Lần trở về sau bốn năm lăn lộn bên ngoài với số tiền nhiều không
nhiều, ít không ít đã thay đổi sắc diện của người mẹ tội lỗi một cách đáng
thương.
Hôm đó, Khắc và Đắc không có nhà. Con Ụt Ịt đã tám tuổi, cũng thuộc
dạng Cổ lai hy của loài chó. Nó không sủa ầm ĩ khi có người lạ nhưng gầm gừ dí
theo. Bà Nhum nhớ năm xưa nó từng cắn ống quần của bà lôi lại cho hai con chạy
ra bắt bà nên kiêng dè lùi ra sân.
Dương nhìn thấy, cô cảm giác như chuỗi ngày êm ấm của gia đình không
còn nữa khi bà xuất hiện lần này.
Và lần này bà không xồng xộc vào nhà như những lần trước mà lặng lẽ
nép bên hông cánh cửa. Dương lại nghe se thắt trái tim. Dù ghét và coi thường
bà, nhưng người mẹ mà khi đến nhà con lại thập thò lén la lén lút thì tội
nghiệp xiết bao.
Cô thừa hiểu bây giờ bà đã cùng đường, muốn quay về sống với con
nhưng Khắc và Đắc không phải là người dễ bỏ qua bởi vì hai người họ dù không
thương mẹ nhưng cũng nhiều lần bao bọc. Bà đã đi quá giới hạn đến độ họ muốn từ
mẹ thì coi bộ khó mà lay chuyển được.
Dương kéo Châu xuống nói nhỏ mấy câu. Châu gật đầu rồi dắt Hớn ra
ngoài. Vừa thấy mặt Hớn, bà nhum khựng lại nhìn trân trối vào mặt nó, môi bà
run run, mắt ầng ậng nước mà không mở miệng nói được câu nào.
Châu lại gần, ân cần hỏi:
- Dì chờ ai hả dì?
Bà nhìn Châu, lắc đầu. Rồi đột ngột hỏi:
- Con là vợ của Đắc phải không?
- Phải rồi dì?
- Đây là con của Khắc hay Đắc?
- Con của anh Hai.
Biểu cảm của bà khi nhìn ngắm Đắc khiến Châu thấy chạnh lòng. Cô bèn
vào trong nhắc chiếc ghế đẩu ra mời bà ngồi. Không ngồi, bà Nhum hỏi Châu:
- Anh em tụi nó đâu con?
- Ủa? Dì quen hai người họ à? Chị Hai ơi, chị ra xem ai như người
quen biết anh Hai và anh Ba nè.
Bà Nhum hoảng hốt đứng dậy kéo valy bỏ đi:
- Đừng kêu con. Dì chỉ đi ngang qua tính dừng lại đục nắng chút rồi
đi thôi, không dám làm phiền.
Dương đã chứng kiến tất cả, cô động lòng trắc ẩn:
- Về tới rồi sao không vô nhà mà còn đi đâu nữa má?
Tiếng Má từ miệng Dương bật ra làm bà Nhum đứng tròng ngơ ngẩn. Rồi
thì nước mắt lại lăn dài trên đôi má bạc màu sương gió phong trần. Châu giả bộ
giật mình kêu lên:
- Má sao? Má của mình hả chị Hai?
Dương gật đầu. Châu vội vã nắm lấy cái valy từ tay bà kéo vào nhà
còn Dương cũng ôm vai má chồng dắt vô. Bà Nhum ghì lại:
- Má không vô đâu con. Má chỉ tới dòm tụi con một cái rồi đi thôi.
Dương hiểu bà xấu hổ. Dẫu không biết đó là xuất phát từ tâm của bà
hay chỉ là đóng kịch nhưng những giọt nước mắt kia cô cảm nhận được sự chân
thành. Bà cùng đường rồi, người ta khi cùng đường sẽ liều mạng đến tìm người
mình thương nhất lần cuối rồi có thể sẽ không bao giờ gặp lại nữa.
Bà là mẹ của hai đứa con, chắc thâm tâm luôn kỳ vọng tuổi già sẽ có
chúng chăm lo phụng dưỡng. Bản chất của bà vốn dĩ xấu xa từ trong trứng nước,
nhưng va chạm thực tế bao nhiêu năm, đã từng nếm trải đủ mùi cay đắng ngọt bùi.
Nếu bà muốn quay lại, cam phận mẹ hiền thì Dương nghĩ, anh em Khắc cũng không
nên quá bạc đãi với người đã sinh ra mình,
Cô từ tốn nói:
- Thì má cứ vô nhà đi. Má vừa nói muốn gặp hết tụi con mà. Má cũng
chưa biết vợ của Đắc, để em nó làm cho má ly nước chanh ra mắt nghen má.
- Hai đứa nó thấy má sẽ không vui đâu.
- Anh em họ đi giao hàng tối mới về lận. Má đừng lo, có con với Châu
bảo vệ cho má.
Bà Nhum bị Dương lôi đi, bà không phản ứng nữa mà môi cứ lận tới lận
lui để không mếu, nước mắt mãi không ngừng rơi.
Châu làm cho bà ly nước chanh. Ụt Ịt thôi không gầm gừ nữa. Bé Hớn
ngồi trong lòng mẹ nhìn bà nội chăm chăm. Dương cúi xuống con trai, âu yếm nói:
- Thưa bà nội đi con. Bà nội là má của ba con đó.
Hớn khoanh tay thưa bà nội. Bà Nhum nghẹn ngào không nói được một
câu.
Dương không biết mình đúng hay sai khi mà nồng nàn với bà, khi mà cô
biết anh em họ hận bà tới xương tủy. Nhưng sự rụt rè của bà hôm nay đến nhà
khiến cô động lòng. Nếu bà không còn tiền bạc gì nữa, nếu anh em họ lại mở lòng
bao biến cho bà, nếu bà vẫn còn thói ngựa quen đường cũ mà làm tổn thương anh
em họ lần nữa thì lỗi này do chính cô gây ra.
Nhưng Dương tin câu: Đánh người chạy đi không đánh người chạy lại.
Lần này bà quay về khác những lần trước, lỗi bà gây ra có lẽ bà đã nhận đủ hậu
quả rồi. Trước mắt, cô phải giữ bà lại chờ anh em họ về để ra quyết định cuối
cùng. Quyết định sao cho lòng họ nhẹ nhàng thanh thản không vướng mắc gì nữa
thì cô sẽ vui lòng biết bao nhiêu.
Chờ bà uống xong ngụm nước, cô nắm tay bà dặt dặt:
- Má từ đâu tới đây vậy má?
Bà mím môi hỏi lại cô:
- Con kêu má bằng má sao?
- Sao vậy? Má là má chồng con mà? Em Châu cũng kêu má vậy thôi.
- Má không xứng đáng để các con gọi tiếng má.
- Đừng quan tâm nữa má ơi. Kể cho hai chị em con nghe, chuyện gì đã
xảy ra cho má?
Thấy trời cũng nhá nhem tối, Châu bật công tắt điện cho ánh sáng
chói chang rồi trở lại ngồi cạnh bên bà mẹ chồng bất đắc dĩ. Bà Nhum đặt ly
nước xuống bàn, mắt nhìn về hướng cửa một lúc rồi từ từ quay vô nhìn hai đứa
con dâu.
Bà chậm rãi nói:
- Thật ra má vẫn còn đủ hai trăm triệu đã đổi thành vàng. Trước đó
chỉ là một trăm năm mươi triệu. Năm mươi triệu là do khi mới đi, má đã ăn xài
trong vòng mấy tháng là hết. Chừng đó má mới sợ, sợ khi hết tiền không biết
phải làm sao. Để má kể cho hai đứa nghe chuyện má đã gặp trong bốn năm trời.
Tất cả những lời má nói có trời và lương tâm má làm chứng, không nửa lời gian
dối. Bởi vì, đau thương và xấu hổ lắm con ơi.
Rồi bà chậm rãi kể.
Cầm tiền xong bà quanh lên Sài gòn để sống với ông Thời. Ông này lớn
hơn bà cả chục tuổi, ông Thời nói khi ông ấy qua đời thì nhà cửa để lại cho bà.
Các con ông sau khi chia của xong đều bỏ ông ở một mình không tới lui chăm sóc,
ông hận lắm. Ông không có tiền.
Nếu bà có tiền về chung sống với ông thì ông sẽ di chúc để lại nhà
cho bà. Vì vậy bà mới về quê làm trận làm thượng chủ yếu là để các con trả hàng
tháng tiền mướn đất đủ để ông bà sống, hy vọng sau này cái nhà đó là của mình
thì bán chia cho con. Nhưng bà biết hai đứa này sẽ không bao giờ nhận của phi nghĩa.
Rồi bà mang tiền lên, nói với ông là bao nhiêu bà đều gửi ngân hàng,
mỗi tháng rút tiền lời năm triệu ra xài. Ở với ông đứt bốn mươi triệu là tám
tháng mà ông ta không hề nhắc tới chuyện làm di chúc. Thỉnh thoảng ông đi ra
ngoài một mình hai, ba ngày. Bà làm dữ ông mới kêu luật sư lại làm di chúc viết
tay có bà lăn tay vô. Nhưng bà đâu biết chữ mà hiểu trong di chúc nói gì? Di
chúc lập thành hai bản, bà giữ một bản.
Tháng thứ năm thì ông bịnh nặng, đưa vô bệnh viện bốn đứa con có mặt
đủ lo cho ông. Trước mặt bà, ông cầm cái thẻ gì đó kêu con gái Út đi rút tiền
về lo hậu sự cho ông. Lúc đó bà mới biết lâu nay tụi nó đã đòi ông bán đất dưới
quê chia cho chúng mua nhà ở Sài Gòn.
Ban đầu ông không chịu nhưng tụi nó giận dữ đòi bỏ ông một mình chết
rục ở đây. Thấy đất đai nhiều mà mình cũng không còn bao lâu nữa nên ông mới
bán chia đều cho chúng, giữ lại một phần, ổng xài không hết nên trong thẻ còn
rất nhiều. Rồi thỉnh thoảng ông tới nhà con chơi không cần chúng về thăm. Biết
mình bị gạt bà tức sôi lên.
Rồi ông mất, bà trưng di chúc ra thì trời ơi, bà đã làm trò cười cho
thiên hạ. Trong đó ông ta ghi bà là người làm công, hàng tháng ông trả cho bà
năm triệu. Nếu khi ông qua đời mà chưa kịp trả lương thì các con hãy dùng số
tiền trong tài khoản ông mà trả cho bà, thưởng thêm cho bà một tháng để tìm
công việc khác. Mà đau đớn hơn cáí tay luật sư đó là giả, do ông mướn họ làm mà
thôi.
Bà ngậm bồ hòn làm ngọt, khăn gói ra đi. Làn này không ngu nữa,
không vì đàn ông mà thân sơ thất sở. Bà đến xin việc làm ở quán cơm, quán này
rất đắt khách. Bà rửa chén dọn dẹp. Bà chủ trạc tuổi bà, thấy bà không có chỗ ở
nên kêu ở lại giữ quán khỏi tốn tiền nhà trọ.
Bà thề với lòng từ nay sẽ sống đàng hoàng lương thiện, kiếm năm mươi
triệu trong sạch bù vào đủ hai trăm triệu trở về trả lại cho con rồi lên làm
công cho bà chủ nữa. Dừng bước giang hồ được rồi, tuổi cũng lớn rồi.
Bà không nhận lương tháng, để gom đó chờ đủ năm mươi triệu lấy một
lượt. Bà chủ rất tin tưởng bà. Đó là một phụ nữ nhân hậu có đôi mắt buồn thật
buồn, chồng mất sớm, từ quán cơm ven đường nuôi nấng năm đứa con khôn lớn học
hành thành tài rồi sau khi các con đã ổn định, bà mới phát triển quán lớn mạnh
như vậy..
Hiện giờ bà sống một mình con cái đã ra riêng hết. Nhưng trong chăn
mới biết chăn có rận, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Con bà thường xuyên dắt
cả gia đình tới ăn cơm nhưng không phụ mẹ xu nào. Đi toàn xe sịn mà cứ theo
mượn tiền mẹ hoài. Đứa này mượn đứa kia hay thì cà nanh gây gổ rồi giận hờn. Bà
đành phải có bao nhiêu chia hết cho chúng.
Khi bà Nhum biết được điều đó mới hỏi lương thì bà nói cho bà thời
gian, bà trả dần hiện tại vốn chỉ đủ duy trí quán mà thôi.
Bà Nhum nhớ con mình. Bà đã phũ phàng bỏ chúng mà đi mặc kệ chúng
sống chết ra sao. Bà chưa bao giờ cầm cho con bất cứ thứ gì. Vậy mà khi bà quay
về, dù chúng giận dỗi nặng lời nhưng cũng không đuổi xua bà. Tại bà gây ra
nhiều chuyện đến đỗi mẹ con cũng không nhìn được mặt nhau.
Bà xấu hổ, muốn tạ tội với con. Thấy con người ta chỉ biết moi móc
cha mẹ mình còn con mình thì chưa từng đòi hỏi gì ở mẹ. Bà thèm sống với con
quá. Thèm nghe tiếng trẻ nít bi bô, thèm bữa cơm gia đình ấm áp. Thèm thấy ánh
mắt thân thương các con nhìn mình, thèm nghe ba tiếng “má ơi má” của các con.
Nhưng liệu có được nữa không? Được hay không chưa biết, trước mắt là
không để con nghĩ mình thân tàn ma dại hết đường đi mới quay về ăn bám. Bà phải
có tiền, trả lại hết cho con. Rồi chúng có tha thứ cho bà hay không bà cũng
không nửa lời oán trách. Bà sẽ đi làm tiếp tục kiếm cơm ăn.
Rồi giống như bà chủ quán cơm, sau khi nợ nần tứ phía mà các con
ngoảnh mặt làm ngơ, bà đã sang quán cơm, bán căn nhà nhỏ để trả hết nợ rồi vô
chùa gửi nắm xương tàn, không nương nhờ vào đứa con nào cả, bà ấy đã nhìn ra số
phận của mình ở tương lai rồi. Bà cũng sẽ nối gót theo bà chủ quán.
Còn nếu như hai đưa Khắc Đắc tha thứ cho bà. Bà sẽ hàng ngày bên
cạnh tụi nó, không bước ra khỏi nhà nửa bước. Quanh quẩn chuyện nấu cơm giặt
giũ cho chúng, nghe chúng bàn chuyện mua bán, vui chung niềm vui, lo chung nỗi
lo với con. Bà sẽ bỏ hết tâm tính xấu xa mang mểnh hơn nửa đời để trở về người
đàn bà bình thường, người mẹ bình thường như bao nhiêu người mẹ khác trên đời.
Bà Nhum kể trong nước mắt và hai người chị em bạn dâu cũng lắng nghe
bằng nước mắt. Không ai nói với ai nhưng cả hai đều tin bà, tin vô điều kiện.
- Rồi bây giờ bà muốn anh em tui bỏ qua tất cả những gì bà đã làm
với chúng tôi sao?
Tiếng nói của Khắc vang lên, cả nhà cùng giật mình mới hay trời đã
tối hẳn rồi. Anh em họ về sao không có tiếng xe?
Khắc và Đắc bước vào. Đắc không sừng sộ với má mình như những lần
trước mà lại phích đá rót một ly uống sạch. Bé Hớn đu vào mình chú Ba và được
bồng tung lên, nó cười hắc hắc chỉ bà Nhum:
- Bà nội con kìa chú Ba.
Dương biết anh em họ đã nghe hết những gì bà Nhum kể, và để cho họ
có thời gian suy nghĩ, cô hỏi chồng:
- Về sao không nghe tiếng xe vậy anh?
- Chú Trường đón anh ở ngoài nói nhà có người lạ tới nên anh tắt máy
dẫn về.
- Người lạ gì? Anh thiệt là. Anh đã nghe má nói hết rồi thì từ từ
tính nghen anh. Đừng có đùng đùng lên hàng xóm chê cười.
- Sợ gì nữa em? Mình cũng đã từng bị chê cười rồi mà. Thôi, dọn cơm
ăn đi. Anh đói bụng muốn chết. Thằng ma Đắc đòi ghé tiệm ăn hoài, em cũng biết
nó xấu tánh đói mà.
Dương và Châu lăng xăng dọn cơm, bà Nhum ngồi nép sát vách không nhúc
nhích. Khắc và Đắc cũng không nói gì.
Cơm dọn xong, Dương mời má ăn cơm. Bà ngần ngại đưa mắt nhìn hai
thằng con. Khắc lạnh lùng nhưng trong lời nói mang âm sắc lạnh lùng đó hàm chứa
biết bao điều ấm áp:
- Không ăn cơm chờ mời hoài hay sao?
Lúc này bà mới nói:
- Má không ăn đâu. Các con ăn với nhau đi.
Đắc liếc ngang:
- Từ đâu tới đây mà không ăn cơm rồi nhịn đói ngủ hả?
Châu nắm tay bà:
- Ít nhiều cũng ăn chén đi má. Coi như bữa cơm đoàn viên nghen má.
Bà Nhum mím chặt môi để khỏi bật khóc nhưng hai mắt đỏ au.
Trong bữa cơm, bà không nói câu gì, Khắc kể cho cả nhà nghe hôm nay
anh nhận thêm hàng, thằng Đắc tài lanh nhận cả đồ gia công của chú Thức. Chuyện
nhiều quá trớn nên mặt bằng không đủ chứa nữa rồi. Miếng đất sau nhà anh là của
bà Ba còn dài, chắc phải hỏi mướn thêm vài trăm mét để chứa gỗ. Hôm rồi anh có
dọ ý và ông bà Ba coi mòi cũng chịu.
Nếu mình làm ăn được thì trả kha khá cho ông bà có tiền xài
Cơm xong, mọi người còn ngồi đó, Khắc nhìn má:
- Giờ bà muốn ở lại đây phải không?
Bà Nhum mừng rỡ kéo valy lấy ra một bọc vàng nhẫn và xấp tiền để lên
bàn:
- Đây có thể hơn hai trăm triệu. Má gửi lại cho hai con. Má về đây
chỉ có ý định này thôi. Hai con kêu vợ ra tiệm vàng thử đi, không phải vàng giả
đâu. Nếu các con tha thứ cho má thì má sẽ không đi đâu nữa, suốt ngày ở nhà phụ
cơm nước giặt giũ.
Má không lấy tiền công gì cả, chỉ ăn ba bữa cơm chung với tụi con,
có chỗ nghỉ ngơi buổi tối. Má không đòi hỏi bất cứ đặc ân nào cho mình. Má thề
có Trời đất chứng minh.
Khắc nhìn bà, Dương nhận ra anh đã động lòng:
- Tiền này tui sẽ đem gửi ngân hàng cho bà, đứng tên bà nhưng sổ tui
giữ. Bà ở đây thì ở, nhưng không có được chứng lên nữa. Nhà có con nít nên cũng
không được hung hăng gây gổ với ai. Bà cứ như người mẹ bình thường trong nhà.
Theo dõi bà thời gian rồi tui và thằng Đắc mới quyết định tha thứ cho bà, kêu
bà bằng má hay không. Bà chịu vậy thì cứ ở.
Bà Nhum mừng rỡ:
- Chịu, má chịu. Điều kiện gì má cũng chịu. Nhưng con khoan nói với
mọi người kể cả bà Ba là má về, chừng nào họ biết thì biết.
Má tối ngày ở nhà sau không ló mặt ra để làm xấu hổ các con đâu.
- Bà mắc cười. Chú Trường nói với tui bà về chứ ai mà giấu? Nhưng
một khi xác định được mục đích chính của mình là ở lại thì bà ngại gì người ta
biết mình về chứ?
Đắc từ đầu đến cuối không nói câu gì. Thu xếp ổn thỏa xong, Dương
lấy mùng mền chiếu gối ra giăng trên Đi văn cho bà nghỉ. Cô ân cần:
- Má ráng ngủ cực thời gian nhen má. Chừng mướn được miếng đất phía
sau anh Khắc và Đắc sẽ xây cho má một phòng riêng hẵn hòi.
- Đừng lo cho má nữa, con. Ở trong nhà, nhìn thấy các con hàng ngày
là má mãn nguyện rồi.
Dương gật đầu. Cô biết bà mẹ chồng của mình không có đến trường ngày
nào, dốt đặc cán mai. Nhưng có thể vì bà coi bói nói dóc nhiều nên lời lẽ trơn
tru, văn vẻ như người hiểu biết. Chứ một phụ nữ quê mùa một chữ bẻ đôi không có
thì miệng mồn sao có thể linh hoạt như vậy?
Trước đây cô nghĩ bà ta chắc có bệnh hoang tưởng, nghĩ mình tài
giỏi, bệnh tự luyến cho rằng mình xinh đẹp rồi lâu ngay tự tin như vậy luôn.
Những lời bà nói cô tin, nhưng cô biết chắc là chưa đủ, bởi có thể bà đã trải
qua những chấn động tâm lý dữ dội mới hạ quyết tâm sống khác trước đây. Nhưng
cô là vợ Khắc, cô không mong chồng mình bạc bẽo với mẹ anh, dẫu bà có sai,
nhưng nếu bà hối hận thì anh em Khắc cũng nên mở lòng mà đón nhận bà.
Tối nay, cô sẽ tỉ tê với Khắc, còn lát nữa, cô cũng khiến Châu có
suy nghĩ như mình. Đắc vốn không ưa bà, nói ra câu nào với bà cũng đầy ác ý
nhưng hôm nay nó lặng thinh không mở miệng, ai mà biết trong đầu nó nghĩ gì.
Khắc đã mướn được ba trăm mét đất phía sau, mướn luôn năm mét giáp
ranh bà Ba của chú Trường để tiện cho xe tải vào. Anh lập tức xây cho bà Nhum
căn phòng bằng với phòng của anh và Đắc. Cóa giường ngủ, bàn và tủ quần áo do
anh em anh đóng. Bà Nhum hồi nào đôi mắt cũng đỏ hoe.
Tuy nói là bà lảnh nhiệm vụ nấu cơm nhưng thời gian bà chơi với Hớn
nhiều hơn. Bình thường, Hớn đi nhà trẻ do Dương hoặc Châu thay phiên chạy xe
đạp điện đưa nó đi học. Từ ngày có bà nội, Hớn nhõng nhẽo được bà chìu nên đeo
suốt. Rồi thì chỉ có bà đưa đi học và chiều đón nó về cùng ăn cơm nó mới chịu.
Châu hạ sanh một bé gái. Đắc mừng ôi thôi. Ngày Châu chuẩn bị đi
sanh, bà Nhum nói với Dương và Châu:
- Con vô bệnh viện với em nó đi. Chuyện nhà giao cho má. Má vụng về
vụ chăm con nít lắm. Chừng rước về chắc phải nhờ chị sui tắm rửa xông hơ. Đầy
tháng má coi chừng cho. Đừng buồn má nghen vợ thằng Đắc.
Nói vậy nhưng khi Châu về, bà suốt ngày ra vô dòm mặt cháu nội gái,
bưng cơm rót nước cho Châu tận giường cữ, bỏ than vô chậu cho Châu suốt. Mẹ
Châu cũng cảm kích bà.
Hàng xóm mới đầu cũng bàn ra tán vô, nói Khắc để bà đưa bé Hớn đi
học có ngày bả đi luôn rồi bán nội tạng là chết. Tất nhiên họ chỉ nói lén chứ
sao mà dám nói ngay mặt gia đình này. Bà Ba thấy Nhum thay đổi cũng thường tới
lui chuyện trò. Ông bà Năm mừng cho anh em của Khắc.
Máu mủ tình thâm sao mà bỏ được, huống chi hai thằng nhỏ này vốn
tính thiện lương, nó tốt với người ngoài được chẳng lẽ không tốt với mẹ mình
hay sao?
Nghỉ hè năm đó, Khắc nói với cả nhà:
- Lúc này cũng ít hàng, hai cô dâu với má dắt hai đứa nhỏ đi Đà Lạt
chơi một chuyến đi, Ông bà Năm tổ chức có bà Ba, dì Sáu đi nữa. Anh em anh tự
lo cơm nước được rồi. Đi về năm bữa chứ bao nhiêu. Bé Hân cũng được sáu tháng
rồi. Đi đổi gió hưởng không khí lành một chuyến. Sau này cả nhà mình thiếu gì
dịp đi chơi chung.
Bà nhum mở lớn mắt ngó Khắc:
- Con…con kêu má hả?
Đắc xì một tiếng:
- Hổng kêu má chứ kêu bằng gì? Xời.
Niềm hạnh phúc tràn lên trong lòng người mẹ tội lỗi, dâng lên tới
mặt. Đôi môi bà mấp máy nói không ra lời mà quay đi lau những dòng nước mắt
đang lăn dài.
Hạnh phúc không bao giờ là muộn màng.
Chương 11 Kết
Lê Nguyệt