Như vẫn thường xuyên đến thăm Cúc khi rảnh rỗi. Lần nào đến cũng cụ bị
cho bạn thức ăn nào trứng nào khô, gạo thóc mắm muối. Lúc nầy Cúc cũng có thu
nhập nên mua trái cây gửi Như đem về cho con. Như đến là ở chơi cả ngày phụ Cúc
rửa khoai, bấy giờ Cúc bán thêm bánh ít tự gói.
Tám năm trôi qua êm ã như vậy. Như có thêm hai đứa con trai nữa nên
cũng ít tới với Cúc. Nhưng lần nào Như sinh con, Cúc cũng đến ở vài ngày chăm
sóc Như trong bệnh viện, bé Trân ở nhà chơi với Khả Tú. Sau đó, họ liên lạc với
nhau bằng điện thoại.
Trân cũng học lớp sáu rồi, trường gần nhà nên bé tự đi tự về. Trân
học rất giỏi, luôn đứng nhất lớp, là niềm hãnh diện và động lực giúp Cúc quên
đi bao mệt nhọc hàng ngày. Trân có thể thay mẹ lau nhà, bắt nồi cơm điện, dọn
cơm, rửa chén. Chủ nhà trọ có thêm một dãy phòng trọ bên kia lộ đối diện với
khu chế xuất, thấy Cúc một mình nuôi con nên kêu cô ra đó lấy căn đầu tiên để
bán thêm chút đỉnh đồ cho công nhân và những người trong nhà trọ. Nhờ vậy, Cúc
có thêm thu nhập mà không phải mua gánh bán bưng. Cô cũng sắm được chiếc xe đạp
đi lấy hàng và thỉnh thoảng cũng đưa rước con đi học.
Cúc điện cho Như nhiều lần nhưng điện thoại Như luôn khóa làm cô lo
lắng. Vậy là chủ nhật, Cúc dắt con bắt xe buýt tới nhà Như.
Bé Khả Tú cùng tuổi với Trân mà đã có hai đứa em trai nữa. Như là
một phụ nữ đảm đang xốc vác, cô không thuê người làm, tự mình vừa công tác vừa
chăm con, đứa lớn trông chừng đứa bé.
Cúc đến mới hay Như đang bệnh. Cô nghỉ phép cả tuần qua.
Không thấy Tân ở nhà, ban đầu Như nói anh đang vào giai đoạn hoàn
công của công trình nên không thể vắng mặt. Một mình Như vừa chống chọi với cơn
bệnh vừa chăm sóc cho ba đứa con. Khi Cúc đến thì Như cũng đã ổn rồi.
Cúc ở lại chơi với Như đến chiều, cô nấu cơm cho cả nhà ăn, phụ Như
lau chùi dọn dẹp căn nhà rộng lớn. Khi chỉ còn hai người bên nhau, nhìn sắc mặt
của Như, Cúc băn khoăn:
- Chị có tâm sự gì hay sao?
- Em nhìn ra à?
- Hiện rõ lên như vậy ai cũng sẽ nhìn ra mà chị?
Như nhếch môi cười buồn:
- Phải. Chị có chuyện phiền lòng lắm.
- Chia sẻ với em được không?
- Không chia sẻ với em chị biết nói với ai bây giờ?
- Sao chị tắt điện thoại hoài vậy?
- Nhiều cuộc gọi mà chị không muốn nghe.
- Chuyện gì xẩy ra vậy chị? Chị làm em lo quá.
- Cũng không có gì lớn đâu. Chỉ là thời gian gần đây cuộc sống vợ
chồng của chị có chút vấn đề.
- Anh có người đàn bà khác sao?
- Điều đó cũng chưa có gì rõ ràng vì chị chưa bắt quả tang lần nào.
Nhưng chẳng hiểu sao anh lại thay đổi nhiều lắm. Đã có tính gia
trưởng mà lại ghen bóng gió đủ điều. Em coi, chị như vầy còn có ai để ý nữa
sao? Ghen là ghen nỗi gì chứ?
- Chị nói trước đây anh chị lấy nhau là do gia đình giới thiệu chứ
không có tình yêu à?
- Có.
Vì được hai bên gia đình chấp nhận nên khi anh ấy theo chủ thầu xây
dựng công trình hạng mục cho cơ quan chị hơn hai tháng, vì vậy, ảnh luôn gần
gũi, ga lăng, chìu chuộng chị trước những đôi mắt ganh tỵ của các cô gái khác.
Nhà tập thể thiếu nước sử dụng, ảnh phải đi giếng xa xách về cho chị tắm. Chị
yêu ảnh lúc nào không hay nên chấp nhận mọi săn đón của ảnh.
Mà ảnh cũng dễ mê lắm em, đẹp trai, to con, duyên dáng, xuất hiện ở
đâu đều luôn là tâm điểm, ảnh âu yếm, trìu mến với chị. Vậy là sau đó bọn chị
cưới nhau. Về làm dâu chẳng bao lâu ba chị cho miếng đất cất cái nhà cấp bốn,
xây dựng bằng tiền dành dụm của chị. Ở đó chị sinh ra bé Khả Tú. Nhà đơn giản
vậy nhưng anh chị hạnh phúc lắm.
Ai cũng nói chị tốt số, xấu huơ xấu hoắc mà đươc chồng cưng. Đẻ ra
đứa con cực kỳ xinh đẹp giống chồng chứ giống chị là tiêu đời con gái rồi. Họ
nói chị “Mẹ cú đẻ con tiên” đó em. Sau đó, do được người quen giới thiệu nên
chị xin nghỉ việc rồi chuyển lên Sài Gòn xin vào công ty tư nhân làm kế toán,
làm đúng công việc của mình. Lương bổng cao hơn, phúc lợi nhiều hơn.
Nhưng cũng không thể bằng lòng với bằng kế toán trung cấp, chị vừa
làm việc vừa học thêm để lấy bằng Đại học. Bán nhà dưới quê để lên đây mua cái
nhà nầy cũng là cả một quá trình đấu tranh với mẹ ghẻ. Ba chị là người đàn ông
cực kỳ nóng tính, nhưng ông thương chị. Mẹ ghẻ trên đời chỉ sợ có một mình ông
thôi.
Lúc bấy giờ anh Tân mặc cảm tự ti với chị đủ điều, ở nhà vợ, vợ là
cán bộ làm ra tiền còn anh chỉ là thợ xây lẹt đẹt. Chính vì sợ anh mặc cảm nên
chị rất quan tâm anh, lo lắng cho gia đình anh đủ thứ, cất lại nhà cho mẹ ảnh,
dựng vợ gả chồng cho em ảnh. Ảnh muốn gì chị cũng chìu. Vô hình trung chị đã
đẩy chồng chị từ một người biết lo toan trở thành kẻ luôn ỷ lại vào vợ.
Khi bé Khả Tú được ba tuổi, là thời điểm chị gặp em, anh đã bắt đầu
đổ đốn rồi. Ghen tuông mai mỉa chị đủ lời. Mỗi khi anh nói về quê là đều đi
chơi với cô nầy cô kia, mà gia đình ảnh lại che giấu cho ảnh. Khi bị chị phát
hiện mẹ ảnh còn nói có chồng đẹp trai thì phải chấp nhận chuyện chồng trăng hoa
thôi.
Chị biết làm sao đây? Sinh đứa con thứ ba, cũng chỉ một mình chị tay
trong tay ngoài lo trước lo sau. Mệt mỏi tới độ sợ chuyện chăn gối, không thỏa
mãn được ảnh, ảnh càng khó chịu với chị hơn rồi bóng gió nói chị ngoại tình.
Tình ở đâu mà ngoại dễ dàng vậy em?
- Chị bệnh anh không hay sao?
- Ảnh đi với gái hơn một tuần nay rồi.
Chị tắt điện thoại là vì vậy. Em coi, mình chị, vừa đi làm, vừa chăm
ba đứa con. Sáng đưa Khả Tú đi học trường nầy, Thịnh đi học trường kia, Vượng
gửi nhà trẻ xong xuôi mới tới công ty. Chiều tan làm sớm ghé chợ mua đồ ăn rồi
lần lượt rước con. Về, đứa lớn tắm cho đứa nhỏ, chị nấu ăn dọn ra cho bốn mẹ
con.
Xong dọn dẹp, dạy con học, dỗ con ngủ, xong giặt giũ, loay hoay cũng
đến mười giờ tối. Vì tranh thủ về sớm nên bao giờ cũng ôm sổ sách đang làm dở ở
công ty về. Chị đi ngủ có khi một giờ sáng. Bốn giờ rưỡi phải dậy chuẩn bị bữa
sáng cho con rồi sửa soạn cho chúng đi học.
Chồng chị đâu? Lúc nầy anh ấy đang làm gì?
- Bởi vậy thật đúng với câu: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” hén
chị? Vậy khi ảnh trở về chi sẽ có thái độ gì?
- Chị sẽ không có thái độ gì cả.
Toàn một lũ người lừa dối. Chị điệnvề hỏi mẹ chồng ảnh có ở nhà
không? Bà nói ảnh vừa đi cà phê với em trai. Trong khi chị được bạn bè cho biết
ảnh đang hú hí với người khác ở chỗ khác xa lắc xa lơ nhà mẹ ảnh. Em nghĩ xem,
chị tin họ được sao?
- Khốn nạn.
Như nhìn cúc, bỗng nhiên thay đổi sắc mặt, cười cười:
- Thôi. Không nói chuyện buồn nữa. Kể em nghe một chuyện vui. Chị đã
gặp lại Châu, nhỏ bạn thân chí cốt thời trung học của mình rồi. Đúng là trái
đất nhỏ thiệt Cúc ơi.
- Vậy chị lại có người tâm sự rồi.
- Phải.
Em còn nhớ có lần chị nói, chị đi công tác vùng cao, trên đó có một
thanh niên đồng hương với chị nhưng chê chị xấu không ra tiếp xúc không? Hôm đó
chị gặp Châu trước cổng công ty, nó đang chờ chồng nó vào phỏng vấn. Gặp lại
nhau hai đứa chị mừng quắn qíu. Nó có đứa con trai nhỏ hơn Khả Tú hai tuổi.
Khéo léo thế nào mà nó cũng chuyển về dạy ở Sài gòn được rồi.
Chồng nó trước đây cũng công tác ở tỉnh nhà nhưng khi nó lên Thành
Phố thì ảnh cũng theo lên xin việc. Ảnh làm bên kỹ thuật nên dễ xin việc làm.
Hai đứa cho địa chỉ, số điện thoại nhau rồi thì chồng nó ra. Trời ơi, em biết
ai hôn? Thằng cha đó đó. Thằng cha chê chị xấu đó. Bây giờ biết chị là bạn thân
của vợ chả cũng chỉ gật đầu chào chị một cách hời hợt thôi.
Ha ha ha, thật là trái đất tròn vo.
- Rồi anh ta có được tuyển không chị?
- Được em à. Làm ở bộ phận bảo trì máy móc.
Cũng gặp nhau hà rầm nhưng nói chuyện thì không. Có khi chỉ mình chị
với hắn ngồi đó, muốn xã giao vài câu với chồng bạn mà ngó bản mặt hãm tài của
hắn chị bực bội hà. Còn hắn thì xem chị như người tàng hình vậy đó. Xời, hắn
cũng có đẹp trai hơn chồng của chị đâu?
Được cái vợ hắn đẹp hơn vợ của chồng chị vậy thôi.
- À mà chị. Anh Tân ghen chị là ghen với ai vậy?
- Với bóng với gió đó em. Ví dầu tình bậu muốn thôi mà.
- Chị không giải thích sao?
- Có tác dụng gì đâu mà giải thích cho phí lời. Ly hôn thì chắc ảnh
không ly hôn rồi vì dù sao có chị làm tấm bình phong che mưa che nắng cho ảnh
có chỗ nương náu mà đực cái.
Chị cũng không đành để con mình thiếu cha.
- Chị thương ảnh nhiều quá nên chắc là buồn nhiều lắm?
- Chị chỉ có người chồng nầy, không thương ảnh thì thương ai em? Tuy
rằng ảnh mèo mỡ bên ngoài nhưng với con, ảnh cũng có trách nhiệm tuy rằng mỗi
khi nổi cơn lên thì chuyện gia đình gạt qua một bên. Chị cứ đinh ninh rằng ảnh
chơi chán rồi sẽ quay về.
Thật lòng, chị cũng không còn hứng thú vì việc ái ân nên phải cho
ảnh đi tìm thú vui xác thịt. Nhưng mà, có thể giải trí thôi, nếu như ảnh nuôi
luôn nhân tình bên ngoài tất nhiên chị không im lặng được đâu.
- Phụ nữ mình thật thiệt thòi hén chị?
Như cười, quay sang Cúc:
- Không nói chuyện của chị nữa.
Lâu nay, em có liên lạc gì với gia đình không?
- Chưa chị à. Lúc em đi nhà chưa có điện thoại. Hôm rồi đi chợ vô
tình gặp được cô Sáu gần nhà nội bé Trân, nghe nói anh ta đã đưa người khác về
làm vợ chính thức rồi mà đã sáu, bảy năm vẫn chưa có con.
Rồi hình như có dan díu với cái chị ngơ ngơ ngác ngác hôm bữa, lần
nầy chị ấy có thai xong bỏ đi đâu biệt xứ rồi. Loại người như vậy em khinh. Cô
Sáu có con gái làm ở khu chế xuất, em không biết em ấy nên có thể nó cũng không
biết em.
Em có nhờ cô về gặp mẹ em thì xin cho em số điện thoại, nói với mẹ
rằng em đang sống tốt, có điều kiện để nuôi con rồi.
- Em có tính đi bước nữa không?
- Trái tim em chai sạn rồi chị, em không kết hôn nữa đâu.
- Em còn trẻ quá mà, lại xinh đẹp nữa. Phải tìm cho mình bờ vai mà
nương tựa với chứ.
- Đàn ông bây giờ không đáng tin đâu chị ơi.
Em thề với lòng rồi. Cho dù sau nầy gặp được người tốt, em cũng sẽ
làm bạn với họ thôi, tuyệt đối không có quan hệ tình cảm nam nữ. Bây giờ, em
chỉ một lòng một dạ lo cho con. Mục tiêu lớn nhất của em bây giờ là an cư lạc
nghiệp. Em sẽ cố gắng dành dụm tiền để mua miếng đất nhỏ cất cái nhà tạo phạo
để không phải thuê mướn nữa.
Bình Dương là nơi đất rộng, gá cả phải chăng, em đã nhắm vào một
điểm hy vọng vài năm sau có thể mua được một nền rồi vài năm sau nữa cất nhà.
- Rồi bé Trân sẽ vào Đại học, chi phí nuôi con học Đại học cũng
không nhỏ nhen em.
- Em biết. Nếu như có khả năng, nó muốn thi vào trường nào là tùy
nó. Bằng không, chỗ em gần trường Đại học Bình dương mà chị, học ở đó hạn chế
chi phí đi lại, nhà trọ, ăn uống, em nuôi nổi.
- Có khó khăn gì thì nhớ cho chị hay.
- Chị giúp em nhiều rồi. Không có chị, mẹ con em không trụ được nơi
nầy. Em không dám làm phiền chị đâu. Ổn định xong rồi em sẽ về quê một chuyến để
tạo quan hệ với chính quyền địa phương khai sinh lại cho con theo họ mẹ đó chị.
- Dứt khoát không cho nó nhận cha à?
- Nhận hay không sau nầy lớn lên nó toàn quyền quyết định. Thay họ
để không còn dính líu gì với gia đình đó vậy thôi.
- Chúc em thuận lợi mọi việc. Phải! Hãy sống cuộc sống của mình. Nụ
cười thì để người khác xem, nước mắt thì giữ lại cho riêng mình.
- Chị đang sống như vậy à?
Như gật gật đầu. Ánh mắt nhìn ra sâu thẳm:
- Chứ biết sao giờ em? Phải! chị xấu xí nên anh ấy chán chê chị.
Nhưng chị không phải là đứa hèn kém bất tài. Ngôi sao không sợ sự xuất hiện của
mình giống như đom đóm.
“Ngôi sao không sợ sự xuất hiện của mình giống như đom đóm”. Cúc mỉm
cười thích thú. Câu nầy cô sẽ để dành dạy con gái. Phải. Cô cũng sẽ giống như
Cúc nói. Phải sống cuộc sống của mình với dáng vẻ không lẫn lộn vào ai, không
bị ai khống chế. Cúc biết, con đường phía trước của mình chưa được hanh thông.
Nhưng có sao đâu? Cô đã từng khóc âm thầm một mình trong đêm vắng.
Mấy năm nay cô đã không còn khóc nữa. Nước mắt theo cô, là sự tổn
thương của trái tim bị chà đạp. Cúc sẽ không để ai chà đạp mình thêm lần nữa.
Cô cũng không nghĩ đến việc trực diện trả thù nhà họ. Trả thù mà làm gì? Mình
sống tốt, nuôi con thành đạt không phải là sự trả thù ngọt ngào nhất cho bản
thân mình sao?
Cúc ngưỡng mộ Như, chị ấy đứng vững trên đôi chân của mình. Bình
tĩnh trước giông bão của cuộc hôn nhân chênh lệch về hai phía, nhan sắc và tài
năng. Như không đẹp nhưng có bản lĩnh đối đầu. Cúc thì khác, tuy chưa lần nào
ân hận về việc bỏ dở chuyện học để đi theo tiếng gọi sai lầm của trái tim.
Nhưng cô đã sống cuộc sống với dáng vẻ yếu hèn bạc nhược. Không, Cúc
phải thay đổi, hoàn toàn thay đổi để ít nhất có thể ngẩng cao đầu mà dạy con,
mà hướng cho đứa con gái duy nhất của mình chạm đến và bước đi trên con đường
tương lai bằng phẳng sáng ngời.
•
Hết chương 03.
Còn tiếp chương 04.
Lê Nguyệt