Nha Đầu bật dậy ra sân. Trời đất ơi, thằng Vĩnh. Đúng rồi, Vĩnh mình
mẫy đầy mồ hôi, mặt đỏ ké vì nắng. Vừa thấy Nha Đầu thì cặp mắt nó sáng lên,
hai đứa xáp lại nhau,
Nha Đầu đỡ cái giỏ xách trên tay Vĩnh, tíu tít:
- Mầy lên đây chi vậy? Hổng đi học ha?
- Tao xong cấp hai rồi. Nghỉ không học nữa mà lên đây ví mầy. Cha mẹ
tao cho phép đó. Bà cũng chịu nhận tao luôn.
Nha Đầu ngó sang bà, bà gật nhẹ một cái rồi kêu Vĩnh nghỉ một chút
rồi tắm rửa xong ăn cơm. Bà chỉ cái võng phía trước nhà bếp nói từ nay nó sẽ
ngủ trên võng. Đợi bà đi chợ một chuyến sẽ mua cho nó cái giường mới.
Nha Đầu không hiểu do Vĩnh là con trai hay do nó có bà con với bà
Đanh mà coi mòi nó tự nhiên lắm. Vừa ăn cơm vừa nói chuyện vui vẻ, Vĩnh không
tỏ ra sợ sệt bà lại còn thân thiết giống như đã từng gặp bà vậy.
Cơm xong, Nha Đầu bưng lên rổ khoai lang luộc. Nó châm bình thủy
nước sôi cho bà pha trà. Thằng Vĩnh mười lăm tuổi đã trổ mã thành một thanh
niên lịch sự còn nó, chỉ nhỏ hơn có hai tuổi mà còm nhom trông rất tội nghiệp
mặc dù hai mươi ngày ở đây được ăn no mặc ấm coi mòi có da có thịt hơn.
Bà Đanh nhìn Vĩnh cắn củ khoai lang mà cười, hỏi nó:
- Con Nha Đầu này bỏ đi ba mẹ nó không đi kiếm hả?
Vĩnh hứ rồi trề trề:
- Kiếm gì mà kiếm bà ơi. Họ còn mừng nữa à. Hàng xóm người ta nói
quá trời.
Rồi nó quay sang Nha Đầu, nói với bà Đanh như méc:
- Bà không biết họ đối xử với nó ra sao đâu.
Nó khóc với con hoài. Cơm nó nấu, đồ ăn nó làm mà khi dọn lên vợ
chồng con cái họ ngồi ăn còn nó thì đứng dòm miệng. Nó đói bụng nuốt nước miếng
ừng ực mà chớ ai kêu nó ăn hay bới cho nó một chén. Họ ăn sạch bách còn bao
nhiêu múc ra cho gà ăn ráo trơn. Ác gì mà ác quá trời.
Thằng cha đó bước vô nhà nó chào hỏi cái chả lấn nó muốn té nhào
không thèm trả lời. Vợ chồng tối ngày ôm con Thục nựng nịu. Vườn cây toàn mướn
người ta chăm sóc và hái trái chứ có mần gì động móng tay. Xóm ai cũng ghét
hết. Con mẹ nó hồi trước được lắm giờ giống y chằn cái.
Tội nghiệp nó lắm bà. Hổng có bộ đồ mới luôn. Hết cơm bả kêu nó qua
nhà con ăn, nói cha mẹ con mắc nợ cha mẹ Cú nên phải trả còn mẻ không tội tình
gì đi lo cho người dưng.
Bà Đanh nhếch môi, hừ một tiếng:
- Từ hồi Nha Đầu đi tối giờ tụi nó sống sao?
- Thấy mẻ đi chơi còn chả nhậu nhẹt tối ngày nhưng đâu có ai chơi
chung mà biết.
Cha con nói chờ con Cú mười tám tuổi sẽ về đòi đất lợi. Bả cứ lên xã
đòi sang tên hoài nhưng người ta đâu có cho. Nói nó mất tích chứ đâu phải chết
mà sang tên.
Bà gật đầu. Rồi nói với Nha Đầu:
- Thôi. Ráng ở đây năm, sáu năm nữa đi. Khi đủ bản lĩnh rồi tao cho
dìa tính sổ với nó.
Nha Đầu cảm kích. Sực nhớ câu chuyện bà kể dở dang nên vội hỏi:
- Bà ơi, bà ở đây sao rành chuyện nhà con vậy bà?
Bà có vẻ bí hiểm cười cười:
- Bởi vì vợ trước của cha Nha Đầu là bạn thân với tao.
Khi chị ấy mất thì chưa đi mà ở lại theo dõi xem chồng mình có hạnh
phúc không. Rồi chị xui khiến cho ông Tế gặp mẹ Nha Đầu. Xong thì lên đây với
tao gửi gắm trông chừng giùm vợ chồng con cái họ và theo dõi con Lựu thằng
Nhận. Không biết chỉ đã thấy gì mà nói vậy. Rồi chỉ siêu thoát. Tao cho âm binh
theo dõi mới biết mọi chuyện.
Tiếc là không cứu được mẹ của Nha Đầu. Bởi vì khi con Mặc chết xong,
con Lựu cứ thấy nó dìa hoài nên mới mướn pháp sư bắt hồn nó nhốt lại rồi đưa đi
đâu tao tìm chưa ra. Cũng không biết thầy đó là thầy nào. Tao đang luyện âm
binh mạnh để túa ra đi tìm. Tìm được rồi, biết ai đã ra tay thì đứa đó no với
tao luôn.
Vĩnh mở mắt thao láo nhìn bà không chớp. Bởi nó đâu biết chuyện bà
đã kể cho Nha Đầu nghe. Nó muốn hỏi thì Nha Đầu đã khều nó một cái ý nói để tao
sẽ kể cho mầy nghe sau.
Bà Đanh ngó hai đứa nó một hồi rồi chầm chậm cất lời:
- Lòng dạ con người thật không biết đâu mà lường.
Mẹ Nha Đầu chắc oán hận con Lựu lắm. Một đứa trẻ mồ côi mà nó đùm
bọc bao nhiêu năm nay xem như em ruột, có chồng cũng mang theo về ở cạnh, ăn
sung mặc sướng. Nhưng rõ ràng là bản chất con này quá xấu xa lại giỏi che đậy,
trá hình, gạt gẫm người ơn, tao có lý do để nghĩ nó hại chết hai vợ chồng Tế
Mặc mong độc chiếm gia tài.
Đã vậy, người ta chết rồi nó cũng không để yên, bày trò ếm đối trấn
vong. Quá đáng lắm. Mà cũng phải, Mặc chết oan ức bỏ lại con thơ cho phường như
nó thì sao yên tâm siêu thoát được. Nha Đầu bỏ đi là trúng kế nó rồi. Nhưng núi
cao có núi cao hơn, nó sẽ trả giá.
Vĩnh xăng xái:
- Trị bả đi bà. Bà không biết đâu, bàn thờ của mẹ con Cú bả không để
hình luôn đó, mẹ con nói thậm chí không có nhang đèn cúng cho ba mẹ nó.
Rồi trong nhà có tới năm cái bài vị, ông bà nội Cú, mẹ lớn và cha mẹ
Cú nữa. Hàng xóm nghe nói bả tính dẹp bàn thờ luôn kìa bà.
Rồi nó nhìn Nha Đầu, mắt nhíu lại. Nó kể cho bà nghe vì sao Lựu lại
gọi Hàm Ơn bằng Cú. Lựu chê nó xấu, xui rủi, hại chết cha mẹ. Mở miệng ra không
có gì tốt, tiếng nói như cú kêu mang điềm không lành nên hở ra là kêu nó bằng
Cú, kêu riết chết danh con nhỏ luôn.
Mà Lựu đánh Nha Đầu dã man lắm chứ không phải như dì đánh dạy cháu
đâu. Mỗi khi đánh, Lựu nghiến răng trèo trẹo trù rủa chứ không giống cô Lựu hồi
mẹ Cú còn sống chút nào. Ở xóm ai cũng nói sau khi Cú bỏ đi. Nói là ngu gì mà
đi, nhờ vài người lớn lên xã chỉ tội Lựu, tống cổ ra khỏi nhà chứ mắc gì để nhà
mình cho bả ở, cây trái cha mình trồng trọt giờ cho bả ăn không mà lại ngược
đãi con người ta.
Vĩnh nói thêm. Nhưng ông bà Năm Vẹt thì muốn Nha Đầu đi lên ở với bà
Đanh. Chỉ có bà Đanh mới trị được cặp vợ chồng này giải cứu cho mẹ nó. Bởi vì
ông bà cùng nằm chiêm bao thấy Mặc về, khóc than là mình bị chết oan, bị hai
đứa kia hãm hại. Mặc nhờ ông bà dòm ngó giùm Hàm Ơn.
Rồi mấy đêm sau nghe tiếng Lựu và Thận la hét trong nhà, ông bà biết
Mặc đã về. Nhưng chẳng bao lâu thì không nghe và không gặp lại Mặc nữa. Ông Năm
mới lên gặp bà Đanh và bà cho biết rằng vong của Mặc đã bị phong ấn rồi, bà sẽ
đi tìm mà giải cứu giúp cô.
Bà kêu ông Năm bày cách cho Hàm Ơn lên đây, trước để bà bảo vệ, sau
là dạy cho nó phép thuật phòng thân và cứu mẹ nó ra. Bởi nếu Hàm Ơn cứ nấn ná ở
lại thì có ngày cũng bị bọn chúng hại chết. Hàm Ơn mà chết thì có trả thù hay
không cũng chẳng còn quan trọng nữa rồi.
Bà nhìn Vĩnh:
- Mầy lên đây chơi hay ở luôn?
Vĩnh trả lời dứt khoát:
- Ở luôn bà ơi.
Cha con nói để anh Hai con học đi, con thì theo bà học nghề sau này
Nha Đầu trả thù xong con với nó phối hợp hành nghề thay bà giúp người. Cha con
nói với hàng xóm là cho con đi học nghề ở Thành Phố, vài tháng về một lần để
không ai nghi ngờ.
Bà cười, hứ cái cốc nhưng có vẻ hài lòng.
Từ đó, Vĩnh ở lại với bà Đanh cùng Nha Đầu. Bà Đanh nghĩ bụng, hai
đứa ngày càng lớn, ông Năm lại cho tụi nó gần gũi vậy chắc là muốn tác hợp cho
đôi trẻ rồi. Mà bà nhìn hai đứa này nét mặt hao hao giống nhau, chắc tụi nó có
tướng phu thê. Thôi kệ đi, con Nha Đầu mới có mới ba tuổi, ít gì cũng vài năm
sau. Bây giờ tụi nó chắc cũng chẳng có tình ý gì, cứ gọi nhau là mầy tao suốt
như vậy cũng tốt.
Từ ngày có Vĩnh, căn nhà lá của bà Đanh có phần vui hơn, sinh động
hơn. Nó lớn họng, cười nói suốt ngày. Chuyện ra mương lạch chài cá thì Vĩnh lo,
thằng như có tay sát cá, mỗi khi nó đi chài là về ăn cả mấy ngày không hết,
phải ướp muối phơi khô.
Chuyện cơm nước thì Nha đầu lo, bà Đanh hầu như suốt ngày chăm lo
khu trồng ngãi, vô nhà thì vừa uống trà vừa đọc sách rồi chi chép gì đó. Bà
chưa dạy cho hai đứa nó bất cứ điều gì liên quan đến mấy bụi ngãi bà trồng.
Rồi cũng đến một ngày, bà kêu hai đứa theo bà ra đám ngãi. Từng bụi
từng bụi mọc rải rác, bụi nào cũng xanh tốt mơn mỡn, cây gì lạ hoắc hai đứa
chưa thấy lần nào.
Bà chỉ vào đống đất sét bên cạnh, nói với Vĩnh và Nha Đầu:
- Mỗi chiều hai đứa ra đây, dùng đất này tạo ra các tượng con nít.
Đẹp xấu tùy theo hoa tay mỗi đứa. Nên nhớ mỗi tượng sau này sẽ là
một đứa con nít do ngãi hóa thân vào. Khi đã điền khiển được nó rồi thì tụi bây
cũng đã đủ tuổi trưởng thành, chừng đó hãy quay về làm những việc cần làm.
Hai đứa nó rị mọ ngoài đó suốt ngày. Đến giờ cơm thì vô nhà cùng
nhau rí rố nấu cơm.
Họ sống vui vẻ quên cả sự đời.
Cho đến một hôm, bà Đanh kêu hai đứa lại, ân cần dặn dò:
- Bà sẽ đi công chuyện độ khoảng mười ngày.
Trong mười ngày này, hai đứa cố gắng nặn cho được mỗi đứa năm mươi
hình nhơn, bà dìa sẽ dạy cho cách sử dụng. Nhớ ở nhà chăm sóc đám ngãi không
thể để chết một cây nào. Tưới nước cho nó ngày hai lần, sáng sớm và lúc nửa đêm.
Canh đúng mười hai giờ là ra tưới.
Nhớ là dùng nước trong, buổi chiều coi xem coi đủ nước trong để tưới
hay không, nếu không thì múc dưới mương lên lóng phèn rồi đem ra đổ đầy mái
ngoài này là đủ tưới một cử. Tưới nước đục hư ngãi của bà hết biết chưa? Và nhớ
là nếu thấy ngãi có thay đổi gì, như ra bông hay nở bụi cũng thây kệ, quan
trọng nhất là không được để nó chết. Nó mà chết bụi nào thì bà dìa bẻ họng tụi
bây đó biết chưa?
Thấy tụi nó ngơ ngơ, bà chốt lại:
- Nói chung, đám ngãi này là sinh mệnh của ba bà cháu mình. Phải bảo
vệ sinh mệnh, hiểu hôn?
Nói tới đây là tụi nó hiểu rồi, gật đầu lia lịa.
Hừng sáng tụi nó thức dậy thì bà đã đi rồi.
Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm. Tưới ngãi xong rồi, tụi nó múc nước
mương đổ đầy mái, lóng phèn xong rồi hai đứa hí ha hí hửng đem chài ra tuốt mị
ngoài sông để chài cá. Tụi nó bàn với nhau được bao nhiêu luộc chấm muối ăn hết
chiều chài cái khác. Nhưng đi cả buổi mà không có con nào, đành dắt về ra mương
chài mới có cá ăn một ngày.
Thằng Vĩnh tức lắm chưa chịu thua đâu.
Không quên lời bà dặn, chúng cắm đầu nặn tượng đất. Cố tình nặn cho
nhanh để đủ số khi bà về không bị phạt mà còn được khen.
Tụi nó ngủ sớm, vặn đồng hồ báo thức 11 giờ rưỡi khuya. Hai đứa men
ra vườn, Nha Đầu cầm đèn phin rọi cho Vĩnh tưới. Tưới vừa xong hai đứa nghe
tiếng cười giỡn nhí nhố vang lên. Trời đất cơi, Nha Đầu xém xỉu khi thấy quá
chừng cục thịt hình dáng như trái mận đi ủn ỉn trong vườn, từ bụi ngãi này tới
bụi ngãi kia.
Bọn nó không có chưn tay, chính giữa thân có eo thắt ngang y chang
trái mận xanh nhưng chúng màu trắng sữa, trên đầu trái mận có mắt mũi miệng đầy
đủ coi vừa ngộ, vừa mắc cười lại vừa mắc gớm.
Nha Đầu run sợ nép sát vào Vĩnh. Tụi nó biết đây là hiện thân của
cây ngãi nhưng mà nhìn thấy ớn quá. Lúc trước, rõ ràng Nha Đầu nhìn thấy chúng
giống như củ sâm sao bây giờ lại ra trái mận rồi? Đứa nào đứa nấy trắng hếu
trời tối thui cũng thấy những đốm sáng đi lung tung. Những cái miệng chóp chép
không nghe rõ được mà nhiều đứa nói cùng lúc nên gây nên tiếng ồn ào quỷ dị chói
tai.
Ngay lúc này Vĩnh cũng không biết làm gì đành trơ mắt mà nhìn.
Bọn trái mận đít bự hơn thân, cả đám đếm không xuể bu lại chỗ hai
đứa nặn tượng cầm mỗi đứa một con lên coi. Cái mỏ chúng trề qua trề lại, lắc
đầu tỏ ý chê bai rồi quùn quằn để xuống nhè nhẹ. Hú hồn, Vĩnh tưởng nó chọi
xuống cái bộp bể tan tành rồi chứ.
•
Hết chương 03.
Còn tiếp chương 04.
Lê Nguyệt