Hôm nay thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Truyện dài: THẰNG KHÁ CON AI? (01) (08/11/2024 10:52 AM)
Nguyễn Thành Nhàn

Chương 01. Tiếng lổn cổn từ trong cái bao nặng nề mà thằng Khá vừa mang về, cái bao có vẻ lớn hơn thân người của nó.
 


Nó bận một cái áo quá dài che tận xuống tới hai ống chân. Cái áo đã ngả sang màu bã trầu, chỗ đen chỗ đỏ, lốm đốm đủ màu. Nhìn vô sẽ tưởng nó mặc áo không có mặc quẩn. Cái áo này bà Tư má nó đã lụm được từ cái bao người ta vứt bỏ trước cửa nhà chờ xe đổ rác tới gom..
 
Ngày đầu tiên đưa cho nó mặc, miệng bà cứ tấm tắc khen:
- Mầy bận cái áo nầy vô coi lớn hẳn ra, khác quá . Trời lạnh khi ngủ có thể khỏi đắp mền nữa đó. May mắn cho mầy, tao mà không lẹ tay người khác thộp mất uổng.
 
Thằng Khá có biết gì đâu, má nó nói sao thì nó nghe vậy, trong đời nầy má nó là người thân duy nhất, nó hoàn toàn tin tưởng vào bà bất cứ điều gì. Cho nên nó chưa một lần cãi lại dù bà có đánh mắng oan ức, bản thân nó chưa bao giờ làm điều gì cho bà la rầy nó cả, chỉ là bà bực bội chuyện ở đâu rồi trút lên mình nó. Nó dành trọn vẹn tình yêu thương cho bà, mặc kệ bà có yêu thương nó không.
 
Bà Tư đang lui cui trong xó bếp nhìn ra cửa theo quán tính, dưới ánh đèn đường vàng vọt rọi xuống bà không cần nhìn rõ cũng biết rằng thằng Khá con trai bà đã về tới. Vì chỉ có nó mới có những âm thanh cùng tiếng bước chân và hơi thở nặng nề bà nghe hàng ngày nên không thể nhầm lẫn vào đâu được.
 
Nhìn vào đống linh tinh mà thằng Khá vừa đổ ra bà Tư nói trống không:
- Cha, bộn ha? Phải chi ngày nào cũng có nhiều như vầy thì đỡ khổ quá, ngoài đường chắc đông người lắm hả?
 
Thằng khá không trả lời rõ ràng chỉ ừ hử cho qua chuyện. Nó với tay lấy bình nước để dưới đất đưa lên miệng uống ừng ực. Rồi đưa tay áo lên lau sơ qua miệng. Mọi khi sau khi vào nhà và bỏ bao ve chai trên vai xuống, nó thường đi thẳng lại chỗ để nồi niêu chén đũa mở vung mấy cái nồi nhìn vào xem có cái gì có thể ăn được không, nó hy vọng có chút gì trong đó.
 
Và sẽ rất sung sướng nếu như nó thấy trong nồi có nửa củ khoai hay miếng bánh. Nhưng thường thì không có gì. Nó thừa biết má nó sẽ không để dành gì cho nó, tuy nhiên vì nó đói bụng nên vẫn hay làm như vậy.
 
Nhưng hôm nay khác hẳn nó không đi vào xó bếp mà đi thẳng tới chổ nó nằm hằng đêm, mặt có vẻ ưu ám và nằm xuống yên lặng.
 
Bà Tư từ lúc thằng nhỏ về tới giờ, chỉ hỏi suông nó đúng một câu, rồi xoay qua làm chuyện vụn vặt của bà, không thèm quan tâm thằng nhỏ trả lời làm sao, cái mà bà để ý là mớ hổn độn mà nó vừa vác về và đổ xuống đất. Trong đầu bà đang làm một bài toán xem chỗ đó bán chừng được bao nhiêu tiền mà thôi. Sau một hồi chợt bà quay đầu lại hỏi, cũng câu hỏi không có chủ ngữ:
- Ngủ rồi à? Hôm nay ra ngoài chắc có người cho ăn tràn họng rồi chớ gì? Tết mà.
 
Bà hỏi cho có hỏi, vì bà thừa biết Tết thì nhà nào cũng bận rộn có ai dư thời giờ mà nghĩ đến tình cảnh nghèo nàn như bà, càng không có ai cho thằng Khá cái gì dù là một cái bánh hay viên kẹo. Họ chỉ lo tập trung vào gia đình, bạn bè, người thân, có ai mất thời gian cho người khác đâu, dù rằng ngày thường họ siêng năng đi chùa và làm phước.
 
Nghĩ tới xã hội, bà Tư thấy cay cú trong lòng.
 
Thằng Khá từ lúc về đến nhà nó nằm yên nhắm mắt quay mặt vào vách nhà. Nói là vách nhà cho có chớ thật ra là vài miếng thùng giấy cứng. Má nó lượm ngoài đường đem về chấp vá cột lại với nhau rồi treo lên chỗ nằm cho bớt gió mà thôi, kể cũng lạ, những đêm trời không gió, mấy miếng giấy không đưa qua lại chạm vào nhau tạo ra âm thanh lạch phạch thì nó cũng khó ngủ, tiếng ồn ào cộng với tiếng xe chạy rần ì vậy mà ngủ ngon. Nó đã quen rồi.
 
Thật ra má con nó đâu có nhà cửa gì đâu? Sống ở gầm cầu đó thôi. Từ lúc nó có ý thức đã cùng má nó ở đây rồi. Cũng bị đuổi mấy lần nhưng đâu có chỗ nào đi nên cố lỳ hoài vậy đó. Khá cũng không mơ tưởng ở nhà cao cửa rộng. Đối với nó, chuyện đó hết sức hoang đường. Bởi vì trong trí nhớ ít ỏi của mình, nó vẫn còn mường tượng ra hình như có một thời, nó cũng được ở trong nhà cao cửa rộng, chăn êm nệm ấm cùng với một người đàn bà nữa. Nhưng bây giờ cái nhà, chỗ ngủ, bữa ăn ngon thậm chí khuôn mặt người kia nó cũng quên mất tiêu rồi.
 
Nhưng hôm nay lại quá, như có một nỗi buồn nào đó nhè nhẹ luồn vào đầu óc, Khá cố nhắm mắt lại để ngủ nhưng không thể tập trung được, quanh cảnh bữa nay cứ từng đợt, từng đợt lóe lên trong tâm trí nó. Hơn nữa vừa rồi má nó vô tình nhắc đến hai chữ Tết mà, với độ tuổi lên mười, khi trương bạn rộn ràng vui xuân thì nó không hiểu Tết là gì .
 
Nó chỉ biết hôm nay ra đường nhiều người nói vậy và có người thì thảnh thơi, có người thì hối hả. Nhiều thanh niên thiếu nữ cười đùa vui vẻ lắm. Nhiều gia đình kéo nhau đi từng tốp, ai ai cũng mặc đồ rất đẹp nữa. Miệng mấy đứa con thì ríu rít xem mòi thích thú, nó cũng cảm thấy vui lây, nó rất ngạc nhiên là trong lúc nó bới tìm những thứ mà mọi người bỏ đi thì có người còn hào phóng đến cho tiền nó nói lì xì cho con.
 
Nó nhất quyết không nhận, không phải là nó chê bởi vì hằng ngày cũng có mấy người lớn đi lượm y như nó thấy nó còn nhỏ lại có một mình nên cũng thương tình dặn nó :
- Nè nếu có ai cho con, hay biểu con làm bất cứ thứ gì thì tuyệt đối không lấy và cũng không làm nghe không. Họ dụ con đó, coi chừng họ bắt cóc con à, họ bán con đi nơi khác thật xa thì chết nên hãy liệu hồn.
 
Với lại ngày thường khi lượm các thứ người ưa bỏ ở ngoài đường trong thùng rác, khi thấy nó lấy bỏ vào bao có người còn đi đến nhìn vào bên trong xem có gì quí giá hay không, dễ gì có ai cho nó tiền đâu. Hôm nay sao lại???
 
Khá suy nghĩ mãi không tài nào ngủ được, tiếng con muỗi vo ve đậu vào chân, nó cũng chả thèm quan tâm. Tiếng con tắc kè quen thuộc đâu đó lại vang lên từng hồi, nó thầm nói rằng ngủ đi tắc kè ơi, mầy kêu om sòm hoài, hay mầy cũng như tao đang bị phân tâm bởi lời nói của nhiều người? “Tết mà”.
 
Sáng hôm sau, thằng Khá vẫn chiếc áo dài ngang đầu gối lấm lem, trên vai vẫn mang cái bao đi từ đường nầy sang đường khác, đến trưa khi đã lượm đầy những thứ mà thiên hạ bỏ đi trong đêm, nó lủi thủi quay trở về con đường về “nhà” nó dưới gầm cầu . Lúc nầy mặt trời chói chang, nó cũng khá mệt mỏi , vì đêm qua nó thức rất khuya , gần sáng nó mới chợp mắt được một lát thì má nó lại kêu ơi ới:
- Thức dậy đi thằng quỷ sống. Nếu mầy không đi sớm, tụi khác nó lượm hết thì sao?
 
Khá mệt mỏi cũng cố gắng ngồi dậy. Thằng quỷ sống là tiếng má nó gọi nó nhiều hơn tên Khá. Thôi kệ đi. Má đẻ ra mình nên muốn gọi gì thì gọi. Nó sửa soạn để ra đi như mọi ngày, đầu thầm nghĩ không biết những đứa khác giờ nầy có bị thúc giục thức giấc như nó không? Hay là tụi nó vẫn đang êm ái mà ngủ tiếp. Phải chi hôm nay má nó cho nó ở nhà một ngày chắc nó ngủ thêm đã lắm. Khá chặc lưỡi, thôi kệ mình phải đi kiếm tiền cái đã, mặc kệ tụi nó. Mình không giống tụi nó, má mình cũng không như má người ta…
 
Khá ngồi xuống ven đường lấy áo quẹt vội mấy giọt mồ hôi trên trán. Cái áo dài thiệt là tiện lợi. Chợt nó nghe tiếng mấy đứa bạn cùng lượm ve chai với nó đang cười nói vui vẻ , hình như đang chơi trò chơi gì vui lắm, nó tò mò đi tới và dừng lại trước một đám con nít quen mặt, tụi nó đang quây quần chơi bầu cua cá cọp, tụi bạn nó đứa nào cũng quần áo mới, trên tay cầm cái bao giấy màu đỏ thẫm, bên trong có mấy tờ tiền giấy mới tinh thẳng tắp, chúng nó lấy ra đặt vào con cua, con tôm ... miệng thì la hét ồn ào vui vẻ.
 
Khá đứng nhìn và yên lặng, mắt nó dán vào tấm giấy đủ màu sắc phía dưới và những tờ tiền mới tinh mà bạn nó cứ lấy ra và để vào. Khá thấy vui lây, không biết từ lúc nào miệng nó cũng bắt đầu bàn tán xôn xao :
- Đặt vào con cá nầy nè, mầy nghe lời tao đánh vào con cua đi .
 
Bận nào theo lời nó, đám trẻ cũng thắng. Rồi một thằng kêu lên:
- Khá chơi đi mậy, lấy tiền đặt vô chơi đại đi Tết mà. Nãy giờ nếu mầy chơi thì cũng kiếm bộn bạc rồi, khỏi đi lụm ve chai nữa. Tết phải chơi xả láng sáng về sớm chứ.
 
Lại nghe hai chữ “Tết mà” từ mấy đứa bạn. Khá lại im lặng không nói gì, mấy đứa nhỏ thật vô tư đầu óc trong sáng, không hiểu rằng thằng Khá cũng muốn tham gia lắm chớ, nhưng trong túi không có đồng nào, từ sáng tới giờ nó đói bụng quá trời, đi qua chỗ mấy bà bán bánh còng bánh cam nó thèm muốn chết mà không có tiền mua lấy tiền đâu mà chơi cùng tụi bạn.
 
Nghe đứa kia rủ đầu mũi nó cay cay, chạnh nghĩ Tết hay thiệt, có thể làm cho mọi người từ già đến trẻ vui vẻ , hớn hở. Làm cho những tờ tiền cũ biến thành mới. Vậy Tết có thể nào cũng giúp cho nó có một bộ quần áo mới, đôi dép mới, có một cái bao giấy màu đỏ trong có mấy tờ tiền giấy mới tinh giống như những đứa bạn nó không? Mình không cần nhiều như tụi nó chỉ có một chút xíu thôi cũng vui lắm rồi.
 
Hay là Tết chỉ dành riêng cho những đứa có đầy đủ cha mẹ và những gia đình có điều kiện, những người sang trọng và giàu có? Còn riêng nó thì không, mấy năm trước nó còn nhỏ không biết gì nhưng năm nay nó thấy hơi khác lạ, và tự hỏi tại sao vậy? Nhà người ta nghèo biết mấy mà Tết mẹ nó cũng ráng sắm cho con bộ quần áo mới, đôi dép mới. Còn nó? Làm quần quật quanh năm. Được bao nhiêu tiền đưa hết cho má nó mà cũng chưa từng được một bữa ăn ngon?
 
Má nó không giống má người ta. Chưa bao giờ má tắm rửa vuốt ve hôn hít nó. Nhiều đêm mưa gió lạnh lùng, mấy tấm cạc tông không đủ che gió, nó lạnh cuộn tròn người lại, lếch gần má để hy vọng bà ôm nó trong tay sưởi ấm. Nhưng bà lại nhích ra ngoài né nó.
Má không thương nó. Không thương một chút nào. Vậy thì bà sinh ra nó làm gì?
 
Bỗng có một giọng nói cất lên trong trẻo, có lẽ là giọng con gái cắt ngang dòng suy nghĩ của nó:
- Tao không cho thằng Khá chơi bầu cua đâu.
 
Mấy đứa kia lao nhao:
- Tại sao vậy mậy?
- Tao không cho nó chơi chung bởi vì nó không có quần áo mới, đồ đạc cũ mèm hôi rình hà. Chơi gì mà chơi, thôi đi đi.
 
Mặt thằng Khá lúc đó chắc giống mặt con tắc kè dưới gầm cầu, có khác chăng là con tắc kè còn biết cất giọng ngạo nghễ ắc è ắc è oai vệ, còn nó thì chết lặng, hai lổ tai ù đi, cổ họng nóng rang khô khốc, mặt nó đỏ bừng không nói nổi một lời. Hai tay buông thỏng, cái bao ve chai rớt cổn xuống đất. Nó lẳng lặng rời đi, đi mãi một hồi tới một gốc cây nó ngồi xuống.
 
Hai mắt đỏ hoe, nước mắt không biết từ đâu lã chã rơi xuống hai bên má gầy gò của nó, chỉ có tàn cây là lắm lúc nghiêng bên nầy ngả bên nọ để cố gắng che mát, hình như cây đang thì thào vào tai nó như muốn nói con khóc đi, khóc nữa đi, thời gian còn dài, có thể khóc suốt cả một cuộc đời mà.
 
Nó ngồi đó rồi ngủ quên, hơi nóng cũng bắt đầu dịu xuống. Thức dậy, Khá không biết mình đã ngủ bao lâu. Nó đưa tay định lấy chai nước nhưng tay nó không đụng vào vật gì, Khá chợt nhớ ra là đã đánh rơi chỗ mấy đứa nhỏ hồi nãy rồi, thôi kệ bỏ luôn. Thế nào về cũng bị má nó chửi không cho ăn cơm nhưng nó sẽ năn nỉ, mai nó kiếm cái khác. Chứ giờ mà kêu nó lại chỗ cũ, thì thà nhịn khát chứ cho nó bao nhiêu tiền thì nó cũng nói không. Nhục nhã lắm, mắc cỡ lắm .
 
Khá ngồi dựa vào gốc cây nhìn bâng quơ về phía trước, lúc nầy không gian thật lắng đọng, chỉ thỉnh thoảng có vài cơn gió thổi bay đi những chiếc lá vàng mà thôi.
- Thằng Khá phải không con?
 
Có tiếng một người đàn ông hỏi. Khá quay lại, thấy một ông lớn tuổi ngồi trên một chiếc xe đạp ngừng gần chỗ nó ngồi và nhìn nó.
- Dạ con đây ông Sáu.
 
Thằng Khá biết ông Sáu vì hàng ngày nó thường đi ngang nhà con trai ông. Hình như ông ở dưới quê lên nhà con chơi hay sao đó, vì trước đây nó không thấy ai khác ngoài hai vợ chồng và hai đứa con mỗi khi nó đi ngang, mọi người quanh đó thường gọi ông là ông Sáu.
 
Khá biết ông, còn ông thì có lẽ không biết gì về nó, người lớn thì thường ít ai quan tâm đến mấy đứa nhỏ, hơn nữa nó cũng bình thường không có gì đặc biệt cả. Ông già dựng chiếc xe vào gốc cây chỗ nó ngồi. Lúc nầy nó mới để ý thấy trên yên xe sau có chở cái bao mà lúc nãy nó bỏ lại chỗ mấy đứa bạn .
 
Ông từ tốn chậm rãi ngồi xuống cạnh nó, nhìn nó thật lâu, nét mặt có vẻ thương cảm rồi nói:
- Hồi nãy ông ngồi trong nhà uống trà nơi con chơi bầu cua với mấy đứa khác đó, ông thấy và nghe hết, thật là bậy hết sức, ông đã la rầy tụi nó rồi.
 
Không có gì đâu con, đám bạn con chỉ nói suông miệng thôi, không có cố tình chọc ghẹo hay ghét bỏ coi thường gì con cả đâu. Đừng buồn. Rồi ông hỏi thăm con, tụi nó chỉ cho ông chạy theo hướng nầy, tới đây ông mới thấy con đó. Thôi bỏ qua chuyện lúc nãy nhen .
- Mà ông kiếm con chi vậy?
 
Ông Sáu cười nho nhỏ, cố gắng tỏ ra thân thiện làm quen:
- Bộ con còn giận tụi bạn con à?
- Con hết giận tụi nó rồi, con nhỏ đó nói đúng mà, con không có quần áo mới cũng không có tiền chơi. Nếu như con có giống như tụi nó thì có lẽ nó sẽ không nói con như vậy.
 
Ông sáu đánh trống lãng:
- Tết nầy nhà con ăn tết lớn không ? Có quần áo mới chưa?
 
Nó nhìn ông tỏ vẻ không hiểu, ông Sáu lặp lại:
- Thì ông muốn biết gia đình con có giống như bao gia đình khác có mua thịt cá hoa quả về cúng trong nhà không vậy mà.
 
Thằng nhỏ ngây thơ trả lời:
- Không có ông ơi, nhà con không có cơm ăn lấy tiền đâu mà mua. Mà, mà…
 
Thấy nó ngập ngừng Ông sáu liền hỏi nó:
- Con muốn nói gì thì cứ nói, con đừng e ngại, ông xem con như con cháu của ông vậy.
- Vậy Tết là gì hả ông? Mà sao con thấy ai ai cũng vui vẻ hào hứng vậy ông? Nhà nào cũng sửa soạn bông hoa đẹp quá.
 
Ông Sáu nhíu đôi chân mày. Trời đất. Bây lớn mà không biết Tết là gì sao? Vậy bao nhiêu năm nay nó đón Tết như thế nào? Tự nhiên ông thấy thương, biết rằng tuổi của nó nếu ông giải thích dài dòng, chi li sợ nó không hiểu, nên ông chỉ nói ngắn gọn mà thôi:

- Tết là hết năm cũ, mọi người sẽ đón năm mới, mỗi người sẽ tăng lên một tuổi, mọi người sẽ nghỉ ngơi vài ngày tùy công việc họ làm. Nhân dịp nầy họ thường kéo nhau đi chơi, con cái đi làm ăn xa nhà dịp nghỉ nầy về sum họp với gia đình, với ông bà cha mẹ, nên con thấy mọi người hào hứng là vậy đó, con rõ chưa? Như ông vầy nè, ông ở dưới quê nhưng Tết nên con ông rước lên Thành Phố đón Tết với tụi nó cho ấm cúng.
 
Câu chuyện tới đây thằng nhóc có vẻ hiểu một chút. Ông Sáu trầm ngâm đưa tay chống cằm, nghiêng mặt hỏi nó:
- Còn ba má con có khỏe không? Hai người làm nghề gì?
- Con có má không hà, con không biết ba con là ai hết. Phải chi con có ba nữa thì thì Tết đã cho con áo mới, cho con đi chơi và còn được ăn cơm nữa, nếu con giống như mấy đứa nó thì con không bị tụi nó chọc quê con vậy đâu. Con không thích Tết chút nào hết. Nó có vui gì đâu? Toàn chuyện buồn không hà và làm cho con đói bụng nữa. Phải chi không có tết thì hay hơn.
 
Ông sáu tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên, nhìn thẳng vào khuôn mặt nó, mặt thằng nhỏ đen sạm, đôi môi khô khốc, hai má thóp vào chỉ có đôi mắt là trong sáng thỉnh thoảng chớp nhẹ.
 
Trong đôi mắt đó, ông Sáu nhìn ra nó có vẻ ẩn chứa sự khôn lanh nhưng lương thiện, phải chăng trường đời đã tạo ra con người hay con người tạo ra trường đời. Nó giống như một loại xương rồng, thích hợp sống nơi cằn khô đá sỏi hay sao? Tuổi còn nhỏ quá mà.

 
Cha mẹ nào cũng muốn con mình sau nầy lớn lên sẽ có cuộc sống tốt đẹp, nên từ lúc nhỏ đã lựa chọn những nơi tốt nhất để con mình được thành đạt sau nầy, cha mẹ nó là loại người nào mà không cho con mình được ngày Tết đoàn viên ấm áp, ngày này còn bắt con ăn mặc rách rưới đi lượm ve chai là sao?
 
Ông ngậm ngùi xoa đầu nó:
- Nhiều người từ lớn tới nhỏ điều mong chờ Tết tới, sao con lại không thích Tết, và sao nó lại làm con đói bụng.
 
Lúc nầy đây,sau một hồi trò chuyện, Khá thấy ông cũng giản dị gần gũi , không giống như mấy người trong xóm hễ khi nào thấy nó đi ngang nhà thì ánh mắt họ nhìn nó chằm chập, nó biết họ lo sợ nó có chôm chỉa cái gì hay không? Cho nên lâu ngày nó tránh tiếp xúc với mấy người lớn tuổi, ông Sáu là ngoại lệ.
 
Nó như lâu ngày không có người tâm sự, hôm nay mới được tự do thoải mái nói ra những điều nó uất ức. Khá mỉm cười đáp:
- Ông biết hôn, nếu không có Tết, con đi gom ve chai về, má con đi bán mua gạo nấu cơm.
 
Ít nhiều thì cũng có khoai lang hay xôi. Còn Tết vầy, ve chai nhiều lắm. Bán tiền đầy luôn. Nhưng má con giữ kỹ không lòi ra đồng bạc. Ai cũng hỏi Tết con có đồ mới hôn? Có đâu mà có? Má con đời nào sắm đồ mới cho con.
 
Quần áo con bận ông coi nà, toàn là lượm không đó.
- Má con không thương con sao?
- Con cũng không biết. Nhưng má không bao giờ ôm con hay nói ngọt với con như má mấy đứa kia. Than đói bụng là má chửi hà. Có một dì nọ cho con tiền mua hộp cơm ăn. Má biết nắm tóc vả miệng thiếu điều móc cơm trong miệng con ra vậy. Mà con nuốt mất tiêu rồi.
- Có hai má con mà sao không thương?
- Con đâu có biết.
- Vậy năm nay con bao nhiêu tuổi rồi? Cỡ bảy tuổi hôn?
- Trời ơi, con mười tuổi rồi đó ông.
- Học hành gì chưa?
- Một chữ cũng không biết nữa.
 
Ông Sáu xoa đầu Khá. Tội nghiệp quá. Chắc không phải con ruột hay sao chứ mẹ nào mà đối xử với con như vậy? Để chắc ăn, ông hỏi thêm:
- Con có thương má con hôn?
- Thương chứ ông. Con chỉ có mình má là người thân thôi mà?
- Nhưng má con thì sao? Có đánh đập chửi mắng gì con hôn?
- Hà rầm ông ơi.
 
Quạu lên là đánh chửi con chứ dám đánh ai? Than đói bụng thì chửi. Có bận, nhà kia giàu lắm, dọn ba cái thau mủ và nồi nhôm kêu con vô cho. Nặng quá nên khi đi ngang qua vựa ve chai con ghé bán luôn. Bữa đó bộn bạc nghen ông. Con tự thưởng cho mình dĩa cơm tấm. May hết sức, về nhà lục nồi không có gì ăn.
 
Mà con cũng nói thiệt với má là con bán được nhiêu đó, thì con cũng trừ cái tiền ăn dĩa cơm ra rồi. Nhưng má con hay lắm, thấy con không đói bụng là biết con đã ăn rồi nên đánh một trận quá trớn biểu chừa tật. Từ đó trở về sau con không làm vậy nữa. Nhịn đói thì chịu thôi.
 
Ông Sáu thương cảm sờ nắn người nó:
- Hèn chi. Mười tuổi mà dòm vô tưởng sáu, bảy gì thôi. Đẹt ngắt.
 
Câu chuyện tới đây, thằng nhỏ càng nói càng hào hứng, nó quên hết chuyện xảy ra lúc trưa. Trái với nó, ông già càng buồn bã, mũi cay cay, ông động lòng không dám nhìn nó mà quay đi chỗ khác, cố gắng giữ cho những giọt nước mắt khỏi rơi xuống đôi gò má nhăn nheo.
 
Bất chợt thằng Khá nói lớn:
- Ông buồn vì chuyện con kể hả? Không sao đâu. Còn nhiều cái hãi hùng hơn. Những chuyện con nói nhầm nhò gì?
- Con có khi nào muốn bỏ má con không?
- Không ông ơi. Má chỉ có mình con. Con nuôi má. Con bỏ đi thì má làm sao?
 
Ông Sáu nghe mà thương quá trời quá đất. Mới bây lớn mà có hiếu như vậy, trách bà mẹ của nó lòng dạ sắt đá hay nó không phải là con ruột mà ghẻ lạnh với nó như vậy. Nhưng dù không phải bà ta sanh ra, nhưng nó ngoan ngoãn, thiệt thòi vì sống chung với bả thì bà ta cũng phải thương chớ?
- Thôi con đi mót chút coi có thêm được hôn nhen ông? Nay lượm ít sịt vầy không biết về má có chửi hôn nữa đây. Bữa nào gặp con nói chuyện với ông nhiều nhen.
 
Dưới ánh chiều tà, ông già nhìn theo thằng nhỏ vai vác cái bao bị bước đi xa xa và quẹo qua con đường khác mờ dần rồi khuất hẳn, ông thở dài và nói bâng quơ một mình, không biết rồi đây thằng nhỏ, trên chặng đường dài nó cứ đi thẳng như hiện tại, hay có rẽ qua con đường khác hay không nữa. Thật tội nghiệp. Đường nó đang đi chắc chắn sẽ không có tương lai. Hay là…hay là…trong đầu ông thoáng nghĩ ra một chuyện và ông bật dậy theo chân thằng Khá. Ông muốn biết mặt má nó và cách bà ta đối xử với nó như thế nào.
 
• • •
Hết chương 01.
          Còn tiếp chương 02.
 
Nguyễn Thành Nhàn
 
 Trở về
Các bài viết khác:
Truyện dài: CON TỪ MẸ (02) (24/11 05:36:46 AM)
Truyện dài: CON TỪ MẸ (01) (22/11 16:34:20 PM)

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo