Ít ra, bây giờ cô không còn lo sợ đói cơm khát nước nữa. Cuộc
sống dần ổn định chỉ có một mẹ một con không lệ thuộc ai. Từ từ rồi sẽ dành dụm
tiền mà an cư lạc nghiệp nơi nầy.
Như thì khác cô, tính chị ấy phóng khoáng cởi mở, giàu nhưng
không kênh kiệu, đã hết lòng vì gia đình chồng nhưng không nhận lại được gì mà
càng ngày họ càng coi chị như công cụ kiếm tiền.
Như đâu phải là người đàn bà tầm thường cho kẻ khác lợi dụng?
Chẳng qua chị giúp họ là do thương, nhưng một khi tình thương đã bị lợi dụng
thì lòng tự tôn cũng bị xúc phạm, không dễ gì tiếp tục nữa được đâu. Cúc tin
chắc chắn là như vậy. Huống chi, Tân cũng không phải là người chồng gương mẫu
một lòng một dạ với vợ nhà.
Dù lo cho Như nhưng Cúc luôn tin rằng chị ấy sẽ dũng cảm vượt
qua tất cả. Người phụ nữ ấy vô cùng bản lĩnh, tự kiếm tiền chi trải cho sự học
của mình không nhờ đến cha mẹ khi mà gia đình thuộc diện khá giả, tự xây dựng
tổ ấm riêng mình và các con thì đâu dễ gì bị đánh guc trước những cơn giông bão
mà theo Cúc là nhỏ nhoi, không đủ sức làm tê kiệt Như đâu.
Nhờ sự quen biết với bà chủ nhà trọ, có người em làm Hiệu Trưởng
trường cấp 2 Trân theo học. Anh ấy giúp Cúc chỉnh hồ sơ, học bạ cho Trân đính
kèm theo đơn yêu cầu đổi họ cho con được chính quyền Ba Tri xác nhận làm hai
bản, lưu một bản, Cúc giữ một bản.
Mọi việc suôn sẻ.
Tiếp tục công việc hàng ngày là bán buôn kiếm sống và tích lũy.
Bé Trân nghỉ hè nên xoắn xuýt bên cạnh mẹ. Hầu như đa số công nhân đều cảm tình
với Cúc và ủng hộ cô, Cúc bán gì cũng đắc. Thường ngày hay có một sinh viên đến
mua vài cái bánh ít của cô, có khi mua những vật dụng cần thiết. Bao giờ anh
cũng đứng lại nói chuyện vẩn vơ và trêu chọc bé Trân.
Biết bé sắp vào lớp tám, anh nói khi nào có bài tập gì không
hiểu thì có thể hỏi anh, hàng ngày anh sẽ ghé qua đều đặn. Anh tên là Dân, Lê
Chí Dân, sinh viên năm cuối trường Đại học Công nghệ.
Cúc rất có cảm tình với sinh viên nầy. Dân gọi Cúc bằng chị xưng
cậu với Trân, mỗi khi ghé qua thấy Cúc bận rộn bán hàng anh cũng phụ chị lấy
giao cho khách. Dần dà, Cúc xem Dân như người nhà, như một đứa em trai. Bé Trân
cũng quấn quít anh, gì cũng cậu Dân, cậu Dân.
Được biết Dân người Cà Mau lên Sài Gòn học, sau khi ra trường sẽ
xin việc làm tại đây. Dân là con trưởng còn hai đứa em một trai một gái ở cùng
cha mẹ. Vì vậy, anh sẽ cố gắng tạo sự nghiệp và trụ lại Thành phố để không
tranh chấp gia sản với em của mình.
Cúc hỏi vì sao học ở Sài Gòn mà phải về tận Bình Dương thì Dân
cười cười, thú thật là cha mẹ anh đã mua riêng cho anh miếng đất cất cái nhà
nho nhỏ, chung quanh trồng toàn là cây ăn trái nhưng chưa có thu hoạch. Thỉnh
thoảng cha mẹ cũng lên chơi và ở lại với Dân vài ngày.
Khi Dân tốt nghiệp Đại học, bẵng đi một thời gian anh không tới
lui với Cúc nữa. Cúc nghĩ Dân đã có việc làm nên bận rộn. Cô vẫn bình thường lo
chuyện của mình. Cứ nghỉ hè và Tết là thu xếp về thăm mẹ vài hôm, nhà chật lại
thuê mướn nên Cúc không đưa mẹ lên chơi với mình được.
Thỉnh thoàng Như cũng đến chơi với cô, Cúc thấy dạo nầy Như có
vẻ tươi tắn hơn, biết trang điểm để làm đẹp, cô cho rằng đây là bí quyết giữ
chồng của Như nên mừng cho bạn.
Trân trổ mã thành một cô gái, càng ngày càng xinh đẹp, Trân là
bản sao nhan sắc của Cúc thời thiếu nữ. Khả Tú cũng cùng học lớp 12 như Trân,
giữa hai đứa cũng có tình bạn như hai người mẹ của chúng. Tuy ít gặp nhau nhưng
khi gặp thì nói đủ thứ chuyện tương lai. Trân nhất định thi vào trường Đại học
Kinh Tế còn Tú thì chọn Đại học Ngoại ngữ.
Tuy có rắt nhiều người đeo đuổi nhưng Trân không hề chấp nhận
bất kỳ ai. Nó nói phải ưu tiên cho việc học, phải có nghề nghiệp ổn định để lo
cho mẹ về sau. Và nếu khi Trân đúng ba mươi tuổi, ai muốn kết hôn với nó thì
phải chấp nhận ở rể vì nó không thể nào bỏ mẹ mà theo chồng. Cúc nghe con tuyên
bố vừa thương vừa mắc cười.
Bỗng một hôm Dân ghé qua Tiệm, lúc nầy nhìn anh rất bụi đời. Da
đen nhẻm và ốm hơn trước rất nhiều. mẹ con Cúc ngạc nhiên khi thấy Dân tiều
tụy. Nghĩ rằng công việc của anh không suôn sẻ nên cũng không dám hỏi.
Thấy biểu cảm của hai mẹ con, Dân phì cười:
- Sao chị nhìn em như người ngoài hành tinh vậy?
Cúc chống chế:
- Do lâu gặp cậu quá.
Lúc nầy công tác ở đâu mà ít tới lui với chị vậy?
- Em giờ là giảng viên của Trung tâm dạy nghề Bình Dương.
Em dạy môn tin học. Ngoài giờ dạy ở trường em còn chạy xô ở các
Đại học khác nên bận rộn lắm. Nhịn đói hoài nên ốm nhom chị thấy hôn? Sực nhớ
năm nay bé Trân học 12 rồi nên đến coi bé có cần gì thì giúp nó, chứ để lâu
ngày nó quên ông cậu nầy luôn à.
Trân hí hửng, mặt sáng bừng:
- Cậu dạy tin học hả? Trời ơi, cái môn nầy con bị ức chế lắm nè.
- Ức chế chỗ nào thì trình bày với cậu, cậu gỡ rối cho. Mà con
định sẽ thi vào trường nào?
- Đại học kinh tế.
- Woa, Đại học kinh tế tiếp xúc với con số là chủ yếu, vậy thì
phải cố gắng giỏi môn tin học, sử dụng nhuần nhuyễn vi tính mới không làm khó
con được.
- Bởi vậy con mới lo.
- Có cậu rồi không phải lo gì nữa đâu.
Dân bỗng nheo nheo mắt ngó Trân:
- Nhỏ nầy ngày lớn coi đẹp gái dữ thần luôn ha. Có bạn trai
chưa?
Trân nguýt ngang:
- Bạn trai gì cậu ơi. Con chưa có nghề nghiệp ổn định, chưa báo
hiếu mẹ con thì không nghĩ đến chuyện tình cảm cho riêng mình đâu.
- Nói nghe được ghê ta. Nhưng nói ra là phải giữ lời đó nghen.
- Quân tử nhất ngôn à cậu.
- Giỏi. Vậy chuẩn bị đi, cậu sẽ ghé thường xuyên hơn.
- Cho con số điện thoại di động của cậu đi. Đừng nói là cậu chưa
có nhen.
- Bậy bậy, cậu chạy xô tùm lum mà không có điện thoại sao được.
Khoe cho con giật mình chơi nè, điện thoại di động vừa mới phổ biến chưa lâu là
cậu có liền đó nha.
- Dữ dữ…
- Chứ sao nữa. Hahaha…
Nhìn hai cậu cháu chuyện trò vui vẻ Cúc thấy ấm lòng. Sao mà cô
cảm tình với cậu thanh niên nầy kỳ lạ, cứ cảm giác như thân thiết, như ruột
thịt của mình…
Đến ngày Trân thi Tốt nghiệp Phổ thông, Dân chạy xe Honda đến
đưa rước hai ngày rồi dẫn Trân đi ăn sau khi hoàn tất cuộc thi. Anh trìu mến
nhìn Trân:
- Tự tin hôn?
- Đậu thì chắc là phải đậu rồi cậu nhưng không biết có điểm cao
hay không thôi.
Nếu điểm cao được tuyển thẳng vào Đại học thì tốt quá cậu ha?
- Hết chế độ đó rồi con. Thủ khoa cũng phải thi thôi. Bất quá
được thêm điểm cộng. Nhưng con cũng thuộc thí sinh vùng ven rồi, có thêm 1 điểm
nữa đó.
- Đâu phải mình con được đâu cậu.
Con chỉ muốn mình đậu thủ khoa để được thêm điểm cộng sẽ hãnh
diện cho mẹ hơn. Nhưng cũng hy vọng mong manh quá.
- Hy vọng là lẽ sống trên đời mà con. Con người ta khi không có
hy vọng là không có mục đích sống. Cho nên, dù lâm vào bất cứ hoàn cảnh nào
cũng không nên từ bỏ hy vọng.
Đến ngày có kết quả, Trân chưa kịp đến trường để dò thì Dân đã
đến, tay xách theo con vịt quay và mấy ổ bánh mì, cười rộn rã khi vừa thấy Cúc:
- Chị, hôm nay em đến ăn mừng thủ khoa của chúng ta nè.
Trân nhảy cỡn lên:
- Thật hay chơi vậy cậu?
- Cậu mà nói chơi sao? Thiếu 1 điểm nữa là điểm tuyệt đối đó
nhen nhỏ. Cho nên cậu mua con vịt quay nầy để ăn mừng đây.
Cúc bậm môi, ôm lấy Trân mà nước mắt chảy dài, cô thủ thỉ với
con:
- Mẹ mãn nguyện lắm con. Coi như công sức mẹ con mình đã được
đền bù.
Trân đưa tay lau nước mắt cho mẹ, cười cười:
- Chưa chi mà mẹ mãn nguyện rồi. Con còn phải vào Đại học, phải
ra trường có việc làm hẳn hòi chừng đó mẹ hãy vui và tự hào.
Cúc gọi điện báo tin cho Như hay và cô cũng vui mừng khi nghe
Như cười ra nước mắt cho biết Tú cũng đã tốt nghiệp với số điểm cao.
Đến ngày thi Đại học, cũng chính Dân đưa Trân vào Sài Gòn để
thi. Như kêu Trân lại nhà nghỉ nhưng Dân thuê cho nó phòng trọ cậu cháu cùng ở
qua đêm vì thi đến hai ngày.
Thấy vẻ tự tin của Trân sau buổi cuối ra khỏi phòng thi, Dân dắt
cô bé đi ăn ở một nhà hàng nho nhỏ, anh cười nói với nó:
- Bây giờ cậu còn nghèo nên chưa đãi con ăn được món ngon vật
lạ. Chờ con tốt nghiệp cậu sẽ đưa con đi ăn nhà hàng lớn hơn nhen.
Trân cười hì hì:
- Biết con có đậu không mà cậu lo xa quá.
- Đậu thì phải đậu rồi nhưng không biết có đạt được cái thủ khoa
hay không thôi.
Trân ha hả cười thích thú, câu nầy nó đã nói với Dân hơn tháng
trước, vậy mà Dân vẫn nhớ để trêu ghẹo nó.
Về nhà, Cúc băn khoăn không biết có nên mướn phòng trọ cho Trân
ở một mình nếu như nó đậu, còn đến nhà Như thì ngại với Tân. Dân trầm ngâm một
hồi rồi ý kiến:
- Theo em, chị nên để nó tự độc lập bốn năm Đại học, ít ra nó
cũng sẽ trưởng thành hơn. Em cũng hay về Sài Gòn dạy thêm giờ cho các trường
Đại học, nhân tiện tới lui thăm nó.
Chứ nếu như chị muốn nó đi về mỗi ngày cũng được vì có xe bus
đón đưa. Nhưng như vậy mất thời gian hết, bây giờ người ta là sinh viên Đại học
rồi chứ không phải là học sinh phổ thông nữa đâu, giờ giấc khít rêm.
Chị thương con thì ở nhà ráng bán thêm gì đó để lo cho nó học
bốn năm suôn sẻ không phải chạy đôn chạy đáo làm thêm lo chi phí sinh hoạt là
được. Hàng tuần em sẽ đến đón nó về chơi rồi đưa đi hoặc là đi xe bus cũng
tiện.
Trong khi Cúc đắn đo suy nghĩ thì Trân phá lên cười:
- Chưa chi hết mà hai người tính đủ thứ. Lỡ như con không đậu
thì sao?
- Không có lỡ như. Chắc chắn là phải đậu.
- Nhưng con cũng nói cho cậu biết, lỡ như con không đủ điểm vào
Đại học kinh tế, con thà ở nhà ôn luyện thêm năm nữa chứ không vào Đại học khác
hoặc cao đẳng gì cả.
Trong đơn dự thi của con không có nguyện vọng 2.
- Cậu biết rồi. Con quên cậu đã nói gì sao? Bất cứ trong hoàn cảnh
nào cũng không nên tắt hy vọng. Đậu! Phải đậu mới được.
Trân cảm động, nhìn anh bằng ánh mắt yêu thương:
- Cậu tốt với mẹ con con quá. Chừng nào cậu cưới vợ con sẽ tới
phụ cậu từ A đến Ă luôn.
Và Trân ngạc nhiên khi thấy Dân cúi mặt xuống, buồn buồn:
- Cậu không cưới vợ đâu.
- Tại sao? Đừng nói với con là cậu BĐ nhen.
- Nói bậy. BĐ gì mà bê đê.
Chỉ là cậu sẽ cưới người nào thật sự cậu yêu và cũng yêu cậu.
Không vì cha mẹ mà cưới đùa cưới đại.
- Cậu làm như mình đã từng vi cha mẹ mà cưới vợ vậy. À mà sao
con không hề biết gì về nhân thân cậu hết vậy cậu Dân?
- Biết nhiêu đó đủ rồi rồi. Biết thêm nhiều càng chán cậu hơn.
Hahaha…
Và kết quả như mong đợi của mọi người. Trân đậu vào Đại học Kinh
tế với số điểm là 29 khi điểm chuẩn của trường là 27.
Bên kia, Khả Tú con gái của Như cũng đậu vào trường Đại học
ngoại thương khoa ngoại ngữ Anh.
Không có niềm vui nào bằng đối với Cúc. Sự hy sinh của cô bao
năm qua đã được đền đáp. Cô quyết định trước khi Trân nhập học phải về quê thăm
mẹ để báo tin vui và nhất là để cho nhà bên kia biết mẹ con cô bây giờ không
còn bị ai chà đạp và bắt đầu thay da đổi thịt rồi.
*
Hết chương 06.
Còn tiếp chương 07.
Lê Nguyệt