Cái con chị dâu này coi bộ cũng đồng lõa với thằng em chồng, toàn là
xúi vô. Trước nay chuyện cưới vợ gả chồng cho con là do cha mẹ, nhưng cái nhà
này chừng nữa cưới vợ cho Đắc chắc chăng cần tới bà, có Khắc và ông Năm, thậm
chí bà Ba là được.
Ý, sao họ có cái quyền đó, cái quyền thay bà cưới vợ cho con bà chứ?
Bà không có nhà thì thôi, chứ bà ở đây thì nhất định phải là chủ hôn.
Đứa nào cũng có điện thoại hết. Vậy mà khi bà mở miệng hỏi xin một
cái chúng trả lời bà cần điện thoại làm gì? Liên lạc với ai? Nếu muốn thì chờ
lương ra mà mua. Thấy ghét ghê chưa? Bà đã lên kế hoạch rồi. Nếu chúng không
nghe lời bà thì sẽ có hai phương án. Một là đuổi cổ chúng đi, sẵn cái cơ sở nầy
bà sẽ cho mướn lấy tiền hàng tháng sống.
Còn nếu chúng biết điều, mười mét bà sẽ chia ba, phần bà ba mét, hai
đứa kia đứa ba mét rưỡi. Nếu chúng cần mặt bằng thì trả tiền thuê ba mét đó cho
bà cộng với tiền làm mọi cho chúng tháng cũng thêm vài triệu nữa. Bà đi cùng
trời cuối đất, nghe quá nhiều chuyện cha mẹ cho nhà con cuối cùng bị chúng đuổi
ra đường lang thang đói lạnh. Bà không ngu như họ.
Tụi nó là con, bổn phận con thì phải phụng dưỡng báo hiếu cho mẹ chứ
tội gì phải cho hết chúng để mình bị thiệt thòi? Nếu chúng không lo, bà lấy lại
hết xem chúng có kêu Trời không cho biết.
Bà ở được ba tháng. Trong ba tháng đó Dương hết sức phiền phức vì
bà. Có mặt anh em Khắc thì thôi, bà nịnh nọt cô đủ kiểu. Nhưng khi họ ra khỏi
nahf là bà bắt đầu chì chiết Dương, sai biểu đủ chuyện. Dương nhịn hết cho yên
nhà yên cửa. Cô không hiền, và cũng thừa biết bà ta kiếm cớ để đi khi trong túi
đã rủng rỉnh tiền bạc rồi.
Đến khi bà ta nói với cô:
- Tao biết mầy chướng tai gai mắt tao lắm, muốn tống cổ tao đi.
Nhưng dễ gì mậy. Tao ở chán chừng nào muốn đi thì đi, hai đứa kia đuổi tao còn
không được thì mầy là cái con mẹ gì. Nhưng mà trước khi tao đi, tao phải khiến
cho ba đứa bây thân sơ thất sở mới vừa cái bụng tao. Nhất là mầy đó, tao sẽ
khiến nó bỏ mầy.
Dương rùng mình, cô bĩu môi:
- Tui thách bà đó, coi anh Khắc chọn ai. Nhịn bà là vì tui thương
chồng chứ loại người như bà tui thèm tán vô mặt lắm. Thứ mẹ gì đâu mà không
giống mẹ người ta.
Vậy đó, mà khi cả nhà đông đủ, bà tạo ra bản mặt đau khổ rấm rứt
khóc với hai thằng con:
- Chắc má không ở đây được với con Dương.
Trước mặt hai con nó tốt với má nhưng hai con ra khỏi nhà là lần nào
cũng kiếm chuyện. Nó nói má ăn bám mà đòi tiền lương. Má là má của hai đứa mà.
Má làm không công cũng được nhưng con có hiếu nên cho tiền má dưỡng già. Dâu
thì đâu có ưa má chồng. Nó nói chuyện với má hỗn hào, xưng tui không hà. Con
người hai mặt như vậy má ở sao được?
Dương ngẩn người ra, không ngờ. Đắc dằn cái ly lên bàn nghe cộp một
tiếng:
- Bà gieo tiếng oán cho người ta nữa. Bà muốn đi rồi chứ đâu. Muốn
đi thì đi đừng kiếm cớ ly gián. Không ai tin bà đâu.
Bà Nhum chỉ khóc mà không nói gì thêm. Tất nhiên, Khắc thừa biết
Dương bị oan dù rằng cô cũng không phải là người dễ bị ăn hiếp. Nhưng cô vì anh
mà nín nhịn bà cũng lâu rồi.
Sáng lại, cả nhà thất kinh khi chiếc honda không cánh mà bay, bay
luôn ba cái điện thoại của ba người, quần áo trong rương cùng với bà Nhum cũng
bốc hơi.
Vì họ không nghĩ bà Nhum biết chạy Honda nên giấy tờ xe luôn để
trong cốp, chìa khóa gắn dính trên ổ. Họ quên một điều bà ta đã lăn lóc ngoài
đời bao nhiêu năm, việc chạy hon da chỉ là chuyện nhỏ.
Khắc nhếch môi cười chua chát còn Đắc thì nghiến răng giận dữ kêu
lên:
- Quá đáng lắm rồi. Thôi, của đi thay người, từ nay không mẹ con khỉ
mốc gì nữa hết. Số của vừa mất coi như tiền làm ma chay cho bả đi.
Cả xóm nghe chuyện chỉ biết lắc đầu. Bà Ba và ông bà Năm an ủi ba
người:
- Thôi bỏ đi con, còn người còn của. Sau này nó phung phí hết tiền
nếu có quay về thì cũng đừng nhìn nhận, đừng cho nó vô nhà, bà con ở đây sẽ ủng
hộ tụi con.
Khắc cay đắng nhận ra bà ta không còn tính người nữa. Thôi, coi như
trả công cho bà sanh ra anh em anh bao nhiêu đó. Giờ mà mua lại chiếc honda
cũng là cả một vấn đề. Dương và Đắc không cần điện thoại nhưng anh cần, vì đó
là phương tiện để anh giao dịch buôn bán. Khắc không chơi Facebook, anh chỉ làm
zalo để gọi điện và gửi mẫu mã không tốn tiền. Trước mắt là mua lại một cái
điện thoại rồi mới tính tiếp.
Nhưng ông Năm nhận ra cái khó của Đắc, không có Honda bất tiện trong
việc giao hàng hoặc gặp đối tác nên bắt buộc anh mượn ông hai lượng vàng mua
trước, làm ăn được hãy trả cho ông.
Khắc chảy nước mắt trước tấm lòng của ông bà. Người dưng nước lã còn
vậy mà mẹ ruột lại chơi anh một cú như trời giáng.
Rồi họ cũng bỏ qua, coi như số xui xẻo gặp năm cùng tháng vận. Ông
Thức nghe chuyện cũng giao cho anh nhiều mặt hàng hơn để anh kiếm tiền mà trả
ông Năm.
Hai năm sau.
Khắc đã xong nợ với ông bà Năm, họ cũng đã sắm lại chiếc honda mới
khác. Ba người họ mua được miếng đất nhỏ một trăm mét vuông sau nhà là của bà
Ba nhượng lại để mở rộng mặt bằng. Khắc cất cái nhà khang trang ngăn làm hai
mỗi bên năm mét dài năm mét rộng, anh em người một bên.Nhìn cáí nhà xinh xắn
đầy đủ tiện nghi, anh em Khắc không bao giờ nghĩ mình lại có ngày này. Trong
lòng lại hàm ơn ông bà Năm và bà Ba vô cùng vô tận.
Đắc xin ở nhà ông Năm con chó màu vàng, trên lưng có lằn đen kịn
trông rất đẹp mắt. Hồi mới đem về nó ú nu ú na nên Đắc rất cưng, đặt tên nó là
Ụt Ịt. Ụt Ịt đeo dính lấy chân Đắc, anh chàng muốn ra ngoài phải trốn nó mà đi
không là nó quấn lấy dù Đắc chạy Honda nó cũng theo một đỗi nên mỗi khi anh em
Đắc đi giao hàng Dương phải ẵm nó trên tay. Đắc nói, nhà có nhiều đồ nên cần có
chó phụ trông coi. Nay nó được hai tuổi, bệ vệ ra dáng thanh niên, đẹp trai
nhất xóm, chó cái bu kín trước cửa nhà. Đắc cưng nó ôi thôi.
Tưởng sẽ bình yên làm ăn qua ngày chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng
của Khắc. Ngờ đâu sóng gió gia đình họ lại lần nữa nổi lên khi bà Nhum thân tàn
ma dại lếch về.
Chiều khoảng bảy giờ tối. Khắc, Dương và Đắc đang ngồi ăn cơm thì Ụt
Ịt gầm gừ ngoài cửa. Dương buông đũa đứng dậy bước ra xem, Ụt Ịt sủa là có
người, không bao giờ sủa khan. Và cô bất ngờ khi thấy bà Nhum kéo cái valy đã
cũ sờn nhìn cô nhoẻn miệng cười.
- Bà…bà…
Hiếm thấy ai trơ trẽn được như bà Nhum, bà sốt sắng đi vào như người
mẹ từ Thành Phố về thăm con ở quê nghèo. Nụ cười của bà nở ra vô duyên làm sao:
- Má về rồi nè mấy đứa.
Đắc quăng đũa xuống bàn đứng dậy hùng hổ:
- Bà muốn gì nữa đây? Ăn hết chiếc xe với ba cái điện thoại giờ về
kiếm thêm hả? Còn khỉ mốc gì nữa mà quơ quào?
Khắc nắm tay Đắc kéo lại:
- Ăn cho xong bữa cơm rồi hai đứa đi nghỉ . Chuyện này để anh sắp
xếp.
Đắc hậm hực:
- Thấy bản mặt hãm tài là ăn cơm hết vô.
Dương sợ Đắc hỗn hào quá mang tội cái miệng nên kéo áo nó:
- Thôi, để anh Hai tính đi chú. Dù gì cũng mẹ mình, đừng nói mấy lời
quá đáng mang tội.
- Tội khỉ gì chị ơi. Má của mình chết lâu lắm rồi. Bà này tới nhận
vơ thôi. Má gì mà cả đời chỉ biết nghĩ cho mình không quan tâm tới con cái. Nó
mới lập nghiệp có chút của cải là bả chôm hết để đi nuôi trai. Chúng ăn trọc
đầu giờ quay lại kiếm chát nữa. Mình mắc nợ bả sao? Mặt mũi gì mà dòm ai ở cái
xứ này chứ? Nhục quá mà.
Khắc lừ mắt nhìn Đắc:
- Đã kêu đừng nói gì, để anh tính mà sao cứ vậy hoài? Ăn cho xong
cơm đi.
Đắc hậm hực nhưng không dám cãi lại anh mình. Bà Nhum kéo valy lại
bộ đi văn năm xưa vẫn còn đặt ở vị trí cũ. Bà ngồi lên ván thì Đắc đã kêu lên:
- Ván đó để tối cho con chó ngủ. Bà không còn chỗ ngủ đâu.
Bà Nhum sau câu nói má về rồi nè thì gặp phản ứng dữ dội của Đắc nên
không dám bô lô bô la gì thêm. Chỉ hy vọng Khắc nghĩ tình mẹ con mà không bạc
đãi bà. Mấy tháng ở chung, bà nhận ra Khắc dù không thương bà như con thương mẹ
nhưng anh không hầm hứ nạt nộ bà như Đắc.
Thằng Đắc tướng tá bậm trợn, nói năng sổn sảng mà hình như có râu
quai nón nữa thì phải. Con vợ thằng Khắc chắc ghét mình, hiện giờ cái bụng của
nó vượt mặt chắc thằng Khắc cưng dữ lắm. Mình lợi dụng cơ hội này để ở lại lo
chuyện nhà cửa giúp nó. Chắc tụi nó chịu mà. Nếu không thì bà còn có cái chiêu
khác. Chiêu này mà tung ra là cạn tàu ráo máng không má con khỉ khô gì nữa hết.
Nghĩ thông rồi, bà cố tạo ra bộ mặt hân hoan vui vẻ nịnh nọt Dương:
- Con tháng nào sanh vậy? Siêu âm là trai hay gái?
Dương trả lời cho phải phép:
- Con trai.
- Ui, vậy tốt quá rồi. Nhà mình có cháu đích tôn rồi.
Đắc cố im miệng mà chịu không nổi lại phun ra:
- Nhà nào nhà mình? Cháu đích tôn của ai? Tụi tui không biết cha
mình là quân nào sao lại có cháu đích tôn cho họ chứ? Chắc bà không biết tụi
tui hiện nay là con của ông bà Năm. Trước đó có miếng khai sanh nào, sống ngoài
vòng pháp luật mà. Nếu không có ông bà, hiện giờ anh em tui không làm được gì
hết.
Muốn làm cũng không biết đường làm. Cho nên, xét về mặt giấy tờ, tụi
tui ví bà không có quan hệ chi ráo. Nghĩ tình nên mới bao bọc bà, ngờ đâu chỉ
mới mấy tháng bà chơi anh em tui một vố quá mạng giờ mặt mũi đâu mà về đây má
má con con không thấy nhục sao?
Khắc đã ăn cơm xong. Dương dọn bàn xuống nhà sau. Anh muốn nói rõ
ràng với bà một lần nhưng chưa kịp thì bà đã đứng dậy đi vòng vòng quan sát.
Ngó thấy cái nhà xây tường bóng láng phía sau thì ngạc nhiên:
- Miếng đất của má con làm mặt bằng hết rồi hả? Vậy cất nhà sau là
bà Ba cho tụi con cất à?
Khắc hững hờ:
- Mua.
- Mua sao? Mua bao nhiêu?
- Hỏi chi? Để đòi bà Ba bớt lại sao?
- Không phải. Hai con được vậy má mừng chứ.
Nhưng miếng đất phái sau lưng nhà mình chắc không có giá bằng miếng
của má đâu.
- Bà muốn tính giá trị miếng đất sao? Tính để đòi tiền tui à?
- Bậy nà. Mẹ con mà tính gì. Miễn mấy đứa vẫn để má ở lại đây thì
đất của má như đất tụi con chứ gì.
- Không cho bà ở đây nữa.
- Con nói chơi hoài Khắc.
- Ai rảnh đâu mà nói chơi với bà. Chứa bà trong nhà đến lúc nào đó
bà dọn hết đồ tụi tui ra đường ăn mày hả?
Khắc thở hắt ra một hơi dài rồi nghiêm nghị nhìn bà, chất vấn:
- Tui hỏi bà, bà nghĩ sao mà trốn đi lại mang theo chiếc xe và ba
cái điện thoại.
Bà biết xe là chưn của tui, điện thoại là cái mà tui làm ăn. Bà lấy
đi bán đổ bán tháo để có tiền xài. Ba năm., với số tiền đó bà có thể mua bán
gầy dựng thêm cho mình chút vốn. Đàng này bà làm sạch rồi bây giờ quay về báo
tụi tui nữa. Bà nghĩ đi, tụi tui có bổn phận phải lo cho sự sa đọa trác táng
của bà hay sao? Bà không sợ nhục với lối xóm ở đây hay sao?
Nếu như có chút lòng tự trọng và một chút thương con, bà đã không
hết lần này đến lần khác khiến anh em tui mất mặt rồi. Bà biết, chiếc honda này
và miếng đất phía sau của bà Ba cũng là do ông bà Năm cho mượn tiền. Người dưng
nước lã đó bà, mà đối xử tốt với anh em tui như vậy. Tui cũng đâu cần bà phải
giàu có, phải mang tài sản về cho tụi tui.
Chỉ cần bà yên phận ở đây, giữ đúng vai trò người mẹ thì dù có phụng
dưỡng bà suốt đời anh em tui cũng rất vui mừng mà báo hiếu. Nhưng bà thử xét
lại mình coi, bà có còn cho tụi tui chút lòng tin nào hay không?
Bà Nhum bật khóc như bị oan ức lắm:
- Má không có ý định trốn đi. Chỉ là má muốn chạy xe ra đường mua
chút ít đồ.
Ngờ đâu dựng xe vô quán liền bị chúng cướp nên má không dám về nhà
nữa. Má cũng khổ lắm chứ sướng ích gì con?
- Bà nói mà không ngượng miệng hả?
Bà xách xe đi đâu nửa đêm nửa hôm? Ừ thôi cho là bà muốn đi hóng mát
cũng được. Nhưng đi hóng mát mà đem theo quần áo và ba cái điện thoại sao? Tui
nghĩ, bà đừng nói gì thêm nữa. Anh em tui sẽ không chứa chấp bà. Bà cần bao
nhiêu tiền hãy cho cái giá, tui đưa. Rồi từ nay coi như hai đứa con bà đã chết
từ lúc miệng còn hôi sữa đi.
Bà nhum nghiêng đầu sang một bên, nhếch miệng cười, thái độ thay dổi
180 độ:
- Ý mầy là đuổi tao không cho ở đây đó hả?
- Đúng vậy.
- Giỡn chơi hoài mậy.
Nên nhớ, đất đai này của tao nhen. Tao để bọn bây ở là nghĩ tình mẹ
con, là có chỗ cho tao về. Chứ làm giọng ông nội thì tao lấy lại bán không cho
làm ăn nữa coi bây ngon thì kiện cáo tao đi.
*
Hết chương 07.
Còn tiếp chương 08.
Lê Nguyệt