Hôm nay thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
Truyện dài: CON TỪ MẸ (01) (22/11/2024 16:34 PM)
Lê Nguyệt

Chương 01: Khi Đắc có ý Thức thì biết mình chỉ có một người anh trai bên cạnh, đi đâu cũng cõng em trên lưng.
 


Nó không có cha má, cơm không có ăn, quần áo rách rưới lang thang nhờ có hàng xóm thỉnh thoảng cho anh em tô cơm. Nhưng bao giờ nó cũng ăn trước, no nê rồi mới đưa cho anh phần ít ỏi còn lại. Anh nó luôn nhường nhịn thằng em háo đói.
 
Đắc không nhõng nhẽo như những đứa con nít trang lứa. Ngoại hình hai anh em thật xấu xí vì ốm nhách đen nhẽm. Thằng anh suốt ngày dắt em đi mót khoai lang, đậu phộng ngoài ruộng, được bao nhiêu thì ăn sống bấy nhiêu bởi không biết làm sao cho chín để ăn.
 
Con nít trạc tuổi chúng gọi chúng là đồ thất học. Đắc cay cú lắm nhưng không biết phải phản kháng ra sao. Bởi vì đúng là anh em nó chưa từng đến trường và không biết một chữ nào. Ngay cả tên mình nó cũng không biết viết một nét.
 
Sự thật là Đắc có hai anh em. Hai đứa con mà hai người cha nhưng không đứa nào biết cha nó là ai. Lúc thằng Khắc anh nó tám tuổi, nó lên bốn thì má nó đã bỏ anh em nó cù bơ cù bất sống lăn lóc ở cái nhà lá rách nát để đi hành nghề coi bói. Bà tự hào vì công việc này lắm. Bà tuyên bố là có thể nhìn xuyên thấu đầu óc người đối diện và nói trúng y chang điều họ cần, đoán được quá khứ và tiên liệu tương lai cho họ.
 
Má nó, bà Nhum năm ấy là một phụ nữ trạc hơn ba mươi tuổi, có khuôn mặt ma chê quỷ hờn nhưng lúc nào cũng dương dương tự đắc là mình xinh đẹp. Bất cứ đàn ông nào nhìn qua một lần sẽ mê muội đến quên cả vợ nhà.
 
Nhưng hàng xóm thì cho rằng Khắc và Đắc là con của hai tên đàn ông đê tiện nhất ở cái xã này. Họ ăn nằm với bà vì bà tự hiến chứ không hề có ý định chịu trách nhiệm.
 
Bà hứa với họ không khai ra nếu như có thai nhưng sau khi sinh xong thì tên của cha chúng được bà nhắc tới thường xuyên, có điều không phải đó là tác giả mà là người đàn ông đứng đắn bà luôn ngưỡng mộ và mong muốn, nhưng người ta có quan tâm chi tới bà. Vậy là bà bị vợ họ đập cho một trận buộc không được lu loa tầm xàm nữa.
 
Bụt nhà không thiêng, cái xã này người ta quá rành về bà rồi nên bà mới đi “Hành hương giúp đời” khắp nơi kiếm sống. Bỏ hai đứa con thơ không làm gì ra tiền cho cái xóm đói nghèo.
 
Cái xóm này có cô ruột của bà, cô Ba nhân hậu nên vẫn luôn cho hai đứa cháu tội nghiệp ăn cơm. Thằng anh nhỏ xíu đùm bọc thằng em khờ khạo, ban đầu thì ăn mót khắp nơi nhưng sau đó, thấy hoàn cảnh anh em nó nên cũng có người kêu anh nó phụ lặt vặt cho cơm ăn.
 
Thằng anh tám tuổi hàng ngày cõng đứa em bốn tuổi đi lặt đậu phộng để kiếm hai tô cơm ăn qua ngày.
 
Về đêm, Khắc hay ôm Đắc vào lòng, dịu dàng hỏi nó:
- Cưng có nhớ má hôn? Muốn má về ở với mình hôn?
- Không. Em không cần má. Chỉ cần anh Hai thôi.
- Anh cũng không cần má. Từ nay, chỉ có anh em mình, đùm bọc nhau tới già.
 
Đắc rúc người trong vòng ôm ấm áp của anh mình.
 
Anh em nó như cây cỏ, mặc cho nắng táp mưa sa vẫn mạnh mẽ mà lớn lên.
·
Lây lất như vậy đến khi Khắc lên mười, Đắc sáu thì hai đứa nó được ông Năm Chà cưu mang. Ban ngày ở suốt nhà ông để phụ chuyện lặt vặt như lùa vịt ra đồng, cho gà và heo cúi ăn, thu hoạch đậu thì phụ lặt, thu hoạch sắn thì bưng vô nhà.
 
Tối lại anh em dắt nhau về ổ chuột mà ngủ. Cái nhà theo nắng mưa đã dột nát, mền gối được bà cô cho, quần áo hàng xóm đưa đồ cũ của con họ cho tụi nó mặc.
 
Má chúng thi thoảng cũng về nhưng chỉ tạt ngang coi tụi nó còn sống không chứ cũng chẳng cho đồng bạc hay nấu giúp bữa cơm nào.
 
Ông Năm Chà là người dân tộc thiểu số, da đen kịn tóc quăn sít. Tiếng nói rổn rảng vui vẻ ồn ào với bà con lối xóm. Ông không nhậu nhẹt bê tha, chỉ uống khi có tiệc tùng nhưng trà thì hồi nào cũng có sẵn một bình ở nhà. Ông uống trà quanh năm thay nước.
 
Ông cưới vợ người Kinh và dắt nhau về đây nhiều năm rồi. Ông có đứa con gái vừa vào cấp ba, thằng con trai vào cấp hai. Hai đứa con ông có lòng, thương anh em Đắc lắm. Rảnh rỗi, dạy chữ cho tụi nó nhưng Đắc làm biếng, chỉ có mình Khắc chịu học thôi. Đắc nói anh nó học biết chữ là được bởi vì cả đời nó sẽ bám theo anh nó mà.
 
Hàng xóm thấy hai đứa vậy nên ai cũng thương. Mỗi lần má nó về đều bị bà cô rầy, kêu ở nhà lo cho con. Bà ta trả treo rằng ở đây không ai coi bói bộ muốn chết đói cả lũ hả? Bà Ba tỏ thái độ ra mặt, hằn học nói:
- Chứ trong thời gian mầy bỏ nó ở nhà thì nó có đói không?
 
Tao chưa từng thấy người làm mẹ nào như mầy, bỏ hai đứa nhỏ mới mấy tuổi đầu lăn lóc rồi làm sao mà sống? Vậy mầy sanh nó ra đặng chi vậy? Tại muốn sướng một lúc mà tạo nghiệt cho con nít hay sao?

 
Không biết bà Nhum khi coi bói cho người ta thì lời lẽ đâu mà văn vẻ, nhưng khi bà Ba nói vậy thì câm họng lại, nửa đêm lén bỏ đi, Khắc và Đắc cũng không bận tâm má mình bao giờ về, chúng đã quen cảnh mồ côi rồi. Với lại, có má cũng chẳng ích lợi chi thà rằng không có.
 
Bà Năm Chà là người ở huyện khác tới, mua đất cất nhà rồi mới sanh ra con gái lớn là Hân. Vậy là cũng hơn mười lăm năm rồi. Khi sanh thêm thằng Khánh thì mua thêm đất trồng trọt. Hai vợ chồng giỏi giang, giồng áng hồi nào cũng có đồ bán. Nhà nuôi cả mấy trăm vịt đẻ, mấy chục gà mái lớp ấp bán gà con lớp cho con ăn trứng.
 
Thấy hoàn cảnh anh em Đắc tội nghiệp nên cưu mang nó, nhờ nó giúp chuyện này chuyện kia theo sức trẻ con, ngoài viêc nuôi cơm còn cho nó tiền để dành. Nên khi mười tuổi Khắc đã rành rạnh việc đồng áng như thanh niên.
 
Anh em nó tướng tá bậm trợn, cùi cụi. Mười tuổi mà vác bao sắn ba chục ký đi khỏe re. Đắc lặt đậu phộng nhanh như chớp, nó chấp ba, bốn đứa cỡ nó cũng không qua nổi nó. Tới mùa lột đậu lấy hột làm giống, nó lột ngày là đủ ông Năm trồng một mùa. Cho nên, ông bà Năm thương anh em nó lắm.
 
Kêu hãy ở lại luôn nhưng tụi nó không chịu, rách lành gì cũng nhà mình. Vì vậy, ông Năm mới rủ người ta lợp lại nhà cho tụi nó, lá thì ông bỏ tiền ra mua. Vậy là anh em thằng Đắc có cái nhà lành trơn không bị mưa vùi gió táp nữa.
 
Rồi má chúng về, biết chúng đi làm ở nhà ông Năm được ông thương sửa lại nhà nên tối kêu hai đứa ngồi kế bên mà thủ thỉ:
- Con cho má vài trăm mai má đi xe.
 
Khắc lạnh lùng trả lời:
- Ăn cũng không no ở đó mà có tiền dư.
- Đi làm cho ổng mà ổng không trả tiền hả?
- Con nít làm được gì mà trả tiền? Nuôi cơm là may phước rồi.
- Vậy nghỉ kiếm chỗ khác làm.
- Nghỉ đặng chết đói.
 
Rồi nó làm thinh ôm em ngủ không thèm đếm xỉa tới má nó nói gì nữa.
 
Khắc và Đắc không vì mình chẳng khác mồ côi mà buồn. Hàng xóm ai cũng khen Đắc mới bây lớn mà biết thương em, chuyện gì cũng nhường Đắc hết. Việc chi hơi nặng nhọc một chút là nó gồng gánh cho em.
 
Ông bà Năm là người biết chuyện, thấy anh em nó đầu tắt mặt tối cứ kêu nghỉ ngơi hoài, nhưng tụi nó vẫn cặm cụi làm không ngơi tay nên ông bà thương, cho thêm tiền và chiều lại khi nhà còn gì ăn, bà Năm hay túm cho tụi nó mang về, bà nói con nít đang sức ăn sức lớn. Làm nhiều ăn ít dễ sinh ra đèo đẹt.
 
Mà cũng nhờ Trời thương hay do ông bà Năm thương, anh em nó lớn lên mạnh cùi cụi, tướng tá chắc nụi không hề bị bệnh nhức đầu sổ mũi đau bụng gì hết. Nếu có, đứa con nít như Khắc cũng khó mà lo cho em nó đàng hoàng.
 
Khánh chỉ lớn hơn Khắc hai tuổi nhưng nhìn cứ nghĩ là bằng hoặc nhỏ hơn. Hân và Khánh không ỷ vào mình con nhà khá giả mà ra vẻ với anh em nó. Chơi chung, làm chung, ăn chung. Ở tuổi Khắc và Khánh chưa biết phân biệt hèn sang, nhất là lại ở trong một gia đình nề nếp như nhà ông Năm, cho nên có thể coi như tuổi thơ của tụi nó tuy cực nhưng vẫn vui.
 
Nhờ Hân và Khang, Khắc có thể đọc được chữ, viết tên anh em mình. Khắc càng lớn càng khéo. Khi mười lăm tuổi, nó có thể tự đóng một cái giường bằng tre, đóng cái bàn bằng những mảnh gỗ người ta vứt đi. Cái nhà ọp ẹp của anh em nó đã có giường để ngủ, có bàn để ăn cơm, có cả cái kệ để úp chén dĩa tô tộ, có cái gạc măng rê cất đồ ăn.
 
Má tụi nó lại về xin tiền. Nó nói không có thì bà ta lại nhà ông Năm đòi lấy lương trước. Bị bà Năm chửi tạt vô mặt và đuổi về. Khắc biết chuyện, tối lại nó sừng sộ với má nó:
- Bỏ cái thói đó đi.
- Mất dạy. Nói chuyện với má mầy vậy đó hả?
- Anh em tui lớn lên không có ai dạy hết. Mất dạy là phải rồi. Nhưng cấm bà không được tới làm phiền nhà ông Năm. Còn vậy đừng trách tui sau này không cho bà về đây nữa.
 
Bà Nhum giận lắm nhưng biết mình mất quyền với con nên đành lặng thinh. Hôm sau thì đi.
 
Khắc mười lăm thì Hân đã vào Đại học, Khang lớp 11 rồi. Hầu như bất cứ chuyện gì trong nhà của ông Năm đều qua tay Khắc.
 
Lúc Đắc bảy tuổi ông Năm muốn cho nó đi học nhưng nó không chịu. Đắc thích lẩn quẩn bên anh mình. Tuy nó không thích má nó, nhưng cảnh má nó cứ lén trốn đi bỏ anh em nó lại hoài thì nó khắc ghi trong đầu. Đi học lỡ như anh Hai bỏ đi thì sao? Cho nên, Khắc làm đâu thì Đắc làm đó. Chỉ khi anh nó ra ruộng với ông Năm nó mới ở nhà làm chuyện trong nhà. Không thôi, nó luôn đeo dính lấy Khắc như cái đuôi của một con cá.
 
Hàng đêm, anh em nằm kế nhau, Khắc đắp mền cho Đắc, rù rì bên tai nó:
- Phụ ông Năm vài năm nữa. Tao đi học nghề. Mầy vẫn ở lại với ông bà nhen. Ngoan như bây giờ người ta thương.
- Anh đi bao lâu mới về một lần?
- Chưa đi sao biết được? Nhưng mà chờ chừng nào đủ tiền mới kiếm chỗ học. Ông Năm nói sẽ giới thiệu tao vô trại mộc học đóng bàn ghế tủ giường. Nữa về tao dạy cho mầy để anh em mình tự làm kiếm tiền. Không lẽ ở đợ suốt đời hay sao?
 
Đắc không hỏi gì thêm. Anh Hai quyết định sao nó cũng chịu. Anh Hai lớn, khôn, được người ta coi trọng chứ không phải như nó. Mỗi khi cùng đám bạn trang lứa ngồi lặt đậu phộng, chỉ có lặt đậu phộng mới có thời gian nói chuyện nhiều. Tụi nó là những đứa có đủ cha má, học hành đàng hoàng, rảnh rỗi mới đi lặt đậu kiếm tiền bánh. Mười lần như chục, nói chuyện một hồi thấy nó ngây ngô thì mấy đứa kia cười nhạo:
- Đúng là đồ thất học.
 
Lúc đầu, nó nghe mà không quan tâm bời không biết thất học là gì. Nhưng khi được tám tuổi, hiểu được ý của câu đó là thấy bực bội trong mình trong mẫy. Đắc sửng cồ liền:
- Thất học kệ cha tao, ăn hết của ông nội mầy ha gì?
 
Tụi kia ré lên cười nhạo:
- Thấy chưa? Ta nói thất học là thất học. Ăn nói cũng vô duyên.
 
Đắc quạu đeo, mặt chầm dầm. Bà Năm nghe chuyện mới rầy mấy đứa nọ:
- Đừng có cười người ta như vậy hổng có tốt đâu. Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác. Đắc sinh ra không đúng chỗ nên thiệt thòi hơn các con. Lẽ ra, các con phải thương nó nhiều hơn chứ sao lại coi thường em như vậy. Đứa nào cứ chọc ghẹo Đắc là mai mốt bác không cho lại lặt đậu đâu nghen.
 
Từ đó, tụi nó thôi không kêu vậy nữa.
 
Dù anh em Khắc Đắc chưa bao giờ nói ra, nhưng trong lòng chúng nó đã xem ông bà Năm như nội, ngoại, xem nhà của ông bà là nhà lớn của mình theo kiểu muốn ăn, muốn ngủ lúc nào cũng được. Tuy vậy, Khắc thường dặn Đắc đừng vì được ông bà thương mà lừng, mà coi đây như nhà mình, đừng thấy hai người con của ông bà thân thiết mà bắt quàng làm họ. Cái gì cũng nên có giới hạn, mình chỉ là hai đứa trẻ mồ côi bị cha mẹ bỏ rơi.
 
Lúc mới lại nhà ông Năm để lặt đậu phộng, tới giờ cơm ai nấy đều về nhà để ăn. Đắc nhìn Khắc với vẻ lo âu của một đứa nhóc không biết về nhà cơm đâu mà ăn. Bà Năm nhìn thấy mới kêu hai đứa ở lại ăn chung. Rồi như mang ơn không thể trả, Khắc đi quét sân, sọn dẹp chỗ lặt đậu sau một ngày bày biện.
 
Rồi anh em nó được ăn cơm chiều. Hết mùa đậu tới mùa sắn, tụi nó phụ nhổ sắn, cắt dây, gom dây, đem sắn vô nhà. Chúng làm đủ chuyện tưởng rằng chỉ muốn được ăn cơm nhưng ông Năm nhìn ra, chúng muốn chứng tỏ cho cả nhà ông thấy mình được việc.
 
Chỉ một tháng sau, ông kêu Khắc tập chạy xe đạp. Nó gần chín tuổi mà vóc dáng như Khánh con trai ông, mười một tuổi. Đích thân ông kiềm yên xe tập cho Khắc chạy, Đắc khoái chúi vỗ tay reo hò cổ vũ. Rồi khi nó chạy cứng cáp, ông kêu nó lấy xe chở Đắc về nhà, sáng đem xe lại.
 
Nhà ông có cái sườn xe đòn dông cũ kỹ nằm trong kho, Khắc có vẻ thòm thèm. Vậy là ông cho nó đem về cạo sửa rồi ông mua sơn cho nó sơn lại. Ông muốn thử coi nó có khéo tay không và rất ngạc nhiên khi sau đó cái sườn xe bóng láng. Ông mới mua hai bánh và ghi đông gắn vô, nói là từ nay chiếc xe này là của nó.
 
Khắc muốn khóc. Lần đầu tiên, nó sỡ hữu được chiếc xe đạp và thề trong lòng, dù sau này túng thiếu tới cạp đất mà ăn hay tiền muôn bạc vạn cũng không buông chiếc xe này ra. Đây là kỷ niệm tình thương của ông bà Năm dành cho anh em của nó. Nó sẽ nhớ ơn suốt đời và sẽ khắc sâu trong tâm khảm chờ dịp đền ơn.
 
Ông Năm Chà là người dân tộc nên học hành cũng không bao nhiêu, vì vậy ông luôn tâm niệm cho con mình trở thành ông này bà nọ nhờ kiến thức. Và cũng vì vậy mà ông động viên Khắc học chữ, tính toán cho tương lai. Những lúc rảnh rỗi ông dạy cho Đắc tính nhẫm. Cái thằng, không biết một chữ nhứt một nhưng cộng trừ nó ra kết quả cấp tốc mà chẳng cần sử dụng cây viết.
 
Để nó có hứng thú, ông giao cho Đắc tính tiền công lặt đậu. Một ký bao nhiêu tiền, mỗi buổi lặt bao nhiêu ký? Nó không có tập vở giấy viết gì hết mà tính không sai một xu. Mấy đứa kia có học cũng không có chỗ để bắt bẻ nó.
 
Khánh chơi thân với Đắc, biết nó không chịu học nhưng cũng tìm cách để dạy. Khi rảnh rỗi, hai đứa ngồi chơi, Khánh hái trái ổi đưa cho Đắc, nói đây là chữ O. Đắc nhớ rồi, Khánh mới lấy cuống ổi ngoéo ngang một cái kêu chữ Ơ, Khánh bẻ cái cuống gập lại úp lên phía trên trái ổi kêu chữ Ô. Đắc thích chí và khi Khánh mở tập ra kêu nso kiếm chữ O, Ô, Ơ nó kiếm dễ ợt.
 
Vậy là Khánh mới mua tập sách Mẫu Giáo lớp lá về dạy chữ cho Đắc. Nó dạy vui lắm. Chặt cây mía ra từng đốt, nó nói với Đắc mỗi đốt mía là một chữ I, rôfi từ đó, nó dạy chữ T, chữ U, chữ H, Khánh dùng đủ cách cuois cùng Đắc cũng nhận ra hết các chữ cái. Khánh dạy nó viết ra, sau đó thì viết những từ đơn giản như cá, má, bà…
 
Vậy mà từ từ, Đắc biết đọc biết viết lúc nào không hay. Nó bê mấy cuốn tập sách của Khánh mua về nhà, đốt đèn dầu lấy viết chì tô tô vẽ vẽ. Khắc thấy vậy cũng cùng học với em.
 
• •
Hết chương 01.
          Còn tiếp chương 02.
 
Lê Nguyệt
 
 Trở về
Các bài viết khác:
Truyện dài: CON TỪ MẸ (02) (24/11 05:36:46 AM)

TIN MỚI

TIỆN ÍCH
Giờ tại Sydney

TỶ GIÁ
Nguồn: vnexpress.net
Quảng cáo Quảng cáo

Dành cho quảng cáo