Hôm nay thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Truyện dài - CON TỪ MẸ (06) (02/12/2024 12:24 PM)
Lê Nguyệt

Chương 06: Cơm xong một lát thì Đắc về, trên tay là bọc đậu phộng nấu, nó trút ra thau rồi đặt trên bàn.
 


Khắc hỏi:
- Ghé ông bà Năm hả?
- Phải rồi.
 
Ăn cơm tiệm cũng buồn nên ghé ông Năm lục cơm nguội. Bà Năm thấy vậy mới nấu đậu kêu đem về ăn, năm nay trúng mùa quá trời hột, mới nhổ có bữa nay.
 
Mai em lại phụ đem vô với ông Năm một buổi nghen anh.
- Ừ. Hễ gấp quá thì chị Hai mầy phụ với.
- Thôi. Chị Hai ở nhà cơm nước cho anh đi. Cái xóm này ai lặt đậu nhanh hơn em chứ. Đệ nhứt cao thủ đó nghen.
- Biết rồi. Chú Ba mình giỏi nhất mà.
 
Đắc nghinh nghinh. Nó không dòm qua má nó lần nào. Khắc thì khác, anh nhìn bà:
- Muốn kiếm tiền xài vặt thì lại nhà ông Năm phụ lặt đậu ăn ký đi. Tui nói cho.
 
Bà Nhum giảy nảy:
- Trời đất ơi. Má con mà đi làm mướn người ta sao?
 
Khắc chưng hửng:
- Hổng được ha gì?
- Nhục lắm.
- Mình dùng sức lao động kiếm tiền mà nhục là nhục làm sao?
 
Anh em tui đã từng đi làm mướn từ lúc chưa biết nấu nồi cơm kia kìa. Được như hôm nay bộ bà tưởng dễ lắm hả?
- Nhưng bây giờ con dù gì cũng làm chủ một cơ sở. Để má mình đi mần mướn người ta kêu rêu con chết.
- Tui sợ người ta kêu rêu sao?
 
Cái xóm này bà biết họ đoàn kết ra ra sao hôn? Bởi vậy người ta mới sống vui vẻ được. Nhà ai nhổ đậu, người lớn kẻ nhỏ gì rảnh rang đều tới phụ, có khi giúp không có khi lặt ăn ký. Đồng tiền lương thiện trong sạch mà nhục sao bà?
 
Chứ đi đặt chuyện nói trên trời dưới đất gây xào xáo gia đình người ta thì cao quý lắm hả?
- Thà má ở nhà lo cơm nước cho tụi con. Hay là con kêu vợ con đi phụ ổng bả đi.
 
Đắc nạt ngang:
- Bà nói chuyện nghe ruồi bu quá. Bà biết làm như chị Hai hôn? Chà nhám, đánh bóng, thổi sơn? Chị và anh Hai học chung thầy, anh Hai làm được gì thì chị làm được nấy. Bà biết chi mà đòi thế. Đừng có được voi đòi tiên. Bà ở đây, ăn uống đầy đủ nhưng muốn có tiền xài thì phải đi làm, không có cho tiền bà đâu nhớ đó.
 
Rồi nó lấy lồng bàn đậy thau đậu, ngáp dài:
- Để mai ăn. Giờ ngủ thôi. Hai đứa đi giao mấy bộ ghế quá trời oải rồi về nhà gặp chuyện gì đâu không. Mệt cái mỏ ác quá.
 
Dương vội vã nói:
- Để chị dắt má đi chợ sắm vài bộ đồ thay đổi.
 
Khắc lắc đầu:
- Để sáng mai đi. Em đo thử rồi ra chợ tự mua, dắt theo chi cho lùm đùm.
 
Bà Nhum gật đầu lia lịa:
- Ừ, để sáng đi con nhưng dắt má theo với để má lựa. Chợ lớn nhiều đồ đẹp hơn.
 
Đắc dợm vô phòng nghe nói mới dứng lại:
- Mua đồ sida chứ không phải shop đâu mà chợ lớn chợ nhỏ. Chị Hai mua đi, dắt theo bả lựa một hồi không có tiền trả luôn đó.
 
Bà Nhum bắt đầu thấy bực mình thằng con nhỏ này rồi. Nó không coi bà ra ký lô gam nào hết, muốn nói, muốn phang gì thì cứ tùy ý chẳng hề nể nang đây là má nó. Dẫu sao, chúng nó vẫn ở trên miếng đất của bà, nếu chúng không phụng dưỡng bà, chọc bà nổi điên lên thì bà sẽ tống cổ chúng ra khỏi nơi đây rồi bán, xài hết số tiền này xong có chết cũng toại nguyện một kiếp người.
 
Kiếp này không có kiếp sau, sống ngày nào phải xứng đáng ngày đó. Chứ có đâu để bọn nó ung dung làm giàu mà coi bà chướng mắt chứ.
 
Nhưng phải ráng nhịn. Con nhỏ này coi bộ cũng sai biểu được. Nếu nó nắm kinh tế gia đình thì dễ rồi, bà sẽ lợi dụng nó để mưu cầu lợi ích cho mình. Hai đứa con bất hiếu thì tính theo bất hiếu.
 
Vậy là bà không nói gì nữa, im lặng đi ngủ. Dương giăng mùng, trải chiếu và đem mền ra cho bà. Trước mặt Khắc, bà nói nịnh cô một câu:
- Cũng còn được con dâu biết điều. Thằng Khắc tu tám kiếp mới gặp con.
 
Sáng lại, bà tưởng Dương sẽ dẫn mình ra chợ ăn gì đó. Nhưng mở mắt ra đã nghe mùi thơm dưới bếp, bà ngồi dậy đi vệ sinh, thấy cô chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà.
 
Bà nói giọng trịch thượng:
- Lên dọn giường cho má đi, má dậy rồi.
 
Đắc nằm trong phòng, nghe nói bèn bật dậy bước ra:
- Trời đất. Ngủ dậy xếp mùng mền chút cũng không được. Vậy mười mấy năm nay bà chuyên ăn bờ ngủ bụi hay sao? Nói cho bà biết, chị Hai cũng cực lắm rồi. Bà ở đây không phụ được gì thì cũng không nên đày xách người ta.
 
Bà xuống nước, nhỏ nhẹ:
- Đày xách gì con? Dâu giúp mẹ chồng chút chuyện không được sao?
- Bà già cả lẩm cẩm lắm ha mà cuốn mùng xếp mền hổng nổi. Đừng thấy chị Hai hiền rồi ăn hiếp nhen. Tui để con mắt trên người bà rồi đó.
 
Dương vội can thiệp:
- Thôi đừng cự với má chú Ba ơi. Để chị dọn, thoáng cái là xong chứ gì. Dọn trống chỗ để còn ăn sáng nữa. Ăn xong con chở má đi chợ sắm đồ.
- Chị chìu như vậy bả được nước làm tới. Bả còn trẻ bân mà muốn ngồi không cho người ta hầu hạ. Tết Ma Rốc cà bà.
 
Dương cười rồi ra xếp mền mùng đem vào cất. Khắc nghe hết nhưng không nói gì mà lẳng lặng dọn cơm lên bàn. Bốn người ngồi lại. Bà Nhum một chân thòng dưới đất, một chưn để trên bàn bưng chén cơm cầm đôi đũa xới qua xới lại, gắp miếng thịt kho cắn một cái xong bỏ trở vô chén, ngó mòi ngán ngẩm.
 
Thôi, ráng chút ra chợ kêu con dâu dắt đi ăn hủ tiếu bánh canh gì chứ mới sáng nuốt cơm sao nổi.
 
Ra chợ, bà Nhum mở lời liền:
- Sáng má ăn cơm không vô. Con dắt má đi ăn hủ tiếu nghen con dâu?
 
Dương nhìn qua bà một thoáng rồi cười gật đầu:
- Để con kêu cho má tô hủ tiếu, má ngồi ăn con đi mua chút rau và trái cây xong lại trả tiền. Rồi mình đi mua đồ cho má nhen.
- Đưa tiền má trả luôn.
 
Dương cười đầy ẩn ý:
- Đưa má, má ăn xong đi lung tung con biết đâu mà kiếm?
- Vậy mén gì bây nhốt tao trong quán hủ tiếu?
- Má đừng nói vậy. Sáng chợ đông đi lạc khó kiếm lắm.
- Tao sanh đẻ ở đây chứ bộ phương nào tới sao mà sợ lạc? Lạc thì tao kêu xe ôm về.
 
Tao đi năm sông bảy núi còn biết đường về huống chi là cái chợ này.
- Nhưng má cứ ngồi đây đi. Con u xuống dưới mua vài bó rau rồi trở lên liền chứ mấy hồi. Sạp trái cây kế bên lát ra mua cũng được. Giờ má vô quán kêu tô hủ tiếu ăn trước đi. Nhưng bữa nay thôi nhen má. Bình thường sáng con nấu cơm cả nhà ăn. Tụi con không quen ăn quán.
 
Không đợi bà ta trả lời, cô bước đi mà biết sau lưng có cặp mắt tức tối nhìn theo. Dương thấy mắc cười và cô cũng biết, từ nay mình sẽ chuốc lấy nhiều phiền phức. Nhưng thương chồng và em chồng phải ráng nhịn. Cô không sợ bà ta chỉ là muốn êm cửa êm nhà cho anh em họ yên tâm mà thôi. Tô hủ tiếu ba mươi lăm ngàn, bà ăn tô năm chục.
 
Dương nghĩ thầm trong lòng, bà ta ăn xài kiểu này hèn chi cho tới bây giờ vẫn lang bạt, chắc bà chưa từng nghĩ phải lo cho hai đứa con bà đã xui rủi sinh ra. Cốt sao cho sướng cái thân, cái miệng của mình mặc kệ ai ra sao thì ra. Người như vậy đáng được hưởng phước từ con cái hay sao?
 
Trả tiền hủ tiếu xong, Dương nói với bà:
- Giờ dắt má lại chỗ chị kia bán đồ may sẵn nhiều lắm. Má lựa ba bộ vừa ý để mặc thay dổi trong nhà nghen má.
 
Bà phản ứng liền:
- Mua cho má ba bộ đồ mặc trong nhà, hai bộ ăn nói để có đi đám tiệc gì thì đi.
- Má không có đem quần áo về sao?
- Cũ hết nên má bỏ lại chỗ kia rồi.
- Chuyện đám tiệc má đừng lo.
 
Trước nay Đắc đi không hà. Nó rảnh rang nên tới phụ bàn ghế với người ta. Chỗ nào thân thì anh Khắc lại một chút thôi. Má không phải đi đâu.
- Ý, bây nói chơi hoài. Trước không có má khác giờ có má thì khác chứ. Bây không muốn mua thì nói đại cho rồi đỗ thừa này đỗ thừa kia nghe không lọt lỗ tai.
- Má muốn thì để về con bàn lại với anh Khắc. Sáng ảnh đưa tiền con chỉ vừa đủ thôi.
- Vậy bây không có quản lý tiền sao?
- Không má ơi. Con với Đắc cũng làm ăn lương thôi hà. Tiền bạc do ảnh chi xuất để mua gỗ về đóng đồ. Tụi con tiện tặn lắm. Mới lập nghiệp nên không dám phung phí.
 
Anh em họ người cũng chỉ có một bộ ăn nói còn lại là đồ làm không hà. Con cũng vậy. Được mấy bộ mới hồi cưới để dành tới nay không có sắm thêm.
- Nhưng dù gì tao cũng là má của chủ, ăn bận tuềnh toàng người ta cười chê. Tao quyết định rồi bây không được cãi.
- Vậy hôm nay mình khỏi mua nghen má. Để về con xin thêm tiền hổng ấy kêu ảnh chở má đi mua. Ảnh cầm tiền dạn chi ra hơn con.
 
Bà Nhum xuống nước:
- Thôi giờ mua đỡ hai bộ đồ thường và một bộ đồ sịn cho má đi. Từ từ sắm nữa. Chứ để thằng Đắc biết nó nói leo trèo mắc công má giận thì không ở với bây được đâu. Tính ra thằng con tao cũng kỹ lưỡng. Bây làm vợ mà không được nó tin tưởng thì cũng nên tự xét lại mình.
 
Dương dù bất nhẫn nhưng cũng cố gắng để khỏi nhếch môi cười. Thật không thể tưởng tượng anh em nhà họ có người mẹ như vậy. Hèn chi bà bị con lạnh nhạt là phải rồi. Tiền thì cô quản lý chứ ai. Cô không làm công ăn lương còn Đắc thì được chia theo sản phẩm.
 
Nhưng cô bắt đầu thành kiến với bà má chồng này rồi. Không thể để bà ta được đàng chân lên đàng đầu nữa. Cô bình thản nhìn bà, kiên định lắc đầu:
- Con đổi ý rồi. Không mua sắm gì cho má nữa.
 
Làm sao thì má cũng không vừa lòng. Để con nói với chồng con, hoặc là ảnh đưa má đi mua hoặc đưa tiền cho má mua. Con không can thiệp vào chuyện của má con của má nữa.
 
Nhìn biểu cảm của Dương bà Nhum thấy thốn. Không dụ được nó dễ gì dụ được hai thằng ôn dịch kia. Phải xuống nước với nó. Nhưng có xuống cũng xuống làm sao để nó đừng lừng mặt với bà.
 
Nghĩ vậy nên bà ngoe nguẩy:
- Thôi, giờ con muốn mua gì thì mua theo ý con. Mua tốt thì má mặc tốt, xấu mặc xấu. Người ta dòm vô khen chê thì cũng sẽ biết do con nó đối xử với má nó ra sao hà.
 
Dương cố gắng kiềm nén để khỏi nói ra những lời hỗn hào:
- Con nói rồi. Con đã đổi ý không mua gì cho má nữa. Chỉ sợ mua xong má khen chê mắc công buồn vui. Chuyện của má để con má lo, con không lo nữa, ơn ích gì má ơi.
 
Bà trợn mắt ngó Dương, nghiến răng trèo trẹo:
- Lộ bản chất rồi hén?
 
Trước mặt tụi nó thì ra vẻ ngoan ngoãn chìu chuộng tao, sau lưng lại đối xử với mẹ chồng như vậy. Chiêu này tao quá rành rồi mầy không chơi tao được đâu. Đừng ỷ nó thương rồi làm tàng. Dù sao tao cũng sanh ra hai đứa nó, tụi nó hờn tao nên mới vậy chứ bỏ má nó được sao? Bỏ vợ này cưới vợ khác cũng là vợ nhưng má chỉ có một,.
 
Mầy có ngu gì cũng phải hiểu điều đó chứ.
- Bà nói một hồi tui cho đi bộ về bây giờ. Càng nói càng thấy ghét. Tui nhịn không nổi anh em họ nhịn bà nổi mới lạ. Bà ngon thì kêu anh Khắc bỏ tui đi. Giờ theo tui chở về hay muốn đi bộ về nè?
 
Dứt câu, Dương không mua cả trái cây mà đi ra chỗ gửi xe, bà Nhum cun cút đi theo. Bà chửi Dương suốt từ đó về tới nhà.
 
Vào nhà, thấy anh em Khắc đang cưa gỗ ra từng đoạn để đóng đồ, bà dùng dằng ngồi xuống đi văn cái rầm:
- Nói chở đi mau quần áo mà có mua bộ nào đâu?
 
Còn nặng nhẹ má đủ điều. Riết dâu con gì muốn leo lên đầu mẹ chồng ngồi. Trên trời dưới đất mới thấy con này là một. Tại anh em bây coi trọng nó quá nên nó làm mẹ cái nhà này, mẹ luôn cả tao nữa đó mà.
 
Khắc nhìn Dương, hỏi khẽ:
- Chuyện gì vậy em?
- Má đòi mua ba bộ đồ mặc xài, hai bộ mặc ăn nói. Em không đem theo đủ tiền nên kêu để về xin thêm anh. Vậy là rùm ở ngoài chợ hết. Em quê quá nên không mua nữa mà đưa má về. Vậy đó. Mà má khó khăn lắm anh ơi, không chịu ăn cơm nhà ra ngoài đòi ăn hủ tiếu, mà hủ tiếu đặc biệt nhen. Má kêu em đưa tiền cho má em không đưa cũng chửi. Mai mốt em không đi chung với má nữa đâu.
 
Khắc nhìn bà Nhum với vẻ mặt rất lạ khiến bà bối rối chống chế:
- Con đừng có tin nó. Nó nói chuyện với má không có chút tôn trọng, xưng tui kêu bà luôn đó.
 
Đắc chen vô:
- Chắc bà cũng nói gì đó nên chị Hai mới vậy chứ tụi tui hiểu chỉ quá mà. Ở đây ai cũng khen chỉ biết sống, qua nay tui thấy chỉ lịch sự với bà lắm, chỉ có thái độ gì với bà cũng bà do tự bà thôi.
 
Khắc thừa biết má mình ăn nói ra sao, cũng biết bà đã vượt qua giới hạn chịu đựng của Dương nên mới xảy ra tình trạng này. Nếu anh không lên tiếng trấn áp thì có ngày bà ta sẽ gây khó khăn cho Dương khi anh và Đắc vắng nhà.
 
Vì vậy, anh đứng lên dõng dạc nói:
- Nhà này dân chủ lắm, không ai thao túng được ai đâu.
 
Ngày mai, tui sẽ chở bà đi chợ, cho bà tiền để bà tự mua sắm. Nhưng chỉ một lần này thôi. Ăn uống trong nhà đã có sẵn ba bữa cơm. Tụi tui ăn sao thì bà ăn vậy, không có quán sá gì hết. Cho bà nghỉ ngơi hôm nay rồi chuyện cơm nước giao cho bà, chợ búa vợ tui lo.
 
Hàng tháng tui sẽ trả lương cho bà để bà có tiền riêng, ở với anh em tui thì cứ ở, không ai đuổi xua còn nếu bà ngựa quen đường cũ đi kiếm đàn ông thì một đi không trở lại đó nghen.
 
Đắc bồi thêm:
- Ba năm trước bà nói có ông nào bao bọc bà, còn muốn dắt anh em tui đi theo. Giờ bộ ông đó chán chê bà ha gì rồi mà bà quay về vậy? Đừng có nói là ổng chết rồi nhen.
 
Bà Nhum không trả lời mà hỏi lại Khắc:
- Vậy mỗi tháng con trả lương cho má bao nhiêu?
 
Khắc chưa kịp nói gì thì Đắc phá lên cười:
- Nghe nói tới tiền mắt sáng rỡ. Mẹ nào mà nấu cơm cho con ăn lại đòi lương hôn.
 
Vậy bà muốn bao nhiêu?
- Má còn khỏe, tập honda cho má chạy để má đi chợ cho, Dương ở nhà phụ tụi con làm này làm nọ. Tới bữa cơm chỉ có việc lên ăn thôi.
 
Cả nhà quay quần như vậy giúp được hai con má cũng vui lòng.
- Giúp hả? Giúp mà đòi lương.
- Thì cũng có cái bỏ túi cho yên tâm vậy thôi. Má dành dụm nếu như mấy đứa cần thì má đưa ra, Coi như con bỏ ống vậy.
 
Đắc quá bực mình không kiêng dè chi nữa, gắt lên:
- Dẹp đi bà nội. Tụi tui không còn là con nít cho bà dụ.
 
Đưa xe, đưa tiền chợ, phát lương cho bà thì chỉ trong vòng hai tháng bà bỏ đi mất mẹ, kỳ này hốt bộn phải không? Dẹp dẹp. Ở nhà, chợ búa chị Hai lo. Bà nấu cơm rửa chén, mỗi tháng anh Hai chi cho bà bốn triệu là hậu hĩ lắm rồi. Đừng có làm quá khó coi lắm.
 
Còn nếu như bà không muốn lệ thuộc tụi tui thì để tui nói với ông Năm, tới mùa nhổ đậu bà lại đằng đó phụ lặt ngày kiếm coi được một trăm ngàn hôn. Làm bù đầu tới tháng cũng không bỏ túi được ba triệu bạc chứ đừng có mơ tưởng chi cho xa.
 
Khắc sợ Đắc nói quá lời sẽ mang tội nên xen vào ngắt ngang:
- Bà chưa từng lo cho anh em tui, bà bất nhơn nhưng tụi tui không thể bất nghĩa mà bỏ bà được. Tui nuôi cơm bà, đưa tiền lương cho bà là quá biết điều rồi. Đừng đòi hỏi thêm gì khác.
 
Nếu bà già cả lụm cụm tui sẽ không kêu bà làm gì, cho bà nghỉ ngơi. Nhưng bà còn lanh lẹ lắm, đầu óc nhạy bén nghĩ ra nhiều trò, nói thẳng ra là tui không tin bà. Cho nên bà đừng có viện cớ đã sanh ra anh em tui rồi làm quyền ở đây. Hai đứa con bà đã chết đói từ mười mấy năm trước rồi.
 
Tới đây thì bà Nhum xác định được trong mắt tụi nó không còn người mẹ này nữa. Chúng nuôi bà vì chúng cần người giúp việc. Mướn ai cũng vậy thà mướn bà để đày ải trả thù thời gian bà bỏ chúng. Chúng được tiếng cưu mang mẹ mình nhưng bên trong là tìm cách hành hạ bà.
 
Không sao cả, bà cũng chẳng ở lại đây lâu. Nhà này trước sau cũng vẫn là nhà của bà một cách hợp pháp. Cho dù bà có đi năm sông bảy núi thì trở về sổ đất vẫn mang tên bà. Nếu chúng không biết điều thì bà sẽ đuổi chúng dọn đi không kịp. Chừng đó đừng trách sao làm mẹ mà không nghĩ tình. Bây giờ thì nhịn, nhịn để ở lại cuối tháng có bốn triệu. Ở vài tháng sẽ có cục bạc mà đi chu du cho nhàn nhã cuộc đời. Đi tới đâu bà cũng không sợ đói vì bà có cái nghề mà.
 
Nhưng tại sao bà không trụ được nơi nào lâu, thời gian thì lời nói của bà không còn linh nữa, bà không nhìn ra quá khứ tương lại của ai, nói vài ba câu là bị người ta mắng chửi đánh đuổi phải dời đi nơi khác. Bây giờ bà khôn hơn rồi, có tiền sẽ thủ thân không bung ra búa xua cho thằng đàn ông nào nữa. Bọn nó chỉ lợi dụng bà cho đến khi bà không còn giá trị thì tàn nhẫn đuổi xô.
 
Ba tháng bà có mười hai triệu, quơ quào thêm chút đỉnh rồi đi, tiền thủ trong người khi nguy biến mới lấy ra dùng còn hàng ngày sống vào cái miệng. Khỏi phải nhìn sắc mặt ba đứa quỷ quái chớ hề kêu bà một tiếng Má coi sao.
 
Bà nhịn hết. Hàng ngày nấu cơm, rửa chén. Nhà có máy giặt nên chuyện giặt giũ Dương lo. Cuối cùng thì bà cũng có được ba bộ đồ bộ và hai bộ đồ ăn nói. Ăn nói con mẹ gì, hai cái quần đen và nai áo bà ba màu xanh dương bà màu đỏ gụ y chang màu sơn của mấy bộ bàn ghế. Thằng Khắc lựa mua chứ có cho bà chọn đâu? Mặc vô ngó già cóng thiệt bực mình.
 
*
Hết chương 06.
          Còn tiếp chương 07.
 
Lê Nguyệt
 
 Trở về
Các bài viết khác:
Truyện dài: CON TỪ MẸ (09) (08/12 16:05:07 PM)
Truyện dài: CON TỪ MẸ (07) (04/12 13:43:36 PM)
Truyện dài: CON TỪ MẸ (05) (30/11 09:48:43 AM)

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo