Hôm nay chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Truyện dài: CON TỪ MẸ (05) (30/11/2024 09:48 AM)
Lê Nguyệt

Chương 05: Nhưng Dương sẽ không can thiệp vào mối quan hệ của mẹ con họ. Cô thương chồng và em chồng.
 


Họ vui cô mới vui. Nếu vì chữ hiếu anh chấp nhận cho bà ở lại đây và gọi bằng má thì cô cũng sẽ theo anh, hiếu thảo với bà.
 
Dương không muốn mình là rào chắn giữa mẹ con của chồng. Xuất giá tòng phu. Anh đã tốt với gia đình cô lắm rồi. Anh nói chờ thằng Út lớn chút sẽ kêu nó qua dạy việc cho nó để làm có tiền dành dụm cưới vợ nhẹ gánh cho cha mẹ cô.
 
Bà Nhum ngủ một giấc thẳng óng. Dương ngó mà mắc cười hoài. Miệng há hốc phập phều theo tiếng ngáy khè khè như cả đàn rắn đang rủ nhau đi. Người chi mà xấu đủ thứ.
 
No đủ rồi, không biết sĩ diện hay xấu hổ gì hết, bới tô cơm ăn no xong nốc cả bình nước trà, cái tô cũng không đem ra sau dẹp được. Mới nói mấy câu đã ngáy như vậy rõ ràng là người không hề biết lo.
 
Tiếng xe Honda của anh em Khắc đánh thức bà Nhum dậy. Ngó hai đứa con cao lớn mạnh mẽ, ăn bận lịch sự bà vội chạy ra nắm tay từng người, đon đả:
- Mệt hôn con? Má về rồi nè. Từ nay má sẽ ở lại chăm sóc cho hai đứa. Má hứa.
 
Khắc khựng lại còn Đắc ngoe nguẩy, tàn nhẫn nói:
- Ai mượn?
 
Bà Nhum trơ trẽn nhoẻn miệng cười nịnh nọt:
- Coi cà, Cái thằng. Má nó về mà nó không mừng chút xíu nào hết hà.
- Mừng thì được gì? Hồi đó khổ muốn chết còn không mừng mà giờ mừng gì nữa? Về rồi chừng nào đi? Lúc này anh em tui bận lắm không có rảnh mà nói chuyện với bà.
- Thì tụi con cứ làm chuyện của tụi con. Má ở đây coi sóc nhà cửa cho con được rồi.
- Ai mượn? Nhà có chị dâu rồi không cần ai nữa hết.
 
Bà có vẻ hơi quê mới quay sang níu tay Khắc:
- Rầy nó coi con. Đâu thể nói chuyện với má mình như vậy được? Ai nghe sẽ nói mất dạy đó.
 
Bà tính tìm đồng minh vì nghĩ Khắc sẽ biết chuyện hơn Đắc. Dè đâu, anh lạnh lùng gỡ tay bà ra đi vào trong rửa mặt buông lại một câu:
- Tụi tui mất dạy từ hồi con nít tới giờ. Sợ gì nữa?
 
Bà Nhum thấy thái độ hai đứa con trai rõ ràng là không hoan nghênh bà nên có phần hụt hẫng. Nhưng phải ráng nịnh bợ chúng chứ nếu không thì sẽ đi đâu bây giờ? Cái ông hứa hẹn rước bà về ở chung lo cho nửa đời sau của bà, ngờ đâu chỉ là lời hứa suông để dụ bà lên giường. Bản thân ông ta sống chật vật nhờ vào tiền chu cấp của con cái.
 
Chúng nó dễ gì nuôi thêm một người đàn bà xấu mặt lại xấu miệng. Cho nên, bà có thể tới lui nhờ ông ta chỗ ngủ và làm vật giải trí cho ông, ban ngày thì đi tìm mối gạt người. Hàng xóm chỗ của ông ta cũng rêu rao: Thầy bói hay tự người ta tìm tới, không ai tự mình đi kiếm mối cả.
 
Riết rồi bà không có đồng bạc để ăn cơm, ông ta cũng chán chê bà nên thẳng thừng xua đuổi. Bí đường, nửa đêm bà chôm của ổng số tiền con ông ta vừa gửi cho cha chúng mà bay về đây, hy vọng Khắc đã ra nghề và anh em họ sẽ báo hiếu cho bà.
 
Bà không thể ngờ Khắc có cơ ngơi như vậy, lại lấy vợ rồi. Mà con vợ này coi bộ khó dạy chứ không ngoan. Nếu từ đầu không dằn mặt nó sau này sẽ lừng thì bà khó sống. Bà luôn tin rằng dù hai đứa con giận má nó nhưng dẫu sao cũng là người sanh ra anh em nó, nhà cửa lại là của bà, đố cha đứa nào dám bạc đãi bà.
 
Ngờ đâu, thái độ lạnh lùng này nói lên điều gì? Lẽ nào bà mất quyền làm mẹ? Lẽ nào bà không thể hưởng phước từ con hay sao? Bà có đến hai thằng kia mà?
 
Bà cố gắng ngọt ngào với anh em Khắc:
- Má về rồi. Lẽ nào hai đứa không cho má ở đây sao?
 
Khắc vẫn giữ thái độ lạnh lùng ban đầu:
- Tụi tui mồ côi đã lâu nên quen không có cha mẹ rồi. Anh em tui đã từng mong đợi má mình quay về sống bên cạnh, dù cho nghèo nàn túng thiếu chúng tôi cũng nuôi nổi bà. Nhưng hy vọng ngày một lụn tàn. Má của anh em tui không hề quan tâm tới tụi tui.
 
Bà ta không cần biết hai đứa con nít sống ra sao, miễn sướng thân mình là được. Em tui nhiều đêm ôm bụng đói ngủ mà không dám khóc sợ anh nó buồn. Nhiều bữa ăn mót khoai lang, đậu phộng uống nước lã tối đau bụng chảy re, nếu nó có chuyện gì tui cũng đành để nó chết chứ tiền đâu mà chạy chữa. Những bữa lặt ngọn lang luộc, qua hàng xóm xin nắm muối về chấm ăn qua bữa.
 
Ai cho được tô cơm thì anh em nhìn nhau nước mắt ngắn nước mắt dài. Nếu không có gia đình ông Năm thì tụi tui chắc chết đói ở một góc nào đó khi thúi lên người ta mới biết. Mẹ nuôi thằng con bốn tuổi đã vất vả rồi, huống chi tui mới tám tuổi mà đeo trên lưng thằng em, ngơ ngác, bối rối, lo sợ và nghĩ mãi vẫn không hiểu nổi sao má mình không giống má người ta?
 
Nhưng thôi. Khó khăn kinh khủng đã qua rồi. Tụi tui không oán hận chi bà bởi vì trong lòng anh em tui không có bà nữa, chúng tui không có bổn phận phải lo lắng cho nửa đời sau của bà. Nói một lần thôi.
 
Thấy Khắc quyết liệt như vậy bà Nhum tính chơi chiêu cuối, đòi lại cái nhà. Nhưng như vậy thì cạn tàu ráo máng quá. Vợ thằng này giàu, lỡ bên nhà nó cho đất nó dời cơ sở qua bên đó thì uổng công bà sanh con cho thiên hạ nhờ hay sao?
 
Đâu được nà? Đâu phải bà chưa từng cố lỳ, chưa từng chịu nhục hạ mình cầu xin người ta. Vậy thì xuống nước một chút để có chỗ ăn chỗ ở, để có người hầu hạ thì thiệt thòi gì chứ?
 
Bà ngồi phịch xuống đi văn, hai tay bưng mặt khóc hụ hụ:
- Má biết mình khốn nạn, không xứng làm người.
 
Chẳng qua má bỏ đi để kiếm tiền về nuôi hai đứa ăn học nhưng má luôn thất bại. Má tin bà con xóm này sẽ không để hai đứa đói khát, nhất là có bà Ba ở đây. Khi má về định ở luôn nhưng thấy các con có việc làm, được ông bà Năm thương, má ở lại chỉ khiến ba mẹ con đói khổ thêm nên má đành bấm bụng ra đi cho các con có chỗ nơi yên ổn. Tấm lòng của má Đất Trời làm chứng. Chứ hỏi thử trên đời có người mẹ nào không thương con mình chứ?
 
Khắc trước nay nói năng lựa lời nhưng Đắc thì không vậy. Nghe những câu ngụy biện của bà nó càng nổi sùng lên, phang ngang bửa củi liền:
- Thôi mệt quá trời quá đất rồi nhen.
 
Đi cho đã rồi giờ thấy người ta làm được muốn về làm giọng mẹ hưởng phước hả? Dẹp dẹp. Tụi tui mồ côi lấy đâu ra má để phụng dưỡng nữa chứ? Khóc khóc khỉ khô gì ai mà thương.
 
Bà Nhum bưng mặt chạy ra sân. Anh em Khắc nhìn nhau. Đắc coi bộ hả hê nhưng Khắc lại có vẻ đăm chiêu tư lự.
 
Dương đến gần anh, đặt hai tay lên vai chồng, cô dịu dàng nói:
- Thôi anh, dù sao cũng là má mình.
 
Bà cũng có tuổi rồi, đâu thể cứ để bà lang bạt mãi được. Nuôi thêm bà mình cũng không có nghèo đâu, nhưng ít ra anh cũng cảm thấy thoải mái hơn bây giờ. Nghe lời em đi, người ta nói “Lúc trẻ rời nhà, về già hồi hương”. Em nghĩ anh cũng khó chịu nếu sau này không biết nắm xương tàn của má anh lưu lạc phương nào, phải không?
 
Khắc nắm tay Dương:
- Em muốn anh đưa bà về ở cùng à?
 
Dương gật đầu. Khắc nhếch môi cười:
- Em không biết tính bả đâu, thích nói hơn làm. Em sẽ khó sống với bà ấy.
- Quyền trong nhà là của anh, em là vợ anh. Bà muốn làm gì em cũng không phải dễ.
- Em muốn thử thì anh để cho em thử. Nhưng phải hứa với anh, không vì bà ta làm bất cứ điều chi mà em giận dỗi bỏ đi được không?
 
Dương cười xòa choàng tay qua ôm cổ chồng:
- Con người em kiên định lắm. Anh thừa biết àm còn gài.
 
Đắc chen vô:
- Chị đừng lo. Còn có em đây chi? Bả cũng chỉ mới bốn mươi tuổi thôi. Còn lội đàn ông được mà. ở với mình không lâu khi trắng da dài tóc thì cũng kiếm đàn ông mà đi thôi. Em nói như trong kinh, để anh chị coi.
 
Dương lườm Đắc:
- Dù gì cũng má mình, đừng nói như vậy nghe hôn?
- Nói á. Bịt miệng em cũng nói.
 
Hồi tụi em còn nhỏ xíu nhưng đã làm cho ông Năm rồi, bả về không cho được đồng bạc mà còn xin tiền anh Hai đặng đi nữa. Mới hơn mười tuổi làm gì có tiền mà cho bả kiếm trai? Tụi em nhín từ đồng từ cắc cho anh Hai học nghề. Thèm hủ tiếu chảy nước miếng tới rún mà có dám ăn đâu.
 
Được cái bà Năm hay làm món này món nọ cho Chị Hân, anh Khánh ăn nên tụi em cũng được ké. Không có ông bà Năm thì em với anh Hai chết đói mục xương luôn rồi chứ con đâu cho bả về nằm vạ.
 
Khắc đang lấp lửng chưa quyết định thì bà Ba dắt bà Nhum lại. Nói tới nói lui với anh em Đắc, rầy có, năn nỉ có. Cuối cùng thì Khắc đồng ý cho bà ở lại. Nhưng anh ra điều kiện là đồ đạc bà để teong cái thùng dưới đi văn, anh sẽ đóng thêm cái thùng, ngủ ngoài đi văn chứ không được chiếm phòng của Đắc, để dành cho nó cưới vợ.
 
Bà Nhum trợn mắt tính kêu lên nhưng bà Ba đã kín đáo nhéo bà một cái rồi nói với Khắc:
- Nhà chật chội quá nên con sắp xếp sao cũng phải.
 
Ăn nhiều chứ ở bao nhiêu. Từ từ làm dư dả cất nhà lại, nếu như má con biết sửa đổi thì chừng đó ngăn cho nó một phòng cũng đâu muộn.
 
Bà Nhum được nước làm tới:
- Nhưng tui làm mẹ mà tụi nó để tui nằm tênh hênh như vậy hay sao?
- Chứ mầy muốn gì nữa? Đuổi thằng Đắc ra ngoài để mầy vô hả? Làm mẹ thì phải hy sinh cho con. Nếu như nhà này mầy cất cũng nên nhường cho nó. Có chỗ ăn chỗ ngủ là tốt rồi, đừng được voi đòi tiên khó coi lắm. Tao can thiệp lần này thôi. Về sau là tự mầy phải sống cho phù hợp. Đừng có lanh chanh làm quyền tao không bảo đảm mầy được ở lâu đâu.
 
Nhìn mặt là biết bà Nhum không hài lòng nhưng anh em nhà họ mặc kệ.
 
Bà Ba về, Khắc mới hỏi:
- Đồ bà nhiều hôn để tui coi đóng cho bà cái rương.
 
Bà trơ trẽn một cách kỳ lạ:
- Giờ thì chưa có gì, nhưng con hãy đóng cho má cái rương bự bự, sau này má sẽ sắm nhiều.
 
Đắc đốn liền:
- Tiền đâu mà bà sắm nhiều? Tụi tui chỉ nuôi cơm thôi chứ không cho tiền bà đâu. Mà ở đây bà cũng phải phụ chị Hai cơm nước chứ hổng có ngồi không được đâu.
- Ừ, má chịu mà. Hàng ngày phát tiền chợ má đi mua đồ ăn về cho.
- Dẹp. Vụ này có chị Hai rồi. Chị chạy xe ra chợ mua một lần ăn hai ngày.
 
Bà Nhum thấy thương lượng với Đắc coi bộ khó hơn Khắc nên ráng nhịn. Chờ khi nào chỉ có mình Khắc bà sẽ nói. Đắc coi mòi chuyện gì cũng nghe theo sự sắp xếp của anh nó chứ người làm má này không có ký lô gam gì với nó cả.
 
Khắc kêu dọn cơm lên ăn. Dương nghĩ đơn giản là bà Nhum đã ăn rồi nên chỉ dọn lên ba cái chén. Bao nhiêu đồ ăn cô múc ra hết. Ngờ đâu bà cũng sà lại ngồi. Khắc thấy vậy đưa mắt nhìn Dương như muốn hỏi cô không chào đón má mình sao? Dương hiểu ý nên đánh đầu:
- Lúc nãy mới vô nhà má đã bới tô cơm ăn rồi. Cái tô em vừa dẹp xuống.
 
Bà Nhum vội nói:
- Đó là má ăn trưa. Giờ cơm chiều cũng phải ăn chớ?
 
Đắc nhìn nồi cơm rồi đứng dậy:
- Nhà nấu cơm đủ ăn, bà ăn rồi nhiêu đây cũng không đủ cho ba đứa tui. Giờ muốn ăn nữa thì tui nhường phần mình cho bà đó. Tui ra tiệm ăn.
 
Ai cũng bất ngờ tới phì cười khi thấy bà đứng dậy đi về phía Đắc:
- Vậy con chở má đi ăn tiệm với. Để vợ chồng anh Hai con ở nhà có không gian riêng. Nghe con.
 
Đắc né ra, trừng mắt:
- Mắc cười quá. Dẹp bà đi. Anh Hai tốt bụng nên chứa chấp bà, đừng nghĩ tui đã bỏ qua cho bà đâu. Xáp xáp vô tui là mang nhục đó.
 
Nói xong, Đắc dắt xe honda ra ngoài nổ máy đi tuốt. Bận này nó có ý định lấy le chơi nên chạy honda chứ bình thường đi đâu gần gần Đắc đều đi bằng xe đạp đòn vông. Bà nhum tẽn tò tới tội nghiệp.
 
Dương thấy vậy cũng không đành lòng mới nói:
- Thôi ăn cơm đi má. Ăn xong con chở má đi chợ đêm sắm vài vộ đồ. Hình như má về tay không chẳng có quần áo gì. Má đừng buồn Đắc. Em nó ăn nói bỗ bã vậy chứ tốt bụng lắm.
 
Đi làm chỗ nào cũng được người ta thương. Nhiều nhà kêu gả con gái cho nó mà nó chưa chịu nói còn nhỏ. Má cứ ở đây lâu dần nó sẽ thương má chứ gì.
 
Khắc vẫn im lặng nhìn Dương bới cơm ra ba chén. Bà Nhum nghe vậy cũng yên tâm không lo nữa. Dù sao cũng còn có con dâu này biết điều. Thằng Khắc coi mòi nghe lời vợ. Mình nắm được con vợ nó thì thế nào cũng nắm được anh em nó thôi. Bà đã lăn lóc bên ngoài bao nhiêu năm, loại người nào chưa từng tiếp xúc chẳng lẽ thúc thủ với ngay con ruột của mình hay sao?
 
Kệ đi. Con bà sanh ra, nó làm nên chuyện, kiếm đầy ứ tiền thì người làm mẹ như bà phải quản lý trong ngoài thay con nắm quyền sinh sát chứ. Hai đứa nó còn trẻ người non dạ chưa hiểu tâm ý sâu xa của má nó rồi thì sẽ hiểu thôi.
 
*
Hết chương 05.
          Còn tiếp chương 06.
 
Lê Nguyệt
 
 Trở về
Các bài viết khác:
Truyện dài: CON TỪ MẸ (09) (08/12 16:05:07 PM)
Truyện dài: CON TỪ MẸ (07) (04/12 13:43:36 PM)

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo