Sáng lại thấy bà đã nấu xong ấm trà ngồi nhâm nhi thưởng thức
một mình. Nha đầu cố tỏ ra vô tư nhưng không qua được mắt bà.
Bà nhìn nó, cười cười không lộ ra biểu cảm gì.
- Có mấy củ khoai tao luộc rồi dưới tủ chén đó.
Đánh răng rửa mặt xong rồi ăn đi. Lát tao đi chài kiếm vài con
cá tươi cho mầy nấu canh chua. Biết nấu canh chua hôn? Kế bên sàng nước có bụi
bạc hà và ngò gai đó, cắt vô nêm canh. Hái luôn nắm ớt hiểm xắt nhuyễn bỏ vô
mới ngon biết hôn. Hôm nay mầy có bạn tới. Nấu nhiều nhiều cho nó ăn với.
Nha đầu ngạc nhiên mở lớn mắt:
- Bạn con là ai vậy bà?
- Thì chút biết liền.
Hổng phải mầy cũng trông đợi có người chơi chung sao? Ở một mình
thui thủi với bà già này, tao muốn đi đâu cũng không đành bỏ mầy một mình. Chờ
đứa kia lên nữa rồi tao dạy cho phép phòng thân, tao đâu có ở nhà hoài với tụi
bây được. Bên ngoài người ta chờ tao nhiều lắm.
Nha đầu thắc mắc lắm mà không dám hỏi. Người bạn của nó là ai
vậy cà? Không lẽ thằng Vĩnh? Trước khi nó bỏ đi, Vĩnh kêu hễ tới đâu thì kiếm
gốc cây lớn nhất và làm dấu để nó biết mà đi tìm. Nhưng chắc hổng phải đâu.
Thằng Vĩnh ba mẹ nó cưng dàn trời dễ gì cho nó đi xa, với lại, nó còn đi học mà.
Nhưng ai cũng được miễn nó có người bầu bạn cho bớt sợ. Nó mong bạn đó là con
gái trạc cỡ nó để hai đứa tối ôm nhau mà ngủ.
Nha đầu cầm hai củ khoai lên ngồi kế bên bà, nó cắm cúi lột
khoai rồi mời bà ăn, bà lắc đầu:
- Mầy ăn đi, tao ăn rồi. Hồi tối sợ quắn đít hả?
Nha đầu hết hồn. Thì ra bà đã thấy hết. Nó lấm la lấm lét không
dám nhìn bà thì bà phực cười ha hả:
- Có gì đâu mà sợ? Ngãi đó.
Tao nuôi ngãi nên phải chăm sóc nó vậy thôi. Mầy phải biết mỗi
nhành cây ngọn cỏ đều có sinh mạng. Từ sinh mạng mới ra linh hồn. Linh hồn được
nuôi dưỡng tử tế thì nó mới trở nên tử tế. Tao nuôi ngãi để làm việc thiện giúp
đời chứ không ếm đối hãm hại ai.
Nhưng nếu ai muốn phá ngãi của tao thì tao đủ sức để trừng trị
họ. Khi đứa bạn mầy tới, tao sẽ dạy cho hai đứa bây về bùa ngãi. Không phải mầy
đang mối hận trong lòng hay sao? Tao sẽ giúp mầy rửa hận. Đừng có lo. Sống
thiện gặp thiện, sống ác gặp ác. Quả báo nhãn tiền mà.
Nha đầu nhìn bà Đanh bằng đôi mắt hàm ơn và ngưỡng mộ. Nó muốn
nói với bà rất nhiều nhưng không biết từ đâu. Nhìn qua biểu cảm của nó, bà hiểu
hết trong đầu nó đang nghĩ gì. Bà cười vuốt tóc nó:
- Khỏi nói gì cả.
Bởi vì sự thù hận của mầy chỉ là sự buồn tủi của một đứa con nít
bị ngược đãi. Có nhiều chuyện quan trọng hơn mà mầy cần phải biết. Bắt đầu từ
hôm nay, nơi này không còn bình lặng như trước vì có thêm người. Hãy lắng nghe
tao nói về cuộc đời của mẹ mầy cho đến khi gặp ba mầy. Ráng nhớ cho kỹ để khắc
ghi mối thù không chung đội này biết chưa?
Nha đầu gật đầu liên tục và hiếu kỳ lắng nghe bà kể.
•
Mẹ của Hàm Ơn tên Mặc. Là chị Hai của gia đình có ba đứa em. Cha
Mặc sau cơn tai biến thì nằm một chỗ, mẹ Mặc chăm sóc chồng thời gian mòn mỏi
rồi qua đời bỏ lại các con mà Mặc lớn nhất mới mười sáu tuổi. Em gái kế Mặc là
Trầm mười bốn phải nghỉ học lo cho cha. Hai đứa em trai sinh đôi là Thuận, Hòa
chỉ mới mười tuổi.
Nhà nghèo không thể tưởng tượng. Hết cách rồi, để lo cho cha có
thuốc uống và các em đủ tiền sinh sống, Mặc đi Thành Phố làm gái để có tiền.
Mười năm lăn lóc chợ đời cũng không dư đồng nào vì được bao nhiêu cô đều gửi về
cho gia đình. Nhưng chị em cô không cứu được cha, ông càng ngày càng teo tóp
chỉ luôn nghic đến cái chết để giải thoát chính mình và không là gánh nặng cho
con.
Một bữa, nửa đêm thức dậy nghe khát, biết các con ngủ say ông
không dám làm phiền chúng, ông quơ tay kiếm ly nước mà Trầm đã rót sẳn để cạnh
bàn. Nhưng quờ quạng ra sao mà rơi xuống đất bất tĩnh hất văng cái đèn dầu trên
bàn văng lên giường bắt vào cái mùng tạo ra đám cháy.
Khi Trầm hay chạy vô kêu hai đứa em trai thì ngọn lửa tràn lan
không dập nổi. Cả xóm bu lại chữa cháy, Trầm vì lo cho cha và em, cố gắng mang
xác ba người ra trong đám cháy mà thân thể bị cháy lan nhìn rất là dị dạng.
Đúng là họa vô đơn chí.
Khi Mặc nghe tin về để lo tang sự cho ba người thì nhận thêm tin
Trầm đã gieo mình xuống sông vì xấu hổ với chị, không bảo vệ được cha và em.
Lúc đó, Mặc mười tám, Trầm mới mười sáu. Hai đứa Thuận Hòa mười
hai, con nhà nghèo nên còm nhom trông rất thảm hại.
Mặc như điên. Sự hy sinh của cô đã trở thành vô nghĩa. Từ nay cô
biết sống vì ai?
Không còn gì để bản thân tự phấn đấu kiếm tiền nữa. Chôn cất cha
và ba đứa em xong, cô như một cái xác sống lao vào trụy lạc giữa nơi phồn hoa
náo nhiệt. Bất chấp sự đời, sẵn sàng ăn nằm với bất cứ người đàn ông nào bỏ
tiền ra mua vui. Mãi như vậy cho đến khi gặp ông Tế, là cha của Hàm Ơn thì cô
mới tỉnh ngộ và dừng lại ở tuổi bốn mươi.
Ông Tế sinh trước Mặc mười lăm năm. Gia đình khá giả. Một hôm
cao hứng theo bạn vào quán ba và nhìn trúng cô. Kiểu ăn nói bất cần đời với ánh
mắt đầy vẻ sầu bi của Mặc khiến ông chú ý. Ông gọi cô vào phục vụ mình nhưng cả
đêm không động vào cô mà chỉ nghe cô tâm sự.
Mặc không tin ai nên chẳng trải lòng ra với ai. Cô cảm thấy tự
ái khi nghĩ rằng ông ghê tởm thân thể nhớp nhúa đã qua tay nhiều người mà không
dám cùng cô chung chạ.
Nhưng ba đêm liên tiếp ông đều đến, đều gọi một mình cô vào. Ông
hỏi về nhân thân của cô. Trong người có rượu, bỗng chốc Mặc không kiềm chế
được. Cô khóc với ông. Sau biến có gia đình Mặc chưa bao giờ khóc nữa. Cô kể
hết cho ông nghe về mọi chuyện xảy ra cho mình. Ông nằm im lặng lắng nghe mà
chẳng nói gì.
Rồi ông không tới một tuần. Mặc cười chua chat, thì ra ông cũng
như bao nhiêu người đàn ông khác, không dại gì vướng vào người phụ nữ nhơ bẩn
như cô. Từ nay phải biết an phận.
Nhưng rồi ông quành lại. Một tuần qua ông đã xuống địa phương
của cô để kiểm chứng những lời cô nói. Và rồi ông tin. Lần quay lại này ông hỏi
có muốn thoát khỏi cảnh sống trụy lạc này không? Nếu muốn, ông sẵn sàng cưới cô
làm vợ, cho cô một danh phận hẳn hoi để làm lại một con người.
Ông kể về mình.
Ông là đứa con duy nhất của cha mẹ, nhà dưới quê, thừa tự được
số tài sản kha khá là căn nhà khang trang và mấy mẫu đất vườn cây trái đã có
thu hoạch. Ông cũng có vợ nhưng không hiểu sao cưới nhau mười mấy năm mà vẫn
không con. Vợ vì thương ông, muốn ly dị để ông cưới người khác mà lo hương hỏa
nhưng ông không đồng ý.
Và dưới áp lực của mẹ chồng, cô nhiều lần bỏ đi nhưng ông luôn
tìm về được. Đến khi cha mẹ ông trăm tuổi vẫn chưa có đứa cháu để bồng ẵm thì
vợ ông lại coi như mình là tội đồ của dòng họ Nguyễn nhà ông. Rồi trong một đêm
mưa gió ngập trời, cô ấy đã gieo mình xuống sông mà qua đời. Cái chết y như
Trầm, em gái của Mặc.
Từ đó đến nay gần mười lăm năm, ông vẫn chưa quên được vợ nên
không có ý định tục huyền. Cách đây hơn một tháng, ông cứ nằm mơ thấy vợ về kêu
ông hãy kiếm một đứa con để không bị tuyệt tự. Cả tháng trời đêm nào cũng vậy,
ông buồn quá mới lên Thành Phố chơi với bạn bè, cũng không có ý định gì cho tới
khi gặp Mặc, nghe hoàn cảnh của cô và đi xác minh, ông động lòng muốn cùng cô
đi tiếp quãng đời còn lại.
Và hai con người cùng cảnh cô đơn về tâm hồn, thông hiểu và đồng
cảm với nhau, Mặc đồng ý theo ông Tế về quê, đám cưới được tổ chức trọng thể có
sự chứng kiến của nhiều người.
Cô gái giang hồ đã dừng chân trở thành bà Nguyễn Tế giàu sang
không còn một ai biết về quá khứ đen tối của bà nữa.
Nhưng Mặc vì lòng tốt mà đã hại chết cả nhà mình.
Trong thời gian ở Sài Gòn, Mặc vô tình gặp một bé gái đi bán vé
số. Thấy ngoại hình của nó giống em gái Trầm của mình tự nhiên cô sinh lòng
thương. Biết nó mồ côi sống lang thang đầu đường xó chợ nên cô mới đưa nó về
căn phòng cô mướn để khi mỏi mệt về nghỉ ngơi. Chị em sống với nhau cũng hơn
mười năm. Nó là Lựu, trái Lựu. Khi Mặc lấy ông tế thì Lựu cũng hai mươi ba
tuổi, ông Tế thương chị nên thương em, đưa Lựu theo cùng.
Ông Tế có người bạn thân, vợ chồng mua bán trên ghe hay gửi đứa
con trai cho ông trông chừng để hủ hỉ. Ngờ đâu trong một trận bão vợ chồng họ
không tránh kịp bị nước cuốn mất tích. Từ đó, Nhận sống với ông như người nhà.
Tuy nhiên, lớn lên, Nhận biết ông có tiền của nên luôn ham chơi biếng làm. Tới
ngày thu hoạch cây trái, nó luôn lén lút chôm chỉa để kiếm tiền xài riêng dù
ông cũng rất hay cho nó.
Biết tính Nhận không trung thực, nên ông Tế nuôi Nhận như nuôi
con của bạn, không hề có ý định cho nó hưởng bất cứ thứ gì thuộc về tài sản của
ông.
Khi cưới Mặc xong, ông Tế rất thương yêu trân trọng cô. Họ sống
với nhau vô cùng hạnh phúc. Năm sau thì bé Hàm Ơn ra đời. Vợ chồng họ càng gắn
bó hơn. Ông Tế đã sắp sĩ sáu mươi mà vẫn mạnh mẽ, vườn cây trái ông chăm sóc
thu hoạch mỗi mùa dư dật cho vợ chồng sống và nuôi thêm Nhận với Lựu.
Lựu cũng hiền lành và quan tâm, thương yêu Mặc, coi Hàm Ơn như
con mình. Chỉ có Nhận, vui thì phụ, buồn thì đi chơi. Tới mùa hái trái luôn
kiếm chuyện cân kéo, ăn chia với bạn hàng qua mặt ông Tế. Ông biết hết nhưng để
hắn có tiền nên cũng không vạch nào lần nào, Ông sợ hắn mang tai tiếng sau này
khó lấy vợ, ông chỉ mong đến lúc nào đó, hắn vừa ý ai thì cưới cho hắn rồi cho
tiền hắn dắt vợ đi sống ở đâu đó là ông tròn bổn phận với bạn hiền.
Tuy ở chung nhà nhưng Lựu và Nhận cũng không mấy thân thiết với
nhau. Lựu nhạy bén biết ông Tế chỉ coi Nhận như một kẻ ăn bám, muốn tống cổ đi
nhưng sợ miệng đời nên cô ta đâu dại gì mà dây vào.
Cho đến một ngày, ông Tế leo lên cây măng cụt để mé nhánh khô
thì bị ngã xuống và bị bể nát nội tạng đưa đến bệnh viện thì chết. Nghĩ cũng
lạ, cây măng cụt có cao bao nhiêu lại cành lá xum xuê, từ trên ngã xuống có các
nhánh đỡ lấy sao lại té nặng như vậy?
Dù bác sĩ đã siêu âm nhìn thấy, cho rằng khi ngã phần lưng ông
bị va đập vào thân cây nên ảnh hưởng nội tạng nhưng Mặc không tin. Không tin
cũng đành chứ biết làm sao bây giờ?
Mặc mất chỗ dựa tinh thần, đau khổ cùng cực. Bấy giờ thì có Lựu
bên cạnh an ủi sẻ chia. Lựu thương bé Hàm Ơn lắm, nó mới hai tuổi chưa kịp nhớ
mặt cha.
Nhưng Nhận thì khác, hắn tỏ ra mình là con trai chính thức của
ông Tế, đượcquyền quản lý tất cả mọi chuyện trong nhà. Khi vỡ lẽ ra, di chúc
ông Tề để lại chỉ cho mỗi mẹ con của Mặc, Nhận chỉ có một số tiền kha khá với
điều kiện là phải ra đi, nếu muốn sống trong nhà thì không nhận được đồng nào
mà nhất nhất phải nghe theo sự sắp đặt của Mặc.
Nhận căm hận lắm nhưng phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Từ hôm đó, hắn
ngoan ngoãn hơn, ở nhà phụ giúp nhiều hơn và quan hệ của hắn với Lựu được cải
thiện rõ rệt.
Lúc sinh thời, ông Tế thường hay qua lại với vợ chồng Năm Vẹt,
ông cho ông Năm ở trên sáu công đất của mình, ông Năm cũng trồng cây trái như
ông nên biết rõ Nhận đã ăn chận tiền từ bạn hàng ra sao. Ông Tế làm giấy tờ cho
ông Năm cứ ở đến khi con ông lớn lên nếu nó muốn sử dụng thì phải báo trước ba
năm. Khi ông Tế mất, Mặc đã sang tên cho luôn ông bà sáu công đất đó. Ông chỉ
có hai đứa con trai, thằng Quang và Vinh. Vinh hơn Hàm Ơn hai tuổi. Chính vì
vậy, chú thím Năm Vẹt thương mẹ con Mặc như người nhà.
Nhưng Mặc sau ngày chồng mất thì sức khỏe sa sút rõ rệt. Lựu
ngày đêm túc trực bên giường lo lắng cho chị nuôi. Mặc thấy cơ thể mình không trụ
được bao lâu nên ân cần dặn dò Lựu hãy thương yêu và chăm sóc con cô như con
mình.
Ông bà Năm biết chuyện, mới gặp riêng Mặc và đưa cô đi bệnh
viện, mục đích là để cô lên Ủy ban làm di chúc có sự chứng kiến của ông bà và
vài người quen biết thân thiết với ông Tế ở Ủy ban, là để lại toàn bộ gia sản
cho Hàm ơn, Lựu chỉ được quyền quản lý khi Ơn chưa đủ tuổi. Điều này Lựu không
biết.
Bà Năm đưa Mặc đi khám bác sĩ Tư, bác sĩ nói cô bị suy nhược cơ
thể, cố gắng ăn uống bồi dưỡng nghỉ ngơi sẽ qua. Nhưng ngờ đâu cuối cùng thì cô
mất, lúc đó, Hàm Ơn chưa đầy năm tuổi.
Ban đầu, Lựu thương Hàm Ơn lắm, cứ ôm nó mà khóc miết. Kêu nó
gọi cô ta bằng mẹ, từ nay Lựu sẽ là mẹ của Hàm Ơn. Dù mất mẹ nhưng Ơn được dì
Lựu thương nên nó cũng phần nào bớt buồn.
Rồi thì nguyên do sao đó mà Nhận và Lựu trở thành vợ chồng, hai
người có đăng ký kết hôn nhưng không có đám cưới.
Khi Ơn sáu tuổi thì họ có đứa con gái, bắt đầu chuỗi ngày thê
thảm của Ơn.
• •
Hết chương 02.
Còn tiếp chương 03.
Lê Nguyệt