt nhang, đem trái cây có gì cúng nấy cho Sơn, và lần nào cũng râm râm vái Châu về cùng ăn chung.
 
Mới đó mà mười năm trôi qua. Tính tuổi tác thì Sơn và Châu cũng hai mươi rồi. Nhưng vì mất lúc mười tuổi nên thân hình của chúng vẫn y chang như vậy, có điều, hình như đầu óc chai đứa đã trưởng thành rồi.
 
Huỳnh vừa tốt nghiệp cấp ba xong. Thằng Phi em của Châu cũng vậy. Hai đứa học chung khối nhưng khác lớp. Hai đứa này không phải như Sơn và Châu, chúng nói chuyện với nhau khách sáo, xưng tên với nhau chứ không mầy tao mi tớ gì ráo. Bên nhà Phi khá giả nên không vô được đại học thì Phi học trường cao đẳng ở Bến Tre.
 
Còn Huỳnh, biết hoàn cảnh gia đình mình nên không ghi danh vào nguyện vọng nào sau khi tốt nghiệp. Mặc dù đủ điểm để vào nhưng Huỳnh cũng không tiếc nuối vì nó biết, nếu như mình học thêm vài năm nữa ba mẹ nó cũng không nuôi nổi.
 
Cho nên, Huỳnh từ giã Sơn và Châu lên khu công nghiệp Giao Long ở Bến Tre.
 
Trước khi đi, nó dặn dò:
- Anh chị ở nhà ngoan nhen. Em đi mỗi tuần dìa một lần. Khu Giao Long có xe buýt chạy ngang em ra thót lên là dìa tới nhà. Anh chị nhớ em thì chờ em dìa hén? Dìa hễ có tiền thì em mua bánh cho anh chị ăn.
 
Sơn vuốt tóc Huỳnh:
- Thôi cưng. Lên xuống tốn tiền xe buýt. Hôm qua mẹ chạy lại bà Ba Bỉ mượn tiền cho em mướn nhà trọ, năn nỉ bả muốn gãy lưỡi mới được. Lên trển hà tiện hà tặn kiếm việc mần mới có tiền phụ ba mẹ nuôi thằng Danh. Phải chi anh còn thì bây giờ anh lo cho nhà mình được rồi. Anh chết sớm nên thân hình cứ con nít hoài như vầy, nhỏ hơn thằng Danh luôn rồi.
- Bà nội hôm qua có cho em mấy trăm. Ông nội nói sau này thằng Danh đi học đại học thì ông bán cây mai cho ba tiền nuôi nó. Ông nói bán mà tiếc lắm vì cây mai cổ thụ rồi, chắc cũng có linh hồn. Anh chị chơi với mai lâu coi thử coi mai có linh hồn hôn nhen anh chị.
 
Rồi Huỳnh cười tủm tím nói:
- Hồi đó, mỗi lần nghĩ tới chuyện phải ở một mình là em rầu thúi ruột vì sợ ma. Tự nhiên bây giờ hết sợ luôn rồi. Không phải anh chị mà gặp ma khác em cũng không sợ.
 
Sơn cũng cười. Nó ôm em gái mình một cái. Huỳnh đã là một thiếu nữ xinh đẹp dịu dàng.
 
Ngoài giờ đi học, Huỳnh ít la cà chơi hàng xóm, cũng ít lê la nhà nội như nó hồi trước mà chỉ chăm chăm ở nhà phụ mẹ cơm nước, nhà cửa và dạy Danh học. Vì vậy, Huỳnh cũng không nói chuyện giống như Sơn và Châu, cứ bắt chước ông bà nội dùng những từ quê rang quê rích.
 
Từ giã xong, hôm sau Huỳnh bắt xe buýt lên khu công nghiệp Giao Long để xin việc làm. Đứa con gái vừa bước vào tuổi mười tám lần đầu tiên sống xa nhà tìm cuộc mưu sinh.
 
Huỳnh nhìn người đàn ông đang ngồi bó gối trong phòng mình, ông ấy ở sẵn trong căn phòng đã bị khóa ngoài của cô, vẻ mặt của ông ta vô cùng bình thản.
 
Không bước vào trong, Huỳnh thầm nghĩ, có được chìa khóa phòng cô chỉ có bà chủ, bà ấy giấu người đàn ông này trong phòng cô?
 
Chuyện này đây là lần đầu hay đã làm nhiều lần trước đây, chỉ là hôm nay cô về sớm hơn với bình thường nên phát hiện?
 
Khu nhà trọ này mỗi căn phòng đều được cho thuê với giá hai triệu, chỉ có căn phòng của cô đang thuê là với giá năm trăm ngàn, bà chủ nói vì bà xúi quẩy, có một khách trọ tự vẫn chết ở đây nên không ai dám ở vì vậy không thể cho thuê giá cao được.
 
Huỳnh vì không có tiền, cũng không sợ ma, nên chọn thuê. Nó ở gần một tháng cũng không thấy có gì, đôi lúc Huỳnh nghĩ: có khi chẳng có ai chết nơi này, chỉ là bà chủ muốn dùng nó…. làm chút chuyện không sạch sẽ hổng chừng.
 
Định thần lại, Huỳnh bỗng lo sợ. Xung quanh không có ai, mọi người đều đi làm chưa về, rủi như ông ta xông ra lôi đầu nó cắt tiết cũng không ai biết. Huỳnh rụt rè hỏi:
- Chú là ai vậy?
- Con thấy chú? (Người đàn ông chỉ vào mình, vẻ mặt vô cùng khẩn trương) Con thấy chú sao?
- Dĩ nhiên rồi! Chú ngồi ở góc phòng mà?
 
Người đàn ông đứng lên, đi về phía cửa, giọng hân hoan:
- Con thật sự thấy chú? Chú ở đây mấy tháng rồi, sao đột nhiên hôm nay con thấy chú vậy?
 
Ông bước đi chân sáo, rộn ràng quanh phòng, trong khi Huỳnh bắt đầu thấy lạnh dần sống lưng, “ở đây mấy tháng” sao?
 
Cả người ông có vẻ nhếch nhác, râu lún phún chưa cạo, dáng người cao gầy, đôi mắt quầng thâm đen, Huỳnh lùi một bước khi nhìn thấy ánh nắng dạ vào phòng, ông ấy… không hề có bóng.
 
“Chạy hay không chạy? Chạy hay không? Chạy có thoát không?”
 
Người đàn ông khựng lại, ông nhìn qua Huỳnh, phát hiện ra có điều bất thường, rồi rất nhanh hiểu ra, bước đi về phía nó, cười tủm tỉm, nụ cười hiền khô đầy thân thiện:
- Đừng sợ, chú không hại con đâu, mình vào đây…
 
Huỳnh bỏ chạy, chạy thật nhanh ra ngoài.
 
Nó đứng ở trước cổng khu nhà trọ, mọi người đi làm chưa về, ánh nắng vàng chạng vạng rải trên nền đất, cuộc sống trải qua nhẹ nhàng như vốn dĩ nó đang có, trừ việc… trừ việc… phòng nó xuất hiện một con ma!
 
Phải không? Phải ma không? Một con ma đầy đủ chân tay giò cẳng? Phải lắm chứ? Anh Sơn, chị  Châu của nó cũng là ma mà?
 
Dựa ở gốc cây trước đối diện con đường ở nhà trọ, Huỳnh bình tĩnh suy nghĩ. Nó chưa lảnh lương, không có bạn bè ở đây, công việc cũng không mấy thuận lợi, ngoại trừ nơi này, nó không có chỗ để đi, nhưng mà… giờ như vậy, có thể về không?
- Con sao vậy? Sao không vào nhà, đợi ai hả?
 
Huỳnh nhìn qua bên kia đường, bà chủ nhà đứng trong tiệm tạp hóa của mình ngó ra, hỏi nó.
 
Nhìn bà chủ nhà, mọi người gọi là chị Hồng, bà lúc nào cũng đon đả vui vẻ, Huỳnh ở đây gần tháng, thỉnh thoảng bà gởi cho nó và những sinh viên ở trọ một ít trứng gà hoặc rau củ hơi héo héo ở tiệm tạp hóa đầu nhà trọ của mình. Bà là người phụ nữ phốp pháp nhân hậu, lúc nãy nó còn dám nghĩ bà ấy cố ý giấu người đàn ông trong nhà nữa chứ, thật là sai trái.
- Dạ, con không sao, mới về thấy ở đây gió mát quá, nên đứng lại hóng chút thôi.
- Dì nói rồi, mua cái quạt đi, để cho khỏe một chút, có bao nhiêu tiền đâu, mấy chục nghìn tiền điện nữa, mà mỗi ngày trôi qua dễ chịu hơn biết bao nhiêu.
 
Huỳnh mỉm cười, nhìn vào bên trong thấy Mẫn, cháu trai dì Hồng, cậu nhóc mỗi mùa hè đều ghé dãy nhà trọ này chơi, phụ bán đồ và tán mấy cô bé sinh viên tươi tắn.
- Dì Hồng, con có thể đổi bình nước không? Sẵn có Mẫn ở đây, nhờ nó mang vào dùm con?
         
Chị Hồng gật đầu lia lịa, rồi kêu cháu trai lại bợ thùng nước đem đến phòng số 7 cho Huỳnh.  
                                             
Đi theo sau Mẫn, Huỳnh chầm chậm bước, nó muốn xem xem thằng nhóc có thấy như nó thấy không? Hoặc có thể người đó đã biến mất rồi không chừng.
- Chị Huỳnh, cửa phòng chị mở rồi nè?
- Ừ, em đem thùng nước để vào trong dùm chị đi.
 
Mẫn Dạ rồi đi vào trong, thẳng đến chỗ góc phòng rồi đặt bình nước xuống, thoải mái nhìn quanh, không hề dừng lại ở… người đàn ông đứng dựa vách tường, kế ngay thùng nước.
 
Huỳnh nhìn ông ấy, ông ta cũng nhìn nó, lần này không còn như lúc nãy, ông ấy có vẻ e dè hơn, không có vẻ mừng rỡ tí tởn ban nãy mà chỉ đứng nhìn nó mà thôi.
 
Lấy tiền trả cho Mẫn, cố ý thật chậm, nó nói:
- Phòng đơn giản quá phải không?
 
Thằng bé lại nhìn một lần nữa, rồi cười:
- Chị sống một mình mà, nhưng đúng là chị cần thêm cái quạt. Nhín tiền mua cái quạt đi chị.
 
Huỳnh nhìn nó rời khỏi, vậy là Mẫn hoàn toàn không nhìn thấy người đàn ông trong phòng, nhưng…chết chưa?  Huỳnh vẫn thấy.
 
Huỳnh đứng chết trân một chỗ không nhúc nhích được. Nó đã tuyên bố với anh Hai và chị Châu là hết sợ ma rồi, dù cho gặp con ma nào khác cũng không sợ mà bây giờ nó nuốt lời rồi. Trong bụng sợ điếng, chưn cẳng run bần bật.
 
Thấy biểu cảm Huỳnh như vậy, ông ma ngại ngùng nói với nó:
- Đừng sợ. Chú chẳng thể làm gì, thậm chí ra khỏi căn phòng này còn không được, không thể chạm vào hay làm hại ai hết, đừng sợ chú mà con.
 
Huỳnh lùi bước lại vách tường đối diện, đứng đó nhìn qua ông, hỏi nhỏ:
- Chú là người… tự vẫn ở đây như người ta nói hả?
 
Người đàn ông thở dài chán nản, ngồi chồm hổm xuống:
- Chú không có tự vẫn! Chú đặt thuốc chuột vào sữa bẫy chuột, rồi xỉn quá, nửa đêm tìm nước uống, dè đâu uống nhầm sữa đó.
 
Ông ngẩng đầu lên nhìn Huỳnh, cười khổ:
- Không có cái chết nào ngu như cái chết này phải hôn con?
 
Huỳnh bật cười, ông ấy dù luộm thuộm, nhưng ánh mắt rất linh động, nụ cười cũng rất gây thiện cảm.
- Con không sợ nữa rồi phải không?
- Con đỡ đỡ rồi.
- Vậy nói chú nghe con tên gì? Sau này còn gặp nhau thường hơn.
- Con tên Huỳnh.
- Chú tên Khoa.
 
Ông ngập ngừng một lát, rồi nói:
- Con sẽ… đổi phòng trọ chứ? Phòng có ma làm sao mà ở?
 
Huỳnh lại cười, nếu không biết, chỉ nghe thôi, thì chẳng ai nghĩ con ma đó là ông ấy.
- Dạ không, con không đổi được, chưa có lương.
- Ah, đúng rồi, 10 tây mới có lương, còn mười ngày nữa. Vậy… có lương rồi, con sẽ dọn đi sao?
 
Huỳnh gật đầu, ông ấy cũng gật đầu, rồi cúi xuống. Đột nhiên nó có cảm giác thương cảm len lỏi, ông ấy hẳn cô đơn lắm, nếu bị nhốt nơi này, không ai nhìn thấy, không ai quan tâm. Huỳnh nhớ anh Hai mình, dù sao anh cũng có chị Châu bên cạnh hủ hỉ tâm sự, dù sao cũng còn có nó. Chú Khoa thì sao? Huỳnh đi rồi chú sẽ thui thủi cô đơn.
 
Đứng dậy ngượng ngùng, Huỳnh nói:
- Con… đi tắm, thay đồ cái nha.
 
Chú Khoa cũng đứng dậy, bối rối gật đầu.
 
Huỳnh soạn đồ và đi tắm, mắt nhìn quanh quất. Nước lạnh tạt vào người khiến tỉnh táo lại, nhưng nó đã nhìn thấy ma phải không? Như một người bình thường? Vậy gần một tháng này, ông ấy ở đây với nó?
- Từ khi con dọn vào chú đã ở đây phải không?
- Phải.
- Chú có biết tại sao đột nhiên hôm nay con nhìn thấy chú không? Con không làm gì hay gặp ai đặc biệt hết.
- Chú không biết.
 
Huỳnh nuốt xuống, bình thường cứ nghĩ bản thân ở một mình, có đôi lúc khá tùy tiện, thật sự việc ai đó tồn tại ở đây song song trong lúc nó không hề hay biết, việc đó có chút khiến Huỳnh hoảng loạn.
- Vậy bình thường con không thấy chú thì chú làm gì? Có mấy khi…ờ…
- Chú ngồi ở một góc vậy thôi. Chú biết con nghĩ gì, tật xấu quấn khăn sau khi tắm rồi đi vòng vòng đúng là cần phải bỏ, không phải con ma nào cũng ngồi yên một chỗ như vậy đâu.
 
Huỳnh đỏ mặt, từ nhà tắm bước ra, định liếc ông một cái, thì thấy ông ấy thật sự đang ngồi một góc trong phòng như khi nó mở cửa bước vào. Con người, chết thì đã chết, đoạn tuyệt mọi thứ với trần gian, còn nếu như không, nhìn thấy cuộc sống đang trôi đi trong bất lực, thì đáng buồn biết bao. Rồi nó lại nhớ anh Sơn của nó và chị Châu mà muốn chảy nước mắt. Nếu anh chị biết cũng còn có người chưa siêu thoát như họ không biết là buồn hay vui?
 
Bắc nồi nước luộc trứng, đồng thời nấu một gói mì, cho tất cả ra tô, định hoàn tất bữa ăn chiều thì bỗng nhiên nhớ đến người bạn mới. Bây giờ đã nhìn thấy ông, có thể cảm nhận được ánh mắt ông đang nhìn theo minh.
- Con… làm sao cúng cho chú bây giờ?
 
Chú Khoa nhìn Huỳnh, muốn cười đáp lại, mà mắt cứ âm ấm lên. Từ ngày ông mất, không rời khỏi được chỗ này, người ta đến đốt nhang và quăng ít bánh men ở đây xem như trừ tà, lần đầu tiên có người muốn chia sẻ với ông bữa cơm của họ.
- Con để đó được rồi.
- Con không cần vái vài cái sao?
 
Ông cười:
- Không cần, vái mấy cái thì thức ăn sẽ được đưa đến chỗ, không thì chú tự lấy cũng được.
 
Huỳnh ngẩn ra. Trời,thì ra là vậy, nếu nó vái, thì có nghĩa nó đồng ý đem dâng lên phần thức ăn đó, nên được đưa đến tận tay sao? Còn nếu không thì xem như phần ăn rơi rớt? Trời. Mỗi lần đưa trái cây lên bàn thờ cúng cho Sơn, có khi nó kêu anh Hai về ăn cũng có khi không. Mấy khi không như vậy thì Sơn có ăn được hay không ta?
Huỳnh đặt tô mỳ ở bàn, rồi lùi ra một chút, sau đó vái hai vái, tô mì hiện ra trong tay ông. Thật huyền vi. Chú Khoa nhìn Huỳnh, rồi nhìn tô mỳ, ông nhìn nó thật lâu. Hôm nay không như những ngày trước, ông lén ăn phần thức ăn người ta không biết, mà là cô gái này đã bái lạy để tặng lên cho ông.
 
Ngửi mùi thơm, ông cũng hiểu được, vì sao người ta có kẻ tin, có kẻ không tin, nhưng những tập tục đối với người đã khuất vẫn được cố gắng giữ gìn, bởi gì cơ thể dù mất đi, mọi thứ đã không còn, vì cho dù là một bóng hình dật dờ không ai thấy, vẫn mong lắm có người cho mình sự nhớ đến và sẻ chia.
 
Huỳnh sáng dậy sớm, hôm nay nó chuyển qua bộ phận mới, nhưng tối qua không ngủ được. Huỳnh không nghĩ ai có thể ngủ được khi biết trong phòng có một bóng ma đang ngồi ở góc nhìn minh. Cho đến nửa đêm, nó không nhịn được ngồi dậy nói ông ấy nằm xuống, dù biết rằng ông ấy cũng không ngủ đâu, nhưng khi nằm xuống đối với nó vẫn khá hơn việc ông ấy ngồi ở góc phòng nhìn quanh.
 
Huỳnh làm ở bộ phận cũ được ba tuần, mỗi ngày tăng ca đến tối, công việc làm mãi không hết, nhưng không khác gì một chân chạy vặt. Sau hai tuần khi sếp lớn hỏi lại những gì đã học được, thì ngoài lưu trình do làm sai vặt cho tất cả mọi người, còn lại chuyên môn đều không biết gì. Một tuần sau đó chủ quản bộ phận khuyên nó nên đổi việc, nó không thích hợp với công việc này, vì qua hai tuần Huỳnh không hề biết gì về chuyên môn.
 
Huỳnh rất muốn nói, sao mà nó biết được, đích thân vị chủ quản đó muốn nó photo tài liệu, muốn nó đi lấy mẫu, muốn nó đi đặt trà nước và dụng cụ… Những việc không thưởng không phạt, không chuyên môn, rồi cũng chính vị đó nói rằng nó không thể học hỏi được. Huỳnh cảm thấy giải thích cũng không có ý nghĩa gì, nên đã im lặng chấp nhận số phận. Muốn làm một công nhân bình thường cũng khó vì ma cũ ma mới đầy dẫy công ty mà cô thì không có bằng cấp gì ngoài cái tốt nghiệp phổ thông.
 
Chắc là hết tháng lảnh lương xong rồi xin nghỉ nơi đây, sang công ty Giày da mà làm hổng chừng dễ thở hơn.
 
Huỳnh tâm sự với chú Khoa, chú hăm hở hỏi:
- Rồi sao nữa?
- Biết làm sao nữa? Có một chị cho con một bọc cà phê rồi kêu con phụ giúp phô tô giấy tờ, con phô tô xong rồi phụ bấm lại chia phần cho đến hết ngày.
- Rồi mai vô làm cái gì?
 
Huỳnh thở dài, nó cũng không biết mai vào làm cái gì nữa, nhưng nó cũng không muốn chú Khoa bận lòng nên nói cho qua:
- Ăn cơm, ăn cơm, chuyện mai để mai tính.
 
Huỳnh lấy trong túi ra một hộp cơm, mở nắp ra để trên bàn, rồi lùi lại vái mấy vái. Chú Kha nhìn hộp cơm gà kho xã, ngạc nhiên:
- Chùi ui, hôm nay không ăn mì gói nữa, mà ăn cơm hộp rồi hả?
 
Huỳnh cười:
- Dạ, có chú ăn chung mà, đâu có ăn mì gói hoài được.
 
Ông nhìn cô, rồi lại cảm thấy lần nữa cảm động với hộp cơm. Huỳnh tò mò hỏi:
- Chú có nếm được vị không?
 
Chú Khoa đưa hộp cơm lên mũi.
- Ngửi được.
- Vậy chú có không ăn được món nào không? Hay chú có thích món nào không?
 
Ông nhìn cô gái nhỏ trước mặt, mỉm cười dịu dàng:
- Cái gì cũng ăn được, con muốn mua cho chú sao?
 
Huỳnh cười tươi tắn:
- Dạ, con cũng cái gì cũng ăn được, nếu chú có hôm nào thèm cái gì, chú nói con biết nha, con mua về chúng ta cùng ăn. Nhưng mà… nếu hôm nào con không về, không có thức ăn, chú có đói không?
 
Ông nhìn cô, cô nhóc đang quan tâm một con ma có bị đói không? Hai tay run run, chú cố giấu cảm xúc của mình:
- Đừng đối xử với chú quá tốt, vậy thì sau mười ngày còn rời khỏi đây, chú sẽ buồn lắm.
 
Huỳnh khựng lại, nó quên mất đi chuyện đó, thoáng trong lòng có chút se lại, sau đó cười tươi:
- Chú tiêu rồi, con còn có thể tốt hơn nữa đó.
 
Rồi quay lại phía sau lấy cái túi lớn lúc nãy mang về, lấy ra một bó nhang, cười hí hửng:
- Con nghe nói chú sẽ thích thứ này hơn, đúng không chú?
 
Chú Khoa ngẩn người, không biết nên cười hay nên khóc, chưa kịp phản ứng thì trong cái túi nilon thần kì của con bé lại xuất hiện một bộ đồ tây bằng giấy.
- Đồ mới nữa, đồ mới nè! Bộ đồ của chú thấy ớn quá hà.
 
Huỳnh loay hoay mở gói giấy, lấy đồ ra, không nhìn thấy được phản ứng của chú Khoa.
 
Ông cảm động, rất cảm động. Sao có thể không cảm động khi ông hiểu rõ, gần một tháng ở đây, ông biết con bé chỉ có một triệu trong người xài từ đầu tháng, đến hôm kia ngồi đếm tiền còn bốn trăm sáu mươi nghìn. Ông biết nó không nỡ mua cho mình một cái quạt trong ngày hè nóng bức, lại đi mua bộ đồ về đốt cho ông, rồi còn nhang, còn hộp cơm thay cho mì gói nửa tháng nay.
 
Khi còn sống ông bị người bạn thân cả cuộc đời làm cho thất vọng, khi chết đi lại nhận được sự ấm áp từ một người xa lạ không quen, mọi thứ đẹp đẽ luôn đến quá trễ tràng, đó là bởi vì ông không có may mắn được nhận hay là do ông đã lựa chọn không đúng từ lúc bắt đầu.
 
Chiếc áo sơ mi màu xanh dương nhẹ nhàng thay lên người ông, Huỳnh hí hửng:
- Đẹp không? Con chọn màu rất lâu luôn. Có điều con không tìm được người ta bán đồ cạo râu hay dao kéo cắt tóc.
 
Chú Khoa lắc đầu:
- Không cần, không cần đâu con.
 
Rồi ông nhìn Huỳnh, đánh lảng đi cảm giác bối rối ngượng ngùng khi nãy, nói:
- Mai đi làm, đừng có suốt ngày đi theo những người bộ phận khác, như vậy thời gian lâu dài, con thật sự sẽ biến thành một nhân viên cơm nguội đó, không bộ phận nào cần, cũng không thuộc về nơi nào.
 
Huỳnh thở dài, kéo hộp cơm về phía minh:
- Con cũng không muốn vậy, nhưng họ không dự định phân việc cho con, cũng không để con xuống xưởng may làm công nhân. Con không thể ngồi đó chờ đến hết ngày…
- Người ta không giao việc rồi thì con không biết đường tìm sao?
- Con đi tìm rồi đó, con đi hỏi…
- Đừng hỏi những người đó cần giúp đỡ hay không, họ không dám đưa việc chuyên môn cho con, cho nên cũng không giúp ích gì cho con đâu, con phải quan sát cấp trên của mình.
- Vậy con ngồi nhìn chằm chằm vào giám đốc à? Chú ơi, con là đứa con nít không có trình độ chuyên môn gì. Cho nên họ chỉ coi con như cu ly, một chân sai vặt vậy thôi.
 
Huỳnh hơi mỉm cười, nghĩ đến cảnh đó thật sự có chút kì cục.
- Con ghi chú thời gian cậu trưởng phòng ấy ra ngoài, đi làm gì, đến các phòng ban. Xem mỗi khi một đơn hàng hay một thiết kế mà cậu ấy làm xong, thì cần các bước nào, người ta đi đâu thì mình đi đó, xem mới biết cần phải làm gì, dọn dẹp phòng cho cậu ấy, một gã đàn ông cắm đầu vào công việc thì có thể gọn gàng được bao nhiêu chứ?
 
Huỳnh mím môi, nghĩ đến các bước mà chú Khoa nói, có cái nó có thể làm được, có cái sợ đến lúc đó không dám làm. Thật sự trừ việc nịnh bợ, nó không ngại khó. Nó đang cần đồng lương phụ trang trải cho gia đình, cực khổ bao nhiêu miễn có đồng tiền trong sạch là được.
 
Huỳnh chắp tay, vái vái vài cái với ổ bánh mì rồi mới cầm lên, tối nay nó sẽ về hỏi thử chú Khoa xem ổ bánh mì có được ship đến tận tay ông không, hay là phải làm đủ tư thế quì lạy mới được tính.
 
Buổi sáng hôm nay nó chẳng làm gì trừ theo dõi anh trưởng phòng như chú Thái dặn, anh ấy khi xem tài liệu xong sẽ đặt chỗ nào, anh ấy uống nước nóng hay lạnh, cốc nước đặt chỗ nào. Thầm cảm ơn trước đó có quen với chị nhỏ bạn làm ở công ty lớn kể cho nó và bạn nó nghe lúc mới ra trường, tháng đầu tiên nhận việc, nên đối với quy trình này Huỳnh xem như cũng hiểu biết chút đỉnh. Cho đến trưa nay, lúc mười một giờ, nó đã thành công giúp sếp đổi một ly nước ấm, xem như có chút đỉnh thành tựu. Hahaha, nghĩ mà mắc cười.
 
Nếu anh Hai và chị Châu biết nó lên Bến Tre vô làm công ty mà phục vụ mấy cái này chắc tội nghiệp nó lắm. Nhưng Huỳnh tính hết ròi, ngoài chú Khoa ra, nó sẽ không kể cho bất kỳ ai nghe. Huỳnh chỉ muốn yên ổn làm việc hết tháng này, nhận lương về nhà đưa phân nửa cho mẹ, gặp mặt anh Sơn, chị Châu. Kể cho anh chị nghe về chú Khoa rồi trở lên tìm công ty khác làm, nó sẽ trọ cái phòng này, vừa tiết kiệm tiền vừa không bỏ chú Khoa ở lại một mình, nó nỡ nào để chú lần nữa mang cảm giác cô đơn.
 
Chú Khoa tay bợ hộp cơm gà chiên, nhìn nó trìu mến, chú nói trúng tim đen Huỳnh:
- Muốn bỏ cuộc rồi phải không?
- Dạ. Sao chú biết?
- Nhìn biểu cảm của con thì đoán ra ngay.
 
Nhưng con lo làm chi cho nặng óc. Cánh cửa này đóng thì cánh cửa khác sẽ mở ra. Biết đâu đây là cơ hội cho con thì sao? Ngày nào còn làm việc thì hãy nổ lực hết mình để hoàn thành tốt trách nhiệm. Sau đó, nếu không trụ được thì đi chỗ khác. Mình làm một mà muốn hưởng ba thì bộ người ta ngu mà mình khôn hay sao? Nhưng mình làm ba mà người ta trả một, nếu họ không điều chỉnh thì rời khỏi bởi vì họ không trọng nhân tài. Rời khỏi để tìm cơ hội khác, đơn giản vậy thôi. Mà theo chú thấy, với trình độ cấp ba của con thì cả đời chỉ làm công nhân mà thôi. Chi bằng kiếm việc làm bán thời gian rồi tranh thủ học lấy thêm cái bằng gì đó. Bằng kế toán ngắn hạn cũng được. Có chuyên môn rồi lo gì không có chỗ nhận mình. Con còn quá trẻ, tương lai con dài, chẳng lẽ cả đời làm công nhân cấp thấp hay sao?
 
Huỳnh lắc đầu, rũ bỏ chuyện công ty ra khỏi não, hăm hở cười nói với chú Khoa:
- Chú có nhận được ổ bánh mì con gởi hồi sáng không? Con không có quì, con chỉ vái mấy cái thôi, không biết nó có ship đến cho chú không nữa?
 
Chú Khoa vỗ chân cái đéc, cười tươi:
-     Vậy ra hồi sáng là con đó hả? Sáng chú thấy ổ bánh mì mà không biết của ai.
-     Vậy là tới thật rồi, tốt quá.
 
Chú Khoa nhìn cô bé tươi tắn chỉ vì một ổ bánh mì đã được “ship” đến nơi, không phải ma không có cảm giác sao, sao ông lại cảm thấy cảm động thế này? Thật ra chẳng có gì vào sáng nay cả, nhưng Huỳnh sẽ ăn uống đàng hoàng hơn khi biết nó làm vậy là có thể chia sẻ cho một người khác.
- Chú có ý kiến vậy con nghĩ sao?
 
Huỳnh gặm cái đùi, gật đầu, những điều chú nói ra đúng như ý nguyện của cô. Nhưng nếu như vậy, cô không  có tiền để gửi về nhà. Liệu ba mẹ cô có xoay trở nổi không?
 
Ông nội nói sẽ bán cây mai nhưng cái người đến hỏi mua cứ hẹn lần hẹn lựa chưa tới. Với lại, cây mai cạnh hông nhà là nơi anh Hai của Huỳnh và Châu thường xuyên ở đó hơn mười năm nay. Đốn cây mai như phá nhà của họ rồi thì họ ở đâu? Ở ngoài mộ không ai chịu hết vì mỗi đứa một nơi mà họ thì đeo dính nhau như cặp sam.
- Con cũng có nghĩ đến chuyện đó rồi. Nhưng chú à, hồi nãy chú mới nói: Còn ở công ty ngày nào thì phải có trách nhiệm ngày đó. Con sẽ cố gắng ở lại cho hết ba tháng hợp đồng. Nếu con thích nghi với công việc này thì sẽ ký tiếp, còn không, con nghe lời chú. Ít nhất ba tháng này, con cũng có chút tiền để gửi về nhà cho ba mẹ, con còn chút đỉnh sống một tháng tiếp theo. Vừa làm bán thời gian lấy tiền đi học không để ba mẹ nuôi. Con cũng sẽ ở đây với chú, con không bỏ chú đi đâu.
 
Huỳnh thấy chú Khoa chớp chớp mắt. Chắc là chú cảm động vì những lời tận đáy lòng của nó. Chú đưa tay vuốt tóc Huỳnh. Ngộ ghê, nó cảm nhận được bàn tay chú trên tóc mình. Vậy mà sao nó chạm vào chú không được vậy ta? Với anh Hai nó cũng vậy. Chú Khoa thì lớn rồi, suy nghĩ chín chắn nên cũng ít buồn hơn anh chị nó. Nghĩ tới Sơn và Châu, Huỳnh thấy trái tim mình thắt lại.
 
Ngẫm nghĩ một hồi, Huỳnh quyết định kể cho chú Khoa nghe về hồn ma của anh chị nó
 
Hết chương 2.
          Còn tiếp chương 03.
 
Lê Nguyệt
 
 Trở về
Các bài viết khác:

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo