Nó cứ hỏi mầy kêu tao bằng gì giống như nỗi băn khoăn của lão Bia
hói? Mỵ đã cố tình dò la hành tung của lão ta để đòi lại tiền bán đất của mẹ cô
nhưng biển người bao la, biết ở đâu mà tìm nên đành bỏ cuộc.
Cô Bảy nói nghiệp chướng của bà Tư sắp tới rồi. Bà lo lắm nhưng
không biết làm sao mà tìm Khá về. Chỉ có nó mới bảo vệ được bà thoát khỏi hai
vong nhi này thôi. Bà ngày đêm thắp nhang khấn vái cho Khá biết đường quay về
với bà. Từ nay sẽ coi trọng nó, không đánh đập chửi mắng phũ phàng với nó nữa.
Chiều hôm đó cách một tháng sau khi Khá bị đưa đi, bà Tư bưng tô cơm
ngồi trước cửa ăn, mắt nhóng ra đường hy vọng thấy Khá chạy lơn tơn vô nhà như
mọi bữa. Bà sẽ xin lỗi và ôm nó, cử chỉ mà mười ba năm nay bà chưa từng làm.
Nhưng có kịp đâu. Hai thằng quỷ nhỏ kia đã chồm hôm lại giật lấy tô
cơm, bốc ăn vung vãi đầy mặt đất. Bà bật lên tiếng chửi:
- Tụi bây là người hay là ma? Ma sao cứ bám tao hoài vậy? Còn người
sao hổng chịu dìa nhà? Cha má bây đâu lại để con trần truồng không sợ thiên hạ
cười vô mặt hả?
Bỗng một tiếng nói phát ra từ gốc cây trước cửa nhà, bà hết hồn ngó
ra. Một người đàn bà ngồi chèm bẹp dưới đất. Máu chảy ướt cả quần lan rộng ra
một vùng. Người đó mặt cúi gầm, giọng nói rất là quen thuộc:
- Tao cũng muốn sắm đồ cho nó lắm chứ. Con trai với cháu ngoại tao
mà. Nhưng tao chờ mầy nhận con trước. Làm mẹ thì hay nhường con vậy đó. Mầy
được cơ hội làm mẹ mà không quý trọng nên hết thời rồi.
Bà Tư trợn trắng mắt. Á khẩu không nói được nửa câu. Trời ơi, hồn ma
của má bà đó hay sao? Mấy chục năm vẫn chưa đi đầu thai chờ trả thù à? Hai đứa
nhỏ là hai cái bào thai của má con bà phá bỏ phải không?
Bà Lý từ từ đứng dậy, mái tóc che kín nửa khuôn mặt chỉ còn nửa bên.
Nửa bên đó là con mắt trắng dã không có chút tròng đen từ từ tiến lại bà Tư:
- Mầy quá ác rồi con kia.
Bởi vậy đứng trách sao hồi đó tao không thương mầy. Hai đứa nhỏ này
tao cũng không biết đứa nào trong bụng tao, đứa nào trong bụng mầy nên để mầy
chọn trước. Mầy không chọn và không thờ cúng nó thì nó sẽ đeo theo mày cả đời
đừng hòng chạy thoát. Lẽ ra, tao còn bắt mầy thờ cúng tao và em của mầy nữa
nhưng nhìn bản mày là tao không ưa nổi rồi. Thứ người gì mà lòng dạ quá sức ghê
tởm.
Không chờ đợi bà Tư phản ứng gì thêm, bà Lý mới nói với cô về Khá.
Thì ra Khá là Hàn, em trai của My. Khi bà Lý mất, cha nó dắt nó đi
thì nó mới sáu tuổi.. Với số tiền lớn như vậy mà lão không mua đất mua nhà lại
mướn một căn ở thôn quê trả tiền từng tháng. Hàn nhớ mẹ khóc ngày đêm nên bị
lão Bia Hói đánh đập triền miên sinh ra khờ khạo.
Mười bảy tuổi mà trí óc như con nít lên ba. Lão ta hay bỏ nó ở nhà
một mình để đi chơi bời đàn đúm với phụ nữ góa chồng, nuôi bọn họ ăn mập thây.
Rồi một bữa nọ nó đi cầu cá lỡ té xuống kêu cha ơi cha hỡi vớt con lên. Ngờ đâu
ông ta chạy ra nhảy xuống nhận đầu nó tới ngộp thở rồi ôm lên la làng rằng nó
té ao chết đuối.
Đâu có ai nghi ngờ gì. Lão mới chôn cất nó xong thì dắt về một mụ
đàn bà. Bà Lý căm hận quá mới dụ lão ta ra ao, xô xuống và nhấn lão ta như lão
ta đã nhấn Hàn vậy. Trước khi chết lão nhìn thấy Lý và nghe bà kể tội nên kinh
sợ không nhắm mắt được.
Oan hồn của Hàn vất vưởng không ai nhang khói. Bà Lý không nỡ để con
mình đau khổ nên mới tìm cách đưa nó vào bụng của một thai phụ. Bà cũng không
biết cô gái này là người Thành Phố. Nên bà luôn dắt hai vong nhi theo dõi cô,
vậy nhà cùng cô về nhà, đó là phòng trọ, cô chỉ ở một mình.
Rủi sao người kia vừa sinh xong rồi mất. Lúc đó bà mới biết thai phụ
có chữa hoang và bị cha mẹ từ bỏ. Vậy là bà lập tức đem Hàn đến trước cửa nhà
giàu hy vọng người ta nhận nuôi.
Nhưng điều bà không ngờ nhất người mà kiếp sau của Hàn gọi bằng má
lại là đứa con gái quái qủy của bà.
Từ đó, bà luôn ở cạnh họ. Thỉnh thoảng xúi hai con ma con ra gặp để
cảnh cáo My. Nhưng cô này trấm trất, bởi tâm tính không hề có chút thiện lương.
Sở dĩ bà không trừng trị My vì muốn để cô ta nuôi nấng Khá nhưng có
ngờ đâu, lòng dạ người đàn bà này đúng là rắn rít. Vì vậy, bà ta nhất định phải
chịu trả báo cho những việc đã làm ra.
Chuyện Mỵ lăng nhăng bên ngoài bà Lý biết nhưng làm ngơ vì nghĩ rồi
sẽ có một ngày nào đó bà Liên sẽ nhìn ra bản chất của nó, tống cổ nó đi thì
thằng Khá sẽ sống bình yên bên cạnh bà Liên. Bà không vạch mặt hay nhát My vì
dù sao cũng là con gái của bà. Trước đây không phải bà ghét nó, mà bởi vì khi
còn rất nhỏ, My đã bộc lộ rõ bản chất xấu xa.
Lì lợm không ngoan ngoãn, hay trả treo không bao giờ nghe lời mẹ.
Đến khi có em thì luôn hiếp đáp giành ăn với em. Mỗi lần bà ôm Hàn hôn hít nựng
nịu, sau đó bà vắng mặt một chút là nó ngắt nhéo thằng nhỏ đến bầm thịt. Mới
mười mấy tuổi đầu đã bồ bịch lăng nhăng và thất thân với người ta. Sợ tai tiếng
nên bà mới nhốt nó lại. Vậy mà nó cũng dụ được lão Bia hói để mang thai trả thù
bà.
Kinh khủng hơn, nó giết bà rồi phơi thây giữa đường, tước đoạt nữ
trang và tiền bạc trên người bà và bỏ trốn. Người như vậy nhất định phải nhận
hậu quả dù là con ruột của bà đi chăng nữa. .
Nhưng bà chưa kịp theo dõi My thì xảy ra chuyện lão Bia hói. Vậy là
bà trừng trị lão ta trước, sau đó tìm chỗ cho Khá đầu thai. Ngờ đâu oan gia ngõ
hẹp, bà gặp lại đứa con gái khốn kiếp của mình, đành phải để nó bình yên cho
Khá bình yên. Ngờ đâu bà Liên đoản mạng.
Thay vì nó nuôi dưỡng Khá đàng hoàng khi mà thằng nhỏ rất ngoan và
hiếu hạnh, ngờ đâu, giang sơn dễ đổi bản tính khó dời. Nó nhẫn tâm đẩy thằng
nhỏ đi. Bà đâu có thể để con mình lưu lạc tha phương như vậy được. Trước đây ở
Sài Gòn, bà đã khiến ông Sáu gặp Khá rồi thương tình đưa về đây.
Bây giờ Khá gặp nguy như vậy, lẽ nào bà lại làm ngơ? Cho nên đêm hôm
đó, bà đã khiến ông Sáu thấy khó chịu trong người, nửa đêm đi ra bờ sông. Bà
kêu Khá dậy. Thằng nhỏ vốn chịu cực khổ từ khi sống riêng với má nó nên nhạy
thức. Nó thấy mình nằm trong thùng mới hốt hoảng kêu lên.
Trưởng đoàn hát cải lương phát hiện ra, mới hỏi nó biết đường về nhà
không? Nó nói biết. Vậy là nó được thả xuống đúng lúc ông Sáu đi ngang. Vậy là
ông hiểu hết, dắt nó về nhà. May mắn sao hôm đó có vợ chồng con trai ông về
chơi. Ông mới kể hoàn cảnh nó cho hai người nghe và khẳng định nó là con nuôi
của bà Tư.
Ông ân cần nhờ hai con nuôi dạy Khá tử tế, cho đi học đàng hoàng và
hãy coi nó như con. Ông dặn Khá đừng trở về đây nữa. Để coi thái độ bà Tư ra
sao. Nếu như bà ta khóc lóc ỉ ôi đi tìm thì chừng đó tính lại.
Có ngờ đâu, bà Tư vẫn ung dung coi bộ thoải mái hơn lúc trước. Nên
bây giờ thằng Khá được ăn sung mặc sướng, nó biết vợ chồng này và cũng biết
luôn hai đứa con của họ. Cả nhà coi Khá như con cái vì họ vốn thương yêu, kính
trọng và nghe lời cha mình. Khá trở về xóm cũ gần gầm cầu mấy năm trước nhưng
với một thân phận khác.
Giải quyết êm vụ Khá rồi, bà Lý bắt đầu quay sang trường phạt My.
Con nhỏ này không thể tha thứ cho nó được.
Bà Lý kể xong mới nghiêm mặt hỏi:
- Mầy biết mình tội gì chưa?
Bà Tư tuy khiếp đảm trong bụng nhưng vốn không sợ mẹ nên láo xược
trả lời:
- Tui tội gì? Phải chi hồi đó bà thương tui được một phần mười của
thằng Hàn coi tui có chứng như vậy không?
Cũng tại bà, thương con hổng đều nên mới sinh ra cớ sự chứ đổ thừa
cho ai nữa?
- Tao có bỏ đói mầy bữa nào chưa?
Hàn có gì thì mầy có nấy. Mầy để con trai chà lếch trên người mầy
năm bao nhiêu tuổi mầy nhớ hôn? Mười bốn. Thứ con nít gì mà kỳ vậy?
- Tui muốn có chồng sớm để rời khỏi bà, vậy thôi.
- Mầy sống đàng hoàng coi, đủ tuổi rồi thích ai tao gả cho người đó
nếu họ chịu cưới.
Thứ hỉ mũi chưa biết lau sạch mà hư đốn như vậy chó nó cũng chê mầy.
- Chê mà tui dụ được chồng bà?
- Chưa thấy nhục hả mậy?
Sống đến tuổi này vẫn còn tự hào về chuyện xấu xa đồi bại đó sao?
Nhưng hôm nay tao không nói nhiều với mầy chi cho tốn hơi uổng tiếng. Tao cứ ở
đây, cứ để cho hai thằng anh em hay cậu cháu gì đó bên cạnh mầy, phá rối không
cho mầy yên một ngày. Thứ ngu si đầu óc không có chút minh mẫn để nhận ra.
Có thằng Khá ở bên thì mầy yên ổn, nó vừa đi thì hai đứa nhỏ sẽ xuất
hiện chọc phá mầy. Thằng Khá nó làm gì tổn hai đến mầy mà mầy ghét nó chứ? Lượm
ve chai nuôi mầy ăn uống phủ phê bỏ nó nhịn đói nhịn khát. Có người bố thí cho
nó ăn no mầy muốn móc họng nó ra. Trời ơi, người ta nuôi con mèo con chó còn
thương. Mầy nuôi con người mà đối xử tệ bạc với nó vậy sao?
Nhưng tao cũng cảm ơn mầy. Nhờ mầy ghét nó nên nó không phải khổ sở
lo báo hiếu cho mầy mà được sống trong nhung lụa rồi. Sau này nó công thành
danh toại thì người nó trả hiếu không phải là mầy đâu nhen. Tao đã vào giấc mơ
của ông Sáu mà kể hết sự tình mọi chuyện cho ổng nghe rồi.
Ông ấy là người nhân hậu nên không đuổi mầy đi, còn cho mầy mượn
tiền buôn bán lại. Đó là người ơn của tao, của mầy và của Khá. Bận này mầy
không sống tốt nữa thì kể như đời mầy tàn rồi nghe chưa con khốn nạn?
Bà Lý nói tới đó thì biến mất. Bà Tư thừ người ra, băn khoăn trong
bụng. Giận cái ông Sáu này quá xá. Thằng Khá trở về lẽ ra ổng phải trả cho bà
chứ có đâu mà giấu đi như vậy? Nhất định bà phải đi thưa để đòi con. Giờ thì bà
biết rồi, nó là thần độ mạng của bà. Có nó bên cạnh, hồn ma của má bà sẽ không
gây khó khăn cho bà nữa.
Chuyện xảy ra cũng mấy chục năm rồi, bà Lý vẫn chưa đầu thai được
chứng tỏ bà rất quan tâm tới những đứa con. Không biết trời xui đất khiến thế
nào mà người nhà của bà Lý lại gom về chỗ của bà Tư hết. Có nghĩa là bà Lý cần
bà chứ bà không cần ai. Sống tới từng tuổi này rồi, đời cũng không mấy khi vui.
Chết thì chết chứ sợ chi? Nhưng bà không muốn chết làm ma vất vưởng như má và
mấy đứa con nít kia đâu.
Cả đêm suy nghĩ, cuối cùng bà Tư quyết định không làm bánh Tai yến
một ngày mà khúm núm tới nhà ông Sáu.
.
Hết chương 05.
Còn tiếp chương 06.
Nguyễn Thành Nhàn